NHÌN TỪ MỘT THỜI:
KÍNH TƯỞNG NHỚ HÒA THƯỢNG MINH CHÂU
Thích Thước Sơn
Thông thường thì trải qua bao nhiêu thời gian để được gọi là Một thời? Có thể là một tháng, vài ba tháng, nửa năm, một năm hay nhiều hơn nữa? Hầu như tất cả những thời lượng vừa nêu đều đúng, nhưng chủ yếu là trong những quãng thời gian ấy phải có, đã có một điều gì đấy rất nổi bật: hoặc là một sự việc, hoặc là một hình ảnh, hoặc là một chuyển đổi, một bước ngoặt, một cuộc gặp gỡ… đã tác động đến đời sống khiến tâm tư của chúng ta luôn nhớ đến, nhớ mãi, trở thành một gắn liền với hành trang tri thức của cả đời mình mới được gọi là Một thời.
Theo chiều hướng như vậy, đối với chúng tôi, thì Một thời được nói đến trong bài viết này chính là năm học sau cùng ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm học 1967 - 1968, chúng tôi đã được thọ giáo trực tiếp nơi Hòa thượng Minh Châu - ngày ấy còn là Thượng tọa - là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, là giáo sư thỉnh giảng của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Và hình ảnh một vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam, mình khoác tấm y vàng sậm, dáng dấp ung dung, khuôn mặt tròn đẹp, vầng tráng rộng, đôi mắt hiện đậm chất trí tuệ, thông thái, nụ cười luôn nở trước mọi người đối diện, nhất là khi gặp các học Tăng trẻ, tất cả, đúng là tất cả, đối với chúng tôi thời bấy giờ quả là một hình ảnh tuyệt vời, hình ảnh ấy như thể đã làm rực sáng cả khuôn viên trường Đại học Văn khoa ngày nào mỗi khi Thượng tọa Minh Châu (1) xuất hiện, bước nhanh lên cầu thang, đi qua các hành lang để đến phòng X, là phòng dành cho các sinh viên theo học chứng chỉ Triết học Ấn Độ. 45 năm đã trôi qua, hình ảnh kia vẫn luôn hiện hữu trong vùng trí nhớ của chúng tôi, cho đến bây giờ (2013), nhân sắp tròn một năm ngày Đại lão Hòa thượng Minh Châu viên tịch, tưởng nhớ đến bậc Đại lão tôn túc, thì cái hình ảnh tuyệt vời của Thượng tọa Minh Châu ở Trường Đại học Văn khoa thời ấy đã hiện về rất rõ. |
Nói cho đầy đủ thì hơn những 10 năm về trước, tính từ năm 1967, danh xưng Tỳ-kheo Thích Minh Châu đã được chúng tôi biết đến. Tức là vào khoảng giữa năm 1956 hay 1957, một người thân trong gia đình chúng tôi đi xuống Quy Nhơn thăm một người bạn rồi ghé vào chùa Long Khánh, hôm ấy nhằm ngày 14 tháng 7 âm lịch, cận ngày lễ Vu lan, nên được nhà chùa biếu cho một quyển sách mỏng, bìa màu vàng nhạt. Đó là bài viết của Tỳ-kheo Thích Minh Châu nhan đề “Chữ Hiếu trong đạo Phật”, chắc là một bài viết đã đăng báo, được vị sư trụ trì chùa Long Khánh ngày ấy là Thượng tọa Tâm Hoàn đem in để phát cho bổn đạo nhân mùa Báo hiếu. Chúng tôi được biết đến cái tên Tỳ-kheo Thích Minh Châu là từ đó. Sau đấy, vào chùa xuất gia, khi công việc ăn ở, tu học đã tạm ổn định, chúng tôi bắt đầu dành dụm chút ít tiền bạc có được để mua sách, lần lượt tạo dựng tủ sách Phật học cho mình, thì quyển sách chúng tôi “thỉnh” đầu tiên là cuốn Phật pháp, tác giả là bốn vị: Minh Châu,Thiên Ân, Đức Tâm, Chơn Trí. Sách tuy là tài liệu dành cho lớp thanh thiếu nhi gia đình Phật tử, nhưng cũng là tài liệu tham khảo rất tốt cho hàng xuất gia bước đầu học Phật như chúng tôi. Sách ấy đã được tái bản rất nhiều lần. Lúc này nếu như có người hỏi nội dung của sách viết về những vấn đề gì, chắc chắn là chúng tôi phải tìm lấy sách đọc qua rồi mới trả lời được. Nhưng câu đối rất hay nơi tháp của Tổ Liễu Quán (1667 - 1742) mà sách này đã nói đến thì chúng tôi thuộc lòng ngay từ lần đọc đầu tiên và nhớ mãi: Bảo đạc trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy. Pháp thân độc lộ y nhiên tọa lý khán thanh sơn (Tiếng mõ vang lừng trước ngõ không ngừng dòng suối biếc. Pháp thân vòi vọi, quanh tòa cao ngất dãy non xanh). Nhớ mãi cũng như nhớ mãi tên tác giả: Tỳ-kheo Thích Minh Châu.
Năm 1965, chúng tôi ghi danh học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, cũng là năm Đại học Vạn Hạnh chính thức được thành lập (Trước đó mang tên là Viện Cao đẳng Phật học), dời từ cơ sở tạm đặt tại chùa Pháp Hội về cơ sở mới khang trang, bề thế ở đường Trương Minh Giảng, gần cầu Trương Minh Giảng. Lý do khiến mấy anh em chúng tôi học ở Văn Khoa, không học ở Vạn Hạnh cũng đơn giản thôi. Chúng tôi nghĩ Đại học Vạn Hạnh là của mình, dù sao thì chúng tôi cũng đã có những hiểu biết ít nhiều về Phật pháp. Điều chúng tôi mong muốn vào lúc ấy là những kiến thức về lịch sử, văn học, triết học Đông phương gồm cả Phật-Nho-Lão, những hiểu biết sơ bộ về triết học Tây phương v.v… Còn nếu ghi danh học cả hai nơi thì chúng tôi không kham nổi. Đâu như đầu năm học 1966 - 1967, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thông báo cho biết văn bằng Cử nhân Triết học ở đây được phân làm hai: Cử nhân Triết học Tây phương và Cử nhân Triết học Đông phương. Bằng Cử nhân Triết học Đông phương gồm chứng chỉ dự bị (Năm thứ nhất) và bốn chứng chỉ: (1) Lịch sử Triết học Đông phương. (2) Lịch sử Triết học Tây phương. (3) Triết học Trung Hoa. (4) Triết học Ấn Độ. Bốn chứng chỉ ấy, nếu lấy đủ thì được cấp bằng Cử nhân Giáo khoa. Nếu chỉ lấy được ba chứng chỉ, chứng chỉ còn lại thi hai ba lượt vẫn không đậu thì có thể thi lấy một chứng chỉ nào đấy (Văn chương, Sinh ngữ, Ngữ pháp, Sử địa…) để có đủ bốn, tức được cấp bằng cử nhân tự do. Tất nhiên cử nhân tự do chỉ như là một thứ con ghẻ nên giá trị không bằng văn bằng kia. Một vài người bạn thuộc loại “Người Việt gốc sư”, đi dạy nơi các trường trung học công lập còn cho biết là nếu nhập ngạch giáo sư đệ nhị cấp (giáo viên cấp ba bây giờ) thì chỉ số lương của anh giáo khoa ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm, còn anh tự do thì chỉ số lương thấp hơn. Một sinh viên trong một năm học ở Đại học Văn khoa có thể ghi danh học tối đa là 2 chứng chỉ. Như vậy nếu vào loại khá và cố gắng thì có thể trong 2 năm lấy đủ 4 chứng chỉ. Nếu không được như thế thì 3, 4 năm hoặc hơn nữa. Anh em học tăng chúng tôi có 4 người, chia đều Huế 2, Bình Định 2. Sau khi qua được năm dự bị thì đều đồng ý cùng theo học Ban Cử nhân Triết Đông, năm đầu học 2 chứng chỉ Lịch sử Triết Đông và Triết học Trung Hoa. Chữ Hán cổ của cả 4 cũng vào hàng tàm tạm vì đều vượt qua cửa ải tú tài từ ban D (Văn chương, cổ ngữ: Hán) rồi năm dự bị là nhiệm ý Hán, nên chúng tôi có chút ít tự tin khi theo học 2 chứng chỉ ấy. Đúng là chúng tôi đã có được khá nhiều thong thả trong năm học này, vì phần lớn chương trình học đều có nơi các sách chúng tôi đã mua đã đọc hoặc mới mua: Đạo Đức kinh của Lão Tử 2 quyển, Nam Hoa kinh của Trang Tử, 3 quyển (bản dịch của Nguyễn Duy Cần).Đại cương Triết học Trung Quốc, 2 tập của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê… Những thì giờ rảnh, chúng tôi hoặc ra phố Lê Lợi dạo qua mấy nhà sách, nhất là mấy hiệu sách nhỏ chuyên bán sách cũ. Hoặc qua bên Khánh Hội ghé thăm thầy Giản Chi (1904 - 2005). Thầy Giản Chi phụ trách phần Đại cương Triết học Trung Hoa, mỗi tuần 2 giờ, thuộc chứng chỉ Lịch sử Triết Đông, là vị giáo sư duy nhất mà chúng tôi trong mấy năm theo học ở đại học, đã đến tận nhà để thăm hỏi cùng hầu chuyện. Tài liệu giảng dạy của thầy chính là bảng tóm lược từ bộ sách Đại cương Triết học Trung Quốc do thầy và học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) biên soạn. (NXB. Cảo Thơm, S, 1966, 2 tập, hơn 1.500 trang). Đấy là một công trình khảo cứu công phu, có giá trị lớn, giới thiệu đầy đủ về diện mạo của Triết học Trung Quốc trong 25 thế kỷ, từ thế kỷ 6 trước Tây lịch đến đầu thế kỷ XX, được trình bày theo từng lĩnh vực, từng đề mục, khác với lối trình bày theo hướng Lịch triều như hầu hết các sách viết về lịch sử triết học đã xuất bản. Đây là những ghi nhận của hai vị soạn giả về dân tộc Trung Hoa và Phật giáo nơi phần “Một chút địa lý và lịch sử” ở đầu Tập 1: “Họ có sức đồng hóa mãnh liệt không dân tộc nào bằng. Tuy nhiên trong lịch sử của họ, cũng đã có hai thời kỳ họ tiếp xúc với những nền văn minh rất cao, và họ đã hăng hái học cái mới của người, sau một thời gian nghi kỵ. Lần thứ nhất, họ thâu nhập văn minh Ấn Độ, trong các thế kỷ thứ VI, VII và VIII (Đời Lục Triều và Đường). Sự thật, đạo Phật vào Trung Quốc từ đời Tần nhưng phải đến đời Lục Triều, nhân xã hội Trung Hoa gặp hồi suy loạn, tư tưởng đã cằn cỗi, văn minh Ấn Độ mới theo rợ Hồ mà xâm nhập dễ dàng, và do đó đạo Phật phát triển mạnh mẽ vô cùng…” (Đại cương Triết học Trung Quốc, Tập Thượng, Nxb. Cảo Thơm, S, 1966, tr.24).
Sau giải phóng, khoảng năm 1986 - 1987, một người trong số 4 anh em Học Tăng ngày ấy, lúc này là cán bộ biên tập của một nhà xuất bản có ghé thăm thầy Giản Chi mấy lần, cũng là để xin in lại một tác phẩm của nhà văn người Anh W.S. Maugham (1874 - 1965) do thầy Giản Chi Việt dịch (trước 1975 do NXB.Cảo Thơm in). Đầu năm 1994, sách Vương Duy thi tuyển của học giả Giản Chi đã được phát hành rộng khắp (NXB.Văn Học, 1993) hợp tuyển và Việt dịch 134 bài thơ của thi hào Vương Duy (701 - 761), một trong những gương mặt thơ xuất sắc của văn học Trung Quốc đời thịnh Đường, người được hậu thế xưng tụng là Thi Phật, bên cạnh Lý Bạch (701 - 762) là Thi Tiên, Đỗ Phủ (712 - 770) là Thi Thánh. Về khía cạnh Phật học, chúng tôi được biết:
“Vương Duy rất yêu thiên nhiên, thâm tín đạo Phật, mỗi ngày đều ăn chay, tụng kinh, tâm hồn thanh cao, khoáng đạt”. (Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Tập 2, 1964, tr.214). Rồi 2 câu thơ nổi tiếng của ông, một đúc kết về kiếp người theo cái nhìn của người mộ Phật:
Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự
Bất hướng không môn hà xứ tiêu.
Năm học 1965 - 1966, học dự bị - nhiệm ý Hán văn (năm thứ nhất), người phụ trách môn Đại cương Văn học Sử Trung Quốc là Giáo sư Trần Trọng San cũng hay nhắc tới 2 câu thơ trên của Vương Duy nhưng chưa rõ về xuất xứ. Tất nhiên là cả 4 anh em chúng tôi đều rất thích và Giáo sư San đã dịch thành thơ lục bát:
Một đời bao nỗi thương tâm
Không về cửa Phật
biết làm sao khuây.
Bấy giờ (1994) với sách Vương Duy thi tuyển, chúng tôi được biết đó là 2 câu sau nơi bài thơ thất ngôn tứ tuyệtThan tóc bạc:
Túc tích chu nhan thành mộ xỉ
Tu du bạch phát biến thùy thiều
Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự
Bất hướng không môn hà xứ tiêu.
Và học giả Giản Chi đã dịch đúng với nguyên thể:
Ngày nào má đỏ nay răng móm
Phút chốc màu sương
nhuộm trái đào
Một kiếp bao nhiêu niềm khổ hận
Không về cửa Phật gột làm sao.
(Vương Duy thi tuyển, Sđd, tr.280 - 281)
… Hoặc có khi chúng tôi dành cả nhiều buổi chiều để đến giảng đường của Đại học Vạn Hạnh, tham dự những buổi thuyết trình của các vị giáo sư bên ấy giảng nêu về các vấn đề thuộc văn học, triết lý, Phật học v.v… Nếu buổi thuyết giảng do Thượng tọa Viện trưởng phụ trách thì chúng tôi phải đi sớm. Đi sớm mà về trễ. Đi sớm là để được ngồi phía trước, để nghe rõ hơn và nhất là để “chiêm ngưỡng”, để nhìn kỹ hơn về dung mạo của Thượng tọa Minh Châu. Bởi vì thời gian trước đấy chỉ thấy biết Thượng tọa Viện trưởng nơi sách báo, hoặc chỉ nhìn thấy từ xa, nếu có gặp thì chúng tôi cũng chỉ cúi đầu vái chào rồi đi tiếp. Nên đây là những dịp để được nhìn kỹ, nhìn rõ, lắng nghe lời giảng nói của Thượng tọa. Còn về trễ là vì chúng tôi hay tạt vào thư viện để nhìn ngắm cho mát mắt mình đối với thư viện mới thành lập này. Phòng ốc rộng, thoáng, bàn ghế sạch mới, sách thì quá nhiều, phòng chứa sách đặt ở tầng cao nhất, cũng rộng và thoáng. Vào giữa năm sau, chúng tôi có nhận được món tiền trợ cấp của Đại học Vạn Hạnh dành cho các anh em học tăng đang theo học đại học. Rồi chúng tôi được mời đi làm công quả mỗi tuần một buổi tại thư viện của Đại học Vạn Hạnh, nên chúng tôi đã có dịp tham quan khá kỹ phòng chứa sách, phải nói là vô số sách của thư viện ấy. Chỉ ngắm nhìn, xem qua thôi cũng cảm thấy sung sướng lắm rồi. Phần lớn sách ngoại văn của thư viện là do uy tín ngoại giao của Thượng tọa Viện trưởng mà có. Làm Viện trưởng, công việc tất nhiên là bề bộn, nhưng Thượng tọa Minh Châu vẫn dành thì giờ để dịch sách, viết báo, dịch kinh. Thượng tọa đã dịch xong kinh Trường bộ (1965) mở đầu cho công việc Việt dịch 5 Bộ Nikàya, góp phần chính để hoàn thành phần Phật giáo Nam truyền của Đại tạng kinh Việt Nam, tạo thuận lợi lớn cho các thế hệ nghiên cứu Phật học trẻ tìm hiểu về Tạng Kinh của Thượng tọa bộ vốn được xem là có nhiều chất nguyên thủy hơn hết. Nhưng đấy là chuyện về sau này, còn hồi đó chúng tôi đều rất thích đọc cuốn Đường về xứ Phật, xuất bản năm 1964. Tác giả của sách tuy ghi là ba vị nhưng chắc chắn người giữ vai trò chính là Thượng tọa Minh Châu. Đây là tập bút ký ghi chép, mô tả rất chi tiết và đầy đủ về hầu hết các Phật tích nơi xứ Phật - Ấn Độ, nhân một chuyến hành hương - chiêm bái của ba vị Tăng sĩ kia: Hai là người Việt Nam (Thượng tọa Minh Châu, Thượng tọa Thiện Châu) và một là người Đức (Sư Pasadika). Mục đích của sách cùng lộ trình chiêm bái đã được Thượng tọa Minh Châu nêu rõ nơi Lời giới thiệu: “Quyển Đường về xứ Phật ra đời là để thực hiện việc giới thiệu các Phật tích cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam. Chúng tôi đã đi thăm các Phật tích sau đây: Vương Xá, với Núi Linh Thứu, Động Kỳ Xà Quật, Tinh xá Trúc Lâm. Bồ Đề Đạo Tràng chỗ Đức Phật thành đạo. Lộc Uyển, nơi Đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên. Song Lâm với pho tượng Đức Phật nhập Niết-bàn khổng lồ. Lâm Tỳ Ni, ngôi vườn lịch sử đánh dấu nơi Đức Phật đản sinh. Xá Vệ, là chốn Đức Phật ở lâu nhất và thuyết những kinh rất quan trọng… Mỗi Phật tích nào, chúng tôi cũng tả tỉ mỉ các di tích nổi bật, ghi chép một vài nhận xét, cảm tưởng cá nhân, nhắc lại những tích truyện tiêu biểu nhất trong khi Phật tại thế, tìm hiểu lịch sử của Thánh tích ấy và dịch những đoạn ký sự của hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang…” (Đường về xứ Phật, bản in 1989, tr.3 - 4). Có tất cả 65 ảnh được chụp tại chỗ, in kèm với phần giới thiệu, mô tả về các Thánh tích(2). Hai ảnh khiến chúng tôi cảm động nhất là ảnh 22 (tr.97): Nơi cử hành lễ trà tỳ kim thân Đức Phật, và ảnh 29 (tr.117): Ảnh chụp chung với một gia đình họ Thích Ca. Hồi chưa đi tu, chúng tôi cũng được đọc hơn chục số báo Từ Bi Âmcủa Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, mượn từ một ngôi chùa ở làng quê, ngôi chùa này vốn thân quen với chùa Liên Tôn của Hòa thượng Liên Tôn (1882 - 1951) từng là Phó Chủ bút của tạp chí Từ Bi Âm trong nhiều năm. Trên nhiều số báo Từ Bi Âm có đăng bài viết về Lịch sử Đức Phật Thích Ca kèm theo tranh vẽ, và chúng tôi nhớ rất lâu hình vẽ Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, nhục thân đã được liệm vào kim quan, Tôn giả Đại Ca Diếp do hành hóa nơi phương xa nên trở về muộn, đã đi quanh kim quan Đức Phật với tâm trạng vô cùng thương tiếc… Bấy giờ (1965 - 1966) đọc đoạn văn trong Đường về xứ Phật (tr.91) nhắc lại sự việc ấy, rồi nhìn bức ảnh chụp ghi: “Nơi cử hành lễ trà tỳ kim thân Đức Phật”, chúng tôi nghĩ người Phật tử nào mà chẳng xúc động! Còn bức ảnh kia (ảnh 29, tr.117) thì đấy là lần đầu tiên chúng tôi mới biết là dòng họ Thích Ca vẫn nối tiếp tồn tại ở Ấn Độ. Nói chung, sách Đường về xứ Phật đã hoàn toàn đạt được mục đích đề ra, là “để các Phật tử Việt Nam (trong ấy có chúng tôi) khi đọc sách đều có cảm giác như tự mình đang sống trên đất Phật và tai nghe mắt thấy những Phật tích ấy” (Lời giới thiệu, tr.5).
Thượng tọa Minh Châu còn lập ra Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, xuất bản tạp chí Tư Tưởng, là những thứ cần có của một Viện Đại học, không chỉ chuyên về giáo dục bậc đại học mà còn bao hàm khía cạnh nghiên cứu. Ban Tu thư thì đảm nhiệm việc in ấn, xuất bản các tác phẩm khảo cứu, dịch thuật mới, cùng tái bản một số tác phẩm đã xuất bản từ trước, có giá trị. Tạp chí Tư Tưởng đúng nghĩa là một chuyên san của Viện, đã tập hợp được một số cây bút nghiên cứu chuyên sâu về các lãnh vực Phật học, triết học, văn học, lịch sử… vốn là giáo sư của Viện hoặc các giáo sư, học giả bên ngoài có cảm tình với Viện. Trong số những sách được Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh thời ấy tái bản, theo chúng tôi, đáng chú ý nhất là tác phẩm Lý Thường Kiệt của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1906 - 1996). Được biết Thượng tọa Minh Châu trong một lần đi công tác sang Pháp, đã tìm gặp Giáo sư Hãn để xin phép được in lại sách Lý Thường Kiệt - một thành tựu lớn của ngành sử học Việt Namthế kỷ XX (Sách in lần đầu năm 1949. Viện Đại học Vạn Hạnh tái bản năm 1966). Chúng tôi hết sức tán dương việc làm này của Thượng tọa Viện trưởng, chứng tỏ tầm nhìn văn hóa của nhà giáo dục Phật giáo nhiều tâm huyết và có trách nhiệm. Nhờ lần tái bản sách Lý Thường Kiệt ấy mà nhiều lớp sinh viên Phật tử (tại gia, xuất gia) như thế hệ chúng tôi có tài liệu đọc để kiến thức về lịch sử Phật giáo được mở rộng, được củng cố. Sách Lý Thường Kiệt gồm 3 phần, 15 chương, trong ấy có 2 chương cuối được dùng để nói về “Đạo Phật đời Lý” (chương 14) và “Lý Thường Kiệt với đạo Phật” (chương 15). Ở đây, Phật giáo Việt Nam nói chung, cũng như đạo Phật đời Lý nói riêng, tuy chỉ được trình bày một cách ngắn gọn, nhưng vẫn thể hiện khá đủ tầm nhìn, cái công tâm của vị học giả chân chính. Như bàn về Sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, sau khi đưa ra một số dẫn chứng, đã kết luận: “Xem mấy thí dụ trên, ta thấy rằng nhiều vị Tăng dịch kinh Phật là người Ấn Độ hay Tây Vực. Ngoài số những vị đã do đường bộ tới Trung Quốc, một số đã đi đường bể. Những vị này tất nhiên phải học Hán tự. Các vị ấy chắc phần lớn đã qua và ở đất Giao. Vì thế, đạo Phật rất có thể đã tới nước ta trước khi đến nước Trung Quốc” (Lý Thường Kiệt, sđd, tr.417). Ức đoán của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là những khơi gợi lý thú đối với chư vị viết Lịch sử Phật giáo Việt Nam tiếp sau như Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát… Hoặc như ghi nhận về Sự gắn bó từ buổi đầu giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: “Câu chuyện làm thơ đầu tiên trong lịch sử độc lập nước ta là thuộc về hai vị sư…”. Và sau khi dịch bài từ Vương Lang Quy của Thiền sư Khuông Việt (933 - 1011), là một trong 2 vị sư làm thơ đầu tiên, vị kia là Thiền sư Pháp Thuận (915- 990), Giáo sư Hãn nhận xét: “Đó là lời tửu chúc từ thân thiện đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước Việt. Mà lại là của một vị sư” (Lý Thường Kiệt, sđd, trang 431 - 432). Nhận định về ảnh hưởng tổng quát của Phật giáo đối với triều Lý, tác giả sách Lý Thường Kiệt viết: “So sánh với hai triều Đinh Lê, ta nhận thấy rằng trong đời Lý, phong tục triều đình thuần hậu hơn nhiều… Nói tóm lại, sau các đời vua hung hãn họ Đinh, Lê, ta thấy xuất hiện những kẻ cầm quyền có độ lượng khoan hồng, những người giúp việc ít tham lam phản bạn. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật” (Lý Thường Kiệt, sđd, tr.429). Còn về Lý Thường Kiệt với đạo Phật, thì chính nhờ sách Lý Thường Kiệt mà anh em chúng tôi (cũng như rất nhiều sinh viên Phật tử khác) được biết, trong khoảng hơn 19 năm, từ năm 1082 đến 1101 đời vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128), Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) đã lãnh trách nhiệm trấn nhậm đất Thanh Hóa, bấy giờ là vùng địa đầu của miền Nam tổ quốc, khắp miền luôn được an ổn, chứng tỏ ông không chỉ có tài cầm quân mà còn giỏi trong việc trị nước an dân. Cũng chính trong khoảng thời gian này, đạo tâm của Lý Thường Kiệt được thể hiện đậm nét, và Phật giáo Việt Nam đã có thêm một Gương mặt hộ pháp sáng giá, như một đoạn trong bài Minh nơi Văn Bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn (Do Thiền sư Pháp Bảo soạn) đã nêu rõ:
Lý công nước Việt
Noi dấu tiền nhân
Cầm quan tất thắng
Trị nước yên dân
Danh lừng trung hạ
Tiếng nức xa gần
Vun trồng phúc đức
Đạo Phật sùng tin…”.
(Huệ Chi dịch, Thơ Văn Lý Trần Tập 1, 1977, tr.365)
… Qua năm sau, chúng tôi hầu như không còn những thong thả của năm vừa qua. Cả 4 anh em đều phải cố gắng hết sức để có thể vượt khỏi cửa ải hẹp là chứng chỉ Lịch sử Triết Tây. Ban giảng huấn chứng chỉ này có năm vị, ba là người Việt còn hai là người Pháp: một già một trẻ. Vị giáo sư già người Pháp là một linh mục, luôn mặc áo chùng đen, mang kính cận thuộc loại cực nặng, đi chiếc Vespa loại cũ nhưng vẫn còn mới, khi giảng bài, cần viết lên bảng thì viết từ giữa bảng đen đi lên theo đường cạnh huyền của một tam giác vuông, rồi từ trên viết xuống cũng giống như trước. Vị giáo sư trẻ hơi ốm, cao ráo, đẹp trai, bộ râu mép có vẻ được chăm chút kỹ, hay cười, tất nhiên là vui vẻ hơn vị kia. Vị già giảng dạy tóm tắt về Descartes (1596 - 1650) triết gia Pháp thế kỷ XVII. Vị trẻ thì giới thiệu về Kant (1724 - 1804) triết gia lớn của Đức, thế kỷ XVIII. Bài giảng của hai vị đều được quay ronéo sẵn phát không cho sinh viên, vì chắc đã biết rõ các sinh viên Việt Nam này - chỉ trừ một số ít các cô vốn học từ trường Pháp - tiếng Pháp không khá mấy, nghe thì nghe vậy nhưng lãnh hội thì chẳng bao nhiêu. Bài giảng ấy, chúng tôi đem về chùa, cặm cụi tra từ điển để dịch nhưng cũng chỉ hiểu sơ sơ. Vậy là phải đi tìm tài liệu tiếng Việt liên hệ để đọc. Kant thì hơi khó, Descartes thì dễ tìm hơn, nhất là thời ấy, tập Méditations của Descartes đã được Linh mục Trần Thái Đỉnh Việt dịch có phần dẫn nhập rất đầy đủ (Những suy niệm siêu hình). Sở dĩ chúng tôi nhớ khá kỹ về 2 vị giáo sư người Pháp này là vì cuối năm học ấy, thi chứng chỉ Lịch sử Triết Tâyđể gọi là tốt nghiệp, sinh viên đã đậu thi viết rồi còn phải thi vấn đáp nữa, mà giáo sư phụ trách vấn đáp là vị linh mục già kia.
Bên chứng chỉ Triết học Ấn Độ thì chúng tôi có rất nhiều vui vẻ và thoải mái. Thượng tọa Minh Châu là vị giáo sư có giờ dạy nhiều nhất của chứng chỉ này. Giáo trình giảng dạy là bộ Thắng pháp tập yếu luận(Abhidammatthasangaha) gồm 2 tập, do Thượng tọa đã dịch từ nguyên văn tiếng Pàli (Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản, 1965). Tài liệu tham khảo thì khá nhiều: Lược sử Phật giáo Ấn Độ (Thích Thanh Kiểm), Các tông phái đạo Phật (Đoàn Trung Còn), Lịch sử triết học Đông phương tập 3 (Nguyễn Đăng Thục), Đại cương triết học Phật giáo của Tưởng Duy Kiều (Thích Đạo Quang dịch), Phật giáo trong ba bài diễn thuyết (Trần Trọng Kim),Phật giáo triết học (Phan Văn Hùm)(3). Thắng pháp tập yếu luận tiếng Pàli là Abhidammatthasangaha, Hán dịch là A-tỳ-đạt-ma gio nghĩa cương yếu, còn gọi là Nhiếp A-tỳ-đạt-ma nghĩa luận, tác giả là một học giả người Tích Lan tên A Na Luật (Anuruddha) soạn thuật, ra đời vào khoảng thế kỷ XII TL. Nội dung của sách phân làm 9 phẩm (chương), bản Việt dịch của Thượng tọa Minh Châu in làm 2 tập: Tập 1 có 5 chương (phẩm). Tập 2 gồm 4 chương. Thử đối chiếu tên của 9 chương theo bản dịch của Thượng tọa Minh Châu với tên của 9 phẩm theo Hán dịch: (1): Chương I: Citta: Tâm Vương (Hán: Nhiếp tâm phân biệt). (2): Chương II: Các Cetasika hay Tâm sở (Hán: Nhiếp tâm sở phân biệt). (3): Chương III: Pakinnaka: Linh tinh (Hán: Nhiếp tạp phân biệt). (4): Chương IV: Lộ trình của tâm: Citta - vithi (Hán: Nhiếp lộ phân biệt). (5): Chương V: Ra ngoài lộ trình: Vithimutta (Hán: Nhiếp ly lộ phân biệt). (6): Chương VI: Sắc: Rùpa. (Hán: Nhiếp sắc phân biệt). (7): Chương VII: Tập yếu những danh từ Abhidamma: Samuccaya - Sangaha - Vibhàgo. (Hán: Nhiếp tập phân biệt). (8): Chương VIII: Trợ duyên tập yếu: Paccaya - Sangaho. (Hán: Nhiếp duyên phân biệt). (9): Chương IX: Kammathàna: Nghiệp xứ hay đối tượng tu hành. (Hán: Nhiếp nghiệp xứ phân biệt).
Tác phẩm Thắng pháp tập yếu luận này thuộc loại cương yếu đối với Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma) của Thượng tọa bộ (Theravàda), nên Thượng tọa dịch giả đã nhấn mạnh: “Quyển Abhidammatthasangaha này là sách căn bản cho những ai muốn tham cứu học Tạng A-tỳ-đàm và trở thành sách đầu giường cho chư Tăng Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan…”. (Thắng pháp tập yếu luận. Lời nói đầu, trang VII). Chúng ta cần biết thêm là nếu nhìn sangNhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàdin) thì các luận thuộc Tạng A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma) của bộ ấy cũng rất phong phú, như luận A-tỳ-đạt-ma lục túc, luận A-tỳ-đạt-ma phát trí, luật A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, luận A-tỳ-đạt-ma câu xá, luận A-tỳ-đạt-ma tạng hiển tông, toàn bộ là do Pháp sư Huyền Tráng (602 - 664) đem từ Ấn Độ về và Hán dịch, được bảo lưu nơi Đại tạng kinh Đại chánh tân tu, trong ấy, có thể xem luận A-tỳ-đạt-ma câu xá(Abhidharmakosa - sàstra) của Luận sư Thế Thân (Vasubhandhu) là cương yếu đối với tạng A-tỳ-đạt-ma của Nhất thiết hữu bộ. Tức cần có những đối chiếu như Thượng tọa Minh Châu đã viết nơi cuối Lời nói đầu: “Chúng tôi cũng có hy vọng tập này sẽ mở đầu cho một sự so sánh giữa tập Pàli Abhidhamma và tạng SanskritAbhidharma (Tức tạng Luận của Nhất thiết hữu bộ vừa nói ở trên), tập Abhidhammatthasangaha (Thắng pháp tập yếu luận) và tập Sanskrit Abhidharmakosa (luận A-tỳ-đạt-ma câu xá) một sự so sánh rất hào hứng, đầy những khám phá mới lạ và thích thú” (Thắng pháp tập yếu luận, Lời nói đầu, trang VIII)(4).
Đối chiếu, nêu bày, ghi nhận về Thắng pháp tập yếu luận cùng những liên hệ như trên là chúng tôi đứng ở thời điểm hiện tại (2013) để bàn, chứ hồi ấy chúng tôi chỉ biết đi mua sách (Thắng pháp tập yếu luận) rồi xem qua, lại đọc kỹ, ghi ghi chép chép, có những chỗ không hiểu thì thưa hỏi. Tập sách ấy có 9 chương, mỗi chương có nhiều phần, nhiều chi tiết, Thượng tọa Minh Châu đã dịch, giải theo thứ lớp: (1) Pàli văn; (2) Thích văn; (3) Việt văn; (4) Thích nghĩa. Như thế là chúng tôi cũng được học tiếng Pàli. Học cũng khá nhiều nhưng để lâu không dùng tới nên dần dà quên hết. Rốt lại, chỉ có chữ Hán cổ vốn gắn bó nhiều với chúng tôi từ thời trung học, rồi lên đại học, nên đã trụ lâu trong hành trang tri thức của mình. Và chúng tôi nhớ mãi lời khuyên của Thượng tọa Minh Châu ngày ấy, khi biết bốn anh em chúng tôi: Pàli thì lõm bõm, Pháp văn thì sơ sơ, chỉ có Hán cổ là đỡ đỡ, vì đều đi lên từ tú tài ban D, Đại học Văn khoa theo nhiệm ý Hán v.v… nên khuyên là phải cố gắng trau dồi phần sở trường của mình, sau này có thể sẽ có chỗ dùng…
Được gần gũi với Thượng tọa Minh Châu trong một năm học, chúng tôi cũng dần biết thêm về thân thế của Thượng tọa. Thượng tọa Minh Châu xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng yêu nước và mộ Phật. Nội tổ là Đinh Văn Chất (1847 - 1887), thân phụ là Đinh Văn Chấp (1882 - 1953) đều là tiến sĩ Hán học. Người em ruột của nội tổ là Đinh Văn Châu cũng đậu cử nhân năm 1906. Tiến sĩ Đinh Văn Chất vì tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp nên danh vị tiến sĩ đã bị loại bỏ trong số các tiến sĩ của triều Nguyễn. Chính Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là người đã phát hiện ra sự việc này khi đối chiếu các tài liệu cũ. Tiến sĩ Đinh Văn Chấp không chỉ giỏi Hán văn mà còn có những am hiểu về thi ca, về Phật học. Năm 1927, trên tạp chí Nam Phong, các số 114, 115, 116, Tiến sĩ Đinh Văn Chấp đã cho công bố các bản Việt dịch của mình gồm 123 bài về mảng thi ca thời Lý-Trần, trở thành người mở đầu cho công việc dịch thơ thiền thời Lý-Trần. Hồi đó (1967, 1968) chúng tôi đọc trong Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm thấy có nêu dẫn mấy bài thơ dịch của cụ Đinh Văn Chấp. Phải đến sau năm 1970, khi sách Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi được Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa của chính phủ Sài Gòn tái bản, thì chúng tôi mới đọc được khá nhiều các bài thơ dịch thờ thời Lý-Trần của cụ Đinh Văn Chấp. Một pháp lữ của tôi, cư sĩ Nguyên Huệ (Đào Nguyên), một trong 4 anh em chúng tôi từng theo học mấy năm ở Đại học Văn khoa ngày ấy, đã sưu tập được hơn 40 bài thơ dịch của cụ Đinh Văn Chấp để viết bài giới thiệu, ghi nhận trên Nguyệt san Giác Ngộ số 126, tháng 9/2006: “Đinh Văn Chấp, người mở đầu cho công việc dịch thơ Thiền thời Lý-Trần”, cũng là một cách để tri ân HT.Thích Minh Châu, vị giáo sư khả kính của những năm tháng đầy ắp kỷ niệm ở Đại học Văn khoa ngày nào. Tháng 7/2012 vừa qua, Tuần lễ Văn hóa Phật giáo Nghệ An được tổ chức, cư sĩ Đào Nguyên có tham dự và đã gặp anh Đinh Văn Niêm, là người đại diện của tộc họ Đinh Văn ở Kim Khê, được mời tham dự Tuần lễ Văn hóa ấy. Anh Niêm đã tặng cho cư sĩ Đào Nguyên quyển sách Tuyển dịch thơ đời Lý-Trần của Tiến sĩ Đinh Văn Chấp (Hoàng Hồng Cẩm hiệu đính, NXB.Lao Động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011, 300 trang). Như vậy là toàn bộ các dịch phẩm thơ từ thơ đời Lý-Trần của cụ Đinh Văn Chấp đã được xuất bản, một sự việc mà lúc sinh tiền, cố Giáo sư Minh Chi - em ruột Hòa thượng Minh Châu - rất mong muốn nhưng chưa thực hiện được.
… Cuối năm học 1967 - 1968, chúng tôi thi 2 chứng chỉ Lịch sử Triết Tây và Triết học Ấn Độ, nếu đậu hết tức xem như là tốt nghiệp. Chứng chỉ Triết học Ấn Độ vẫn bình thường, nhưng chứng chỉ Lịch sử Triết Tây thì lại có chút vướng mắc. Các sinh viên đã đậu phần thi viết rồi còn phải thi vấn đáp nữa. Vấn đáp bằng Pháp văn do vị giáo sư già người Pháp làm giám khảo. Chúng tôi đi xem bảng, chưa kịp vui mừng thì nghe tin kia khiến anh nào cũng xanh mặt. Hỏi ra mới biết do chứng chỉ này chỉ có một vị giáo sư người Việt ra đề thi. Hai vị kia không rõ do đâu vào gần ngày thi thì vắng mặt. Vậy là phải điều một giáo sư người Pháp thế vào. Cũng may là vị linh mục già ấy vốn độ lượng, thay vì thi vấn đáp thì ông tổ chức thi bút đáp. Ông viết khoảng 20 đề thi trên 20 miếng giấy nhỏ, gấp nhỏ lại bỏ vào thùng giấy để trên bàn. Sinh viên đến ngồi nơi ghế, lần lượt theo số báo danh lên bốc lấy một trong số các đề kia, trở lại chỗ ngồi và viết bài, khoảng từ nửa giờ đến 45 phút, giơ tay để lên đọc cho giáo sư giám khảo nghe. Lâu quá nên chúng tôi không nhớ được đề thi, chỉ nhớ là mình cũng dốc sức viết được gần một trang giấy khổ A4 theo bây giờ, lên đọc, vị giáo sư già kia lắng nghe, mỉm cười, đầu gật gật. Như thế là đậu rồi, sau buổi thi, hầu hết đám thí sinh đều nhận định như vậy. Chỉ có mấy anh khi đọc bài bị ông linh mục già lắc đầu, bĩu môi thì mới rớt, tức số sinh viên bị rớt là rất ít. Sau mùa an cư năm ấy, trước khi về lại trụ xứ cũ là Phật học viện Nha Trang để nhận công tác mới, chúng tôi có ghé thiền viện Vạn Hạnh để bái chào Thượng tọa Minh Châu. Chúng tôi nghĩ có lẽ khó có ngày được gần gũi Thượng tọa nữa. Vậy mà sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi lại vào sống ở Sài Gòn. Nhân duyên đưa đẩy, rốt cuộc chúng tôi lại về trụ nơi thiền viện Vạn Hạnh, đến khi trường Cao cấp Phật học được thành lập, Hòa thượng Minh Châu làm Hiệu trưởng, chúng tôi cũng được mời vào Ban Giảng huấn. 45 năm đã trôi qua. Bốn anh em đồng học ở Đại học Văn khoa ngày ấy đều còn, tất cả đều bước qua cửa tuổi “Thất thập cổ lai hy” ít nhất là ba bước. Một người sống ở nước ngoài, ba người sống trong nước. Một người là tôi (Phước Sơn) còn là Tăng sĩ, ba người kia đều xuống cấp nên chỉ là cư sĩ, nhưng hết thảy đều tùy theo khả năng tri thức của mình mà có những đóng góp nhiều ít cho Đạo pháp. Và tất cả đều thừa nhậnMột thời để nhớ của đời mình chính là những năm tháng học ở Văn khoa Sài Gòn. Ở đấy, hình ảnh nổi bật nhất, đậm nét nhất đã khiến chúng tôi nhớ mãi trong niềm tôn kính, là hình ảnh Giáo sư - Thượng tọa Thích Minh Châu, mình khoác tấm y vàng sậm, bước nhanh lên cầu thang, đi qua các hành lang để đến phòng X, là phòng dành cho các sinh viên theo học chứng chỉ Triết học Ấn Độ.
Sài Gòn tháng 1 năm 2013
Chú thích
(*) Viện phó Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
(1) Chúng tôi dùng danh xưng Thượng tọa Thích Minh Châu để chỉ cho Hòa thượng Minh Châu thời ấy.
(2) Bản in lần đầu năm 1964, các ảnh chụp in trên giấy đẹp. Bản in năm 1989 ảnh chụp in trên giấy thường nên không rõ, nhiều ảnh quá xấu. Đề nghị những lần xuất bản sau nên lưu ý vấn đề này.
(3) Ở đây chỉ nêu một số sách xuất bản trước năm 1967.
(4) Bây giờ thì các Luận của Tạng Pàli (Thượng tọa bộ) đã được Việt dịch. Các Luận của Tạng Sanskrit (Nhất thiết hữu bộ) cũng đã được Việt dịch (do Đại tạng kinh Tuệ Quang thực hiện). Mong rằng sẽ có những nghiên cứu so sánh như Thượng tọa Minh Châu đã nêu.
Tỳ-kheo Thích Phước Sơn (*)