Mùa Vu Lan nhớ nhà văn Võ Hồng

20 Tháng Tám 201518:23(Xem: 6477)

blankMÙA VU LAN NHỚ NHÀ VĂN VÕ HỒNG
Thích Giác Tâm

vo hong va thay giac tam
Tác gỉa và nhà văn Võ Hồng

Năm nào cũng vậy mỗi khi sắp đến ngày lễ Vu Lan là tôi đọc lại Võ Hồng: Nghĩ về mẹ, Một bông hồng cho cha, Tiếng chuông triêu mộ, Áo em cài hoa trắng, Mái chùa xưa, Màu áo nâu sòng, Đi con đường khác, Hữu thân hữu khổ….

Đọc ông để ôn lại cách viết của ông, cách viết hết sức tình cảm ân nghĩa của ông, qua cách viết tràn ngập tình người, tình quê hương đất nước mà ông đã lay động không biết bao nhiêu trái tim hướng thiện, hướng về các đấng sinh thành. Có một năm nọ, nhân ngày lễ Vu Lan tôi có tặng cho một vị đi làm cách mạng nhưng đã về hưu một cuốn tùy bút “ Tiếng chuông triêu mộ” của nhà văn Võ Hồng. Đọc xong ông cảm ơn tôi và phát biểu: “ Tôi không ngờ đạo Phật dễ thương  dễ cảm như vậy, nhiều chục năm nay tôi không để tâm đến vì nghĩ rằng đạo Phật  mê tín dị đoan. Đọc Võ Hồng tôi thích cách viết của ông với những câu: Bà con nông thôn gần gũi với chùa, thương kính ông Phật, không phải vì hiểu biết giáo lý Phật giáo. Những tiếng Tam quy, ngũ giới, Thập nhị nhân duyên... đa số không biết, không hiểu, mà chỉ biết nhìn theo các Thầy mà làm lành lánh dữ, cố gắng theo gương các Thầy mà bớt phạm sát sinh. Triết lý vốn sáng mà lạnh. Rất hay để nói, rất êm để nghe, mà phàm nói hay thì thường ít làm. Thì hãy cứ vui hồn nhiên như người đàn bà kia, tin rằng lễ Phật xong, đem tiền phát cho những người nghèo ngồi đợi xin ở bậc thềm trước chùa là lúc chết sẽ được Phật dắt về Tây phương Cực lạc”.

hoặc đoạn này: “ Mỗi lần chắp tay lắng nghe các Tăng Ni niệm bốn câu kệ, lòng tôi xúc động rộn ràng. Có hôm cơ hồ muốn rơi nước mắt khi nghe tụng tới câu PHIỀN NÃO VÔ TẬN THỆ NGUYỆN ĐOẠN. Tôi muốn cất tiếng kêu lên: Đức Phật ơi, hãy giúp giùm cắt đứt mọi phiền não bủa vây tâm hồn con. con đang cô đơn biết bao”.

và đoạn này nữa: “Tôi không là Phật tử. Không biết tụng kinh. Nhưng tôi lại dễ xao xuyến dạt dào mỗi lần nghe tiếng kinh tiếng mõ. Những lúc đó tôi tự nhiên trút bỏ mọi ảo vọng ở đời mà cuối nhìn xuống thân phận yếu đuối nhỏ mọn của mình. Chỉ một hơi thở thôi, cuộc đời chỉ có nghĩa là một hơi thở mà thôi, rất nhẹ và rất mong manh. Chỉ cần hơi thở ngừng lại nửa phút là giũ bỏ tất cả”.

Văn của ông như vậy đấy! Tâm của ông  rất thiện lành, tình của ông chan hòa tất cả, một áng  mây trời bay mông lung vô định, một tiếng chim chiều kêu vô vọng nơi thôn ấp xa, một giòng nước chảy dưới cầu Ngân Sơn , Tuy An , Phú Yên quê ông cũng làm lòng ông xao xuyến, và ông đã biết cách chuyển tải nỗi niềm xao xuyến, rung cảm của ông qua chúng ta, qua độc giả của ông, đời viết văn của ông, ông đã thành công là vậy.

Ông viết về Đạo Phật hay là vì ông được cái duyên sống gần Phật, ông có dạy ở Viện cao đẳng Phật học Hải Đức, có dạy ở trường Bồ Đề Nha Trang, tính ông hiền lành dễ gần gũi nên được các Thầy các Sư cô quý mến, Hòa thượng Trí Thủ và các vị cao tăng Phật giáo sống ở Nha Trang cũng rất thương quý ông. Tiếng niệm Phật, tiếng Đại hồng chung, tiếng chuông  tiếng mõ, màu áo nâu sòng, sinh hoạt lễ hội của Phật giáo Nha Trang đã thầm lặng đi vào trong tâm ông mỗi khi mỗi ít, thấm đẫm lòng từ bi của nhà Phật mỗi ngày một chút, nên ông đã trở thành Phật tử lúc nào không hay, và viết về đạo Phật thâm trầm cảm động, tự nhiên như nhiên , như ta đã thấy qua các tác phẩm của ông. Về già là thế, còn những ngày còn trẻ tình yêu của ông lại càng dào dạt mông mênh hơn. Lần đầu tiên đọc tác phẩm của ông là truyện dài Hoa Bươm Bướm cách đây gần 40 năm, tôi thích nhân vật Luân của ông ( cũng chính là ông) và tình yêu lãng mạn nhẹ nhàng của Luân với Quỳ (vợ ông sau này): “Trên chuyến tàu đêm từ Suối Cát về Tháp Chàm, Luân cầm tay Quỳ và nói như trong một giấc mơ. Rồi chàng rụt rè bỏ tay Quỳ ra, nhưng những ngón tay Quỳ xoay lên giữ bàn tay chàng lại, cầm bàn tay đó áp lên má mình đang đầy nước mắt”. Truyện “Con suối mùa xuân”  là chuyện tình yêu đôi lứa mà ông viết rất thành công. Trong truyện có ba nhân vật chính: Mỹ Khuê, Tịnh và Annie. Truyện này tôi đọc rất lâu trong một tạp chí văn học trước năm 1975, đã lâu lắm rồi mà tôi vẫn còn nhớ được một đoạn rất  có duyên như thế này: “Annie! Nàng đột nhiên hiện đến chiều nay nhí nhảnh, bất ngờ như một dòng suối nhỏ hát róc rách giữa một vùng hoa lá, nhưng cũng đủ làm xáo trộn hồn tôi. Rồi thoáng chốc nàng vụt bỏ đi, để tôi trầm ngâm đứng giữa bãi bể vắng này như con suối đã bỏ xa một vũng nước sâu nằm lặng yên trên bờ lau sậy, mang nặng trong lòng nó những lớp lá úa và những dải rong rối ren chằng chịt”.

Tôi luôn ngưỡng mộ người có tài có đức, có dịp là tìm thăm để biết mặt, để nghe tiếng nói, bởi trăm nghe không bằng một thấy. Chính vì vậy mà tôi biết rất nhiều các vị cao tăng Phật giáo, tìm gặp các nhà văn mà mình yêu thích, ít nhiều chịu ảnh hưởng của họ. Năm 2003 tôi có việc vào Nha Trang, tìm đến thăm Nhà Văn Võ Hồng ở số nhà 51 đường Hồng Bàng, đã tìm hiểu từ trước rồi, tôi khẽ khàng kéo dây chuông, một lát sau có một ông lão trán cao tóc bạc với đôi gò má cao ra mở cổng. Lần đầu tiên gặp nhà văn Võ Hồng, nhưng tôi đã nhìn thấy ông qua hình ảnh in trên sách báo tạp chí rồi, tấm ảnh của ông mà tôi thích nhất là tấm ảnh mà nhà văn Tạ Tỵ vẽ ông trong tác phẩm “10 khuôn mặt văn nghệ hôm nay”, chỉ vẽ nét thôi mà rất giống ông: Đầu to, trán cao, hai gò má cao, khuôn mặt xương xẩu.

Nhà văn Võ Hồng dắt tôi vào nhà, nhà vắng lặng lạnh lẽo vì thiếu bóng dáng đàn bà, con cháu. Ông sống một mình, cơm có người nấu đem tới cho ông. Sau khi chào hỏi xã giao, ông tự đi pha nước mời tôi, nhà cửa bộn bề sách vở ngổn ngang, ông tiếp chuyện tôi thân tình vì biết tôi là một độc giả yêu thích tác phẩm ông, đọc ông rất nhiều, và có hiểu ông nữa. Tôi liệt kê các tác phẩm của ông viết mà tôi đã đọc qua: “Từ tác phẩm đầu tiên Hoài cố nhân 1959, Hoa bươm bướm 1966, cho đến tác phẩm in sau 1975 Trong vùng rêu im lặng… Cho ông nghe, tôi có nhắc đến truyện Con suối mùa xuân, Tiếng chuông triêu mộ, Đi con đường khác… Ông nói Thầy đọc tôi hiểu tôi, làm tôi cảm động quá! Ở Nha Trang đây có thầy Thích Phước An cũng thích văn tôi, có lần Thầy Phước An nói với tôi là cách viết của Thầy có ảnh hưởng từ cách viết của tôi, tôi cảm ơn quý Thầy.

Cùng đi với tôi đến thăm ông có Phật tử Long người Nha Trang, tôi nói Long đi nhờ một người thợ chụp ảnh đến để chụp một vài tấm ảnh để kỷ niệm với ông. Ông nói để tôi thay cái quần,  mặc cái áo cho đàng hoàng để chụp ảnh với Thầy, ăn mặc không nghiêm chỉnh chụp ảnh với Thầy kỳ lắm!  Lên căn gát phía trên tôi lấy chiếc ghế nhựa  mời ông ngồi xuống, tôi đứng phía sau, rồi bảo người thợ bấm máy. Ông nói: “Tôi ngồi mà Thầy đứng thất lễ chết”. Tôi trả lời: “ Không sau đâu Thầy (rất nhiều người gọi nhà văn Võ Hồng là thầy) con chỉ là một người học trò nhỏ của Thầy thôi mà, với lại tuổi đời Thầy đáng tuổi ba con”. Hai tấm kế tiếp tôi với ông cùng ngồi cùng đứng với nhau.

Văn nghiệp của ông để lại cho đời, cho nền văn học Việt Nam rất đáng kể, nhìn những tác phẩm liệt kê sau đây chúng ta sẽ nhận ra điều đó:

Truyện đầu tay của ông đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn. Các tác phẩm đã xuất bản của Võ Hồng gồm có các tiểu thuyết: Hoài Cố Nhân (Ban Mai, 1959), Hoa Bươm Bướm (Lá Bối, 1966), Người Về Đầu Non (Văn, 1968), Gió Cuốn (Lá Bối, 1968), Những Giọt Đắng (Lá Bối, 1969), Nhánh Rong Phiêu Bạc (Lá Bối, 1970), Như Cánh Chim Bay (tiếp Hoa Bươm Bướm, Lá Bối, 1971). Các tập truyện ngắn: Lá Vẫn Xanh (Thời Mới, 1962), Vết Hằn Năm Tháng (Lá Bối, 1965), Khoảng Mát (An Tiêm, 1966), Con Suối Mùa Xuân (Lá Bối, 1966), Bên Kia Đường(Mặt Trời, 1968), Trầm Mặc Cây Rừng (Lá Bối, 1971), Áo Em Cài Hoa Trắng (Lá Bối, 1969), Trận Đòn Hòa Giải (Lá Bối, 1970), Xuất Hành Năm Mới (Lá Bối, 1971) ……

Trong tác phẩm của ông chúng ta thấy được tình yêu đất nước, quê hương của ông, ông luôn nặng lòng với quê hương của ông, làng Ngân Sơn, An Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, rất nhiều trang viết của ông là hình ảnh quê nhà, chùa nhà, cây khế cây chanh nhà, tiếng chim nhà….Tình yêu chung, tình yêu riêng của ông cũng lai láng mật ngọt, nhưng rồi ông luôn than thở mình cô đơn: “Đức Phật ơi, hãy giúp giùm cắt đứt mọi phiền não bủa vây tâm hồn con. con đang cô đơn biết bao”. Trong những bức thư viết riêng cho nhà văn Mang Viên Long ông cũng luôn than thở: “… Thư nhận vào dịp Tết nhộn nhịp nên không kịp hồi âm. Mong anh thứ lỗi khiếm nhã. Tôi vốn không đến nỗi lười nhưng mà những ngày tháng gần đây cũng thêm heo hút cô đơn nên tôi lì tôi bỏ phế hết. Cả đến chuyện viết lách và làm ăn.” (thư 27-2-72).

Vợ ông mất khi ông còn rất trẻ 35 tuổi, ở vậy nuôi ba con cho ăn học thành tài, và định cư ở nước ngoài, còn ông, ông vẫn ở lại một thân một mình, âm thầm lặng lẽ, ẩn cư. Ông thường than thở mình cô đơn là vậy.

Năm tôi ghé thăm ông 2003, trí nhớ ông còn minh mẫn nhớ đến tác phẩm mình, nhớ đến nhân vật trong tác phẩm mình, nhưng rồi sau đó mỗi ngày mỗi bệnh tật, trí nhớ kém dần ông bắt đầu lãng quên, quên tác phẩm mình viết, quên nhân vật mình viết, quên những kỷ niệm đẹp của một thời hoa mộng, quên tiếng chuông thu không của chùa Hải Đức, quên màu áo nâu sòng của các Thầy, các Sư cô vốn là học trò  mình, quên cả người thân của mình nữa, những năm tháng cuối đời người con gái mà ông  thương yêu nhất đã từ Pháp về ở bên cạnh ông , chăm sóc cho ông, đó là chị Võ thị Diệu Hằng,  ngưỡng mộ tài năng chị có lần tôi đã điện thoại hỏi thăm.

Sinh lão bệnh tử trong kiếp người ai cũng phải trải qua, đi qua. Nhưng với chúng ta: tôi, anh,chị, em….  kẻ không có danh tiếng gì, không có đóng góp gì cho cuộc đời, nhân thế. Đến đi trong trần gian này cũng chỉ như viên sỏi nhỏ ném vào lòng đại dương, xao dợn  lăn tăn rồi chìm vào hư vô quên lãng, không có gì đáng nói để nói. Còn với các vị có đóng góp lớn cho đời cho đạo về già mà mất trí nhớ, lú lẫn, lòng chúng ta cảm thương vô hạn.

Chỉ cần đọc lại văn nghiệp của ông, hoặc nếu không thể  chỉ cần đọc lại những đoạn trích dẫn ngắn ở trên, hoặc rải rác đây đó,  chúng ta cũng thấy được tấm lòng ông đối với nhân thế, văn phong của ông chân chất mà tài hoa rất mực.

Rồi vô thường đến ông lặng lẽ, lãng quên tất cả, quẳng đi tất cả để ra đi. Tấm lòng vì nhân thế của ông, văn chương chữ nghĩa đầy tính nhân văn để lại cho đời, tâm ông lành và thiện chắc chắn ông sẽ tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp.

Cũng như mọi năm, mùa Vu Lan năm nay chùa Bửu Minh của chúng tôi sẽ có lễ bông hông  cài áo, sẽ đọc đoản văn Bông hồng cài áo của thiền sư NH, và tùy bút Nghĩ về mẹ, Một bông hồng cho cha, của ông, để nhắc nhở Phật tử mình rằng cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, ngồi viết lại những dòng chữ đầy kỷ niệm với ông, để nhớ ông, để học hỏi cách viết của ông, và cũng nhắc mình rằng nhớ cầu siêu cho ông trong ngày Đại lễ Vu Lan báo hiếu, một nhà văn cư sĩ Phật tử chân chính của nhà Phật. Ông mất ngày 31.3.2013 (20 tháng 2, Quý Tỵ) hưởng thọ 92 tuổi.

 

Mùa Vu Lan PL.2557 (2013)

Chùa Bửu Minh, Ngày 29 tháng 6 năm Quý Tỵ

Thích Giác Tâm

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tám 2014(Xem: 6664)
Tháng 7 Vu lan lại đến với những suy ngẫm về đạo hạnh và hiếu lễ của con người. Đại đức Thích Tâm Hải - phó ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN - đã dành cho TTCT một cuộc trò chuyện về chủ đề này.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 6281)
“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần, rồi mùa xuân đến, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây bay qua trần gian, ôi mẹ của tôi. Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi,...” ; và hôm nay, những người con, người cháu của mẹ đã thật sự mồ côi.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 5273)
Một Lễ Vu Lan nữa lại đến. Đối với người Việt Nam thì đây là một ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Vào ngày này, dường như ai cũng ra sức tìm cách báo hiếu với những bậc sinh thành hoặc ra sức thể hiện sự quan tâm đến những người thân đã quá cố. Và, khi cuộc sống vật chất của những người đang sống ngày càng no đủ, sự quan tâm đến người quá cố vì thế cũng tràn đầy… vật chất.
08 Tháng Tám 2014(Xem: 5161)
Rằm Tháng Bảy là ngày Vu Lan / Ngày hạnh hiếu kính dâng Mẹ hiền / Mẹ vì con bao ngày tần tảo / Xả thân mình nuôi đàn con thơ / (Bài viết song ngữ)
08 Tháng Tám 2014(Xem: 6181)
Câu chuyện bắt đầu khi tôi còn là một đứa bé; Tôi là con trai của một gia đình nghèo. Chúng tôi luôn thiếu ăn. Khi nào đến giờ ăn, mẹ lúc nào cũng nhường phần ăn của bà cho tôi. Trong khi sớt cơm của bà sang chén của tôi, mẹ thường nói “ Ăn cơm đi, con trai của mẹ. Mẹ không đói.”
07 Tháng Tám 2014(Xem: 12939)
Cứ mỗi độ thu về, chúng ta lại có dịp cử hành lễ Vu Lan báo hiếu. Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người con hiếu thảo không ai là không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây là tuyển tập nhạc chủ đề Vu Lan và Mẹ…
06 Tháng Tám 2014(Xem: 6632)
Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ lớn cho những người con nước Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục của mình.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 6790)
Hôm ấy, tôn giả Sāriputta thấy đã hội đủ duyên thời nên cùng với hội chúng tỳ-khưu về quê nhà để ngài có dịp báo hiếu mẹ. Ngôi làng Nālakā cũng được gọi tên là Upatissa, trước đây bà-la-môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 5696)
“Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Cho nên, không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 6403)
Mùa Vu Lan, đọc báo trong nước thấy thiên hạ bây giờ bỗng khoái chuyện vàng mã hơn bao giờ hết. Một ông triệu phú miền Bắc chỉ trong một đêm đã đốt sạch 1000 con ngựa giấy và hình nhân trị giá 400 triệu đồng Việt Nam. Đổi sang tiền Mỹ, số vàng mã đó trên 20 ngàn dollar. Lại thêm một chuyện để suy nghĩ...