Vài Nét Về Hội Phụ Nữ Phật Giáo Quốc Tế Sakyadhita

03 Tháng Chín 201000:00(Xem: 9119)


VÀI NÉT VỀ HỘI PHỤ NỮ 

PHẬT GIÁO QUỐC TẾ SAKYADHITA
 

Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita (Sakyadhita: International Association of Buddhist Women), còn được gọi là hiệp hội những người con gái của đức Thế Tôn (Sakyadhita: Daughters of the Buddha), là một tổ chức của Ni giới và nữ Phật tử trên khắp thế giới. 

- Thành lập: Năm 1987, toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế về Ni giới lần thứ I (The first International Conference on Buddhist Nuns) tổ chức tại Bodhgaya, Ấn Độ đã tập trung thảo luận các vấn đề mà nữ giới Phật giáo quan tâm và đồng tâm nhất trí thành lập Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita. Tại buổi lễ ra mắt sự kiện lịch sử này, 1500 đại biểu nữ giới Phật giáo và một số chư Tăng đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vinh dự cung nghinh đức Dalai Lama đến chứng minh và ban đạo từ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, một tổ chức của nữ giới Phật giáo thế giới được thành lập. 

- Sứ mệnh: Sứ mệnh của Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita là:

1. Thúc đẩy nền hòa bình thế giới thông qua giáo lý của đức Phật.
2. Phát triển một mạng lưới quốc tế về truyền thông, thông tin liên lạc trong nữ giới Phật giáo
3. Thúc đẩy hạnh phúc tinh thần và thể xác của nữ giới Phật giáo
4. Khuyến khích các dự án giáo dục và tu tập dành cho nữ giới Phật giáo
5. Thúc đẩy việc giáo dục của nữ giới Phật giáo trong tư cách là pháp sư, giảng sư.
6. Cung cấp việc hướng dẫn và hỗ trợ cho nữ giới Phật giáo quan tâm tu thiền định và thụ giới Tỳ kheo ni.
7. Tiến hành nghiên cứu và ấn hành các tác phẩm về lịch sử của nữ giới Phật giáo và các chủ đề liên quan đến nữ giới Phật giáo. 
8. Thiết lập một liên minh nữ giới Phật giáo thế giới nhằm tiến tới thành lập Giáo đoàn Ni giới Quốc tế.
9. Khuyến khích phát triển văn hóa và giáo dục Phật giáo.
10. Thúc đẩy sự hòa hợp trong các truyền thống Phật giáo và đối thoại liên tôn.
11. Ủng hộ việc bảo tồn các địa điểm di tích thiêng linh của Phật giáo.
12. Khuyến khích các hoạt động từ thiện xã hội vì phúc lợi của nhân loại.

- Cơ cấu tổ chức: Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita gồm có 3 cấp tổ chức:

1. Ban Cố vấn Quốc tế (The International Advisory Board): Gồm 14 thành viên là các nữ lãnh đạo Phật giáo, các chuyên gia và học giả từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hoạt động với tư cách là những nhà cố vấn về chiến lược, về xuất bản và về các vấn đề liên quan đến mỗi quốc gia cụ thể và các truyền thống.

2. Ban Trị sự (The Board of Directors): Gồm 12 thành viên là các nữ lãnh đạo Phật giáo, các chuyên gia và nhà nghiên cứu từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thành viên trong Ban trị sự có trách nhiệm phát triển chiến lược, tổ chức hội nghị, xuất bản sách, tin tức, các tham luận hội nghị, duy trì trang web của hiệp hội Sakyadhita, kêu gọi tài trợ, theo dõi thông tin liên lạc và là phát ngôn nhân của quốc gia và quốc tế về Phật giáo, về nữ giới và về các vấn đề khác.

3. Toàn thể Hội viên (The General Membership): Gồm khoảng 2000 hội viên là các lãnh đạo Phật giáo, lãnh đạo cộng đồng, các chuyên gia và nhà nghiên cứu từ khắp thế giới. Các hội viên giúp tổ chức các hội nghị quốc tế và địa phương, hỗ trợ việc phát triển và thông tin liên lạc, điều hành các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thiền, các tự viện và đề xướng các kế hoạch hoạt động của cộng đồng.

-Thành quả: Sau 22 năm thành lập, Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita gặt hái được một số thành quả nổi bật như sau:

a. Tổ chức hội nghị nữ giới Phật giáo quốc tế.

Hai năm một lần, Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita lại tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới. Kể từ ngày thành lập năm 1987 đến nay, hiệp hội đã tổ chức thành công 11 hội nghị nữ giới Phật giáo quốc tế tại: 1/ Bodh Gaya, Ấn Độ năm 1987; 2/ thủ đô Bangkok, Thái Lan năm 1991; 3/ thủ đô Colombo, Sri Lanka năm 1993; 4/ thủ phủ Leh thuộc bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ năm 1995; 5/ thủ đô Phnom Penh, Cambodia năm 1997-98; 6/ tại vườn Lumbini, Nepal năm 2000; 7/ thành phố Đài Bắc, Đài Loan năm 2002; 8/ thủ đô Seoul, Hàn Quốc năm 2004; 9/ thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia năm 2006; 10/ thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ năm 2008, và 11/ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam năm 2009-10.

b. Tổ chức hội nghị nữ giới Phật giáo quốc gia và các sự kiện Phật sự địa phương.

Ngoài việc tổ chức các hội nghị quốc tế, Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita còn tổ chức các khóa tu thiền, các nhóm nghiên cứu và hội nghị tại nhiều địa phương. Hội Sakyadhita Hawai`I đã tổ chức thành công viên mãn chuyến thăm và hoằng pháp của đức Dalai Lama tại Hawai`I, Hoa Kỳ vào tháng 4-1994. Trong chuyến thăm và hoằng pháp 4 ngày này của đức Dalai Lama đã thu hút hơn 10.000 người tham dự. Tại các quốc gia: Anh, Đức, Ấn Độ, Thái Lan và Sri Lanka, các chi nhánh của Hiệp hội Sakyadhita đã đăng cai tổ chức thuyết giảng và hội nghị Phật giáo quốc gia. Tại Hoa Kỳ, các diễn đàn Phật giáo cũng được tổ chức tại Đại học Claremont Graduate, Đại học Smith và nhiều địa phương khác.

c. Xuất bản các ấn phẩm Phật giáo.

Những bài tham luận xuất sắc trong các Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế đã được hiệp hội xuất bản thành các tập kỷ yếu hội nghị theo từng chủ đề. Vô số tác phẩm và dự án nghiên cứu được trước tác từ các hoạt động của hiệp hội Sakyadhita, tạo nên một nền văn học mới của nữ giới Phật giáo, đã được xuất bản. Các dịch phẩm của các tác phẩm này cũng đã xuất hiện tại các quốc gia: Miến Điện, Đức, Marathi, Tây Tạng, và sắp tới sẽ được dịch sang tiếng Trung Quốc, Mông Cổ và các ngôn ngữ khác. Ngoài ra, hiệp hội còn sản xuất các băng đĩa CD, DVD liên quan đến các hội nghị, hội thảo và các buổi thuyết pháp, thuyết trình v.v của nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới.

Thích Minh Trí biên soạn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2016(Xem: 7385)
Nói đến Giáo hội Tỳ-kheo Ni, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Thế Tôn chưa chấp thuận lời cầu xin gia nhập Tăng đoàn của Di mẫu Mahaprajapati. Để được phép xuất gia, Di mẫu Mahaprajapati đã chấp thuận tuân thủ Bát Kỉnh Pháp một cách vô điều kiện. Thế nhưng, theo như lời Phật dạy, Ni chúng được chư vị Tỳ-kheo truyền giới. Không có nơi nào trong Luật tạng đề cập chư Đại đức Tăng phải yêu cầu các giới tử Ni tuân thủ Tám pháp Bát kỉnh mà Đức Thế Tôn đã đưa ra cho Tôn giả Mahapajapati. Các Tỳ-kheo Ni ý thức rằng, chính vì sự nhận thức chưa thấu đáo về bối cảnh và con người, trong sự kiện Đức Phật chế định Bát Kỉnh Pháp mà ngày nay Giáo đoàn Tỳ-kheo Ni tại Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo khác đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới có thể khẳng định sự tồn tại của mình trong lòng Phật giáo.
25 Tháng Ba 2016(Xem: 6565)
Chúng ta cần phải lưu ý đến một điểm thật quan trọng và tế nhị là dù mình đã đạt được nhiều kinh nghiệm luyện tập thiền định, nhưng không phải vì thế mà tránh được sự mê hoặc của các cảm tính (feeling/cảm nhận) thích thú (pleasant/dễ chịu), chẳng qua vì chúng tạo ra cho mình mọi thứ ảo giác ở nhiều cấp bậc khác nhau. Thật hết sức khó cho chúng ta nhận thấy được các sự biến đổi và tính cách phù du của chúng. Chẳng những chúng không mang lại được sự thích thú thật sự nào mà chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho mình, và chỉ vì không hiểu được điều đó nên mình cứ tiếp tục bám víu vào chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7307)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài báo của một nữ ký giả và biên tập viên người Thái Sanitsuda Ekachai trên báo Bangkok Post về một phụ nữ Mỹ thật phi thường là bà Jacqueline Kramer. Bà từng là một ca sĩ có tiếng, từng độc diễn trên các sân khấu ở San Francisco, nhưng đã hy sinh tất cả để nuôi con nhờ vào tâm Phật bên trong lòng bà. Bà tin rằng một phụ nữ nuôi nấng con cái, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa cũng có thể đạt được giác ngộ.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7199)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
19 Tháng Ba 2016(Xem: 6822)
Lời giới thiệu của người dịch Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.