NHỮNG BÀI VỀ MẸ NHÂN MÙA VU LAN, BÁO HIẾU

29 Tháng Tám 201720:53(Xem: 4769)
blank
NHỮNG BÀI VỀ MẸ 
NHÂN MÙA VU LAN, BÁO HIẾU
nguyễn thị lệ mai
MẸ NÓI CON NGHE
 
Mẹ ơi! Con vốn ở nơi đâu?
Con đã đến đây tự chốn nào?
Rồi con sẽ đi về đâu nữa?
Mẹ biết không? Mẹ hãy nói mau!
 
Để mẹ ôm vào lòng con nhé,
Sẽ kể cho con tỏ ngọn ngành,
Con mãi là Con Yêu Của Mẹ,
Dù cho vạn vật có tan tành!
 
Mẹ biết con: dáng của đất trời,
Lang thang trong gió thảnh thơi chơi,
Hôm nao chán mỏi không đùa nữa,
Con mới vào trong bụng mẹ ngồi!
 
Lâu xa vào dạo mẹ thơ ngây
Con quẩn quanh bên mẹ suốt ngày,
Con là ngọn đèn, sách vở học,
Vắng con, ắt mẹ bị la ngầy!
 
Khi còn con gái tuổi hoa niên,
Lúc ấy con là giấc mộng hiền,
Mẹ dệt con trong từng khát vọng,
Mong gặp hoài thuở mẹ lớn lên...
Mẹ nhìn con ở ngọn lá xanh,
Dù úa khô chẳng muốn xa cành,
Rừng sâu ngợp mắt vì kiêu hãnh,
Trời chi cao rọi nắng long lanh…
 
Có lẽ con là ánh trăng khuya,
Đêm nao sang gối mẹ thầm thì,
Giấc ngủ cô liêu thời mới lớn,
Như buồn vui, có con sớt chia!
 
Con thấp thoáng trên nghìn lá cỏ,
Hạt sương đọng ngọc xoá niềm đau,
Nắng lên con bốc thành hơi nhẹ,
Ủ trong tim mẹ mãi dài lâu…
 
Mẹ gặp con trong ngày hội lớn,
Trần gian nào có lắm cuộc vui,
Nước mắt nụ cười ai pha trộn,
Con đã tan theo tiếng ngậm ngùi…
 
Mẹ đợi con vào buổi yêu đầu,
Run run trong tiếng gió lao xao,
Ai thoáng vờn ngoài khung cửa sổ,
Bỗng thẹn thùng nhắc chuyện cau trầu…
 
Mẹ thấy con nằm trong tiếng nấc
Đêm xưa máu ứa cuộc tình điên
Hoàng hôn lạnh bến đò hiu hắt,
Rắc mưa động chớp mạn thuyền chênh…
 
Tháng ngày rải phấn trên đầu tóc,
Mẹ gặp con từng bữa cơm ăn,
Niềm vui lượn vòng quanh bếp lửa,
Quên cả trời đông lẫn nhọc nhằn,
 
Chắc hẳn con nằm trong buồng phổi,
Ngày cùng đêm mẹ thở phập phồng,
Con biến máu đen thành máu đỏ
Không con e máu cũng phai hồng…
 
Có lẽ con là người viễn khách,
Chỉ dừng chân để nghỉ phút giây,
Tâm hồn mẹ vẫn là bóng mát,
Bảo bọc con khỏi những dạn dày…
 
Con là hết thảy vũ trụ này,
Có con - mẹ mới sống mê say,
Thơm tho chi lắm trò cơm áo,
Sắc màu phố chợ mẹ nào hay!
 
Hôm nao - con vượt ngoài khoảnh khắc,
Mẹ sẽ theo đến tận Vô Biên,
Không gian bụi vỡ nghìn tia nắng,
Khói sóng chiều sông đọng nỗi niềm…
 
Con là Tất Cả, con hiểu chưa?
Mẹ yêu con nói mấy cho vừa,
Cái Tất Cả vẫn là Cái Một,
Ẩn trong lòng mẹ tự xa xưa….
 
LỜI MẸ DẶN
 
Mẹ dạy con bập bẹ tiếng đầu lòng
chỉ nói Nam - Mô - A - Di - Đà - Phật
Nam- Mô- A- Di- Đà -Phật !
 
trong bước đầu dù câu được câu mất
con bền lòng cố ráng tập cho quen
suốt ngày xưng danh hiệu thiêng liêng
như tha thiết ... gọi tên người thân mến !
 
dù con được cưng chiều ẵm bế
dù quanh con lắm kẻ yêu thương
tuy say sưa với trái mộng tẩm đường
vẫn khắc khoải điều thiêng liêng bí ẩn
 
tuy đắm đuối vì má hồng nhan sắc
vẫn quay cuồng vì tiếng gọi vô thanh
tuy thao thức vì câu hỏi siêu hình
vẫn cầm tay với nồng nàn yêu dấu
 
Tròng danh lợi vẫn buộc hoài trân tráo
bả áo cơm là lưỡi hái tử thần
dẫu nhiều lần lảo đảo giữa gian nan
cố gượng dậy, không gục đầu ngã quỵ !
 
chớ chấp nhận giam đời trong ủy mị
mà lãng quên niềm hạnh phúc tâm linh       
mẹ dạy con, hay răn nhắc chính mình ?
cứ niệm Phật, mặc cuộc đời bức ngặt !
 
Trong chua xót, hãy chảy dài nước mắt
tự dỗ mình bằng khúc hát Tri Ân
chớ để tim mòn mỏi giữa canh tàn
hãy tiếp máu suối nguồn Vô Lượng Thọ !
 
Chớ mê mãi theo niềm vui bé nhỏ
Mà đành quên miền Cực lạc Tây phương
Chớ lịm tan theo lắm nỗi chán chường
Mà chối bỏ niềm tin ngà ngọc
 
Chớ giẫy chết trong gai đời thảm khốc
Mà làm phai bản thể vốn trong veo
Chớ thụt lui trước nghịch cảnh hiểm nghèo
Mà phủ nhận đấng Từ Tôn duy nhất !
 
Gió ta-bà làm chúng sanh cay mặt
cặp mắt mờ, ai thấy được chi đâu ?
trông quê xưa mà ứa lệ dàu dàu
xin cứu vớt tâm hồn này xơ xác !
 
chớ để mình rụi tàn trong ô trược
hãy chùi khô trăm vạn vết đau thương
xin được về nơi cảnh giới chơn thường
trong danh hiệu
Nam mô A Di Đà Phật …
 
RỬA KHU CHO CON
       
Xong chưa, sao cứ ngồi hoài ?
để me chùi đít cho trôi phẩn nồng
            thế gian toàn việc lông bông
            uống, ăn, ngủ, nghỉ trong vòng u mê
           
me còn lắm việc bộn bề
            sanh ra đâu phải một nghề rửa khu?
 
DỖ CON
 
            Đêm nay mặt đất nóng hầm
Thôi đừng nổi chướng, con nằm đi con
Mẹ chừ sợi khói chon von
Ước mơ thôi cũng mỏi mòn cuộc chơi
 
Dỗ con quên hát à ơi
Bỗng dưng
niệm Phật
vang trời thênh thang !


ĐẬU KHUÔN KHO TIÊU.
 
 
Cu Dậu quyết tâm xuất gia. Mẹ đành đưa lên chùa làm chú điệu nhỏ. Học hỏi kinh luật. Chấp tác. Tập sự mọi việc để chuẩn bị trở thành người tu sĩ chính thức. Chùa nghèo, bữa cơm thường chỉ rau dưa đạm bạc. Do đó, chú điệu nào cũng thèm nhất món đậu khuôn.
Mẹ biết vậy, chiên mấy khuôn đậu rồi kho mặn, rắc tiêu thật nhiều và bới lên chùa.
Buổi trưa. Tất cả chú điệu đều quây quần ở nhà bếp. Bữa nay xúm xít quanh món ăn đặc biệt thơm lựng này. Điệu Dậu phân phát cho mỗi bạn đồng tu mỗi người một miếng nhỏ. Ai nấy đều cười hể hả.
Mẹ nhìn con. Đôi mắt rưng rưng.
   ***
Hơn hai chục năm sau.
Điệu Dậu bây giờ là một vị Thượng tọa uy tín và đức độtrụ trì một ngôi chùa danh tiếng trong tỉnh. Công việc hoằng pháp vô cùng bề bộn, nên ngài ít về thăm mẹ. Không hiểu ngài còn nhớ tới món ăn đắc ý nhất của thời hành điệu hay chăng?
Bà mẹ già vẫn nhớ con, chiên mấy khuôn đậu rồi kho mặn, rắc tiêu thật nhiều và bới lên chùa.
Buổi trưa, bà mẹ kịp tới sân chùa. Trong nhà Tổ sắp kết thúc lễ cúng dường. Dáo dác đôi mắt. Tay bưng dĩa đậu khuôn kho tiêu. Bà mẹ không biết phải đặt vào chỗ nào?
Nhác thấy mẹ từ đằng xa, Thượng tọa đứng lên vái chào. Giọng nói bỗng nhiên khàn đục:
-  A Di Đà Phật! Cảm ơn mẹ…
Thượng tọa bưng dĩa đậu khuôn kho tiêu một cách trịnh trọng, kính cẩn, chậm rãi nâng lên cao, đôi tay run run:
- Thưa đại chúngcho phép tôi được dâng cúng chư vị món quà thiêng liêng này…
Nói xong, ngài gắp bỏ vào mỗi bình bát một miếng nhỏ. Ai nấy đều mỉm cườichắp tay:
A Di Đà Phật!
Thượng tọa gõ chuông. Bữa ngọ thực bắt đầu.
Mẹ nhìn con. Đôi mắt rưng rưng.
 
KHÓ KHĂN TẤT BẬT
 
Cha mất sớm. Mẹ làm ăn khó khăn tất bật, nên gởi Dũng nơi nhà trẻ từ sáng sớm.
Chập choạng sáu giờ chiều, cô giáo trực nhật cho Dũng một chén cơm nguội. ăn xong, nó ngồi trên chiếc ghế nhỏ bên hiên, mếu máo trông về phía cổng. Bóng tối và bầy muỗi vây quanh.
Chợt nghe tiếng xe đạp cọc cạch, nó vụt nhào ra, gào lớn:
- Mẹ ơi!
Người con khóc. Và người mẹ cũng khóc.
* * *
Lớn lên, người mẹ bán nửa mảnh vườn, giúp con vượt biên.
Ở Hoa Kỳ, Dũng đi làm mướn nhưng chịu khó đeo đuổi đại học. Rồi tốt nghiệp, được chỗ làm tốt, lương cao, và lập gia đình tử tế. Cuối cùng bảo lãnh mẹ già đoàn tụ.
Kinh tế xứ người đang suy thoái, nên sinh hoạt càng khó khăn tất bật hơn. Dũng gởi mẹ tại viện dưỡng lão, chỉ đến thăm vào mỗi cuối tuần.
Hôm nọ, mải vui say cùng vợ và bạn bè, Dũng quên bẵng mẹ. Khi chợt nhớ thì trời đã quá khuya, Dũng bươn bả lái xe tới viện dưỡng lão.
Một bà già Việt Nam đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ bên hiên, lặng lẽ trông về phía cổng. Bóng tôi và nhạc Jazz inh ỏi vây quanh.
Dũng vội thắng xe, xô mạnh cửa nhào ra, gào lớn.
- Mẹ ơi!
Người con khóc. Và người mẹ cũng khóc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tám 2014(Xem: 6627)
Tháng 7 Vu lan lại đến với những suy ngẫm về đạo hạnh và hiếu lễ của con người. Đại đức Thích Tâm Hải - phó ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN - đã dành cho TTCT một cuộc trò chuyện về chủ đề này.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 6238)
“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần, rồi mùa xuân đến, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây bay qua trần gian, ôi mẹ của tôi. Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi,...” ; và hôm nay, những người con, người cháu của mẹ đã thật sự mồ côi.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 5226)
Một Lễ Vu Lan nữa lại đến. Đối với người Việt Nam thì đây là một ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Vào ngày này, dường như ai cũng ra sức tìm cách báo hiếu với những bậc sinh thành hoặc ra sức thể hiện sự quan tâm đến những người thân đã quá cố. Và, khi cuộc sống vật chất của những người đang sống ngày càng no đủ, sự quan tâm đến người quá cố vì thế cũng tràn đầy… vật chất.
08 Tháng Tám 2014(Xem: 5127)
Rằm Tháng Bảy là ngày Vu Lan / Ngày hạnh hiếu kính dâng Mẹ hiền / Mẹ vì con bao ngày tần tảo / Xả thân mình nuôi đàn con thơ / (Bài viết song ngữ)
08 Tháng Tám 2014(Xem: 6154)
Câu chuyện bắt đầu khi tôi còn là một đứa bé; Tôi là con trai của một gia đình nghèo. Chúng tôi luôn thiếu ăn. Khi nào đến giờ ăn, mẹ lúc nào cũng nhường phần ăn của bà cho tôi. Trong khi sớt cơm của bà sang chén của tôi, mẹ thường nói “ Ăn cơm đi, con trai của mẹ. Mẹ không đói.”
07 Tháng Tám 2014(Xem: 12891)
Cứ mỗi độ thu về, chúng ta lại có dịp cử hành lễ Vu Lan báo hiếu. Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người con hiếu thảo không ai là không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây là tuyển tập nhạc chủ đề Vu Lan và Mẹ…
06 Tháng Tám 2014(Xem: 6590)
Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ lớn cho những người con nước Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục của mình.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 6740)
Hôm ấy, tôn giả Sāriputta thấy đã hội đủ duyên thời nên cùng với hội chúng tỳ-khưu về quê nhà để ngài có dịp báo hiếu mẹ. Ngôi làng Nālakā cũng được gọi tên là Upatissa, trước đây bà-la-môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 5673)
“Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Cho nên, không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 6375)
Mùa Vu Lan, đọc báo trong nước thấy thiên hạ bây giờ bỗng khoái chuyện vàng mã hơn bao giờ hết. Một ông triệu phú miền Bắc chỉ trong một đêm đã đốt sạch 1000 con ngựa giấy và hình nhân trị giá 400 triệu đồng Việt Nam. Đổi sang tiền Mỹ, số vàng mã đó trên 20 ngàn dollar. Lại thêm một chuyện để suy nghĩ...