Lại Thương Nhớ Ôn Minh Châu

13 Tháng Tám 201403:15(Xem: 6380)

thanhkinhtuongniem
LẠI THƯƠNG NHỚ ÔN MINH CHẤU

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

thankinhtuongniem2medTưởng niệm giác linh Người,

Hỡi ôi!

Kính quý thay!

Bi xót thay!

Sinh diệt tợ đốm hoa

Sắc không như ánh chớp

Đám mây trắng ngàn năm ly hợp

Cõi bụi hồng muôn kiếp tụ tan

Hậu học sa-môn thương tiếc, bàng hoàng

Tứ chúng đoanh vây, trái tim lệ chảy

Lẽ vô thường xót đau ba cõi

Luật hữu vi băng giá một trời

Trưởng lão ra đi,

Núi non tâm, đạo đức cao ngời

Sông biển trí, nhân văn bát ngát

Chẳng lẽ từ đây

Đúng thời mạt pháp

Cành nhánh khô gầy

Cỗi gốc cũng điêu linh

Nhìn đăm đăm trang giấy vô tình,

Không nói được tấm lòng bi điếu

Tay run mỏi, chữ thừa, lời thiếu

Dẫu mưa rơi, sương rỉ chương ngàn

Bút lẽ nào, tre chẻ Lĩnh Nam!

Mực không thể, nước đong Đông Hải!

Người đã trải lá bối

Dệt vầng trăng

Thiên thu soi đuốc tuệ

Ánh chớp hiện, nghi dung đại sĩ

Đốm hoa lưu, linh ảnh chân nhân

Thoáng trăm năm đại nguyện vi trần

Đàm hoa rụng thơm hương,

Lại rơi, lại rơi...

Rơi vào dòng bất tử...

Trưởng lão ra đi

Cỗi tùng già lá xanh bật khóc

Đất thiền lâm hiu hắt giọt sương khô

Dòng nước xao, hình núi lặng tờ

Làn mây thoảng, ánh sao vời vợi!

Hỡi ôi!

Nhớ giác linh xưa

Thế danh Đinh Văn Nam

Sinh năm Mậu Ngọ

Nguyên quán Kim Khuê

Nghi Lộc, Nghệ An

Từ nhỏ lớn lên

Nuôi chí sách đèn

Năm ba chín lấy bằng cao đẳng

Và sự học, thuyền êm, biển lặng

Một chín bốn mươi lại đỗ tú toàn

Bởi cơm, bởi áo - làm việc tòa khâm

Vì nước, vì dân - dốc lòng phụng sự

Ngày cau mặt, xót điều phi lý

Đêm nhức đầu, đau chuyện bất công

Bởi vậy cho nên

Bỏ cửa quan, quay gót, rảnh lòng

Rời đường hoạn, phủi tay, lìa bụi

Rồi từ đó

Hiểu nghiệp quả, ra công học Phật

Biết duyên đời, gắng sức nghiên kinh

Sáng lập đoàn Đức Dục thanh niên

Lại dựng xây gia đình Hóa Phổ

Hiểu sức mạnh tăng sinh tuổi trẻ

Chung tay lo học viện Kim Sơn

Rồi lại thêm Báo Quốc học đường

Không mệt mỏi ươm mầm giáo pháp

Năm bốn sáu xuất gia đầu Phật

Chùa Tường Vân, cố Tăng Thống ân sư

Bút mực, sách đèn - sớm tối kinh thư

Rau muối, tương dưa - tháng ngày công hạnh

Năm bốn chín, duyên tu thuận cảnh

Báo Quốc giới đàn minh chứng thập sư

Đặc cách thọ tam đàn cụ túc tỳ-khưu

Minh Châu pháp tự,

Viên Dung pháp hiệu

Tâm bồ-đề từ đây kiên cường, vững chãi

Ghé hội, đoàn - rèn tâm giảng pháp

Đến chùa, am - tập trí bàn kinh

Những tháng, những năm

Tạp chí Viên Âm,

Tạp chí Từ Quang... góp bài viết đạo tình

Chọn ý ngọc, gieo ươm chánh tín

Lựa lời châu, bày tỏ duyên căn

Trường trung học Bồ Đề - hiệu trưởng đầu tiên

Với giới nghi, đầu tròn, áo vuông

Bằng mô phạm, mắt xanh, viên trắng

Gót nhập thế, đạo đời tương đẳng

Đuốc từ bi, lặng lẽ lên đường

Một chín năm hai, đạt nguyện xuất dương

Đến Thiên Trúc tìm thầy học đạo

Gương Nghĩa Tịnh ngời soi Bắc quốc

Trăng Huyền Trang chiếu rọi Nam bang

Vò võ đất nghèo, pháp học ra công

Quạnh quẽ phòng đơn, quặng vàng thử lửa

Thấy cám dỗ, nhẹ nhàng đóng cửa

Nghe rủ rê, thanh thản quay lưng

Gian khổ nhiều năm, nuôi chí hạc hồng

Bay vạn dặm câu kinh, con chữ

Anh, Hán ra sức nghiên tầm,

Saṅskrit - Pāḷi, cố công đối so cổ ngữ

Quyết mò châu đáy biển từ nguyên

Tay mỏi, mắt đau

Tìm cho ra giọt nước trinh tuyền

Tự suối nguồn trong ngần giáo pháp

Chẳng nệ hà thử thách,

Nào sá quản gian lao

Cay đắng, chát chua – quả vị ngọt ngào

Cơ cực, khó khăn – hoa hương vi diệu

Hai cử nhân Pāḷi - Anh dấu son khoa biểu

Cao học A-tỳ-đàm nhẹ lấy thủ khoa

Đỗ tiến sĩ Phật học,

Văn học Pāḷi – đứng đệ nhất tòa

Tổng thống Ấn Độ đích thân trao bằng danh dự

Đại học Tích Lan, thêm bằng pháp sư bổ xứ

Là sa-môn Việt đầu tiên xuất sắc nguyên khôi

Cầm đuốc tiên phong học thuật sáng ngời

Lấy duệ trí phát quang con đường đại học

Một chín sáu tư lên tàu về nước

Rồi trọn tuổi trời lá bối chép kinh

“Thị nghiệp” một đời “duy tuệ” đăng trình...

Hỡi ôi!

Nhớ giác linh xưa

Tịch mịch con đường

Thề không đổi chí khí kiên cường

Nguyện chẳng rời kinh văn dị giản

Muốn học Nhật Nam tăng [1]

Cửa tùng đôi cánh gài

Dịch kinh trên lá chuối

Bông mây rụng áo phơi

Lại noi Vô Ngại Thượng Nhân [2]

Giữa đời xa phiền não

Trong phố dựng già-lam

Nhuận văn, hương ngát cõi

Soạn sách, bút thơm lan

Chầu thiền, câu xanh mớm

Nghe giảng, vượn trắng dòm

Dầu can qua biến động

Dẫu rào cản trùng vây

Xem cát chạy, đá bay

Ngắm sóng dồn, gió dập

Cay cay mắt - bụi mây vinh nhục

Xót xót tai - lời gió thị phi

Đời tối, đêm đen, đội chữ mà đi

Phụng hiến nhân văn, lương sư hưng quốc

Gương Vạn Hạnh, trụ thiền chống cột

Hộ pháp ba triều, xã tắc bình yên

Hiền đức, hiền tài, nguyên khí càn khôn

Đã vạn quyển khuyên son

Đã trăm kinh thắp lửa

Đêm cô tịch đốt đèn soi ngữ nghĩa

Thương Tăng Ni kinh chữ mượn vay

Đâu quản cao sơn, gió lạnh lắt lay

Chẳng nệ bối kinh, chợ chiều bạc bẽo

Bút chánh pháp kế thừa ân di giáo

Thoảng ngoài tai tám pháp thế gian!

Đã liễu tri định luật bất toàn

Đã giác ngộ căn nhân khổ đế

Nên việc đến, tùy duyên xử sự

Gió qua rồi ruột trúc rỗng không

Mỉm danh thân - gió sóng phiêu bồng!

Cười sự nghiệp - sương mây phiếu diễu!

Đại trí giữa đời, cung đàn lạc điệu

Sao lẻ đêm đông, buốt lạnh thái hư!

Trưởng lão ra đi, an lạc nhiên như

Tăng Ni hậu học, tàn che cô quạnh

Giữa cát bụi, ngời soi giáo hạnh

Trong sa mù, rạng chiếu chân dung

Thấy tiết thu, sương giọt bảy dòng [3]

Nghe thời thế, gió xao ba khoảnh [4]

Tâm nhân giả, lợi danh khô lạnh

Đức trượng phu, tài sắc rỗng rang

Năng lượng từ bi, hòa ái, dịu dàng

Bởi thế cho nên

Quyền biến, cơ tuỳ

Thân hành, ngôn giáo

Chân dung sáng, nụ cười hoan hỷ

Khiêm hư một đời

Lặng lẽ bóng hoà trăng

Mà hãy thôi

Trưởng lão đã trở về với cố quận, gia hương[5]

Chẳng hữu chẳng thường

Không sinh không diệt

Cánh hạc vàng thiên thu bái biệt

Thiên hà ngôn tai

Vạn sự như lai

Giác linh đã như lai như khứ...

Đê đầu kính điếu

Hậu học sa môn!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

(Tỳ-khưu Giới Đức)

Chú thích:

1- Xem “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của GS Lê Mạnh Thát.

2- Sách đã dẫn trên.

3- Bảy tình: Hỷ, nộ, ái ố, ai, lạc, dục

4- Ba độc tham, sân, si.

5- Từ câu thơ của vua Trần Thái Tông: “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách, nhật viễn gia hương vạn lý trình”.

Trở về mục lục: ● TƯỞNG NIỆM 
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5408)
Thông thường thì trải qua bao nhiêu thời gian để được gọi là Một thời? Có thể là một tháng, vài ba tháng, nửa năm, một năm hay nhiều hơn nữa? Hầu như tất cả những thời lượng vừa nêu đều đúng, nhưng chủ yếu là trong những quãng thời gian ấy phải có, đã có một điều gì đấy rất nổi bật: hoặc là một sự việc, hoặc là một hình ảnh, hoặc là một chuyển đổi, một bước ngoặt, một cuộc gặp gỡ… đã tác động đến đời sống khiến tâm tư của chúng ta luôn nhớ đến, nhớ mãi, trở thành một gắn liền với hành trang tri thức của cả đời mình mới được gọi là Một thời.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 15152)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6476)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó.
12 Tháng Tám 2014(Xem: 10732)
Nhưng Thầy ơi, như Thầy đã biết, con thích nhất cây chuối khi nó luôn mọc thẳng , và khá vững vàng nên người đời cứ cưởng chuối có thân cây thật, trong khi "thân" chuối là một "thân giả". Thân giả này là bài học cho con quý giá vô cùng về tính không, nhất là mỗi khi con tụng kinh Bát nhã. Ôi chuối vi diệu quá Thầy nhỉ.
15 Tháng Năm 2014(Xem: 9767)
Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt, tất cả những đau khổ lớn nhất của nhân loại đã xảy ra tại quê hương của chúng ta, và hôm nay, giữa lòng đau đớn khôn cùng của đất nước, đấng Thế Tôn lại ra đời, như một vì sao Mai vụt hiện trên vùng tối đen của mặt đất thê lương này.
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 8702)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư ký gồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết.