- George Turnour (1799 -1843)
- F. Max Muller (1823-1900)
- Edwin Arnold (1832-1904)
- R. C. Childers (1838-1876)
- T.w. Rhys Davids (1843-1922)
- C.a.f. Rhys Davids (1858-1942)
- Robert Chalmers (1858-1938)
- Edward Joseph Thomas (1869-?)
- Bhikkhu Silacara (1871-1951)
- F. L. Woodward (1871-1952)
- Ananda Metteyya (1872-1923)
- Ven. Ernest Hunt (1876-1967)
- W. F. Stede (1882-1958)
- E.m. Hare (1893-1955)
- I. B. Horner (1896-1981)
- Christmas Humphreys (1901-1983)
- Dr. Edward Conze (1904-1979)
- Nanamoli Thera (1905-1960)
- Francis Story (1910-1971)
- Ven. Sangharakshita (1925- )
- Tài Liệu Tham Khảo Sources
CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC VÀ PHẬT GIÁO ÂU MỸ
HT. Thích Trí Chơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
FRANCIS STORY (1910-1971)
Francis Story, có pháp hiệu là Anagarika Sugatanan- da, sinh ngày 3 tháng 8 năm 1910 tại Croyden, Sur- rey, Anh Quốc. Lúc nhỏ, ông học tại Manor House School ở Clapham và sau tại Đại Học Luân Đôn (London Uni- versity). Ban đầu, ông ghi danh học trường thuốc, nhưng rồi lại bỏ đổi qua học nhãn khoa. Sau này, nhờ học môn tôn giáo đối chiếu (Comparative Religions), ông hiểu biết Phật Pháp, và chính thức trở thành Phật tử năm ông 16 tuổi. Năm 1933, ông lập gia đình.
Khi thế chiến thứ hai (1939-1945) bùng nổ, ông gia nhập ngành quân y trong quân đội hoàng gia Anh Quốc và phục vụ tại Ấn Độ.
Trong thời gian này, ông được dịp viếng thăm vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên, và tại đây ông đã liên lạc, trở thành hội viên, tham gia hoạt động với Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society).
Do tiếp xúc, chứng kiến hằng ngày nỗi khổ đau của con người trong thời kỳ chiến tranh, ông muốn tự mình tìm ra con đường giải thoát cho chính bản thân cũng như góp phần làm vơi bớt nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh. Do đó, ông bắt đầu chú tâm học hỏi, nghiên cứu, thực hành giáo lý đức Phật, và phát nguyện tương lai sẽ nỗ lực đi hoằng truyền chánh pháp của đức Thế Tôn.
Thời gian đang còn phục vụ trong quân đội tại Ấn Độ, ông gặp phải biến cố rất đau buồn khi được tin vợ ông qua đời tại Anh Quốc. Ông trở về nước thu xếp việc gia đình, và dự tính dành hết cuộc đời mình sau khi vợ mất, cho công việc phụng sự Phật Giáo. Trong thời gian lưu lại Anh Quốc một năm, ông thường đến thuyết giảng giáo lý tại Hội Phật Giáo (The Buddhist Society) Luân Đôn.
Năm 1958, ông trở qua Ấn Độ tham gia hoạt động với Hội Ma Ha Bồ Đề ở Sarnath (Lộc Uyển). Ông phát tâm thọ giới, tập sống hạnh người xuất gia (không nhà cửa) với Thượng Tọa M. Sangharatana tại chùa Đại Giác (Maha Bo- dhi) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha Gaya), nơi đức Phật thành Đạo; và được đặt pháp hiệu là Anagarika Sugatananda. Thọ giới xong, ông tiếp tục lưu lại sống tại Lộc Uyển hơn một năm nữa để nghiên cứu Phật Pháp, tu thiền và dạy Anh văn cho chư Tăng, giảng sư của hội Ma Ha Bồ Đề.
Sau đó, vì khí hậu Ấn Độ khắc nghiệt, và ăn uống quá kham khổ, sức khỏe của ông bắt đầu suy yếu. Năm 1950, ông nhận lời mời qua Miến Điện để giúp thành lập “Hội Truyền Bá Phật Giáo Thế Giới tại Miến Điện” (The Burma Buddhist World Mission) có trụ sở chính với nhà phát hành kinh sách Phật Giáo thiết lập tại địa điểm số 7, East Block, Sule Pagoda, Rangoon.
Năm 1951, Sugatananda cùng với các thành viên trong Hội Truyền Bá Phật Giáo Thế Giới, và Đại Đức Lokanatha, một nhà sư danh tiếng người Ý Đại Lợi, thành lập một phái đoàn hoằng pháp đi từ Mandalay đến Rangoon (Miến Điện). Phái đoàn đã ngừng lại thuyết giảng giáo lý tại các thị trấn lớn có đông dân chúng cư ngụ. Chuyến đi hoằng pháp này của phái đoàn Sugatananda đã giúp củng cố, duy trì nền tảng đạo đức của dân tộc Miến.
Năm 1954, Sugatananda được đề cử giữ chức vụ Giám Đốc Hội Truyền Bá Phật Giáo Thế Giới nói trên. Nhiều tài liệu và kinh sách Phật Giáo do ông biên soạn được ấn hành gửi đi khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy mà Hội Truyền Bá Phật Giáo được các tổ chức Phật Giáo ngoài Miến Điện biết đến, và nhiều chi nhánh của Hội này cũng được thiết lập khắp nơi trong nước. Cũng trong năm 1954, Sugatananda được mời tham gia Ban Biên Tập tạp chí “The Light of Dhamma” (Ánh Sáng Phật Giáo). Đây là tạp chí do Viện Hoằng Đạo (Union of the Buddha Sasana Council) xuất bản định kỳ, ba tháng một lần, liên tục ấn hành trong những năm 1952-1963. Nội dung gồm nhiều bài nghiên cứu giáo lý giá trị, phần lớn do Sugatananda đóng góp.
Sau này, vì nhận thấy miến Điện không mấy thuận lợi cho công việc hoằng pháp, năm 1957 Sugatananda đi Tích Lan (Sri Lanka). Tại đây, thời gian đầu ông tổ chức thuyết giảng Phật Pháp trên đài phát thanh và nhiều nơi trong nước. Những năm sau, ông dành phần lớn thì giờ cho công việc biên soạn các sách Phật Giáo Anh ngữ, nhất là nghiên cứu về thuyết Luân Hồi. Ngoài ra, ông tích cực tham gia giúp Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Publication Society) tại Kandy (Tích Lan) về mọi mặt cũng như viết bài đóng góp thường xuyên để Hội cho ấn hành định kỳ các loại sách nhỏ (booklets) như “Pháp Luân” (The Wheel) và “Lá Bồ Đề” (Bodhi Leaves).
Về thuyết Luân Hồi, thời gian còn ở Miến Điện, Sug- atananda đã bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu các trường hợp của một số người có thể nhớ, thuật lại tiền kiếp của họ. Ông tiếp tục sưu tầm, viết nhiều bài về Luân Hồi và cùng với Dr. Ian Stevenson, giáo sư bệnh học tâm thần trường Đại Học Virginia (Hoa Kỳ) để nghiên cứu về các trường hợp của những người có thể nhớ lại đời trước của họ đã sinh sống tại Ấn Độ, Thái Lan và Tích Lan.
Năm 1968, do lời mời của Dr. Stevenson và sự tài trợ của Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ (American Research Foun- dation), Sugatananda đã thực hiện thành công chuyến đi du thuyết tại nhiều nơi khắp nước Mỹ về các đề tài liên quan đến Phật giáo và thuyết Luân Hồi.
Mặc dù hết sức bận rộn, làm việc tinh thần quá nhiều cho công việc hoằng pháp lợi sanh, Sugatananda cảm thấy sức khỏe của mình vẫn tốt cho tới đầu năm 1970, khi lần đầu tiên triệu chứng bịnh ung thư xương được phát hiện và ông phải vào điều trị tại các bệnh viện ở Kandy, Ratnapura và Colombo (Tích Lan). Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn Hoa Kỳ, vào giữa tháng giêng năm 1971, ông sang Anh Quốc điều trị. Sau một thời gian ngắn ở chùa Hampstead Vi- hara, ông đã thuyết bài pháp cuối cùng tại đây trước khi nhập bệnh viện Luân Đôn (London).
Được ít lâu, bệnh ông ngày càng phát triển nhanh chóng. Tháng 3 năm 1971, một bác sĩ danh tiếng ở Luân Đôn cho biết rằng bệnh ung thư xương của ông hết phương chạy chữa. Chỉ trong vòng mười hai tuần lễ, Sugatananda thấy rõ sức khỏe nơi thân mình sa sút hẳn.
Mặc dù bị cơn đau hành hạ khốc liệt, tâm ông vẫn sáng suốt, định tĩnh và an lạc như bạn ông đã viết: “Sugatananda đã trực diện với cái chết theo đúng tinh thần của một Phật tử chân chính với tâm hồn bình thản, sáng suốt, không chút sợ hãi, âu lo hay phiền muộn. Ngày 23 tháng 4 năm 1971, bệnh ông trở nên trầm trọng, rất nguy kịch và ông phải dùng ốc-xy (oxygen) để thở. Chiều ngày 24 tháng 4, người bạn giúp Sug- atananda dùng bữa ăn cuối cùng và đọc cho ông nghe những đoạn trong kinh Pháp Cú (Dhammapada). Mặc dù phải thở qua bình ốc-xy Sugatananda vẫn cố gắng thuyết giảng giáo lý cho những bạn bè đến viếng thăm ông. Ít lâu sau khi Su- gatananda dùng thuốc làm giảm bớt cơn đau, ông ta thiếp ngủ cho đến vào lúc 1 giờ sáng thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 1971, ông qua đời, hưởng thọ 61 tuổi”.
Một học giả Phật tử khác thường có mặt cạnh giường bệnh của Sugatananda cũng đã bày tỏ: “Những tuần cuối cùng trước khi vĩnh viễn từ giã trần thế, sự tỉnh thức và an lạc của Sugatananda thực là một nguồn khích lệ, nêu cao tấm gương sáng cho mọi người Phật tử chúng ta”.
Tin Sugatananda từ trần được các báo lớn địa phương như “The Times” và Daily Telegraph” đăng tải. Chư Tăng và Phật tử khắp nơi trên thế giới hay tin đều hết sức bàng hoàng, xúc động. Các tổ chức Phật Giáo ở Luân Đôn ngưỡng mộ Sugatananda đã sắp xếp, tổ chức lễ hỏa táng nhục thân của ông tại lò thiêu The Golders Green Cremetorium, Luân Đôn. Nhiều vòng hoa phúng điếu của các chùa, Hội Phật Giáo và Phật tử xa gần được gửi tới đặt xung quanh quan tài của Sugatananda tại lò thiêu Golders. Vòng hoa trang trọng, nổi bật nhất là một bánh xe Pháp, có tám căm, kết toàn hoa màu vàng nghệ trên nền trắng, có ghi dòng chữ phân ưu: “With affectionate memory of the noble life and work of the Anagarika Sugatananda. May he attain Nibbana” (Vô cùng tiếc thương, tưởng nhớ cuộc đời và đạo nghiệp hoằng pháp cao cả của Anagarika Sugatananda. Nguyện cầu ngài vãng sanh miền Cực Lạc).
Một bàn thờ Phật nhỏ được thiết lập giữa những vòng hoa. Sau khi Thượng Tọa Saddhatissa hướng dẫn chư Tăng kết thúc khóa lễ Cầu Siêu, linh cửu của Sugatananda, với vòng hoa hình “Pháp Luân” đặt ở trên, được di chuyển đưa tới lò đốt vào ngày 30 tháng 4 năm 1971.
Hiện diện tại buổi lễ hỏa thiêu, có đạo hữu Christmas Humphreys (1901-1983) và một số quý vị đại diện Hội Phật Giáo (The Buddhist Society) Luân Đôn; chư Phật tử chùa Phật Giáo Luân Đôn (London Buddhist Vihara), bà I.B. Horner (1896-1981), nguyên Hội Trưởng Hội Phiên Dịch Kinh Tạng Phật Giáo Pali (the Pali Text Society) và chư Tăng chùa Thái Lan tại East Shen, cùng rất đông thân hữu và nhiều Phật tử khác. Tro cốt của ngài Sugatananda được bỏ vào trong một chiếc hộp (casket) và các Phật tử đã gửi hộp tro này qua Tích Lan để lưu giữ, thờ tại tu viện Island Hermitage ở thành phố Dodanduwa là nơi mà hơn nửa thế kỷ qua nhiều Phật tử Tây Phương đã tới lưu trú, tu thiền và học hỏi Phật Pháp.
Về phương diện đóng góp cho văn hóa Phật Giáo, Su- gatananda là bút giả của nhiều bài viết và sách Phật giáo giá trị. Dưới đây là những tập sách nhỏ (Booklets) của ông do Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Publica- tion Society) tại Kandy (Tích Lan) ấn hành trong loại “Pháp Luân” (The Wheel):
1. The Case for Rebirth (Những trường hợp Luân Hồi), 1959.
2. Buddhist Mental Therapy (Phương Pháp Trị Liệu Tâm Thần của Phật Giáo), 1960.
3. The Four Noble Truths (Tứ Diệu Đế), 1961.
4. Early Western Buddhists (Những Phật tử Tây Phương đầu tiên), 1962.
5. Dialogues on the Dhamma (Đối Thoại về Phật Pháp), 1965.
6. Prayer and Workship (Cầu Nguyện và Lễ Bái), 1969.
Và trong ấn bản “Lá Bồ Đề” (Bodhi Leaves):
1. Of Gods and men (Thần Linh và Con Người), 1960.
2. Buddhist Meditaion (Thiền Định Phật Giáo), 1963.
3. The Places of Animals in Buddhism (Vị thế của loài vật trong Phật Giáo), 1964.
4. The Supreme Conqueror (Kẻ Chiến Thắng Vĩ Đại), 1968.
5. The Scientific Approach to Buddhism (Sự đến gần Phật Giáo của Khoa Học), 1971.
Ngoài ra, Sugatananda còn viết nhiều bài khảo cứu giúp cho Phật tử hiểu biết rõ hơn về giáo lý đức Phật đã đăng tải ở các tạp chí Phật Giáo Anh ngữ giá trị như The Maha Bodhi (Calcutta, Ấn Độ); The Light of Dhamma (Rangoon, Miến Điện); The Middle Way (London, Anh quốc); The Buddhist (Colombo, Tích Lan); The World Buddhism (Colombo, Tích Lan) và The Guardian (Rangoon, Miến Điện) v.. v..:
1. Buddhism as World Religion (Phật Giáo là Tôn Giáo của Thế Giới).
2. Elementary Principles of Buddhism (Những nguyên lý sơ đẳng của Phật Giáo).
3. The Twenty-Fifth Century - Buddhism and the New Age (Thế kỷ thứ Hai Mươi Lăm - Phật Giáo và Thời Đại Mới).
4. Buddhism Answers the Marxist Challenge (Những giải đáp của Phật Giáo trước sự chống đối của chủ nghĩa Mác-Xít).
Thêm nữa, để tri ân và tưởng niệm Sugatananda, con người suốt đời hiến thân cho sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp của đức Thế Tôn, phần lớn những bài viết của ông đã được Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Publica- tion Society) tại Kandy (Tích Lan) sưu tầm in thành ba tuyển tập (Collected Writtings) dưới đây:
Vol. I - The Buddhist Outlook (Nhãn Quan Phật Giáo), 1973. Vol. II - Rebirth as Doctrine and Experience (Luân Hồi qua Lý thuyết và Kinh Nghiệm), 1974.
Vol. III - Dimensions of Buddhist Thought (Tư Tưởng Phật Giáo) 1976.