Ngày Thứ 28 PHÁP THOẠI 25

14 Tháng Mười Hai 201503:03(Xem: 7417)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Hai Mươi Tám
PHÁP THOẠI 25 (Tối ngày 14/7/ÂL)

 

Hôm qua thầy nói chuyện về ngày lễ Vu Lan và chuyện báo hiếu cha mẹ. Hôm nay, thầy muốn giảng nói tường tận, cặn kẽ thêm một chút nữa (bài ở dưới là viết lại cho mạch lạc hơn).

Ai đã từng đọc tụng kinh Vu lan bồn trong ngày lễ Vu Lan dường như đều biết câu chuyện Mục Liên – Thanh Đề. Đây là bản kinh nguỵ tạo rất ấu trĩ, có những sai lầm rất đáng phàn nàn:

Kinh viết: Bà Thanh Đề giết chó rồi cắt thịt nhân làm bánh bao cúng dường trai tăng. Các vị tăng vì giữ gìn phạm hạnh, đó là chỉ ăn chay chứ không phạm giới ăn thịt, biết rằng trong bánh bao có thịt nên họ lặng lẽ bỏ vào gốc cây. Do ác nghiệp lừa phỉnh suýt khiến chư tăng ăn thịt, bà Thanh Đề đoạ địa ngục.

Thứ nhất là câu: “Các vị tăng vì giữ gìn phạm hạnh, đó là chỉ ăn chay chứ không phạm giới ăn thịt”. 

Chỗ này cho tôi được dẫn chứng dài dòng một chút. Thuở Phật còn tại tiền, chính Devadatta đã xin Phật 5 điều, để chứng tỏ mình cao thượng, trong đó có vẫn đề ăn chay, điều thứ 5: Thầy tỳ-khưu trọn đời phải ăn ngũ cốc, rau trái, không được dùng các loại thịt, dù là thịt động vật đã chết! Đức Phật thấy rõ dã tâm của ông, nên ngài đã phân tích về điều ấy như sau:

Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp của tự do và tự nguyện, không bắt buộc, cưỡng ép ai, bao giờ cũng tùy thuộc căn cơ và tâm tánh của mỗi người. Ông muốn đề xuất là chỉ nên ăn ngũ cốc, hoa quả, rau củ chứ không nên dùng tam tịnh nhục, nghe ra thì có vẻ hay, có vẻ cao thượng nhưng sẽ không áp dụng được. Tại sao? Một vị tỳ-khưu ôm bát đi khất thực không được lựa chọn nhà sang nhà hèn, người giàu, người nghèo mà tâm vị ấy phải bình đẳng. Một người bà-la-môn hay gia chủ bà-la-môn chính thống, họ thường ăn ngũ cốc, rau quả nên họ sẽ đặt bát ngũ cốc và rau quả. Một gia đình sát-đế-lỵ, một hoàng gia, một quý tộc, một tướng quân, một chiến sĩ sát-đế lỵ, họ thường dùng các loại thịt nên họ sẽ đặt bát cúng dường các loại thịt khác nhau. Một gia đình thương gia thì thịt thà hay rau quả cũng tùy thuộc ngày hôm ấy họ dùng gì. Một gia đình thủ-đà-la với nghề nghiệp tay chân nặng nhọc thì vật thực của họ chỉ nhằm để no bụng, không biết rõ đấy là vật thực dở hay ngon. Một người chiên-đà-la đặt bát thì vật thực của họ, may ra chỉ để mà tồn tại. Như vậy đó, cái bát của vị tỳ-khưu đầy đủ bên trong vật thực của bốn giai cấp và cả nô lệ. Chẳng lẽ nào một vị tỳ-khưu ôm bát xin ăn mà bảo là tôi chỉ dùng món này mà không dùng món kia? Có quá đáng lắm không? Có kỳ thị không? Có bình đẳng không? Này Devadatta! Chiêu bài của ông chỉ có thể lừa dối được kẻ ngu, cả tin, nhẹ dạ; không bao giờ qua mặt được người có trí, mắt sáng, có đức tin vững chắc đâu!

Thứ hai là “bánh bao”! Ở Ấn Độ mà có bánh bao hay sao? “Bánh bao” đã lộ rõ sản phẩm của Tàu.

Thứ ba là giới. Quả thật là có cái giới ấy sao? Không biết giới nào, ở đâu, trọng tạng Vinaya hay trong Ngũ phần luật, Tứ phần luật có cái giới gọi là “phạm giới ăn thịt”? Rõ chỗ này là anh Tàu đặt vô miệng các nhà Đại thừa rồi.

Còn nữa.

Kinh viết: Người con trai La Bốc xuất gia tu hành được Phật đặt cho pháp danh là Mục Liên.

Tôn giả Mahā Moggallāna lúc sinh ra, được lấy tên làng mà đặt tên nên gọi là Kolita (làng Kolita), lớn lên, do thân mẫu ngài thuộc giai cấp bà-la-môn, tên là Moggallānī nên ngài được đặt tên theo mẹ: Moggallāna. Vậy thì không rõ cái họ La tên Bốc ở đâu nó chạy ra? Và còn đặt họ cho bà Thanh Đề là họ Lưu nữa? Ở Ấn Độ mà có họ La họ Lưu ư? Thật đáng phàn nàn trình độ của kẻ phịa kinh! Còn nữa, Mục Kiền Liên là Tàu âm từ Moggallāna, mà anh Tàu lại hư cấu ngây ngô là đức Phật đặt pháp danh cho ngài là Mục Liên! Xin nhớ là đức Phật chưa hề đặt pháp danh cho ai cả! Nguỵ tạo thì phải khôn một chút chứ, ai đời lòi cả đuôi cả vảy ra!

Kinh viết: Ngài Mục Kiền Liên dùng đạo nhãn thấy mẹ đói khổ nơi ác thú bèn mang cơm đến cho mẹ ăn. Do bà ích kỷ nhiều đời, sợ kẻ khác xía phần nên lấy tay áo che miệng ăn; nhưng cơm ấy đã biến thành than!

Thứ nhất là cái từ “đạo nhãn”, rõ là sản phẩm của Tàu. Nếu là của Phật giáo thứ thiệt thì luôn sử dụng thuật ngữ pháp nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn... chứ không có cái gọi là đạo nhãn. Cùm từ “đạo nhãn” này là chữ thường dùng của Tàu, ảnh hưởng chữ đạo của Lão Tử. Đôi nơi còn cho “đạo” này cao hơn “pháp”! Thiệt là hết nói! Trong trường hợp này, phải là thiên nhãn! Thứ hai, không có ông La Hán nào mà dốt như ông Mục Liên này. Tại sao vậy, vì cảnh giới Ngạ Quỷ thường chịu đói, chịu khát, chịu lạnh cho đến khi hết nghiệp, không thể ăn uống bất kỳ vật thực nào. Họ chỉ được hưởng phước do thân nhân hồi hướng, rồi chính phước ấy tự hoá hiện nên thực phẩm, y áo, vật dụng do nhân nguyện cầu của gia chủ. Nếu là ngài Mục Kiền Liên lịch sử thì ngài lại càng thông hiểu hơn thế nữa, chứ không ai ngây ngô như ông Mục Liên Tàu ở trên. Khi viết truyện đức Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ, thầy có hư cấu qua miệng tôn giả: Tuy đệ tử biết cõi ngạ quỷ đói khát cả trăm năm, đói khát cả ngàn năm để chịu quả báo, có muốn ăn, muốn uống cũng tợ như nuốt kim, nuốt lửa, nuốt mủ, nuốt máu mà thôi! Thế nhưng, thấy mẹ đói quá chịu không được, đệ tử sử dụng thần thông giúp mẹ chút cơm, chút bánh; nhưng lần thứ nhất cơm bánh ấy biến thành than lửa, lần thứ hai thì cơm bánh ấy biến thành cục băng!” Đấy, thầy viết, thầy hư cấu như vậy thôi mà đã khó chịu trong bụng rồi! Đệ tử xin sám hối tôn giả Mục Kiền Liên!

Nhân tiện đây nói về đại hiếu. Rõ là Trung Quốc đã nặn nên hình tượng Mục Kiền Liên đại hiếu. Trong kinh báo phụ mẫu trọng ân có đoạn: “Hôm ấy, đức Phật đi về phía Nam, thấy đống xương khô chất cao như núi, đức Phật liền sụp lạy đống xương ấy; vì có thể đấy là xương cốt của ông bà cha mẹ trong ngàn muôn ức kiếp...” Đức Phật, một đức Chánh Đẳng Giác mà quỳ xuống lạy đống xương trắng thì chỉ là sản phẩm của Tàu thôi! Nếu là đức Phật thứ thiệt thì ngài sẽ đọc câu kệ dạy chư tăng quán tưởng:

“ Thân này chẳng bao lâu

Nằm vùi trong lòng đất

Vô dụng xác không hồn

Như gỗ mục vứt bỏ”.

Hoặc:

“ Thân như ngọn lá vàng

Bên bờ ranh sự chết

Tử thần đang đứng đợi

Sao chưa sắm hành trang

Hãy tự mình thắp đuốc

Bậc trí sớm tinh cần

Trong sạch, ly uế nhiễm

Vào thánh địa nhiệm mầu!”

Nếu là đống xương, đức Phật và chư tăng chỉ đọc kệ vô thường, vô ngã để sách tấn tu tập thôi.

Trở lại với chữ hiếu. Chỗ này thầy bàn rộng một chút nghe! Trong Phật giáo những quan niệm như hiếu, trung, nhân, nghĩa, lễ... không hề có, chúng là những thuật ngữ của đạo Khổng được Phật giáo “mượn” để sử dụng vào khoảng thế kỷ trước và sau Tây lịch, ta còn tìm thấy trong tác phẩm của Lý hoặc luận Mâu Tử, khi ông tranh biện với Nho Mặc. Và Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội cũng có nhắc đến. Để nói về hiếu, đạo Phật chỉ dạy con cái phải có bổn phận với cha mẹ như thế nào, khi tại tiền hay khi đã mất. Quan niệm trung - sản phẩm của phong kiến - thì hoàn toàn không có trong Phật giáo. Nói về đức nhân thì đạo Phật nói về tâm từ và tâm bi, nó cao cả và vô lượng hơn đức nhân của Khổng giáo rất nhiều. Đạo Phật cũng không nói đến lễ mà chỉ nói đến giới, có nghĩa là hàng rào ngăn giữ những việc làm xấu ác. Còn lễ của Khổng mặc dầu có nói “dĩ lễ chế tâm”, nhưng thật ra, nó ràng buộc con người trong những hình thức, lễ nghi rất tế toái, phức tạp; rồi còn cúng tế trời, đất, quỷ, thần, sao hạn, y áo, dày, mũ... gì đó rất nhiêu khê... ngày nay còn tồn tại trong các gia đình lễ giáo của đạo Nho, một số xướng, tán, chiêng, trống, não bạt, quỳ lạy còn tồn tại nơi các giáo phái đại thừa. Cho nên, Lão Tử đa chê ròng rã cái chữ lễ của Khổng. Lão Tử nói: “Cố, thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù, lễ giả trung tín chi bạc, nhi loạn vi thủ” Nghĩa: “Cho nên, mất đạo rồi mới nói đến đức. Mất đức rồi mới nói nhân. Mất nhân rồi mới nói đến nghĩa. Mất nghĩa rồi mới nói đến lễ. Than ôi! Lễ chính là cái vỏ mỏng bao che bên ngoài của lòng trung tín, nó là đầu mối của sự hỗn loạn!”

Ngũ thường của Khổng chỉ có thể so sánh với ngũ giới của Phật: Nhân – không sát sanh; Nghĩa – không trộm cắp; Lễ - không tà dâm; Trí – không uống rượu; Tín – không vọng ngữ.

- Cũng chuyện Mục Liên – Thanh Đề ấy, có nói, sau khi thấy mẹ thống khổ như vậy, Mục Liên rơi lệ khóc than bi ai thống thiết rồi chạy về dương gian mách với Phật! Trời đất! Chỗ này đúng là huỷ báng vị đại đệ tử thượng thủ của đức Phật rồi! Đã hạ bệ một bậc Tối thượng Thanh Văn xuống ngang hàng một kẻ phàm phu tục tử đầy đủ thất tình lục dục!

- Lại còn tự ý đưa vào miệng Phật, khi ngài nói với Mục Kiền Liên với ý rằng: “Ông tuy hiếu thuận vang động trời đất; nhưng ngay cả thiên thần, địa thần, tà ma ngoại đạo, đạo sĩ, Tứ thiên vương thần cũng không thể cứu giúp, huống chi là ông!” Chỗ này thì điên đảo thật sự rồi. Ngài Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất, một trưởng tử, một Đại Đệ Tử lại đem so sánh thua mấy ông thiên, ông thần, tà ma ngoại đạo! Quả là người không có trí, ngu dốt mà cũng đòi phịa kinh! Hết thuốc chữa!

Nói tóm lại là “Phật thuyết Vu Lan bồn kinh”, bản hiện nay là bản dịch tiếng Hán của ngài Trúc Pháp Hộ có nhiều chỗ đáng phàn nàn như vậy đó. Rất nhiều người nghi nó là do Tàu nguỵ tạo. Mà chắc đúng như vậy rồi. Trên là một số dẫn chứng tiêu biểu thôi.

Người nghiên cứu kinh Phật, đọc Vu Lan bồn kinh trên, ví dụ đoạn đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên: “Ông bày soạn cơm trăm vị, ngũ quả, nước uống, hương dầu, đèn nến, giường khăn, ngoạ cụ, hết thảy đồ ngon vật đẹp... đặt vào trong bồn (nơi chỗ ghi là khay)...” thì biết đúng là Tàu nói. Vì thời Phật chỉ có đặt bát cúng dường tứ sự. Những cụm từ “cơm trăm vị”“hết thảy đồ ngon vật đẹp” rất xa lạ trong các Nikāya. Lại làm gì có cái bồn, cái khay! Và ngay cụm từ Vu Lan cũng chỉ là âm của từ Ullambana mà thôi. Không biết cái bồn từ đâu ra? Hay bồn là âm của “bana”?

Còn nhiều chuyện đáng nói nữa, các con cũng nên biết cho rõ ràng hơn chút nữa:

- Ngày lễ Vu Lan truyền thống còn được giải thích đó đây là ngày lễ “Cứu tội treo ngược”, chữ là “Giải đảo huyền”! Cụm từ này, thật ra không phải của Phật, mà anh Tàu mượn của sách Mạnh Tử: “Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã!”

- Đáng lưu tâm hơn, ngày 14/7 là ngày cúng lễ tổ tiên của người Trung Quốc; xem chừng ta bị Tàu hoá!

- Đáng lưu tâm hơn nữa, ngày 15/7 là Tết Trung nguyên của người Tàu, ta cũng đang bắt chước làm theo!

- Theo Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục”: Ngày 15/7, ngày vong linh xá tội, ngày xá tội vong nhân dưới địa ngục nên nhà nhà mua sắm vàng mã để cúng cho ông bà tổ tiên: Đây là phong tục tín ngưỡng của một số nước Á Đông!

- Còn nữa, những cái gọi là mở cửa địa ngục, xá tội vong nhân... rất xa lạ với nhân quả nghiệp báo của đạo Phật. Rồi còn cúng cô hồn, cúng thị thực, đốt vàng mã thì xem chừng đều là mê tín dị đoan xen lẫn vào Phật giáo, đã đánh mất ý nghĩa trong sáng của đạo trí tuệ. Bây giờ, ngay nhà chùa, Phật cũng bị đốt luôn, gọi là đốt Phật mã!

Đấy là tất cả lý do mà chùa HKST của chúng ta không cử hành lễ Vu Lan mà chỉ tổ chức lễ Báo Hiếu thôi, suốt 25 năm qua! Biết là sai thì không thể lập lại mãi cái sai ấy. Biết là bị Tàu hoá, chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mang tâm thức nô lệ văn hoá Tàu? Mong chư Phật tử trí thức hiểu cho lời “trần tình” này.

Và chư tăng cũng nên giải thích rộng rãi cho những ai có tai muốn nghe lời phải!

29- Ngày Thứ 29, 30, 31

(Buổi sáng 15/7 chư tăng dự lễ đặt bát hội Mùa Báo Hiếu tại chùa Huyền Không. Buổi chiều chư tăng tụng giới bổn Pāṭimokkha. Buổi tối, một số trong đại chúng xin đi dự lễ phóng sanh đăng trên sông Hương. Chùa HKST chỉ đốt đèn và hành thiền để cúng dường chư Phật. Ngày 16/7 bận công việc. Ngày 17/7 chư tăng đi trì bình khất thực theo lệ thường).  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6257)
FAQ: Làm sao để biết ai là người hướng dẫn thực tập có khả năng? Phong trào MBSR đào tạo được khoảng chừng 9 ngàn người hướng dẫn chánh niệm tốt nghiệp từ cơ quan phụ trách đào tạo Oasis, trung tâm huấn luyện các giáo thọ chuyên nghiệp. Có chừng 18 ngàn bệnh nhân đã theo học các khóa MBSR ở UMass và một số lớp khác tổ chức tại địa phương. Để bảo vệ chất lượng huấn luyện các cơ sở này có giáo chức huấn luyện và chương trình giảng dạy hoàn bị. Ngoài ra còn có các trung tâm nghiên cứu Chánh Niệm như ở đại học California- Los Angeles (UCLA) tổ chức một chương trình 6 tuần lễ dành cho những sinh viên hay nhân viên và giáo chức muốn trở thành giáo thọ Chánh Niệm...
14 Tháng Tư 2016(Xem: 6860)
Chúng ta hãy nói một chút về việc hành thiền (thiền tứ niệm xứ). Quí vị cần phải biết một số điểm quan trọng trước khi bắt đầu thực hành. Hành thiền có nghĩa là gì? Quý vị thực hành như thế nào? Trạng thái tâm quan sát ra sao, thái độ thế nào? Mục đích hành thiền của quý vị là gì? Quý vị cần có một ý niệm và mục đích rõ ràng trước khi bắt đầu thực hành. Quý vị không thể bắt đầu thực hành mà không có một số hiểu biết hay kiến thức về việc mình đang làm. Khi quý vị làm một việc gì đó, quý vị cần phải hiểu một chút về những nguyên tắc đối với việc mình đang làm. Chỉ như vậy quý vị mới gặt hái được lợi ích từ việc làm đó. ....
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5901)
FAQ: Mức độ khả tín của hiệu quả thực tập Chánh niệm? Chúng ta có hai cách giao lưu với thế giới nội tâm và với thế giới bên ngoài. Một: Tâm cảm thọ (Sensing mind) trực tiếp qua giác quan như nhãn, nhĩ , tỵ , thiệt, thân và ý (thức) Thuật ngữ Phật giáo gọi là năm căn hay bình dân hơn là lục tặc (đeo trên người Phật Di Lặc) Đó là sáu cửa ngõ để thế giới bên ngoài xâm nhập vào Tâm...
04 Tháng Tư 2016(Xem: 5716)
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 5845)
Câu hỏi: Chánh Niệm là phương pháp thực hành tâm linh của Phật Giáo hay một phương pháp phổ quát khoa học? Chánh Niệm là chú ý theo dõi một đối tượng nào đó với chủ đích, trong khoảnh khắc hiện tại, bàng quan, không phán đoán. Có bốn yếu tố chính (1) chú ý theo dõi (2) trong khoảnh khắc hiện tại (3) có mục đích (4) không phán đoán tất cả những đối tượng hay trãi nghiệm hiện ra trong tầm ý thức.
02 Tháng Ba 2016(Xem: 5546)
Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajanna) là một thuật ngữ Phật học ngụ ý một nếp sống thanh thản an lạc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, với một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ đối tượng đang tiếp xúc hay thức tỉnh về việc mình đang làm. Nó là một hình thái thiền hành được áp dụng trong đời sống thường nhật, thể hiện qua việc chú tâm nhận biết hay chánh niệm tỉnh giác về các hoạt động của thân thể, vừa khiến cho tâm thức diễn tiến một cách thư thái, hài hòa, thông suốt, vừa khiến cho mọi hoạt động trở nên khoan thai, nhịp nhàng, chuẩn xác. Đây là một trong các phương pháp “quán thân trên thân” (kàye kàyànupassanà)1 hay pháp môn “thân hành niệm”(kàyagatasati)2 được nói đến trong kinh điển đạo Phật, nghĩa là chú tâm nhận biết hay quán niệm về các hoạt động hàng ngày của thân thể, khiến cho tâm trí trở nên định tĩnh, thanh tịnh, sáng suốt, đạt đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Kinh Sa-môn quả, Trường Bộ nêu định nghĩa:
12 Tháng Giêng 2016(Xem: 9649)
Giống như trò chơi thể thao golf hay cả khi muốn luộc trứng tới mức hoàn hảo, mới đầu thực hành chánh niệm có vẻ dễ dàng. Nhưng lúc quý vị ngồi xuống tọa Thiền với đôi mắt nhắm hay mở – một chuyện không thể nào tránh được là quý vị không thể nào ngừng suy nghĩ
26 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10505)
Trong bài kinh Kalama nổi tiếng, thường được nhắc đến, Đức Phật đã đề ra mười điều mà ta không nên dựa vào để chọn người thầy hay để đi theo con đường tâm linh nào đó. Tất cả đều có liên quan đến một hệ thống niềm tin dựa vào truyền thống hay vào các cổ thư. Không tin nhưng ta phải tự tìm ra sự thật là điều Đức Phật thường nhấn mạnh. Nếu không làm thế, ta sẽ khó có được cái thấy nội tại, là bước đầu tiên đưa ta đến con đường đạo.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6486)
Như Đức Phật đã nói: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường trực tiếp để làm trong sạch chúng sinh, để vượt qua buồn đau và sầu bi, để chấm dứt sự khổ và phiền não, để đạt được con đường chánh đạo, để chứng ngộ Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm.”
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10600)
Vào thời Đức Phật có vị tỳ khưu tên Tuccho Pothila. Đại Đức Pothila rất thông minh, thấu suốt nằm lòng kinh điển. Ngài có đến mười tám ngôi chùa và được xem là một Pháp Sư lỗi lạc, khét tiếng đến nỗi mọi người đều tôn sùng kỉnh mộ. Khi nghe đến danh Đại Đức "Tuccho Pothila" ai cũng thán phục.