9 Phẩm Thọ-học Vô-học Nhơn-ký

23 Tháng Năm 201000:00(Xem: 11804)

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ CHÍN
THỌ HỌC, VÔ HỌC KÝ

(Prédiction relative à Ananda, à Râhula et aux 2.000 Religieux)

Lúc bấy giờ A-Nan và Ra-hầu-La nghĩ thầm: “Nếu mỗi chúng ta đều được thọ-ký thì sung sướng biết bao!”. Hai vị liền đến trước Phật làm lễ, bạch rằng: “Chúng con nghĩ cũng có phần được thọ ký, vì bao giờ cũng quy hướng về Như-Lai. Lại chúng con là người quen biết của tất cả trời, người và a-tu-la trong thế gian. A-Nan là người hầu và hộ-trì tạng-pháp, còn Ra-hầu-La là con của Phật, nếu hai chúng con được thọ-ký thì nguyện của chúng con sẽ mãn mà chỗ trông mong của chúng con cũng được đầy đủ”.

Hai ngàn đệ tử Thanh-văn, bậc học và vô-học ([2]), cũng đứng dậy lễ Phật, chắp tay chiêm ngưỡng dung-nhan Thế-Tôn, tỏ ý cùng một sở nguyện với A-Nan và Ra-hầu-La.

Phật bảo A-Nan: “Đời sau, ngươi sẽ được làm Phật hiệu là Sơn-Hải-Huệ-Tự-Tại-Thông-Vương-Như-Lai….Ngươi sẽ cúng dường 62 ức Phật, hộ trì tạng-pháp, rồi sau được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, giáo hoá 20 ngàn muôn ức Hằng-hà sa Bồ-tát…. khiến những Bồ-tát ấy thành tựu Đạo Bồ-đề.

Nước của Phật Sơn-Hải-Huệ tên là Thường-Lập Thắng-Phan, thanh tịnh, đất bằng lưu-ly. Kiếp của Phật tên Diệu-Âm- Biến Mãn, thọ mạng của Phật vô lượng, và mười phương Như-Lai đồng ca ngợi công đức của Phật”.

Nói xong, Thế-Tôn đọc lại một bài kệ lập lại nghĩa trên.

Lúc bấy giờ, 8.000 Bồ-tát mới phát tâm, đều nghĩ: “Chúng ta chưa nghe các vị Bồ-tát lớn được thọ-ký như thế, cớ sao mà các Thanh-văn lại được như vậy?”.

Đức Phật biết tâm niệm ấy, bèn bảo rằng: “Này các thiện-nam-tử, ấy vì ở nơi Phật Không-Vương, ta và A-Nan đã đồng thời phát tâm cầu sự giác ngộ vô thượng. A-Nan thường ưa học rộng, còn ta thì siêng cần tinh-tấn, cho nên ta đã được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, còn A-Nan thì theo bản nguyện, hộ-trì pháp ta và trong tương lai, tiếp tục hộ trì pháp tạng của chư Phật, để giáo hoá thành tựu chư Bồ-tát. Bổn nguyện của ông như thế nên đặng thọ-ký dường ấy”.

Lòng rất vui mừng, A-Nan tức thời nhớ lại tạng-pháp của vô lượng ngàn muôn ức Phật thuở quá khứ, luôn cả lời nguyện của mình.

Bấy giờ Phật bảo Ra-hầu-La: “Đời sau, ngươi sẽ đặng làm Phật hiệu là Đạo-Thất-Bảo-Hoa Như-Lai. Ngươi sẽ cúng dường chư Phật Như-Lai đông như vi-trần trong mười thế-giới, và thường vì các đức Phật mà làm trưởng-tử như hiện nay.

“Đức Phật Đạo-Thất-Bảo-Hoa đó, cõi nước trang nghiêm, kiếp số thọ mạng, giáo- hoá đệ-tử, chánh-pháp và tượng-pháp cũng đồng như Sơn-Hải-Huệ-Tự-Tại-Thông-Vương-Như-Lai không khác. Ngươi cũng sẽ được làm trưởng-tử cho Phật Sơn-Hải-Huệ, rồi về sau sẽ được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

Thế-Tôn lập lại nghĩa trên bằng một bài kệ:

Lúc ta làm Thái-tử,

Ra-Hầu làm trưởng tử.

Ta nay thành Phật-đạo

Thọ pháp làm Pháp-tử.

Trong các đời vị lai

Thấy vô lượng ức Phật

Đều cùng làm trưởng tử

Một lòng cầu Phật-đạo.

Ra-Hầu có hạnh kín

Chỉ mình ta biết thôi,

Hiện làm con của ta

Để chỉ cho chúng-sanh

Vô lượng ức ngàn muôn

Công-đức không thể đếm

(Của sự) an trụ trong Phật-pháp

Để cầu vô-thượng đạo

Thấy các bậc hữu-học, vô-học hai ngàn người ý-căn nhu-nhuyễn, tịch-nhiên thanh-tịnh, một lòng nhìn Phật, Phật bèn nói với A-Nan: “Tất cả những người ấy sẽ cúng dường chư Phật Như-Lai đông như vi trần trong năm mươi thế-giới, cung kính hộ-trì pháp-tạng, rốt sau đồng thời, ở các nước trong mười phương, mỗi mỗi đều được thành Phật, đồng một hiệu là Bảo-Tướng Như-Lai, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm, số đệ-tử Thanh-văn, Bồ-tát và thời gian chánh-pháp, tượng-pháp thảy đều đồng nhau.

Lúc đó, các hàng hữu-học, vô-học, nghe đức Phật thọ-ký, vui mừng hớn hở, như được rưới cam lộ.

Huyền nghĩa

Hải-Ấn Đại-sư, trong phần Cương-Yếu Kinh Pháp-Hoa, có viết: “Luận về Phật-tánh, thì Phật-tánh có ba thứ “nhân” gọi là Chánh-nhân, Duyên-nhân và Liễu-nhân. Nếu ba nhân được rõ ràng thì thành Phật là một việc không còn gì nghi-ngại.

“Ngưới người đều sẵn có Phật-tánh đầy đủ, vậy ai cũng có hột giống chánh (Chánh nhân) để thành Phật. Nhờ học hỏi, giáo-pháp và sự khuyến-khích của hàng thiện-tri-thức mà Phật-tánh tỏ bày, đó là nguyên-nhân phụ (Duyên-nhân). Tự tin mình sẽ giác-ngộ một cách rốt ráo, đó là nguyên-nhân rốt-ráo (Liễu-nhân).

Nếu những vị Xá-Lợi-Phất năm người mà giác-ngộ được mau là vì hột giống chánh được sâu dày. Năm trăm đệ-tử được giác-ngộ là vì lâu đời lâu kiếp đã được giáo-hoá, vậy là do “Duyên-nhân” đã thuần-thục. Hàng hữu-học, vô-học, có kẻ là em (A-Nan), kẻ là con (Ra-hầu-La), đều ở trong hàng “Duyên-nhân” này.

Bây giờ chúng ta hay trở lại lời Phật dạy để tìm hiểu thêm.

Phật bảo Phật và A-Nan, dều phát tâm cầu Vô-thượng Chánh-giác đồng một thời, nhưng A-Nan thích đa văn (nghe học nhiều) còn Phật lại chuyên cần tinh-tấn, nên Phật thành Phật trước còn A-Nan vẫn giữ vai tuồng hộ-trì tạng-pháp để giáo-hoá chúng-sanh. Chúng ta thấy gì trong lời nói này? Phải chăng muốn thành Phật sớm, không phải học không mà được, vì học chỉ làm thỏa mãn cái trí (intellect) mà không minh-tâm kiến-tánh? Phải cần tinh-tấn, tức là phải hành mới có kết quả.

Ra-hầu-La cũng được Phật thọ-ký sẽ thành Phật trong đời sau. Ấy không phải vì Ra-hầu-La là con đầu lòng của Phật. Con đó là con của Thái-tử Tất-đạt-Đa. Mà vì Ra-hầu-La theo Phật thọ pháp, làm Pháp-tử, tức là làm con tinh-thần của Phật, làm con của Pháp.

Với sự thọ-ký cho 2.000 Thanh-văn, chúng ta thấy rằng tất cả sẽ thành Phật với điều kiện cốt yếu là phải cúng-dường vô số Phật, cung kính, hộ-trì, tôn trọng pháp-tạng, nghĩa là phải hy-sinh cho Chân-lý, cung kính, tôn trọng và nắm giữ những luật thiên-nhiên mầu-nhiệm (Pháp).

[2] Học là nghiên cứu chân lý, đã dứt mê vọng. Còn Vô-học là chỉ hạng đã nghiên cứu xong Chân lý và mê vọng đã dứt tận, không còn gì phải học thêm nữa. Trong 4 hạng tu hành có kết quả trong bậc Thanh-văn, 3 hạng đầu (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm) gọi là hạng Học. Còn hạng thứ tư là A-la-hán thì gọi là Vô-học).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9212)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8154)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9789)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9314)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..