Chương 8 Pháp Thân

20 Tháng Năm 201000:00(Xem: 12402)

THẮNG MAN GIẢNG LUẬN
Śrīmālā-siṃhanāda-sūtra-vyākhyā
Tuệ Sỹ dịch và giảng

 

PHẦN HAI
PHIÊN DỊCH KINH VĂN

勝 鬘 師 子 吼 一 乘 大 方 便 方 廣 經
THẮNG MAN SƯ TỬ HỐNG NHẤT THỪA ĐẠI PHƯƠNG TIỆN 
PHƯƠNG QUẢNG KINH
ŚRĪMĀLĀ-SIṂHANĀDA-SŪTRA
宋 中 印 度 三 藏 求 那 跋 陀 羅 譯
TỐNG TRUNG ẤN ĐỘ TAM TẠNG CẦU-NA-BẠT-ĐÀ-LA Hán dịch
TUỆ SỸ Việt dịch & Chú thích

 

CHƯƠNG TÁM:
PHÁP THÂN
[567]

«Nếu đối với Như Lai tạng đang bị quấn chặt bởi phiền não tạng mà không nghi hoặc, thì đối với Pháp thân vốn siêu xuất vô lượng phiền não tạng cũng không nghi hoặc. Đối với thuyết của Như Lai tạng, Pháp thân của Như Lai, cảnh giới Phật bất tư nghị và phương tiện thuyết,[568] mà tâm đạt đến quyết định[569] ấy tức là đã tin và hiểu hai thánh đế. Thế nào được nói là thuyết nghĩa của hai Thánh đế? Đó là thuyết tác Thánh đế nghĩa và vô tác Thánh đế nghĩa.»[570]

«Thuyết tác thánh đế nghĩa, đó là thuyết bốn thánh đế có hạn lượng.[571] Vì sao? Vì không phải nhân bởi người khác mà có thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng hết thảy diệt, tu hết thảy đạo.[572] Cho nên, bạch Thế Tôn, có hữu vi sanh tử và vô vi sanh tử. Niết-bàn cũng vậy, có hữu dư và vô dư.»[573]

«Thuyết vô tác thánh đế nghĩa, là thuyết về ý nghĩa bốn thánh đế vô lượng.[574] Vì sao? Có thể bằng tự lực[575] mà biết hết thảy thọ khổ,[576] đoạn hết thảy tập, chứng hết thảy thọ diệt, tu hết thảy thọ diệt đạo.»

«Như vậy, có tám Thánh đế, nhưng Như Lai chỉ nói bốn Thánh đế. Bốn vô tác thánh đế nghĩa như vậy duy chỉ Như Lai, bậc Ứng cúng, Ñaúng chánh giác mới tác sự cứu cánh,[577] chứ không phải là tác sự cứu cánh của A-la-hán và Bích-chi Phật. Vì sao? Vì không thể chứng đắc Niết bàn với các pháp hạ, trung và thượng.»[578] 

«Vì sao Như Lai, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng, Chánh giác, đối với bốn vô tác Thánh đế tác sự đã cứu cánh? Vì hết thảy Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác biết tất cả khổ vị lai; đoạn tất cả tập vốn được duy trì bởi các phiền não và tùy phiền não; diệt tất cả uẩn[579] của ý sanh thân; chứng ngộ tất cả sự diệt khổ.»[580]

«Bạch Thế Tôn, không phải vì pháp hoại diệt[581] mà gọi là khổ diệt.[582] Nói là khổ diệt vì rằng từ vô thủy vốn là vô tác, không sinh khởi, không đoạn tận, lìa xa sự diệt tận, thường trụ, tự tánh thanh tịnh, lìa hết thảy phiền não tạng.»[583]

«Bạch Thế Tôn, do thành tựu Phật pháp bất tư nghì vượt quá số cát sông Hằng, vốn không ly, không thoát, không dị biệt, do thế mà nói là Pháp thân Như Lai.»

«Như vậy, bạch Thế Tôn, Pháp thân của Như Lai không lìa phiền não tạng, cho nên gọi là Như Lai tạng.»
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn