Bài 01

22 Tháng Mười Một 201200:00(Xem: 11932)

PHẢN BIỆN 
HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC
Toàn Không

01

Trong quan niệm của chúng tôi sẽ tránh dùng danh tự Đại thừa, Tiểu thừa mà thay bằng Bắc truyền, Nam truyền được nhiều chừng nào tốt chừng ấy để tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị không tốt trong Phật giáo nói chung và để sự phân tích được rõ ràng, chúng tôi xin theo từng điểm thứ lớp mà Ban Biên Tập mạng Thư Viện Hoa Sen đã tóm lược những điều mà tác giả Hòa Thượng Thích Thông Lạc (viết tắt: HT TTL) đã nêu ra để phân tích mổ xẻ như dưới đây:

I). HT. TTL: Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn; hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo, cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc. (ĐVXP-Tập 8)

I). Phản biện:

 Để sự nhận xét được chính xác, chúng ta cần nêu ra chủ thuyết của Đạo Bà La Môn so sánh với Triết lý của Phật Giáo Bắc truyền (Đại Thừa) trong một số vấn đề như sau:

1). Quan niệm về Thượng Đế:

- Đạo Bà La Môn: Quan niệm chỉ có Phạm Thiên (Brahman) là hiện thực tối cao, triết lý Bà-la-môn cho rằng Phạm Thiên là thực tại có trước nhất, thực thể duy nhất, tất cả vũ trụ là Phạm Thiên. Vạn vật phát hiện tự nơi ngài và vũ trụ đã có sẵn trong ngài; Ngài là thực hữu vì không phải là hư không, là ý thức vì là nguồn gốc của mọi nhận biết, trực giác tâm linh (Turiya) là bản chất của ý thức về tự ngã duy nhất, nơi mà tất cả muôn vật trong thế giới đều trở về, trở về với thực hữu tuyệt đối yên vui, thanh tịnh an lạc vì đó là hạnh phúc vĩnh hằng.

- Phật Giáo Bắc Truyền:

 Trong bài “Bà La Môn giáo và triết học Phật giáo” của tác giả Như Thị viết: “Nếu như Bà-la-môn giáo với đặc trưng đã cho sự cấu thành của hiện tượng nằm trong những quy luật của thần linh thì sự khác biệt của Phật giáo lại thuộc về quy luật nhân duyên; kinh Phật Tự Thuyết, nói về nguyên lý Duyên khởi được đức Phật tóm tắt:

Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.
Do cái này sinh nên cái kia sinh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt. 

 Quy luật nhân duyên là mối quan hệ chính yếu mà Phật giáo Bắc truyền đề cập khi biện giải về hiện hữu hữu thể; theo Bà La Môn giáo thì con người không thể thấu triệt được bản chất của nó, vì đơn giản là nó thuộc về những quy tắc của nguyên lý tuyệt đối, mà đã là như vậy thì hiển nhiên chỉ có Phạm Thiên (Brahman) mới có đủ thẩm quyền để biết mà thôi.

 Còn Phật giáo Bắc Truyền luận rằng Không tánh là thực tánh của các pháp, vì là không tánh nên quy luật nhân duyên được vận hành và trở thành năng lực chi phối sự vận động của các pháp; sự chuyển vận này làm thành các hệ quả mà sanh trụ dị diệt, có, không … là những biểu tướng phải xảy ra.”

 Nói về cõi Phạm Thiên, được biết: 28 tầng trời gồm 6 tầng thấp là cõi Dục giới, 4 tầng trời cao nhất là cõi Vô Sắc giới, và 18 tầng trời ở giữa là cõi Sắc giới, thì 3 tầng trời thấp nhất của Sắc giới là cõi Phạm Thiên chia ra Đại Phạm Thiên ở trên, thấp hơn là Phạm Thiên và thấp nhất là Phạm Chúng Thiên. Tuổi thọ và sự vi diệu thần thông v.v… của 3 loại Trời này khác nhau, tầng trên ví như vua, tầng giữa ví như quan, tầng dưới ví như dân, đó là nói vắn tắt.

 Đạo Bà La Môn gọi là Ấn Độ giáo thờ Phạm Thiên, Phạm Thiên là Thượng Đế, Thượng Đế sinh ra mọi người Bà La Môn, vì người đạo Bà La Môn đều cho rằng mình là con của Phạm Thiên, nên thường cúng tế Thượng Đế. Vị Đại Phạm Thiên chính là Thượng Đế của đạo Bà La Môn Ấn Độ giáo vậy.

 Đức Phật không công nhận một vị Thần linh tối cao, Phật giáo Bắc truyền không dạy giáo điều thần bí, nhưng có cái Chân như, Niết Bàn … chính là cái bất sanh bất diệt, không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc; nó vốn là bản thể của muôn pháp, vì vậy không thể cho nó là một chân lý ban đầu. Do đó chúng ta thấy rõ quan niệm Thượng Đế của Bà La Môn khác biệt hoàn toàn với lý chân như Niết Bàn của Phật giáo Bắc truyền.

2). Về Vô thường, Khổ, Ngã:

- Đạo Bà La Môn quan niệm: Đời là vô thường, đời là khổ, nhưng mỗi con người là một Tiểu ngã (Atman) có tự ngã bất biến (có linh hồn); Bà La Môn giáo khẳng định: nếu không có Tiểu ngã, tất cả sinh hoạt tinh thần và thể chất của con người đều chấm dứt; nhưng ngay khi cả sinh hoạt tinh thần và thể chất chấm dứt thì Tiểu ngã vẫn tồn tại bất diệt.

- Phật giáo Bắc truyền: Cũng quan niệm thân tâm thế giới đều vô thường, đời là bể khổ, nhưng vô ngã không có cái ta. vì con người gồm có thân và tâm, Thân gồm bốn thứ Đất Nước Gió Lửa thuộc về đất nước gió lửa chứ chẳng có cái nào là ta; còn Tâm gồm bốn thứ Thọ, Tưởng, Hành và Thức, chúng đều thay đổi không ngừng nên chẳng thứ nào là ta. Nói chi tiết thì tất cả Ngũ uẩn gồm sắc thụ tưởng hành thức và mười tám giới phân biệt gồm sáu căn, sáu trần, và sáu thức mỗi thứ đều không thể độc lập được, nên không thật có cái ngã, không thật có linh hồn, chỉ do nhân duyên hòa hợp mà có, giả có chứ không có thực thể riêng của cái ngã hay linh hồn, không thuần nhất bất biến nên chẳng phải tự ngã của ta.

 Chúng ta thấy có điểm chung có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong giáo lý Phật giáo Bắc truyền so với Bà-la-môn giáo là quan niệm về tư tưởng luân hồi, khổ đau và tìm cầu giải thoát; nhưng trên bình diện triết học, Phật giáo Bắc truyền không hề có tính thực hữu của bản thể Phạm Thiên và thay vào đó là tự tính vô ngã. Một bên chủ trương vô thật ngã, còn một bên chủ trương tư tưởng có linh hồn và đề cao Bản Ngã tuyệt đối Phạm Thiên thì làm sao Bà La Môn giáo có thể là gốc của Phật giáo Bắc truyền được?

3). Về Nhân qủa, cúng tế, khổ hạnh:

- Đạo Bà La Môn chủ trương: Nhân qủa không chạy khỏi, cần làm lành, cúng tế Thần linh để được giảm tội, hoặc phái Khổ hạnh phải hành xác thân để trừ khỏi tội lỗi đã gây ra như: Hoặc chỉ ăn rau, chỉ ăn cỏ, chỉ uống nước cháo, chỉ ăn gạo sống. Hoặc ăn rễ, búp, lá, hạt. Hoặc mặc áo cỏ, áo vỏ cây, áo bỏ ngoài gò mả; hoặc đứng một chân, nằm trên sỏi đá, nằm trên trái cây vỏ cứng, nằm trên đống phân bò khô…

- Phật giáo Bắc Truyền: Nhân qủa được công nhận, phủ nhận thuyết định mệnh, mà nói đau khổ hay hạnh phúc đều do chính ta tạo ra; không chủ trương cúng tế Thần thánh hoặc hành hạ xác thân để diệt trừ tội lỗi, mà phải sám hối, bỏ làm ác, chỉ làm việc lành. Đạo Phật Bắc truyền chủ trương sống theo Trung đạo: biết đủ, không sống xa hoa và không sống khổ hạnh.

 Như vậy, mặc dù công nhận nhân qủa, nhưng Phật giáo Bắc truyền có đường lối tránh qủa báo khác với Bà La Môn giáo; Phật Giáo Bắc truyền chủ trương tránh làm việc ác và làm việc lành để làm nhẹ nghiệp lực đã có.

4). Về Vô minh:

- Đạo Bà La Môn quan niệm: Các trói buộc phát sinh từ sự vướng mắc vào vật chất là do linh hồn đã bị dục vọng làm ô nhiễm đó là vô minh.

- Phật giáo Bắc truyền: Quan niệm vô minh là u mê không hiểu, ô nhiễm trói buộc, mê lầm chấp trước, nhìn sai lạc không thấy sự thật, là gốc của bất thiện.

 Nhìn sơ qua thì thấy quan niệm vô minh của cả hai gần giống nhau, nhưng không phải là hoàn toàn giống, vì Bà La Môn cho rằng do dục vọng mà có vô minh, còn Phật giáo Bắc truyền thì nói vô minh là do ngu si tạo ra, nên nó sâu xa hơn vậy.

5). Về Bất nhị Nhất nguyên:

- Đạo Bà La Môn: Chủ trương thế giới, con người cùng các vị Thần đều là huyển ảnh huyển tượng, chỉ có Phạm Thiên mới thực sự là sở hữu hiện thực tối cao; con người và Thượng Đế không phải là hai (bất nhị) mà chỉ là một, nên con nguời sau khi chết sẽ có thể trở về với Thượng Đế (nhất nguyên).

- Phật giáo Bắc truyền: Không chủ trương Nhất nguyên, nhưng Bất nhị tức là không phải hai mà cũng không phải một, như như bình đẳng mà không có sự khác biệt giữa cái này với cái kia. Trong Kinh Duy Ma Cật, Bồ Tát Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát về kinh nghiệm nhập Pháp Môn Bất Nhị của mình, Bồ Tát Đức Thủ nói: “Ta (Ngã) với cái của Ta (ngã sở) là hai, vì có cái Ta nên mới có cái của Ta, nếu không có cái Ta thì sẽ không có cái của Ta, đây là chân nhập Pháp Môn Bất Nhị”…. Còn Kinh Pháp Bảo Đàn, sau lúc Ấn-Tông Pháp Sư làm lễ trước Ngài Huệ Năng, và xin Ngài trưng Áo-Bát để đại chúng được chiêm bái; sau khi thấy Áo-Bát rồi, Ấn-Tông lại hỏi:

- Đức Hoàng-Mai sau khi phó chúc rồi, Ngài truyền thọ như thế nào? 

 Ngài Huệ-Năng trả lời:

- Ngũ-Tổ không truyền thọ chi cả, chỉ có luận môn kiến tánh thành Phật, Ngài chẳng luận pháp thiền-định và pháp giải-thoát.

- Sao chẳng luận pháp thiền-định và pháp giải-thoát?

- Vì hai pháp ấy chẳng phải là Phật-Pháp, Phật-Pháp là Pháp chẳng hai.

- Phật-Pháp là Pháp chẳng hai là nghĩa sao?

- Pháp-Sư giảng Kinh Niết-Bàn đã hiểu rõ Phật tánh tức Pháp chẳng hai của Phật-Pháp vậy. Như Cao-Qúy Đức-Vương Bồ-Tát thưa với Phật rằng: “Người phạm bốn điều trọng cấm (dâm dục, trộm cướp, giết người, và nói bốn điều vọng ngữ), làm năm điều đại nghịch (giết cha, giết mẹ, hại A-la-Hán, khuấy rối chúng Tăng, khởi ác ý mong hại Phật), thì thiện căn và Phật tánh có bị đoạn diệt chăng?” Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ, một là thường, hai là vô thường, còn Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên Phật tánh không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp chẳng hai”. 

 Ấn-Tông Pháp-Sư nghe Ngài giảng, vui mừng chắp tay thưa rằng:

- Sự giảng Kinh của tôi như gạch bể ngói vỡ, sự luận nghĩa của Ngài cũng như vàng ròng.

 Như vậy, chúng ta thấy Bà La Môn chủ trương Bất nhị Nhất nguyên khác với Bất nhị của Phật giáo Bắc truyền.

6). Về Giải thoát:

- Đạo Bà La Môn: Đối với Bà-la-môn giáo, sự giải thoát chính là sự trở về với bản thể Phạm Thiên; bởi vì tiểu ngã (Atman) đã ngày càng đi ra khỏi những quy luật của Đấng sáng tạo. Nguyên nhân là do linh hồn đã bị vô minh, dục vọng làm ô nhiễm để rồi bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi không trở về được nữa. Bà La Môn Giáo khẳng định không có những linh hồn cá biệt, tất cả đều là hư huyễn, chỉ có giá trị tạm thời và là những hiện thực tương đối; sự đa dạng biến mất khi trí huệ cứu cánh dẫn dắt tâm thức cá nhân hoà nhập với Phạm thiên và như vậy là giải thoát.

 Để đươc giải thoát, Đạo Bà La Môn chủ trương Cúng tế Thần linh, cầu xin ban ơn, đồng thời cũng dùng thiền định Yoga để linh hồn Tiểu ngã (Atman) trở về hợp nhất với Đại Ngã Phạm Thiên (Brahman). Phương pháp trực tiếp để thành tựu cái Ta chân thật tức Tiểu ngã, cũng tức là Đại Ngã Phạm Thiên; thành tựu cái Ta thật tức là phát hiện cái toàn bộ, đó là Thượng đế cội nguồn của tất cả. 

- Phật giáo Bắc truyền: Phật giáo Bắc truyền không chủ trương cúng tế thần linh, mà khẳng định đặc tính tự lực thể nghiệm và thành tựu Pháp thân Phật của chính mỗi người; giác ngộ trong Phật giáo có nhiều tầng bậc khác nhau tùy thuộc vào nỗ lực dụng công thanh lọc tâm của hành giả nên nó không có một tiêu chuẩn nhất định, nó thuộc về lĩnh vực của thực nghiệm, và cũng chính vì thế mà trong Phật giáo Bắc truyền, những giá trị tế lễ cầu cúng hay van xin để được hoàn thiện giác ngộ đều bị phủ nhận.

 Quan niệm không trở về đâu cả, mà sự đồng nhất lại chính là sự nhận ra, giác ngộ được các pháp như thật “nó đang là” mới được gọi là giải thoát. Bởi vậy, trong Phật giáo, các pháp môn, dù là lễ bái, dù là niệm Phật, hay tọa thiền, đả thất,…cũng đều nhằm một mục đích giác ngộ giải thoát. Để giác ngộ giải thoát, Phật dạy có rất nhiều Pháp Môn tu khác nhau, như tu sống với hiện tại, dứt vọng tưởng, tham thiền, tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú, thiền định v.v… để thanh tịnh tâm thức . . .

 Xem như trên, chúng ta thấy chủ trương giải thoát giữa Ba La Môn giáo và Phật giáo Bắc truyền hoàn toàn khác biệt từ tư tưởng đến mục đích, nên không thể bảo rằng Phật Giáo Bắc truyền không phải là Phật giáo vì lầm cho rằng nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn chính gốc và lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo là không có cơ s.

II). HT. TTL: Thiền Đông Độ không phải là của Phật Giáo mà là của Lão Giáo Trung Hoa (Tiên Đạo) Tư tưởng Lão Trang Trung Hoa phát triển, có những điểm tương đồng với tư tưởng kinh sách phát triển Đại Thừa Giáo Ấn Độ. Vì thế, sau này Phật giáo Đại Thừa đồng hóa tư tưởng Lão Giáo lấy tên là Phật Giáo Tối Thượng Thừa" hay còn gọi là "Thiền Tông". Chủ trương của Thiền Tông là kết hợp Lão Giáo và Đại Thừa, nên thường gọi là "Thiền Giáo đồng hành"…. (ĐVXP-Tập 8)

II). Phản Biện:

1). Tác giả TTL viết rằng:Thiền Đông Độ không phải là của Phật giáo mà là của Lão giáo Trung Hoa…”, muốn biết Thiền Đông Độ có phải là của Lão Giáo hay không, chúng ta phải tìm hiểu về Đạo Lão trước rồi so sánh với Phật giáo như sau:

Đạo Lão cũng gọi là Đạo giáo, Nguồn gốc từ thế kỉ thứ 4 trước Tây Lịch, khi tác phẩm Đạo Đức kinh của Lão Tử (sống thời Chiến Quốc, thế kỉ thứ 6 trước Tây Lịch) xuất hiện. Đạo giáo là một trong Tam giáo từ thời Trung Quốc cổ, song song với Nho giáoPhật giáo. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả ba giáo lí này đã hoà hợp thành một truyền thống.

 Đạo giáo thâu nhiếp nhiều tư tưởng từ thời nhà Chu (1040-256 trước Tây Lịch). Những tư tưởng này là vũ trụ luận về trời đất (thiên địa), năm chất {ngũ hành: Kim (sắt), Mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất)}, thuyết về năng lượng, chân khí, thuyết âm dươngKinh Dịch. Ngoài ra, những truyền thống tu luyện thân tâm như điều hoà hơi thở, Thái cực quyền, Khí công, Trầm tư, thiết tưởng linh ảnh và những huyền thuật với mục đích đạt trường sinh bất tử.

Đạo Đức kinh cũng được gọi dưới tên của tác giả, là Lão Tử và bao gồm hai quyển với tổng cộng 81 chương. Phần thứ nhất nói về Đạo, phần hai nói về Đức. Tuy nhiên, Đạo Đức kinh không là một bộ kinh có một kết cấu lý luận của một thế giới quan, mà chỉ là một tập hợp của những ngạn ngữ huyền bí tối nghĩa, làm cho người đọc phải tự lí giải một cách chủ quan. Chính vì vậy mà người ta tìm thấy rất nhiều bản chú giải.

Đạo Đức là gì?

- Đạo của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái có sẵn một cách tự nhiên rằng: “Người ta bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên”; Đạo là nguồn gốc của vạn vật, nó chẳng phải cái gì khác ngoài sự tôn trọng tự nhiên.

- Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật, Đức chính là sự luật biến đổi âm dương.

 Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào hình thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái Tĩnh vô hình thì Đức là cái Động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ. Con người cũng như vạn vật là từ “Đạo” mà sinh ra; cho nên tu luyện là trở về với “Đạo”.

 Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về thấm sâu tinh thần biện chứng âm dương, chi phối bởi luật quân bình âm dương, vạn vật tồn tại theo lẽ tự nhiên một cách công bằng, chu đáo, và do vậy mà hợp lý. Công bằng, vì nó luôn bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu, chu đáo vì nó như cái lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Bởi vậy mà nó mầu nhiệm tới mức không cần tranh mà chiến thắng, không cần nói mà ứng nghiệm; mọi sự mất quân bình đều trái với lẽ tự nhiên, và do đó sẽ tự điều chỉnh theo luật âm dương mà chuyển hóa.

 Từ đây, Lão Tử suy ra triết lý sống tối ưu là muốn làm việc gì, phải đi từ điểm đối lập, phải vô vi (không trái đạo lý, t ùy thuận tự mhiên, lấy đức giáo hóa dân); đừng làm gì thái quá, vì thái quá thì theo luật âm dương “vật cực tắc phản” (mọi vật đẩy tới cùng rồi thì sẽ bị dội lại), kết quả thu được còn tệ hại hơn là hoàn toàn không làm gì. Triết lý vô vi áp dụng vào đời sống cá nhân là không tranh, không làm những điều không nên làm, áp dụng vào đời sống xã hội Lão Tử không tán thành lối cai trị cưỡng chế, áp đặt của người cầm quyền.

 Cả Khổng Tử và Lão Tử đều tiếp nhận sức sống của văn minh nông nghiệp, nhưng trong khi Khổng Tử tìm cách kết hợp nó với văn minh gốc du mục thì Lão Tử dựa hoàn toàn vào nó; do đó Khổng thì “nhập thế”, “hữu vi”, còn Lão thì “xuất thế”, “vô vi”.

 Nhưng Trang Tử (khoảng 369 – 286 trước Tây Lịch): Với chủ trương sống hòa mình với tự nhiên của Lão Tử, Trang tử thay bằng lối sống xa lánh, chủ trương yếm thế thoát tục trở về xã hội nguyên thủy: “Núi không đường đi, đầm không cầu thuyền, muôn vật sống chung, làng xóm tiếp liên cùng ở với cầm thú”.

Trang Tử  và Nam Hoa chân kinh: Được viết ở thế kỉ thứ 4 trước TL và tương truyền tác giả là Trang Tử. Trong Nam Hoa kinh, thể tính của Đạo được diễn tả qua những ngụ ngôn, những mẩu chuyện có tính cách triết lý. Trang Tử lấy nhiều điểm trong Đạo Đức kinh làm chủ đề, nhưng Trang Tử không hề nhắc nhở những nhà cầm quyền việc an quốc trị dân mà lên án bài bác; mà chỉ với mục đích lìa thế gian là người lí tưởng, và chỉ làm một chân nhân vô sự.

 Trong thời Lão Trang, người ta không thấy dấu tích của một tổ chức hay cơ cấu triết học hoặc tôn giáo nào có thể được gọi là Đạo giáo. Chỉ còn một vài tác phẩm có tư tưởng Đạo giáo được lưu lại, tôn vinh là Thánh điển khi Đạo giáo dần dần hình thành. Tuy nhiên, tất cả các nhà nghiên cứu đều công nhận là những tác phẩm này đã có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của Đạo giáo.

Đạo giáo.

 Trong cảnh loạn li cuối thời Đông Hán (thế kỷ thứ 2), tư tưởng của Lão Tử cộng với bản chất duy tâm mà Trang Tử nêu ra đã trở thành cơ sở cho việc thần bí hóa đạo gia thành Đạo giáo; chủ trương cùng với thái độ vô vi của Lão – Trang phản ứng đối với chính sách áp bức bóc lột của tầng lớp thống trị.

 Đạo giáo thờ “Đạo” và tôn Lão Tử làm giáo chủ, gọi là “Thái Thượng Lão Quân”, coi ông là hóa thân của “Đạo” giáng sinh xuống cõi trần. Kinh điển của Đạo giáo gọi là Đạo tạng kinh, ngoài sách về nghi lễ, giáo lý, Đạo tạng còn bao gồm cả các sách thuốc, dưỡng sinh, bói toán, tướng số, coi đất (phong thủy), thơ văn, bút ký…; Đạo giáo có hai phái:

1. Đạo giáo phù thủy dùng các pháp thuật trừ tà trị bệnh, chủ yếu giúp cho dân thường khỏe mạnh;

2. Đạo giáo thần tiên dạy tu luyện, luyện đan, dành cho các quý tộc cầu trường sinh bất tử. Đạo giáo thần tiên hướng tới việc tu luyện thành thần tiên trường sinh bất tử, tu tiên có hai cách nội tu và ngoại dưỡng:

- Ngoại dưỡng là dùng thuốc trường sinh, gọi là kim đan (hay linh đan, thu được trong lò bằng cách luyện từ một số khoáng chất như thần sa, hùng hoàng, từ thạch, vàng).

- Nội tu là rèn luyện thân thể, dùng các phép tịch cốc (nhịn ăn), dưỡng sinh, khí công… lấy thân mình làm lò luyện, luyện tinh thành khí, luyện khí thành thần, luyện thần trở về hư vô (Đạo). Con người cũng như vạn vật là từ “Đạo” mà sinh ra; cho nên tu luyện là trở về với “Đạo”.

Tóm lại nếu nói về lối hành xử vô vi thì Đạo Lão và Đạo Phật tương đối giống nhau, như đạo Lão quan niệm về cái tâm của con người:

Tướng do tâm sinh
Tâm tịnh Thần sáng 
Thần sáng Trí minh
Tâm bất tịnh, Thần suy
Thần bất tịnh Trí bất minh

 Cũng tương tự như Phật giáo với quan niệm “Nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do tâm này làm chủ tạo tác những thiện nghiệp hoặc ác nghiệp. Nó tương ứng với những hành nghiệp mà chúng sanh đó đã tạo thiện hay bất thiện mà hiện tướng “thần minh trí sáng”. Có thể nói hai quan điểm về tâm của hai tư tưởng tương tự nhau, nhưng mục đích cuối cùng của hai đạo thì hoàn toàn khác nhau; vì Đạo Lão tìm cách đạt Đạo qua việc ứng dụng những phương pháp như Khí công, Thái cực quyền, tập trung cao độ, thiết tưởng (năng lực tưởng tượng), hình dung, thuật luyện kim, nghi lễ và huyền học để tạo một thế giới vi quan từ thân tâm - một ánh tượng của đại vũ trụ - và qua đó đạt được sự hợp nhất với vũ trụ.

 Xét về mục đích của Lão giáo như trên, chúng ta thấy quan niệm có một phần nào tương tự, nhưng không phải là giống nhau; vì thế cho rằng “Thiền Đông Độ không phải là của Phật Giáo mà là của Lão Giáo Trung Hoa (Tiên Đạo) Tư tưởng Lão Trang Trung Hoa phát triển, có những điểm tương đồng với tư tưởng kinh sách phát triển Đại Thừa Giáo Ấn Độ” là sai sự thật, vì sao? Vì nếu mục đích của việc tu theo Đạo giáo là sống lâu thì mục đích của việc tu theo Phật giáo Bắc truyền là thoát khổ, nếu Đạo Lão tu để trở về hợp nhất với vũ trụ (cũng giống hệt như Bà La Môn Ấn Độ giáo tu để trở về với Thượng Đế Phạm Thiên) thì Phật giáo Bắc truyền tu để thể hiện Chân như, tu để giải thoát, vì vậy cho nên Phật giáo Bắc truyền chẳng thể là của Lão giáo hay Ấn Độ giáo.

2). Nếu bảo rằng:sau này Phật giáo Đại Thừa đồng hóa tư tưởng Lão Giáo lấy tên là Phật Giáo Tối Thượng Thừa hay còn gọi là Thiền Tông". Chủ trương của Thiền Tông là kết hợp Lão Giáo và Đại Thừa, nên thường gọi là "Thiền Giáo đồng hành" cũng là không hiểu Thiền Tông, vì cách hành trì của Thiền Tông do thiện xảo của Chư Tổ hướng dẫn tu hành chỉ là theo vết xe Thiền Tông từ Phật Thích Ca đã làm chứ chẳng phải khác lạ gì như “Niêm Hoa Vi Tiếu” của Phật Thích Ca và Tôn giả Đại Ca Diếp được đại ngộ.

 Rồi sau Tổ Ca Diếp nói với Tôn giả A Nan Đà rằng: “Cây đại phướn đổ rồi” (trong khi cây phướn không đổ) khiến cho Tôn giả A Nan Đà đại ngộ, đều là của Thiền Tông. Bởi vậy cho nên nếu sự tu của Đạo giáo để thể nhập hợp nhất với đại vũ trụ thì sự tu của Phật giáo Bắc truyền là để thành Phật, vì Đức Phật đã khẳng định rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

 Kết lại, Đạo Lão gần giống Phật Giáo Bắc truyền nhưng không phải là giống, vì Lão giáo xa lánh cuộc đời sống ẩn dật chứ không phải tu giác ngộ giải thoát khỏi luân hồi sinh tử như Phật Giáo. Tác giả Thông Lạc còn nhầm lẫn giữa Thiền Tông với Giáo môn thiền định như Tông Thiên Thai, Tông Hoa Nghiêm v.v… bên Trung Hoa nên đã dùng “Thiền Giáo đồng hành” (Thiền Tông và Giáo Tông cùng nhau tu hành) để chỉ Thiền Tông với Lão Giáo là sai sự thật. Mặt khác, ở Việt Nam có những pháp Môn tu hoặc Tụng Kinh, hoặc Trì Chú, hoặc Niệm Phật, và thực hành song song với thiền định, đây là Giáo Môn, có những người tu như vậy; rồi lại có người tu Thiền Tông, nên mới có tên “Thiền Giáo đồng hành”.

III). HT. TTL: Khi về họp ở Tỉnh Hội Phật Giáo Tây Ninh, ông Trưởng Ban Tỉnh Hội đề nghị tôi biên soạn giáo án Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông và Thiền Tông. Trong buổi họp hôm đó, tôi đưa ra ý kiến và vạch rõ bốn tông phái này không phải của Phật Giáo mà của Bà La Môn Giáo.

(Còn tiếp)

Toàn Không

Tham Chiếu:

- Ấn Độ giáo trong mạng Wichita
- Bà La Môn giáo và triết học Phật giáo của Như Thị.
- Bản chất triết học Bà La Môn dưới cái nhìn của đạo Phật của Thích Quảng Nguyên.
- Đạo Đức Kinh của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ.
- Lão tử, Đạo giáo trong Bách Khoa Toàn Thư mạng Wikipedia.
- Quan điểm Vô vi của Lão tử và Vô vi của Đạo Phật của Thích Pháp Như.

 

NHẬN ĐỊNH LOẠT BÀI “PHẢN BIỆN”
CỦA TOÀN KHÔNG
VỀ “HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC”
Bài 01
Quảng Hạo

 

Bài viết của tác giả Toàn Không được mở đầu bằng một sự rào đón, nhưng thiếu kín kẽ:

“Trong quan niệm của chúng tôi sẽ tránh dùng danh tự Đại thừa, Tiểu thừa mà thay bằng Bắc truyền, Nam truyền được nhiều chừng nào tốt chừng ấy để tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị không tốt trong Phật giáo”.

Viết như thế, tác giả đã mặc nhiên thừa nhận sự miệt thị của Đại thừa đối với giáo pháp Nguyên thủy của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni là có thật. Nay tác giả muốn “tránh dùng danh từ Đại thừa, Tiểu thừa”, không phải tuyệt đối trăm phần trăm, mà chỉ ở mức “nhiều chừng nào tốt chừng ấy”, với mục đích chỉ để “tránh bớt” thôi!, chứ không thể dứt điểm triệt để “sự phân chia có tính cách miệt thị” này… 

Đây chẳng phải “sáng kiến” mới của Toàn Không. Tỳ-kheo Thích Nguyên Hải cũng đã từng có “sáng kiến” tương tự. “Chương XIII: Đối thoại với thầy Thông Lạc. Tại sao có người thấy Phật thừa hay Đại thừa khó hiểu?”, tác giả Thích Nguyên Hải đã từng viết:

“Tuy nhiên, thay vì dùng chữ Tiểu Thừa, Nguyên Hải dùng chữ Nguyên Thủyvà dùng chữ Phật Thừa thay chữ Đại Thừa…”.

Dù Toàn Không và Nguyên Hải có muốn thay Đại thừa, Tiểu thừa bằng những danh xưng khác như: Bắc truyền, Nam truyền, Nguyên thủy, Phật thừa. thì bản chất vấn đề vẫn thế, vẫn không thể làm thay đổi lịch sử, thứ lịch sử khắc nghiệt mà giáo pháp Nguyên thủy của Thế tôn phải gánh chịu bởi sự miệt thị của Đại thừa. Bất đắc dĩ tôi phải dẫn lại ở đây lời của cố HT Thích Minh Châu:

"Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch." (http://www.dieungu.org/D_1-2_2-69_4-471_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/ )

Buồn thay! ác ý của những nhà Bà-la-môn khi dùng danh từ Tiểu thừa gán cho lời dạy Nguyên thủy của Đức Phật lại được tìm thấy rất nhiều trong các văn bản rất quan trọng của Đại thừa như “Pháp hoa kinh”, “Đại thừa khởi tín luận” v.v… Thiện chí của Toàn Không khi muốn “tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị” cũng bất khả thi chừng nào những văn bản ấy còn tồn tại trong hệ thống kinh luận Đại thừa Phát triển.

Toàn Không ảo tưởng rằng: chỉ cần thay danh từ Đại thừa, Tiểu thừa bằng tên gọi khác sẽ “tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị”!?... Thích Nguyên Hải cũng đã làm như thế, nhưng lại đem những hiểu biết ấu trĩ ra để giải thích: Tiểu thừa chỉ là xe nhỏ, xe đạp 2 bánh!?. Đại thừa là xe vận tải 18 bánh, thuyền lớn chạy vù vù!?. Tiểu thừa chỉ là trình độ cử nhân, không thể so với Đại thừa là cao học, tiến sĩ!???. Chúng tôi không có chút mãy may hi vọng nào Toàn Không sẽ không đi vào vết xe đã đổ của Nguyên Hải…

Ngày nay, tên gọi “Đại thừa” vẫn chính danh, “Tiểu thừa” tuy bị loại dần ra khỏi các văn bản hành chánh Phật giáo, nhưng vẫn còn đầy ắp trong kinh luận Phát triển. Do đó, tư tưởng mang tính loại trừ giáo pháp Nguyên thủy của Đại thừa vẫn tồn tại, đã thâm căn cố đế trong đầu những Phật tử theo các tông phái Phát triển, biểu hiện qua tư duy tiêu cực như: “pháp nhỏ”, “xe nhỏ”, “tục đế”, “ích kỹ”, “tự độ”, “tiêu nha bại chủng” v.v… Toàn Không và Nguyên Hải đã quá ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ đơn giản thay đổi danh xưng “Tiểu thừa”, “Đại thừa” bằng những tên gọi khác sẽ làm thay đổi được bản chất của vấn đề???

Đó chính là hệ quả mà HT Thích Minh Châu đã phát hiện khi dịch kinh tạng Nikaya: “Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành”. Những lời tâm huyết của HT Thích Minh Châu dù có trích đi trích lại hàng triệu lần vẫn chẳng bao giờ thừa trước tình cảnh vàng thau lẫn lộn ngày nay…

Luận điểm đầu tiên Toàn Không muốn “phản biện” là phát biểu của HT TTL trong ĐVXP-Tập 8:

Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn; hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo, cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc”. 

Dòng chữ được Toàn không bold lên là điểm cần nhấn mạnh để “phản biện”. Chúng tôi tạm chia mạch văn trên làm 3 mệnh đề.

- Mệnh đề 1: Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn.

- Mệnh đề 2: Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo (được nhấn mạnh bold đậm)

- Mệnh đề 3: cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc. (kết luận)

Mệnh đề 1 và 2 được nối với nhau bằng câu “hay nói cách khác”…

Nhận định: Mệnh đề 1 là mệnh đề chính, mệnh đề 2 chỉ để diễn giải thêm… Lẽ ra Toàn Không nên “phản biện” mệnh đề 1, tìm nguồn tư liệu để chứng minh Đại thừa là chính thống, được chính đức Bổn sư Thich-ca Mâu-ni tuyên thuyết từ thời Nguyên thủy. Toàn không đã không làm được điều này, lại đi ôm mệnh đề phụ thứ 2: “Đại thừa là Bà-la-môn” để “phản biện”!?...

Bằng Phương pháp luận quy nạp máy móc, Toàn Không đã dẫn chứng từ nguồn tư liệu của các học giả không mấy tên tuổi, về vài điểm khác biệt giữa Đại thừa và Bà-la-môn giáo như Thượng đế, Phạm thiên v.v… từ đó đi đến kết luận: Đại thừa khác Bà-la-môn giáo!.

 Sẽ rất ngây thơ khi nghĩ rằng, vì Bà-la-môn tin Thượng đế, Phạm thiên v.v… còn Đại thừa thì không. Từ đó dẫn đến kết luận: Đại thừa không phải là Bà-la-môn giáo!... Về điểm này, ý kiến của tác giả Như Pháp trong bài “Đại thừa là Bà-la-môn hay Ki-tô giáo” rất xác đáng: “Đây là nói về hiện tượng, là sự biến thái tiệm tiến, là hòa để hóa trong điều kiện khả thể, là lưu danh nhưng chất đã biến bởi các yếu tố ngoại lai… v.v…”

Quả đúng thế, danh gọi “Đại thừa Phật giáo” vẫn được bảo lưu, nhưng chất đã bị thay thế bởi các yêu tố phi Nguyên thủy… “Hòa để hóa” có nghĩa là thỏa hiệp trước, sau đó chờ thời cơ thuận lợi để đồng hóa, nhưng không phải một sớm một chiều, mà là tiệm tiến theo suốt chiều dài lịch sử của nó… Bà-la-môn hóa giáo nghĩa Nguyên thủy để rồi sau đó khoác lên mình một chiếc áo mới: Đại thừa! ngụy trang khéo đến nỗi thoạt nhìn vào sẽ không thấy Bà-la-môn nên lầm tưởng Đại thừa cũng do chính Đức Phật tuyên thuyết…

Nói Đại thừa là Bà-la môn chính là nói về sự tương quan siêu hình tưởng giữa hai tôn giáo này. Gọi là “siêu hình tưởng” bởi quan điểm siêu hình do tưởng tri mà có. Trong giáo thuyết Nguyên thủy, không hề có yếu tố siêu hình tưởng nào. Đạo Phật Nguyên thủy đơn giản chỉ là một nền “Đạo đức Nhân bản - Nhân quả”, rõ ràng cụ thể, không mờ hồ trừu tượng, ai cũng có thể hiểu, đúng như lời Phật dạy trong kinh Tương Ưng: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì có nói láo trong Ta.”

Nếu có một giáo thuyết mang tính siêu hình nào đó được gọi là “đạo Phật”, dứt khoát đó là “ngụy đạo Phật”. Siêu hình Bà-la-môn là điều không cần bàn. Nhưng với Đại thừa, có yếu tố siêu hình không? Câu trả lời khẳng định: không những có, mà có rất nhiều. 

Ví dụ: kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thế giới thành tựu: “Thần lực Như Lai tạo lập thế giới”. Đây rõ ràng là quan điểm siêu hình tưởng của tôn giáo Thần ngã. Nó chẳng khác gì với quan niệm “quyền năng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ” hoặc Brahman là tất cả, vũ trụ đều quy kết và phát sinh từ ngài”. Nếu Toàn Không không “phản biện” được điểm này thì phải thừa nhận câu của HT TTL: Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp Bà La Môn” là hoàn toàn chính xác. 

Trong bài viết của mình, Toàn Không đã cố gắng chứng minh Đại thừa không dạy những điều thần bí. Nhưng để biện minh cho điều này, tác giả lại rơi vào những lý luận siêu hình mà không tự biết. Trái ngược với tinh thần giáo pháp Nguyên thủy, một giáo pháp “không có thời gian đến để mà thấy”. Những điều Đức Phật dạy thiết thực, nói ra là hiểu ngay, ví dụ Ngài dạy chân lý về KHỔ, ai cũng có thể hiểu được ngay đời đúng là bể khổ, chân lý về TẬP, DIỆT, ĐẠO cũng thế, cụ thể rõ ràng, không mơ hồ trù tượng.

Hoàn toàn khác với mớ lý luận siêu hình của Toàn Không, cũng là những khái niệm Phật giáo như nhân duyên, nhân quả, chơn như, niết bàn… Nhưng bằng lý luận siêu hình, mới nghe rất hay, rất cao siêu, nhưng muốn hiểu, phải vận dụng tưởng tri mới hiểu! Đó là điều mà Đức Phật không chấp nhận: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì có nói láo trong Ta.”

Đoạn văn dưới đây được Toàn Không dẫn lại từ bài viết của Như Thị:

 “Còn Phật giáo Bắc Truyền luận rằng Không tánh là thực tánh của các pháp, vì là không tánh nên quy luật nhân duyên được vận hành và trở thành năng lực chi phối sự vận động của các pháp; sự chuyển vận này làm thành các hệ quả mà sanh trụ dị diệt, có, không … là những biểu tướng phải xảy ra.”

Chúng tôi hiểu rằng, tác giả muốn nói đến học thuyết “Duyên Sanh Tánh Không”. Đó là học thuyết siêu hình tưởng phi Nguyên thủy. Đức Phật không hề dạy “Không Tánh là thực tánh của vạn pháp”. Đạo Phật không gì khác hơn là một nền Đạo đức Nhân bản Nhân quả. Nhờ sống một cuộc sống đạo đức phạm hạnh, hiểu rõ được lý nhân quả và làm chủ được nó, cũng có nghĩa là làm chủ nghiệp lực. Như thế là giải thoát, đơn giải chỉ có thế!.. Cho dù Toàn Không có chứng minh được Đại thừa không phải là Bà-la-môn chăng nữa, cũng không thể chứng minh Đại thừa là chính thống bởi những luận thuyết siêu hình không do Phật dạy như “Duyên Sanh Tánh Không”.

Cũng cần phải nói thêm, “Không tánh” là thuật ngữ mà ta có thể tìm thấy trong kinh Tiểu không (Cùlasunnata sutta) thuộc Trung bộ kinh, nhưng nghĩa của nó hoàn toàn không phải là “thực tánh của các pháp”.

Đại thừa không nói “Không tánh” mà chỉ nói “Tánh không”. “Tánh Không” trong “Duyên Sanh Tánh Không” của học thuyết Bát nhã, hoàn toàn khác xa với “Không tánh” trong giáo nghĩa Nguyên thủy.

Nếu đây không phải là một nhầm lẫn sơ đẳng thì chính là sự cố tình đánh tráo khái niệm thiếu lành mạnh của tác giả giữa “Không tánh” trong kinh Nguyên thủy với ”Tánh không” của ngài Long Thọ!... Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này khi có dịp...

Như đã nói ở phần trên, lẽ ra Toàn Không phải “phản biện” mệnh đề 1: “Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống…”. Toàn Không lại bám vào mệnh đề phụ thứ 2: “hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo”, để dẫn đến kết luận:lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo là không có cơ sở”. Câu kết luận này hoàn toàn vô nghĩa… 

Phần còn lại nói về “Thiền đông độ”, một sản phẩm tôn giáo Trung Hoa chính hiệu. Chúng tôi chưa muốn nói đến sự truyền thừa ngụy tạo “Niêm hoa vi tiếu”, chưa cần phải nhắc đến sự phá giới phá đạo của các Thiền sư. Chỉ muốn nhắc cho Toàn Không nhớ một câu, được cả xã hội Trung Hoa thừa nhận, đã in sâu vào ý hệ nhiều tín đồ, kể cả giới học giả cũng thừa nhận, một câu đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước: “Tam giáo đồng nguyên”, nghĩa là Phật, Khổng, Lão cùng chung một cội nguồn. Chừng nào câu nói ấy còn tồn tại, thì nhận định của HT.TTL vẫn còn nguyên giá trị. 

Nhân đây cũng có đôi lời xin thưa cùng độc giả. Nếu độc giả nào đã có duyên đọc bộ sách ĐVXP của HT TTL. Xin chú ý, do nhân duyên có thưa hỏi mà Ngài trả lời. Đó là một thứ văn nói, không phải văn viết… Bằng trực giác của một hành giả, câu trả lời cô động, trỏ thẳng vào những điểm chính, vắn gọn trong ngữ cảnh người hỏi. Hoàn toàn không có tiêu chí của một bài văn viết. Nếu ai đó nuốn lấy các tiêu chí của một “công trình nghiên cứu học thuật” theo kiểu học giả để phê bình lời nói vắn gọn của một hành giả thì chỉ là chém một người rơm do tự tay mình dựng lên… Nếu muốn phê bình HT TTL, chỉ có mỗi điểm duy nhất, đó là lời nói bộc trực dễ mếch lòng, lời nói thực đến mức trần trụi khiến va vào là choáng, như từ “lừa đảo” nằm trong chính câu mà Toàn Không cố bám vào để “phản biện”… 

Khi chúng tôi vừa xong sơ thảo bài này, Toàn Không đã cho lên mạng bài thứ 2. Đọc qua, cảm giác nói chung là: chán!... Cái gọi là “phản biện” thực ra chỉ là sự góp nhặt từ những (...) Chúng tôi sẽ cố đợi Toàn Không lên tiếp thêm vài bài nữa rồi sẽ nhận định chung cùng một lượt.

Trân trọng kính chào!


Ý kiến bạn đọc
29 Tháng Ba 202023:32
Khách
"Không tánh là thực tánh của các pháp, vì là không tánh nên quy luật nhân duyên được vận hành và trở thành năng lực chi phối sự vận động của các pháp; sự chuyển vận này làm thành các hệ quả mà sanh trụ dị diệt, có, không … là những biểu tướng phải xảy ra"

Quý vị à! Quý vị có biết là quý vị đang nói cái gì không, ý thức quý vị không hiểu dc thì làm sao dc gọi là chánh kiến. Còn hiểu bằng tưởng thức có phải là tưởng giải không ? Lý luận trừu tượng uồn éo như con rắn, quý vị nào đẫ có tánh không rồi xin cho tiểu đệ tham khảo.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6520)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.