Mẹ

19 Tháng Tám 201509:01(Xem: 8316)

blankMẸ
Thiên Hạnh

 

Me-oiTa còn một dòng sông_ dòng sông xưa uốn khúc những nỗi niềm cay cực với bóng mẹ lênh đênh tất tả chuyến đò đời.

Ta còn một bầu trời_ bầu trời cao vời thăm thẳm ngút trùng khơi để ngày thơ mẹ nâng ta lên những tầm cao cuộc sống, khi ngày tháng truân chuyên cam chịu mẹ vẫn mỉm cười vì tất cả cho con.

Ta còn một  cánh đồng_ cánh đồng Việt nam óng ả mượt mà sóng lúa nhấp nhô, đâu đó vọng tiếng sáo diều như lời quê tự sự và thấp thoáng hình bóng cánh cò lặn lội, mẹ chính là cánh cò xưa bất hủ tìm kiếm mãi nguồn sống tinh hoa trong rơm rạ cuộc đời để cho con và vì con.

Ta còn đó bờ tre thân thương hiền hòa khi gió về ríu rít trời quê_ những thân tre già vững chãi mà dẻo dai đương đầu với gió bão ngàn trùng không suy suyển. Mẹ chính là bóng tre diệu huyền đủ lực bình sinh và tháng năm trải nghiệm, che cho con, những búp măng non chưa tự thân trụ vững dưới nắng lửa mưa dầu và cuồng phong thịnh nộ.

Ta còn đó mặt đất_ là mảnh sân con trước nhà một xưa nào đón những bước chân chập chững đầu đời, lần đầu tiên rời khỏi bàn tay mẹ, ta đâu hay giây phút ấy người hạnh phúc tột đỉnh khi lần đầu thấy bước con đi. Để từ đó bước chân con hướng ra cuộc sống và ngày càng xa dần vòng tay của mẹ để tiếp nối và tiếp nối những hoàng hôn bóng mẹ tựa cửa ngóng trông.

Ta còn những giờ phút quẩn quanh tổ ấm gia đình, ngày thơ bé vào ra ngóng đợi mẹ trở về sau buổi chợ, để có những niềm vui thơ dại khi đón nhận những gói quà, củ khoai luộc, bắp ngô nếp thơm mùi dân dã hay gói xôi, miếng bánh tráng rắt mè,.. từ đôi quang gánh mẹ trao.

Ta còn những đêm thâu_ những đêm thâu mẹ ngồi may những đường chỉ nhỏ, cần mẫn chi li để sớm ngày mai con tung tăng cùng bạn bè đến lớp xúng xính trong chiếc áo mới, sản phẩm của đêm dài vắng lạnh mẹ thức trắng chăm lo.

Ta còn những lời ru xưa_ những lời ru êm như lụa nhiễu, ấm như hơi thở mẹ hiền phả vào tâm con những ý tưởng nhân sinh đầu đời về nề thương nếp ở, những lời ru đưa con êm êm vào giấc điệp, nhưng cũng là hành trang vào đời ý nhị đến hôm nay.

Ta còn một bàn tay_ bàn tay xưa mẹ nắm tay con tất tả đến trường cho kịp giờ nhập học một sáng mùa Thu, bàn tay ấm nóng gởi vào con bao kỳ vọng một mai khôn lớn bên thầy bạn với phấn trắng bảng đen dưới thênh thang một vòm trời tri thức.

Ta còn mùi dầu khuynh diệp và bát cháo, những viên thuốc đắng từ tay mẹ khi trái gió trở trời. Bên giường con với những cơn đau vầng trán nóng hâm hấp, có lẽ mẹ đã đau hơn con bội phần, bởi một điều đơn giản: mẹ là mẹ của con, không ai và không thể có người nào thay thế được.

Ta còn những ngày lên ba tập nói, bập bẹ những thanh âm đầu đời, dẫu chưa tròn vành rõ chữ nhưng âm tiết sơ khởi nhất là , mẹ,…và chính mẹ đã dạy từng tiếng, chỉ từng câu, mẹ dạy con cảm ơn xin lỗi, mẹ hướng con thưa gởi dạ vâng, mẹ là bậc thầy đầu tiên và cũng là bậc thầy vĩ đại nhất đời con, để từ đó con biết nói tiếng nói quê hương, tiếng nói của mẹ hiền.

Ta còn và còn thật nhiều , còn vô vàn những gì mà mẹ đã mang đến cho ta, cho cuộc đời ta. Qúa khứ trôi dần xa theo nhịp đếm của tháng năm, nhưng sừng sững cao vời như bất diệt là tượng đài kỳ vĩ của lòng mẹ bao la. Và rồi bao mùa hiếu hạnh qua đi với ngực áo thắm một đóa hồng để cuối cùng rồi ai cũng phải đối diện: đóa hồng trắng tinh khôi!

Người xưa đã khuất, hoài niệm mênh mang, cái hụt hẫng khiến lòng ai chới với, khi hiền mẫu ra đi mới thấy mình tệ bạc, cảm nỗi xót xa chữ hiếu chưa tròn, phải chi…ước gì còn mẹ bên con…

Thôi thì

Đôi mắt này mẹ đã cho ta, xin nguyện nhìn đời bằng sự tinh anh thấy rõ chân ngụy chánh tà, xin dùng để chiêm ngưỡng tôn nhan đức Từ Phụ, để đọc hiểu Pháp Bảo Kinh văn, để nhìn nỗi đau tha nhân mà thông cảm, nhìn hạnh phúc người đời để tùy hỷ xẻ chia.

Bàn tay này mẹ đã cho ta, xin nguyện dùng vào việc lợi mình lợi người, tự tha lưỡng lợi, vun bồi cuộc sống theo nghĩa đại đồng cộng trụ.

Đôi môi này cũng từ mẹ cho ta, xin nguyện cất lên lời từ ái bao dung, đem lời an ủi những ai đang trong cảnh khổ đau, cùng tán dương người lành bạn tốt, làm duyên cộng hưởng để cuộc sống thêm chan hòa trong ý Đạo.

Cả thể chất này, lục căn huyết quản, nhựa sống châu thân là những gì mẹ gởi lại cho đời, xin nguyện sống như một phần hữu ích giữa trần thế, để chính ta_ món quà mẹ gởi lại cuộc đời_ trở nên ý nghĩa, đó chính là cách đền đáp thâm ân mẫu từ trong muôn một.

Mong thay!

(Mùa hiếu hạnh Ấ t Mùi_ Pl 2559_ Thiên Hạnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tám 2014(Xem: 6665)
Tháng 7 Vu lan lại đến với những suy ngẫm về đạo hạnh và hiếu lễ của con người. Đại đức Thích Tâm Hải - phó ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN - đã dành cho TTCT một cuộc trò chuyện về chủ đề này.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 6282)
“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần, rồi mùa xuân đến, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây bay qua trần gian, ôi mẹ của tôi. Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi,...” ; và hôm nay, những người con, người cháu của mẹ đã thật sự mồ côi.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 5274)
Một Lễ Vu Lan nữa lại đến. Đối với người Việt Nam thì đây là một ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Vào ngày này, dường như ai cũng ra sức tìm cách báo hiếu với những bậc sinh thành hoặc ra sức thể hiện sự quan tâm đến những người thân đã quá cố. Và, khi cuộc sống vật chất của những người đang sống ngày càng no đủ, sự quan tâm đến người quá cố vì thế cũng tràn đầy… vật chất.
08 Tháng Tám 2014(Xem: 5161)
Rằm Tháng Bảy là ngày Vu Lan / Ngày hạnh hiếu kính dâng Mẹ hiền / Mẹ vì con bao ngày tần tảo / Xả thân mình nuôi đàn con thơ / (Bài viết song ngữ)
08 Tháng Tám 2014(Xem: 6182)
Câu chuyện bắt đầu khi tôi còn là một đứa bé; Tôi là con trai của một gia đình nghèo. Chúng tôi luôn thiếu ăn. Khi nào đến giờ ăn, mẹ lúc nào cũng nhường phần ăn của bà cho tôi. Trong khi sớt cơm của bà sang chén của tôi, mẹ thường nói “ Ăn cơm đi, con trai của mẹ. Mẹ không đói.”
07 Tháng Tám 2014(Xem: 12941)
Cứ mỗi độ thu về, chúng ta lại có dịp cử hành lễ Vu Lan báo hiếu. Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người con hiếu thảo không ai là không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây là tuyển tập nhạc chủ đề Vu Lan và Mẹ…
06 Tháng Tám 2014(Xem: 6634)
Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ lớn cho những người con nước Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục của mình.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 6790)
Hôm ấy, tôn giả Sāriputta thấy đã hội đủ duyên thời nên cùng với hội chúng tỳ-khưu về quê nhà để ngài có dịp báo hiếu mẹ. Ngôi làng Nālakā cũng được gọi tên là Upatissa, trước đây bà-la-môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 5697)
“Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Cho nên, không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 6403)
Mùa Vu Lan, đọc báo trong nước thấy thiên hạ bây giờ bỗng khoái chuyện vàng mã hơn bao giờ hết. Một ông triệu phú miền Bắc chỉ trong một đêm đã đốt sạch 1000 con ngựa giấy và hình nhân trị giá 400 triệu đồng Việt Nam. Đổi sang tiền Mỹ, số vàng mã đó trên 20 ngàn dollar. Lại thêm một chuyện để suy nghĩ...