Lễ Tam Hợp Vesak 2008: Kỳ Vọng Của Người, Thách Thức Của Ta

10 Tháng Mười 201000:00(Xem: 28151)


vesak_2008_banner_21

LỄ TAM HỢP VESAK 2008: 

KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI, THÁCH THỨC CỦA TA

Trí Tánh Đỗ hữu Tài
 

dlpdlhq2008-logoMùa Phật đản năm 2008 nầy, Phật tử Việt Nam hân hoan và trang trọng chia sẻ niềm vui của ngày Tam hợp Vesak Liên Hiệp quốc cùng với đồng đạo, đồng bào và bạn bè năm châu bốn biển tại thủ đô Hà Nội. Niềm vui đong đầy trên 65 tỉnh thị của cả nước đó không phải tự nhiên mà có, nó là thành quả của hằng hà sa số nhân duyên tích lũy từ muôn vạn kiếp trước, nhưng đồng thời nó cũng là kết quả tất yếu của những vận động có tính lịch sử và thời đại của một bên là Tổ chức Liên Hiệp quốc, và một bên là đối tác Việt Nam gồm cả Nhà nước lẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Nguyên ủy nào đã đưa đẩy Liên Hiệp quốc chọn ngày Vesak của Phật giáo làm một ngày truyền thống quan trọng của tổ chức quốc tế nầy, và tại sao nhà nước Việt Nam lại cùng với giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra cùng đăng cai tổ chức và quyết tâm hoàn thành tốt đẹp ngày hội lớn nầy của nhân loại ?

Cho đến năm 1999, Tổ chức Liên Hiệp quốc đã thiết lập 51 Ngày [1] để nhấn mạnh và nhắc nhở nhân dân toàn thế giới các vấn đề toàn cầu cần đặc biệt cấp thiết quan tâm. Liên Hiệp quốc kêu gọi các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế vinh danh các ngày nầy như một điểm nhấn, mà cũng là một sức bật, để cùng phối hợp với các tổ chức ban ngành của Liên Hiệp quốc đẩy mạnh và triển khai các kế hoạch và chương trình hành động tương ứng. Từ tổng bản doanh tại New York, các ngày Liên Hiệp quốc nầy nhiều khi do những cơ quan chức năng trực thuộc Liên Hiệp quốc chủ xướng như WHO với ngày Y tế Thế giới (7/4) và ngày Bỏ thuốc Quốc tế (31/5), UNESCO với ngày Nước Quốc tế (22/3) và ngày Khuyến học Thế giới (8/9), UNEP với ngày Môi sinh Thế giới (5/6)… Lại có những ngày được chọn để nhắc nhở những vấn nạn toàn cầu mà nhân loại đang đối diện như ngày Phụ nữ Quốc tế (8/3), ngày Quốc tế Bảo toàn Lớp Ozone (16/9), ngày Tình nguyện Quốc tế về Phát triển Kinh tế và Xã hội (5/12). 

Điều đặc biệt là trong toàn bộ 51 ngày đó của Liên Hiệp quốc, không có một ngày nào được chọn để vinh danh một cá nhân, nhất là cá nhân đó lại là giáo chủ của một tôn giáo cả. Làm sao có thể vinh danh tôn giáo được khi mà cho đến năm 1999 đó, dù trong buổi giao thời hưng phấn giữa hai thiên niên kỷ đã có nhiều người nói đến thế kỷ thứ XXI như một thế kỷ của tôn giáo[2] , thì trên hành tinh chật chội của chúng ta lại đang diễn ra ít nhất là 12 cuộc chiến tranh mà yếu tố tôn giáo là một trong những mâu thuẫn chính [3] . Tình trạng nầy chứa đầy những đe dọa to lớn và các bất trắc hiển nhiên đến nỗi Sam Harris đã phải báo động rằng “Sự bất tương đồng giữa các nền thần học đã chia tách thế giới chúng ta thành những cộng đồng đạo đức khác biệt, làm nguồn gốc cho những tranh chấp đẫm máu giữa con người” [4] . Thật vậy, quan niệm “thánh chiến” của một vài tôn giáo có nền giáo lý cực đoan độc đoán và, như một hệ luận tất yếu, sản sinh ra những khối lượng tín đồ giáo điều cuồng tín, đã làm đổ ra không biết bao nhiêu xương trắng máu đào giữa các dân tộc trong lịch sử nhân loại kể từ cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên giữa Byzantine và Hồi giáo vào năm 645.

Thế nhưng như một biệt lệ lạ lùng và kỳ diệu, Đức Phật và giáo lý của Ngài bổng được thế giới tái khám phá và tái khai dụng. Với một vóc dáng khác, trên một chiều kích khác. Đức Phật hiện ra như một vĩ nhân văn hóa kiệt xuất, Phật pháp hiển thị như một con đường tâm linh cao cả cho loài người chung sống trong hòa bình và nhân đạo, đồng thời giới thiệu một quy trình vận động văn hóa và xã hội khả thi để bền vững xây dựng một thế giới hài hòa. Cho nên dù tính theo số lượng tín đồ thì Phật giáo chỉ xếp hạng thứ năm[5] trong tổng số 17 tôn giáo lớn trên toàn thế giới, và dù rất khác với các tôn giáo khác, Phật giáo có một lối hành hoạt nhập thế bám chặt vào đất cứng nhưng lại rất … phiêu bồng nên ít khi gian díu với chốn cung đình, vốn là nơi xuất phát các tham vọng quyền lực vô minh, thì Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc cũng đã có được thông tuệ và viễn kiến để mạnh dạn chọn lựa ba biến cố lớn trong đời Đức Phật (Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn) để, thông qua ngày hội lớn đó, vinh danh một vĩ nhân văn hóa và đồng thời gửi đến toàn thể nhân loại một thông điệp về Từ bi và Trí tuệ, một lộ đồ về Hòa bình và Hạnh phúc. 

Chính vì vậy mà ông cựu Tổng Thư ký Kofi Annan, từ năm 2002, đã vinh dự thay mặt 192 quốc gia thành viên đa dạng và đa văn của Tổ chức Liên Hiệp quốc mà xác quyết rằng Những lý tưởng đạo đức và nhân đạo cao thượng của Đức Phật đã khai sinh ra một truyền thống tâm linh sinh động mà hơn 2500 năm sau, vẫn tiếp tục làm cho đời sống của hàng triệu người trở nên cao cả… Trong thời đại bất trắc toàn cầu hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả nhất của con người mà Đức Phật đã chỉ ra, bỗng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết. 

Và mới đây nhất, năm 2007, vị Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon, tái khẳng định rõ hơn rằng Hơn 2500 năm qua, những lời dạy của vị Đạo sư Giác ngộ - Phật Thích Ca - vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đòi của hàng triệu người trên thế giới… Như lời Đức Phật đã dạy: Chúng ta cần tỉnh thức trong chánh ngữ và chánh mạng, và ý thức về những hệ quả của chúng đối với những người xung quanh chúng ta. Chúng ta cần hiểu được tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội, và coi trọng hạnh phúc của cộng đồng và của nhân loại như chính là hạnh phúc của bản thân mình. 

Thật không còn gì mô tả rõ ràng hơn về Đức Phật như một nhà văn hóa cao cả đáng kính, khởi đi trong đau khổ của con người và hành hoạt vì hạnh phúc của con người. Và cũng thật không còn gì trình bày rõ ràng hơn về Phật pháp như một cống hiến nhân văn tuyệt vời, vừa là kim chỉ nam chính xác vừa là nguồn tư lương bất tận, cho nhân loại trên con đường cọng sinh hòa bình. Cho nên ngày Tam hợp Vesak Liên Hiệp quốc là lẽ đương nhiên, là điều tất yếu.

Thế rồi từ đó, New York. Thế rồi sau đó, Bangkok. Và năm 2008 này, là Hà Nội, thủ đô Hòa Bình của nhân dân Việt Nam trọng nhân nghĩa, đất thiêng rồng bay của một nền văn hóa thấm đậm hương vị Phật Việt. Nhân dân đó, văn hóa đó, trong hơn 30 năm qua, đã nhọc nhằn đứng dậy từ tro tàn của bạo lực chiến tranh chống xâm lăng và từ đổ nát của ứng xử duy ý chí, để hướng vào trong thì khôi phục lại mình, bung ra ngoài thì hội nhập vào cộng đồng nhân loại. Quá trình khôi phục và hội nhập trong ngoài đó quấn quyện vào nhau trên cơ sở của nền văn hóa dân tộc, vừa bất biến dựa vững vào truyền thống vừa tùy duyên hóa thân thành hiện đại. 

Trong cái thế chênh vênh tưởng chừng như chứa đựng những yếu tố xung khắc bất khả tương hợp đó, nhà nước Việt Nam đã cùng với toàn dân từng bước một nhọc nhằn xoay chuyển tình thế, vừa làm vừa học, vừa chống trả ngoại thù mới vừa xây dựng nội lực , để khẳng định niềm tin vào bản lĩnh dân tộc khi đối trị với các cuộc khủng hoảng trong ngoài mà đưa tổ quốc vào quy trình phát triển đúng hướng và bền vững.

Tin vào bản lĩnh dân tộc là chủ yếu tin vào nội dung khai phóng và nhân bản của một đạo Phật Việt Nam biết hòa khi cần, biết hóakhi muốn. Tin vào bản lĩnh dân tộc cũng là tin vào cống hiến to lớn và sâu sắc của Phật giáo trong lịch sử 2000 năm đồng hành với dân tộc khi góp phần định hình và định tính văn hóa Việt Nam. Cho nên quyết định ứng cử, rồi được chấp thuận, đăng cai tổ chức ngày Vesak Liên Hiệp quốc 2008 không phải chỉ là động thái ngoại giao tất yếu của nhà nước và giáo hội Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới, mà quan trọng hơn cả, là sự thể hiện niềm tự hào khi tìm lại được bản lai diện mục của dân tộc mình, tìm ra được gia tài sung mãn của tổ quốc mình. Hạt minh châu ẩn mình nhiều năm trong gấu áo, bây giờ đã óng ánh hiển lộ trên sơn hà gấm vóc. 

Vấn đề còn lại đặt ra cho Phật giáo Việt Nam, mà ở đây cụ thể là Giáo hội và Tứ chúng Phật tử, là trong những ngày chan hòa niềm vui tại Hà Nội và trên cả nước, Phật giáo Việt Nam lấy gì để trình hiện và giao lưu với đồng đạo và bạn bè khắp năm châu về tham dự ngày lễ hội. Cái gì là nội dung đặc thù của một đạo Phật rất Việt ? Và cái gì là nét độc đáo của một dân Việt rất Phật ? 

Khi những ngày lễ hội chấm dứt, chắc chắn bạn bè sẽ giã từ đất nước Việt Nam xinh đẹp và hiền hòa trong niềm tin yêu. Trong hành trang của họ, quyện theo dư âm của ngày Vesak cũng chắc chắn có mang đầy niềm kỳ vọng to lớn mà Liên Hiệp quốc trông chờ vào dân tộc ta và đạo Phật ta. Phật giáo Việt Nam có ý thức được rằng kỳ vọng đó chính là một thách thức to lớn không ? 

Kỳ vọng của người chính là Thách thức của ta …

Mùa Phật đản 2008 

[1]http://www.unac.org/en/news_events/un_days/international_days.asp 
[2]Closing Statement của The World Conference for Religion and Peace, Nov.1999, tại Amman, Jordan. Luận điểm nầy được lý giải rõ hơn trong New Religious Movements in the Twenty First Century: Legal, Political and Social Challenges in Global Perspective của Phillip Lucas, Routledge, New York, 2004. Họăc trong Religion in the Twenty First Century của Mary Pat Fisher, Prentice Hall, New York, 2004. 
[3]Mười hai cuộc đụng độ vũ trang có yếu tố tôn giáo chi phối hiện nay là: Ở Palestine (Do Thái giáo và Hồi giáo), ở Balkans (Công giáo và Chính Thống giáo), cũng ở Balkans (Chính Thống giáo và Hồi giáo), ở Bắc Ireland (Công giáo và Tin Lành), ở Kashmir (Hồi giáo và Ấn Độ giáo), ở Sudan (Tin Lành và Hồi giáo), ở Nigeria (Tin Lành và Hồi giáo), ở Ethiopia (Tin Lành và Hồi giáo), ở Sri Lanka (Ấn Độ giáo Tamil và Phật giáo Sinhalese), ở Indonesia (Tin Lành và Hồi giáo), ở Caucasus (Chính Thống giáo và Hồi giáo) và cũng ở Caucasus (Công giáo và Hồi giáo). Điều đáng lưu ý là ngoại trừ ở Sri Lanka, 11 trong 12 cuộc đụng độ nầy (92%) đều có quan hệ đến những tôn giáo với nền thần học lấy cùng một Thiên Chúa làm xuất phát điểm tín ngưỡng. 
[4]Sam Harris, Killing Buddha, Tạp chí Shambhala Sun, số tháng Ba 2006, Halifax, Canada. Sam Harris là tác giả cuốn sách nổi tiếng The End of Faith. 
[5]http://en.wikipedia.org/wiki/Religion#Classification (2005)

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 9486)
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 11993)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
24 Tháng Năm 2015(Xem: 12141)
Bốn biển, năm châu thơm ngát hương trầm- Mừng Đản Sanh, bậc Xuất Trần Vô Thượng Sĩ- NGƯỜI đến từ huyền nhiệm, linh thiêng- Phúc lành vô khả tỷ- Rồi Xuất Gia, Đắc Đạo, Niết Bàn!
23 Tháng Sáu 2014(Xem: 10482)
Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng...
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 12209)
Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu.
16 Tháng Sáu 2014(Xem: 11932)
Tham luận “The Way to World Peace via an Integrated Kantian and Buddhist Perspective” được tác già trình bày tại Diễn Đàn Phật Giáo và Xây Dựng Hoà Bình Thế Giới, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Bái Đính, Ninh Bình ngày 9.5.2014 và in trong Buddhist Contribution to Global Peace Building,
25 Tháng Năm 2014(Xem: 8033)
Sau thành công của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008, Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) bao gồm đại diện của các truyền thống Phật giáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ...