18 Phẩm Tùy-hỷ Công Đức

24 Tháng Năm 201000:00(Xem: 12209)

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ 18
TUỲ HỶ CÔNG-ĐỨC

(Indication du mérite de la satisfaction)

 
Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Thế-Tôn! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào nghe Kinh Pháp-Hoa mà lòng vui đẹp (tuỳ hỷ), thì những người ấy đặng bao nhiêu phước đức?.

Phật bảo Bồ-tát Di-Lặc:“A-Dật-Đa! Sau khi Như-Lai diệt độ, nếu có Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cùng hạng người trí khác, nghe Kinh này mà lòng vui đẹp, rồi từ trong pháp-hội ra đến chỗ khác hoặc tại nơi chư Tăng ở (tăng -phường), hoặc chỗ vắng vẻ, hoặc nơi thành ấp, đường sá, xóm làng, ruộng rẫy, đem điều đã nghe, tuỳ sức mà diễn thuyết cho cha mẹ, họ hàng, bạn lành, bạn học cùng nghe, rồi những người này nghe xong lại đi chuyển dạy cho người khác nữa, như vậy cho tới người thứ năm mươi, thì, này A-Dật-Đa, công đức nghe Kinh vui đẹp của hàng thiện-nam-tử nữ-nhân thứ năm mươi đó sẽ được như lời ta sắp nói đây, ngươi hãy lóng nghe”

“Nếu có người làm hạnh bố-thí, ban cấp những thức cần dùng cùng ngọc ngà, châu báu, voi ngựa, xe cộ, cung điện, lầu gác cho vô số chúng-sanh trong vô số thế-giới, suốt một thời-gian là 80 năm. Tài thí như vậy xong rồi, vị thí-chủ ấy lại nghĩ đến việc đem Phật-pháp ra mà dạy dỗ dìu dắt chúng-sanh lúc ấy đã già suy, tuổi quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, không bao lâu sẽ chết. Vị thí chủ ấy liền nhóm chúng-sanh giáo-hoá, khiến chúng đặng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Ý của ông nghĩ sao? Công-đức của vị đại thí-chủ đó có nhiều chăng?”.

Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Thế-Tôn! Công-đức của người ấy nhiều vô lượng vô biên. Nội việc tài thí đã là vô lượng rồi, hà huống còn pháp thí đến đặng quả A-la-hán”.

Phật bảo Bồ-tát Di-Lặc: “ Ta rành nói ngươi nghe nhé! Công đức của vị thí chủ ấy không bằng một trong trăm ngàn muôn ức phần công đức của người thứ năm mươi nghe Kinh Pháp-Hoa mà lòng vui đẹp”.

“Này A-Dật-Đa, người nghe Kinh Pháp-Hoa thứ năm mươi mà còn được công đức tuỳ hỷ vô lượng vô biên như thế, huống hồ hạng người nghe Kinh lúc ban sơ, ngay trong Pháp-hội”.

“Này A-Dật-Đa! Nếu có người vì lòng muốn nghe Kinh này mà đến chùa, hoặc ngồi, hoặc đứng, dầu trong chốc lát để nghe nhận lời Kinh, người ấy sẽ có những công đức nhờ đó mà sẽ tái sanh trong cảnh giàu có rồi sau lại lên thiên cung”.

“Còn người nào, trong chỗ giảng Kinh mà biết khuyên người đến sau ngồi nghe, hoặc chia chỗ cho ngồi, thì người ấy, khi chuyển thân, đặng chỗ ngồi của Đế-Thích, Phạm-vương hay Chuyển-luân-Thánh-vương.

A-Dật-Đa! Nếu lại có người giới thiệu và khuyến khích người khác đi nghe giảng Kinh Pháp-Hoa, và người được khuyên nhận lời đến nghe, dầu trong chốc lát, thời người giới thiệu và khuyến khích đặng công-đức, khi chuyển thân, cùng sanh một nơi với hàng Bồ-tát “đà-la-ni”, căn tánh bén nhọn, có trí-huệ, trăm ngàn muôn đời chẳng hề ngọng câm, miệng lưỡi không hôi thối, môi răng tốt đẹp, mặt mày đoan-trang, mũi lớn cao thẳng.

A-Dật-Đa! Ngươi thử xem; khuyên một người đi nghe Pháp mà được công-đức như thế, hà huống một lòng (nhất tâm) nghe, nói, đọc, tụng kinh Pháp-Hoa, lại trong đám đông vì Người mà giải thích và tu hành đúng như lời nói trong Kinh”.

 

Huyền nghĩa

Vui sướng nghe Kinh, dầu trong chốc lát, vui sướng mời kẻ khác cùng nghe, chia chỗ cho kẻ khác cùng ngồi nghe, giới thiệu, khuyến khích người nghe, tất cả những công-đức ấy lớn lao vô cùng, không thể đem những công-đức tài-thí, pháp-thí của Tiểu-thừa mà so sánh được.

Tại sao? Tài-thí và pháp-thí của Tiểu-thừa chưa phải là con đường đưa đến sự Giải-thoát hoàn toàn, chưa phải là ánh-sáng giúp chúng-sanh tự thấy có khả năng thành Phật, nói tóm, chưa vạch cho chúng-sanh thấy Sự-Thật trong Kinh Pháp-Hoa.

Nghe Kinh Pháp-Hoa mà thích, mà vui là người chẳng phải tầm thường, nhưng công-đức chưa bằng hạng người vui nghe và khuyến khích người khác cùng nghe như mình. Ở hạng sau này, lòng vị tha của Bồ-tát đã phát khởi.

Nhưng cũng chưa bằng công-đức của người nghe diễn, đọc, tụng và tu hành đúng như Kinh dạy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9212)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8154)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9789)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9313)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..