Hãy đọc các dòng chữ trong tâm thức mình (bài 5)

25 Tháng Ba 201608:39(Xem: 7007)

HÃY ĐỌC CÁC DÒNG CHỮ TRONG TÂM THỨC MÌNH (5)
Reading the Mind / Savoir lire notre esprit 
Upasika  Kee Nanayon | Hoang Phong 
chuyển ngữ

Upasika Kee Nanayon (1901-1979)
Upasika Kee Nanayon (1901-1979)

Lời giới thiệu của người dịch:

Bài chuyển ngữ thứ 8 dưới đây kết thúc loạt bài "Phật giáo và người Phụ nữ"::     

Bài 1: Phật giáo và người phụ nữ: một sự nghịch lý hay mâu thuẫn (Philippe Cornu)
Bài 2: Phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo (Dominique Trotignon)
Bài 3: Con đường của sự quyết tâm (Ilan Dubosc)
Bài 4: Tenzin Palmo: Một nữ du-già nơi xứ tuyết (Dominique Dutet) 
Bài 5: 
Phụ nữ và Phật giáo (Gabriela Frey) 

Bài 6: Làm mẹ với tấm lòng của Phật (Jaqueline Kramer- Sanitsuda Ekachai)
Bài 7: Người nữ tu sĩ Phật giáo trong thế giới ngày nay (Ven. Karma Lekshe Tsomo)
Bài 8: Hãy đọc các dòng chữ trong tâm thức mình (Upasika Kee Nanayon)

Dưới đây là phần chuyển ngữ bài giảng thứ năm trong số chín bài giảng trong quyển "Hãy đọc các dòng chữ trong tâm thức mình" của Bà Upasika Kee Nanayon. 

Bài 1: Làm thế nào để phát huy sự nhận định
Bài 2: Các cách hiểu biết khác nhau 
Bài 3: Con đường mang lại sự thăng bằng 
Bài 4: Lợi ích của sự bình thản 
Bài 5: Một khối nhựa đường
Bài 6: Sự sụp đổ của sự thật quy ước
Bài 7: Sự phức tạp của vô minh
Bài 8: Tánh Không là gì? 
Bài 9: Mở rộng con tim

 

Bài V
Một khối nhựa đường

            Chúng ta cần phải lưu ý đến một điểm thật quan trọng và tế nhị là dù mình đã đạt được nhiều kinh nghiệm luyện tập thiền định, nhưng không phải vì thế mà tránh được sự mê hoặc của các cảm tính (feeling/cảm nhận) thích thú (pleasant/dễ chịu), chẳng qua vì chúng tạo ra cho mình mọi thứ ảo giác ở nhiều cấp bậc khác nhau. Thật hết sức khó cho chúng ta nhận thấy được các sự biến đổi và tính cách phù du của chúng. Chẳng những chúng không mang lại được sự thích thú thật sự nào mà chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho mình, và chỉ vì không hiểu được điều đó nên mình cứ tiếp tục bám víu vào chúng.  

            Chính vì thế nên việc tìm hiểu các cảm tính (feelings) thật hết sức tế nhị. Các bạn cần phải quán xét thật cẩn thận hầu giúp mình nhận thấy là mình bị chi phối như thế nào bởi các thứ cảm tính thích thú, đớn đau, hoặc bình thản do chúng tạo ra. Phải nhìn thật gần mới có thể nhận thấy được minh bạch các điều đó. Đối với các cảm tính đau đớn thì các bạn thường phải phấn đấu nhiều hơn là mình nghĩ hầu khắc phục được chúng. Mỗi khi cảm thấy các sự đau đớn trên thân xác hay trong tâm thần, thì tâm thức sẽ phấn đấu để chống lại, bởi vì nó không thích bị đau đớn. Trái lại đối với sự thích thú thì tâm thức rất ưa chuộng và ham muốn cảm nhận được nó, và do đó tâm thức rất thích đùa cợt với nó, dù rằng - như chúng ta đã nhiều lần nêu lên - các cảm tính ấy rất phù du, căng thẳng (stressful/khổ đau) và không thật sự là của mình. Thế nhưng tâm thức thì lại không chịu hiểu như thế. Tất cả những gì mà nó mong muốn là các cảm tính thích thú, và nó rất thích cảm nhận được những thứ ấy.

            Vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu xem các sự cảm nhận làm phát sinh ra sự thèm muốn (craving/bám víu) như thế nào. Chỉ vì mình ưa thích các thứ cảm nhận thích thú nên sự thèm muốn lúc nào cũng thì thầm bên tai, nhắc nhở mình ngay vào lúc mà các sự cảm nhận vừa mới hiện lên với mình. Nếu các bạn suy nghĩ cẩn thận thì sẽ nhận thấy ngay tầm quan trọng của sự kiện trên đây, bởi vì đúng vào thời điểm đó, tức là lúc mà các sự cảm nhận (feelings) và sự thèm muốn bắt đầu hiện ra, là lúc mà mình có thể đạt được con đường và quả mang lại từ con đường, đưa mình đến Nibbana (Niết-bàn). Loại bỏ được mọi sự thèm muốn (craving) phát sinh từ sự cảm nhận (feeling) chính là Nibbana (xin nhắc lại: nguyên nghĩa của chữ nibbana là sự dừng lại, sự đình chỉ, không nên hiểu nibbana như là một hình thức "thiên đường").

            Trong kinh Solasa panha (trong Sutta Nipata V/Tập Bộ Kinh V, thuộc Khuddaka Nikaya/Tiểu Bộ Kinh), Đức Phật giảng rằng các độc tố tâm thần cũng tương tự như một dòng sông thật rộng và sâu, và Ngài cho biết thêm là mọi việc tu tập cũng chỉ là cách loại bỏ mọi sự thèm muốn trong từng hành động của mình hầu giúp mình vượt qua dòng sông đó. Trong trường hợp đề cập trên đây thì các hành động ấy chính là các các sự cảm nhận của mình, và mục đích tu tập là loại bỏ các sự thèm muốn phát sinh từ các sự cảm nhận ấy, bởi vì sự say mê hương vị của các sự cảm nhận chính là nguồn gốc làm phát sinh ra muôn ngàn ngõ ngách. Chính từ chỗ này mà nhiều người trong chúng ra bị đánh lừa, chẳng qua là vì chúng ta không nhận biết được tính cách phù du (inconstant/bất định, biến đổi) của các cảm nhận. Chúng ta cứ muốn các cảm nhận thích thú phải kéo dài, và trường tồn. Trái lại đối với các cảm nhận đau đớn thì chúng ta lại muốn chúng không được tiếp tục, và dù chỉ muốn tháo gỡ chúng ra, thế nhưng trong thâm tâm thì chúng ta lại cứ bám chặt lấy chúng (tức là một sự ám ảnh và cũng là một sự mâu thuẫn trong tâm thức mình).  

            Những gì trên đây cho thấy tại sao chúng ta cần phải chú tâm vào các sự cảm nhận của mình (vì tính cách quan trọng của thuật ngữ "cảm nhận" này nên xin mạn phép nhắc lại là thuật ngữ này được dịch từ chữ "feeling" trong nguyên bản tiếng Anh. Thế nhưng trong tiếng Việt ý nghĩa của chữ "feeling" có thể là rõ ràng hơn, vì tùy theo trường hợp có thể dịch là sự "cảm nhận" hay "cảm tính", nói lên hai cấp bậc khác nhau trong sự "nhận biết" của giác cảm. Trong bản tiếng Pháp, bà Jeanne Schut - một dịch giả kinh sách Phật giáo rất uyên bác - cũng dịch chữ này tùy theo trường hợp là ressenti /"cảm nhận" hay sentiment/"cảm tính"). Sự chú tâm đó sẽ giúp mình buông bỏ những thứ thèm muốn (bám víu) đúng vào những nơi mà nó hiện ra: có nghĩa là đúng vào lúc mà sự cảm nhận vừa mới hiện lên (chưa kịp xâm chiếm tâm thức mình để làm phát sinh ra các thứ cảm tính, tư duy, xúc cảm và tác ý... đưa đến ngôn từ và hành động). Nếu chúng ta không kịp tập trung sự chú tâm đúng ngay vào thời điểm đó, thì con đường mình đang bước đi sẽ tách ra thành muôn ngàn nẻo (một cảm nhận hiện ra thì tức khắc tổng thể nghiệp có sẵn của mình mượn ngay dịp đó để diễn đạt thành đủ mọi thứ tư duy, xúc cảm, v.v., như vừa nói đến trên đây, và từ đó sẽ mở ra cho mình trăm ngàn hướng khác nhau, thế nhưng tất cả các hướng ấy đều là cạm bẫy, bước theo hướng nào cũng đều mang lại hoang mang và lầm lẫn cho mình). Do đó hãy hướng sự luyện tập vào bên trong chính mình, đúng vào những nơi mà mình cần phải luyện tập (tức ngũ giác và tâm thức mình - cũng xin nhắc lại là theo tâm lý học Phật giáo tâm thức cũng là một cơ quan giác cảm).

            Mỗi khi tâm thức chuyển hướng hoặc nhận biết được một sự bình lặng hay thanh thản nào đó mà mình cảm nhận được dưới hình thức một sự thích thú (pleasure) hay bình thản (equanimity), thì phải nhận biết ngay những thứ ấy cũng chỉ là vô thường, tự nó không phải là "mình" cũng không phải là "của mình". Khi nào làm được như thế, thì các bạn tất sẽ hiểu được ngay là mình không nên tìm sự thích thú qua các sự cảm nhận bình lặng hay thanh thản ấy. Nhờ đó các bạn sẽ có thể dừng lại đúng vào thời điểm mà tâm thức mình vừa chớm nhận ra hương vị của sự cảm nhận dễ chịu đó, trước khi nó khiến mình vướng vào sự thèm muốn. Đấy là lý do tại sao tâm thức phải ý thức được sự vận hành của chính nó, và bất cứ lúc nào mình cũng phải quán xét cẩn thận để hiểu rằng tất cả các sự cảm nhận đều nhất loạt trống không và vô thực thể.  

            Các sự cảm nhận thích thú và khó chịu trên đây là một căn bệnh, nhưng rất khó chẩn đoán để nhận biết được chúng, chẳng qua là vì chúng ta bị chúng đầu độc quá nặng nề (các sự cảm nhận trở thành thói quen, gần như là một sự nghiện ngập). Các sự cảm nhận an bình và trống không nếu hiện ra trong tâm thức thì mình cũng sẽ bám víu vào chúng. Đối với các sự cảm nhận mang tính cách thô thiển - chẳng hạn như các sự hung bạo hay căng thẳng, phát sinh từ các độc tố tâm thần (defilement/ô nhiễm, chướng ngại, tức là các xúc cảm bấn loạn, tiếng Pali là kilesa, tiếng Phạn là klésa, là một thuật ngữ rất quan trọng trong Phật giáo. Bản tiếng Pháp của bà Jeanne Schut dịch chữ này rất đúng là poisons mentaux/các độc tố tâm thần. Tiếc thay kinh sách gốc Hán ngữ dịch chữ này rất sai là "phiền não"(?), không nói lên được ý nghĩa của chữ kilesa/klésa. Đức Đạt-lai Lạt-ma gọi các thứ "độc tố tâm thần" này là các "xúc cảm bấn loạn"/disturbing emotions/émotions perturbatrices) - thì thật hết sức dễ nhận thấy (để mà càng bám víu vào chúng). Thế nhưng mỗi khi tâm thức lắng xuống - chẳng hạn như khi hiện ra các cảm tính tỉnh táo, tươi mát, trong sáng, v.v. - thì chúng ta cũng lại bám víu vào chúng. Đặc biệt là chúng ta rất ưa thích các thứ cảm nhận dễ chịu và thanh thản đó, chúng ta vui thích mỗi khi cảm nhận được chúng. Ngay cả trong những lúc thực hiện được sự chú tâm cao độ và vững chắc, hoặc các thể dạng lắng sâu (absorption/jhana) trong thiền định, thì sự bám víu vào các cảm nhận cũng vẫn còn xảy ra.  

            Đấy là sức thu hút vô cùng tinh tế và mạnh mẽ, gần như là một thứ nam châm, của sự bám víu, chúng tô màu và che dấu mọi sự vật. Sự tô màu và trát lớp phấn son đó thật hết sức khó phát hiện, bởi vì sự thèm muốn không ngớt thì thầm bên tai chúng ta: "Tôi chỉ thích các cảm nhận dễ chịu (thích thú/pleasant feelings)". Sự kiện này này thật hết sức nghiêm trọng bởi vì con vi khuẩn đó của sự thèm muốn sẽ khiến mình tái sinh bất tận.

            Vậy hãy quán xét thật cẩn thận hầu giúp mình nhận thấy sự mê say màu sơn và lớp phấn son đã làm phát sinh ra sự thèm muốn như thế nào - khiến mình lúc nào cũng muốn có thứ này hay thứ kia - và hương vị nào của nó đã khiến mình nghiện ngập và không còn buông bỏ được nó nữa. Các bạn phải chú tâm quán xét hầu nhận thấy sự thèm muốn buộc chặt tâm thức mình như thế nào vào các sự cảm nhận (xin mạn phép nhắc lại: đối với Phật giáo sự cảm nhận không phải chỉ xảy ra qua sự tiếp xúc giữa ngũ giác và thế giới bên ngoài mà còn là giữa tri thức với các đối tượng tâm thần của nó. Người chuyển ngữ xin tạ lỗi đã nhắc đi nhắc lại điều này, bởi vì khái niệm trên đây rất căn bản, là chiếc chìa khóa giúp chúng ta thấu triệt một số các khái niệm căn bản khác trong giáo lý Phật giáo) khiến mình không bao giờ biết chán sự ham muốn dục tính cũng như các cảm nhận thích thú khác, dù là ở cấp bậc nào (từ miếng ăn ngon, phim ảnh, văn chương, thi phú, nghệ thuật, cho đến khoa học, triết học và cả thần học, thứ nào cũng có thể làm cho mình say mê được cả, tùy theo năng khiếu và khả năng tri thức của mỗi người). Nếu không quan sát cẩn thận hầu giúp mình đủ khả năng nhận thấy một cách minh bạch tâm thức mình bị trói buộc như thế nào bởi các sự cảm nhận và thèm muốn, thì các bạn sẽ khó lòng đạt được sự giải thoát cho mình.

             Chúng ta bị vướng vào cái bẫy giăng ra bởi các sự cảm nhận, tương tự như một con khỉ bốc phải một cục nhựa đường. Người ta đặt một cục nhựa đường đúng vào chỗ mà con khỉ sẽ đặt tay vào đấy, nhựa đường dính tay, nó dùng tay kia để gỡ ra, sau đó là hai chân, và cuối cùng thì miệng cũng dính nhựa đường. Vậy thì dù có xoay xở như thế nào, các bạn cũng sẽ khó tránh khỏi cái bẫy do các sự cảm nhận và thèm muốn giăng ra, đúng vào chỗ mà chúng muốn. Chúng ta không sao tách rời hai thứ ấy (cảm nhận - thèm muốn) ra khỏi nhau, không tài nào lau sạch được hai thứ ấy (thứ này sẽ sinh ra thứ kia, bốc phải nhựa đường thì sẽ dính tay, cảm nhận sẽ làm phát sinh ra sự thèm muốn). Nếu chúng ta cứ tiếp tục thèm muốn, không hề biết mệt mỏi là gì, thì cũng tương tự như con khỉ bị dính nhựa đường, có nghĩa là chính mình tự giăng bẫy để đánh lừa mình, và ngày càng bị quấn chặt thêm. Trái lại, nếu thật lòng tìm sự giải thoát cho mình bằng con đường của các vị Giác Ngộ (arahant/A-la-hán) thì chúng ta phải đặc biệt tập trung tất cả sức mạnh của sự chú tâm vào các cảm nhận của mình, cho đến khi nào có thể giải tỏa được chúng. Ngay cả đối với các cảm nhận đau đớn cũng vậy, chúng ta cũng không nên tránh né (phải trực tiếp nhận biết chúng để loại bỏ chúng), bởi vì nếu khiếp sợ chúng mà tìm mọi cách để thay vào đó bằng sự thích thú (ma túy, cờ bạc, dục tính, các thành tích thể thao, nghệ thuật, triết học, thần học...), thì sớm muộn chúng ta cũng sẽ trở nên vô minh (u-mê) hơn cả trước kia nữa.  

            Chính vì lý do đó nên chúng ta phải can đảm đối đầu với các sự đau đớn, dù là những sự đau đớn trên thân xác hay trong tâm thần (các cảm nhận đớn đau của lục giác). Mỗi khi sự sự đau đớn hiện ra với tất cả sức mạnh của nó thì cũng tương tự như một căn nhà bốc cháy, vậy các bạn cũng nên tự hỏi xem mình có thể ra thoát được không? Chúng ta cần phải hiểu rõ cả hai khía cạnh ấy của sự cảm nhận (đau đớn và thích thú). Nếu nó hiện ra như một ngọn lửa nóng bỏng, thì phải đối phó với nó như thế nào? Nếu nó hiện ra thanh thản và thoáng mát thì phải làm thế nào để có thể nhìn xuyên qua nó để trông thấy các sự vật phía sau nó? Chúng ta phải cố gắng hướng sự chú tâm vào cả hai khía cạnh ấy, quan sát chúng thật cẩn thận, cho đến khi nào có thể buông bỏ được chúng. Nếu không thì chúng ta sẽ không sao đạt được một sự hiểu biết nào cả, bởi vì chúng ta chỉ muốn những gì thanh thản và thoáng mát; càng thanh thản càng tốt..., và trong trường hợp đó thì làm thế nào mà chúng ta mong giải thoát mình ra khỏi chu kỳ của sự tái sinh?

            Nibbana (Niết-bàn) là sự tắt nghỉ của mọi sự thèm khát (bám víu, ham muốn, đam mê, dục vọng...) thế nhưng chúng ta thì lại cứ tiếp tục tìm kiếm lạc thú bằng cách bám víu, vậy thì làm thế nào mà tránh khỏi rơi vào cảnh huống lang thang (tức là cõi ta-bà hay luân hồi)? Sở dĩ chúng ta cứ mãi lưu lại nơi này, trong thế giới này, và phải gánh chịu mọi sự căng thẳng và khổ đau, chẳng qua là vì sự thèm khát cũng giống như một thứ nhựa cây dính chặt vào tay mình. Nếu không có sự thèm khát thì cũng sẽ không có bất cứ gì xảy ra với mình cả: không có khổ đau, không có tái sinh. Chúng ta phải canh chừng những sự thèm khát đó. Đấy là một thứ nhựa cây, một cục nhựa đường, một loại sơn, khi đã dính vào rồi thì sẽ khó lòng mà tẩy sạch được.

            Vậy các bạn không nên để cho các sự cảm nhận (làm phát sinh ra xúc cảm, tư duy, tác ý, ngôn từ và hành động) lôi cuốn mình theo với chúng. Tất cả cốt lõi của việc tu tập cũng chỉ có thế!

 

Vài lời ghi chú của người dịch

 

            Điểm đáng lưu ý trước hết trong bài thuyết giảng trên đây là phép luyện tập tinh khiết, đơn giản và trực tiếp nhất do chính Đức Phật nêu lên, đó là phép luyện tập hướng thẳng vào tâm thức mình để biến cải nó, bằng cách chận đứng mọi sự tạo nghiệp phát sinh từ bên trong con người của chính mình. Căn bản của phép luyện tập này là không để cho các sự "cảm nhận" tạo ra mọi thứ xúc cảm, đưa đến mọi thứ tư duy, tác ý, ngôn từ và hành động. Bà Upasika Kee Nanayon gọi các sự tạo dựng phát sinh từ các sự "cảm nhận" đó là các dòng chữ hiện lên trên dòng tri thức của mình, và bà cũng chỉ cho chúng ta cách đọc những dòng chữ ấy, hầu giúp mình tìm hiểu tâm thức mình cũng như phương cách vận hành của nó hầu khắc phục nó. Đó là một cách luyện tập dựa vào sự chú tâm, kiên trì và một sức cố gắng phi thường.   

            Phép luyện tập tinh khiết trên đây thường được xem là đặc thù của truyền thống "Tu Trong Rừng" nói riêng và của Phật giáo Theravada nói chung. Dưới một góc nhìn nào đó thì phép luyện tập này khác hẳn - nếu không muốn nói là đi ngược lại - với phép luyện tập của Kim Cương Thừa, bởi vì Kim Cương Thừa không chủ trương hóa giải những gì phát sinh từ sự "cảm nhận" làm nguyên nhân đưa đến sự tạo nghiệp, mà vận dụng sức mạnh bùng lên của xúc cảm phát sinh từ các sự "cảm nhận" dù là tiêu cực, hầu giúp mình thăng tiến nhanh chóng hơn trên Con Đường. Do đó phép tu tập của Kim Cương Thừa ngoài các nỗ lực mang tính cách cá nhân, còn cần đến rất nhiều phương tiện thiện xảo khác và nhất là cần có một người thầy uyên bác hướng dẫn mình.

            Nếu mở rộng vấn đề thì chúng ta sẽ thấy rằng trên dòng lịch sử phát triển lâu dài của Phật giáo, người ta sáng chế ra thêm không biết bao nhiêu các thứ "mới mẻ": sâu sắc, thiết thực và hữu ích cũng có, lệch lạc, sai lầm, tách ra khỏi giáo huấn của Đức Phật cũng có. Dầu sao thì tất cả những sự thêm thắt đó cũng chỉ là các phương tiện thiện xảo, và trong số này cũng có nhiều phương tiện thật sự là thiện xảo, giúp mình "bước vào con đường và đạt được quả do con đường mang lại" nhanh chóng và hiệu quả hơn, nhưng cũng có những phương tiện không được thiện xảo lắm, khiến người tu tập càng bị hoang mang thêm, tương tự như chui vào các ngõ ngách không lối thoát, hoặc đi ngược chiều trên Con Đường.

            Chẳng hạn như ngày nay chúng ta pha một ấm trà thật ngon, rung đùi ngâm thơ thiền, hoặc viết thư pháp và cũng gọi đấy là "Phật giáo". Đức Phật không biết đọc cũng không biết viết, và Ngài giảng cho những người dân cũng không biết đọc và biết viết như Ngài. Điều này thật hiển nhiên và dễ hiểu bởi vì chữ viết chỉ bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ III trước Tây Lịch, tức là vào thời đại của vua Azoka (A-dục), sinh sau Đức Phật gần ba thế kỷ. Ngày nay nhiều người mê say việc tụng niệm khiến họ phờ phạc cả người. Đức Phật không tụng niệm và cũng không cầu khẩn ai cả, Ngài chỉ yên lặng ôm bình bát đi khất thực làm gương cho các đệ tử trông vào.

            Tuy Đức Phật không làm thơ thiền, cũng không tụng niệm, thế nhưng những lời thuyết giảng của Ngài đã được các đệ tử không biết chữ, học thuộc lòng và lưu lại đến nay. Các lời thuyết giảng ấy đã khiến các học giả, khoa học gia, triết gia..., nói chung là những người học cao hiểu rộng trong thế giới tân tiến ngày nay - trong số họ có cả nhà bác học Einstein - phải kinh ngạc và thán phục. Dù được thừa hưởng các điều kiện thuận lợi và tiến bộ hơn, thế nhưng sau Đức Phật chưa hề thấy một ai có thể sánh kịp với trí tuệ siêu việt của Ngài. Đức Đạt-lai Lạt-ma thường nhắc nhở chúng ta là phải thấu triệt Phật giáo Theravada trước khi có thể bước vào con đường Đại Thừa. Thật vậy, trước hết phải bước theo đúng các dấu chân của Đức Phật trước khi có thể thừa hưởng được những bông hoa tuyệt đẹp của các vị đại sư trong quá khứ đã lưu lại cho chúng ta trên Con Đường. Vậy chúng ta hãy trở lại với bài giảng trên đây.

            Trong bài thuyết giảng này Bà Upasika Kee Nanayon đã nêu lên cho chúng ta trông thấy là nguồn gốc sâu xa nhất của khổ đau và luân hồi là sự bám víu vào các "cảm nhận" bên trong tâm thức của chính mình. Sự bám víu đó sẽ tạo ra muôn ngàn ngõ ngách, giăng ra vô số các cạm bẫy đánh lừa mình, mang lại cho mình mọi sự hoang mang, lầm lẫn và khổ đau, tương tự như con khỉ dính phải nhựa đường.

              Những cảnh hung bạo và điên rồ đang xảy ra hằng ngày trước mắt mình cũng vậy, cũng là một thứ nhựa đường dính vào các xã hội của con người, các nhà lãnh đạo xã hội chẳng có một giải pháp nào, chẳng biết phải giải quyết như thế nào, hận thù thì ngày càng gia tăng thêm. Theo Phật giáo thì ngưyên nhân không nằm bên trong các sự hung bạo và đìên rồ đó, bởi vì chúng chỉ là cơ duyên và hậu quả phát sinh từ những nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Nếu nguyên nhân của những sự lo sợ và khổ đau của mỗi cá thể bắt nguồn từ những sự "cảm nhận" sâu kín bên trong tâm thức mình, thì những cảnh tàn phá và chết chóc xảy ra giữa các tập thể con người trong xã hội cũng bắt nguồn từ những gì thật sâu xa. Như thế có nghĩa là nếu muốn hiểu được nguyên nhân đưa đến các sự sợ hãi và đau thương đang xảy ra trước mặt mình thì phải ngược về lịch sử lâu đời của các xã hội chúng ta, và nếu có thể thì ngược về  cả nguồn gốc làm phát sinh ra các tôn giáo. Nếu muốn tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa đó thì thiết nghĩ phải nhờ đến các sử gia chân chính, các tư tưởng gia lương thiện và các nhà "hiền triết" đạo đức, bởi vì những người "quản lý" xã hội ngày nay cũng chỉ biết loay hoay tìm cách tẩy xóa nhựa đường dính vào tay chân, mồm miệng của mình và kẻ khác, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một giải pháp nào ngoài cách đáp lại sự hung bạo bằng sự hung bạo, trong khi đó nguyên nhân của những thứ ấy bắt nguồn từ rất lâu đời và mang những kích thước sâu rộng hơn nhiều. Giải pháp tất nhiên cũng phải sâu rộng tương xứng với kích thước của các nguyên nhân ấy, tức là những sự sai lầm của mình trong lịch sử và cả trong các thời kỳ cận đại. Tiếc thay một giải pháp sâu rộng như thế rất khó thực hiện trong các xã hội ích kỷ.

            Duới một góc nhìn thu hẹp hơn và theo bài giảng trên đây, thì bất cứ một sự bám víu nào vào các sự "cảm nhận" của mình đều trực tiếp gây ra khổ đau cho mình. Hãy đưa ra một thí dụ cụ thể, nếu mình "cảm nhận" thật rõ ràng được Thượng Đế, thì đấy là một điều rất tốt, với điều kiện là sự "cảm nhận" ấy phải đơn thuần và tinh khiết, không nên diễn đạt gì cả. Thế nhưng nếu bám víu vào Thượng Đế qua các sự "cảm nhận" của mình, hầu tạo ra đức tin cho mình, thì cũng là cách mà mình tự tạo ra một vị Thượng Đế cho mình, thuộc của mình. Nếu mỗi người đều làm như thế - tức bám víu vào sự "cảm nhận" của riêng mình - thì cuối cùng sẽ khó tránh khỏi thật nhiều các vị Thượng Đế khác sẽ hiện ra, đưa đến muôn ngàn ngõ ngách trong sự "cảm nhận" của mỗi con người trong xã hội. Những sự "cảm nhận" với ít nhiều dị biệt đó của mỗi cá thể không những mang lại khổ đau cho cá thể ấy mà còn cho cả vị Thượng Đế của mình nữa, bởi vì vị Thượng Đế ấy hoàn toàn bất lực trước những sự diễn đạt sai lầm của mình qua những sự "cảm nhận" bên trong tâm thức của chính mình. Đây cũng có thể là một trong các nguyên nhân sâu xa nhất mang lại sự bất an trong xã hội.  

                                   

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 25.03.16

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2016(Xem: 7961)
Nói đến Giáo hội Tỳ-kheo Ni, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Thế Tôn chưa chấp thuận lời cầu xin gia nhập Tăng đoàn của Di mẫu Mahaprajapati. Để được phép xuất gia, Di mẫu Mahaprajapati đã chấp thuận tuân thủ Bát Kỉnh Pháp một cách vô điều kiện. Thế nhưng, theo như lời Phật dạy, Ni chúng được chư vị Tỳ-kheo truyền giới. Không có nơi nào trong Luật tạng đề cập chư Đại đức Tăng phải yêu cầu các giới tử Ni tuân thủ Tám pháp Bát kỉnh mà Đức Thế Tôn đã đưa ra cho Tôn giả Mahapajapati. Các Tỳ-kheo Ni ý thức rằng, chính vì sự nhận thức chưa thấu đáo về bối cảnh và con người, trong sự kiện Đức Phật chế định Bát Kỉnh Pháp mà ngày nay Giáo đoàn Tỳ-kheo Ni tại Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo khác đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới có thể khẳng định sự tồn tại của mình trong lòng Phật giáo.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7728)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài báo của một nữ ký giả và biên tập viên người Thái Sanitsuda Ekachai trên báo Bangkok Post về một phụ nữ Mỹ thật phi thường là bà Jacqueline Kramer. Bà từng là một ca sĩ có tiếng, từng độc diễn trên các sân khấu ở San Francisco, nhưng đã hy sinh tất cả để nuôi con nhờ vào tâm Phật bên trong lòng bà. Bà tin rằng một phụ nữ nuôi nấng con cái, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa cũng có thể đạt được giác ngộ.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7692)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7267)
Lời giới thiệu của người dịch Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 6591)
Lời giới thiệu của người dịch: Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết về một phụ nữ Pháp thật phi thường là bà Alexandra David-Néel (1868-1969), đăng trên tập san "Hướng nhìn Phật giáo" (Regard Bouddhiste, số l1, năm 2015). Trong Phật giáo có rất nhiều phụ nữ siêu việt và khác thường, xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục, mà bà Alexandra David-Néel là một trong những người phụ nữ ấy. Bài chuyển ngữ dưới đây là bài thứ ba trong một loạt bài với chủ đề "Phật giáo và người phụ nữ":