Viện Đại Học Vạn Hạnh Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia

05 Tháng Chín 201200:00(Xem: 12889)


VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia



viendaihocvanhanh-logo
Viện Đại Học Vạn Hạnh

Lời Ban Biên Tập: Nói đến Hòa Thượng Thích Minh Châu là phải nói đến Viện Đại Học Vạn Hạnh, nói đến một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế học trong tinh thần của Phật Giáo Việt Nam. Trong dịp lễ tang ngài, chúng tôi xin được giới thiệu về ngôi trường do cố Hòa Thượng sáng lập và làm Viện Trưởng trong suốt thời gian từ lúc thành lập đến khi bị giải thể như để tưởng niệm ngài, tưởng niệm đến công đức lớn lao của Ngài đối với sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp. BBT TVHS

Viện Đại học Vạn Hạnh là viện đại học tư thục ở Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập vào năm 1964 dưới chính thể Việt Nam Cộng hoà. Đây là viện đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1975, dưới chính quyền mới, Viện Đại học Vạn Hạnh bị giải thể.

Trước năm 1964, Sài Gòn có trường cao đẳng Phật học với tên Phật học Đường Nam Việt thuộc chùa Ấn Quang.Sau cuộc chính biến 1963 và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trương đào tạo nhân sự và đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật được Giáo hội xúc tiến qua việc xây dựng một cơ sở giáo dục bậc đại học. Với nỗ lực đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu: xây dựng nhà giáo dục… làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ… với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt để phát triển trí tuệ. Viện đại học chọn mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam thời nhà Lý. Một trong những người sáng lập viện đại học này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập năm 1964, là một cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và là hậu thân của Viện Cao Đẳng Phật Học, được hợp thức hoá bằng Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ ngày 17 tháng 10 năm 1964 của Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, và do Quyết Định số 156-VT/QĐ ngày 13 tháng 11 năm 1964 của Viện Hóa Đạo, cử T.T. Thích Minh Châu làm Viện Trưởng, trụ sở tạm đặt tại Chùa Pháp Hội và Chuà Xá Lợi ở Saigon.

Trong niên khóa đầu tiên 1964-1965, Viện chỉ mới mở hai Phân Khoa: Phân Khoa Phật Học và Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn với sĩ số 696 sinh viên.

Năm 1966 Viện mới xây cất xong cơ sở riêng, địa chỉ số 222 Trương Minh Giảng, Saigon. Tòa nhà chính với bốn tầng lầu là nơi đặt văn phòng làm việc của Viện Trưởng, văn phòng các Phân Khoa, văn phòng các Nha sở, Thư viện, Câu lạc bộ, v.v.. và các giảng đường, phòng học của sinh viên.

Niên khóa 1966-67, Viện mở thêm Trung Tâm Ngôn Ngữ với Quyết Định số 108/ĐHVH/QĐ ngày 14 tháng 8 năm 1968, nâng sĩ số sinh viên Vạn Hạnh thờI đó lên tới 802 sinh viên.

Vì nhu cầu sinh viên gia tăng, năm 1970 Viện phải xây thêm Toà nhà B, làm cơ sở cho Phân Khoa Giáo Dục được mở đầu niên khóa 1970-71, do Nghị Định số 1610/GD/KHPC/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục. Đây là Phân khoa thi tuyển nhập học đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh với sĩ số trúng tuyển nhập học là 280 sinh viên cho tất cả các Ban, đã nâng sĩ số sinh viên toàn Viện lên đến 3.685 sinh viên.

Trong niên khoá 1971-72, do nhu cầu quốc phòng, một số sinh viên phải lên đường nhập ngũ, sĩ số của bốn Phân Khoa và Trung Tâm Ngôn Ngữ vẫn có đến 3.404 sinh viên.

Cùng với đà tiến triển, năm 1972 Viện xây cất thêm Toà nhà C mới đủ cho nhu cầu sinh viên gia tăng. Tổng số sinh viên của niên khoá 1972-73 không kể số học viên của Trung Tâm Ngôn Ngữ đã lên tới 3.661, và cũng trong niên khoá này, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội đã trở thành Phân Khoa thi tuyển nhập học.

Cho tới niên khoá 1972-73, Viện Đại Học Vạn Hạnh có 4 Phân Khoa: hai Phân Khoa đòi hỏi sinh viên phải qua một kỳ thi tuyền nhập học năm thứ nhất là Phân Khoa Giáo Dục và Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, hai Phân Khoa còn lại là Phân Khoa Phật Học, Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, và một Trung Tâm Ngôn Ngữ. Niên khóa 1973-1974 Viện mở thêm Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, trụ sở đạt tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.

Như vậy cơ sở 1 của Viện Đại Học Vạn Hạnh bao gồm các toà nhà tọa lạc tại 222 Truơng Minh Giảng, Saigon và cơ sở 2 tọa lạc taị đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận với sự thành lập Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng vào năm 1974.

Cơ sở chính gồm có các Văn Phòng Viện Trưởng, Văn phòng 4 Phân Khoa, Trung Tâm Ngôn Ngữ, Thư Viện, Nha Học Vụ, Nha Sinh Viên Vụ, Văn Phòng Giao Tế, Văn Phòng Phát Triển, Trung Tâm An Sinh và Phát Triển Xã Hội, v.v.. các giảng đường và lớp học, Câu Lạc Bộ, Trung Tâm Sinh Hoạt Sinh Viên cộng thêm dãy nhà trệt dành cho cơ sở Ấn Quán vạn Hạnh. Cơ sở thứ hai bao gồm văn phòng Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng và các phòng học của sinh viên.

Niên khoá 1967-68, Viện thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, do Nghị Định số 1931–GD/QCNV/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục, sĩ số ghi danh học năm đầu tiên của Phân Khoa này đã lên đến 1.190 sinh viên trong tổng số sinh viên toàn Viện là 1.938.

Viện Đại Học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp Hội Đại Học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institution of Higher Learning) và Hiệp Hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social Sciences Association) và là Hội viên Sáng Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Viện Đại học Vạn Hạnh bị chính quyền mới trưng dụng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mất quyền sở hữu. Viện Đại học Vạn Hạnh phải đóng cửa[6] và một phần của nó trở thành một cơ sở của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Kỳ cấp phát văn bằng đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 1969 đã cấp phát văn bằng Cử Nhân Phật Khoa cho 21 sinh viên đậu từ năm 1966 đến 1968, và văn bằng Cử Nhân Văn Học và Khoa Học Nhân Văn cho 23 sinh viên đậu từ năm 1967 đến 1968.

Năm 1984, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM được thành lập với tên gọi là Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, có nguồn gốc từ trường Đại học Vạn Hạnh, ngôi trường đại học đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam đã đào tạo thành công một thế hệ thanh niên Việt Nam hiện đang giữ những vai trò then chốt trong các cơ quan nhà nước.

BẢN THỆ

TRONG CUỘC PHỤC HỒI Ý NGHĨA CHO ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI


I. Ý NGHĨA CỦA BẢN THỆ

Bản thệ chính là bản nguyện của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Mỗi một công trình xây dựng văn hoá đều được xây dựng trên một chủ trương nhất định: chủ hướng ấy chính là chủ hướng ý thức làm luận cứ cho tiêu điểm hành động trong đời sống trí thức. Chủ hướng ý thức qui định tinh thần tiêu biểu của cơ sở hành động trong mỗi thể chế riêng biệt của công trình xây dựng tư tưởng. Chủ hướng ý thức của Viện Đại Học Vạn Hạnh là thể hiện của bản thệ trong từng phạm vi sinh hoạt của mình. Bản Thệ ấy là giải phóng con người ra khỏi tất cả lệ thuộc, tất cả sự nô lệ trong đời sống toàn diện của từng cá thể. Giải phóng là phương tiện đồng lúc với giải thoát: giải phóng phương tiện là giải thoát khỏi quá trình và tiến trình của bản ngã trong tất cả mọi biến thể tế nhị, cởi mở những ràng buộc năng lực toàn diện để thể hiện con người sáng tạo trong đời sống thường nhật.

 

II. Ý NGHĨA CỦA GIÁO DỤC.

Tất cả mọi chủ thuyết giáo dục đều phiến diện, vì cơ sở hành động đã bị lệ thuộc vào chủ hướng ý thức, trên một vị trí bất di dịch. Chủ hướng ý thức phải là chủ hướng của sinh thể ý thức: sinh thể biến dịch luân lưu từng giây phút. Bản thệ là giải thoát toàn diện; do đó, bản thệ chuyển tướng và chuyển dụng chủ hướng ý thức tuỳ theo phương tiện uyển chuyển thuận theo hướng sinh thành của sinh thể, nhờ đó mà con người giáo dục không còn lệ thuộc vào một lý tưởng, vào tín ngưỡng, vào một biên giới quốc gia nhất định; con người giáo dục thực sự không còn là dụng cụ của bất cứ chính thể và chính quyền nào, không bận tâm lo lắng xây dựng một tổ chức hào nhoáng đồ sộ mà bỏ quên thực chất sáng tạo của tư tưởng giải phóng; giáo dục không còn là phương tiện để thực hiện địa vị quyền thế của con người, giáo dục thực sự không còn bị trói buộc vào những yêu sách đa dạng của xã hội và không còn lệ thuộc vào những bức bách phức tạp của những chính quyền; giáo dục không còn là dụng cụ của chính trị; giáo dục cũng không phải là nghề nghiệp mưu sinh: con người giáo dục trước tiên phải là con người tự do toàn diện và giữ vai trò chủ động trong việc chuyển hướng văn minh nhân loại; con người giáo dục không phải chỉ là một chuyên viên kỹ thuật trong một phạm vi trí thức nhất định mà lại là kẻ phê phán truyền thống và kẻ phê phán những giá trị hiện đại. Phê phán sáng tạo là thực chất của giáo dục trong việc thể hiện bản thệ trong đời sống toàn diện.

 

III. Ý NGHĨA CỦA ĐẠI HỌC

Tinh thần Đại Học không phải là tinh thần của một tổ chức và cũng không phải tinh thần của kẻ truyền giáo. Chủ hướng của tinh thần Đại Học là phê phán và sáng tạo. Phê phán là không nhắm mắt thừa nhận những giá trị của truyền thống, đào bới lại nền tảng và đặt lại giới hạn của mỗi một giá trị hiện hữu; sáng tạo là không phải bắt chước, mô phỏng, đi theo bất cứ một mẫu mực lý tưởng nào cả; sáng tạo là tinh thần độc lập toàn diện, không lệ thuộc vào thần quyền và thế quyền, không lệ thuộc vào bất cứ một chủ thuyết nào, người trí thức đại học là kẻ phê phán truyền thống và phê phán xã hội, sáng tạo truyền thống và sáng tạo xã hội; giáo sư Đại học không phải là một kẻ hành nghề trí thức và sinh viên đại học không phải là kẻ thu góp trí thức để tìm một địa vị xã hội hay một địa vị văn hoá. Sinh viên và giáo sư đại học trước tiên phải là những con người sáng tạo, những kẻ phê phán hỗ tương; sinh viên không phải nô lệ vào thẩm quyền trí thức của giáo sư và giáo sư cũng không phải nô lệ vào thẩm quyền hành chánh của tổ chức và cơ quan; mỗi một người là một cá thể độc đáo, tự chọn lựa và tự quyết định chủ hướng trí thức của mình để nhìn thẳng vào sự thật, đi vào thực tại và thoát ly ra ngoài mọi ý niệm, mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ, mọi tín điều, mọi tổ chức; bởi vì tất cả ý niệm, chủ thuyết, tín điều, ý thức hệ và tổ chức chỉ là những chướng ngại ngăn chận lại sức sáng tạo vô biên của cá thể giải thoát, cá thể tự do, con người thoát ly ra ngoài tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức, tự mình làm chủ sinh mệnh mình, điều động đời sống mình trong ý nghĩa mà mình tự sáng tạo cho mình.

 

IV. Ý NGHĨA CỦA CÁ THỂ VÀ TẬP THỂ

Tập thể là sự tổ thành của tất cả cá thể; tập thể chính là từng người một trong sinh hoạt hỗ tương; xã hội chính là sinh hoạt từ hai cá thể trở lên; do đó, tập thể và xã hội phải là phương tiện cho cá thể trên con đường thể hiện giải thoát toàn diện; cá thể không có nghĩa là cá nhân ích kỷ, cá thể không phải là bản ngã; cá thể không phải là một thực thể cô lập hoá mình với toàn thể; cá thể thực sự là cá thể thì chính cá thể ấy là tập thể; tập thể chỉ là hình ảnh ngoại hiện của cá thể. Cá thể giữ vai trò chủ động và giúp đỡ tập thể được sinh tah2nh theo hướng biến dịch liên tục trên con đường thực tại. Tập thể trở thành nguy hiểm, khi tập thể trở thành định thể bất di dịch, một thứ statu quo, chặn đứng án ngự tất cả khuynh hướng sáng tạo của con người trên con đường giải thoát bản thân và tâm linh. Tập thể không thể dựa vào lý tưởng hay ý thức hệ nào để bắt buộc cá thể hy sinh hiện tại cho tương lại; tập thể hoàn toàn có tính cách ảo tưởng trừu tượng, chỉ có cá thể mới là thực thể sinh động; cá thể là tư thế độc đáo quan trọng, chứa đựng tất cả những khả năng và tiềm thể vô biên của nhân tính; cá thể sáng tạo ra tập thể, sáng tạo ra xã hội; do đó cá thể có thể phê phán phá bỏ chế định statu quo mà xã hội và tập thể đã giữ lại để ràng buộc tiềm thể và chận đứng lại tất cả sáng tạo mới lạ của tư tưởng.

V. Ý NGHĨA CỦA CÁ THỂ SÁNG TẠO

Cá thể sáng tạo là một thực thể đi trên con đường giải thoát; cá thể sáng tạo không đi tìm sự an ninh cho đời sống ý thức, không muốn trở thành một nhân vật quan trọng, không hô khẩu hiệu của quần chúng, không ca tụng thành công, không thờ phụng bất cứ thần tượng nào, không đi tìm sự tiện nghi dễ dãi của đời sống thư lại, không chờ đợi phần thưởng và lời khen. Không sợ hãi, không lệ thuộc vào ý niệm, không nô lệ vào biểu tượng, không đóng khung cuộc đời mình trong một hệ thống, một hình ảnh bất động; cá thể sáng tạo là kẻ luôn luôn bước đi phiêu lưu vào những lãnh địa xa lạ của ý thức và vô thức, là một hành nhân độc lập, không cần phải nương vào những điểm tựa, những cái nạng, những nơi trú ẩn của tín ngưỡng tín điều, triết lý truyền thống, quốc gia, dân tộc. Giáo dục chỉ có nghĩa khi giáo dục giữ sứ mạng đánh thức cá thể và đưa cá thể đi trên con đường sáng tạo và phê phán; đại học phải giữ vai trò trọng yếu là nơi đánh thức tất cả những tiềm lực vô biên của một cá thể sáng tao; những cá thể sáng tạo sẽ liên kết nhau thành một tập thể sáng tạo để giữ cho xã hội luôn luôn sinh động và không nên vào định thể nô lệ statu quo, bức tường chận lối án ngữ tất cả tinh ba xuất chúng của con người

VI. Ý NGHĨA CỦA CƠN KHỦNG HOẢNG THỜI ĐẠI.

Văn chương, nghệ thuật và triết học hiện đang rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng; những chủ đề của sinh hoạt văn hoá hiện đại chỉ là sự bi quan, tuyệt vọng, bất lực của con người trong việc đi tìm ý nghĩa cho đời sống. Cá thể bị đánh mất trong tập thể, bị xâu xé giữa những sự đảo điên thời thế, giữa sự suy sụp của tất cả mọi giá trị; cá thể bơ vơ lạc lõng mất hướng đi trong mê cung của ý thức phân tán. Vai trò của giáo dục là giúp cá thể thấy lại con đường chấn chỉnh, tìm lại ý nghĩa và vị trí của mình trong sứ mạng sáng tạo trong đời sống vũ trụ. Con người thời đại bị lệ thuộc vào kết quả thực tiễn, vào mục đích hữu lợi và đã bỏ quên những giá trị thiêng liêng của tâm hồn. Khoa học có ích lợi và mang về nhiều kết quả thực tiễn cho tập thể và cá thể, nhưng khoa học chỉ chuyên chú bận tâm đến dụng thể mà bỏ quên tính thể; khoa học, đi tìm những sự thật mà bỏ quên sự thật, bỏ quên nền tảng cho tất cả mọi sự thật, nền tảng cho chân lý, khoa học không thể khai sáng Thực Tại toàn diện mà chỉ khai sáng những thực thể phiến diện; khoa học khai phát hệ thống tương quan và kỹ thuật cơ khí để cho con người chỉ huy những sực lực thiên nhiên, tìm hiểu thiên nhiên để ngự trị và làm chủ thiên nhiên, do đó sự ly cách giữa chủ thể và đối thể càng ngày lại càng đào sâu thêm: con người đánh mất tính cách nhất thể giữa cá thể và cộng thể, giữa nhân thể và thiên thể, giữa tập thể và đoàn thể; con người trở nên mâu thuẫn trong tự thể giữa tư thể và tập thể, giữa tự thể và tha thể, căn bản của sự mâu thuẫn hiện nay trong con người bắt đầu tự sự ly cách giữa chủ thể và khách thể, sự ly cách này nói lên sự nô lệ không thể tránh: chủ thể bị nô lệ vào khách thể và đưa cá thể bị đánh mất trong tập thể; hoặc khách thể bị nô lệ vào chủ thể và khiến sự vật bên ngoài trở thành dụng cụ phụng sự cho sự ích kỷ, ngu muội, tham vọng, thù hận của chủ thể: con người càng lúc càng đi xa sự thực và đánh mất nhân thể; khoa học tính toán và tổ chức biến con người thành kẻ nô lệ cho biểu tượng, cho ý thức hệ, cho lý tưởng, cho những giá trị sa đoạ.

VII. Ý NGHĨA CỦA HẬU QUẢ TẬP THỂ.

Dấu hiệu sa đoạ thời đại được thể hiện rõ ràng trong cơn bệnh trầm trọng của ngôn ngữ. Con người nói nhiều, tranh luận nhiều, bàn bạc và thảo luận liên tục, những cuộc hội thảo và hội nghị được diễn ra hàng ngày trên thế giới; những tuyên ngôn và những kế hoạch dự án được loan truyền không ngớt; thế mà thế giới càng lúc càng sa lầy, ngôn ngữ bị trở thành dụng cụ tuyên truyền quảng cáo và càng lúc càng trở nên nghèo nàn. Đối thoại không còn ý nghĩa; những khẩu hiệu trở thành quan trọng và con người bị nô lệ vào những khẩu hiệu, bị lệ thuộc vào chữ, lời, tiếng. Ngôn ngữ không cho là môi trường để làm nền tảng cho cuộc sống cách mạng toàn diện trong đời sống tâm linh; tất cả những cuộc cải cách xã hội được xây dựng trên những danh từ tốt đẹp; tất cả những cuộc cải tạo giáo dục cũng được hình thành trong một hệ thống biểu tượng của ngôn ngữ thời lưu: cá thể độc đáo bị đánh mất trong sự huyên nào của ngôn ngữ, khẩu hiệu, tuyên ngôn, phát ngôn, thuyết ngôn của xã hội tập thể. Cá thể bị bắt buộc phải im lặng và chỉ lên tiếng nói, khi nào tiếng nói ấy được tập thể chấp nhận, nghĩa là tiếng nói ấy phải là tiếng nói của đám đông: tiếng nói trở thành ngôn ngữ tự động; con người nói như máy nói và tất cả sự quyết định độc lập đã bị mất ý nghĩa, và cá thể không còn giữ vai trò chủ động thể hiện sứ mạng thiêng liêng của mình trong việc giải phóng thoát ly ra ngoài tất cả sự đàn áp của ý thức hệ, đảng phái, chính quyền, truyền thống, lý tưởng, xã hội, biên giới quốc gia và biên giới tâm linh.

VIII. Ý NGHĨA CỦA VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH.

Tất cả những sự sụp đổ hiện nay, tất cả cơn khủng hoảng hiện nay đều xuất phát từ sự nô lệ tâm thức của cá thể. Chiến tranh xuất phát từ sự mâu thuẫn nội tại của cá thể; cơn bệnh của tập thể phát xuất từ ý thức phân tán của cá thể. Chủ nghĩa quốc gia, cũng như chủ nghĩa quốc tế, không giải quyết được sự mâu thuẫn của ý thức con người; tất cả những ý thức hệ cũng đều thất bại, vì ý thức hệ trở thành quan trọng hơn con người; con người bị nô lệ vào ý thức hệ gây ra những mầm mống phân ly với nhau và hy sinh cho một tương lai ảo tưởng mà bỏ quên hiện tại sống động. Tín điều và tín ngưỡng của tôn giáo cũng gây mầm mống chia rẽ trong con người. Tất cả những cuộc cách mạng lịch sử đều thất bại, vì những cuộc cách mạng ấy đã xây dựng trên những tương quan sai lầm bất động giữa cá thể và tập thể, giữa tư thể và xã hội. Chỉ có một cuộc cách mạng quan trọng và có ý nghĩa, đó là cuộc cách mạng nội tâm của cá thể sáng tạo. Cách mạng nội tâm là cuộc cách mạng của ý thức, của tư tưởng toàn diện trong con người. Giáo dục chỉ có ý nghĩa, khi nào giáo dục không chuẩn bị cho con người rập theo khuôn thước của định thể xã hội. định thể truyền thống, định thể dân tộc, tôn giáo, tín điều. Giáo dục phải đánh thức cá thể; giáo dục theo ý thức cho cá thể về sự tự do vô biên của tâm linh, của toàn thể khía cạnh đời sống. Giáo dục phải kêu gọi cá thể lên đường, liên tục lên đường và chối bỏ tất cả những nơi nương tựa yếu đuối. Đại học không cung cấp dụng cụ nhất thời cho xã hội, cho chính quyền, cho tổ chức hay đoàn thể; đại học phải là nơi nuôi dưỡng những cá thể độc lập, sáng tạo, tự do, không sợ hãi, không nô lệ vào địa vị và tiền tài, danh dự và tham vọng; những cá thể ấy không phải là người trí thức tháp ngà, mà phải là những kẻ sáng tạo trong toàn diện đời sống, những kẻ phê phán những giá trị, những kẻ phê phán truyền thống là xã hội, những người sáng tạo ra những giá trị mới để nuôi dưỡng một cuộc hồi sinh toàn diện cho ý thức và cho tâm thức. Chỉ khi nào ý thức và tâm thức được chuyển hoá toàn diện thì tất cả sự mâu thuẫn nội tâm và tất cả sự mâu thuẫn xã hội mới chấm dứt; chiến tranh không còn lý do tồn tại và giáo dục trở thành ánh sáng chiếu trên con đường sinh thành của văn minh nhân loại. Ý nghĩa của Viện Đại Học Vân Hạnh là sự đánh thức mình trên con đường thiêng liêng ấy.

XI. Ý NGHĨA TỐI HẬU CỦA LỘ TRÌNH TỐI HẬU.

Chuyển hoá ý thức và tâm thức là cứu cánh của tất cả mười tông phái Phật giáo trong Bắc Tông và Nam Tông. Tất cả tông phái khác nhau của Phật giáo đều xuất phát từ khởi điểm duy nhất là giải phóng, giải thoát toàn diện cho con người trên tất cả lộ trình ý thức, tâm thức, ý niệm, ngôn ngữ, biểu tượng. Đại Học Vạn Hạnh đang đi trên lộ trình ấy và nuôi dưỡng tất cả những chiều hướng dị biệt trên con đường sáng tạo toàn diện. Đại Học Vạn Hạnh không phải là nơi tổng hợp hỗn tạp giữa văn hoá Tây phương và Đông phương, giữa truyền thống nhân loại và truyền thống dân tộc. Đại Học Vạn Hạnh chỉ muốn đánh thức lại những tiềm thể vô biên của con người sáng tạo toàn diện, đưa cá thể trở lại ý thức độc lập, tham dự và nhập lưu cùng đời sống phong phú, tự quyết định cho mình và chuyển tính vận mệnh mình trong vận mệnh chung của toàn thể nhân loại. Như thế, giáo dục sẽ không còn là phạm vi khai triển và tích trữ trí thức, mà giáo dục trở thành đời sống toàn diện của tinh thần và tâm thức; giáo dục trở thành lộ trình tối hậu đi về cuộc cánh mạng triệt để của nội tâm, nền tảng của cuộc phục hồi ý nghĩa cho đời sống con người.
Trích:

NHA TU THƯ VÀ SƯU KHẢO
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
In lần thứ hai 1970
TRƯỚC SỰ NÔ LỆ CỦA CON NGƯỜI
CON ĐƯỜNG THỬ THÁCH CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM
TT THÍCH MINH CHÂU

 



Dưới đây là một số hình ảnh được sưu tầm trên mạng lưới Internet toàn cầu:

viendaihocvanhanh-01
viendaihocvanhanh-03
viendaihocvanhanh-02
viendaihocvanhanh-10viendaihocvanhanh-09viendaihocvanhanh-08viendaihocvanhanh-07viendaihocvanhanh-06viendaihocvanhanh-05viendaihocvanhanh-04viendaihocvanhanh-11
viendaihocvanhanh-13viendaihocvanhanh-12
Ngôi trường xưa nay đã gỉai thể thành Trường Đại Học Sư Pạm TP. HCM
viendaihocvanhanh-14
Quang cảnh chụp từ xa trên kinh Nhiêu Lộc (tòa nhà cao là ngôi trường cũ)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5397)
Thông thường thì trải qua bao nhiêu thời gian để được gọi là Một thời? Có thể là một tháng, vài ba tháng, nửa năm, một năm hay nhiều hơn nữa? Hầu như tất cả những thời lượng vừa nêu đều đúng, nhưng chủ yếu là trong những quãng thời gian ấy phải có, đã có một điều gì đấy rất nổi bật: hoặc là một sự việc, hoặc là một hình ảnh, hoặc là một chuyển đổi, một bước ngoặt, một cuộc gặp gỡ… đã tác động đến đời sống khiến tâm tư của chúng ta luôn nhớ đến, nhớ mãi, trở thành một gắn liền với hành trang tri thức của cả đời mình mới được gọi là Một thời.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 15119)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6465)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6357)
Tưởng niệm giác linh Người,/ Hỡi ôi! / Kính quý thay! / Bi xót thay! / Sinh diệt tợ đốm hoa / Sắc không như ánh chớp / Đám mây trắng ngàn năm ly hợp / Cõi bụi hồng muôn kiếp tụ tan / Hậu học sa-môn thương tiếc, bàng hoàng / Tứ chúng đoanh vây, trái tim lệ chảy / Lẽ vô thường xót đau ba cõi / Luật hữu vi băng giá một trời
12 Tháng Tám 2014(Xem: 10690)
Nhưng Thầy ơi, như Thầy đã biết, con thích nhất cây chuối khi nó luôn mọc thẳng , và khá vững vàng nên người đời cứ cưởng chuối có thân cây thật, trong khi "thân" chuối là một "thân giả". Thân giả này là bài học cho con quý giá vô cùng về tính không, nhất là mỗi khi con tụng kinh Bát nhã. Ôi chuối vi diệu quá Thầy nhỉ.
15 Tháng Năm 2014(Xem: 9753)
Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt, tất cả những đau khổ lớn nhất của nhân loại đã xảy ra tại quê hương của chúng ta, và hôm nay, giữa lòng đau đớn khôn cùng của đất nước, đấng Thế Tôn lại ra đời, như một vì sao Mai vụt hiện trên vùng tối đen của mặt đất thê lương này.
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 8694)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư ký gồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết.