Cuộc Đời Của Đại Thành Tựu Giả Milarepa

17 Tháng Mười Hai 201809:29(Xem: 5907)

CUỘC ĐỜI CỦA ĐẠI THÀNH TỰU GIẢ MILAREPA

(1040–1123) Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

 

“Ở miền tây, trong rặng núi tuyết Lapchi, hiện thể siêu việt Shepa Dorje đã thành tựu trạng thái hợp nhất trong một đời người.” -- Jamgon Kongtrul Lodrö Thaye, “Bài Ca của Lodrö Thaye.”

Milarepa (1040–1123)Đại Thành tựu giả Milarepa (1040–1123
“Để đạt được Phật quả, chúng ta phải quăng những mục tiêu
và đối tượng của cuộc đời cho gió.”

 

Đức Milarepa, được hàng triệu môn đồ khắp thế giới tôn quý như thi sĩ và thánh nhân lẫy lừng nhất, là đệ tử lỗi lạc và vị thừa kế tâm linh của Ngài Marpa Lotsawa (Dịch giả Marpa). Milarepa là hiện thân của di sản Chuỗi Hạt Vàng Vinh quangDòng truyền thừa Kagyü của sự Chứng ngộ Sâu xa được truyền thừa trực tiếp từ một vị trì giữ Dòng truyền thừa xuống tới những đệ tử xứng đáng của ngài.

Milarepa sinh năm Thủy-thìn trong một gia đình quý tộc ở Kya Ngatsa, tại Gungthang, miền Tây Tây Tạng. Cha ngài là Mila Sherab Gyaltsen và mẹ ngài là Nyangtsa Kargyen. Ngài được ban cho tên là Mila Thöpaga, thös-pa có nghĩa là “nghe”, và ga nghĩa là “hỉ lạc”, vì thế tên ngài là “Mila, Người có sự Hỉ lạc khi Nghe” (Hỉ Văn). Ngài có một cô em gái tên là Peta Palden.

Khi nằm trên tử sàng, Mila Sherab Gyaltsen (thân phụ của Milarepa) gọi gia đình ông đến tham dự một buổi họp. Ông cũng mời tất cả những người thân thuộc, đặc biệt là em trai và em dâu của ông, là những người mà có lần ông đã giúp xây một căn nhà trên miếng đất mà ông đã tìm cho họ ở cùng xóm. Trước sự hiện diện của mọi người, ông trao một nguyện vọng cho người em trai và một bản sao cho người em rể, trong đó ông đã viết rằng cho tới khi con trai ông trưởng thành, ông muốn trao cho người em trai quyền giám hộ đất đai và tài sản của ông sau khi ông mất. Ông cũng yêu cầu người em và thân quyến chăm sóc vợ con ông và bảo vệ họ khỏi bị hãm hại. Với nét mặt trang nghiêm, những người em này hứa sẽ tôn trọng các ước nguyện sau cùng của ông. Mila Thöpaga lên 7 tuổi khi cha ngài mất.

Chú thím của Mila Thöpaga không muốn chờ đợi lâu để coi mọi sự là của mình, trong khi những thân quyến khác vồ chụp bất cứ thứ gì họ có thể. Họ buộc Mila Thöpaga, người mẹ đau khổ, và cô em gái nhỏ của ngài phải làm việc như những người nô lệ và sống trong sự bần cùng khủng khiếp. Khi Mila Thöpaga 15 tuổi và vì thế đã đến tuổi thành niên, chú thím độc ác của ngài đã không giao lại di sản chỉ được giao phó cho hai mẹ con, vì thế Mila Thöpaga nghĩ tốt hơn là không cưới Zesay, cô gái trẻ mà cha mẹ ngài đã muốn ngài cưới làm vợ. Nyangtsa Kargyen (mẹ của Mila Thöpaga) bất lực, bà cho con trai số tiền bà có được bằng cách bán đi miếng đất canh tác mà mẹ bà đã cho khi lập gia đình. Bà gởi con trai đến tỉnh Ü (vùng đất ở miền Trung Tây Tạng) để học phép phù thủy, điều được cho là vũ khí của người bần cùng chống lại sự bất công. Ngài làm như được chỉ bảo và Yungtön Trogyäl xứ Kyorpo đã chỉ dạy ngài. Nhưng khi nhận thức về số phận bi thảm của Milarepa, vị Thầy nhận ra rằng đệ tử muộn phiền của mình cần có những thiện xảo mạnh mẽ hơn. Vì thế ông đã viết một lá thư giới thiệu và gởi Mila Thöpaga đến Yönten Gyatso, Đạo sư vĩ đại về thuật phù thủy vào lúc ấy. Yönten Gyatso ban cho Mila Thöpaga toàn bộ giáo huấn mà ông đã thọ nhận từ dòng truyền thừa danh tiếng của Sangye Yeshe và nó chỉ được truyền dạy cho một số ít môn đồ trong một đời Đạo sư.

Khi đã trở nên hết sức thiện xảo trong việc thi triển huyền thuật, Mila Thöpaga trở về nhà và tạo ra sấm chớp và lở đất để hủy diệt ngôi nhà trong đó những người thân thuộc của ngài đang tổ chức tiệc cưới người anh em họ – và ba mươi bảy người đã bị giết chết. Ngài cũng mang lại một cơn bão mưa đá hủy diệt mùa màng của dân làng. Không thể chịu đựng nổi mọi đau buồn và khốn khổ đã phải chịu đựng, Nyangtsa Kargyen vỡ òa niềm vui khi thấy rằng con trai bà đã giải quyết thật hữu hiệu để trả thù. Tuy nhiên người con trai cảm thấy vô cùng ân hậnác nghiệp mà ngài đã đổ lên mẹ ngài và bản thân mình. Ngài tuân theo lời khuyên của Lhabum, tu sĩ Phật giáo thường trú mà ngài biết từ thời thơ ấu, người đã nhận ra là ngài phiền muộn biết bao. Vị tu sĩ tốt lành bảo Mila rằng phương pháp đáng tin cậy duy nhất để giúp mẹ ngài và tất cả chúng sinh hữu tình là xoay chuyển tâm thức của ngài về Giáo pháp linh thánh.

Khenchen Thrangu Rinpoche kể cho chúng ta rằng sau đó Milarepa đi tới miền tây của tỉnh Tsang và học tập với Rongtön Lhaga, Đạo sư vĩ đại phái Nyingma. Vị Thầy này ban cho Milarepa những giáo huấn thiền định Đại Viên mãn (Dzogchen) và bảo ngài rằng nếu thực hành chúng vào buổi sáng, ta sẽ thành tựu giác ngộ vào buổi sáng, và nếu thực hành chúng vào lúc chiều tối, ta sẽ thành tựu giác ngộ vào cùng buổi chiều tối đó. Đạo sư Rongtön cũng nói rằng những người may mắn sẽ thành tựu mục đích mà không cần thực hành chút nào. Bởi ngài có sự tự hào tâm linh khi nghĩ rằng mình vô cùng may mắn và nhớ rằng ngài đã học phép phù thủy trong mười hai ngày, Milarepa rất sung sướng và ngủ trong bảy ngày. Khi Đạo sư Rongtön ghé thăm để xem Milarepa có đạt được những dấu hiệu thành tựu gì không, Milarepa đã đáp: “Không có dấu hiệu gì hết.” Vị Đạonhận raác nghiệp của Milarepa nặng nề biết bao, và giáo lý Đại Viên mãn sẽ không tịnh hóa được vị đệ tử, và vì thế ông bảo Milarepa nên tìm học giáo huấn từ Marpa Lotsawa (Dịch giả Marpa). Khi Milarepa nghe đến danh hiệu của ngài Marpa, niềm tin tưởng sâu xa và lòng sùng mộ chân thành sinh khởi trong ngài và ngài lập tức lên đường tìm kiếm vị Thầy. Lúc bấy giờ Milarepa 38 tuổi.

Đêm trước khi Milarepa tìm thấy Marpa Lotsawa, Dagmena (phối ngẫu của Marpa) có một giấc mộng trong đó Đại Thành tựu giả Naropa ban cho Đức Marpa một chiếc bình bằng vàng và một bảo tháp bằng pha lê. Chồng bà đã rửa sạch chúng bằng nước lấy trong bình vàng. Trong giấc mộng, Dagmena cũng nhìn thấy Marpa đặt bảo tháp tinh sạch trên đỉnh một ngọn núi và những tia sáng mặt trời và ánh trăng tuôn ra từ đó tới hàng ngàn hệ thống thế giới. Sáng hôm sau, Marpa bảo Dagmena rằng ngài có một giấc mơ tương tự, nhưng trong đó Guru Naropa của ngài đã cho ngài một bình vàng và chiếc chày vàng cũng dơ bẩn, mà ngài đã tẩy rửa bằng nước trong chiếc bình vàng. Trong giấc mộng của ngài, ngài thấy mình đặt cái chày được tịnh hóa trên đỉnh một ngọn cờ chiến thắng phóng ánh sáng ra toàn thể vũ trụ. Tỉnh giác về ý nghĩa của những giấc mộng này, Marpa đi tới những cánh đồng của ngài để trông chừng người đệ tử mà ngài biết là sẽ tới vào ngày hôm đó.

Trong lúc ấy, Milarepa đã đến Lhodrak và hỏi một cậu bé – là Dharma Dode, con trai yêu quý của Đức Marpa – rằng ngài có thể tìm thấy vị đại dịch giả ở đâu. Cậu bé dẫn đường cho Milarepa. Họ đi tới một cánh đồng và nhìn thấy một người đàn ông trông khác thường và có vẻ đã hoàn tất việc cày xới cánh đồng của mình. Ông ta cho Milarepa bia mà ông có trong chiếc bình của mình, bảo Milarepa hoàn tất công việc, và bỏ đi. Bị quyến rũ bởi người lạ, Milarepa đã làm xong công việc. Sau đó ngài theo sau cậu bé, người đã bảo là sẽ chỉ đường cho ngài tới nhà của Marpa Lotsawa. Khi họ đến nơi và đi vào ngôi nhà, Milarepa choáng váng khi nhìn thấy người đàn ông mà ngài đã gặp trong cánh đồng đang ngồi thoải mái trên một tấm đệm. Khi Milarepa hết kinh ngạc, ngài khẩn cầu giáo lý để sửa đổi mọi xấu xa mà ngài đã mắc phải. Marpa Lotsawa bảo Milarepa rằng việc thành tựu giác ngộ tùy thuộc vào sự kiên nhẫn không mệt mỏi của đệ tử.

Để chăm lo cho cuộc sống của mình và có được những tặng phẩm để đền đáp những giáo huấn quý báu mà ngài đã ước muốn thọ nhận một cách nhiệt thành, Milarepa phải đi khất thực ở một ngôi làng khá xa nhà của Marpa. Có một lần Marpa nâng chiếc bình bằng đồng mà Milarepa đã dâng cho ngài, và trong tâm ngài, với đôi mắt đẫm lệ, Marpa đã hiến cúng chiếc bình cho Đại thành tựu giả Naropa. Ngài bảo Milarepa: “Con đã biếu cho ta một chiếc bình trống không và điều này có nghĩa là có lẽ con sẽ khó nhọc trong việc tìm kiếm thực phẩm khi thực hành trong ẩn thất, nhưng khi gõ vào bình bằng cây gậy, nó phát ra một âm thanh du dương, và điều này có nghĩa là con sẽ trở nên nổi tiếng. Bốn quai của chiếc bình là dấu hiệu cho thấy con sẽ có bốn nam tử tâm yếu.” Để Dòng Khẩu Truyền phát triển, Đức Marpa đã chứa đầy chiếc bình bằng bơ tan chảy và thêm vào nhiều sợi bấc đèn khiến cho khi đốt lên, ánh sáng còn rực rỡ hơn một chiếc đèn bơ khổng lồ.

Sau đó Marpa bảo Milarepa rằng các đệ tử của ngài – những người phải ghé qua ngôi làng ở phía sau căn nhà của ngài – luôn luôn bị đánh đập, cướp bóc, và đôi khi bị những người dân địa phương không cho đi qua. Ngài ra lệnh cho Milarepa ngăn chặn hành vi không đúng đắn như thế. Milarepa đã viếng thăm những người dân làng và cố gắng trò chuyện với họ, nhưng họ cũng đánh ngài. Để đáp lại, ngài đã sử dụng những thiện xảo và gây nên mối bất hòa giữa họ với nhau. Họ hiểu rằng phiền não của họ là do ma thuật của Milarepa gây ra. Họ tới gặp Marpa và tạ lỗi về những hành vi xấu xa trong quá khứ của mình, hứa là sẽ để cho các đệ tử của ngài đi qua làng mà không gây tác hại cho họ nữa. Sau đó Đức Marpa ban cho Milarepa danh hiệu “Đại Phù thủy.”

Kế đó, Marpa bảo Milarepa phóng mưa đá vào một căn làng ở xa, nơi dân làng làm tổn thương những đệ tử của mình khi họ đi qua những căn nhà để nhận các giáo huấn quý báu mà ngài đã mang về Tây Tạng. Milarepa du hành tới ngôi làng và bảo bà lão là ngài đã mướn một căn phòng theo những dự tính của mình và yêu cầuđánh dấu miếng đất của bà trên một tấm bản đồ mà ngài đã có của miền đất. Ngài đã che phủ cánh đồng của bà lão trên bản đồ bằng một chiếc bình, nhờ đó mùa màng của bà tránh khỏi sự hủy hoại của mưa đá mà ngài tạo ra. Sau thảm họa, những người dân làng đã hỏi bà lão vì sao những cánh đồng của bà không bị hủy hoại. Bà ta gợi ý là họ hỏi Milarepa, và họ đã làm thế. Milarepa đề nghị họ xin lỗi Ngài Marpa vì họ đã quá tầm thường đối với các đệ tử của Marpa. Khi trở về với Marpa, Milarepa nói với Thầy rằng ngài cảm thấy vô cùng hoảng sợ về việc đã giết quá nhiều thú vật qua sự can thiệp của mình, nhưng Marpa vẫn không ban Giáo pháp cho ngài.

Công việc khác mà Milarepa phải hoàn thành là xây một cao ốc theo vòng tròn, ở phía đông ngôi nhà của Marpa, một tòa nhà có hình dạng một vầng trăng bán nguyệt theo hướng nam, và một tòa nhà hình tam giác theo hướng tây. Nhưng trước khi bất kỳ tòa nhà nào trong số đó được hoàn tất, Marpa đã ra lệnh cho Milarepa giật sập, mang đá trở về đúng chỗ của chúng, và khi dùng đất để lấp đầy các mương rãnh, Milarepa phải sử dụng như vữa hồ. Sau đó ngài hứa rằng Milarepa sẽ nhận những giáo huấn về Pháp sau khi xây căn nhà khác.

Ngôi nhà thứ tư mà Milarepa được lệnh phải xây dựng phù hợp với dự định của Marpa là để dành cho Dharma Dode và sẽ trở thành ngọn tháp chín tầng lừng danh tên là Sekar Gutok (“Tòa nhà Chín Tầng dành cho Nam tử”). Khi nhìn nó được xây dựng trên vùng đất gần ngôi làng nơi đã bị cấm thiết lập những tòa nhà, dân chúng địa phương cảm thấy khó chịuđồng ý sẽ phá hủy nếu Marpa không tháo gỡ nó. Trong tiểu sử về Milarepa, Bardor Tulku đã viết rằng “việc xây dựng pháo đài tháp kiên cố này cho phép những người quản gia của Marpa thống trị thung lũng. Chính ưu thế này của địa điểm cắm trại của Marpa đã khiến Trường phái Kagyü trở nên vững chắc và nở rộ ở Tây Tạng. Khi nhận ra là tòa nhà này không bị phá hủy, những người dân làng đã tấn công và Marpa lập ra một đội quân huyễn hóa ngăn chặn bất kỳ ai đến gần. Khi nhận ra rằng chúng được xây dựng để chống lại một thế lực vượt xa sức mạnh của họ, những người dân làng đã tạ lỗi và hứa sẽ không phá hủy bảo tháp.”

Cảm thấy tuyệt vọng, một buổi tối Milarepa cho bà Dagmena nhìn thấy những vết thương lở miệng mà ngài mắc phải khi mang vác tới lui quá nhiều tảng đá và những loại đá để thọ nhận giáo lý. Bà rửa sạch và băng bó những vết thương của ngài. Sau đó Marpa yêu cầu Dagmena chuẩn bị một bữa ăn cho yến tiệc và nhân dịp đó ngài ban cho Milarepa Những Thệ nguyện Quy Y và các Giáo huấn mở đầu.

Bà Dagmena có lòng bi mẫn bao la đối với Milarepa, vì thế một hôm bà viết một lá thư giới thiệu cho một đệ tử của Marpa là Lạt ma Nyoktön Chödor xứ Shung, yêu cầu ông truyền đạt giáo lý cho Milarepa. Bà đóng dấu vào lá thư bằng chiếc ấn của Marpa, như thể chồng bà đã viết nó. Bà cũng ban cho Milarepa một chuỗi hồng ngọc và những món trang hoàng bằng xương mà xưa kia thuộc về Đại Thành tựu giả Naropa và gởi ngài tới vị Lạt ma cùng với lá thư và những tặng phẩm. Khi Milarepa đến nơi, Lạt ma Nyoktön đang giảng dạy cho hàng trăm đệ tử. Tại ngai tòa, ông đứng lên giữa lúc đang nói, bỏ mũ xuống, và cúi đầu chào để đáp lại những lễ lạy của Milarepa. Khi thấy Lạt ma của họ phản ứng lại một cách tốt lành như thế, các đệ tử tôn vinh sự hiện diện của Milarepa. Điều này khiến ngài vui sướng. Sau đó Lạt ma Nyoktön ban giáo huấn cho Milarepa và bảo ngài thực hành. Sau một thời gian, Lạt ma nhìn thấy thực hành thiền định của Milarepa không có kết quả. Ông nhận ra rằng việc thực hành của ngài thiếu sự gia hộ của Đức Marpa. Ông hỏi Milarepa, và Milarepa đã thú nhận hành vi sai trái.

Trong lúc ấy, một bức thư của Marpa được gửi đến, mời Lạt ma Nyoktön và tất cả những đệ tử của ông dự lễ kỷ niệm hoàn thành bảo tháp mà Milarepa đã xây dựng. Vị Lạt ma tập họp mọi món đồ giá trị của mình để dâng cúng như một món quà cho Guru Marpa, nhưng ông ta để sang một bên con dê què của mình. Sau khi chào hỏi Dagmena và Marpa, Milarepa nói với các ngài rằng vị Lạt ma không thể theo kịp nhóm người và muốn xin được ở lại phía sau để nghỉ ngơi trong một lát. Marpa giận dữ và cho Lạt ma biết rằng nếu ông muốn nhận giáo lý đã dự kiến trình bày tại sự kiện sắp đến, ông cần dâng cúng con dê mà ông ta để lại nhà. Lạt ma Nyoktön chạy về nhà để lấy con dê què. Ông đi bộ cả đêm và mang nó trên vai như một tặng vật cho vị Thầy. Marpa đã cảm động sâu xa rằng Lạt ma Nyoktön đã không tránh né thực hiện điều gian khổ này để nhận những giáo lý quý báu. Sau đó Marpa cho phép mọi đệ tử – ngoại trừ Milarepa – tham dự buổi ban Pháp. Milarepa tuyệt vọng đến nỗi thậm chí đã nghĩ đến việc tự tử. Ngài Marpa đọc được tư tưởng của ngài, nhượng bộ những van xin của bà Dagmena, và bảo các đệ tử trang hoàng pháp tòa một cách công phu để đón vị khách đáng ngưỡng mộ là Milarepa, người đã vượt qua mọi gian khổ không dưới sáu năm. 

Trong lễ quán đảnh mà Đức Marpa trao truyền vào ngày lễ, Milarepa đã trải nghiệm vị Bổn tôn và nhìn thấy toàn bộ mạn đà la trong không gian. Ngài Marpa tiên tri rằng đây là một dấu hiệu cho thấy trong tương lai Dòng Truyền thừa sẽ phát triển tốt lành, Milarepa sẽ có nhiều đệ tử xuất sắc, và qua họ Phật giáo sẽ được lan truyền rộng rãi. Hơn nữa, Marpa thừa nhận Milarepa là nam tử tâm yếu của mình và ban cho Milarepa mật danh bZhäd-pa rDo-rje, có nghĩa là “Tiếng Cười Kim Cương”. Kế đó ngài ban cho Milarepa toàn bộ những trao truyền, giáo huấn, quán đảnh Mật thừa, Dòng Truyền thừa Đại Ấn (Mahamudra), và Dòng Truyền thừa Thầm thì của các Dakini. Sau đó Marpa Lotsawa nói với đệ tử yêu quý nhất của mình rằng bởi Dagmena đã làm một ít điều dễ dàng cho học trò nên tất cả ác nghiệp của đệ tử không hoàn toàn được tịnh hóa.

Một thời gian sau, Đức Marpa ra lệnh tất cả các đệ tử cùng tụ hội. Ngài yêu cầu họ theo dõi các giấc mộng của mình và kể lại cho ngài những gì họ đã mơ thấy vào sáng hôm sau. Theo lời của Bardor Tulku: “Milarepa mơ thấy bốn trụ cột lớn, mỗi cột ở một hướng chính. Ở hướng đông, ngài nhìn thấy Tsurtön Wang-nye xứ Dolpo, một trong bốn đệ tử chính yếu của Marpa. Sư tử tuyết ở trên đỉnh cột biểu hiện rằng Marpa có một đệ tử tâm yếu như một sư tử. Ở phương nam ngài nhìn thấy Lạt ma Lama Nyoktön; trên đỉnh cây cột của ông là một con cọp, tượng trưng cho tính khí của Lạt ma. Ở phương tây ngài nhìn thấy Metön Tsönpo xứ Tsangrong; trên đỉnh cột của vị này là chim garuda (kim sí điểu). Trên cột phương bắc là một chim kên kên, đại diện cho Milarepa xứ Gungthang.” Bardor Tulku nói tiếp: “Ở Tây Tạng, kên kên được coi là một hiện thể có thể chịu đựng mọi loại gian khổ. Trong giấc mộng, bộ lông của chim kên kên tuyệt đẹp và đúng chỗ, một dấu hiệu cho thấy mọi giáo huấn mà Milarepa thọ nhận vẫn nguyên vẹn một cách hoàn hảo trong dòng tâm thức của ngài và ngài sẽ luôn luôn nhớ đến chúng. Tổ chim kên kên thường ở trên cao trong những tảng đá, dấu hiệu cho thấy Milarepa sẽ có một cuộc đời trường thọ. Milarepa cũng mơ thấy chim kên kên có nhiều con, dấu hiệu cho thấy Milarepa sẽ có những đệ tử vô song. Nhiều loại chim khác nhau bay quanh chim kên kên trong bầu trời, dấu hiệu cho thấy Dòng Kagyü sẽ phát triển và lan truyền. Đôi mắt của kên kên hướng lên trời, dấu hiệu cho thấy Milarepa đã cắt đứt những trói buộc của sinh tử. Vào cuối giấc mộng, chim kên kên bay vút vào bầu trời, dấu hiệu cho thấy Milarepa sẽ vươn tới khoảng không của sự giải thoát.” Trong những tiểu sử khác có ghi rằng Đức Marpa có giấc mơ này và kể lại cho Milarepa vào buổi sáng ngày Milarepa trở về nhà lần cuối cùng.

Trong những bài giảng được trình bày tại Oxford, Khenpo Tsultrim Gyatso Rinpoche kể cho chúng ta: “Khi ngài đã hoàn tất những học tập chính thức với Marpa Lotsawa, Jetsün Milarepa đã chịu đựng gian khổ khác. Ngài muốn nhìn thấy các sự việc xảy ra ra sao khi trở về nhà. Khi về đến ngôi làng, điều đầu tiên ngài nhìn thấy là ngôi nhà của ngài đã đổ nát. Trong tiếng Tây Tạng, người ta nói ngôi nhà của ngài giống như những chiếc tai lừa. Nếu bạn có một cây cột đứng thẳng ở đây và một cây xà nhà bị bỏ lại, đứng ở một nơi khác, không có gì ở giữa, ngôi nhà chẳng còn lại gì ngoại trừ những đồ vật cài cắm đó đây, thì nó trông giống như những chiếc tai lừa. Milarepa tiến vào đống đổ nát của ngôi nhà và tìm thấy những chiếc xương của mẹ ngài. Ngài nhìn quanh để tìm em gái, nhưng cô đã ra đi và ngài không thể hình dung là cô có thể sống ở đâu. (Những tiểu sử khác nói rằng cô đã trở thành một người hành khất, lang thang từ làng này sang làng khác). Sau đó ngài nhìn thấy những pho sách Giáo pháp thiêng liêng của gia đình đã bị chuột gặm và những gì còn sót lại của những trang giấy được dùng làm ổ của chúng, vì thế những bản văn linh thánh hoàn toàn bị hủy hoại. Xứ Tây Tạngtruyền thống là một người nào đó đến nhà của ta và đọc lớn tiếng các bản văn thiêng liêng. Người đọc sách ở nhà Milarepa đã ra đi, bởi giờ đây không còn ai ở đó nữa và không còn công việc cho ông. Ông ta đã trở thành một người phục vụ tầm thường trong ngôi nhà của người nào khác. Tất cả những điều này làm Milarepa vô cùng buồn bã, nhưng nó khiến ngài còn cương quyết hơn nữa để thực hành Giáo pháp.” Trong một doha (“bài ca tâm linh về những giáo huấn”) mà Milarepa hát cho các đệ tử nhiều năm về sau có những câu:

“Đây cũng là một ví dụ của sự vô thườnghuyễn hóa.
Với ví dụ này, yogi (hành giả) này sẽ thực hành Giáo pháp.”

Khoảng năm 45 tuổi, Milarepa bắt đầu thực hành thiền định chính thức bằng cách nhập thất trong một hang động có tường bao quanh. Mười một tháng sau, Đức Marpa và Dagmena đến thăm ngài. Milarepa ngập ngừng khi bước ra ngoài miếng đất rào quanh nhỏ bé của mình, vì thế bà Dagmena đập vỡ những bức tường. Khi Milarepa ở giữa trời, ngài lễ lạy Đức Marpa và bà Dagmena và thọ nhận những gia hộ của các ngài. Marpa dẫn Milarepa tới một nhóm đệ tử và cho ngài uống một cốc đầy chất cam lồ gia hộ. Sau đó, Marpa truyền cho Milarepa các giáo lý về bản tánh của tâm và ban cho tất cả các đệ tử nhập môn của những Bổn Tôn khác nhau. Ngài và Dagmena ban cho Milarepa danh hiệu: “Mila Dorje Gyaltsen,” có nghĩa là “Cờ Kim Cương Chiến Thắng.”

Milarepa đã thực hành tại Tảng Đá Trắng Hình Răng Ngựa và những hang động khác. Ngài rất nghèo và chiếc áo mà có lần cô em gái cho ngài để mặc đã bị côn trùng ăn thủng và rách nát. Trong một thời gian dài, ngài chỉ ăn rau tầm ma giống như cây thông, và trở nên vô cùng gầy ốm, hầu như tiều tụy. Thrangu Rinpoche đã nói: “Giờ đây, nếu ai nghĩ về những hoàn cảnh bên ngoài của ngài, sự cô tịch và nghèo khó mà ngài sống, họ sẽ nghĩ rằng hẳn là ngài thật cùng khổ. Và tuy thế, từ nhiều bài ca do ngài sáng tác, rõ ràng là bởi tâm ngài an bình tự nền tảng, kinh nghiệm của ngài là một sự hoan lạc không ngừng nghỉ. Những bài ca của ngài diễn tả trạng thái vô cùng sung sướng và hỉ lạc. Ngài nhìn thấy mọi nơi ngài đã đến – dù nó không thể cư trú và cô tịch ra sao – đều tuyệt đẹp, và ngài đã trải nghiệm cuộc đời vô cùng khổ hạnh của mình thật vô cùng vừa ý.  Tất cả những gì ngài quan tâm là làm việc trên tâm ngài." Trong đời ngài, vào thời điểm này, ngài lừng danh là “Milarepa”. Thrangu Rinpoche nói thêm: “Sau khi thọ nhận từ ngài Marpa những giáo lý về Sáu pháp Du già của Naropa, Milarepa đã có thể giữ người ấm áp trong khí hậu lạnh lẽo của Tây Tạng. Ngài không cần một tấm nệm nữa. Không cần quần áo ấm để tự bảo vệ mình trước những cơn gió lạnh lẽo, ngài chỉ quấn mình trong một miếng vải trắng mỏng, được gọi là repa trong tiếng Tây Tạng. Đó là lý do vì sao ngài nổi danh là ‘Milarepa’, có nghĩa là ‘Mila choàng Áo Vải.’” 

Có lần, Milarepa trở nên yếu ớt đến nỗi ngài đã ngất đi trong khi thiền định tại Pháo đài Biệt thự Đá Mã não Đỏ của Garuda. Khi tỉnh dậy, ngài nhìn về hướng nhà Guru của ngài và khi nhìn thấy một đám mây trắng trong bầu trời, ngài hát bài ca hồi tưởng. Trong “Trận Mưa Trí tuệ,” những câu đầu là:

“Con khẩn cầu Đức Guru. Xin chấp nhận con với thiện tâm và khiến cho khát khao của kẻ tầm thường này tan biến.

Bên dưới đám mây này, lơ lửng ở phương đông, tại tu viện Thung lũng ở miền nam Trowo, nơi an trụ của Guru của ta. Nếu ta thốt ra tên ngài, đó là Dịch giả Marpa. Bây giờ, nếu ngài ở đó thì vui thú biết bao. Bây giờ, nếu ngài ở đó thì hạnh phúc biết bao. Mặc dù ngài ở xa, con mong mỏi được nhìn thấy ngài. Mặc dù đó là một cuộc hành trình khó khăn, con khát khao được nhìn thấy ngài. So mo! So mo! Lại một lần nữa, con nhớ tưởng Guru. Suy nghĩ thêm nữa, con nhớ tưởng Jetsün hơn nữa.”

Trong bài ca này, Milarepa hát thêm những vần kệ trong đó ngài mô tả Dagmena là “người phụ nữ làm hài lòng vị Phật” và diễn tả ước muốn sống với bà và các huynh đệ Giáo pháp của ngài để so sánh các chú giảithảo luận một lần nữa. Ngài nhắc lại việc xây dựng bảo tháp làm hài lòng Guru và ước muốn lại có thể xây dựng nó. Ngài khát khao được đền đáp thiện tâm của cha và mẹ ngài và ước muốn có thể phụng sự họ. Sau đó, đám mây trắng trên bầu trời vươn rộng và khi nó hoàn toàn ở  phía trên ngài, Milarepa nhìn thấy Guru của ngài an tọa trên cao. Đức Marpa nói với nam tử-tâm yếu của mình: “Con và ta vượt quá sự gặp gỡ và chia lìa.” Milarepa tràn ngập niềm vui và hát bài ca sùng mộ dưới đây trong “Trận Mưa Trí tuệ”: “Khi đã nhìn thấy khuôn mặt và nghe được giọng nói của Đức Guru, nỗi buồn sầu tầm thường này của con biến thành kinh nghiệm thiền định. Khi nghĩ về thiện tâm của Guru, lòng sùng mộ của sự chứng ngộ xuất hiện từ đáy lòng con. Bởi bản thân ngài ban những gia hộ tốt lành, những xuất hiện vô-Pháp hoàn toàn bị cắt đứt. Mặc dù lời than khóc này trong một thung lũng trống trải không có người ở làm kích động đôi tai của Guru Thân phụ, chẳng có gì có thể làm kẻ hèn mọn này hài lòng hơn là sự xuất hiện của Guru. Thực hành nhẫn nại và khổ hạnh này là phụng sự làm hài lòng Guru Thân phụ. Ẩn thất cô tịch không bệnh tật này là phụng sự làm hài lòng Dakini Thân mẫu. Cuộc đời khổ hạnh chịu đựng đói khátchấp nhận cái chết này là một tặng phẩm cho chúng sinh không có người bảo hộ. Sự nhẫn nại, cô độc một mình và không bằng hữu này, là cây chổi quét sạch nghiệp và sự chín mùi của nó. Những cung cấp Giáo pháp gồm những cây tầm ma nhiều vô tận này là điều kiện thuận lợi cho việc sinh khởi kinh nghiệmchứng ngộ. Thiện tâm của Guru Thân phụ được đền đáp bằng sự thực hành. Đức Guru, xin giữ gìn con trong trái tim tốt lành của ngài. Xin ban gia hộ khiến kẻ chậm lụt này có thể duy trì việc nhập thất.”

Trong “Cuộc đời của Shabkarchúng ta được biết rằng Jetsün Milarepa đã trải qua nhiều năm thiền định trong các hang động thuộc thung lũng xứ Lapchi, an trụ trong Rặng Núi Tuyết Kumbu nằm giữa miền Trung Tây Tạng và Nepal. Tên gọi của hang động chính nơi ngài thiền địnhbDüd-’dül-phug (“Động Điều phục”) và ở đó ngài đã điều phục các tinh linh địa phương sống trong núi non, những tảng đá, những đám mây, hồ, và suối. Ngài trải qua sáu tháng trong Động Điều phục, hoàn toàn ẩn dậttồn tại nhờ một ít tsampa (“bột lúa mạch nướng”). Ngài bị nhốt chặt bởi lớp tuyết dày trong toàn bộ thời gian này. Tại Lapchi, Milarepa có cả thảy bốn hang động nổi tiếng, ở đó ngài không chỉ điều phục các quỷ ma địa phương, mà cả những điều thần diệu cũng được thi triển. Ba hang động khác là Ze-phug (“Hang Bờm Ngựa)”), sBas-pa-kun-gsäl (“Tiết lộ Mọi Bí mật”), và Lung-bstän-tshäl-chen-phug (“Hang Được Tiên tri về Khu Rừng Vĩ đại”).

Trong khi thiền định, năm chị em đã xuất hiện trước Milarepa. Năm chị em là những tinh linh thế tục trong núi non, và mặc dù mọi tinh linh ở trong (và quanh) vùng Lapchi đã được Đức Liên Hoa Sanh điều phục vào thế kỷ thứ 8, họ vẫn gây tác hại cho đến khi Jetsün Milarepa khai mở vùng đất thiêng liêng. Sau đó họ được biết đến bằng tên Tseringma trong tiếng Tây Tạng (“Các Thiên nữ Trường Thọ”) và Các Dakini trong Phạn ngữ (“Những người du hành trong Không gian”). Lạt ma Kelzang Wangdi giảng rằng trước khi được điều phục, họ xuất hiện trước Milarepa trong thân tướng của quỷ ma xấu xa để quấy phá và cản trở ngài. Họ muốn ganh đua với ngài và hát những bài ca trong đó họ dùng những lời lẽ cay nghiệt, như nói với ngài rằng ngài giống như những ngọn núi hoang vắng trong vùng đó bởi sống hoàn toàn thiếu thốn trong sự cô tịch của hang động một thời gian quá dài. Nhưng họ không thể làm hại Milarepa, người nói với họ: “Quý vị là những quỷ ma bên ngoài. Ta đã chiến thắng quỷ ma bên trong của sự chấp chặt và bám níu vào một bản ngã. Ta không quan tâm nếu các quỷ ma bên ngoài cố gắng giữ lấy một quỷ ma bên trong mà ta đã thoát khỏi.” Milarepa nói tiếp: “Cách thức quý vị dối gạt ta là một ảo tưởng. Ta thiền định về bản chất của tâm ta suốt từ khi ta nhận ra nó. Vì thế những gì quý vị làm hay những loại gian trá mà quý vị đưa ra thì không quan trọng. Quý vị không thể làm hại ta, bởi những ảo tưởng không quấy rầy và kích động ta.” Nhờ Jetsün Milarepa, năm chị em đã hạ mình đến nỗi họ trải nghiệm sự sùng mộ sâu xa đối với ngài. Kết quả là Tashi Tseringma, vị thủ lãnh của họ, đã khẩn cầu ngài chấp nhận họ làm đệ tử. Milarepa trả lời: “Ta sống hoàn toàn nghèo khó và cô tịch, không có người nào khác ở quanh ta. Quý vị có thể thích sống như thế?” Bà ta lại khẩn cầu rằng xin ngài chấp nhận họ làm đệ tử, và vì thế vị Thủ hộ của các Yogi đã truyền đạt cho họ các giáo huấn trong hình thức một bài ca tâm linh. Khi đã thực hành những giáo huấn một cách tinh tấn, năm chị em Tseringma đã trở thành những vị bảo hộ Giáo pháp, đặc biệtDòng truyền thừa Mahamudra (Đại Ấn). Và suốt từ đó, họ bảo vệ và giúp đỡ những ai sống trong vùng đó, là những người khẩn cầu họ với niềm tin và lòng sùng mộ nồng nhiệt.

Chöje Lama Namse Rinpoche đã giảng tại Hamburg: “Trong khi Milarepa đang thiền định trong một hang động, một thợ săn đi qua. Tình cờ Milarepa nhìn thấy anh ta từ xa và con chó săn của anh đang săn đuổi một con nai mà anh ta đã bắn nó bằng một mũi tên. Con chó ăn ngấu nghiến con vật khốn khổ sau khi nó ngã quỵ và chết. Một hôm người thợ săn ngẫu nhiên gặp Milarepa, ngài bảo anh ta rằng nỗi khổ về tinh thầnvật lý thật vô cùng, do bởi những hành vi nhớp nhúa của mình, anh ta sẽ phải kinh nghiệm trong một đời sau và anh ta nên lập tức chấm dứt việc giết hại những sinh loài. Người thợ săn hạ cung tên của mình và lập tức dâng hiến đời mình cho Giáo pháp.” Chöje Lama Namse nói thêm: “Trong bản văn khác có ghi lại rằng con nai bị thương và bị người thợ săn đuổi bắt, nó và con chó săn của anh ta tìm đến ngài Milarepa. Câu chuyện kể cho chúng ta rằng Milarepa đang ngồi trên một vách đá bên ngoài hang động và lặng lẽ thiền định. Con nai bị thương đi tới bên ngài và nằm xuống dưới chân ngài, thở một cách an bình, và trải nghiệm sự thư thản. Sau đó con chó của người thợ săn đi tới, thở hổn hển điên cuồng vì chạy lên núi, miệng sùi bọt mép, miệng vẫn còn nhễu nhão máu của những con vật khác mà nó đã ngấu nghiến. Con chó săn rất hung hăng, thình lình đã trở nên bẽn lẽn, và nằm xuống cạnh con nai. Ngay sau đó, người thợ săn xoay xở để trèo lên con đường dốc tới hang động của Milarepa, toát mồ hôihoàn toàn đứt hơi. Khi nhìn thấy con nai bị thương và con chó săn hung dữ của mình đang nằm cạnh nhau dưới chân Milarepa, anh ta điên tiết, chĩa cung tên của mình vào Milarepa và la hét: ‘Ông là tên phù thủy nhục nhã. Ông đã biến chó săn đáng lẽ giết thú vật cho ta thành một chú cừu non. Ông nghĩ ông là ai?’ Anh ta sắp sửa bắn Milarepa, ngài vẫn điềm tĩnh và nói: ‘Con nai và chó săn này không phải là những kẻ thù. Anh là người làm cho chúng chống lại nhau. Khi chúng không còn sợ anh thì chúng có thể cùng sống với nhau một cách an bình. Anh không nhận rado bởi những hành vi xấu xa của mình trong quá khứ, anh đã trở nên xấu xa và hèn hạ biết bao khi làm tổn thương kẻ khác một cách quá tàn nhẫn? Anh không nhận ra nỗi đau đớn của chúng? Anh cảm thấy ra sao?’ Phải mất một thời gian để người thợ săn nhận ra rằng anh ta đã lãng phí cuộc đời mình bằng cách chỉ gây ra khổ đau khủng khiếp cho những sinh loài không được bảo vệ. Cuối cùng anh đã nhận thức rõ rànghối tiếc về những hành động của mình. Sau đó anh ta nói: ‘Phải, ngài đúng. Tôi thật xấu xa. Một kẻ vô giáo dục như tôi có thể làm gì để tịnh hóa mọi ác nghiệp mà tôi đã tích tập và để đeo đuổi sự tự do?’ Milarepa trả lời: ‘Ta có thể cho anh các giáo huấn. Chúng được gọi là Đại Ấn. Anh phải chụp bắt cơ hội ngay tức thì. Chỉ nói với anh về chúng sẽ chẳng ích lợi gì. Anh phải thực hành giáo lý đến cuối cuộc đời.’” Người thợ săn đã làm như được chỉ dạy và trở thành một trong những đệ tử thân thiết của Milarepa. Anh đã thành tựu chứng ngộ ngay trong cuộc đời đó và lừng danh là Sherab Dorje.

Tại Oxford, Khenpo Tsultrim Gyatso Rinpoche đã giảng dạy một bài ca do Jetsün Milarepa sáng tác và đã trình bày một đoạn kệ mà Nhà tu Khổ hạnh Vĩ đại đã hát, trong đó ngài mô tả thực hành của mình. Đó là:

“Khi đi, ta tạo ra con đường,
đi với sáu ý thức, hoàn toàn thoát khỏi chúng.
Khi nghỉ ngơi, ta ngơi nghỉ trong sự tự nhiên không giả tạo;
đây là cách nghỉ ngơi trong tâm-yếu.
Khi ăn, ta ăn trong tánh Không;
đây là cách ăn không có người nhận biết hay bị nhận biết.
Khi uống, ta uống một cách chánh niệm;
đây là cách uống không bao giờ chấm dứt.
Đi đứng, lang thang, ngủ nghỉ, ta nhìn tâm ta;
đây là thực hành đức hạnh không thời khóa hay gián đoạn.”

Sau khi thực hành trong 12 năm, Milarepa trở thành không thể chia lìa với Vajradhara (Kim Cương Trì), Đức Phật Nguyên thủy.

Trong giáo huấn về “Phật tánh,” Thrangu Rinpoche đã diễn đạt cho chúng ta rằng Đức Phật đã hiểu biết những khuynh hướng của con người và giảng dạy các đệ tử có khả năng nhận ra rằng Giáo lý Cao quý là chân thật nhờ tri thức, và/hay điều thần diệu, và/hay kỷ luật. Milarepa đã nhận ra rằng không có sự hỗ trợ của tri thức, người ta sẽ khó hiểu những gì ngài nói và vì thế ngài nói về Kinh điển và lý lẽ như “một trang trí cho sự chứng ngộ.” Sau khi kết hợp tri thức với kinh nghiệm, Milarepa có đủ ba năng lực và đã thực hiện vô số hành vi một cách tự nhiên để xoay chuyển tâm thức của vô kể các sinh loài hướng về Giáo pháp và dẫn dắt họ trên hành trình tâm linh tới giác ngộ. Những năng lực của ngài vĩ đại đến nỗi trong chốc lát, ngài đã lên tới đỉnh Núi Kailash, nắm giữ toàn bộ một vùng đất trong lòng bàn tay, nhét gọn mình trong một chiếc sừng trâu yak mà không trở nên nhỏ bé hơn, và để lại dấu tay trên những tảng đá. Khi viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 2008, Đức Gyalwa Karmapa thứ 17 đã giảng tại Boulder: “Ở Tây Tạng, có nhiều câu chuyện về những Đạo sư thành tựu cao cấp để lại những dấu tay trên đá và thi triển những thành tích khác có vẻ thật huyền diệu. Thực ra chúng không kỳ diệu. Các Đạo sư làm điều này để dạy cho chúng ta về sự nối kết mạnh mẽ giữa tâm thức chúng tathế giới. Một trái tim tràn đầy tình thương có thể chuyển hóa cái gì đó cứng rắn như đá thành thứ gì mỏng manh, dễ uốn nắn.”  Và ngay từ đầu, Milarepa đã duy trì một cách hoàn hảo những giáo lý mà ngài hiến tặng cho các đệ tử trong bài ca ngắn:

"Hãy duy trì trạng thái không phiền muộn và sự sao lãng sẽ bay đi.
Hãy ở một mình và con sẽ tìm thấy một người bạn.
Hãy nhận chỗ thấp nhất và con sẽ đạt được địa vị cao nhất.
Hãy thúc bách một cách chậm rãi và con sẽ nhanh chóng đến nơi.
Hãy từ bỏ mọi mục đích thế gian và con sẽ đạt được mục tiêu cao cả nhất."

Những lời dạy cuối cùng của Milarepa được hiến tặng trong “Trận Mưa Trí tuệ” kể về cuộc trò chuyện với Paldarbum, một trinh nữ trẻ tuổi mà ngài gặp tại một phiên chợ ở Gungthang. Theo lời của Thrangu Rinpoche: “Paldarbum đã hỏi những câu hỏi hay và vì thế cô đã được đáp lại bằng những câu trả lời tuyệt diệu.” Vào lúc bắt đầu, cô hỏi ngài về xứ sở, cha, mẹ, và những người thân thuộc của ngài. Vị Thủ hộ của các Yogi trả lời:

“Con kính lễ các Đấng Guru.
Xin khẩn cầu các ngài gia hộ.
Cha ta là điều tốt đẹp.
Mẹ ta là người tốt lành.
Anh của ta là vua của sự học hỏi.
Cô của ta là ngọn đuốc sáng ngời.
Chị của ta là bà chủ của niềm tin.
Bạn ta là trí tuệ tự-hiện hữu.
Con trai ta là đứa trẻ của sự nội quán.
Sách của ta là sự hiện hữu tự nhiên của thế giới hiện tượng.
Ta cưỡi con ngựa giống của ngọn gió tâm thức.
Những người bảo trợ của ta là bốn tỉnh Ü và Tsang.
Bản thân ta là thị giả cúng dường trắng nhỏ.”

Trong một giải thích cho lời khẩn cầu của cô, Milarepa tóm tắt giáo lý của ngài và hát: “‘Cúng dường’ có nghĩa là ta dâng cúng sự tôn kính cho Tam Bảo. ‘Thị giả’ có nghĩa là ta phục vụ Guru của ta. ‘Trắng’ có nghĩa là màu trắng của Giáo pháp. ‘Nhỏ’ có nghĩa là những ô nhiễm của ta thì ít ỏi. Đây là lý do vì sao ta là thị giả cúng dường trắng nhỏ.”

Paldarbum biết ơn hơn nữa khi nghe bài ca này và hỏi xin ngài nếu ngài có một dòng truyền thừa Giáo pháp tốt lành.

Milarepa trả lời:

“Đức Phổ Hiền, Pháp Thân trùm khắp,
Đức Kim Cương Trì vĩ đại, Báo Thân được tô điểm những dấu hiệu,
Thích Ca Mâu Ni, Hóa Thân làm lợi lạc chúng sinh.
Vị hành giả (yogi) này có ba dòng truyền thừa này.
Con có may mắn để có niềm tin nơi ba dòng truyền thừa này?”

trả lời: “Dòng truyền thừa của ngài thật tốt lành, nhưng ngài có một Guru tốt lành hay không?” 

Milarepa trả lời:

“Guru bên ngoài của ta hiển lộ bên ngoài như dòng truyền thừa trí tuệ.
Guru bên trong của ta hiển lộ bên trong như dòng truyền thừa nội quán.
Guru tối thượng của ta xuất hiện trong tâm ta như dòng truyền thừa tối thượng.
Vị yogi này sở hữu ba đấng Guru này.
Tiểu thư trẻ tuổi có niềm tin nơi ba Guru này không?”

Paldarbum luôn luôn trả lời trong sự xác quyết và Milarepa đã hiến tặng cô những giáo huấn sâu xa về nhiều vấn đề hơn nữa mà cô hỏi về cách an địnhgiải quyết tâm mình. Sau đó Milarepa hát cho cô nghe bài ca về bốn lời khuyên bảo khích lệ. Đó là giáo lý ban cho các hành giả cách đối trị những chướng ngại trên hành trình đi tới sự trưởng thành tâm linh. Lời kệ đầu tiên là:

“Hành trình đến đời sau thì dài hơn hành trình này
Con có chuẩn bị lương thực?
Lương thực là sự bố thí; con có nó không?
Kẻ thù được nhận biết là tính bủn xỉn gây ra những chướng ngại;
nó dường như có lợi, nhưng sẽ mang lại tai họa.
Con có biết bủn xỉn là kẻ thù?
Nếu con biết điều này, hãy ném nó lại đằng sau con.
Nếu con hiểu điều này, hãy ném nó lại đằng sau con.”

Ba đoạn kệ kế tiếp có cùng văn phong. Tóm tắt như sau: Ngọn đuốc xua tan bóng tối của mê lầm là sự chói sáng; vị dẫn dắt xua tan dính mắc vào thân quyến và bằng hữu là Giáo pháp; ngựa giống xua tan biếng lười và uể oải là sự nỗ lực. Paldarbum đã thiền định, có những kinh nghiệm tuyệt hảo, thành tựu chứng ngộ, và trở thành một vị hộ trì Dòng Khẩu Truyền.

Trong một chuyến viếng thăm Malaysia, Thrangu Rinpoche đã giảng: “Do bởi Milarepa thành tựu sự chứng ngộ vĩ đại, nhiều đệ tử của ngài nghĩ rằng ngài là hóa thân của một vị Bồ Tát đặc biệt hay một vị Phật và muốn xác nhận (chứng thực) từ ngài. Họ nghĩ rằng nếu không phải như thế, Milarepa không thể thành tựu giác ngộ trong một đời người duy nhất. Ở một mặt, các đệ tử của Milarepa đáng được tán thán, bởi họ rất tôn quý và kính trọng Đạo sư của họ. Ở mặt khác, họ có một quan điểm Phật giáo sai lầm. Họ đã nghi ngờ Phật pháp khi nghĩ rằng Milarepa không thể thành tựu giác ngộ trong một đời người duy nhất và vì thế họ đã khẳng định rằng ngài là một hóa thân hay hiện thân đặc biệt. Để sửa lại cho đúng những tư tưởng này của các đệ tử, Milarepa cho họ thấy mọi ác hạnh mà ngài đã làm. Một số đệ tử vẫn không tin lời ngài. Ngài đã thuật lại chi tiết những ác hạnh của ngài để chứng minh cho các môn đồ rằng ngài là một người bình thường. Ngài đã nhấn mạnh rằng nếu ta thực hành một cách tinh tấn những gì ta học từ Đạo sư của mình và có niềm tin và lòng sùng mộ lớn lao nơi tất cả các Đạo sư của Dòng Truyền thừa, thì bất kỳ ai cũng có thể thành tựu giác ngộ. Nếu ta nghĩ rằng chỉ có những hiện thể phi thường của một hóa thân nào đó mới có thể đạt được giác ngộ, thì ta đang giữ tà kiến, nó mâu thuẫn với giáo lý của Đức Phật. Vì thế, nếu bất kỳ ai trong những đệ tử của ngài thực hành với sự tinh tấn, thì người ấy sẽ thành tựu giác ngộ.” Thrangu Rinpoche nói thêm: “Vì thế, không có gì để nghi ngờ.”

Chögyam Trungpa Rinpoche nói với chúng ta: “Trước khi Milarepa thị tịch, ngài đã ban những giáo huấn cuối cùng cho tập hội các đệ tử. Ngài nói: ‘Khi ta mất, đừng xây những pho tượng hay bảo tháp để tưởng nhớ ta. Thay vào đó, hãy dựng lá cờ thiền định. Hãy từ bỏ mọi sự làm tăng trưởng chấp ngã hay độc hại thâm sâu, cho dù nó có vẻ tốt lành. Hãy thực hành tất cả những gì làm lợi lạc chúng sinh, cho dù nó có vẻ xấu ác. Đây là cách thức chân chính của Giáo pháp. Bởi cuộc đời thì ngắn ngủi và không biết rõ giờ chết, hãy hoàn toàn hiến mình cho việc thiền định. Hãy hành động một cách khôn ngoan và can đảm phù hợp với nội quán bẩm sinh của các con, cho dù phải trả giá bằng cuộc đời mình. Tóm lại, hãy hành động theo một cách thế con sẽ không bị xấu hổ.’” Đức Gyalwa Karmapa thứ 17 đã nói khi giảng dạy ở Boulder rằng Jetsün Milarepa đã thành tựu giác ngộ trong một thân người, trong một đời người, và ngụ ý những gì có thể xảy ra nếu Milarepa sống vào lúc này. Đức Karmapa nói rằng nếu ngài dâng lên Milarepa một máy tính laptop, cho Milarepa thấy những tính năng đặc biệt của một điện thoại di động, và cũng dâng nó cho ngài, có lẽ điều đó sẽ trì hoãn sự giác ngộ của Milarepa rất nhiều. Đức Karmapa dạy rằng tham dự quá sức rộng rãi vào những vật sở hữutài sản có được có thể khiến ta trệch hướng khỏi con đường.

Jetsün Milarepa đã sáng tác nguyện ước dưới đây trước khi nhập Niết bàn:

“Thân phụ, Đấng Bảo hộ những kẻ lang thang, ngài đã làm trọn ước nguyện chân thành của mình,
Ôi Dịch giả Marpa, dưới chân ngài con xin kính lễ với lòng biết ơn.

Tất cả các đệ tửcuộc đời đã đưa các con đến đây,
tất cả các con đã rất tốt lành với ta. Và ta cũng tử tế với các con.
Chúng ta tốt lành như nhau, vị Thầy và các đệ tử.
Nguyện chúng ta sẽ gặp nhau ở lãnh địa thanh tịnh của Hỉ Lạc Chân thật.

Tất cả các con những người tốt lành sống tại nơi chốn này,
Cầu mong các con vui hưởng cuộc đời trường thọ và tràn đầy công đức.
Và cầu mong suy nghĩ tà vạy không đến với các con,
ước muốn của các con sẽ hoàn thành Giáo pháp chân chính.

Xứ sở này cũng thế, cầu mong nó vui hưởng sự thịnh vượng, thoát khỏi bệnh tật và đấu tranh,
có được những mùa thu hoạch tốt lành, ngũ cốc sum xuê.
Cầu mong mọi người hạnh phúc và nguyện mọi nỗ lực của họ
là cách thức để Giáo pháp hoàn toàn sống động.

Nguyện những người đã nhìn thấy mặt ta hay nghe những điều ta phải nói
và những người lưu giữ tiểu sử của ta trong tâm,
những người chỉ nghe về nó hay chỉ nghe danh hiệu của ta,
nguyện chúng ta gặp nhau trong lãnh địa thanh tịnh của Hỉ Lạc Chân thật.

Bất kỳ ai sống bằng câu chuyện này của cuộc đời ta hay sử dụng nó để thực hành Pháp,
hay ghi lại nó, giải thích hay lắng nghe nó được thuật lại; hay đọc nó,
cúng dường, hay sống theo tinh thần của nó,
nguyện tất cả chúng ta gặp nhau trong lãnh địa thanh tịnh của Hỉ Lạc Chân thật

Và những điều của tất cả những ai chưa đến trong tương lai,
nếu họ cũng có thể học cách thiền định để khắc phục những gian khổ và
giải quyết những thời kỳ khó khăn, nguyện họ thoát khỏi những chướng ngại và không lạc lối.

Những người hiểu những khó nhọc vì Pháp tạo nên nhiều công đức hơn khi thuật lại.
Những người gây cảm hứng cho người khác để thực hành Pháp, thiện tâm của họ vươn xa hơn khi thuật lại.
Đối với những người nghe nói về cách sống khổ hạnh này, những hộ trì tụ hội cao hơn núi.

Đây là ba phẩm tính siêu vượt mọi đo lường,
và nhờ sự gia hộ của ba phẩm tính này, nguyện việc chỉ đơn thuần lắng nghe khiến họ giải thoát.
Bằng chỉ đơn thuần ước muốn, nguyện ước muốn của họ trở thành sự thật.

Nguyện mọi nơi chốn ta đã an trụ trong một lát là địa điểm của niềm vui và thoải mái cho tâm thức, và mọi tài sản của ta, dù ít ỏi đến đâu,
kết thúc ở đâu, nguyện chúng mang lại niềm vui.

Và giống như những nguyên lý sơ cấp về đất và nước, lửa, gió, và không gian
mọi nơi các con đến, nguyện ta cũng giống như thế.
Nguyện ta ở mọi nơi mà các con đến.

Nguyện các loài rồng (naga), các vị trời v.v.., trong tám đạo quân lớn của họ, và các lokapala (các vị bảo hộ thế giới)
và mọi đám đông quỷ ma, nguyện họ không tiến hành sự tàn phá ngay cả trong chốc lát
mọi ước nguyện của họ thực hiện Giáo pháp chân chính.

Nguyện mọi sinh loài xuống tới côn trùng nhỏ bé nhất không bao giờ rơi vào sinh tử.
Bởi không trừ một ai, mỗi một và mọi sinh loài không ai bị bỏ sót,
nguyện ta ở đó để đưa dẫn họ trên con đường.”

Jestün Milarepa, Tiếng Cười Kim Cương, có nhiều đệ tử thành tựu, đặc biệt là bốn nam tử tâm yếu và tám đệ tử thân thiết nhất, những vị được mô tả trong Kinh điển là “như-vì sao”. Đệ tử Rechungpa của Milarepa là đệ tử-như mặt trăng và Gampopa, tu sĩ y sĩ, là đệ tử-như mặt trời của ngài. Trong “Những Bài Ca và Câu chuyện của Đức Gampopa,” Milarepa đã hát: “Ta là một yogi (hành giả), nhưng nhiều môn đồ của ta sẽ là các tăng sĩ. Tăng sĩ y sĩ này sẽ làm lợi lạc vô số chúng sinh hữu tình. Do đó ta đã thực hiện những lời dạy của Đức Phật.” Và như thế, Dòng truyền thừa vinh quang của Chuỗi Hạt Vàng được Đại thành tựu giả Tilopa, Naropa, Marpa, Jetsün Milarepa gia hộ, và các đệ tử phi thường của nó đã tiếp nối không đứt đoạn và nở rộ đến tận ngày nay./.

Nguyên tác: “5. Milarepa 1040–1123”

http://leksheyling.net/pages/english/Lineages/KagyuGoldenrosary/005_mi-la-bzhad-par-do-rje.htm

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn