5. Hiện Tại Vĩnh Cửu

27 Tháng Bảy 201403:27(Xem: 7219)
THỰC TẠI THIỀN
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRONG RỪNG THIỀN VIỆT NAM
Đương Đạo
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 2003

5. Hiện Tại Vĩnh Cửu

Vua Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh, vị vua đầu tiên của đời Trần thời thanh niên không mấy vui, nếu không nói là bi kịch. Trần Cảnh còn rất nhỏ đã được hầu cận Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của đời Lý. Trần Thủ Độ là chú Trần Cảnh đã bố trí cho Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và ít lâu sau nhường ngôi cho chồng. Lúc đó Trần Cảnh mới 8 tuổi. Chưa có con, Trần Thủ Độ lại ép Trần Cảnh lúc đó 19 tuổi giáng Lý Chiêu Hoàng làm công chúa để lập Thuận Thiên, vợ Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh, lúc đó có thai đã ba tháng lên làm hoàng hậu.

Trong những năm làm vua có lần ông đã bỏ triều đình trốn lên núi Yên Tử gặp Quốc sư Trúc Lâm, rơi nước mắt và nói với Quốc sư : ‘Trẫm đương trẻ thơ, cha mẹ vội mất, chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ sự nghiệp các vua thuở trước, hưng phế chẳng thường, cho nên tìm đến núi này, chỉ cầu làm Phật không cầu gì khác.’

Quốc sư nói : ‘Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay nơi tâm. Tâm tịch lặng mà biết, đó là Phật chân thật. Nếu bệ hạ ngộ được tâm này thì lập tức thành Phật, chẳng khổ công tìm cầu ở đâu khác bên ngoài.’

Sau đây là lời tự thuật của vua Trần Thái Tông : ‘Trẫm phải về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi rãnh việc lại hội họp các bậc cao đức để tham thiền hỏi đạo. Còn như các kinh điển thì không kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương, một hôm đọc đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, vừa mới gấp sách lại ngâm tụng, khoát nhiên tự ngộ. Lấy chỗ ngộ đó làm bài ca này, đặt tên là Thiền Tông chỉ Nam…’

* * *

‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, hãy sanh khởi tâm không trụ vào đâu cả. Trước kia vua Thái Tông khổ đau nhiều vì tâm thức ngài đã trụ vào nhiều chuyện, nhiều biến cố, một dòng tư tưởng và thời gian bất như ý của nghiệp riêng của ngài. Sau một thời gian cầu đạo, tâm thức đã chín muồi, và khi tâm thức đó chạm đến câu ‘hãy sanh khởi tâm không trụ vào đâu cả’, nó bèn lọt vào cái không có chỗ trụ đó ; nó tức thì rơi vào cái không có thời gian, cái không có tư tưởng để tạo ra thời gian đó. Cái đó, cái không chỗ trụ, không có thời gian, nghĩa là không có nỗ lực để hướng đến một cái gì, là chỗ giải thoát cho những cái có sanh diệt, có thời gian, có nỗ lực. Đó là khoát nhiên tự ngộ…

An tâm là đặt tâm vào trong nền tảng, trong bản tánh của nó là vô tâm. An tâm là đưa tất cả những tư tưởng hoặc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai – nghĩa là những cái đã tạo ra dòng thời gian – vào trong nền tảng hay bản tánh của chúng là cái vốn không nhiễm ô gì bởi tư tưởng…

Thiền sư là một con người sống trong cái không có thời gian này, hay nói đúng hơn, vẫn sống trong thời gian quy ước thế tục, nhưng đồng thời cũng thể nghiệm thời gian quy ước thế tục ấy xảy ra trong cái không thời gian, xảy ra trong hiện tại vĩnh cửu.

Vua Lý Thái Tông có lần đến chùa Thiền sư Thiền Lão và hỏi Sư rằng : “Hòa thượng ở núi này đến nay được bao lâu ?”

Sư đáp :

Chỉ biết ngày hiện tại
Ai hay xuân thu xưa.”

Cái ‘ngày hiện tại’ này, nói theo ngôn ngữ và ý niệm Tây phương cho dễ hiểu, là cái hiện tại vĩnh cửu. Hiện tại vĩnh cửu này theo Thiền, không phải là chờ đến khi thời gian chấm dứt, tư tưởng chấm dứt mới có mặt, mới hiện bày. Cái hiện tại vĩnh cửu này nằm ngay dưới mỗi khoảnh khắc thời gian, mỗi động niệm của tư tưởng. Hay ở một mức độ thể nghiệm cao hơn, mỗi khoảnh khắc thời gian, mỗi tư tưởng chính là sự biểu lộ của cái hiện tại vĩnh cửu không thời gian, không tư tưởng này. Như đại dương luôn luôn nằm dưới mỗi làn sóng, và ở mức độ thể nghiệm sâu hơn, mỗi làn sóng chính là nước, là đại dương.

Tham thiền là tương ưng, tham dự, sống với cái hiện tại vĩnh cửu đó. Trong đó ‘tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc’ (Kinh Kim Cương), nghĩa là không có thời gian :

Ai hay xuân thu xưa

Trong hiện tại vĩnh cửu này, hay trong thực tại, xưa, nay và mai sau, dù có biến đổi dâu bể thế nào, cũng vẫn là ‘không khác’ : ‘không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm’. Hay nói theo Tăng thống Huệ Sinh (?-1064) ‘ba ba lại ba ba’ trong bài kệ thị tịch của ngài :

Nước lửa (mỗi) ngày xen nhau
Do đâu chưa cần bàn
Báo (tin) anh không xứ sở
Ba ba lại ba ba(1)[2}

Lại nói :

Xưa nay đến tham học
Người người chỉ phía Nam(2)[3]
Nếu ai hỏi việc mới
Việc mới trăng mồng ba

Trong hiện tại vĩnh cửu này, có trước sau, cũ mới gì thì cũng ‘trước ba ba sau lại ba ba’. Có ‘việc mới’ thế nào nữa thì cũng là sự và việc ‘như thị’, nghĩa là cũ hơn tất cả quá khứ và mới hơn tất cả tương lai : ‘việc mới trăng mồng ba’.

* * *

“Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) thường trì kinh Viên Giác, hiểu rõ pháp Tam Quán. Một tối trong lúc thiền định, sư thấy Bồ tát Văn Thù cầm dao mổ bụng, rửa ruột rồi dùng thuốc rịt vào. Từ đó những gì đã học trong lòng, trở thành rõ ràng như từng biết, rõ sâu ngôn ngữ tam muội, thuyết giảng lưu loát. Khi có vị tăng hỏi : ‘Chỉ có Phật với Phật mới biết việc đó (câu này lấy từ kinh Pháp Hoa : Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu rõ triệt để thật tướng của các pháp). Thế thì việc đó là thế nào ?’

Sư đáp :

Đường hẹp chi chít trúc
Gió thổi nhạc tự thành.”

Ai nói trong đó có thời gian ư ?

* * *

Một người đã mở được cánh cửa của thời gian để bước vào cái không có thời gian, cái cội nguồn vô sanh của thời gian là một người tự tại, như Thượng sĩ Huệ Trung trong Phóng Cuồng Ngâm :

Trời đất liếc trông, hề, sao mênh mang
Chống gậy rong chơi, hề, phương ngoài phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương
Đói thì ăn hề cơm tứ xứ
Mệt thì ngủ hề chẳng quê hương
Lúc hứng thổi, hề, sáo không lỗ
Chốn sạch đốt hề giải thoát hương
Mỏi nghỉ chút hề hoan hỷ địa
Khát uống đầy hề nước tiêu dao
(Làm) Láng giềng Quy Sơn hề chăn trâu tơ
Chung thuyền Tạ Tam hề hát Thương Lang
Thăm Tào Khê hề chào Lư Thị (Lục tổ Huệ Năng)
Viếng Thạch Đầu hề bạn lão Bàng
Vui ta vui hề cái vui Bố Đại
Cuồng ta cuồng hề cái cuồng Phổ Hóa
Chà chà giàu sang hề mây nổi
Ối ối tháng năm hề (bóng) ngựa qua
Chen chi hề đường quan gai góc
Chịu sao hề thói đời thất thường
Sâu thì lội hề cạn thì vén
Dụng thì ra hề bỏ thì ẩn
Buông bốn đại hề chớ nắm giữ
Xong một đời hề thôi ruổi rong
Thỏa nguyện ta hề được Ta xưa nay
Sanh tử bức nhau hề dính dáng gì ta !

Nhưng chúng ta chớ nghĩ rằng cái không có thời gian (sanh tử – thời gian – bức nhau hề dính dáng gì ta !), cái không có không gian (phương ngoài phương, chẳng quê hương…) là nằm ở một nơi ‘mênh mang’ nào đó, một chốn ‘vô sở hữu xứ’ nào đó, mà nó nằm ngay trong đời sống hàng ngày : ‘liếc trông’, ‘chống gậy’, ‘đói ăn’, ‘mệt ngủ’, ‘thổi sáo’, ‘đốt hương’…

Vẫn lấy lời của Thượng sĩ để làm rõ thêm vấn đề thời gian :

Khi tâm sanh hề sanh tử sanh
Khi tâm diệt hề sanh tử diệt
(Sanh tử nhàn mà thôi)

Khi tâm sanh thì sanh tử sanh, nghĩa là thời gian sanh. Khi tâm diệt thì sanh tử diệt, nghĩa là thời gian diệt. Như vậy thời gian hay không có thời gian đều ở trong tâm. Và khi tâm tự tại thì nó làm ra sanh tử, thời gian cũng được mà không làm ra sanh tử, thời gian cũng được. Nói cách khác, sanh tử hay thời gian là trò chơi của một tâm tự tại, và tâm tự tại đó chẳng dính dáng hề hấn gì với trò chơi của mình.

***

Khi nói rằng thời gian và tư tưởng biến mất trong cái ‘không chỗ trụ’, chúng ta dễ nghĩ rằng cái không có thời gian ấy, cái hiện tại vĩnh cửu ấy là một vĩnh cửu bất động. Nhưng với các Thiền sư thì không phải như vậy. Thiền sư Vạn Hạnh, người gắn bó hơn ai hết với thời gian lịch sử – cũng có nghĩa là thời gian quy ước – mà cụ thể là lịch sử triều Lý, đã nói rằng :

Ta không lấy chỗ trụ để trụ, cũng không lấy chỗ không trụ để trụ.

‘Không lấy chỗ trụ để trụ’ nghĩa là không trụ vào đâu cả, đó là cái không có thời gian. ‘Cũng không lấy chỗ không trụ để trụ’ tức là cũng không trụ vào cái không có thời gian, cái vĩnh cửu. Không trụ cả trong thời gian lẫn vĩnh cửu là thế nào ? Khi ấy thời gian là sự lưu xuất của cái không có thời gian, thời gian là trò chơi vô tự tánh và vô trụ của cái không có thời gian. Sự ám ảnh về cái thời gian một chiều ‘sanh lão bệnh tử’ đã chấm dứt. Thời gian, mỗi khoảnh khắc mỗi khoảnh khắc (mỗi niệm mỗi niệm) là sự biểu lộ của cái không thời gian, cái vĩnh cửu, như mỗi bọt sóng là sự biểu lộ của đại dương không hình tướng. Như vậy ‘không lấy chỗ trụ để trụ’ nghĩa là không trụ vào đâu cả, người ta có được tất cả cái không có thời gian, cái vĩnh cửu như hư không. Và ‘cũng không lấy chỗ không trụ để trụ’ tức là cũng không trụ vào cái không có thời gian như hư không ấy, người ta bèn có tất cả thời gian như huyễn, như hoa đốm.

Mỗi khoảnh khắc của thời gian chính là sự tự do tối thượng của cái không có thời gian : sắc (thời gian, cái có hình tướng, cái hữu hạn) tức là Không (cái không có thời gian, cái vô hạn). Vượt thoát cả thời gian (sanh tử) lẫn vĩnh cửu (Niết bàn) là người tự tại, người chơi đùa với trò chơi đóng mở, ra vào của vũ trụ.

Một hôm đệ tử Pháp Dung hỏi Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142) : Rõ được sắc không, thì sắc là phàm hay thánh ? (Trong bối cảnh ở đây, câu hỏi này có thể nói cụ thể thành : ‘Rõ được cái thời gian hữu hạn và cái vĩnh cửu vô hạn, thì thời gian hữu hạn là phàm hay thánh ?’)

Sư trả lời bằng bài kệ :

Một đời thôi hỏi sắc cùng không
Học đạo gì hơn hỏi Tổ tông
Thiên ngoại tìm tâm khôn định thể
Nhân gian trồng quế há thành tùng ?
Trọn cả càn khôn đầu sợi tóc
Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng
Đại dụng hiện tiền trong tay nắm
Ai hay phàm thánh với tây đông

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn