Bhikkhu Silacara (1871-1951)

27 Tháng Ba 201100:00(Xem: 10319)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC VÀ PHẬT GIÁO ÂU MỸ
HT. Thích Trí Chơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

BHIKKHU SILACARA (1871-1951)

Tục danh là J. F. McKechnie, Đại Đức Silàcàra là một vị tăng Anh quốc, đã đóng góp cho Phật Giáo rất nhiều tại các quốc gia Đông lẫn Tây Phương hơn một phần tư của thế kỷ XX vừa qua.

Sinh năm 1871 tại Hull, miền đông nam Yorkshire, Anh quốc. McKechnie mang trong mình dòng máu của song thân gồm cả hai dân tộc nước Anh và Tô Cách Lan (Scottish- English parents). McKechnie mồ côi cha từ nhỏ, và được chú thím ông mang về nuôi trong nhà.

Lúc còn thanh niên, ông phải đi làm trong hãng sản xuất quần áo để tự kiếm sống, và chỉ đến lớp học vào ban đêm.

Về sau, ông qua Hoa Kỳ làm việc tại các nông trại. Ông rất ham thích đọc sách, và những tác giả ông mến chuộng nhất là văn hào A.L. Huxley (1894-1963) người Anh và triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788- 1860).

Bất mãn với cuộc sống, có lần McKechnie có ý định muốn tự tử, nhưng may mắn vào lúc ấy, nhờ đọc bài báo về Niết Bàn (Nibbàna) đăng ở một tập san Phật Giáo, đã giúp ông hồi tâm, tìm lại được nguồn vui và an lạc qua giáo lý của đức Phật như chính ông đã bày tỏ:

Phật Giáo, tôi nghĩ rằng, đây là một tôn giáo linh động và thực tế. Nó không phải là thứ triết lý chỉ được ghi chép trong kinh sách mà là một pháp môn tu hành thực tiễn, đã được rất nhiều người Tây Phương áp dụng và hành trì theo. Đó là tôn giáo không bao giờ đề cập đến sự huyền hoặc, dị đoan mê tín, khó có thể tin tưởng được; mà là một giáo lý cao siêu nhiệm mầu, và sau khi nghiên cứu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy đạo Phật rất giản dị, thực tế và hữu ích”.

Sau này, nhân đọc một bài viết đăng ở tạp chí “The Bud- dhist” (Phật Tử), do Đại Đức người Anh Ananda Metteyya (1872-1923) chủ trương, ấn hành tại Rangoon (Miến Điện), Mc Kechnie liền viết thư cho Đ.Đ. Metteyya bày tỏ ý muốn phát tâm sang tiếp tay với đại đức để làm Phật sự . Đ. Đ. Metteyya hoan hỷ chấp nhận và Mc Kechnie lên đường qua Miến Điện. Tại đây, ông bắt đầu học hỏi, nghiên cứu kinh tạng Phật Giáo bằng tiếng Ba Lị (Pali). Năm 1906, ông xin xuất gia thọ giới tỳ kheo với Thượng Tọa U. Kumara tại chùa Kyundagon, và có pháp hiệu là Silàcàra. Sau đó, Đ. Đ. Silàcàra cùng với Đ. Đ. Metteyya đã tổ chức, thành lập một phái đoàn sang Luân Đôn (London) truyền bá Phật Giáo.

Sau một thời gian tu học, hoằng pháp tại Miến Điện đến năm 1925, vì sức khỏe yếu kém, Đ. Đ. Silàcàra đã phải hoàn tục và trở về Anh quốc. Trong thơi gian này, ông đã hoạt động tích cực, giúp đỡ cho Hội Phật Giáo tại nước Anh và Ái Nhĩ Lan (Buddhist Society of Great Britain and Ireland) được thành lập vào những năm 1907-1926 và Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society) do Đại Đức Anagarika Dharmapa- la, người Tích Lan thành lập năm 1891 tại Calcutta (Ấn Độ).

Những Đóng Góp Cho Nền Phật Giáo Tây Phương Của Đại Đức Silàcàra

Đại Đức Silàcàra đã dịch từ Pali ra Anh Văn một số bài kinh trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya) thuộc Kinh Tạng và đại đức cũng đã dịch ra tiếng Anh những tác phẩm Phật Giáo viết bằng Đức ngữ của Tiến Sĩ Paul Dahlke (1865-1928) và học giả Phật tử uyên bác George Grimm (1868-1945).

Ngoài ra, Đ. Đ. Silàcàra còn viết nhiều tác phẩm Phật Giáo giá trị bằng Anh văn dưới đây:

1. First Fifty Discourses of the Buddha (Năm Mươi Bài Kinh Đầu Tiên của Đức Phật).

2. The Four Noble Truths (Tứ Diệu Đế).

3. The Noble Eightfold Path (Bát Chánh Đạo)

4. Dhammapada or The Way of Truth (Kinh Pháp Cú hay là Con Đường Dẫn đến Chân Lý).

5. Kamma (Nghiệp Báo).

6. Lotus Blossoms (Những Hoa Sen Nở)

7. A Young People’s Life of The Buddha (Cuộc đời đức Phật đối với lớp người trẻ).

Sau nhiều năm tu học, đóng góp cho Phật Giáo, năm 1932 vì bị ốm đau, sức khỏe sa sút, Đ. Đ. Silàcàra rời Luân Đôn (London) về sống ở Sussex, miền nam nước Anh cho đến ngày đại đức qua đời vào năm 1951, hưởng thọ 80 tuổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn