Điếu Văn Tưởng Niệm Ht. Thích Minh Châu Của Học Trò Cũ Tại Hải Ngoại

06 Tháng Chín 201200:00(Xem: 10811)

ĐIẾU VĂN TƯỞNG NIỆM HT. THÍCH MINH CHÂU
CỦA HỌC TRÒ CŨ TẠI HẢI NGOẠI

thichminhchau-0101Thành Kính đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư !

Hỡi ôi !...
Một Long Tượng vừa ngã
Một đại thọ vừa xiên
Ngọc Minh Châu tắt lịm
Người trở về Tây Thiên.

Thiền Thất chơ vơ trang sách đợi
Án Linh leo lét khói nhang mờ
Âm Dương biền biệt tim se thắt
Mất còn ảo não lệ chia phôi

Nhớ Linh xưa :
Xuất thân từ vọng tộc
Ứng hiện nhà họ Đinh
Nếp Nho phong gia giáo
Dòng Tiến Sỹ hiển vinh.

Đủ nhân duyên, Ngài sinh năm Mậu Ngọ
Tại Quảng Nam, nơi làng xã Kim Thành
Cội nguồn xưa, Nghệ An là nguyên quán
Vùng địa linh, huyện Nghi Lộc, Nghi Long,… 

Quý hóa thay :
Vốn con nhà khoa bảng
Cần mẫn với thông minh
Ngày tháng càng tỏa rạng
Lưu dấu suốt hành trình.

Đỗ Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương
Đậu Tú Tài Toàn Phần Khải Định
Bổ Thư Ký Khâm Sứ Thừa Thiên
Buông danh lợi, Ngài tu nhơn học Phật.

Rồi từ đó :
Chánh Thư Ký Hội An Nam Phật Học
Sáng lập viên Đức Dục Phật Học Đoàn
Ban Hướng Đạo gia đình Phật Hóa Phổ
Biên Tập Viên cho Tạp Chí Viên Âm.
 
Pháp ngân vang thời chấn hưng Phật Giáo
Thanh Thiếu Niên đồng quy hướng Phật Đà
Khéo tổ chức nên gia đình Phật tử
Âm nhiệm mầu, hương giải thoát lan xa.
 
Sau mười năm Ngài dấn thân mải miết
Chí xuất trần vừa hội đủ nhân duyên
Ngài thọ giáo cùng Cao Tăng Tịnh Khiết
Chùa Tường Vân, xin nương náu cửa Thiền.

Làm chú điệu, sớm hôm lo chấp tác
Làm giảng sư hóa Đạo lớp hữu duyên
Giới Định Huệ trau thân, tu giải thoát
Tiếp quần mê, Người lái Bát Nhã Thuyền.

Nhập dòng Thánh :
Năm bốn chín (1949) khi đủ đầy công đức
Ngài đăng đàn thọ Cụ Túc, Sa Môn
Huý Tâm Trí, hiệu Minh Châu tỏa sáng
Trí và Tâm, tài với đức vẹn toàn.
 
Ngài diễn giảng bao Đạo Tràng, chùa Hội
Ánh Đạo Vàng soi bước kẻ lầm mê
Làm Đại biểu Phật Giáo Hội năm mốt (1951)
Xây dựng nên trường Trung Học Bồ Đề.
 
Là học giả chuyên nghiên tầm Kinh Điển
Phát hiện ra nhiều thiếu thốn, sót sai
Mỗi dịch giả tự ý mình suy diễn
Khiến nhiều nơi lệch lạc ý Như Lai.

Đường xuất dương :
Trước cảnh đó Ngài lên dường du học
Để vững vàng ngôn ngữ Phật thuở nào
Dịch Kinh Sách cho mọi người chuyên đọc
Tạng Việt Kinh cho hiện tại, mai sau.
 
Đến Tích Lan học Pali, Anh Ngữ
Năm năm lăm (1955), tốt nghiệp hiệu Pháp Sư
Ngài tiếp đến Na Lan Đà Kinh sử
Chính nơi này xán lạn ngọc Minh Châu.
 
Ngài thủ khoa khi học xong Cao Học
Lại đỗ đầu khóa Tiến Sỹ của Trường
Tổng Thống Ấn đến trao Ngài phần thưởng
Một danh Tăng gốc việt toả ngát hương.
 
Năm sáu hai (1962) Na Lan Đà đãi sĩ
Khẩn khoản mời Ngài dạy lại cho Trường
Ngài viết sách, tự học thêm thật kỹ
Trước khi về làm việc chốn quê hương.

Thắp đuốc Tuệ :
Năm sáu tư (1964), về Việt Nam dạy học
Viện Đại Học Vạn Hạnh được hình thành
Ngài vai trò Viện Trưởng thật xứng danh
Tổng Vụ Trưởng, Vụ Văn Hóa, giáo dục.
 
Bao chuẩn bị cùng bao nhiêu lý tưởng
Như Phượng Hoàng được vỗ cánh bay cao
Nền giáo dục, Ngài xây theo chiều hướng
Tuệ, Đức, Tâm đồng phát triển hài hoà.
 
Dù lịch sử thăng trầm, bao thể chế
Ngài vẫn lo giáo dục, dịch sách Kinh
Viện nghiên cứu chính do Ngài sáng lập
Tằm nhả tơ, mài miệt suốt hành trình.
 
Ngài kiến nghị giảng Pháp thêm chủ nhật
Cho Thiện Nam, Tín Nữ thấm nhuần thêm
Kể từ đó khắp Đạo Tràng, cửa Phật
Nhiều thiện duyên, vang vọng Pháp âm rền.

Nới vòng tay :
Ngài bôn ba đi khắp nơi Đại Hội
Từ liên Tôn đến Đạo Đức, Hòa Bình
Cùng thảo luận và đồng lên tiếng nói
Cho an bình, thịnh vượng khắp nhân sinh.
 
Năm Bộ Kinh được dịch ra Tiếng Việt
Pháp cú cùng Phật Tự Thuyết chép biên
Kinh Bổn Sanh, Kệ Trưởng Lão Tăng – Ni
Thắng Pháp Yếu, Ngài kết thành Tập luận.
 
Hai sáu (26) sách chính do Ngài sáng tác
Chữ chữ đều hiển thị ý Như Lai
Đời hiếm có bậc đa văn, quảng bác
Hiến dâng đời đồ sộ một gia tài.
 
Người ra đi :
Duyên trần mãn, Người thâu thần thị tịch
Năm Nhâm Thìn, tháng Bảy, tiết trăng tròn
Như sét đánh, khắp địa cầu rúng động
Bao buồn thương, lòng tiếc nuối, héo hon.
 
Học trò Ngài, con số lên hàng vạn
Sách của Ngài như Kinh tụng hàng ngày
Ngài tận tuỵ cả cuộc đời khai sáng
Gương Cao Tăng, đương đại khó ai tày?

Tấc lòng son :
Duyên tri ngộ, hầu cận Ngài thọ giáo
Quả thật là Vạn Hạnh của đời con
Chúng con nguyện khắc sâu lời chỉ bảo
Tiếp chí Ngài, quyết một dạ sắt son.
 
Con phương xa, giờ thiêng liêng ly biệt
Hướng về quê, ngậm lệ tiễn Giác Linh
Hình ảnh Người sống trong con tha thiết
Là hành trang suốt vạn nẻo hành trình.
 
Thân tứ đại trả về cho tứ đại
Lẽ vô thường đâu chừa bỏ riêng ai?
Người ra đi nhưng Người còn sống mãi
Soi khách trần về nẻo giác, Như Lai.
 
Ngọc Minh Châu, chính Phật tâm sáng chói
Tâm Trí cao làm tốt Đạo đẹp Đời
Viên Dung đức, Vạn Hạnh hương thơm ngát
Tường Vân từ che mát khắp muôn phương.

Nam mô tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập tam thế, Tường Vân Tổ đình Trú trì, Vạn Hạnh Thiền viện khai sơn, Vạn Hạnh Đại Học Hiệu Trưởng, húy thượng Tâm hạ Trí, tự Minh Châu, hiệu Viên Dung, Trưởng Lão Hòa thượng Ân Sư Giác linh thùy từ chứng giám.

Ngày 5 tháng 9 năm 2012
Thành kính khể thủ
Học trò cũ Học Viện Phật Giáo Vạn Hạnh:
Thích Đức Niệm (Montreal), Thích Minh Đức (Connecticut),
Thích Hạnh Đức (Minesota), Thích Minh Tuệ (Cali),
TN. Minh Huệ, TN. Giới Hương, TN. Huệ Thiện, TN. Tuệ Từ (Cali)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5403)
Thông thường thì trải qua bao nhiêu thời gian để được gọi là Một thời? Có thể là một tháng, vài ba tháng, nửa năm, một năm hay nhiều hơn nữa? Hầu như tất cả những thời lượng vừa nêu đều đúng, nhưng chủ yếu là trong những quãng thời gian ấy phải có, đã có một điều gì đấy rất nổi bật: hoặc là một sự việc, hoặc là một hình ảnh, hoặc là một chuyển đổi, một bước ngoặt, một cuộc gặp gỡ… đã tác động đến đời sống khiến tâm tư của chúng ta luôn nhớ đến, nhớ mãi, trở thành một gắn liền với hành trang tri thức của cả đời mình mới được gọi là Một thời.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 15135)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6469)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6370)
Tưởng niệm giác linh Người,/ Hỡi ôi! / Kính quý thay! / Bi xót thay! / Sinh diệt tợ đốm hoa / Sắc không như ánh chớp / Đám mây trắng ngàn năm ly hợp / Cõi bụi hồng muôn kiếp tụ tan / Hậu học sa-môn thương tiếc, bàng hoàng / Tứ chúng đoanh vây, trái tim lệ chảy / Lẽ vô thường xót đau ba cõi / Luật hữu vi băng giá một trời
12 Tháng Tám 2014(Xem: 10724)
Nhưng Thầy ơi, như Thầy đã biết, con thích nhất cây chuối khi nó luôn mọc thẳng , và khá vững vàng nên người đời cứ cưởng chuối có thân cây thật, trong khi "thân" chuối là một "thân giả". Thân giả này là bài học cho con quý giá vô cùng về tính không, nhất là mỗi khi con tụng kinh Bát nhã. Ôi chuối vi diệu quá Thầy nhỉ.
15 Tháng Năm 2014(Xem: 9761)
Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt, tất cả những đau khổ lớn nhất của nhân loại đã xảy ra tại quê hương của chúng ta, và hôm nay, giữa lòng đau đớn khôn cùng của đất nước, đấng Thế Tôn lại ra đời, như một vì sao Mai vụt hiện trên vùng tối đen của mặt đất thê lương này.
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 8697)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư ký gồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết.