Ngày Thứ 47 PHÁP THOẠI 29

14 Tháng Mười Hai 201503:22(Xem: 7670)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Bốn Mươi Bảy
PHÁP THOẠI 29 (Tối ngày 3/8/ÂL)

 

Vì công việc cấp tập xây dựng chùa, các sư, chúng điệu quá vất vả nên thay vì hai hay ba pháp thoại, tập thiền, bây giờ chúng ta chỉ còn một. Vậy mỗi người hãy cố gắng lắng nghe, đôi khi là tinh yếu giáo pháp, đôi khi là những trạng thái phát sanh liên hệ lúc tập thiền để sự tu tập có kết quả tốt hơn.

Thế là trải qua một tháng rưỡi chúng ta tập thiền. Có người đã quen rồi, không còn khó chịu, đau nhức như trước nữa. Có người đã hết hôn trầm thuỵ miên nhưng phóng tâm vẫn còn. Khi hết phóng tâm thì có an lạc, đầy là định luật tự nhiên. Khi có lạc, không chấp lạc, cứ an trú hơi thở thì định sẽ phát sanh. Định có 2 tầng: Cận hành định và An chỉ định. Cận hành định còn ở cõi Dục giới, còn An chỉ định đã vào cõi Sắc giới, khi lâm chung, giữ tâm định, tức khắc hoá sanh vào cõi Phạm thiên Sắc giới.

Tuy nhiên, chúng ta không đi vào An chỉ định, vào đấy khó bước ra, đồng thời nếu lỡ lên cõi Phạm thiên thì sống quá lâu, hưởng thụ hạnh phúc thiền định quá lâu: Một vị Phạm chúng thiên, thần dân hạng bét ở đấy cũng có tuổi thọ 1/3 A-tăng-kỳ, khiếp chưa! Thế cho nên, chúng ta chỉ cần Cận hành định thôi rồi quay sang tu tập minh sát. Khi có cận hành định thì 5 triền cái đều đã lắng yên. Hôn trầm-thuỵ miên, nghi, sân, trạo cử và dục đã đọng dưới đáy vô thức. Đọng nên nó còn đấy. Phải sử dụng thiền quán minh sát mới bứng nhổ lần lần được, bứng nhổ như thế nào, tuần tự thứ lớp hay triệt để một lần là “hoát nhiên giải quyết xong đại sự tử sinh” như bài kinh Bāhiya  – thì chúng ta sẽ có một bài pháp thoại khác.

Quan trọng nhất trong hiện tại của chúng ta, cho mọi người tập thiền là 5 triền cái. 5 triền cái chưa yên lặng được thì chưa nói được gì cả, không thể đi tiếp thiền định hay thiền tuệ.

Hãy biết rằng, 5 triền cái chúng có mặt trong 14 bất thiện tâm sở: Si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham, mạn, tà kiến, sân, tật, xan, hối, hôn trầm-thuỵ miên, nghi. Vậy, không những bứng nhổ, làm cho vô hiệu hoá 5 triền cái, mà còn làm cho 9 bất thiện tâm sở còn lại cũng hồi đầu hướng thiện. Có vị thiền sư nói, là tận diệt chúng luôn!

Hôm nay chúng ta phải học lại giáo pháp mới được. Học để biết tướng trạng và hoạt dụng của 14 tâm sở bất thiện. Các con chịu khó nghe. Cái này thì thầy đã thuộc nằm lòng vì nhiều năm giảng dạy Abhidhamma và cả viết sách Abhidhamma nữa.

Đây là bài giáo khoa, thầy sẽ giảng sơ sơ, sau đó mọi người lấy quyển Phật học Tinh Yếu 2 của thầy mà đọc. 

14 Bất Thiện Tâm Sở (Akusalacetasikā)

(Viết lại)

Đây là những yếu tố tâm lý xấu ác, chúng luôn luôn khởi theo các tâm bất thiện; cụ thể là chúng phát sanh cùng với 12 bất thiện tâm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những tâm sở bất thiện này cũng đồng loạt khởi theo 12 tâm bất thiện. Có những tâm sở đồng khởi, có những tâm sở thuộc nhóm tham, thuộc nhóm sân...

1- Si (Moha)

Là mê lầm, là mê mờ, không thấy rõ thực tánh của các pháp. Thực tánh của các pháp vốn vô thường mà cho là thường còn bất hoại; vốn vô ngã mà cho là có chân ngã, có linh hồn, có bản ngã, thần ngã; vốn khổ não mà cho là an lạc, là hạnh phúc.

Có vô minh mới có si, si là một yếu tố quan trọng của 3 căn bản phiền não (tham, sân, si); là gốc của 3 căn bản phiền não, vì tham sân không thể khởi nếu không có si, riêng si thì có thể khởi một mình.

Vì si chi phối, mê mờ, che lấp nên chúng sanh thường đắm đuối, say mê trong ngũ dục mà không biết đấy là khổ. Si làm cho chúng sanh không thấy được nhân quả, tội phước. Bất cứ bất thiện nghiệp nào cũng có si tham dự, nó đồng khởi trong 12 bất thiện tâm.

2- Vô Tàm (Ahirika)

Là không biết hổ thẹn khi làm các việc xấu, điều ác. Chính tâm sở này làm cho chúng sanh tạo tác tất cả bất thiện nghiệp; chúng không chùn tay trước bất cứ một việc làm xấu xa, một hành động bạo tàn nào. Nói rộng thêm chút nữa, bất cứ một cử chỉ, thái độ, hành vi thiếu đạo đức, mất phẩm cách nào ở trên đời đều có si và vô tàm tâm sở tham dự. Người có đạo đức, người hiền thường xem những việc xấu ác đều đáng ghê tởm; nhưng kẻ có vô tàm tâm sở thì không thế; họ không những không biết hổ thẹn mà còn hãnh diện bởi việc xấu ác ấy nữa. Như con heo lăn mình trong đống phẩn, cảm thấy thích thú; kẻ có vô tàm cũng tương tự như thế, họ thích thú, hãnh diện bởi sự vô đạo đức, xấu ác của mình.

3- Vô Quý (Anottappa)

Là không ghê sợ, không sợ hãi những hành vi xấu ác. Chính vô quý tâm sở này khiến cho chúng sanh không sợ dư luận chê cười, xã hội lên án... khi làm các nghiệp ác, các trọng tội. Đối với kẻ bị vô quý tâm sở chi phối thì đừng nói đến đạo đức, luân lý, truyền thống gia đình, luật pháp hoặc hình ngục, danh dự bản thân hoặc tư cách con người... Họ phớt lờ và không sợ hãi bất cứ một hình phạt nào, một khuyên lơn, nhắc bảo nào...

Nếu vô tàm được ví như đống phẩn dơ đối với loài heo thì vô quý được ví như ngọn lửa phựt cháy đối với con thiêu thân; nó cứ lăn xả vào để tìm lấy cái chết. Vô quý tâm sở thường đánh mất lòng tự trọng, sự nể vì của người khác; lao thân vào những việc xấu ác chẳng e ngại nhân quả, chẳng sợ dư luận miệng tiếng chê cười, sẽ bị tội tù, tử hình, khi lâm chung sẽ rơi  vào bốn đường đau khổ.

Vô tàm và vô quý thường đi đôi với nhau. Vô tàm là không hổ thẹn với lương tâm mình, vô quý là không sợ hãi dư luận. Hai tâm sở này hỗ trợ cho nhau, chắp cánh cho nhau, tạo nanh vuốt cho nhau để làm tất cả những việc xấu ác, bạo tàn, vô sỉ... trên cuộc đời

4- Trạo Cử (Uddhacca)

Là trạng thái tâm dao động, lay động, phóng dật, xao động, bất an; cứ chạy tìm từ đối tượng này sang đối tượng khác; cứ bồng bềnh, lang thang, trôi nổi dật dờ trong thế giới sắc, thanh, hương, vị, xúc... Nhưng chúng không dừng lại thật lâu trước một đối tượng nào, vì trạo cử tâm sở vốn làm cho tâm bị xao lãng, khả năng chú tâm rất yếu ớt, không thể an định được một giây khắc nào.

 Trạo cử tâm sở thường đi chung với si và hoài nghi để đắm đuối trong những việc làm sai lầm; nhưng bản chất của nó chưa có khả năng tạo nghiệp xấu ác, chưa đủ năng lực đưa ta vào bốn ác đạo như  tham, sân, si. Nó chỉ đánh mất sự chú tâm, định hướng... làm cho tâm bị tán loạn mà thôi.

Trong các định, trạo cử tạm thời lắng dịu nhưng đến quả vị A-la-hán, nó mới thật sự được diệt trừ.

5- Tham (Lobha)

 Là nắm giữ, ôm ấp, cầm nắm, bám víu, chiếm đoạt, vơ vét... nghĩa là tất cả những trạng thái tâm có “lực hút”; dính mắc đều gọi là tham. Dính mắc như ruồi dính mủ mít, như chim bị dính bẫy nhựa... thì gọi là tham.

Đặc tính của tham là dính mắc. Nhưng tình thương đối với những người thân trong gia đình như cha mẹ, vợ chồng, con cái, quyến thuộc, xóm làng... thì không phải là tham (lobha) mà được gọi là tình thương, tình thân ái (pema).

Nếu thèm khát, ao ước, mong muốn sắc, thanh, hương, vị, xúc thì gọi là ham muốn ngũ trần (kama); và nếu sự thèm khát ngũ trần lên quá độ thì gọi là dục ái (taṇhā).

Nếu say mê đeo đuổi dục tình, say mê về dục tình, mê đắm dục tình thì gọi là ái nhiễm, ái trước dục tình (rāga).

Trong tình thương, thân ái (pema); trong dục ái (taṇhā) và trong tình dục (rāga) thảy đều có tham tâm sở (lobha) tham dự. Năng lực làm cho dính mắc hoặc như chất màu nhuộm thấm vào vải là do tham tâm sở này. Tuy nhiên, pema, taṇhā nếu được hướng dẫn đúng đắn hoặc được nhiều thiện pháp hỗ trợ; đều có thể đồng lòng, chung sức, tạo năng lực để tu tập các công hạnh ba-la-mật.

Chỉ có rāga là nguy hiểm nhất; vì rāga như uống nước mặn, càng uống càng khát, không bao giờ thỏa mãn cơn khát. Bản chất của ái tình là càng thêm lại càng thiếu. Tuy nhiên, nếu rāga có pema hỗ trợ, do sự yêu thương chân tình, chung thủy (như tiền thân Bồ-tát) thì sợi dây luyến ái, buộc ràng kia trở thành chất keo, gắn kết họ với nhau trên con đường tu tập công hạnh ba-la-mật. 

6- Tà Kiến (Micchā-Diṭṭhi)

Diṭṭhi là thấy, là kiến. Micchā là nghiêng, lệch, xiên, tà, lầm lẫn. Vậy, tà kiến tâm sở là thấy lầm, thấy sai, thấy nghiêng, thấy lệch, thấy không đúng với sự thật. Đã không thấy đúng với sự thật mà còn chấp những cái thấy sai, thấy nghiêng, thấy lệch kia là như chơn, như chánh nữa thì được gọi là tà kiến. Có hai loại tà kiến chính là thường kiến và đoạn kiến.

Ngoài ra, tin vào một đấng toàn năng, một linh hồn bất tử; làm việc xấu quấy cho là đúng đắn, làm những việc ác tà lại cho là chơn thiện đều là tà kiến cả.

7- Mạn (Māna)

Là tự cao, tự đại, khoe khoang, tự đắc, kiêu kỳ, ngạo mạn... là tính chất của mạn tâm sở.

Có rất nhiều loại mạn:

- Mạn về thọ sanh, dòng dõi, huyết thống: Tự xem mình ở dòng dõi cao quý, thượng lưu trong xã hội rồi khinh thường người khác.

- Mạn do sang giàu, nhiều của cải: Tự cho mình phú quý, vinh hoa, ở nhà cao cửa rộng, tiện nghi, tiền bạc sung túc rồi xem thường, coi khinh những kẻ ít phước báu về vật chất.

- Mạn do học giỏi, biết nhiều, hiểu rộng; tự cho mình thông minh, uyên bác rồi tự hào về sự học vấn ấy.

- Mạn do sức khỏe, trường thọ, sắc đẹp...

Mạn tâm sở rất vi tế kể cả khi mình bằng hoặc thua người nhiều phương diện, ví dụ:

-  Lúc địa vị, danh vọng không bằng người, mình vẫn có lý luận hay ho để phát sanh khi mạn: “Hay gì, quý gì danh vọng, địa vị ấy; ở cao dễ té, càng cao danh vọng càng dày gian nan !”

-  Lúc nghèo khó, thiếu thốn... vẫn có cách để chê bai người giàu có. Ví dụ: “Phú quý như chiêm bao, bạc tiền như của phù vân; sống đời thanh bần, đạm bạc mới tốt, mới là kẻ khôn ngoan... Sao phải lao tâm, khổ tứ tầm cầu những vật ngoại thân, cái sớm còn tối mất ấy”.

Gốc của mạn tâm sở là ngã ái, ngã chấp. Khi nào còn có bóng dáng của cái tôi, cái ngã hoặc so sánh hơn thua với người là khi ấy đã có sự chi phối của mạn này.

8- Sân (Dosa)

Là không bằng lòng, không vừa lòng, muốn xua đuổi, muốn quay lưng, chối bỏ, phủ nhận, bực bội là trạng thái của sân tâm sở. Tất cả những cảnh trái ý, nghịch lòng... mình muốn triệt tiêu (lực đẩy) đều là sân tâm sở. Sâu rộng hơn, lúc phiền muộn, chán chường, than van, giận hờn, lo âu, sợ hãi thảy đều có bóng dáng của sân. Sân tâm sở dễ đưa đến cuồng nộ, cuồng dại, hung dữ, hận thù, bạo hành rất nguy hiểm vậy.

9- Tật (Issā)

Là ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm trước những thành công, hạnh phúc, giàu sang, may mắn... của kẻ khác. Tật tâm sở thường khởi sanh cùng với mạn tâm sở. Khi thấy kẻ khác có điều hay, điều tốt hơn mình thì thường tìm cách dè bĩu, ỉ ôi. Khi thấy người có địa vị, quyền hành, tài sản, danh vọng, quyến thuộc, sắc đẹp... hơn mình thì đem tâm ganh ghét, nói xấu họ bằng cách này hay bằng cách khác.

Tật tâm sở thường có mặt giữa những người cùng một nghề, cùng theo đuổi một mục đích, lý tưởng giống nhau. Ví dụ: Hàng cá ganh với hàng cá, hàng thịt ganh với hàng  thịt, một thương hiệu mỹ phẩm ganh ghét một thương hiệu mỹ phẩm khác. Trường hợp này cũng xảy ra giữa nhà văn và nhà văn, giáo hội này giáo hội kia, tu sĩ và tu sĩ, pháp sư với pháp sư, vị trụ trì này và vị trụ trì kia.

10- Xan (Macchariya)

Là hà tiện, bỏn xẻn, keo kiệt, rít róng... là tính chất của xan tâm sở.

- Bỏn xẻn về của cải tài sản: Xan tâm sở chi phối làm cho người ta bo bo giữ của; không cho ai một xu, một cắc; và ngay chính bản thân, họ cũng không dám ăn, dám tiêu. Người ta nói: “Con ma giữ của” hoặc: “Vắt chày ra nước” là để ám chỉ người có loại tâm sở này.

- Bỏn xẻn về trú xứ: Khi có nhà cửa, chùa chiền, tu viện, giường nằm... họ không muốn đón tiếp ai đến ở, tu học, đến nghỉ ngơi, thăm viếng...

- Bỏn xẻn về quyến thuộc, đệ tử: Muốn quyến thuộc của mình không được giao du, thân thiện với ai khác, hoặc san sẻ tình cảm với ai khác. Muốn đệ tử chỉ hộ trì, cung phụng mình, không được hộ trì, cung phụng một ai khác.

- Bỏn xẻn về lợi dưỡng: Khi có những lợi lộc vật chất, thường hay giữ lấy riêng cho mình, chỉ muốn mình được đầy đủ, sung mãn; còn ai được như thế thì không thích.

Ngoài ra, còn rất nhiều loại bỏn xẻn khác như về sắc đẹp, danh thơm, tiếng tốt... cũng tương tự như trên. Lại còn loại bỏn xẻn vi tế hơn: Bỏn xẻn về kiến thức, về giáo pháp; tức là không muốn trao đổi, chia xẻ kiến thức, giáo pháp cho ai, vì không muốn ai bằng mình hay hơn mình.

11- Hối (Kukkucca)

Là ăn năn, hối hận, hối tiếc... làm cho nóng nảy, bứt rứt ở trong lòng. Khi đã làm một việc bất thiện, nếu có ăn năn, hối hận là tốt; nhưng chính tâm sở này cứ làm cho tâm bị thiêu đốt, bị cắn rứt không yên, rồi vấn đề cũng không giải quyết được. Phương cách đúng đắn để vượt qua tâm sở này là phải tránh tái diễn, lặp lại các hành vi bất thiện và quyết tâm lánh xa điều ác. Chẳng bao giờ quá muộn để làm việc lành, tự cải thiện bản thân còn hơn ăn năn, hối tiếc suông.

12- Hôn Trầm (Thīna)

Là trạng thái dã dượi, lừ đừ, mệt mỏi... của tâm. Là sự co rút lại như lông gà trước ngọn lửa. Hôn trầm tâm sở làm cho ta sinh thụ động, tiêu cực, không muốn cất tay, cất chân làm bất cứ công việc gì.

13- Thụy Miên (Middha)

Khi bị tâm sở này chi phối thì tâm không muốn hoạt động, không có khả năng nắm bắt điều gì vì nó rất mờ nhạt và rất yếu đuối.

Đây chính là sự trì trệ, uể oải, lười biếng của tâm thức để đánh mất sự linh hoạt, nhạy bén vốn có; nó tác động lên  thân làm cho thân mệt mỏi, buồn ngủ. Nói chính xác, đây là trạng thái buồn ngủ của tâm sở chứ không phải là sự buồn ngủ của thân. Khi ta làm việc nhiều, quá sức, ta buồn ngủ-thì đấy không phải là middha. Ngay cả một vị A-la-hán đôi khi cũng buồn ngủ, nhưng không phải là middha. Hai tâm sở thīna và middha thường đi chung với nhau làm phát sanh sự biếng nhác, trì trệ, lừ đừ, mệt mỏi... chỉ thích ăn ngủ, không muốn làm công việc gì. 

14- Nghi (Vicikicchā)

Là trạng thái nghi ngờ, nghi nan, nghi hoặc, phân vân, hoang mang... đủ mọi thứ; không biết đặt để lòng tin ở đâu.

Nghi không phải là không tin, chính xác là nó ở giữa tin và không tin. Do vậy, nghi tâm sở còn được hiểu là phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, bất định... luôn luôn chẳng biết đặt tâm ở đâu cả. Kẻ bị nghi tâm sở chi phối, thường rơi vào các sự nghi ngờ sau:

- Gọi Đức Phật là Chánh Biến Tri, nhưng không biết Ngài có biết cùng khắp không?

- Tu theo Bát Chánh Đạo, không biết có thấy rõ Niết-bàn không?

- Tu giới thanh tịnh như thế này không biết có hưởng được lợi lạc, an vui không?

- Không biết có đời sau không? Hay chết là chấm dứt tất cả mọi sự?

- Không biết tu Thiền như thế này có đắc định không? Có thể có thần thông không?

- Làm việc lành tốt như thế này không biết kiếp sau có hưởng được phước báu nhân thiên không?

Nghi ngờ về Phật Pháp Tăng, về thiện ác, luân hồi, nhân quả là thuộc về nghi tâm sở. Còn các sự nghi ngờ, phân vân khác như... về một chữ, một nghĩa, về một câu kinh, đoạn pháp; nghi ngờ, phân vân một điểm trong giới luật chưa được rõ ràng, chưa hiểu nghĩa thì không thuộc phạm trù nghi tâm sở. Truờng hợp sau, nó thuộc tiến trình suy tưởng, phạm trù kiến thức mà ngay một vị A-la-hán vẫn có những nghi ngờ, phân vân như thế.

Nói tóm lại, các con đã thấy kinh khiếp chưa? Nhưng không sao, trừ diệt chúng cũng dễ ợt, phải biết cái gốc. Gốc của chúng là bản ngã. Tuệ minh sát sẽ thấy rõ vô thường, vô ngã của tâm và pháp... thì 14 tâm sở bất thiện kia sẽ lặng lẽ ra đi. Hay nói một câu tóm gọn: Minh hiện thì vô minh diệt. Ánh sáng đến thì bóng tối tự lui. Không ai nói ánh sáng diệt bóng tối! Nói diệt nhưng không diệt gì cả, nó tự ra đi!

Mọi người hãy để nhiều lần xem lại và học cho thuộc 14 tâm sở bất thiện này nghe! Để biết mình có những tâm sở xấu ác như thế nào, và phải đưa nó ra ý thức thường nghiệm, và cả với đôi mắt xanh của chánh niệm, tỉnh giác nữa, đừng để cho nó núp trốn dưới những bản ngã, nhân danh từ bi hỷ xả hoặc lợi ích quần sanh. Nó còn núp trốn trong những pháp môn bí hiểm. Nó còn núp trốn nơi bùa nơi chú! Nó còn núp trốn nơi chùa to Phật lớn, kỷ lục này, kỷ lục kia. Nó còn núp trốn nơi dáng vẻ đạo đức hình thức. Nó còn núp trốn nơi những chức danh, địa vị, lãnh đạo nơi này lãnh đạo nơi khác. Nó còn núp trốn nơi đại tế, trung tế và tiểu tế. Nó còn núp trốn nơi nhân danh truyền thống, truyền thừa hoặc cả lợi ích tông môn, hệ phái, cả quốc gia, dân tộc. Kinh khiếp lắm, không tiểu ngã thì đại ngã. Minh sát tuệ như ánh sáng mặt trời, nên không có gì có thể giấu kín dưới ánh sáng mặt trời. Vừng tuệ nhật đó có sẵn nơi ta, nó vốn chói sáng rỡ rỡ chưa bao giờ lặn tắt.

Cảm ơn các con đã lắng nghe rất chăm chú!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tư 2016(Xem: 6254)
FAQ: Làm sao để biết ai là người hướng dẫn thực tập có khả năng? Phong trào MBSR đào tạo được khoảng chừng 9 ngàn người hướng dẫn chánh niệm tốt nghiệp từ cơ quan phụ trách đào tạo Oasis, trung tâm huấn luyện các giáo thọ chuyên nghiệp. Có chừng 18 ngàn bệnh nhân đã theo học các khóa MBSR ở UMass và một số lớp khác tổ chức tại địa phương. Để bảo vệ chất lượng huấn luyện các cơ sở này có giáo chức huấn luyện và chương trình giảng dạy hoàn bị. Ngoài ra còn có các trung tâm nghiên cứu Chánh Niệm như ở đại học California- Los Angeles (UCLA) tổ chức một chương trình 6 tuần lễ dành cho những sinh viên hay nhân viên và giáo chức muốn trở thành giáo thọ Chánh Niệm...
14 Tháng Tư 2016(Xem: 6860)
Chúng ta hãy nói một chút về việc hành thiền (thiền tứ niệm xứ). Quí vị cần phải biết một số điểm quan trọng trước khi bắt đầu thực hành. Hành thiền có nghĩa là gì? Quý vị thực hành như thế nào? Trạng thái tâm quan sát ra sao, thái độ thế nào? Mục đích hành thiền của quý vị là gì? Quý vị cần có một ý niệm và mục đích rõ ràng trước khi bắt đầu thực hành. Quý vị không thể bắt đầu thực hành mà không có một số hiểu biết hay kiến thức về việc mình đang làm. Khi quý vị làm một việc gì đó, quý vị cần phải hiểu một chút về những nguyên tắc đối với việc mình đang làm. Chỉ như vậy quý vị mới gặt hái được lợi ích từ việc làm đó. ....
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5894)
FAQ: Mức độ khả tín của hiệu quả thực tập Chánh niệm? Chúng ta có hai cách giao lưu với thế giới nội tâm và với thế giới bên ngoài. Một: Tâm cảm thọ (Sensing mind) trực tiếp qua giác quan như nhãn, nhĩ , tỵ , thiệt, thân và ý (thức) Thuật ngữ Phật giáo gọi là năm căn hay bình dân hơn là lục tặc (đeo trên người Phật Di Lặc) Đó là sáu cửa ngõ để thế giới bên ngoài xâm nhập vào Tâm...
04 Tháng Tư 2016(Xem: 5716)
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.
28 Tháng Tư 2016(Xem: 5843)
Câu hỏi: Chánh Niệm là phương pháp thực hành tâm linh của Phật Giáo hay một phương pháp phổ quát khoa học? Chánh Niệm là chú ý theo dõi một đối tượng nào đó với chủ đích, trong khoảnh khắc hiện tại, bàng quan, không phán đoán. Có bốn yếu tố chính (1) chú ý theo dõi (2) trong khoảnh khắc hiện tại (3) có mục đích (4) không phán đoán tất cả những đối tượng hay trãi nghiệm hiện ra trong tầm ý thức.
02 Tháng Ba 2016(Xem: 5545)
Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajanna) là một thuật ngữ Phật học ngụ ý một nếp sống thanh thản an lạc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, với một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ đối tượng đang tiếp xúc hay thức tỉnh về việc mình đang làm. Nó là một hình thái thiền hành được áp dụng trong đời sống thường nhật, thể hiện qua việc chú tâm nhận biết hay chánh niệm tỉnh giác về các hoạt động của thân thể, vừa khiến cho tâm thức diễn tiến một cách thư thái, hài hòa, thông suốt, vừa khiến cho mọi hoạt động trở nên khoan thai, nhịp nhàng, chuẩn xác. Đây là một trong các phương pháp “quán thân trên thân” (kàye kàyànupassanà)1 hay pháp môn “thân hành niệm”(kàyagatasati)2 được nói đến trong kinh điển đạo Phật, nghĩa là chú tâm nhận biết hay quán niệm về các hoạt động hàng ngày của thân thể, khiến cho tâm trí trở nên định tĩnh, thanh tịnh, sáng suốt, đạt đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Kinh Sa-môn quả, Trường Bộ nêu định nghĩa:
12 Tháng Giêng 2016(Xem: 9649)
Giống như trò chơi thể thao golf hay cả khi muốn luộc trứng tới mức hoàn hảo, mới đầu thực hành chánh niệm có vẻ dễ dàng. Nhưng lúc quý vị ngồi xuống tọa Thiền với đôi mắt nhắm hay mở – một chuyện không thể nào tránh được là quý vị không thể nào ngừng suy nghĩ
26 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10502)
Trong bài kinh Kalama nổi tiếng, thường được nhắc đến, Đức Phật đã đề ra mười điều mà ta không nên dựa vào để chọn người thầy hay để đi theo con đường tâm linh nào đó. Tất cả đều có liên quan đến một hệ thống niềm tin dựa vào truyền thống hay vào các cổ thư. Không tin nhưng ta phải tự tìm ra sự thật là điều Đức Phật thường nhấn mạnh. Nếu không làm thế, ta sẽ khó có được cái thấy nội tại, là bước đầu tiên đưa ta đến con đường đạo.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6483)
Như Đức Phật đã nói: “Này các Tỳ kheo, đây là con đường trực tiếp để làm trong sạch chúng sinh, để vượt qua buồn đau và sầu bi, để chấm dứt sự khổ và phiền não, để đạt được con đường chánh đạo, để chứng ngộ Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm.”
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10600)
Vào thời Đức Phật có vị tỳ khưu tên Tuccho Pothila. Đại Đức Pothila rất thông minh, thấu suốt nằm lòng kinh điển. Ngài có đến mười tám ngôi chùa và được xem là một Pháp Sư lỗi lạc, khét tiếng đến nỗi mọi người đều tôn sùng kỉnh mộ. Khi nghe đến danh Đại Đức "Tuccho Pothila" ai cũng thán phục.