Ánh Xạ Của Văn Hóa

25 Tháng Hai 201400:00(Xem: 10298)

ÁNH XẠ CỦA VĂN HÓA
Nguyên Cẩn

Nói đến văn hóa, nhiều người nghĩ ngay đến những định nghĩa cầu kỳ, phức tạp, trừu tượng, những khái niệm ở tầm “vĩ mô “ như bản sắc văn hóa, như hiện tượng xã hội, hay những giá trị truyền thống; nhưng cũng có khi bình tâm, nhìn lại ta thấy văn hóa hiện ra như một thứ kính vạn hoa có thể soi chiếu, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống.

chua_bai-dinh-content
Chùa Bái Đính

 Đức Phật và Sacombank

Có một giảng viên Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ, vốn là người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, nhân ngày đầu năm hỏi học viên lớp mình: Trình bày một khía cạnh của văn hóa Việt Nam và cho biết giá trị nền tảng của nó? Khi các học viên còn đang lúng túng, ông ta hỏi tiếp, “Tại sao các bạn đi chùa đầu năm?”. Sau đó ông đưa ra nhận xét: “Các bạn xem Đức Phật chẳng khác nào Sacombank, bỏ ra ít tiền lẻ, cầu mong lấy lãi thật nhiều(!)”. Ông ta ngờ rằng ít có ai thật sự không cầu mong giàu có trong ngày đầu năm khi đến cửa chùa… Nhận định ấy đúng hay sai?

rai_tienThử đọc vài trang báo đầu năm: “Hàng trăm mét kéo dài từ ngoài đường vào tận cổng chùa Đậu, không biết cơ man nào là lều bạt dựng lên, dây buộc tứ tung…. Mùi cá nướng, mùi dầu mỡ đặc quánh không gian chùa… không riêng gì các cô cậu choai choai, ngay cả những người được gọi là trưởng thành cũng váy ngắn cũn cỡn, guốc cao gót lộc cộc vào chùa. Có cơ quan tổ chức đi chùa,đàn ông đàn bà nói chuyện cứ oang oang như ở nhà… Tôi nghe được những lời khấn khứa, xin xỏ của họ: ‘Xin người ban lộc ban tài, ban cơm ban áo, ban gạo ban tiền, cho nhiều người trong gia trung chúng con có lộc có tiền có danh có tiếng có nhà có xe…’. Một bà ủ rũ: ‘Con mới cho người ta vay lãi, bốn tháng nay chưa lấy được đồng nào, đến đòi tiền thì nó không trả, xin Ngài phù hộ độ trì cho con lấy lại được tiền, cho những đứa vay tiền của con mà không trả đi tàu chết tàu, đi xe chết xe…’” (Sơn Nam Thương – bài Những đồng tiền lẻ trên tay Đức Phật, báo Tuổi Trẻ và Đời Sống 2.2.2012).

Đi đến bất cứ lễ hội nào như lễ hội chùa Hương, Bà Chúa Kho, Yên Tử, Đền Hùng… đều có dịch vụ sắp lễ thuê, thậm chí cúng thuê. Những quầy hàng bầy la liệt, sát nhau lấn chiếm cả các lối đi lên di tích khiến cho quang cảnh linh thiêng trở nên bụi bặm, chợ búa, khó chịu và thực sự mất mỹ quan. Sau Tết Nguyên đán, ở Khu di tích Đền Hùng, từ cổng chính dẫn lên khu di tích có đến hàng chục phụ nữ cầm những xấp tiền giấy loại 200, 500 đồng mời khách đổi tiền để dâng lễ, mời mua đồ lễ. Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ trăm trứng, khu nội điện chật ních người dâng lễ với các mâm ngũ quả đầy đặn bắt mắt. Vào chính hội thì thảm cảnh chen lấn còn khốc liệt hơn nhiều. Ai cũng muốn mình đặt được một vài tờ tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng lên ban thờ dù những hòm công đức được bố trí ở khắp nơi, lại có bàn ghi công đức có người trực cả ngày. Nhưng bàn ghi công đức rất vắng lặng. Ở giếng cổ, tương truyền là nơi tắm cho các con của mẹ Âu Cơ, người ta cũng ném tiền lẻ xuống làm tiền vãi tứ tung, rồi các hiện tượng như nhét tiền vào kẽ chân thần linh, thánh tượng, hay các biểu tượng trang trí, ngẫu tượng… Ở chùa Mía (Sơn Tây), các tượng thánh cũng chịu chung “kiếp nạn”, bị nhồi nhét tiền lẻ vào kẽ tay. (thoisuphatphap.worldpress.com)

Về mặt kinh tế, theo một thống kê, tỷ lệ trung bình của tiền lẻ được một người dùng vào dịp Tết Nguyên đán thông thường như sau: đặt lễ ở đền chùa chiếm gần 75%, dùng vào việc mừng tuổi, làm từ thiện chiếm 20%, chi trả ở siêu thị và chợ chỉ chiếm trên 5%. Như vậy, một lượng tiền lẻ rất lớn đã không thực sự tham gia trong cơ cấu lưu thông tiêu dùng thông thường. Sự gia tăng những đồng tiền mệnh giá nhỏ không những làm tốn kém về khối lượng vật tư in ấn cho ngành ngân hàng, mà còn làm dư thừa, mất cân đối nghiêm trọng theo vùng và nhịp độ thời gian lưu thông tiền lẻ trong năm.

Vì thế, kho tiền của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, bên cạnh những bao tiền cũ đã quay nhiều vòng trong lưu thông có một lượng lớn là các bao tiền mới chỉ được sử dụng một lần. Vào thời gian cao điểm của mùa lễ hội, tiền lẻ về nhiều đến nỗi kho của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội chẳng thể chứa nổi.

Ngay tại khu vực chùa Hương, vào mùa lễ hội đâu đâu cũng thấy bạt ngàn tiền lẻ. Tiềm thức cúng dường, tiền giọt dầu để cầu may, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc được hiện hữu bằng việc người dân rải tiền khắp mọi nơi. Từ tay Phật, tay thánh, ban thờ thậm chí là gieo luôn dưới chân mình khi không chen chân được vào trong bàn để lễ. Đền Bà Chúa Kho và nhiều đền chùa khác như chùa Bái Đính, Yên Tử, phủ Tây Hồ… đâu đâu cũng một thảm cảnh tương tự. Những đồng tiền rơi vãi đặt không đúng chỗ, không chỉ làm mất đi cảnh quan trang nghiêm nơi cửa Phật mà còn làm xấu đi hình ảnh đồng tiền vốn được coi là một thương hiệu quốc gia.

Như vậy, nhận xét của giảng viên nước ngoài nọ về thứ văn hóa cầu lợi cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Phải chăng đó chính là biểu hiện của một thứ tín ngưỡng “lệch lạc” suy đồi. Ngoài ra, ta băn khoăn tự hỏi tại sao một đất nước như Campuchia có thể cấm du khách không mặc quần short, váy ngắn trên gối vào hoàng cung hay chùa chiền vì đó là phép lịch sự tối thiểu của một người có “văn hóa” (!), một sự tôn trọng đối với văn hóa và với chính tư cách cá nhân mình.

Văn hóa trên nòng súng hoa cải

Không biết tự lúc nào hay chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng người ta lại có thói quen dùng súng giải quyết những bất đồng khúc mắc trong quan hệ con người. Thì ra trong tâm thức người ta chiến tranh vẫn còn đó, ý niệm lấy bạo lực làm phương tiện giải quyết mọi vấn đề đang diễn ra ngày một nhiều. Không ngày nào không có những chuyện như vào quán, nhìn nhau thấy khó ưa là “xử“, va chạm giao thông, không cần đôi co, “giải quyết” luôn bằng dao, hận tình cũng thanh toán, thậm chí anh chị em trong nhà hậm hực vì hành vi lối sống của nhau cũng gài chất nổ phanh thây…

Cả đến quan hệ chính quyền-nhân dân cũng nhuốm màu bạo lực mà vụ cưỡng chế đất của dân ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đang là đề tài “nóng” bàn tán khắp nơi khiến đích thân các quan chức cao cấp phải tham gia giải quyết. Lý do chỉ vì các bậc phụ mẫu của dân sử dụng vũ lực quá đà khiến người dân bất mãn và họ cũng không vừa khi gây sát thương cho 6 công an viên…(!).

Người ta không còn dùng lời nói, ngôn ngữ để giao tiếp, thậm chí tranh luận để tìm ra chân lý mà vội lao ngay vào vũ lực như một kế sách giải quyết nhanh gọn nhất nhưng cũng “tàn bạo” nhất dù đó là cách giải quyết hoàn toàn không “văn hóa” vì không dùng ngôn ngữ. Ta hiểu “Văn hóa là một công cụ giao tiếp quan trọng. Chức năng giao tiếp là chức năng thứ ba của văn hóa. Nếu ngôn ngữ là hình thức của giao tiếp thì văn hóa là nội dung của nó; điều đó đúng với giao tiếp giữa các cá nhân trong một dân tộc, lại càng đúng với giao tiếp giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau và giao tiếp giữa các nền văn hóa” (Trần Ngọc Thêm, Bản sắc văn hóa Việt Nam).

Tình trạng bạo lực đang trở thành nỗi nhức nhối trong lòng mọi người khi ra ngoài đường hay ở nơi công cộng như sân vận động, quán xá… Chúng ta dần quen với thuật ngữ “bạo lực học đường, bạo lực sân cỏ, bạo hành gia đình…”.

Văn hóa thủ đoạn…

Đó là một cụm từ “khiên cưỡng” vì văn hóa mang tính lịch sử với bề dày thời gian và chiều sâu tâm linh thì không thể hàm nghĩa “thủ đoạn” được. Chúng ta tạm dùng để chỉ ra tình trạng thực giả mập mờ hiện nay ở mọi mặt. Cụ thể như xăng giả, gas giả, thuốc tây giả, phân bón giả… trừu tượng như bằng cấp giả, khai báo tài sản giả, nguy hơn là niềm tin, lý tưởng giả. Thậm chí người ta còn dùng “gia đình văn hóa, làng văn hóa dù bên trong có thể chưa hội đủ chất “văn hóa”.

Tính thủ đoạn ấy đang làm hại chúng ta khi hàng xuất khẩu bị nước ngoài kiểm định gắt gao như những mặt hàng thủy sản, nông sản… bị khách hàng hoài nghi về tạp chất, trọng lượng. Tính thủ đoạn ấy đang khiến du lịch Việt Nam chứng kiến cảnh du khách trong nước đi nước ngoài còn nước ngoài thì ngần ngại đến Việt Nam theo đường du lịch vì sự gian dối của taxi, việc chèo kéo của những người bán hàng, tình trạng lên giá bất thường, vô tội vạ của các loại dịch vụ… Tỷ lệ quay trở lại rất thấp:14% (?) .

Vì đâu và tại sao?

Chúng ta biết rằng văn hóa có tính lịch sử thể hiện ở chỗ nó bao giờ cũng hình thành trong một quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ.

Tính lịch sử của văn hóa được duy trì bằng truyền thống văn hóa. Truyền thống (truyền = chuyển giao, thống = nối tiếp) là cơ chế tích lũy và truyền đạt kinh nghiệm qua không gian và thời gian trong cộng đồng. Truyền thống văn hóa là những giá trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian và được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận… (Trần Ngọc Thêm, Sđd).

Truyền thống văn hóa tồn tại được nhờ giáo dục. Chức năng giáo dục là chức năng quan trọng thứ tư của văn hóa. Nhưng văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị đã ổn định (truyền thống), mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành.

Như vậy chúng ta có thể nói giáo dục hiện nay không hay chưa làm tròn sứ mệnh chuyển giao, đào tạo văn hóa, xây dựng những giá trị cốt lõi, tạo nền tảng cho việc hình thành nhân cách. Giáo dục phải làm nên sự khác biệt giữa một đứa trẻ sống trong gia đình, được đi học với một đứa bé sống trong rừng, trên hoang đảo, hay mồ côi từ nhỏ, thiếu tình thương và sự giáo dục ban đầu như ý nghĩa của từ “culture” (gieo cấy, chăm bón…).

Nếu nói bóng đá, văn chương hay lễ hội là ánh xạ của cuộc sống thì những biểu hiện của nó cũng chính là ánh xạ của văn hóa. Như vậy thì rất đáng báo động khi “gien” di truyền văn hóa dường như đang biến dạng hay đứt khúc, khi những giá trị đạo đức kế thừa đang phôi pha, thiếu liền lạc giữa các thế hệ. Có yếu tố khách quan do sự hội nhập thiếu chọn lọc, nhưng yếu tố chủ quan do giáo dục từ gia đình đến nhà trường đang… lệch hướng với dòng chảy của thời đại và dân tộc khi ta đang muốn xây dựng lại những thế hệ tim trong, óc sáng, ứng xử văn minh và biết trân trọng giá trị nhân văn muôn đời của dân tộc và nhân loại.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 147


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 11624)
Người tu nên dừng lại. Con thành tâm và xin 1 lần nữa được sám hối trước Tam Bảo khi nói điều này. Người xuất sỹ nên và cần rũ bỏ hào nhoáng bên ngoài. Chạy theo xe cộ, điện thoại, chùa to, Phật lớn,… là không đúng. Nhứng thứ đó Đức Thế Tôn không cần. Phật muốn người tu sỹ đặt Phật trong trái tim của mình. Cần xây những ngôi chùa trong trái tim của mình, trong tâm của mình.
21 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 11933)
là tăng sĩ theo Phật giáo đại thừa mà vẫn chưa ăn chay được là một thiếu sót về văn hóa ẩm thực, cần phải nỗ lực khắc phục để vượt qua. Vì thế, không thể nói rằng, đức Phật không cấm ăn mặn trong Phật giáo nguyên thủy nên tăng sĩ theo đại thừa được quyền ăn mặn
01 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6167)
Bài nghiên cứu của tác giả Trần Hồng Liên đã phản ánh thực trạng có vấn đề “chuyển đổi tôn giáo từ Phật giáo Nam tông sang Tin Lành đã và đang gây ra bất ổn định xã hội”. Vấn đề chuyển đổi tôn giáo lẽ thường chỉ xảy ra ở các đô thị lớn nhưng lại xảy ra ở một khu vực tưởng chừng như bất khả xâm phạm của Phật giáo ở Việt Nam. Đây cũng là gióng lên một tiếng chuông cảnh báo cho giới Phật giáo, nhất là các nhà lãnh đạo Phật giáo từ trung ương đến địa phương.
03 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5106)
Thiết nghĩ,một người phật tử học phật chân chính nên dùng lòng từ bi và trí tuệ của mình để tìm hiểu quán chiếu và không nên có những phán xét tùy tiện…chính sự phán xét đó, dù vô tình hay cố ý, sẽ khiến Phật giáo chia rẽ mất đoàn kết,phá vỡ sự hòa hợp của tăng đoàn
22 Tháng Mười 2015(Xem: 8068)
Nói cách khác cho đến thời điểm hiện nay chỉ có hai tháp xá lợi Phật được khai quật là Ca Tỳ La Vệ và Tỳ Xá Li là đang còn. Xá lợi được truyền bá tại Miến Điện, Tây Tạng, Thái Lan, Lào, Campuchia chỉ là Xá lợi niềm tin vì chưa được giám định ADN, xác định gen di truyền và chưa kiểm định C14 để xác định niên đại. Xá lợi niềm tin thì không có gì để tin được.
21 Tháng Mười 2015(Xem: 22746)
Trong số những bài góp ý liên quan đến bài "Về Tôn Xưng "Pháp Vương", chúng tôi nhận thấy cần post lên đây hai bài đáng quan tâm đến vấn đề: một bài gần như đồng quan điểm với những lời phát biểu của quý Hòa thượng lãnh đạo cấp cao Trung Ương Giáo Hội (bài của GSTS. Trần Kiêm Đoàn) và bài kia, dù được loan tải trên kênh chính thức của giáo hội nhưng lại có những quan điểm trái chiều (bài của Cư sĩ Giới Minh)
11 Tháng Mười 2015(Xem: 29362)
Hiện tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
08 Tháng Mười 2015(Xem: 9189)
Sau khi bài viết “Chùa chết” của tôi được nhiều bạn đọc được, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi. Thành tâm biết ơn sư quan tâm của các bạn. Nay tôi quyết định đi sâu thêm 1 chút nữa, chỉ 1 chút và động đến 1 góc nhỏ thôi ạ. Chuyện chùa chết thì đã rõ. Nhưng ai là người giết chùa.
03 Tháng Mười 2015(Xem: 8441)
Tôi nhận được email, nhắn tin, điện thoại mỗi ngày. Nhiều lắm. Trong số đó có những thắc mắc, những trăn trở và đây là một trong rất nhiều số đó. “Con xin phép hỏi thầy 1 câu ạ: các nhà sư khi xuất gia (đã thành đại đức và là trụ trì 1 ngôi chùa) thì có được phép ăn mặn và uống rượu bia không ạ. Vì con có tìm hiểu và biết rằng Phập Pháp rất tốt cho bản thân con và những người xung quanh nên con có tham gia 1 câu lạc bộ Phật tử ở tỉnh Nam Định (quê con ạ) và có theo 1 thầy đại đức. Nhưng hóa ra con mới biết là thầy không ăn chay mà cũng thi thoảng uống rượu, bia. Theo thầy Hùng thì con có nên theo thầy đại đức này không ạ?”
30 Tháng Chín 2015(Xem: 7789)
Phật giáo Việt Nam cần phải có những bước đi cụ thể gì để thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, quay lại với đạo Phật có nguồn gốc lịch sử sâu đậm?