Tertön Orgyen Kusum Lingpa

14 Tháng Tư 201614:07(Xem: 5672)

 །གཏེར་སྟོན་ཨོ་རྒྱན་སྐུ་གསུམ་གླིང་པ།།
Tertön Orgyen Kusum Lingpa
(gter ston o rgyan sku gsum gling pa, 1934-2009)
Thanh Liên Việt dịch

Tertön Pho tượng tuyệt đẹp của Tertön (gter ston) Orgyen Kusum Lingpa tại Lung Ngön Gön (rlung ngon dgon pa), Bhutan.

Orgyen Kusum Lingpa là một vị terton (Khai Mật tạng) và hộ trì dòng truyền thừa trong Phật giáo Tây Tạng. Tên ngài có nghĩa là “Vị Hộ trì Điện thờ Tam thân của Đức Oddiyana Liên Hoa Sanh.”

Ngài sinh năm 1934 tại Golog, tỉnh Amdo miền tây Tây Tạng, là con trai của yogi nổi tiếng Lhundrup Gyamtso thuộc bộ tộc Waxi (Wal Shul). Vào lúc đó, ngài được gọi là Pema Tumpo, hay Pema Tum Drag Dorje. Bác của ngài là Waxi Lama Sonam Khedrup, cũng là một Đạo sư Phật giáo nổi danh trong vùng.

Mingyur Namkhé Dorje, Dzogchen Rinpoche thứ 4, đã tiên tri về Orgyen Kusum Lingpa:

“Vào năm được gọi là “canh giữ tài bảo”, trong miền Achag Dri [xứ Golog] một đứa trẻ tên là Tum Drag, hiện thân của Vajrayogini, sẽ xuất hiện… Ngài sẽ nở rộ như một bông hoa huệ, và sau đó giải thoát bản thân như bão sấm. Ngài sẽ đưa dẫn tất cả những người có nối kết với ngài đến Sikhavati, Cõi Cực Lạc."[1]

Các hóa thân trước đây của Orgyen Kusum Lingpa gồm có Đại Thành tựu giả Drilbupa ở Ấn Độ và Lhalung Pelgyi Dorje, [2] đệ tử tâm yếu của Đức Liên Hoa Sanh ở Tây Tạng. Vào năm 842, Lhalung Pelgyi Dorje đã ám sát Langdarma, Hoàng đế đạo Bon chống báng Phật giáo, và sau đó ẩn náu trong Động Mặt Trăng thuộc ẩn thất Drag Yerpa ở ngoài Lhasa.[3][4]  Khi nhớ lại tiền kiếp của mình, Orgyen Kusum Lingpa cũng thường khẳng định ngài là Đạo sư trí tuệ điên Drugpa Kunleg, và trong bất kỳ cơ hội nào, ngài vui thú khi thuật lại những kỳ công của vị này.

Khi còn trẻ, ngài học sơ cấp tại Tu viện Darthang ở Golog, nơi các vị Thầy của ngài gồm Payul Chogtrul Rinpoche Jampal Jaypa'i Dorje (Chokyi Dawa), Akong Khenchen Lobsang Dorje, và Gyedro Wonpo Rinpoche. Ở đó ngài nhận các giáo huấn và quán đảnh bên cạnh Drubwang Penor Rinpoche, trong số những vị khác. Một vị Thầy chính yếu khác của ngài là Dodrupchen Rinpoche Tubpa Zangpo đệ Tứ, ngài nhận từ vị Thầy này những trao truyền đầy đủ của dòng Longchen Nyingthig, và ngài đã trở thành một vị hộ trì của dòng này.[5]

Khi ngài 16 tuổi, sau khi thân mẫu tạ thế, Orgyen Kusum Lingpa bắt đầu khám phá các giáo lý kho tàng tâm của Guru Rinpoche và hành hương tới miền Trung Tây Tạng. Trong hành trình của ngài, trước hết ngài ghé qua Derge và tới Kojo, nơi ngài gặp [6] Ratri Terton Nyagla Changchub Dorje, khi đó được cho là đã 113 tuổi, là vị đã trở thành Đạo sư Đại Viên mãn (Dzog Chen) chính thức của ngài về bản tánh tâm.

Khi đi tới Lhasa và an trụ ở đó hầu như suốt những năm 1950, Orgyen Kusum Lingpa đã gặp, thọ nhận và thực hành các quán đảnh và giáo huấn của các vị hộ trì vĩ đại tất cả những dòng truyền thừa Giáo pháp chính yếu của Tây Tạng, bao gồm Đức Karmapa thứ 16 Rigpa'i Dorje, Sera Khenchen Jamyang Choklay Namgyal, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Sakya Ngagchang Rinpoche, Dudjom Rinpoche, Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, Dilgo Khyentse Rinpoche, Taklung Ma Rinpoche [6]. Với sự thua trận của khu tự trị Tây Tạng và trong thời gian Cách mạng Văn hóa, cuối cùng thỉnh thoảng ngài bị giam cầm hơn 20 năm trong thời gian trưởng thành của ngài.

Cuối cùng, ngài được cho phép tái thiết một trại giam, và sau đó một tu viện, tại khu vực đóng quân Ga De ở Golog, dọc theo chỗ rẽ của một chi lưu của Machu (Sông Vàng). Lúc ban đầu, tu viện được Đạo sư Do Khyentse Yeshe Dorje thiết lập vào ở thế kỷ 19, và sau đó được truyền xuống qua một chuỗi các vị hộ trì trong dòng gia tộc Waxi. Tu viện này được gọi là Lung Ngon Thubten Chokhorling, hay “Thung lũng Ẩn náu màu Xanh dương của Bánh xe Pháp của Giáo lý của Đức Mâu ni.”

Khi còn rất trẻ, Orgyen Kusum Lingpa có một con trai tên là Nyima Gyal, vị này đã trở thành một Đạo sư nghi lễ nổi tiếng ở Golog và hiện đang an trú ở Tu viện Sang Lung. Cùng vị phối ngẫu trọn đời là Dug Kar Drolma, chị của Garwang Nyima Rinpoche (hiện nay là tu viện trưởng của Tu viện Darthang), về sau Orgyen Kusum Lingpa có hai con trai và hai con gái.

Ngài thị tịch ngày 26 tháng Hai, 2009 tại tu viện ở Quận Tự trị Tây Tạng Guolo. Một tường thuật trực tiếp về những ngày cuối cùng và lễ trà tỳ của ngài được ghi lại trong chương cuối cùng của “Một Con Đường Rải Hoa và Xương,” hồi ức của Tulku Sherdor (Sherab Dorje), đệ tử và dịch giả lâu năm của ngài [1]. Các chi tiết bổ túc về tác động của cuộc đời và việc thị tịch của ngài đối với các đệ tử và thế giới được ghi lại trong các vần kệ “Lời Khát nguyện Thổn thức của Trái Tim Con:​ Cầu Mong Hóa Thân Lamasang Sớm Trở lại” do Tulku Hungkar Dorje biên soạn. [2]

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã viết một bài cầu nguyện Kusum Lingpa nhanh chóng tái sinh:

"Đức Mâu Ni Siêu việt, Vị Lãnh đạo Siêu phàm xứ Oddiyana của chúng con,
và con cái của ngài, tập hội các Thánh nhân—ngài là suối nguồn quy y của tất cả, xin đến đây, xin chứng nhận cho lời khẩn nguyện này, lưu ý đến sự khát khao và than khóc của chúng con, và xin ban cho những gia hộ lớn lao!

Cầu mong sớm xuất hiện một hóa thân của Guru [Lạt ma] tôn quý của chúng ta, vị vô cùng thiện xảo trong việc dẫn dắt chúng sinh tới Đảo ngọc [Lingpa] của Ba Thân [Kusum] của sự giác ngộ, bằng cách tiết lộ một cách tự do ý nghĩa sâu xa của các Kho tàng Tâm của Đấng Chiến thắng Orgyen.

Vị thống trị có Phẩm cách cao cả và vô cùng Phẫn nộ [Tum], Dữ dội [Drak], đấng an trụ trong mệnh lệnh và samaya (giới nguyện) bí mật của Padma, các vị Hộ Pháp Kim cương [Dorje], xin dẫn đến mục đích của khát nguyện này nhờ sự hỗ trợ lâu bền của hoạt động giác ngộ của ngài.

Trong giai đoạn cuối cùng của đời ngài, Orgyen Kusum Lingpa được thỉnh mời sang thăm viếng và giảng dạy ở nhiều quốc gia khác nhau. Trước tiên ngài được Chagdud Tulku của Hội Chagdud Gonpa và Gyaltrul Rinpoche mời sang Hoa Kỳ năm 1994. Trong những lần thăm viếng Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1994 và 1995, ngài đã gặp và ban các giáo lý Phật giáo cho một số nhân vật danh tiếng và học giả, trong đó có đạo diễn Oliver Stone, và nam diễn viễn Steven Seagal, và được đón chào tại các trung tâm Phật giáo Tây Tạng trên toàn quốc. Các dịch giả lúc ban đầu của ngài là Erik Drew và Richad Barron (Chokyi Nyima). Một vài vị trong số các Lạt ma thị giả đã đi cùng ngài từ Golog và cuối cùng an trụ ở Hoa Kỳ, trong đó có Lạt ma Chonam và Lạt ma Lhanang ở California. Hai con trai trẻ tuổi của ngài là Tulku Hungkar Dorje và Tulku Dorje Trengpo cũng thường đi cùng ngài trong những chuyến thăm viếng lúc ban đầu.

Từ năm 1995, để đáp ứng một tiên tri từ Bổn Tôn Vajrapani về việc thiết lập 108 trung tâm thực hành Vajra Kilaya nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện của các tai ương và chiến tranh trong thế giới, Orgyen Kusum Lingpa đã thiết lập trung tâm Giáo pháp Orgyen Khachod Ling ở Los Angeles.

Orgyen Kusum Lingpa cũng duy trì một mối liên hệ gần gũi với Lạt ma Tây Tạng Chodrak Gyatso Nubpa của trung tâm Pháp Thondup Ling ở vùng Los Angeles, giao phó cho Lạt ma này giáo khóa kho tàng của Bổn Tôn Orgyen Jambhala. Ngài thừa nhận Rigdzin, con trai của vị này, là một tái sinh của một vị Thầy trong quá khứ tên là Gyarong Tergod, gởi Rigdzin đến tu tập tại tu viện của Dodrupchen ở Sikkim, Ấn Độ.

Trong khi hầu hết các đệ tử người Mỹ đầu tiên và sớm sủa của Kusum Lingpa đã học tập trước đó với các Đạo sư Phật giáo Tây Tạng khác, dần dần ngài bắt đầu tập họp một số lớn người Mỹ gốc Việt mà đối với họ Phật giáo Tây Tạng còn tương đối mới mẻ. Ngài cũng du hành tới Việt nam vài lần.

Các giáo lý ngài đã thọ nhận trực tiếp từ Guru Rinpoche Liên Hoa Sanh chủ yếu bao gồm một giáo khóa tên là Pema Nyingthig, “Tâm Yếu của Liên Hoa.” Các giáo lý này và những giáo lý khác của ngài đã được xuất bản từng phần bằng tiếng Tây Tạng trong một tuyển tập gồm 18 quyển, trong đó vài quyển vẫn được bổ túc. [3]. Một cách kiên định, Orgyen Kusum Lingpa đã coi mình là một trong 1000 hay hơn nữa ‘các vị khám phá kho tàng phụng sự’, là những vị theo sau 108 vị khám phá kho tàng vĩ đại, người cuối cùng trong số đó là Orgyen Chokgyur Lingpa ở thế kỷ 19.

Các giáo khóa sadhana Guru chính yếu mà ngài đã khám phá là Guru Rinpoche trong thân tướng Trì minh vương Acarya Padma với một mạn đà la của tám trì minh vương vĩ đại thuộc các dòng Ka Gye của Ấn Độ và Tây Tạng; và Vua Rigden, vị Hộ trì Phẫn nộ của Bánh Xe Sắt. Nhiều giáo khóa nghi quỹ Yidam của ngài khắc họa Hayagriva, Tara, Vajrapani, Yamantaka và Jambhala. Các giáo khóa Dakini của ngài bao gồm các sadhana rộng lớn về Yeshe Tsogyal và Mandarava. Kho tàng nguyên thủy của ngài về Đấng Bi mẫn (Tug Je Chenpa) Quán Thế Âm ở trong thân tướng Don Yod Shakpa (Amoghapasa).
Các kho tàng cũng bao gồm các tiên tri được tích tập, các luận văn y học, và những bài ca chứng ngộ. Những vị sao chép bản thảo chính yếu của các kho tàng tâm được tuyên đọc của ngài gồm có Tulku Hungkar Dorje và Tulku Dorje Trengpo, và thị giả và đệ tử lâu dài của ngài là Umdze (Đạo sư hát tụng) Chozang.

Vị kế thừa người Tây Tạng của ngài là Tulku Hungkar Dorje.

Tulku Hungkar Dorje, con trai của Orgyen Kusum Lingpa, là vị kế thừa được xác nhận của ngài. Hungkar Dorje sinh năm 1969 và ngài sớm được các Đạo sư như Orgyen Kusum Lingpa, Dodrupchen Rinpoche, Penor Rinpoche, và Đức Đạt Lai Lạt Ma sau này, thừa nhận là một hóa thân của Do Khyentse Yeshe Dorje, hiện thân về tâm của Jigme Lingpa, Đạo sư vĩ đại Dzogchen (Đại Viên mãn) phái Nyingma.

Hungkar Dorje đã hoàn tất nền giáo dục ban đầu về Triết học Phật giáo với thân phụ Orgyen Kusum Lingpa, Dodrupchen, Penor Rinpoche, và Akong Khenpo. Từ 1990-1994, ngài đã nghiên cứu và đạt được học vị Geshe tại Tu viện Drepung ở Ấn Độ.

Từ 1994, Tulku Hungkar Dorje phụng sự như tu viện trưởng chính thức của Tu viện Lung Ngon Thubten Chokhorling ở miền Gande thuộc Quận Tự trị Golok Tây Tạng, Tỉnh Qinghai, Trung quốc. Là chủ tịch của Hội Gesar Mayul (Thanh Hải) dành cho Hoạt động Thiện lành, một tổ chức từ thiện của người Tây Tạng ở Golog, ngài đã giúp đỡ lập đồ án và trông nom công trình của Đại Bảo Tháp cho Hòa bình thế giới, một trong những bảo tháp vĩ đại nhất trong thế giới. Tulku Hungkar Dorje đã sáng lập Học viện Phật pháp, một dự án tu tập Phật giáo cao cấp kéo dài chín năm cho cư sĩ. Năm 2005, ngài sáng lập ni viện Phật giáo đầu tiên tại Golok. Gần đây ngài cũng thành lập một trường dạy nghề cho người Tây Tạng.

Trang mạng tu viện của ngài Hungkar Dorje là http://www.longensi.com/


Chú thích

Orgyen Kusum Lingpa'i Biography (Tiểu sử Orgyen Kusum Lingpa), Abu Karlo, Hong Kong (2003), ISBN 962-450-760-0 at p.64 (trang 64)
Abu Karlo ở các trang 49-56
Dowman, Keith. The Power-places of Central Tibet: The Pilgrim's Guide p. 75. (Các Địa điểm-Năng lực ở miền Trung Tây Tạng: Sách Hướng dẫn Người Hành hương), trang 75, 1988. Routledge & Kegan Paul. London. ISBN 0-7102-1370-0
Gyaltsen, Sakyapa Sonam. The Clear Mirror: A Traditional Account of Tibet's Golden Age, p. 266. (Tấm Gương Trong suốt: Một Tường thuật Truyền thống về Thời Hoàng Kim của Tây Tạng, trang 266). Translated by McComas Taylor and Lama Choedak Yuthok. (McComas Taylor và Lama Choedak Yuthok dịch thuật) 1996. Snow Lion Publications, Ithaca, N.Y. ISBN 1-55939-048-4
A Marvelous Garland of Rare Gems, Nyoshul Khenpo, Padma Publishing (Một Tràng Hoa Tuyệt diệu gồm các Viên Ngọc Quý hiếm, Nyoshul Khenpo, Nhà Xuất bản Padma (2005), ISBN 978-1-881847-41-0 Abu Karlo at pp. 74 et seq.

Các trang mạng:
http://www.longensi.info/
http://www.hungkardorje.org/
http://www.blazingwisdom.org/
http://www.omura.com/k_lingpa
http://www.buddhistdharma.net/
http://www.ar-t.org/Artist_Resume/Kusum_Lingpa/kusum_lingpa.html
http://nouelresella.20m.com/buddhism.html
http://www.snowlionpub.com/pages/appeals32.php
http://www.alanwallace.org/Buddhist%20Teachers%20&%20Teachings.pdf
http://www.halfvalue.com/wiki.jsp?topic=Yerpa
http://www.longensi.com/
http://www.bluevalleyfoundation.org/index.html
http://www.kilaya.dharmanet.com.br/

https://www.facebook.com/280100425371178/photos/
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Ý kiến bạn đọc
20 Tháng Tám 201815:11
Khách
Học hỏi PHẬP PHÁP
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn