Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) năm 19 tuổi lên chùa Hoa Yên yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú. Ngài Tuệ Nguyệt hỏi : “Ngươi ở đâu đến đây ?” Sư thưa : “Vốn không đi lại.” Tuệ Nguyệt biết sư là pháp khí về sau, bèn thế phát xuất gia cho với pháp danh là Tuệ Đăng. Không bao lâu sau Tuệ Nguyệt tịch. Sư cùng bạn đồng học là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu đà đi du phương tham vấn Phật pháp. Thời gian sau Như Niệm trở về trụ trì chùa Cô Tiên, sư lên núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương là đệ tử của Chuyết Chuyết. Sư hỏi : “’Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mắt thấy thế nào’ là sao ?” Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, hai mắt gặp nhau, Sư liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo : “Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời.” Rồi đặt cho sư pháp hiệu Chân Nguyên và bài kệ phó pháp :
Ngọc quý ẩn trong đá
Hoa sen mọc từ bùn
Hãy biết chỗ sanh tử
Ngộ đó, tức Bồ đề.
Chính vì do việc ‘Bốn mắt nhìn nhau’ (tứ mục tương cố) này mà ngộ nhập thực tại nên về sau trong những sáng tác của mình, Thiền sư Chân Nguyên nhiều lần nói đến ‘bốn mắt nhìn nhau’.
* * *
Qua sự việc bốn mắt nhìn nhau này, chúng ta thấy một khi tâm thức đã chín muồi, đã qua một thực hành sơ bộ đủ để tâm thức bớt đi hai sự che chướng của phiền não và sở tri, thì bất cứ một sự tiếp xúc nào, nhất là với một người đang sống trong thực tại ấy thì như lửa đá xẹt, ánh điện chớp (kích thạch hỏa, thiểm điện quang), người ta thấy ngay, thể nhập ngay thực tại. Mặc dầu có thể chúng ta không hiểu kinh nghiệm bốn mắt nhìn nhau này thực sự là cái gì, nhưng đang trên con đường tích tập và chuẩn bị cho trí huệ bùng phát, ít nhất chúng ta cũng có niềm tin rằng Cái Đó (Thực Tại) có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu một khi chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ, đã chín muồi. Niềm tin này là động lực cho sự tích tập chuẩn bị và nỗ lực của chúng ta, vì khi tâm thức đủ thanh tịnh, nó liền thấy Pháp thanh tịnh.
Chúng ta hãy xem xét tiếp thêm ‘bốn mắt nhìn nhau’ để thấy ra một vài đặc tính của cái thực tại trong bốn mắt nhìn nhau này :
Hiện ra nhãn nhĩ thanh âm
Tứ mục tương cố chẳng tâm thời gì
Tâm nguyên không tịch vô vi
Ngộ được tức thì quả chứng Như Lai.
Thực tại ấy đầy khắp trong mắt tai mũi lưỡi thân ý, đầy khắp trong sắc thanh hương vị xúc pháp…, và ở đây thiền sư Chân Nguyên gọi thực tại ấy là Tâm. Nhưng sở dĩ chúng ta không thấy được, không biết được vì tâm thức chúng ta chưa được thanh tịnh. Quá trình tu hành chuẩn bị chính là sự tịnh hóa tâm thức này. Như ở đây Thiền sư Chân Nguyên đã ‘phát nguyện tu hạnh đầu đà đi du phương tham vấn Phật pháp’. Trong quá trình tịnh hóa đó, tâm thức Sư đã trưởng thành, đã chín muồi. Vì đã chín muồi, đã tiếp cận, đã tiến đến rất gần, Sư mới có được câu hỏi từ đáy lòng mình : “’Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mắt thấy thế nào’ là sao ?” Và bốn mắt nhìn nhau, và ‘đá xẹt, điện chớp’, và thấy, và ‘ngộ đó, tức Bồ đề’.
Thiền tông cũng như những tông khác, sự tu hành dù có hình thức gì thì bản chất cũng là tịnh hóa tâm thức. Thiền tông cũng như Đại thừa, cho rằng Phật và chúng sanh đồng một tâm, chỉ có điều tâm thức chúng sanh thì bất tịnh, nghĩa là có nhiễm ô, còn tâm Phật thì thanh tịnh, nghĩa là không có nhiễm ô. Và khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp bản lai thanh tịnh, thấy cõi Phật này thanh tịnh. Như thế muốn thấy được thực tại vốn xưa nay thanh tịnh này chỉ cần ‘hồi đầu thị ngạn’, quay đầu lại là bờ. Nhưng sự tịnh hóa, sự quay đầu lại của Thiền tông thì khá đặc biệt ; ở đây chúng ta dẫn một phong cách thường thấy trong Thiền Trung Hoa :
“Thiền sư Vô Nghiệp (760-821) nghe tiếng Mã Tổ, tìm đến yết kiến. Mã Tổ thấy tướng mạo Sư kỳ đặc, tiếng nói trong như chuông, bèn bảo :
– Cao lớn nghiêm trang mà trong ấy không có Phật.
Sư lễ lạy quỳ thưa :
– Về Kinh điển con có hiểu biết qua, thường nghe Thiền Môn nói “Tức Tâm là Phật”, thật chưa hiểu thấu.
– Chỉ cái tâm chưa hiểu đó chính là nó, ngoài ra không có vật gì khác.
– Thế nào là tâm ấn mật truyền của Tổ sư từ Ấn Độ sang ?
– Tự đại đức đang ồn ào. Hãy đi, khi khác đến.
Sư vừa đi ra, Mã Tổ gọi :
– Đại đức !
Sư xoay đầu lại.
Mã Tổ hỏi :
– Là cái gì ?
Sư liền lãnh hội, lễ lạy.
Mã Tổ bảo : Gã khờ, lễ lạy làm gì ?”
* * *
Thực tại thì ở khắp tất cả chỗ, đụng vào đâu cũng có thể ‘đá chớp điện xẹt’, ở nơi nào cũng hiển lộ trong ‘bốn mắt nhìn nhau’. Sở dĩ như vậy là vì nơi chúng ta luôn luôn có Cái Đó. Cái Đó vẫn ở với chúng ta từ vô thủy đến vô chung, cho nên khi đủ duyên, khi đã mỏng bớt ngăn che thì ‘đá chớp điện xẹt’ bèn lộ toàn thân vậy. Quả thật không có an ủi nào bằng, không có phấn khích nào bằng ! Đức Thích Ca đã chứng ngộ hoàn toàn Cái Đó mà thành Chánh Đẳng Chánh Giác, đức A Di Đà đã chứng ngộ hoàn toàn Cái Đó mà thành Phật và kiến lập Tịnh độ Tây phương, Bồ tát Quán Thế Âm đã chứng ngộ hoàn toàn Cái Đó mà khắp hiện Hóa thân, Trí Bi tròn đủ… Vậy mà bây giờ Cái Đó vốn có nơi mỗi chúng ta, là quyền lợi tối thượng của mỗi chúng ta, chúng ta có thể nào lơ là, không tinh tấn ?
Cái Đó chưa từng cách chúng ta một mảy tóc, cọng lông, chưa từng lìa chúng ta một khoảnh khắc, một sát na, thế mà chúng ta không khám phá nó, thể nghiệm nó thì có phải cuộc đời chúng ta rất uổng phí hay không ? Cái Đó gần chúng ta hơn cả máu thịt, cả hơi thở, cả sự sống và cái chết, bởi vì Cái Đó là cái Chính Mình, thật sự là chính mình, của chúng ta vậy :
Ta có một thân Phật
Người đời ít kẻ biết
Không một giọt bùn, tro
Không một điểm hình sắc
Vàng ròng khó đúc thành
Gỗ đá khó chạm khắc
Thợ trời tạo chẳng thành
Trộm đất cắp chẳng được
Nước lửa chẳng can gì
Nghiễm nhiên gió chẳng đổi
Lặng sáng đầy thái hư
Đoan nghiêm rất kỳ đặc
Tròn sáng có một thân
Hóa thân trăm ngàn ức.
(Thiền sư Chân Nguyên)
Chính vì mỗi mỗi chúng ta đều có Cái Này, mỗi mỗi chúng ta đều là Cái Này, nên mỗi mỗi đụng vào là mỗi mỗi lửa đá xẹt, tia điện chớp. Chính vì Cái Này mà chư Phật thị hiện xuất thế khai thị chỉ bày, chư Tổ dày công đẽo gọt dạy dỗ. Chính vì Cái Này mà các Bồ tát lòng bi như trời như biển, vì Cái Này còn hơn trời hơn biển. Chính vì Cái Này là cái Chính Mình của mỗi chúng ta :
“Thiền sư Minh Trí (?-1196) một hôm đang đàm luận với một vị tăng, có vị tăng bên cạnh nói : ‘Nói hết là Văn Thù, nín bặt là Duy Ma.’
Sư nói ngay : ‘Không nói, không nín, đâu chẳng phải là ông ?’”
Nếu chúng ta thực sự tha thiết tìm cầu, lấy chỉ một câu này mà tham thiền, không dừng lại trong những vọng tưởng ý niệm bọt bèo, không dừng lại trong cái ‘trong trẻo vắng lặng’ của định tâm, thì có ngày cánh cửa trước mặt sẽ mở toang ra mà thấy ‘không nói, không nín, đâu chẳng phải là ông’ vậy.
* * *
Tâm nhân địa tu hành – nói theo kinh Viên Giác – của Thiền chỉ là Cái Đó, cái chính mình, cái Pháp thân… Bởi thế Thiền không y cứ vào những phương tiện giả lập, những loại quán tưởng có tính cách đối trị, trung gian, thậm chí những tầng thiền định – bốn Thiền, tám Định – vì những tầng thiền định này chỉ là những trạng thái, dù vi tế, của Tâm. Phương tiện tu hành của Thiền không phải là một phương tiện nhân tạo và khác với cứu cánh ; phương tiện của Thiền chính là cái cứu cánh đó. Nếu Thiền có quán là quán ngay ‘Chân Thể’ (hay Pháp thân), có định là định trong ‘Chân Thể’. Cho nên nhân tu hành của Thiền chính là quả Ba Thân Phật (Pháp thân, Báo thân, Hóa thân), và quả Ba Thân này vốn nằm ngay trong tự tánh của mình. Nhân của Thiền không phải là một nhân phương tiện giả lập để đạt đến cái Quả ở ngoài nhân, mà nhân ấy đã vốn nằm trong Quả, nhân tới đâu thì quả hiện bày tới đó. Sở dĩ Thiền được gọi là Đốn vì thế, vì nó tu hành, sinh hoạt ngay trong Phật địa, và đối với Thiền, chỉ có một địa duy nhất là Phật địa, nó chẳng chú trọng đến những giai đoạn (những địa riêng rẽ) ở trong Phật địa Pháp thân. Từ bước đầu tiên cho đến bước cuối cùng đều xảy ra trong một địa duy nhất là Phật địa.
Nhưng cái Pháp thân, cái Tâm, cái Thực Tại, cái Phật Tánh Chính Mình ấy chưa hề rời lìa chúng ta đến một mảy may không gian và một sát na thời gian. Nó chưa hề rời lìa sinh hoạt sanh tử này đến mảy lông cọng tóc. Thiền sư Chân Nguyên khai thị :
“Đó chính là mọi người trong suốt mười hai giờ đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hay biết, nhướng mày chớp mắt, ứng cơ tiếp vật, đưa tay động chân, một thể tròn sáng, sáu căn vận dụng, ứng âm ứng thanh, hay thấy hay nghe, biết nói biết năng, biện rõ phải trái.
Nói năng đó là gì ? Cái gì biết hỏi đáp ? Đây chính là pháp thân của mọi người, là tự tánh chân không, hay ứng ra âm thanh, miệng lưỡi mà hỏi đáp. Đấy là tánh chân không người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, ở thánh chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, không biến không đổi, không cũ không mới, không quá khứ hiện tại vị lai, hư không bình đẳng, trong lặng tròn sáng, từ mênh mông kiếp đến nay tự riêng ở ngay tại đây, gió thổi chẳng động, mưa tưới chẳng ướt, lửa đốt chẳng cháy, dùi nhọn chẳng phủng… sạch làu làu, bày trần trụi, không một vật, nắm chẳng được, lồ lộ trước mắt, rực rỡ soi khắp. Đây là Pháp thân chân không thanh tịnh, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên thường trụ vậy. Như hư không rộng lớn, bao trùm trời đất, xuyên suốt núi sông, suốt xưa tột nay, vững mãi như vậy. Nên biết núi sông đại địa rốt ráo là hoa đốm trong hư không, thân thể bốn đại, âm dương đều là huyễn hóa, ‘phàm hễ có tướng đều là hư vọng’.”
* * *
Nếu nói theo ngôn ngữ đời thường ngày nay, Thiền thì hiện thực hơn bất kỳ hiện thực nào, thực dụng hơn bất kỳ thực dụng nào, cụ thể hơn bất kỳ cụ thể nào, và là chất lượng sống hơn bất kỳ chất lượng sống nào. Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) giảng câu kinh Kim Cương ‘Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp’ như sau :
… Hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng lìa khỏi pháp tánh tam muội. Dầu khi mặc áo ăn cơm, nói chuyện, đối đãi, sáu căn thường hành, nhậm vận thi vi, thật là những diệu dụng của pháp tánh. Chẳng biết phản bổn hoàn nguyên, bèn thành ra theo danh chấp tướng, tình mê vọng khởi, tạo thảy thảy nghiệp. Nếu có thể biết được nhất niệm, rõ phàm tâm, chứng được thánh tâm, chuyển thế pháp đều nên Phật pháp.
Thấy cho được ‘hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chẳng lìa khỏi pháp tánh tam muội’, đó là cái thấy của Thiền, thiền định của Thiền, hạnh của Thiền và cũng là quả của Thiền. Thấy được như vậy, thọ trì được như vậy thì ‘thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp’.