Ngày Thứ 48 PHÁP THOẠI 30

14 Tháng Mười Hai 201503:24(Xem: 7845)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Bốn Mươi Tám
PHÁP THOẠI 30 (Tối ngày 4/8/ÂL)

 

Có người hỏi thầy về “sắc và không” trong câu thơ: “Cuộc đời sắc sắc không không. Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau!” rồi tiếp rằng, sắc và không ấy có phải là “sắc, không” trong Bát-nhã tâm kinh chăng?

Đầu tiên thầy xác định rõ, là sắc không ấy không phải là sắc không trong Bát-nhã Tâm kinh. Cái nghĩa “sắc sắc không không” đối với cái hiểu của người đời là “có có, không không”, nay còn mai mất không chắc thật. Cũng có thể từ sắc, không của Bát-nhã tâm kinh mà người đời hiểu “trại” ra, hiểu ra thường nghĩa, theo trình độ của đại chúng như vậy.

Vậy thì hôm nay, thầy sẽ đề cập đến ngữ nghĩa của sắc không này qua nhiều cách hiểu, qua nhiều cấp độ, tầng bậc khác nhau, qua nhiều chiều sâu, cạn khác nhau.

Và thầy nghĩ rằng, nó không đơn giản đâu. Cái săc, không này nhức đầu, nhức óc lắm đó! Vậy thì chịu khó lắng nghe.

1- Sắc, không theo quan niệm của người đời.

Đầu tiên là cách hiểu của người đã từng trải giữa cuộc đời, từng trải qua tuổi tác, kinh nghiệm; hoặc do họ là người trong cuộc đã từng nếm trải đắng cay, chua chát, thất bại, tuyệt vọng giữa dòng đời bất trắc, trái ngang.

Có người đang sống dư dả vật chất, tài sản, của cải... bỗng chốc tán gia bại sản, tay trắng không còn gì. Không những của cải, tài sản mà là địa vị, sự nghiệp, danh vọng, quyền lực... đều bấp bênh, không chắc thật, sớm còn, tối mất. Có người mái tóc còn xanh, tương lai đang màu hồng, chợt bị xe tông chết tức tưởi, mọi hy vọng của cha mẹ, dòng họ thế là đổ sông, đổ biển! Có người đang hạnh phúc bên vợ con, đùng một cái, do chồng uống rượu say mà lỡ tay, lỡ lời xúc phạm vợ, do người vợ ngoại tình... thế là gia đình đổ vỡ, tan nát, con cái ly tán không có mái ấm tựa nương. Hằng trăm, hàng ngàn câu chuyện trước mắt như thế nói lên cái “có có không không”, không chắc thật giữa thế gian khổ đế. Những câu cảm thán chúng ta thường được nghe: Ôi! Cuộc đời nay có mai không! Cuộc đời như mây nổi! Cuộc đời như giấc mộng đầu hôm! Cuộc đời như giấc chiêm bao!... Những cái mà chúng ta thường nghĩ là nó sẽ ở mãi với mình, là chỗ nương tựa vững chắc cho mình, sớm hôm kia bị lìa tan, đỗ vỡ!

Giữa những trận đồ “có có không không” thiên la địa võng ấy, có người “thức tỉnh” được, thấy ra sự thật, bèn cạo tóc xuất gia, nương náu lời kinh, tiếng mõ. Có người tự tử. Có người gục ngã không bao giờ gượng lại được, thất chí suốt đời, tuyệt vọng suốt đời, hay sống dở dở ương ương, thân tàn ma dại! Có kẻ đứng dậy được, lập lại gia đình, vợ con, sự nghiệp từ đống tro tàn... vân vân...

Đấy có lẽ do bài Bát-nhã tâm kinh “lưu lạc” giữa thế gian mà người ta hiểu “sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc”... như vậy đó, và điều ấy cũng tốt vậy, cũng thức tỉnh biết bao người đời tìm về với cửa Phật.

2- Sắc, không trong Bát-nhã tâm kinh.

Bây giờ qua cấp độ khác của sắc không. Cái này thì phức tạp lắm: Là “quán chiếu ngũ uẩn giai không”, tức là “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” để “độ nhất thiết khổ ách”.

Sắc này rất khó hiểu, cần có sự chăm chú cao độ. Sắc này không hề mang nghĩa “có có không không” như trên kia nữa, phải do quán chiếu mới thấy được.

Trước khi đề cập đến sắc này, không những sắc mà thọ tưởng hành thức nữa, vì Bát-nhã nói: “thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”, nghĩa là thọ, tưởng, hành, thức cũng là như sắc vậy.

Ở lãnh vực này chúng ta sẽ nói đến vô thường, vô ngã của tâm và pháp, hay là tất cả pháp hữu vi, pháp được cấu tạo, kết hợp.

Hãy nghe đây! Sắc trên phương diện vĩ mô là sắc thân vật lý mặc áo ăn cơn này; nhưng trên phương diện vi mô nó chỉ là tế bào, là nguyên tử, là phân tử, là sóng và hạt sinh diệt trùng trùng. Nó chuyển đổi liên tục, biến diệt liên tục nên vô thường. Vì vô thường qua thời gian nên chẳng có một thực tính, một ngã tính nào tồn tại qua không gian. Vì vô thường, vô ngã nên Không.

Thọ, cũng vậy. Thọ là cảm giác của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Cứ hễ xúc là có thọ (trong thập nhị duyên khởi). Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc là liền có nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ. Thế ra là cả hằng tỷ, hằng tỷ cái thọ đi qua mắt, tai, mũi lưỡi thân của chúng ta khi tiếp xúc với các đối tượng ngoại giới sắc, thanh, hương, vị, xúc mà ta đâu biết, đâu hay. Chúng ta chỉ cảm nhận được cái thọ thô tháo, còn những cái thọ vi tế chúng ta không cảm nhận được. Chúng ta chỉ cảm nhận được những cái đau nhức, tê, ngứa mà sinh ra khó chịu, bực bội. Chúng ta chỉ cảm nhận được những cái dễ chịu, êm ái nên sinh ra ưa thích, tham thích. Cái thứ nhất thuộc khổ. Cái thứ hai thuộc lạc. Còn những khi không có khổ, lạc thì tạm gọi là xả. Vậy thân có 3 thọ khổ, lạc, xả. Còn ý và pháp. Nó cũng tương tự. Pháp là tên gọi khái quát cái gì thuộc sắc thanh hương vị xúc đọng lại trong tâm mà Duy Thức định nghĩa về pháp rất hay, rất cô đọng: “tiền trần lạc tạ ảnh tử” nghĩa là cái bóng chết của tiền trần (ngũ trần) rơi đọng lại. Ví dụ tưởng nghĩ đến hình bóng của một cô gái ngày hôm qua. Cô gái ngày hôm qua là quá khứ, đã chết rồi. Vậy mà tâm ta lại lôi cái bóng chết đó về mà tưởng, mà tư. Vô duyên và ngu ngơ vậy đó. Cô gái bóng chết ấy không còn gọi là sắc nữa, mà gọi là pháp. Nhớ một món ăn ngày hôm qua nên thèm chảy nước miếng. Món ăn ấy được gọi là pháp. Vậy thì khi ý nghĩ tưởng đến pháp thì cũng có 3 cảm thọ. Nghĩ đến cái gì đó mà cảm thấy vui, thích thú thì gọi là hỷ. Nghĩ đến cái gì khó chịu, bực mình thì gọi là ưu. Khi không có hỷ, có ưu thì gọi là xả. Vậy ý cũng có 3 thọ: Hỷ, ưu, xả.

Thế là qua thân tâm ta có 6 thọ thô tháo nó thay đổi, chuyển đổi, biến dịch trùng trùng. Do nó cũng vô thường vô ngã nên Không, y như sắc trên kia vậy!

Bây giờ qua tưởng. Tưởng (sañña), là tưởng tri (sañjānāti), là nhận thức ban đầu, ở cấp độ 1. Khi nhìn một vật, cái mà ta nhận biết khái quát ban đầu là xanh hay vàng – thì đấy là tưởng tri. Sau đó, ta phân biệt được xanh ấy là xanh lá cây, vàng ấy là vàng chanh thì đã qua cấp độ 2, qua thức (viññāṇa) cái nhận biết của thức là thức tri (vijānāti). Một vài phút giây không biết là bao nhiêu cái tưởng này, không những qua mắt mà còn qua tai, mũi, lưỡi và thân? Nó cũng sinh diệt, biến đổi trùng trùng, vô thường, vô ngã như sắc và thọ vậy.

Qua hành (saṅkhāra), thì nó cũng vậy. Qua mắt tai mũi lưỡi thân vô lượng sắc, vô lượng thọ, vô lượng tưởng và bây giờ cũng vô lượng hành tư tác cái này, tư tác cái kia mà tạo nên thiện ác, tốt xấu. Trong hành này, theo Abhidhamma, cụ thể là có 52 tâm sở (14 bất thiện, 25 thiện, 13 đồng, bất đồng) - trừ thọ, và tưởng đã nói rồi, còn lại là 50 – chúng luôn duyên sanh, theo tham, theo sân, hoặc theo không tham, không sân mà hiện khởi. Chúng sinh diệt trùng trùng, thay đổi, biến diệt trùng trùng, vô thường và không có ngã tính. Nên Không, Không tánh - y như sắc, thọ, tưởng vậy.

Cuối cùng là thức (viññāṇa). Thức này cũng biến hoá ảo diệu, nó vẽ nên cái này, cái kia cũng trùng trùng như thế. Bên Duy Thức có câu rất hay, thầy nhớ mãi: “Tâm (là thức) như công hoạ sư. Hoạ chủng chủng ngũ ấm. Nhất thiết thế giới trung. Vô vật nhi bất tạo”. Có nghĩa là, cái tâm, cái thức của chúng sanh ấy, nó là ông thầy vẽ đại tài.  Ngẫm lại, tất cả trong thế gian này, không có gì mà nó không vẽ được, không tạo ra được!

Bát-nhã dạy rằng, nếu thấy 5 uẩn đều là không thì chấm dứt tất cả khổ ách! Vậy, các con đã thấy 5 uẩn ấy là không chưa? Có lẽ các con mới chỉ hiểu điều thầy vừa giảng qua thức tri (vijānāti) chưa qua tuệ (paññā), tuệ tri (pajānāti) phải chăng? Thấy bằng tuệ tri mới là khởi đầu của Bát-nhã, đến cấp độ khác, là liễu tri (ājānāti) mới đi vào lộ trình thiền tuệ để chấm dứt tất thảy khổ ách. Liễu tri mới thật là rốt ráo, mới chấm dứt tất cả khổ.

Nói tóm lại, sắc thọ tưởng hành thức ấy vô thường, vô ngã, vì vô thường vô ngã nên Không. Không này là nền tảng của mọi hiện hữu. Không có Không Tánh này thì không có gì lập định được. Kinh điển Phật nguyên thuỷ chỉ nói ngang đó để diệt khổ, những Bát-nhã tâm kinh nói triệt để hơn, rốt ráo hơn, tuy rơi vào nhận thức luận, phủ định triệt để nhưng không hề đi lạc đề, chỉ triển khai rộng hơn thôi. Và dĩ nhiên, trong Không Tánh làm gì có sanh diệt, cấu tịnh, tăng giảm. Luôn đến 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) cũng đều là Không. Ở ngôn ngữ tục đế, thế tình, ước lệ mới nói đến vô minh và diệt vô minh nhưng trong Không Tánh thì chúng đều là Không. Lão tử và diệt lão tử cũng vậy. Tứ đế cũng thế, chỉ nói cho người đang tu, phải cần lập ngôn như thế nhưng trong chân đế, chân không, Tánh Không nó ở ngoài danh ngôn khái niệm....

Vậy là trong cái Không (không trung) chẳng có gì xác lập được, nói được; nó ở ngoài phạm trù tứ cú (có, không, vừa có vừa không, không có không không) và cả trăm cái phi (bách phi). Ngũ uẩn hiện tại, quá khứ, tương lai, gần xa, thô tế đều y như vậy.

Vì duyên khởi nên Không. Đây là cái Không, Không Tánh xuyên suốt kinh Kim cương Bát-nhã, Bát-nhã tâm kinh và cả cơ sở tiền đề, căn bản để Long Thọ lập Bát bất trung đạo – mà sau này chúng ta mới biết đến “Luận về Tánh Không”, “Triết học Tánh Không”.

Lưu ý rằng, Tánh Không là nền tảng của mọi hiện hữu, là cái như thực nhưng sau này biến thành “luận”, thành “triết” cũng dễ hiểu vì các phải phát triển mở rộng vẫn đề ra, nói cho triệt để, tận cùng cái Không Tánh luôn!

Hôm nay nghe mệt quá phải không? Vậy thì tạm nghỉ, ngày mai thầy sẽ nói tiếp, nói tiếp về “sắc, không” qua nhiều cấp độ nữa:

- Sắc, không qua cái thấy như thực của Abhidhamma.

- Tu tập minh sát tuệ để thấy cái sắc, không đó như thế nào?

- Và cuối cùng, nói bên kia bờ nhưng bờ kia cũng chính là bờ này. Đây là sắc như thực, thọ như thực... rốt ráo của chư thánh giả sống giữa cuộc đời sau khi đã giác ngộ, giải thoát.  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6255)
FAQ: Làm sao để biết ai là người hướng dẫn thực tập có khả năng? Phong trào MBSR đào tạo được khoảng chừng 9 ngàn người hướng dẫn chánh niệm tốt nghiệp từ cơ quan phụ trách đào tạo Oasis, trung tâm huấn luyện các giáo thọ chuyên nghiệp. Có chừng 18 ngàn bệnh nhân đã theo học các khóa MBSR ở UMass và một số lớp khác tổ chức tại địa phương. Để bảo vệ chất lượng huấn luyện các cơ sở này có giáo chức huấn luyện và chương trình giảng dạy hoàn bị. Ngoài ra còn có các trung tâm nghiên cứu Chánh Niệm như ở đại học California- Los Angeles (UCLA) tổ chức một chương trình 6 tuần lễ dành cho những sinh viên hay nhân viên và giáo chức muốn trở thành giáo thọ Chánh Niệm...
14 Tháng Tư 2016(Xem: 6860)
Chúng ta hãy nói một chút về việc hành thiền (thiền tứ niệm xứ). Quí vị cần phải biết một số điểm quan trọng trước khi bắt đầu thực hành. Hành thiền có nghĩa là gì? Quý vị thực hành như thế nào? Trạng thái tâm quan sát ra sao, thái độ thế nào? Mục đích hành thiền của quý vị là gì? Quý vị cần có một ý niệm và mục đích rõ ràng trước khi bắt đầu thực hành. Quý vị không thể bắt đầu thực hành mà không có một số hiểu biết hay kiến thức về việc mình đang làm. Khi quý vị làm một việc gì đó, quý vị cần phải hiểu một chút về những nguyên tắc đối với việc mình đang làm. Chỉ như vậy quý vị mới gặt hái được lợi ích từ việc làm đó. ....
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5896)
FAQ: Mức độ khả tín của hiệu quả thực tập Chánh niệm? Chúng ta có hai cách giao lưu với thế giới nội tâm và với thế giới bên ngoài. Một: Tâm cảm thọ (Sensing mind) trực tiếp qua giác quan như nhãn, nhĩ , tỵ , thiệt, thân và ý (thức) Thuật ngữ Phật giáo gọi là năm căn hay bình dân hơn là lục tặc (đeo trên người Phật Di Lặc) Đó là sáu cửa ngõ để thế giới bên ngoài xâm nhập vào Tâm...
04 Tháng Tư 2016(Xem: 5716)
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 5843)
Câu hỏi: Chánh Niệm là phương pháp thực hành tâm linh của Phật Giáo hay một phương pháp phổ quát khoa học? Chánh Niệm là chú ý theo dõi một đối tượng nào đó với chủ đích, trong khoảnh khắc hiện tại, bàng quan, không phán đoán. Có bốn yếu tố chính (1) chú ý theo dõi (2) trong khoảnh khắc hiện tại (3) có mục đích (4) không phán đoán tất cả những đối tượng hay trãi nghiệm hiện ra trong tầm ý thức.
02 Tháng Ba 2016(Xem: 5545)
Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajanna) là một thuật ngữ Phật học ngụ ý một nếp sống thanh thản an lạc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, với một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ đối tượng đang tiếp xúc hay thức tỉnh về việc mình đang làm. Nó là một hình thái thiền hành được áp dụng trong đời sống thường nhật, thể hiện qua việc chú tâm nhận biết hay chánh niệm tỉnh giác về các hoạt động của thân thể, vừa khiến cho tâm thức diễn tiến một cách thư thái, hài hòa, thông suốt, vừa khiến cho mọi hoạt động trở nên khoan thai, nhịp nhàng, chuẩn xác. Đây là một trong các phương pháp “quán thân trên thân” (kàye kàyànupassanà)1 hay pháp môn “thân hành niệm”(kàyagatasati)2 được nói đến trong kinh điển đạo Phật, nghĩa là chú tâm nhận biết hay quán niệm về các hoạt động hàng ngày của thân thể, khiến cho tâm trí trở nên định tĩnh, thanh tịnh, sáng suốt, đạt đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Kinh Sa-môn quả, Trường Bộ nêu định nghĩa:
12 Tháng Giêng 2016(Xem: 9649)
Giống như trò chơi thể thao golf hay cả khi muốn luộc trứng tới mức hoàn hảo, mới đầu thực hành chánh niệm có vẻ dễ dàng. Nhưng lúc quý vị ngồi xuống tọa Thiền với đôi mắt nhắm hay mở – một chuyện không thể nào tránh được là quý vị không thể nào ngừng suy nghĩ
26 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10502)
Trong bài kinh Kalama nổi tiếng, thường được nhắc đến, Đức Phật đã đề ra mười điều mà ta không nên dựa vào để chọn người thầy hay để đi theo con đường tâm linh nào đó. Tất cả đều có liên quan đến một hệ thống niềm tin dựa vào truyền thống hay vào các cổ thư. Không tin nhưng ta phải tự tìm ra sự thật là điều Đức Phật thường nhấn mạnh. Nếu không làm thế, ta sẽ khó có được cái thấy nội tại, là bước đầu tiên đưa ta đến con đường đạo.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6483)
Như Đức Phật đã nói: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường trực tiếp để làm trong sạch chúng sinh, để vượt qua buồn đau và sầu bi, để chấm dứt sự khổ và phiền não, để đạt được con đường chánh đạo, để chứng ngộ Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm.”
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10600)
Vào thời Đức Phật có vị tỳ khưu tên Tuccho Pothila. Đại Đức Pothila rất thông minh, thấu suốt nằm lòng kinh điển. Ngài có đến mười tám ngôi chùa và được xem là một Pháp Sư lỗi lạc, khét tiếng đến nỗi mọi người đều tôn sùng kỉnh mộ. Khi nghe đến danh Đại Đức "Tuccho Pothila" ai cũng thán phục.