24-phước Trí Vô Tỷ

02 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 13049)

KINH KIM CANG
GIẢNG GIẢI

Hòa Thượng Thích Thanh Từ

ĐOẠN 24

ÂM :

PHƯỚCTRÍ VÔ TỈ.

Tu-bồ-đề! Nhược tam thiên đại thiên thế giới trung sở hữu chư Tu-di sơn vương, như thị đẳng thất bảo tụ, hữu nhân trì dụng bố thí. Nhược nhân dĩ thử Bát-nhã ba-la-mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trìđộc tụng, vị tha nhân thuyết, ư tiền phước đức bách phần bất cập nhất, bách thiên vạn ức phần nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập.

DỊCH :

PHƯỚC TRÍ KHÔNG GÌ SÁNH BẰNG.

Này Tu-bồ-đề, nếu trong tam thiên đại thiên thế giới có các ngọn núi Tu-di chúa, như thế dùng bảy báu nhóm họp bằng những ngọn núi Tu-di ấy có người mang ra bố thí. Hoặc có người đem kinh Bát-nhã ba-la-mật này cho đến bốn câu kệ v.v. thọ trì đọc tụng, vì người khác nói thì phước đức của người này đối với người trước, người này trăm phần, người kia không bằng một, trăm ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ cũng không thể bằng.

GIẢNG :

Lại một lần nữa đức Phật so sánh phước đức của người trì kinhKim Cang. Ngài bảo: Giả sử như trong tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu ngọn núi lớn Tu-di, có người đem bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v. chất bằng những quả núi Tu-di đó ra bố thí, lại có người ngay trong kinh Bát-nhã ba-la-mật này, cho đến bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng vì người nói thì phước của người này được một trăm phần, còn phước của người bố thí bảy báu đó không được một phần, cho đến người này được trăm ngàn muôn ức phần, người kia cũng không được một phần. Như thế để nói phước của người thọ trì đọc tụng và vì người nói kinh Kim Cang hơn phước của người kia không thể tính kể. Tại sao thế? Quí vị thấy thọ trì bốn câu kệ kinhKim Cang có khó không? Đọc tụng rồi vì người nói thì đâu có gì cực nhọc lắm. Tôi xin hỏi: Giả sử gom hết những ngọn núi trên nước Việt Nam mình thì khối lượng đó bao lớn? Chúng ta có vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v. bằng khối lượng đó đem ra bố thí thì quí vị nghĩ xem có nhiều không? Độ chừng bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, chúng ta tích tụ được vàng bạc, của báu bằng những ngọn núi đó? Thật không biết đời kiếp nào mà kể. Giả sử như ngay ngọn núi lớn Vũng Tàu, chúng ta phải làm trong bao nhiêu đời để có vàng đầy ngọn núi này, huống nữa là vàng bạc bằng bao nhiêu ngọn Tu-di để đem ra bố thí. Thế mà phước không bằng người thọ trì đọc tụng và vì người nói kinhKim Cang. Đối với kinh này, thọ trì đọc tụng vì người khác nói chỉ bốn câu kệ thôi, mà phước của người này một trăm phần, người kia không được một phần. Như thế quí vị chọn việc nào? Thọ trì bốn câu kinh Kim Cang ngay đời này chúng ta làm được không? Còn đem của báu bằng ngọn núi lớn, núi nhỏ Vũng Tàu ra bố thí thì bao nhiêu đời chúng ta làm được? Việc nào dễ làm? Việc thọ trì đọc tụng bốn câu kệ kinhKim Cang xem ra không khó phải không? Thế tại sao chúng ta không ưng làm việc đó? Muốn thọ trì, đọc tụng bốn câu kệ kinhKim Cang, quí vị nhớ xem phải làm sao?

Nếu nói kệ, trong kinhKim Cang có hai bài, một bài nói:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.

Hoặc bài cuối:

Nhất thiết hữu vi pháp,

Như,mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điện,

Ưng tác như thị quán.

Hai bài đó quí vị đọc trong bao lâu thì thuộc? Một lát thôi. Trì chừng bao lâu? Nhẹ thật là nhẹ phải không? Vừa nhẹ lại vừa dễ mà tại sao chúng ta không làm? Nhưng tôi xin nhắc lại: Thọ là nhận, trì là giữ, nhận giữ mãi trong lòng gọi là thọ trì, và lâu lâu đọc tụng, giảng nói cho người khác nghe.Nhưng nhận giữ như thế nào? Như tôi đã nói : Phật thấy tất cả chúng sanh không phải chúng sanh, do duyên hợp nên gọi là chúng sanh. Nếu chúng ta luôn luôn thấy như vậy, thấy mình, thấy người đều biết rõ là tướng duyên hợp không thật, do duyên hợp nên tạm gọi là ta, luôn biết như thế là trì kinhKim Cang. Như vậy có khó không? Quí vị thấy khó ư? Lúc nào, đi đâu cũng cứ như thế mà thọ trì, luôn luôn thấy rõ như thế, không phút giây nào lầm. Thọ trì như thế, quí vị từ con người phàm dần dần thành Thánh. Vậy tại sao không chịu thọ trì? Làm Thánh thì ưng mà thọ trì nhưthế thì không chịu. Quí vị hiểu tại sao không? Tại vô minh cứ che hoài, mới vừa nhớ một chút, kế lại quên, thấy ta thật, người thật, cái chi cũng thật, chớ nếu hằng nhớ, hằng thấy như lời Phật dạy, thấy mình là duyên hợp hư giả, người là duyên hợp hư giả thì quí vị nghĩ còn gì mà sân si, còn gì mà tham lam! Chỉ bao nhiêu đó thôi mà đã gần bậc Thánh rồi, huống nữa là đầy đủ bốn câu! Thế nên việc đó thật ra không phải là khó, nhưng vì chúng ta mê nên quên mãi.

Có nhiều người đến hỏi chúng tôi: Quí thầy ở đây lâu năm tu hành như thế nào? Tôi đáp: Chỉ có bài kinh Bát-nhã mà đọc hoài không thuộc, cứ quên tới, quên lui! Ở đây Phật nói ngắn hơn, chỉ bốn câu kệ thôi mà vẫn khôngthuộc. Nghĩa là ở đây coi như thuộc, bước ra khỏi chùa là hết thuộc, vì vừa ra khỏi là tính mai làm gì, mốt làm gì v.v. tính một hồi là quên mất câu kinh. Thế nên tất cả chúng ta đều quên, quên mãi, mà quên đó là mê. Vì thế đức Phật chỉ thật là kỹ: Dù cho chúng ta đem bao nhiêu của báu bố thí cũng không bằng trì bốn câu kinhKim Cang. Ứng dụng thọ trì bốn câu kinhKim Cang là phước hơn làm ra bao nhiêu của báu để bố thí. Thật ra nếu chúng ta nhận được lý đó để sống, tự nhiên chúng ta chuyển cả cuộc đời mình, chuyển từ cái thân giả dối trở lại cái chân thật. Còn bố thí của cải dù nhiều bao nhiêu đi nữa, sau này sanh ra mình hưởng, nhưng cũng vẫn ở trong sanh diệt. Thế nên khéo trì kinhKim Cang là đã chuyển mê thành ngộ, bỏ thân luân hồi sanh diệt trở về cái vô sanh, như thế phước đức không gì sánh bằng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9145)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8119)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9757)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9268)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..