Chủ đề: TIÊU THỤ VÀ MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG
PHẬT GIÁO VỚI VĂN HÓA TIÊU DÙNG THỜI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
PHẬT GIÁO VỚI VIỆC TIÊU THỤ CÓ TRÁCH NHIỆM
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Thuần Tâm Thảo Triều
Khi viết tham luận này chúng tôi chợt nhớ đến bộ phim khoa học về môi trường mang tên Home là bộ phim tài liệu của đạo diễn Yann Arthus-Bertrand, câu chuyện về một Trái Đất sơ khai, một Trái Đất – mái nhà chung của muôn loài, một Trái Đất đứng trước biết bao thảm họa do con người gây ra. Sự sống đã xuất hiện từ hơn 4 tỷ năm trước còn loài người chúng ta chỉ mới bắt đầu từ khoảng 200 ngàn năm trước, thế nhưng trong thời gian ngắn ngủi vậy chúng ta đã làm đảo lộn sự cân bằng của Trái Đất. Chúng ta là ai mà dám cướp đi những gì thiên nhiên ban tặng cho mọi loài?
Ngày nay người ta thay nhau check-in ở những nơi đẹp đẽ, đi du lịch hay công tác nước ngoài, khoe cảnh giàu sang, khoe có nhiều mối quan hệ rộng và muốn chứng tỏ có nhiều trải nghiệm sống… nhưng thiết nghĩ chúng ta nên tìm đến những nơi mà ở đó có thể làm được điều có ý nghĩa cho những đứa trẻ đang phải chịu cảnh đói ăn và lớn lên trong những vùng chiến sự, nơi chúng ta có thể giải cứu những con vật đang phải chịu hành hạ, nơi có thể góp phần vào hoạt động giáo dục cộng đồng về một hành tinh xanh không rác. Đó là những nơi mà chúng tôi nghĩ ta nên có mặt.
Tại Châu Phi, những cậu bé 12 tuổi đã biết cầm súng đi chiến đấu, trên tay là khẩu AK47 và giết chính những người hàng xóm của mình.
Ở Nam Phi, có 5.000 con sư tử thuần hóa bị gây mê và bị giết bởi súng, giáo hoặc bị thương bởi chó săn. Người ta gọi đó là một môn thể thao!
Ở Trung Quốc, có 7.000 con gấu to lớn, bị giam cầm trong những chiếc lồng giống như quan tài và thường xuyên bị rút mật trong suốt 26 năm, chỉ để phục vụ cho việc ngâm rượu và làm thuốc, để rồi chính những con gấu này bị phát điên và phải giết chết con của mình để gấu con không phải chịu đựngnhững đau đớn dai dẳng mà chính mẹ của nó phải trải qua.
Tại Hàn Quốc và Việt Nam, hàng năm có hàng triệu con chó bị đánh đến chết, bởi vì những người bán thịt tin rằng những vết bầm tím và và sự đau đớn sẽ giúp cho thịt của chúng trở nên thơm ngon hơn. Còn ở Trung Quốc, những chú chó bị treo lơ lửng trên giá và những bộ da sặc sỡ của chúng dùng để trang trí cho những chiếc áo khoác lông thú bày bán tại các cửa hàng ở Úc.
“Consumption” có nghĩa là sự tiêu thụ nhưng cũng có nghĩa là “sự hủy diệt”. Sự thật là sống trong thế giới phát triển hiện nay chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều song dường như sự tiêu thụ vô tội vạ ấy không liên quan gì đến hạnh phúc của chúng ta, con người chúng ta đang làm biến đổi tài nguyên thiên nhiên, khiến gia tăng những nguy cơ đe dọa bầu sinh quyển của thế giới.
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn thực phẩm, tương đương 1/3 sản lượng nông nghiệp toàn cầu, cứ bảy người thì một người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Lãng phí thực phẩm nằm phần nhiều ở các nước đang phát triển với con số là 630 triệu tấn mỗi năm, trong đó có Việt Nam (số liệu 2013).
Hàng triệu con cá mập bị lấy mất vây cá khi đang bơi ở biển, chúng bị tấn công, bị cắt hết vây rồi bị ném xuống biển, đau đớn mà chết, chỉ vì vây cá mập có thể phục vụ cho món súp đắt nhất hành tinh của con người. Những chú bê sữa bị giết bằng cách bị con người giẵm đạp trên lồng ngực và làm gẫy xương sườn của chúng. Có hàng tỷ chú gà con bị nhào trộn mỗi ngày trong chiếc máy xay cơ khí, đơn giản chỉ vì chúng không phải là gà mái. Và luật pháp của con người đang cho phép điều đó. Phải chăng luật pháp của con người đang chống lại quy luật của thiên nhiên?
Những hủ tục hiến tế trong các tôn giáo ngày nay cũng đang khiến cho thế kỷ 21 trở thành một thời kỳđen tối mới, Ở Nepal cứ 5 năm một lần, chỉ trong vòng 2 ngày lễ hội tế thần của đạo Hindu, có khoảng 250.000 con vật bị giết (trong đó có 6.000 con trâu và hơn 200.000 con vật chuột, dê, gà trống, lợn, chim bồ câu). Và ngay ở Việt Nam thôi, hàng năm có lễ hội chọi trâu chọi gà, dù thắng hay thua thì sau khi kết thúc lễ hội, các chiến binh trâu đều được đem ra mổ thịt để tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà, người ta tin rằng nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.
Lời giáo huấn của Đức Phật rằng lòng tham vô độ của tự ngã là nguyên nhân của thất bại, khổ đau và làm vắng mặt hòa bình, điều này chúng ta chứng thực được ngay trong đời sống hàng ngày. Việc tiêu thụ quá mức khiến chúng ta rối trí và say sưa, không những không làm dịu xuống nỗi bất an ấy của chúng ta mà ngược lại còn nuôi dưỡng bất an thêm
Sự hiện đại hóa đã làm cho môi trường ô nhiễm, nhiều khu nhà ổ chuột và khu phố bẩn thỉu mọc lên, và làm cho nền văn hóa bị phân hủy. Thái BìnhDương giờ đây chứa đầy rác nhựa, rác và chất bẩn do con người thải ra, nó đã trở thànhmột hòn đảo rác nổi lềnh bềnhvà có diện tích lớn hơn đất nước Ấn Độ. Các nhà máy chế biến động vật trên toàn thế giới xả các loại hóa chất vào đại dương, tạo ra những “Vùng Chết” do không có oxy trong nước biển, tổng cộng có 1 triệu cây số vuông chịu tình trạng như vậy, giết chết động vậtthực vật, san hô và đại dương. Đáy đại dương ngày nay giống như một quang cảnh hiu quạnh nơi cung trăng, trong đó nước biển được xem là món canh độc hại chứa đầy axit.
Tại Canada, có 300.000 chú hải cẩu con bị đâm cho đến chết ngay trên băng trong trái tim nhỏ bé của chúng vẫn đang đập. Có những sợi dây thép dài hàng trăm kilômét, 10 tỷ lưỡi thép đã giết chết các loài cá heo, chim hải âu và rùa biển. Các loài cá heo và cá voi thì bị đâm cho đến chết ở các vùng nước nông của Nhật Bản và Đan Mạch. Nước ở những vùng vịnh này chỉ toàn màu đỏ của máu.
Chính con người đã khai thác quá triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên, săn bắt thú rừng và khai thác quá mức khiến chúng không còn chỗ sống và nhiều loài đã tiệt chủng. Chúng ta đang sống trong một căn nhà Trái Đất luộm thuộm và chẳng bao lâu nữa căn nhà này sẽ toàn rác bởi chủ nghĩa tiêu dùng của chính con người. Những thảm họa môi trường đã gây ra nhiều vấn đề có thể được xem như là sự phản ứng trở lại của Mẹ Trái Đất đối với hành vi tiêu thụ thiếu trách nhiệm của chúng ta. Sự phong phú của động vật hoang dã không còn được tìm thấy nữa ở các nơi trên thế giới là bởi sự săn bắn và bị mất nơi cư trú.
90% các loài cá nhỏ trong đại dương được đánh bắt và dùng để nuôi gia súc. Ngày nay, những con bò ăn cỏ lại là loài ăn thịt động vật biển lớn nhất thế giới. Bò được ăn nhiều cá hơn cả các loài khác như cá voi, cá mập, cá heo, hải cẩu. Và rồi đại dương đang chết dần. Đến năm 2048, nghề đánh bắt cá sẽ không còn tồn tại. Trong lịch sử nhân loại, có 100 tỷ người đã từng sống. Và chúng ta, con người, mỗi tuần chúng ta tra tấn và giết chết 3 tỷ sinh linh. Vâng, là con số 3 tỷ trong một tuần! Mỗi năm có khoảng 10.000 giống loài bị tiêu diệt bởi con người. Và nếu chúng ta ghi âm được lịch sử những âm thanh của những con vật yếu thế thì tiếng la hét của chúng sẽ nhấn chìm cả âm thanh và sự phẫn nộ của vụ nổ Big Bang, chúng ta sẽ không thể hình dung được sức lớn của những âm thanh đó.
Khi phải chịu đau khổ và hành hạ, chúng ta và loài vật đều bình đẳng và giống hệt nhau. Tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của mỗi giống loài, nhưng sự đau đớn của một con thỏ cũng giống như sự đau đớncủa một con cá, một con gấu và… cũng giống sự đau đớn của một cậu bé. Dù chúng ta đến từ nơi nào trên thế giới, về cơ bản tất cả chúng ta đều là chúng sinh như nhau. Tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc và cố tránh khổ đau. Chúng ta có cùng những nhu cầu cơ bản. Tất cả chúng ta đều muốn có tự dovà quyền quyết định vận mệnh của mình như những cá nhân. Chính sự tham lam tiêu thụ của con người và phân biệt giống loài đã khiến cho Trái Đất đang bị héo mòn.
Nhà thiên văn học Copernicus đã nhắc nhở rằng chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ. Chúng ta chỉ là những phần nhỏ của vũ trụ mà thôi. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay hành động không biên giới, vượt qua biên giới của các quốc gia, biên giới về chính trị, biên giới về chủng tộc, biên giới về tôn giáo và cả biên giới về giống loài.
Là những người con Phật, chúng ta cần có một thái độ chăm sóc và trân trọng môi trường. Bất bạo động không chỉ áp dụng cho con người mà còn cho tất cả chúng sinh hữu tình, không phân biệt. Bất cứ sinh vật nào có nhận thức thì đều sẽ có những cảm giác như đau đớn, sợ hãi và vui sướng. Hòa bình có nghĩa là sự hòa hợp giữa con người với con người, giữa con người và động vật, giữa chúng sinh và môi trường.
Trong thực hành đạo Phật, chúng ta đã quen với khái niệm không bạo lực và chấm dứt khổ đau, là việc không làm hại các chúng sinh. Đau khổ là do sự vô minh, do lòng tham và sẵn sàng gây đau đớn cho người khác chỉ để theo đuổi hạnh phúc hay sự hài lòng của bản thân họ, không chấp nhận sự thật là thế giới luôn thay đổi, không cho mình cơ hội để tĩnh lặng và hài lòng với hiện tại. Lòng tham thúc đẩy con người làm đủ mọi cách để có được kết quả bất chấp hệ quả đau khổ của tương lai. Hạnh phúc thật sự đến từ sự bình an nội tâm và mãn nguyện tri túc, và điều đó phải đạt được thông qua việc huân tập lòng vị tha, yêu thương, từ bi.
Nhà triết học Edmund Burke đã viết: "Muốn cho những điều ác tiếp tục diễn ra, chỉ cần những người tốt không làm gì cả." Không làm gì không phải là một lựa chọn!
Robert Swan, Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, cũng từng nói “Hiểm họa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta là tin rằng có một ai đó khác sẽ hành động bảo vệ nó”
Nếu những người ăn chay (hơn 600 triệu người trên thế giới) gộp lại thành một quốc gia thì sẽ lớn hơn dân số của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Con số trên không nhỏ nhưng dù như vậy chúng ta vẫn đang bị lấn át bởi lòng tham tiêu thụ của con người khi họ tiếp tục có các hành động bạo lực như săn bắt, bắn tỉa, giết người… chúng ta vẫn đang chịu lép vế bởi những người tin rằng bạo lực là câu trả lời giải quyết mọi vấn đề chứ không phải bạo lực là vấn đề cần phải bị chấm dứt.
Chắc hẳn ai cũng biết về Hiệu Ứng Cánh bướm, một cái vỗ cánh của con bướm trong rừng rậm Amazon có thể tác động đến thời tiết ở Châu Phi, các cơn bão lớn ở Biển Đông. Các sự kiện nhỏ đều có thể gây ra những hậu quả lớn mà không lường trước được. Những sự kiện nhỏ đã có tác động lớn như vậy, bởi vậy chúng tôi tin rằng nếu chung tay thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới. Không khí ta đang thở, nước ta uống, rừng và đại dương có thể duy trì hàng triệu sự sống dưới nhiều dạng khác nhau, và các mô hình khí hậu điều khiển hệ thống thời tiết vượt qua ranh giới của các quốc gia. Điều này có nghĩa không một quốc gia nào, cho dù phát triển hay kém phát triển thì cũng cần phải có trách nhiệm với môi trường. Chúng ta cần phải chung tay thiết lập nhận thức trong việc tiêu thụ có trách nhiệm.
Các nước nghèo đang phải bán ngũ cốc của họ cho phương Tây trong khi bọn trẻ ở những quốc gia nghèo này lại phải chịu đói trong vòng tay của cha mẹ chúng. Ngược lại, phương Tây sử dụng những loại ngũ cốc này để nuôi gia súc. Trái Đất có thể sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu của mọi người, nhưng không bao giờ đủ cho lòng tham của con người.
Epicurus, Nhà triết học Hy lạp, đã viết “Nếu bạn muốn tăng chỉ số hạnh phúc của con người, đừng nhằm vào mục đích tăng tài sản. Đơn giản chỉ cần giảm ham muốn của con người”.
Tổ Long Thọ cũng dạy rằng “Bằng việc sử dụng tài sản, có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Bằng việc bố thí, có hạnh phúc trong tương lai. Phung phí tài sản, không sử dụng hay không bố thí, chỉ khiến thêm khổ đau. Sao không làm cho ta và người có hạnh phúc?” Tài sản tự thân không có tội, điều quan trọng là làm thế nào tạo ra và sử dụng nó. Trong kinh điển, Đức Phật dạy cho mọi người cách tốt nhất để tạo ra và sử dụng nguồn thu nhập của mình:
- Chánh mạng là sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng không bóc lột, không lừa dối gạt người.
- Sử dụng sản phẩm do chúng ta tạo ra và chia sẻ rộng rãi với mọi người. Thước đo giá trị của một con người không phải bằng số tiền mà họ kiếm được mà là số tiền họ sẵn sàng cho đi, đặc biệt là dám cho những người không hề quen biết.
- Thái độ của chúng ta đối với của cải (ngay cả do chính mình làm ra) là không được tham lam, thèm muốn, tâm vẫn luôn bình lặng, thản nhiên, không lưu luyến, đó là cách chúng ta kiếm tiền chân chính không pha lẫn lòng tham vọng.
Thế giới đã tiêu tốn hàng tỷ đô la phục vụ các thí nghiệm về khả năng độc hại của những con vật mà chúng vô hại với con người. Họ cũng đang dành hàng tỷ đô la để ngăn chặn các con bò thả khí metan gây hiệu ứng nhà kính, phục vụ cho việc lấy thịt bò và khí metan có sức ảnh hưởng gấp 24 lần so với khí CO2. Giờ đây lượng khí thải nhà kính từ ngành công nghiệp chế biến thịt đã vượt xa so với các nhà máy vận tải, xe lửa, xe buýt, tàu thủy,… Khí thải từ ngành chăn nuôi gia súc lớn gấp 150 lần so với ngành vận tải. Hiện nay 60% người phương Tây đang bị béo phì hoặc thừa cân và họ đã chi ra hàng tỷ đô la cho phẫu thuật để cắt bỏ mỡ thừa đó. Hãy tưởng tượng khí thải hiệu ứng nhà kính đạt tới mức 500 phần triệu, hoặc nhiệt độ Trái Đất tăng thêm ba độ. Những đỉnh cực tan chảy sẽ tạo ra 1 tỷ người tị nạn do sinh thái. Tai hoạ đó sẽ định hình lại địa chính trị mãi mãi.
Việc chế biến thịt đang đe dọa thực phẩm, nước uống và an ninh biên giới của chúng ta. Nước được xem như một loại dầu mới. Các quốc gia sẽ sớm phải chiến đấu để có được nước sạch. Các lớp nước ngầm mất hàng triệu năm mới có thể lấp đầy hiện nay đang dần cạn kiệt. Ngày nay chúng ta phải khai thác nước ở độ sâu 240m (cách đây 60 năm chúng ta chỉ cần đào 15m là có nước) và chúng ta đang phải lọc nước từ bùn. Một số nơi ở Trung quốc người ta đào tới độ sâu 900 mà vẫn chưa có nước.
Chủ nghĩa tiêu dùng cần phải bị chấm dứt.
HÃY HÀNH ĐỘNG ĐỂ BẢO VỆ MẸ TRÁI ĐẤT
Lớp băng vĩnh cửu của Siberi hiện giờ đang là một quả bom nổ chậm. Khi nó giải phóng khí metan và carbon trong đó, tất cả hoạt động trên thế giới này sẽ bị hủy hoại. Trong giai đoạn 1986-2005, lượng băng tan ước tính khoảng 5.000 tấn/giây. Trong giai đoạn 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỉ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Điều này đồng nghĩa tốc độ tan băng ở Bắc Cực giai đoạn 2005-2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với giai đoạn 1986-2005. Các vùng băng đá ở Hymalaya được gọi là Cực Thứ Ba, bởi vì chúng được xem như Nam Cực và Bắc Cực, và chúng đã nuôi dưỡng cho một nửa dân số thế giới, chạy qua sông Hằng, sông Indus, Brahmaputra, Yangtse, sông Irrawaddy, sông Mekong và sông Hoàng Hà. Nhưng hiện nay chúng cũng đang tan rất nhanh, khiến mực nước biển ngày càng dâng cao hơn. Nếu băng tan, các nền kinh tế sẽ sụp đổ và sản sinh ra các dịch bệnh visus, đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới.
Thánh Đức Dalai Lama, Mairead Maguire, Betty Williams, Shirin Ebadi và Lech Walesa trồng cây sau Hội nghị thượng đỉnh Thế giới lần thứ 13 của những người đạt Giải thưởng Nobel Hoà bình ở Warsaw, Ba Lan vào ngày 23 tháng 10 năm 2013. (Ảnh: Jeremy Russell)
Công lý và đức tin buộc chúng ta phải có trí tuệ và can đảm. Với một cái đầu trí tuệ, trái tim thuần khiếtvà bàn tay sạch sẽ. Xin đừng sợ hãi. Hãy sống và hành động! Sự can đảm chính là chìa khóa; Giáo dụclà chìa khóa; Trí tuệ là chìa khóa. Chúng ta không thể làm sống lại lịch sử nhưng chúng ta có thể tạo nên lịch sử và đó là những gì mà các nhà lãnh đạo làm.
Hành tinh này là ngôi nhà chung của chúng ta - Mẹ Trái Đất. Hiện nay, chúng ta đang khai thác Mẹ Trái Đất như thể mọi thứ sẽ tồn tại mãi mãi, tài nguyên thiên nhiên là vô tận và luôn có nơi tiêu thụ và xử lý rác thải của chúng ta. Bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ cha mẹ và dòng tộc của chúng ta. Con người là loài duy nhất có khả năng tiêu diệt Trái Đất, vì vậy nếu chúng ta có khả năng tiêu diệt Trái Đất, thì chúng ta cũng có khả năng để bảo vệ nó. Trái Đất của chúng ta dựa trên sự cân bằng mà ở đó mỗi sinh vật đều có vai trò của mình và chỉ tồn tại khi có sự hiện hữu của loài khác, một thế cân bằng tinh tế, rất dễ bị phá vỡ
May mắn thay, gần đây đã có nhiều người hơn suy nghĩ về tác động của con người ảnh hưởng đến hành tinh, và môi trường cũng đang là mối quan tâm chính của các nhà chính trị. Điều cần thiết là chúng ta tìm ra các phương thức sản xuất mà không hủy hoại thiên nhiên. Thái độ của chúng ta liên quan đếnmôi trường cần thay đổi. Môi trường trong sạch nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi, và làm cân bằng nhiệt độ Trái Đất, mang lại sự phát triển tự nhiên trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội…
Những cánh rừng khỏe mạnh sẽ làm sạch không khí và cung cấp oxy cho các sinh vật, làm hài hoà các yếu tố và làm tăng tuổi thọ. Cây ăn quả cung cấp sự sống và là nguồn dinh dưỡng sức khỏe chủ yếu cho con người, cũng như có lợi ích cho các loài hữu tình khác. Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni được sinh ra dưới gốc cây, Ngài giác ngộ dưới gốc cây và nhập Niết Bàn dưới gốc cây. Các vị bổn tôn trí tuệ của những cảnh giới phi thế gian cũng như các vị thần địa phương, rồng, quỷ thần đa phần đều ngụ ở trên cây. Trong Luật tạng của thánh Pháp cũng dạy các vị Tỳ Kheo cách nuôi dưỡng cây cối. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng cây cối tự nhiên cực kỳ quan trọng, trồng và chăm sóc cây là những việc làm công đức. Các quốc gia cần phải quan tâm đến việc tăng cường trồng các loại cây và hoa khác nhau xung quanh ở mọi nơi, trường học, văn phòng, bệnh viện, nhà máy, khách sạn, nhà ở, đường phố và tu viện. Chúng ta cũng nên giáo dục trẻ ngay từ nhỏ về cách bảo vệ cây cối.
Để sản xuất ra 1 kg thịt bò, chúng ta cần 50.000 lít nước. Để sản xuất ra 1 lít sữa chúng ta phải tốn 1.000 lít nước, vì vậy chẳng mấy chốc chúng ta sẽ phải uống nước thải tái chế. Và thực tế hiện nay nhiều người ở một số quốc gia đang phải uống nước thải tái chế. Một mẫu đất ở phương Tây sản xuất ra 100 kg thịt bò, 20.000 kg khoai tây, 40.000 kg rau diếp. Vậy mà có hơn một tỷ người trên Trái Đất này đang chết đói. Có khoảng 20 triệu người chết vì suy dinh dưỡng. Trong một năm ngành công nghiệpchế biến thịt đã tiêu hủy lượng động vật có số lượng lớn hơn số lượng loài người từng sinh ra. Vì vậynếu chúng ta cắt giảm tiêu thụ thịt 10%, chúng ta đã có thể nuôi được 100 triệu người. Và nếu tất cả chúng ta giảm bớt tiêu thụ và ăn chay, chúng ta có thể nuôi sống hành tinh này mãi mãi. Dân số thế giớiđã tăng gấp ba lần riêng trong thế kỷ 20 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong thế kỷ 21. Nếu mọi người đang tiêu thụ theo cách hiện tại, chúng ta sẽ cần phải có ít nhất hai Trái Đất mới đủ để nuôi sống chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có một Trái Đất thôi và Mẹ Trái Đất đang hấp hối.
Tương tự như vậy đối với rác, chúng ta phải hạn chế xả rác như giấy, chai nhựa, quần áo cũ, thức ănthừa, các loại phế liệu sắt thép và những loại rác thải khác. Chúng ta phải ngừng việc xả chất thải chưa xử lý ra ngoài môi trường. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, đơn giản như việc tắt đèn trước khi rời khỏi phòng, tiết kiệm điện hay nhiên liệu xăng dầu, không ăn uống hay dùng đồ một cách lãng phí, hạn chế mua đồ mới nếu không thực sự cần thiết, nói không hoặc hạn chế dùng túi nilon và đồ nhựa, học cách tái sử dụng những đồ còn dùng được hoặc tái chế các sản phẩm đã bị bỏ đi. Ngày nay chúng ta không chỉ quan tâm tới việc vứt rác cho đúng chỗ quy định, phân loại rác cho đúng nơi mà còn là phải giảm thiểu tối đa rác thải.
Mỗi chúng ta, hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ!
Là những cư sĩ Phật giáo, chúng tôi tin vào mối liên hệ nhân quả, chúng ta cần trở nên tỉnh táo hơn trước ảnh hưởng do những hành vi của chúng ta tác động đến bản thân và người khác, đến hiện tại và tương lai. Những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hôm nay như xung đột bạo lực, phá hoại thiên nhiên, nghèo, đói… chủ yếu do con người gây nên. Chúng có thể được giải quyết nhưng chỉ thông qua sự nỗ lực của con người, thông qua sự hiểu biết và sự phát triển tình đoàn kết giữa các sắc tộc. Chúng ta cần phải trưởng dưỡng trách nhiệm chung, dựa trên trái tim từ bi và trí tuệ tỉnh giác.
Trong thế kỷ 20 và 21, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc chiến tranh, nạn đói nghèo, vấn đề ô nhiễm, nạn dịch bệnh và khổ đau. Theo giáo lý đạo Phật, những điều đó xảy ra là kết quả của sự thiếu hiểu biết và ích kỷ của chúng ta và cha ông ta trong quá khứ, bởi chúng ta thường không nhìn thấy mối quan hệ thiết yếu chung của tất cả chúng sinh. Trái Đất đang chỉ cho chúng ta những cảnh báo và chỉ ra rõ ràng về những ảnh hưởng tiêu cực to lớn do hành vi sai lầm của con người. Nếu vẫn tiếp tục tiêu dùng theo cách này, sẽ không còn nơi nào trên Trái Đất này dung chứa nổi lòng tham của chúng ta.
Để hành động bảo vệ Mẹ Trái Đất, chúng ta cần hiểu về sự tương thuộc lẫn nhau. Mọi người sinh ra đều muốn có hạnh phúc thay vì đau đớn. Vì vậy, chúng ta chia sẻ một cảm giác cơ bản chung. Chúng tacó thể phát triển hành vi đúng đắn để giúp Trái Đất và cùng nhau dựa trên một động lực tốt hơn, phát triển một ý thức đúng đắn về trách nhiệm chung. Khi chúng ta được thúc đẩy bởi trí tuệ và từ bi, kết quả hành vi sẽ đem lại lợi ích cho mọi người và lâu dài. Khi chúng ta có thể nhận ra và tha thứ những việc làm do thiếu hiều biết trước đây, chúng ta sẽ có được sức mạnh để giải quyết các vấn đề trong hiện tại.
Trái Đất là ngôi nhà và là Mẹ của chúng ta. Chúng ta cần phải tôn trọng và có trách nhiệm chăm sóc Mẹ. Giáo dục môi trường chính là học cách duy trì một lối sống cân bằng. Tất cả các tôn giáo đều đồng ýrằng chúng ta không thể tìm thấy sự hài lòng nội tại dài lâu dựa trên những ham muốn ích kỷ những tiện nghi vật chất. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực tập sống thiểu dục tri túc, bình yên trong tâm hồn, cùng nhau cầu nguyện cho sự bình an của Trái Đất thay vì ráng sức sở hữu nó, phá hủy vẻ đẹp của cuộc sống.
Chúng ta là những người học Phật, cần hiểu rõ về Chánh báo và Y báo. Y báo là hoàn cảnh, môi trường sống. Chánh báo là tâm thức của người sống trong môi trường ấy. Như Tịnh độ Tây phương là Y báocủa Chánh báo, là sự thành Phật và những lời nguyện của Đức A Di Đà. Y báo và Chánh báo là một. Tâm và cảnh là một. Hoàn cảnh, môi trường sống của chúng ta như thế nào thì tâm thức chúng ta cũng như vậy. Môi trường nhếch nhác, hư hoại thì tâm thức của chúng ta cũng nhếch nhác, hư hoại. Và tâm thức tốt đẹp thì môi trường phải tốt đẹp. Cho nên cứu lấy môi trường, cứu lấy Trái Đất cũng là cứu lấy tâm thức của chúng ta.
Để kết thúc tham luận, chúng tôi xin trích dẫn bốn câu thơ từng được biết
“Đại gia bất động sản
Chết nằm dưới cỏ xanh
Mới hay mình của đất
Đất không phải của mình”
Nguyện cho những khu rừng được vun trồng và tăng trưởng ở khắp mọi nơi!
Nguyện cho các đại dương được sạch trong và các giống loài được sinh trưởng trù phú!
Nguyện cho các chúng sinh được tự do và được sống đời hạnh phúc!
- Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Thuần Tâm Thảo Triều
Phiên bản gốc: Phật giáo với việc tiêu thụ có trách nhiệm - Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng - Thuần Tâm Thảo Triều