- George Turnour (1799 -1843)
- F. Max Muller (1823-1900)
- Edwin Arnold (1832-1904)
- R. C. Childers (1838-1876)
- T.w. Rhys Davids (1843-1922)
- C.a.f. Rhys Davids (1858-1942)
- Robert Chalmers (1858-1938)
- Edward Joseph Thomas (1869-?)
- Bhikkhu Silacara (1871-1951)
- F. L. Woodward (1871-1952)
- Ananda Metteyya (1872-1923)
- Ven. Ernest Hunt (1876-1967)
- W. F. Stede (1882-1958)
- E.m. Hare (1893-1955)
- I. B. Horner (1896-1981)
- Christmas Humphreys (1901-1983)
- Dr. Edward Conze (1904-1979)
- Nanamoli Thera (1905-1960)
- Francis Story (1910-1971)
- Ven. Sangharakshita (1925- )
- Tài Liệu Tham Khảo Sources
CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC VÀ PHẬT GIÁO ÂU MỸ
HT. Thích Trí Chơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
EDWARD JOSEPH THOMAS (1869-?)
Edward Joseph Thomas sinh ngày 30-07-1869, con của một nhân viên làm vườn tại Thornhill Rectory ở Yorkshire (miền bắc nước Anh). Lớn lên, ông lập gia đình với một phụ nữ người Đức, nhưng không có con. Sau khi vợ ông qua đời năm 1920, ông sống một mình như vậy cho đến tuổi già.
Từ năm 14 tuổi, Thomas đã rời ghế nhà trường để mưu sinh bằng nghề làm vườn trong suốt 12 năm. Năm 1894, ông ghi tên học một năm về nghề làm vườn (gardener) tại trường Kew, sau khi ông đã có chứng chỉ nhập đại học Luân Đôn về các môn thực vật học, cơ giới, toán học, cổ ngữ La Tinh (Latin), Hy Lạp (Greek) và Anh văn.
Tại trường Kew, Thomas còn lấy được các chứng chỉ về môn vật lý, hóa học và nhiều ngành của thực vật học. Trong thời gian này, ông cũng dành nhiều thì giờ chú tâm vào việc nghiên cứu ngôn ngữ học.
Năm 1896, Thomas ghi tên học đại học St. Andrew, và dưới sự hướng dẫn của giáo sư tiếng Hy Lạp John Burnet, ông đậu bằng cao học (M.A.) hạng nhất danh dự về môn cổ điển (classics) vào năm 1900-1901. Ngoài ra, ông còn thi các môn toán học, luân lý triết học và cổ ngữ La Tinh.
Năm 1903, lúc 34 tuổi, Thomas vào học trường Emman- uel College, chuyên về ngôn ngữ học và đến năm 1905, ông tốt nghiệp cử nhân (B.A.) thuộc đại học Cambridge. Chính trong thời gian nghiên cứu về ngôn ngữ ở đại học Cambridge, ông đã học tiếng Phạn (Sanskrit), Ba Lị (Pali) và kinh điển Phật Giáo.
Năm 1909, Thomas được mời giữ chức phó quản thủ thư viện đại học Cambridge trong nhiều năm, nhờ vậy kiến thức về ngôn ngữ của ông ngày càng phát triển mọi mặt. Bấy giờ, nhiều tác phẩm viết bằng các thứ tiếng xa lạ, không ai đọc hiểu, người ta đều phải tìm đến nhờ ông giải thích.
Sau một thời gian phục vụ tại thư viện đại học Cam- bridge, Thomas được bổ nhiệm làm khoa trưởng Khoa Ngôn Ngữ Đông Phương (Oriental Languages Department). Năm 1940, ông về hưu liền được mời trông coi thư viện của Phân Khoa Đông Phương (Oriental Faculty) thuộc đại học Cam- bridge, và ông làm việc tại đây cho đến năm 1950.
Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ Văn Chương (D. Litt.) tại đại học St. Andrew, giáo sư Thomas được trường “Luân Đôn nghiên Cứu về Phi Châu và Đông Phương” (London School of Oriental and African Studies) nhận làm hội viên danh dự (Honorary Fellow).
Sự hiểu biết sâu xa, rộng rãi và toàn diện của Thomas về ngôn ngữ học, nhất là Phật Giáo, khiến cho Giáo sư Hector Chadwick bấy giờ đã hết lòng ngưỡng mộ và tuyên bố: “Ông là nhà bác học và là học giả thông thái nhất tại Cambridge” (He was erudite and the most learned man in Cambridge).
Với trình độ kiến thức về Đông Phương tuyệt luân như vậy, nhưng tánh tình ông lại rất bình dân và khiêm tốn, khiến mọi thân hữu ai cũng đều mến phục. Tuy biết nhiều ngoại ngữ, nhưng ít khi người ta nghe Thomas dùng tiếng ngoại quốc, dù là một câu ngắn, để nói chuyện với ai.
Trái lại, khi gặp người nào thắc mắc, không hiểu bất cứ điều gì về ngôn ngữ học cũng như giáo lý đức Phật, ông luôn sẵn sàng giải đáp, chỉ dẫn tường tận.
Giáo sư Das Gupta, trong lời tựa tác phẩm “Lịch sử Triết Học Ấn Độ” (History of Indian Philosophy), đã bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với học giả Thomas là người đã giúp đỡ cho giáo sư rất nhiều ý kiến bổ ích trong khi ông soạn viết bộ sử triết học nói trên.
Những Đóng Góp Cho Phật Giáo Của E. J. Thomas
Cùng với học giả La Valleé Poussin, giáo sư Thomas đã phiên âm tiếng Pali theo mẫu tự La Tinh (Romanized Pali) tập Maha-Niddesa (Đại Nghĩa Thích) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) gồm hai tập (Vols.) I và II; ấn hành vào năm 1916, 1917 và đã tái bản năm 1978.
Ngoài ra, dưới đây là những dịch và tác phẩm Phật Giáo của học giả Thomas:
1. Early Buddhist Scriptures, (Những bài kinh Phật Giáo nguyên Thỉ), dịch từ cổ ngữ Pali.
2. The Road to Nirvana (Con Đường Dẫn tới Niết Bàn), dịch từ Pali.
3. Ratana Sutta (Kinh Ratana), dịch từ Pali ra Anh văn.
4. The Quest of Englightenment (Đi Tìm Sự Giác Ngộ), dịch từ kinh điển Phật Giáo bằng tiếng Phạn (Sanskrit).
5. The Life of Buddha as Legend and History (Cuộc đời của đức Phật qua Truyền Thuyết và Lịch Sử), trước tác, xuất bản năm 1927.
6. The History of Buddhist Thought (Lịch sử Tư Tưởng Phật Giáo), trước tác, xuất bản năm 1933.
Thêm nữa, Thomas còn dịch từ Pali ra Anh văn nhiều kinh điển Phật Giáo khác, trong đó có một số dịch phẩm được ấn hành vào năm 1952.
Về lãnh vực phiên dịch kinh tạng Phật Giáo tiếng Pali, E.J. Thomas đã chứng tỏ không những là một học giả nổi tiếng tại Cambridge (Anh quốc) mà còn vang dội khắp cả Châu Âu và nhiều quốc gia khác.
Sau này, dù đến tuổi già 86, ông vẫn còn được những trường đại học yêu cầu giám khảo, chấm các luận án, tiểu luận Phật Học của các sinh viên; đọc phê bình những sách Phật Giáo; và liên lạc, đóng góp ý kiến, giúp đỡ cho nhiều học giả từ Hòa Lan (Châu Âu) đến Ấn Độ viết về những tác phẩm Phật Giáo của họ.