Thiền là thấy thẳng Thực Tại. Thực tại đó không phải là không có cái gì cả, như một vòng tròn trống không của bức tranh Thiền tông số Tám, ‘Người, trâu đều quên’, hay bức tranh Đại thừa số Mười, ‘Hết cả hai’, mà là bức tranh Thiền tông số Chín, ‘Trở lại nguồn gốc’ (Phản bổn hoàn nguyên) : đầy đủ nước biếc non xanh, chim chóc cây lá…
Thiền không phải là và cũng không nhắm đến những cảnh giới của định (mà chúng ta thường gọi là Bốn thiền Tám định) như là cứu cánh. Những cấp độ định chỉ là những trạng thái, dù vi tế hoặc cùng cực vi tế, của tâm. Chúng có thể dùng để huấn luyện cho tâm thức, chúng là những trạng thái, những biểu lộ vi tế của tâm, nhưng chúng không phải là bản tánh của tâm thức, chúng chưa phải là Tâm.
Người xưa thường nói, bình thường tâm là Đạo. Cái tâm bình thường này là nguyên trạng của tâm, bản tánh của tâm, nền tảng của tâm và nó có mặt ở trong bất kỳ trạng thái nào của tâm, trong bất kỳ không gian thời gian nào. Như nước có mặt trong bất kỳ hình tướng biểu lộ nào của nước, trong bất kỳ làn sóng nào. Thiền chính là bản tánh của tâm, cái tâm bình thường, nguyên trạng không khúc xạ, méo mó này.
“Thiền sư Đạo Hạnh (?-1115) nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, sư thân đến tham vấn, trình hỏi chân tâm bằng bài kệ :
Lâu trộn bụi phàm chửa biết vàng
Chẳng biết nơi đâu ấy chân tâm ?
Cúi mong chỉ thẳng khai phương tiện
Thấy trọn như như hết khổ tìm.
Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ :
Trong ngọc bí thanh diễn diệu âm
Trong đây đầy mắt lộ thiền tâm
Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh
Nghĩ tới, Bồ đề cách vạn tầm.”
Phần đời trước của sư Đạo Hạnh, cũng giống chúng ta hiện giờ, ‘lâu nay trộn lẫn với bụi phàm’ nên dù nghe những vị chứng ngộ nói rằng ‘thế giới này toàn bằng vàng ròng’ thì cũng chưa biết vàng đó như thế nào. Chúng ta chẳng biết ‘chân tâm ấy ở đâu’, nên xin ngài ‘chỉ thẳng, mở bày phương tiện’, để ‘thấy trọn như như’ hết dứt khổ đau khao khát kiếm tìm.
Thiền sư Trí Huyền đáp : Trong thế giới này là viên ngọc pha lê trong vắt, có âm thanh bí mật diễn diệu âm, có âm thanh không âm thanh, có âm thanh im lặng, diễn bày tất cả sự sống. Trong cái ở đây và bây giờ, Tâm Thiền (Thực Tại) lộ bày đầy mắt, có chỗ nào mà không là ánh sáng, có chỗ nào chẳng phải là Nó. Hà sa cảnh là cảnh Bồ đề (Giác Ngộ) : tất cả tư tưởng ngôn ngữ đều vô ích, dư thừa. Chân tâm ấy vốn tự lộ bày như vậy, thế mà vừa khởi tư tưởng (động niệm tức quai, động niệm liền sai), nghĩ ngợi toan tính đi tới Nó, thì chính sự động niệm khởi tưởng tham cầu loạn động ấy lại che mất Nó ; chính cái tư tưởng tìm kiếm ấy lại làm cho cách xa mấy vạn tầm.
Thế thì, chân tâm vốn hiện bày trước mắt, cái thực tại nền tảng của tâm hằng hiện diện ở đây, chiếu soi ra qua các giác quan thông suốt không ngăn ngại, thế mà do so đo phân biệt, tính toan đủ thứ bèn tự làm nhiễu loạn, che lấp chính mình. Muốn thấy Nó, hãy thôi trụ chấp vào những hình tướng đặc thù để khởi lên tham ghét loạn xạ. Hãy để cho tâm tự là chính nó, tự ở nơi địa vị vốn thật của nó, không có tư tưởng làm cho méo mó biến dạng, không có tham lam nắm bắt làm cho nó trở nên hình này tướng nọ. Khi ấy căn và cảnh suốt thông trong một sự thanh tịnh, cảnh nào chẳng phải là cảnh Bồ đề ? Khi ấy như hai tấm gương sáng đối nhau, tâm cảnh thông suốt nhất như, cái gì chẳng phải là Bồ đề ?
“Sư mù mịt không hiểu mới tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân, hỏi rằng : Thế nào là chân tâm ?
Thiền sư Sùng Phạm nói : Cái gì chẳng phải là chân tâm ?
Sư hoát nhiên tự nhận được, lại hỏi : Làm sao gìn giữ (bảo nhậm) ?
Sùng Phạm nói : Đói ăn khát uống.
Sư lễ tạ từ giã ra đi. Từ đấy thêm pháp lực, duyên thiền càng thuần thục, có thể sai rắn núi, thú rừng họp nhau đến thuần phục. Sư cầu mưa, chữa bệnh, không gì không tức khắc ứng nghiệm.
Có vị tăng hỏi : Đi đứng nằm ngồi đều là tâm Phật, thế nào là tâm Phật ?
Sư dạy kệ rằng :
Cho có, mảy may có
Là không, thảy cả không
Có không, trăng trong nước
Chớ vướng có không không.”
Với Thiền sư Sùng Phạm sư không hiểu, cũng như chúng ta mịt mờ không hiểu, chỉ bởi vì sau một đoạn đời loạn lạc khổ đau, vừa mới nghe có cái hằng hằng tịch lặng bình an thì cái tâm thức loạn lạc ấy vội vàng truy tìm nắm bắt. Có biết đâu rằng tâm vừa khởi tư tưởng nắm bắt tìm cầu thì cái tuyệt không chủ thể đối tượng lại thành ra đối tượng chủ thể. Tâm vừa khởi ý tìm cầu thì tâm liền lìa khỏi địa vị của nó mà thành ra tướng, đại dương vừa nổi gió tìm kiếm thì thành ra sóng. Với người chưa thấy bản tánh của tâm là gì, tánh nước của đại dương là gì thì chỉ lạc thêm vào trong tư tưởng, vào trong những làn sóng, càng thêm rối loạn mịt mù. Đó là sự việc hỗn loạn mà người xưa nói là cưỡi trâu tìm trâu, trên đầu lại chồng thêm đầu, trên tuyết lại pha sương…
Cho nên đến khi tâm ý hết đường, tâm ở yên trong chánh vị của nó, không tạo tác, không biến đổi, không khúc xạ méo mó, ngay lúc đó hỏi rằng, ‘Thế nào là chân tâm ?’ Thiền sư trả lời : ‘Cái gì chẳng phải là chân tâm ?’, bèn khoát nhiên tự nhận được. Cũng vẫn một chỉ thẳng, một cách nói mà với thầy trước thì nhận không được, vì tâm thức chưa chín muồi, chưa đủ thanh tịnh. Khi đủ thanh tịnh thì nhận ra ngay : cái gì cũng là chân tâm, từ các tướng cho đến các tưởng. Lúc đó chính tâm ấn lên tâm, chính nó ấn lấy nó, chẳng sai trệch mảy may, như một tấm gương soi trọn một tấm gương…
Tất cả mọi sự đều quy về biển chân tánh này, thế nên tất cả mọi việc tu hành đều quy về cái thấy, nghe, hay, biết biển chân tánh này. Nhưng làm sao thấy biển chân tánh ấy ? Vì tất cả mọi sự đều ở trong biển chân tánh ấy nên sự nào cũng là cái ‘khai phương tiện’ cho chúng ta biển chân tánh ấy. Nói tóm, đối với Thiền tất cả mọi sự đều là phương tiện để thấy chân tánh, vì mỗi sự vật đều đang ở trong chân tánh ấy, đang là chân tánh ấy.
Mỗi chúng ta đều đang ở trong chân tánh, mỗi chúng ta đều đang tiếp xúc với chân tánh ấy, thế nên, nếu nói đến cách tiếp cận thì có vô số cách tiếp cận, vô số lối vào, vô số phương tiện. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một phương tiện, là sự tiếp cận chân tánh bằng con mắt thấy.
Thiền sư Cứu Chỉ (tịch vào khoảng 1059-1065) nói với môn đồ :
“Phàm tất cả pháp môn, vốn từ tánh ngươi. Tất cả pháp tánh vốn từ tâm ngươi. Tâm pháp nhất như, vốn không hai pháp. Phiền não trói buộc, tất cả đều không. Tội phước phải quấy, tất cả đều huyễn. Không gì chẳng phải quả, chẳng phải nhân. Chẳng ở trong nghiệp mà phân biệt, chẳng ở trong báo mà phân biệt. Nếu có phân biệt nghiệp, chẳng được tự tại. Tuy thấy tất cả pháp mà không chỗ thấy. Tuy biết tất cả pháp mà không chỗ biết. Biết tất cả pháp, nhân duyên làm gốc. Thấy tất cả pháp, chánh chân làm tông. Tuy vào thật tế, hiểu rõ thế gian đều như biến hóa. Thấu rõ chúng sanh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng bỏ nghiệp cảnh, phương tiện thiện xảo, nơi hữu vi giới bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng của vô vi, là do tận dục tuyệt ngã, quên niệm so đo vậy.”
Ở đây chúng ta chỉ chú ý đoạn nói về cái thấy. Như thế nào để thấy được chân thân Phật, hay biển chân tánh, mà ngài Cứu Chỉ gọi là pháp tánh ? Chúng ta sống ở đây, trong thế giới này có đủ các hình tướng (các pháp) sai biệt do nghiệp báo mà thành, nghĩa là do nhân quả, tức là ‘nhân duyên làm gốc’. Đã do nhân duyên sanh, nên không có tự tánh, do đó mà ‘tất cả đều như huyễn’. Trong nghiệp báo không có tự tánh, như huyễn’ ấy mà phân biệt, tâm bèn trôi lăn theo các biến hiện của nghiệp, mất đi bản tánh vốn tự tại của nó. Thế nên ở trong gương mà phân biệt theo các hình bóng phản chiếu trong đó, thì chỉ thấy bóng chẳng thấy gương tự tại đâu. Còn nếu trong đó mà không phân biệt, thì toàn thể bóng là gương ; ở trong gương mà không phân biệt, thì tất cả hoàn lại nguyên trạng là gương, do đó mà được tự tại, dù các bóng có thế nào.
Thấy tánh, chỉ là ‘tuy thấy tất cả pháp mà không chỗ thấy’. Khi cái thấy không trụ vào một vài hình tướng riêng biệt nào, thì đây là toàn thể cái thấy, cái thấy toàn khắp, đó gọi là thấy tánh. Tất cả bóng đều ở trong gương nhưng vì gương toàn khắp không chỗ trụ nên chẳng bóng nào làm ngăn ngại được gương. Cũng một đường lối tiếp cận như vậy, kinh Kim Cương nói : Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai. ‘Chẳng phải tướng’ là không thấy các hình tướng riêng biệt, không trụ vào một vài hình tướng riêng biệt, không trụ vào sự sai biệt của các hình tướng. Nếu biết giải thoát cái thấy ra khỏi một vài hình tướng riêng biệt, thì đó là thấy tánh. Đó gọi là giải thoát ngay trên cái thấy.
‘Biết tất cả pháp mà không chỗ biết’ cũng như vậy : biết mà không phân biệt thì cái biết ấy là toàn thể tánh giác, là tất cả pháp tánh. ‘Thấy tất cả pháp, chánh chân làm tông’, ‘chánh chân’ ở đây nghĩa là ‘thấy rõ chúng sanh (và tất cả các pháp) chỉ là một pháp, không có hai pháp’. ‘Chánh chân’ như thế cũng là chánh kiến, nghĩa là cái thấy không bao hàm sự phân biệt, không lọt vào sự phân biệt của thức. Chánh chân là một cái thấy toàn thể, không bị phân hóa biến dạng thành chủ thể và những đối tượng. Ở trong một cái thấy như vậy, con mắt không còn ở một chỗ nào, mà ở khắp tất cả chỗ. Khắp tất cả chỗ đều là con mắt, đều là một con mắt vậy.
Tóm lại, thực tại trước mắt là cái không phải chuyện cũ cách đây hơn ngàn năm, cũng chẳng phải hôm nay mới có. Qua sự chỉ dạy tha thiết của các Thiền sư ngày xưa, chúng ta có thể lần vào để trực tiếp gặp nó, thể nghiệm nó, tìm thấy cho cuộc đời của mình cái nền tảng đích thật, hết trôi dạt tha phương, bất toại nguyện và khốn khổ :
“Tướng không là thật tướng, thân không tức Pháp thân, sạch trọi trơn, trần trụi tự nhiên không vướng mắc, không một vật, không thể nắm bắt. Nếu gọi là một vật, lại chẳng đúng lý.” (Thiền sư Chân Nguyên – Kiến Tánh Thành Phật.)
* * *
Cũng cái thực tại trước mắt này, Thiền sư Thường Chiếu (?-1203) nói trong hai bài kệ :
Ở đời làm thân người
Tâm là tạng Như Lai
Chiếu ngời khắp phương cõi
Tìm đó càng bặt bóng.
Và bài kệ thị tịch :
Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Ngoài đại thiên sa cõi
Nơi đâu chẳng phải nhà.
Chung quy của Phật pháp là cái thực tại hiện ở trước mắt này. Trong kinh Pháp Hoa (phẩm Hóa Thành Dụ) đức Phật kể :
Đức Đại Thông Trí Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ức triệu kiếp, đức Phật đó khi ngồi nơi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật pháp chẳng hiện ra trước mắt (hiện tiền). Như vậy hết một cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng, thân và tâm đều không động mà Phật pháp vẫn chẳng hiện ra trước mắt (hiện tiền)…
Các Tỳ kheo ! (Như vậy) đức Đại Thông Trí Thắng Phật trải qua mười tiểu kiếp rồi, các Phật pháp mới hiện ra trước mắt (hiện tiền) mà thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Phật pháp ở đây trong ngữ cảnh của kinh Pháp Hoa nói riêng và Đại thừa nói chung, là Phật tánh hay Như Lai tạng hay Pháp thân v.v… Thực tại ấy không còn bị vướng mắc bởi phiền não chướng và sở tri chướng mà xuất hiện một cách trọn vẹn trước mắt, thì đó gọi là Giác Ngộ.
Phật pháp đó là Trí Huệ Như Lai (trong kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật) trong lời nói của Thiền sư Trường Nguyên (1110-1165). Sư thường bảo mọi người :
“Lạ thay ! Lạ thay ! Tại sao các chúng sanh đây có đầy đủ trí huệ của Như Lai mà ngu si mê lầm chẳng thấy chẳng biết. Ta thường đem đạo dạy dỗ, khiến họ vĩnh viễn lìa vọng tưởng chấp trước ở trong tự thân mà được thấy trí huệ rộng lớn của Như Lai, lợi ích an lạc.”
Trí huệ Như Lai này chính là ‘ở đời làm thân người, tâm là tạng Như Lai, chiếu ngời khắp phương cõi…’ Trí huệ Như Lai này mỗi chúng sanh chúng ta đều có đầy đủ, nghĩa là vẫn thường tự hiện tiền, nhưng chúng ta chẳng thấy chẳng biết vì bám chấp vọng tưởng ở trong tự thân. Và khi thấy được nó thì :
Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Ngoài đại thiên sa cõi
Nơi đâu chẳng phải nhà.
Thế nên thấy được thực tại trước mắt mà không nhiễm ô lẫn lộn với những hình tướng, với tư tưởng ý niệm thì đó là Thiền :
Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng
Sáng lặng trong đầy như hư không
Hình nghi chẳng mượn lấy thanh cầu
Dung mạo can gì với sắc pháp.
Muôn tượng đồng quy biển chân tánh
Mảy trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh
Rõ ràng hiển hiện Phật chân thân
Lồ lộ Như Lai thường đối diện.
(Thiền sư Chân Nguyên)