ỨNG DỤNG BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ
TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH
Thích Giác Chinh
Giới thiệu chung: Tiếp theo phần Đối trị Năm Triền cái (5 chướng ngại của thiền định) trong thiền định ở kỳ trước, ngoài việc hưởng lợi từ việc đình chỉ các vọng niệm và làm chủ trên các đối tượng trong quá trình hành thiền, trong kỳ này thiền sinh sẽ nhận thấy “an tịnh và tuệ giác tri” cũng có lợi ích cho việc thiền tập một cách trọn vẹn thông qua việc Ứng dụng và phát triển Bảy Yếu tố của sự giác ngộ trong quá trình thực hành lại càng có ý nghĩa sâu sắc cho mỗi hành giả trong quá trình thiền định.
Hai yếu tố căn bản trong giai đoạn này là: An tịnh và Tuệ giác tri, nói một cách khác chúng chính là đôi chân đưa hành giả tiếp tục bước đi những bước thật vững vàng để tiến vào các trạng thái của Định và phát sinh Tuệ giác trên con đường giải thoát. Vì vậy, trong giai đoạn này hành giả Khất sĩ và thiền sinh đang trên lộ trình thiền tập cần nhận thức rõ hai khía cạnh Thiền quán và Thiền chỉ trong quá trình ứng dụng Bảy yếu tố của sự giác ngộ để tiến đến An tịnh và Tuệ giác tri một cách quân bình (hàm ý của con đường Trung đạo).
1. Khái niệm về Thiền quán và Thiền chỉ
- Thiền quán:
Khi một hành giả Khất sĩ hoặc một thiền sinh thực tập Thiền quán trong đời sống hằng ngày chính là đang quán niệm một cách sâu sắc về các căn và đối tượng của chúng, hành giả tinh cần, tỉnh giác, chế ngự các tham ưu, phát triển niệm lực và định lực, đạt khinh an và dẫn đến chứng ngộ chân lý; lợi ích trước nhất trong thiền quán là làm cho định tâm để tạo cho tâm an lạc và phát sinh tuệ giác tri.
Hành giả sẽ nhận biết được Chỉ và Quán trong quá trình thực tập thiền định và cảm nghiệm về định.
Như vậy, Thiền quán là gì? Quán là thuật ngữ trong thiền tập, thiền giả bắt gặp trong kinh Tứ Niệm xứ và kinh Quán niệm hơi thở chính là danh từ Vipassanā mà Đức Phật thường nói trong hầu hết các kinh cốt lõi của thiền định Phật giáo.
Nếu bản chất của Chỉ là định tâm thì bản chất thật Quán là trí tuệ. Đối tượng Thiền quán là pháp Chân đế (paramattha), trong bước thực hành thiền trong giai đoạn này thực chất là bước ứng dụng Chánh niệm của toàn bộ Tứ Niệm xứ và Chánh định, bao hàm toàn bộ lộ trình của Bát Chánh đạo, hành giả tu tập để thành tựu Chánh trí và Chánh giải thoát. Vì đặc tính của Thiền quán là trí tuệ, thấy rõ trạng thái thật của vạn vật, chúng vô thường, chúng hoàn toàn không có tự ngã về tôi, của tôi, sở hữu của tôi và Tuệ giác hành giả tiến đến đây chứng đạt được trạng thái vượt ra khỏi nhị nguyên của Tục đế và Chân đế, tức là thoát khỏi các khổ và trạng thái của khổ để thành tựu một cách trọn vẹn Diệu đế và Đạo đế.
Quán có nghĩa là nhìn sâu vào để khám phá ra sự thật nằm ở trong tự tánh của đối tượng mình quán chiếu. Thiền quán là bước tiếp theo trong công phu phát triển Thiền tuệ.
Hai danh từ Chỉ và Quán thường được dùng rất nhiều trong thiền tập. Để hiểu và thực tập tốt Thiền quán, chúng ta cũng cần biết rõ về Thiền chỉ.
- Thiền chỉ:
Chỉ tiếng Pali là Samatha, có nghĩa là làm cho lắng lại, làm cho yên tĩnh lại, dừng lại để có thể chuyên chú vào một cảnh. Bản chất thật sự của Chỉ là định tâm để tạo cho tâm an lạc. Đặc tính của Thiền chỉ là an định; Thiền chỉ có công dụng là loại trừ Năm triền cái (Nivāraṇa): tham dục, sân hận, trạo hối, hôn trầm và nghi (đã trình bày kỳ trước trong bài Đối trị Năm triền cái trong khi thiền định).
Chỉ có nghĩa là làm cho dừng lại các tâm hành, như thiền sinh đã nhận thấy trong Tứ Niệm xứ: “An tịnh tâm hành”, tâm hành của mình có thể là giận, buồn, lo lắng… khi mình thực tập Chỉ sẽ giúp cho nó dịu lại; như vậy Chỉ có nghĩa là làm cho dừng lại, an tĩnh trở lại để giúp mình có khả năng chú tâm vào một đối tượng duy nhất trong hành thiền.
2. Ứng dụng Bảy Yếu tố của sự giác ngộ trong quá trình thực hành thiền định
Ứng dụng Bảy Yếu tố của sự giác ngộ trong quá trình thực hành thiền định tức là thực tập Chỉ và Quán một cách tinh tế và khéo léo trong quá trình hành thiền và tiến vào lộ trình của những tầng thiền thâm sâu, tức là Bốn tầng thiền (từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền). Nghệ thuật của sự nảy sinh và phát triển của tuệ giác chính là sự dừng lại nhìn sâu, thấy rõ bản chất của các pháp từ sinh cho đến diệt; chúng hoàn toàn vô ngã.
Một lần nọ, một vị Khất sĩ hỏi Đức Phật, thế nào là một người ngu, điếc và đần? Đức Phật dạy: “Ai không thực hành Bảy Yếu tố của sự giác ngộ thì người đó được gọi là câm, điếc và đần.”
Rồi một lần nọ, một vị Khất sĩ hỏi Đức Phật: Theo Ngài, một người như thế nào được cho là nghèo? Và Đức Phật dạy: “Ai không thực hành Bảy Yếu tố của sự giác ngộ thì được coi là một người nghèo, cho dẫu người đó có thể có rất nhiều của cải, tuy vậy người đó chẳng khác gì một người nghèo. Cho dù một người học thuộc lòng tất cả kinh điển, người đó vẫn được xem là nghèo về An tịnh và Tuệ giác tri nếu người đó không thực hành Bảy Yếu tố của sự giác ngộ.”
(Hai đoạn trích trên, người viết tóm lược ý từ Tương Ưng Giác Chi, Tương Ưng Bộ Kinh V.)
Khi học Phật pháp và thực hành Phật pháp, mọi người cần hiểu rõ ràng về Năm Chướng ngại và Bảy Yếu tố của sự giác ngộ. Về Năm Chướng ngại đã nói rõ trong bài Đối trị Năm Triền cái.
Trong giai đoạn này, pháp hành của Bảy Yếu tố đưa đến Giác ngộ là:
i. Yếu tố thứ nhất là Trạch pháp (Dhammavicaya): Có sự phân tích, biết phân biệt đúng sai;
ii. Yếu tố thứ hai là Tinh tấn (Viraya): Chăm chỉ, kiên trì;
iii. Yếu tố thứ ba là Hỷ (Piti): Tâm hoan hỉ;
iv. Yếu tố thứ tư là Khinh an (Passadhi): Tâm thức khinh an, sảng khoái;
v. Yếu tố thứ năm là Chánh niệm (Sati): Tỉnh giác.
vi. Yếu tố thứ sáu là Chánh định (Samadhi): Tâm định tỉnh, có sự tập trung lắng đọng.
vii. Yếu tố thứ bảy là tâm Xả (Upekkha): Tâm buông xả, không câu chấp.
Bảy Yếu tố của sự giác ngộ còn gọi là Bảy Giác chi, được gọi là giác chi bởi vì chúng có khả năng đưa người tu tập đến giác ngộ.
Theo kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật và các hành giả thực hành thâm sâu, lộ trình tu tập giải thoát là sự trải qua của những quá trình thực hành các chi phần. Bảy Yếu tố trên luôn luôn cần được tu tập, y cứ vào giới, an trú trên giới, nghĩa là tu tập Bảy chi pháp theo với viễn ly, ly tham và từ bỏ.
Điều hành giả cần biết là Thất Giác chi được tu tập theo thứ lớp, nhưng cũng có thể tu tập độc lập từng chi phần;
i. Cái gì là chánh niệm đối với nội pháp và ngoại pháp, cái ấy gọi là Niệm giác chi;
ii. Cái gì là quan sát, là quyết trạch, tư sát với trí tuệ, đối với các nội pháp và ngoại pháp, cái ấy là Trạch pháp giác chi;
iii. Cái gì là thân tinh tấn, là tâm tinh tấn, cái ấy là Tinh tấn giác chi;
iv. Cái gì là hỷ có tầm, có tứ và hỷ không có tầm, không có tứ, cái ấy là Hỷ giác chi;
v. Cái gì là thân khinh an và tâm khinh an, cái ấy gọi là Khinh an giác chi;
vi. Cái gì là định có tầm, có tứ và định không tầm, không tứ, cái ấy là Định giác chi;
vii. Cái gì là xả đối với nội pháp, xả đối với ngoại pháp, cái ấy là Xả giác chi.
Trong quá trình hành giả và thiền sinh tu tập viễn ly: Do thân và tâm sống viễn ly, Niệm giác chi tu tập để đi đến thành tựu. Hành giả trú chánh niệm như vậy, với trí tuệ tư sát, quyết trạch, thành tựu được quán sát pháp ấy. Tại đây, Trạch pháp giác chi bắt đầu phát sinh trong vị ấy làm cho hành giả có sự phân tích pháp, biết phân biệt đúng sai. Trong khi tu tập Trạch pháp giác chi, trong khi với trí tuệ quyết trạch, tư duy quán sát pháp ấy, tinh tấn bắt đầu phát khởi. Trong khi hành giả tinh cần tu tập, Tinh tấn giác chi hướng đến viên mãn, Hỷ giác chi bắt đầu phát khởi làm cho hành giả có tâm vui mừng. Trong khi tu tập Hỷ giác chi, Hỷ giác chi đi đến viên mãn, hành giả có thân khinh an và tâm khinh an, Khinh an giác chi phát khởi làm cho hành giả khinh an sảng khoái. Trong khi tu tập Khinh an giác chi đi đến viên mãn, hành giả có lạc, có lạc tâm sinh, tâm trở nên định tỉnh, đến đây Định giác chi bắt đầu phát khởi. Trong khi tu tập Định giác chi đi đến viên mãn, hành giả khéo trú xả nhìn sự vật, Xả giác chi bắt đầu phát khởi. Nhờ tu tập Xả, Xả giác chi đi đến viên mãn làm cho hành giả buông xả, không câu chấp, đạt An tịnh và Tuệ giác tri trong giải thoát.
Theo kinh nghiệm của Đức Thế Tôn ghi lại trong Tương Ưng Bộ Kinh, tập V, tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi. Tuy nhiên, trong quá trình tu tập, tâm lý của hành giả luôn luôn được chuyển đổi, thường xuất hiện dưới hình thái tích cực, tiêu cực khác nhau, nên việc đề khởi cho sự tu tập Bảy Yếu tố của sự giác ngộ cần được hành giả vận dụng thiện xảo tùy vào căn cơ và sự phù hợp của mình hoặc là thực tập một cách trọn vẹn tất cả các giác chi khác.
Trong giai đoạn đầu, khi thiền lực và định lực chưa dồi dào và mạnh mẽ, hành giả cần ứng dụng nguyên tắc đối trị. Nguyên tắc đối trị này chỉ thực hiện hữu hiệu đúng vào lúc mà tâm lý cần được đối trị tương ứng với pháp môn đối trị.
Một lần Tôn giả Upavàna sau khi nghe Đức Phật giảng thuyết về Bảy Yếu tố của sự giác ngộ, Tôn giả thực hành và trình pháp rằng: “Hành giả chỉ bắt đầu Niệm giác chi biết được tâm mình khéo giải thoát, thụy miên hôn trầm được khéo nhổ sạch, trạo hối trong mình được khéo điều phục, tinh tấn bắt đầu khởi, lấy giác chi ấy làm đối tượng, vị ấy dụng tâm tác ý, giác chi ấy không thối thất”. Tương tự như thế đối với Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và Xả giác chi cũng cần được hiểu và tu tập như vậy.
Dòng tâm lý và tâm thức có những nguyên tắc riêng của nó. Hành giả cần để tâm theo dõi chúng một cách tỉnh giác để áp dụng pháp môn tu tập thích ứng, thiện xảo thì việc giải thoát mới hy vọng có thể thành tựu.
Một vị Khất sĩ tu tập Bảy Giác chi cần phải tỉnh giác mà Như lý tác ý. Như lý tác ý là thức ăn của Niệm giác chi, làm cho Niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, Niệm giác chi đã sanh được viên mãn. Như lý tác ý trên các pháp thiện, bất thiện, liệt, thắng... là thức ăn cho Trạch pháp giác chi, làm cho Trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, Trạch pháp giác chi đã sanh được viên mãn. Như lý tác ý trên dõng mãnh giới, tinh cần giới, làm cho sung mãn, là làm cho Tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, đã sanh được viên mãn. Như lý tác ý trên những pháp làm trú xứ cho Hỷ giác chi, làm cho viên mãn. Đây là thức ăn khiến cho Hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, đã sanh được viên mãn. Như lý tác ý làm cho thân khinh an được sung mãn. Đây là thức ăn khiến cho Khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, đã sanh đi đến viên mãn. Như lý tác ý về tịnh chỉ tưởng, bất loạn tưởng, làm cho sung mãn. Đây là thức ăn làm cho Định giác chi chưa sanh được sanh khởi, Định giác chi đã sanh đi đến viên mãn. Hành giả tiến đến niệm Xả giác chi. Chính ở đây, Như lý tác ý làm cho sung mãn, ở đây là món ăn khiến cho Xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, Xả giác chi đã sanh được tu tập đi đến viên mãn.
Con đường tu tập các giác chi luôn luôn được vận dụng không rời khỏi tác ý viễn ly, ly tham, từ bỏ, đoạn diệt tham ái để chứng Diệt đế. Trọng tâm của giải thoát là đoạn tận khát ái. Khát ái được đoạn tận, chấp thủ được đoạn tận, vô minh được đoạn tận.
Ví dụ một thiền sinh đối trị hôn trầm thì vận dụng tầm tâm sở tư duy; đối trị với sân thì quán từ bi. Ở Thất giác chi, khi tu tập, nếu tâm lý hành giả rơi vào trạng thái mệt mỏi thụ động thì Hỷ giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi cần được vận dụng; bấy giờ nếu tu tập Xả, Khinh an và Định giác chi sẽ không thích hợp, tâm của hành giả khó mà phát khởi được. Trái lại, khi tâm lý hành giả dao động thì việc tu tập Xả, khinh an, và Định giác chi là đúng lúc, thích ứng; nhưng nếu tu tập Trạch pháp, Tinh tấn và Hỷ giác chi thì lại không thích hợp. Thế Tôn đã ví trường hợp tâm lý thụ động mà tu tập Xả, Khinh an và Định giác chi như là nhen lên một ngọn lửa bằng cỏ ướt, củi ướt ở giữa mưa gió; và ví trường hợp tâm lý dao động mà tu tập Hỷ, Tinh tấn và Trạch pháp giác chi, như là dập tắt một ngọn lửa đang bốc cháy bằng cách ném thêm vào cỏ khô, củi khô và thổi hơi vào.
Khi phân tích và tu tập Bảy Yếu tố giác ngộ, hành giả sẽ nhận thấy Niệm giác chi (còn gọi là chánh niệm) là giác chi đặc biệt mà hành giả có thể vận dụng tu tập trong bất cứ điều kiện tâm lý nào dù là tâm sở thiện, bất thiện hoặc tâm sở không thiện không bất thiện.
Trạch pháp được rõ ràng ở mức độ tu tập các tâm hành này, hành giả sẽ nhận thấy rằng: Tu tập Niệm giác chi chẳng khác gì lộ trình của Tứ Niệm xứ. Tại đây, chúng ta có thể rút ra được một bài học có ý nghĩa là có thể chọn pháp môn tu tập Niệm giác chi hay Tứ Niệm xứ hoặc chi pháp Chánh niệm trong Bát Chánh đạo như là pháp môn tu tập thích hợp với quần chúng đủ mọi trình độ, căn cơ, mà không sợ xảy ra các phản tác dụng của tâm lý tu tập; một thiền sinh có tỉnh giác và thiện xảo là vị ấy khéo chọn pháp Niệm giác chi và chia sẻ pháp hành Niệm giác chi một cách khéo léo đến đại chúng và mọi người một cách có nghệ thuật. Có thể gọi đây là pháp môn tu tập phù hợp với mọi căn cơ trong mọi thời. Rõ ràng, ứng dụng Tứ Niệm xứ và Niệm giác chi khéo léo, thật sự là thích ứng với mọi căn cơ.
Điểm quan trọng nhất trong tu tập Thiền định là chọn đối tượng tu thích hợp với căn cơ của hành giả, và đề khởi Thiền quán hoặc Thiền chỉ đúng lúc để vận dụng thiện xảo cùng với Thiền chi.
Có thể hiểu Niệm giác chi trong Bảy Yếu tố giác ngộ này chính là pháp hành Tứ Niệm xứ. Khi một hành giả ứng dụng Niệm thân thì Thân là đối tượng của chánh niệm, đạt tuệ tỉnh giác về thân. Niệm thọ thì Thọ là đối tượng của chánh niệm, đạt tuệ tỉnh giác về thọ. Niệm tâm thì Tâm là đối tượng của chánh niệm, đạt tuệ tỉnh giác về tâm. Niệm pháp thì Pháp là đối tượng của chánh niệm, đạt tuệ tỉnh giác về pháp. Trong quá trình này thì Thân, Thọ, Tâm, Pháp chính là đối tượng của pháp hành Tứ Niệm xứ.
Thiền sinh luôn chú ý, tỉnh thức các niệm trong bốn chi phần quán niệm. Trong phần niệm thân, không nên niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, mà chỉ có chánh niệm về niệm thân trong thân mà thôi. Trong phần niệm thọ, không nên niệm thân, niệm tâm, niệm pháp, mà chỉ có chánh niệm về niệm thọ trong thọ mà thôi. Trong phần niệm tâm, không nên niệm thân, niệm thọ, niệm pháp, mà chỉ có chánh niệm về niệm tâm trong tâm mà thôi. Trong phần niệm pháp, không nên niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, mà chỉ có chánh niệm về niệm pháp trong pháp mà thôi. Quá trình đó chính là kinh nghiệm tỉnh giác của một thiền sinh thiện xảo, khéo léo phát khởi Niệm giác chi một cách tinh tấn, tràn đầy hỷ lạc và khinh an trong thiền lực.
Khi hành giả biết chọn đúng đối tượng thích hợp với tánh và trí tuệ của mình, việc tiến hành Thiền tuệ rất thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ Thiền tuệ, và từ đó thấy rõ, biết rõ trạng thái riêng của danh pháp, sắc pháp; sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; cùng với Ba trạng thái chung: Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, rồi bước tiếp theo phát triển Niệm và Định qua công phu phát triển Bát Chánh đạo dẫn đến sự chứng ngộ chân lý.
Một kinh nghiệm đặc biệt mà chỉ có Đức Phật là đại hành giả đã chỉ dạy lại là: Khi tu tập mỗi giác chi liên hệ với tan rã, đoạn diệt, từ bỏ, hành giả có thể trú tưởng bất tịnh hay tịnh trong tất cả các pháp, dù pháp ấy là tịnh hay bất tịnh, hoặc trú xả, chánh niệm tỉnh giác đối với tất cả pháp. Nếu tu tập Thất Giác chi cùng với Từ tâm, hành giả sẽ đạt được từ tâm giải thoát, trú vào đệ Tứ Thiền Sắc giới là cao nhất, trạng thái này thuộc về Tâm giải thoát, khác với Tuệ giải thoát. Nếu tu tập Thất giác chi cùng với Bi tâm, hành giả trú vào Không vô biên xứ là cao nhất. Nếu tu tập Thất giác chi cùng với Hỷ tâm, hành giả sẽ đạt tới Thức vô biên xứ là cao nhất. Nếu tu tập Thất giác chi cùng với Xả tâm, hành giả sẽ đạt tới Vô sở hữu xứ là cao nhất (tất cả các trạng thái đó chỉ đề cập đến Tâm giải thoát). (Tương Ưng V, Sđd., tr. 123-125).
Rõ ràng, với một đoạn kinh nghiệm như trên của Đức Phật, chúng ta nhận thấy trong một quá trình thiền định thiền sinh tỉnh giác và thiện trí sẽ nhận ra đây một điểm rất đặc biệt của Thất Giác chi là pháp môn này có thể tu tập cùng với Tứ Vô lượng tâm. Có nghĩa là hành giả vận dụng Thất Giác chi cùng với Từ, Bi, Hỷ, Xả trong Thiền quán để trực tiếp đoạn trừ các kiết sử, lậu hoặc, có thể vào thẳng Diệt thọ tưởng định và đắc Chánh trí, giải thoát.
3. Kết quả và lợi ích
Muốn nhập định, chúng ta phải loại bỏ vọng tưởng, tức là những suy nghĩ lung tung tự động khởi niệm trong ý thức, trong dòng tâm thức. Sau một thời gian thực tập thiền nghiêm túc và nếm được vị của Năm Thiền chi, thiền sinh đạt được “Chánh niệm tỉnh giác”: Đây là câu nói Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tứ Niệm xứ; nghĩa là tâm không loạn động như trước, những suy nghĩ vẩn vơ, những phiền não vừa mới manh nha nổi lên đã bị phát hiện và loại bỏ.
Lúc này hành giả cảm thấy một phần an lạc và sáng suốt hơn xưa rồi, tùy duyên mỗi người mà trực giác và tuệ lực cũng phát triển một chút xíu, có khi chỉ cần nghe người ta nói nửa câu thì biết ý của họ là gì, thậm chí có khi các thiền sư có thiền lực mạnh mẽ và sung mãn chỉ cần nhìn mặt là biết kẻ ngay người gian, biết người đối diện đang nói thật hay nói dối, v.v...
Thiền là lĩnh vực của tâm, tâm chịu trách nhiệm quán chiếu và nhận biết nên không thể hỗ trợ bởi bất cứ phương tiện vật chất nào như thuốc an thần, thuốc bổ dưỡng… mà mỗi thiền giả phải tự lực cánh sinh.
Thiền rất thực tế, nó thiết thực như hiện tại nó là. Vì phải có quyết tâm cao, chịu đựng sự đau chân, mỏi lưng, chiến thắng chính tâm trí của mình, v.v…, nên lâu ngày hành giả sẽ có đức tính kiên nhẫn, ý chí kiên cường, sức chịu đựng cao, trực giác tốt, v.v... Nói cách khác, hành giả phải tự trau dồi Ngũ căn và Ngũ lực của chính mình một cách tự lực; luôn luôn làm cho phát sinh và phát triển năm yếu tố: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ một cách dồi dào trong thực hành thiền tập.
Ngoài những kết quả trên, ứng dụng và tu tập Bảy Yếu tố giác ngộ sung mãn, chúng ta sẽ được bảy kết quả, bảy lợi ích như kinh nghiệm của Đức Thế Tôn trình bày trong Tương Ưng V, Sđd., tr. 71-72 như sau:
1. Ngay trong hiện tại có thể lập tức thành tựu Chánh trí.
2. Nếu không thể, thì khi lâm chung thành tựu được Chánh trí.
3. Nếu không được như thế, khi lâm chung đoạn tận được Năm Hạ phần kiết sử và chứng đắc Trung gian Bát Niết-bàn (Antaràparinibbàyi).
4. Nếu không được như thế, khi lâm chung, sau khi đoạn tận Năm Hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại Niết-bàn (Upahaccaparinibbàyi).
5. Nếu không như thế, khi lâm chung, sau khi đoạn tận được Năm Hạ phần kiết sử, sẽ chứng Vô hành Niết-bàn (Asankhàraparinibbàyi).
6. Nếu không như thế, khi lâm chung, sau khi đoạn tận được năm hạ phần kiết sử, sẽ chứng Hữu hành Niết-bàn (Sankhàraparinibbàyi).
7. Nếu không như thế, khi lâm chung, sau khi đoạn tận Năm Hạ phần kiết sử, hành giả sẽ là bậc Thượng lưu (Uddhasoto), đạt được Sắc cứu cánh thiên.
Con đường tu tập Bảy Giác chi trong thiền định là con đường nhận biết Chỉ và Quán bằng Tuệ giác và An tịnh để đạt được an lạc, giải thoát trong Hỷ, giải thoát trong Khinh an, giải thoát trong Lạc, giải thoát trong Định một cách sâu sắc và dồi dào Tuệ tri giải thoát (Chánh giải thoát).
Một bước đi rất thiết thực trong hiện tại, bước chân đi vào giải thoát của hành giả là bước đi thanh thoát của Khinh an, Lạc và Hỷ, đó chính là bước chân Thiền lực. Hành giả đã nhận biết được bản chất của vô thường, khổ đau của cuộc đời bằng con mắt giác ngộ, trí tuệ và biến chúng thành chất liệu giải thoát qua tịnh tưởng, bất tịnh tưởng để ly tham, ly sân và qua chánh niệm trú tâm vào Từ, Bi, Hỷ và Xả để đạt được xả ly, nhận biết vô ngã một cách trọn vẹn.
Hành giả đã biến những khó khăn thuộc về thân lẫn tâm trong quá trình hành thiền từ gai góc thành chất liệu làm phát khởi Tinh tấn lực; đã biến những rối ren, lẩn quẩn của cuộc sống thành chất liệu làm phát khởi Trạch pháp giác chi; đã biến những nghịch cảnh, nghịch lý, vô thường thành chất liệu làm phát khởi Xả, Định, Khinh an giác chi.
Tất cả những gì thuộc về công việc chuyển hóa đều có mặt trong chúng ta. Tất cả đang chờ đợi sự giác tỉnh và quyết tâm của hành giả ngay trong hiện tại, trong đời này. Không có một Đức Phật hay Bồ-tát nào có thể ban phát cho chúng ta an lạc, hạnh phúc và trí tuệ mà mỗi chúng ta phải đem thân tâm ra khổ luyện tu hành mới đạt được. Đó cũng chính là kết quả thiết thực cuối cùng trong việc ứng dụng các yếu tố giác ngộ, làm cho hành giả tự giác cao độ trong việc hành thiền. Khi tự giác cao độ trong việc hành thiền, hành giả đạt được Niệm giác chi, và Định giác chi lại chính là lợi ích cho giác hữu tình tu tập, noi gương hoặc lấy cảm hứng tu tập theo. Đến khi giác ngộ tuyệt đối, hành giả giúp cho người khác giác ngộ đúng theo cách mà Bảy Yếu tố giác ngộ đã dẫn hành giả đi trong lúc đầu.
(Bài pháp học và pháp hành ứng dụng trong Thiền định được học và ứng dụng tại Pháp Thuận Thiền Viện – Dharma Meditation Temple, Valley Center, San Diego County, California, USA, June 17, 2016).
Trân trọng,
An vui với Lòng từ,
Khất sĩ Thích Giác Chinh.
_____________________
Thiền viện Pháp Thuận - Dharma Meditation Temple tọa lạc tại 9755 Old Castle Rd., Valley Center, CA 92082.