Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nghĩ Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo Việt Nam Huỳnh Kim Quang

22 Tháng Chín 201200:00(Xem: 15155)

TƯỞNG NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU,
Nghĩ Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo Việt Nam
Huỳnh Kim Quang

ht-thich-minh-chau01234Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, viên tịch tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, Việt Nam, vào lúc 9 giờ sáng ngày 1 tháng 9 năm 2012. Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của bậc ân sư khả kính mà người viết bài này đã từng thọ ân giáo dục, bài viết này xin được viết ra để tưởng niệm công đức lớn lao của Ngài đối với sự nghiệp giáo dục và qua đó xin trình bày một vài cảm nghĩ về con đường giáo dục của Phật Giáo Việt Nam.

Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam nhiều thế kỷ trở lại đây, Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu là một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế học trong tinh thần của Phật Giáo Việt Nam mà tiêu biểu cao nhất cho sự thành tựu nền giáo dục theo hướng ấy là Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Viện Đại Học Vạn Hạnh đã được chính thức cho phép hoạt động với tư cách pháp nhân và pháp lý của một đại học tư thục vào ngày 17 tháng 10 năm 1964, và vị Viện Trưởng là Thượng Tọa Thích Minh Châu. Việc thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh là do chủ trương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để đáp ứng nhu cầu mở rộng công cuộc hoằng pháp vào xã hội. Giai đoạn đầu, chờ xây dựng cơ sở chính thức, Đại Học Vạn Hạnh đã mượn cơ sở của Chùa Xá Lợi và Chùa Pháp Hội để giảng dạy với 2 phân khoa Phật Học và Văn Học & Nhân Văn. Đến năm 1966 thì Đại Học Vạn Hạnh dời về cơ sở mới được xây cất xong trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Năm 1967, Viện mở thêm Phân Khoa Khoa Học Xã Hội. Năm 1970, Viện mở Phân Khoa Giáo Dục và năm 1973 thêm Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, với cơ sở mới tại Quận Phú Nhuận mà nay là Thiền Viện Vạn Hạnh. Niên khóa 1971-72, Viện mở Trung Tâm Ngôn Ngữ để giúp sinh viên học các ngoại ngữ. Ngoài ra Viện còn có Thư Viện, với khoảng 25,000 đầu sách, là một trong những thư viện lớn và hiện đại nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, (theo www.wikipedia.org ). Năm 1967, Viện cho ra đời Tạp Chí Tư Tưởng là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2012) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó.

Chỉ hơn 10 năm, từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 4 năm 1975, Đại Học Vạn Hạnh đã phát triển thành một trong những đại học tư thục nổi tiếng và uy tín hàng đầu trên cả nước. Đó là một kỳ công hãn hữu, một đóng góp lớn lao cho nền giáo dục trong bối cảnh bất an của xã hội Việt Nam thời chiến tranh lúc bấy giờ.

Nói như vậy để thấy rằng, vào những năm của thập niên 1960 và 1970, khi cuộc chiến khốc liệt đang xảy ra trên mọi miền đất nước, khói lửa điêu linh tang tóc diễn ra từng ngày từng giờ và trong từng gia đình người dân Việt Nam, tuổi trẻ phải lên đường ra chiến trận mà không hẹn ngày về, không còn thấy tương lai tươi sáng, Hòa Thượng Thích Minh Châu đã nỗ lực và kiên trì trong công tác giáo dục tuổi trẻ thanh niên Việt Nam, để họ còn có chỗ dựa gửi gấm niềm tin vào tương lai. Vào thời điểm đó, vì vậy, Đại Học Vạn Hạnh không chỉ là trường sở giáo dục đào tạo nhân tài với bằng cấp học vị, mà còn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng vào tương lai của đất nước cho thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Chính vì thế, Tạp Chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh cũng trở thành biểu tượng, thậm chí một thứ mode tri thức của sinh viên thời bấy giờ.

Rồi mấy chục năm sau, từ năm 1975 đến trước khi viên tịch, cũng thế, Hòa Thượng Thích Minh Châu vẫn tiếp tục con đường giáo dục với sự kham nhẫn vô bờ trước mọi chướng duyên và nghịch cảnh của xã hội để đào tạo nhiều thế hệ tăng, ni cho Phật Giáo Việt Nam. Nếu không có những nhà giáo dục tận tụy hy sinh đời mình cho lý tưởng “Duy tuệ thị nghiệp” như Cố Hòa Thượng Thích Thích Trí Thủ, Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu thì Phật Giáo Việt Nam đến hôm nay đã phải trả giá rất đắt cho sự mất mát nhân sự lớn lao để thừa kế sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của thầy tổ.

Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu ngay từ đầu đã chọn cho Ngài định hướng giáo dục và Ngài đã đem hết tâm huyết một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ấy đến hơi thở cuối cùng. Có thể hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giáo dục chắc chắn Hòa Thượng Thích Minh Châu đã ý thức và nhận chân được vai trò và ảnh hưởng của giáo dục đối với công cuộc chuyển hóa con người và xây dựng xã hội. Ý thức đó đã được Hòa Thượng Thích Minh Châu bày tỏ nơi Chương 13 “Một Môi Trường Giáo Dục Tốt Phải Được Khởi Nguồn Xây Dựng Bởi Những Người Có Ý Thức và Trách Nhiệm,” trong tác phẩm “Đạo Đức Phật Giáo và Hạnh Phúc Con Người,” của Ngài được xuất bản vào năm 2002 tại Việt Nam (Nguồn: www.dieungu.org ). Trong đó có đoạn Hòa Thượng Thích Minh Châu viết rằng:

“Ngày nay, với lối sống buông trôi theo dục lạc, con người hiện đại đang dần dần làm ô nhiễm và phá vỡ môi trường sống tốt đẹp của mình. Nhiều biểu hiện thiếu cân nhắc, thiếu phản tỉnh của con người ngày nay khiến chúng ta không khỏi lo ngại đến cuộc sống hiện tại và tương lai, nếu con người không thật sự quay về để tìm xem mình đang làm gì và có thái độ sống thích hợp như thế nào. Đứng trước sự thách thức to lớn của lối sống thiếu giác tỉnh, bất chấp các hậu quả của con người ngày nay, chúng ta - những người Phật tử - cần phải tỏ rõ hơn nữa nếp sống tự ý thức và tự chế ngự của mình, đồng thời cần phải nỗ lực xây dựng nhiều môi trường sinh hoạt mang tính giáo dục cao cả cho con người.”

Trong tác phẩm nói trên, Hòa Thượng Thích Minh Châu còn nêu bật một yếu tính quan trọng mà suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam đã cưu mang, đó là vai trò của ngôi chùa trong sứ mệnh giáo dục con người và xã hội. Hòa Thượng viết rằng:

“Những bước đi tiếp cận chân lý giác ngộ như đã nói ở trên gợi cho chúng ta hình ảnh một môi trường giáo dục thanh thoát, đầy trí tuệ và tình người do đức Phật xây dựng mà theo thời gian, với sự sáng của nó, môi trường ấy đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, luôn luôn được giữ gìn và được xây dựng bởi những người con Phật với mục đích đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người. Quả vậy, mỗi một ngôi chùa Phật giáo luôn luôn là một môi trường giáo dục tốt và người Phật tử đến với ngôi chùa ấy không phải chỉ để học kiến thức về kinh điển Phật giáo, mà để tu học và đóng góp sức mình cho việc xây dựng và phát huy môi trường ngày càng tốt đẹp. Và, qua nếp sống đó, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đang nỗ lực hướng vào mục tiêu chung của xã hội Việt Nam cũng như ở thế giới ngày nay là làm trong sạch hóa môi trường sống của con người mà đạo đức là căn bản.”

Giáo dục trong nghĩa rộng là đem kiến thức và kinh nghiệm truyền trao cho người khác, hay cho thế hệ con em qua nhiều hình thái và mô thức như học đường, cơ sở tôn giáo, gia đình hay xã hội, v.v… Trong Chương Thứ 13 của Công Ước Quốc Tế Về Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa được công bố vào năm 1966, Liên Hiệp Quốc đã chính thức bảo đảm quyền giáo dục cho mọi người trên trái đất này. Giáo dục có 2 lãnh vực là chính thống và không chính thống. Giáo dục chính thống là các hệ thống giáo dục học đường công lập và tư thục được nhà nước công nhận. Giáo dục không chính thống là tất cả những công tác truyền trao kiến thức và kinh nghiệm từ người này sang người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác qua nhiều hình thái và hoàn cảnh khác nhau như trong gia đình và bên ngoài xã hội, v.v…

Đức Phật là một nhà giáo dục mẫu mực và ưu việt đã áp dụng phương thức giáo dục giác ngộ để chuyển hóa con người và xã hội. Đức Phật dạy rằng vì vô minh che khuất chân tánh nên chúng sinh bị vọng tâm điên đảo lôi kéo vào con đường tạo nghiệp và thọ khổ trong sanh tử luân hồi. Cho nên, con đường giải khổ là giác ngộ vô minh và trực nhận chân tánh. Đó là con đường của trí tuệ. Giáo dục vì vậy là giúp con người khai mở trí tuệ trong chính họ. Bốn mươi lăm năm giáo hóa độ sinh cũng chính là bốn mươi lăm Đức Phật thực hành công tác giáo dục để chuyển hóa con người và xã hội.

Trong việc chuyển hóa và xây dựng con người và xã hội, không có phương thức nào hữu hiệu và tác động lâu dài hơn giáo dục, nhất là giáo dục cho tuổi trẻ. Nhờ giáo dục, mỗi cá nhân con người có được kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn hay phổ thông về nhiều lãnh vực như khoa học, y học, văn học, triết lý, tôn giáo, đạo đức, luật pháp, công lý, điều đúng, điều sai, điều nên, điều hư, giả dối và chân thật, thiện và ác, v.v… Nói chung là mọi thứ trong cuộc sống để có thể tự mỗi người đem kiến thức đó ra áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhờ giáo dục mà mỗi con người trở thành một thành viên tốt trong gia đình và bên ngoài xã hội. Xã hội có nhiều cá nhân tốt như thế sẽ là một xã hội tốt. Cho nên, muốn xây dựng và phát triển xã hội căn bản và lâu dài thì điều tiên quyết cần làm là giáo dục. Chính giáo dục tạo ra những cá nhân toàn vẹn tài đức để ra giúp nước. Chính giáo dục đào tạo những nhà lãnh đạo ưu tú tận tụy hy sinh cho dân cho nước. Chính giáo dục dạy con người biết phục thiện để tránh điều ác làm điều lành và do đó giữ gìn kỷ cương cho pháp luật quốc gia và đạo đức xã hội. 

Phật Giáo Việt Nam ngay từ thời kỳ du nhập đã ý thức được vai trò và ảnh hưởng của giáo dục đối với công cuộc chuyển hóa con người và xã hội cho nên, các vị tăng ni tự nguyện làm những nhà giáo dục, chùa chiền trở thành cơ sở giáo dục không chỉ cho tăng, ni mà cả quần chúng. Cho đến đời Vua Lý Thánh Tông vào thế kỷ thứ 11 mới mở Quốc Tử Giám để chính thức đảm trách việc đào tạo nhân tài ra giúp nước. Nhưng truyền thống giáo dục con người và xã hội của ngôi chùa vẫn còn mãi trong dân gian. Mỗi tu sĩ khi thi hành sứ mệnh truyền bá Phật Pháp cũng chính là đóng vai trò của nhà giáo dục. Chính trong ý nghĩa đó mà Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia hành hạnh đầu đà đi khắp trong nhân gian để lập chùa, giảng giải ngũ giới và thập thiện cho dân chúng tu theo và ngài xem như đó là một trong những phương thức xây dựng con người và xã hội nền tảng nhất.

Trong các thập niên 1960 và 70 của thế kỷ trước, Phật Giáo Việt Nam đã thực hiện được hai chương trình giáo dục thành công lớn nhất trong lịch sử, đó là Viện Đại Học Vạn Hạnh và hệ thống trung tiểu học tư thục Bồ Đề. Cả hai đã đóng góp thật xứng đáng công đức vào việc giáo dục cho thế hệ thanh thiếu đồng niên Việt Nam. Và qua đó, Phật Giáo Việt Nam góp phần giáo dục và đào tạo các thế hệ tương lai cho đất nước.

Rất tiếc là từ sau năm 1975 đến nay, Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước đã không thực hiện được một chương trình giáo dục nào thành công lớn lao như vậy đối với con đường giáo dục thế học. Đây là điều mà tăng, ni và phật tử Việt Nam nói chung, những nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam nói riêng cần đặc biệt quan tâm.

Nếu vì hoàn cảnh chưa cho phép để thực hiện các chương trình giáo dục học đường chính thống từ cấp tiểu học lên đại học để dạy thế học cho các em, chúng ta có thể thi hành chương trình giáo dục không chính thống qua nhiều lãnh vực như mở lớp dạy kèm, lớp dạy văn hóa cho các em nghèo, các em ở vùng quê hẻo lánh hay vùng núi xa xôi thiếu trường học. Trong một số chương trình phóng sự đặc biệt trong nước mà người viết có lần xem thì thấy rằng có nhiều nơi ở miền quê và miền núi cũng như ở các buôn làng của người thiểu số, các em không được đi học, hay đi học mà phải đối diện với nhiều thiếu thốn về tiền bạc, về phương tiện đi lại, sinh sống, v.v… Gần đây sinh hoạt Gia Đình Phật Tử được khởi sắc lại ở khắp nơi, sự ra đời của các Câu Lạc Bộ Thanh Niên Phật Tử, việc hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các em học sinh trong các mùa thi và dịp thi vào đại học nở rộ lên là một dấu hiệu tích cực đối với chương trình giáo dục không chính thống.

Tại hải ngoại, có hai chương trình giáo dục không chính thống, có nghĩa là không nằm trong hệ thống giáo dục được Bộ Giáo Dục công nhận, mà tăng, ni và phật tử Việt Nam cần gia tâm hỗ trợ:

- Đối với các tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam và thanh thiếu niên Phật Tử, đây là những tổ chức đã có nề nếp sinh hoạt từ trong nước ra hải ngoại và có sẵn chương trình giáo dục. Điều cần hỗ trợ cho họ là khuyến khích con em tham gia sinh hoạt trong các tổ chức này, tạo điều kiện thuận duyên cho các sinh hoạt của họ như cho phép họ sinh hoạt trong chùa, trong cơ sở hội và với lòng yêu thương bao dung lấy họ. Một điều nữa cũng không kém quan trọng là cố gắng đúng mức để dạy tiếng Việt cho các em đoàn sinh trong các tổ chức nói trên. Có thể nói dạy tiếng Việt phải được xem như là ưu tiên hang đầu trong chương trình giáo dục cho các em thanh thiếu niên Phật Tử.

- Dạy tiếng Việt cho con em người Việt là chương trình giáo dục không chính thống mà tăng, ni và phật tử Việt Nam tại hải ngoại cần đặc biệt quan tâm và thực hiện nhiều hơn nữa. Dù biết đây là công tác giáo dục đã được nhiều tăng, ni và phật tử thực hiện trong nhiều thập niên qua với nhiều thành tựu rõ ràng, nơi đây người viết cũng không thể không nhắc đến để nhấn mạnh vai trò và tác động rất lớn của nó trong việc bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Dạy tiếng Việt cho con em còn có thể thực hiện thành công rất nhiều trong sinh hoạt gia đình với sự chủ tâm hướng dẫn của các bậc phụ huynh. Thực hiện việc chỉ nói tiếng Việt trong gia đình giữa tất cả các thành viên từ cha mẹ đến con cái là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn tới thành công việc dạy tiếng Việt cho con em. Trong chiều hướng đó, cha mẹ cần phát tâm làm cho được việc này đối với con cái của mình để cống hiến vào công tác giáo dục tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại.

Phật Giáo Việt Nam nếu thực hiện đúng và phát huy trọn vẹn vai trò và chức năng của giáo dục chính thống cũng như không chính thống là đã góp phần rất lớn không những cho việc phát triển mà còn làm thay đổi hẳn nền tảng của xã hội và đất nước. Nếu thế hệ tuổi trẻ được giáo dục tới nơi tới chốn và đầy đủ phẩm chầt về trí tuệ và đức hạnh thì chẳng phải toàn xã hội và quốc gia đó sẽ có tương lai tươi sáng hay sao?

Đó chính là những gì Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu đã tận tụy suốt đời để thực hiện và vì thế, Ngài xứng đáng được xưng tụng như là nhà giáo dục kiệt xuất của Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam từ trước tới nay.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5355)
Thông thường thì trải qua bao nhiêu thời gian để được gọi là Một thời? Có thể là một tháng, vài ba tháng, nửa năm, một năm hay nhiều hơn nữa? Hầu như tất cả những thời lượng vừa nêu đều đúng, nhưng chủ yếu là trong những quãng thời gian ấy phải có, đã có một điều gì đấy rất nổi bật: hoặc là một sự việc, hoặc là một hình ảnh, hoặc là một chuyển đổi, một bước ngoặt, một cuộc gặp gỡ… đã tác động đến đời sống khiến tâm tư của chúng ta luôn nhớ đến, nhớ mãi, trở thành một gắn liền với hành trang tri thức của cả đời mình mới được gọi là Một thời.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 15009)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6439)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6319)
Tưởng niệm giác linh Người,/ Hỡi ôi! / Kính quý thay! / Bi xót thay! / Sinh diệt tợ đốm hoa / Sắc không như ánh chớp / Đám mây trắng ngàn năm ly hợp / Cõi bụi hồng muôn kiếp tụ tan / Hậu học sa-môn thương tiếc, bàng hoàng / Tứ chúng đoanh vây, trái tim lệ chảy / Lẽ vô thường xót đau ba cõi / Luật hữu vi băng giá một trời
12 Tháng Tám 2014(Xem: 10588)
Nhưng Thầy ơi, như Thầy đã biết, con thích nhất cây chuối khi nó luôn mọc thẳng , và khá vững vàng nên người đời cứ cưởng chuối có thân cây thật, trong khi "thân" chuối là một "thân giả". Thân giả này là bài học cho con quý giá vô cùng về tính không, nhất là mỗi khi con tụng kinh Bát nhã. Ôi chuối vi diệu quá Thầy nhỉ.
15 Tháng Năm 2014(Xem: 9686)
Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt, tất cả những đau khổ lớn nhất của nhân loại đã xảy ra tại quê hương của chúng ta, và hôm nay, giữa lòng đau đớn khôn cùng của đất nước, đấng Thế Tôn lại ra đời, như một vì sao Mai vụt hiện trên vùng tối đen của mặt đất thê lương này.
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 8642)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư ký gồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết.