Bóng Mây Bay Thoáng Qua Trên Đường Về Xứ Phật - Trần Kiêm Đoàn

09 Tháng Chín 201200:00(Xem: 23005)

Bóng mây bay thoáng qua
TRÊN ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT
Trần Kiêm Đoàn

Mới cuối Hè, đầu Thu mà Bắc Kinh đã lụt bão. Chúng tôi vội vã rời Bắc Kinh về Tô Châu để đến viếng Hàn Sơn Tự chứ không phải để “mua lụa Tô Châu biếu em” như một nhạc sĩ nào đó lãng mạn dàng trời đã từng mơ mộng. Một nhà sư trong chùa Hàn Sơn nói: “Bài thơ mới giữ được ngôi chùa, chớ không phải ngôi chùa giữ được bài thơ”. Ý nói bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. Đã 13 thế kỷ đi qua, kẻ hậu sinh hôm nay về thăm Cô Tô thành ngoại, bỏ ra 5 Nhân dân tệ lên gác chuông chùa Hàn Sơn đánh ba tiếng chuông. Tiếng chuông lạc lõng sao tự mình nghe… nhếch nhác loãng như nước ốc! Thì ra, chỉ một không hai, tiếng chuông là một viên ngọc thi ca chỉ gióng lên và rớt xuống một lần cho thi nhân đợi chờ bao đại kiếp mới hốt nhiên đại ngộ đề thơ.

trankiemdoan_0Trên chuyến đi về Tây An, chúng tôi viếng chùa Từ Ân, nơi pháp sư Huyền Trang dịch kinh từ 1300 năm trước. Tháp Đại Nhạn, nơi chứa kinh sách dịch thuật của Huyền Trang vẫn còn sáng lên trong nắng mà bao thế hệ con người đã đi qua, qua đi. Trên chuyến bay giã từ Tây An, tôi được bà cụ Nguyên Thanh, một cư sĩ Phật giáo cao niên đồng hành trong chuyến đi cho mượn tập sách Đường Về Xứ Phật của Hòa thượng Thích Thông Lạc[1]. Trước khi trao tay, bà cụ có ý kiến: “Đạo hữu cũng nên có đôi lời nhận định. Tôi quý cái tâm ngay thẳng của Hòa thượng Thích Thông Lạc, nhưng lại e rằng, lời Thầy viết ra quá bộc trực nên không khỏi gây nhiều chao động, nhất là đối với thế hệ Phật tử đàn em của chúng ta.” Cảm nhận sự chân thành trong lời “gởi gắm” của bà cụ Nguyên Thanh, tôi hứa là sẽ viết đôi điều…

Đọc qua tập sách thầy Thông Lạc, rồi nhìn về công trình dịch thuật đồ sộ của Huyền Trang, tự nhiên tôi có cảm tưởng như mình đang lạc lối trên đường về xứ Phật vì khach hành hương thì đông mà nhìn rõ nhau thật khó. Nhất là khi đọc bài Chánh tín - Mê tín - Chánh kiến - Tà kiến nói về ngày Vu Lan,[2] tôi xót xa nhớ Mẹ, nhớ nhà. Đã 50 năm rồi, tôi không còn được đi với Mẹ lên chùa Châu Lâm Huế cúng dường quý Thầy trong mủa An cư kiết Hạ; được ăn bánh trái, môn khoai sau lễ cúng thí thực trong mỗi chiều Vu Lan…

Không biết từ bao lâu rồi, tháng Bảy Vu Lan trở thành biểu tượng cho mùa báo hiếu đối với người theo và có cảm tình với đạo Phật. Phải chăng xuất phát từ sự tích Phật giáo: Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là Thanh Đề bằng sự vận dụng pháp lực và uy đức của chư tôn đức trong mùa An cư kiết Hạ. Hay tại cảm xúc luân lưu tự nhiên “gió mùa Thu mẹ ru con ngủ” mà thiên nhiên, đất trời và con người bỗng có chung một “nỗi lòng” thương điều hiếu hạnh với nguồn cội sinh thành.

Trong dòng tâm tưởng trôi chảy êm đềm của mùa Vu Lan rằm tháng Bảy đó, Hòa thượng Thích Thông Lạc đã đưa ra lời phản bác ý nghĩa, nội dung và nguồn gốc của mùa Báo Hiếu trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Luận điểm tổng quan của Thầy trong Đường Về Xứ Phật là đứng trên quan điểm Phật giáo Thiền Tông (Tiểu Thừa) – đã được Hiểu và suy diễn theo khuynh hướng đặc thù của riêng Thầy – để phản bác về các hình thái Lý và Sự - Tri và Hành của “Phật giáo Phát Triển” (Đại Thừa). Thầy Thông Lạc thường xuyên nhấn mạnh rằng: “Kinh điển phát triển (Đại Thừa) diễn đạt giáo lý phi đạo đức một cách cụ thể rõ ràng, thế mà mọi người vì quá vô minh, u tối không thấy, nên bị lừa đảo, bị lường gạt một cách đau đớn.” (TTL. Đường Về Xứ Phật, tập VI. Tr.5)

Không rõ đã có bao nhiêu người được thầy Thông Lạc “khai thị” theo phương pháp nầy cho bớt “vô minh”. Riêng kẻ viết những dòng nầy thì… không thấy vô minh mà cũng chẳng thấy hết vô minh trước và sau khi đọc bài thầy Thông Lạc viết về Vu Lan Bồn. Thầy tự nhận là bậc tự phát giác ra được một vụ “báo hiếu vô đạo đức khổng lồ” trong lịch sử hơn nghìn năm của Phật giáo. Đó là trường hợp đức Mục Kiền Liên cứu mẹ, ra khỏi địa ngục A Tỳ. Thầy cho rằng, đây là “một sự lừa đảo có sách vở và đã trở thành một truyền thống báo hiếu vô đạo đức trong lòng tín đồ Phật giáo Việt Nam hơn cả nghìn năm mà không ai phát giác ra được.”

Chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ tuy là câu chuyện mang bối cảnh Phật giáo, nhưng đã trở thành câu chuyện dân gian như chuyện Tấm Cám, Thị Kính Thị Mầu, Ăn Khế trả Vàng, Cây Tre Trăm Đốt… trong dòng văn hóa Việt Nam.

Tóm tắt chuyện Mục Liên Thanh Đề là như vầy: Mục Kiền Liên xuất gia theo Phật, tu hành chứng quả giải thoát đắc Lục Thông và trở thành một đại đệ tử của đức Phật. Bà mẹ Thanh Đề từng là một tín nữ thuần thành Phật giáo. Khi Mục Kiền Liên xuất gia, bà Thanh Đề tìm cách ngăn cản nhưng không được. Tức giận, bà đã làm những việc bất chánh đối với chư tăng như bỏ các thứ hương liệu cấm dùng trong nhà Phật và làm bánh nhân pha thịt chó để thử thách tăng đoàn. Khi chết, Thanh Đề đọa địa ngục A Tỳ. Mục Kiền Liên dùng nhãn lực thần thông thấy mẹ mình đang bị đọa địa ngục, bị quỷ dữ hành hạ và đói khổ kinh hoàng. Với lòng hiếu hạnh thương mẹ, Mục Liên dùng thần thông xuống địa ngục thăm và mang theo bát cơm cho mẹ. Nhưng cơm chưa đến miệng Thanh Đề đã cháy thành than. Vô phương cứu mẹ, Mục Kiền Liên bạch Phật xin tìm phương cách cứu mẹ mình. Đức Phật chỉ giáo rằng: “Nhân mùa an cư kiết Hạ sẽ kết thúc vào rằm tháng Bảy, chư tăng ni sau ba tháng ẩn cư tu học nên thân tâm an tịnh, năng lực phong quang. Muốn cứu mẹ ra khỏi địa ngục cần phải có sự chú nguyện và công đức to lớn của chư tăng hợp lại để độ trì mới giải cứu được. Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, cung thỉnh chư tăng cúng dường trai tăng và tứ sự. Nhờ vậy, Ngài đã cứu mẹ ra khỏi chốn địa ngục.”

Từ đó, ngày rằm tháng Bảy trở thành ngày báo hiếu, xá tội vong nhân.

Qua sự tích sự tích Mục Liên Thanh Đề và truyền thống báo hiếu này, thầy Thích Thông Lạc đã đưa ra những luận điểm phản bác. Thầy viết rằng:

1. Mục Liên Thanh Đề là một câu chuyện phi đạo đức trong Phật giáo Đại Thừa. Câu chuyện nầy là một thứ giáo pháp phi đạo lý, phi nhân quả, không công bằng và công lý.

2. Đây là câu chuyện được dựng lên trong thời đại phong kiến đầy dẫy tệ nạn vua quan chuyên ăn hối lộ, mua quan bán chức, hành động không công bằng hợp lý. “Độ chúng sanh” thực chất chỉ là một hành động ăn lo hối lộ. Nhờ có lo lót như vậy, bà Thanh Đề mới thoát cảnh tù tội A Tỳ Địa Ngục.

3. Chỉ có luật nhân quả mới giữ vai trò công bằng và công lý mà thôi. Vì nhân quả là do hành động của mọi người tự làm tội hay vô tội đều chính nơi họ, cho nên luật nhân quả chính là con người tạo ra, để xử phạt hay ban thưởng chính lại họ, chứ không có một kẻ thứ hai nào thưởng phạt. Vì thế nó rất công bằng và công lý, không ai lo lót và hối lộ nó được. Kẻ nào làm ác thì phải thọ lấy quả khổ, kẻ nào làm thiện thì hưởng được phước báo.

Qua lăng kính Tiểu Thừa (theo cách sở đắc và suy diễn riêng của Hoà thượng Thông Lạc), thầy đã cho giáo pháp Đại Thừa (cũng đồng thời, theo cách hiểu riêng của Thầy) là một loại “dị giáo” phi đạo đức và phi Phật pháp; chỉ có những kẻ u mê, vô minh, lạc hướng mới bị các thầy tu theo phái Đại Thừa vẽ rồng vẽ rắn theo hình tướng tà đạo để đánh lừa. Quan điểm nầy đã được thầy Thông Lạc lập đi lập lại một cách quyết đoán và quyết liệt trong trong hết thảy 10 tập “Đường Về Xứ Phật”.

Đường về xứ Phật là con đường tâm linh cao rộng. Tuy thênh thang và tự do nhưng không dễ tìm thấy như đại lộ Đông Tây hay như đường xuyên Nam Bắc vì đây là con đường đo bằng trí tuệ và thấy bằng tâm linh. Viết những dòng nầy, ngưởi viết chỉ mong là những người tôn Phật làm bổn sư, quy hướng Phật làm tâm linh sư biểu sẽ thấy nhau rõ hơn trên đường về xứ Phật.

1. Đạo đức Phật giáo về hiếu hạnh

Nói đến truyền thống đạo đức, trước hết phải nói về ân nghĩa. Văn hóa dân tộc Việt Nam đặt nặng tinh thần “ân đền nghĩa trả” để đối trị với phường vong ân bội nghĩa. Văn hoá Phật giáo và dân tộc Việt Nam vừa song hành, vừa hòa quyện trong đời sống tinh thần và nề nếp xã hội mà đạo Trung Hiếu là đứng đầu trong bảng thang giá trị làm người. Bởi vậy, công hạnh của người tu theo đạo Phật là “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” (Trên đền đáp 4 ơn sâu, dưới cứu giúp 3 đường khổ) trên con đường tìm cầu giác ngộ. Bốn ơn sâu ấy là: Ơn cha mẹ, ơn chúng sinh muôn loài, ơn quốc gia xã hội, ơn Tam bảo. Kinh Tăng Chi, kinh Địa Quán còn diễn đạt chánh đại hơn về công ơn sâu dày của cha mẹ mà phận làm con không làm sao báo đáp vẹn toàn. Chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ chỉ là một biểu tượng, một thí dụ điển hình của tinh thần báo hiếu trong muôn một.

Biểu tượng đưa ra quá rõ ràng và chân thực:

Một bà mẹ vì quá thương con đã trở thành vọng động nên phải bị đọa địa ngục. Người con chứng đạo và đạt đệ nhất thần thông. Biết mẹ mình đang bị quỷ sứ hành hạ dưới đáy tầng địa ngục. Người con xả thân xuống địa ngục cứu mẹ nhưng khả năng và lòng hiếu hạnh một mình chưa đủ vượt qua bức tường vọng nghiệp quá nặng nề của mẹ. Người con theo lời Phật dạy và nương nhờ vào định lực ứng hợp của chư tăng ni trong mùa An cư kiết Hạ để cứu mẹ ra khỏi chốn hỏa ngục.

Sự tích câu chuyện mang một nội dung hợp tình hợp lý đầy nhân bản. Đây là một khái niệm đạo đức phổ quát không những đối với con người mà với tất cả mọi loài hữu tình. Con gà, con ngựa, con voi, con hổ … còn mang thiên tính tình mẫu tử xả thân bảo vệ cho nhau huống chi là con người. Từ một người ở bộ lạc sơ khai đến một bậc đại danh xưa nay có ai vô tình thản nhiên khi cha mẹ mình đang bị đau khổ, bị hành hạ dẫu cho trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào.

Có chăng những tượng đá mới vô cảm tới mức lạnh lùng, ngoảnh mặt trước tiếng kêu đau thương của cha mẹ mình đang bị đày đọa; thản nhiên ráng tu thêm vài đại kiếp cho tới ngày giác ngộ, chấm dứt sinh tử luân hồi để đem làm quà báo hiếu!.

2. Hối lộ thần thánh

 Con người càng văn minh, nhân tính càng biểu hiện rạch ròi qua sự tương tác. Ngay như tại các nước Âu Mỹ ngày nay, những hình thức vận động tập thể để xin giới nắm quyền lực tôn trọng nhân quyền, đối đãi tử tế, xét xử công bằng dành cho các đối tượng đang bị bắt bớ, giam cầm hay đang bị đối xử khắc nghiệt là những biểu hiện điển hình của văn minh và văn hóa. Sự vận động cần đến sức mạnh tổng hợp của các nhà chuyên môn, các quan chức công tư, quần chúng bình thường để ký vào những thỉnh nguyện thư (petition), thư phản đối (letter of protest), thư ủng hộ (letter of support)… hoặc tổ chức những cuộc họp mặt ăn uống thuyết trình, những cuộc gây quỹ, tặng quà… trên một quy mô rộng lớn là những việc làm hợp pháp đầy quang minh chính đại. Ngay thời đức Phật còn tại thế, những cuộc trai tăng cúng dường tứ sự (thực phẩm, áo quần, thuốc men, mền chiếu) của các bậc vua chúa và trưởng giả đương thời cho Tăng đoàn cũng thường diễn ra trước sự quan chiêm của đại chúng. Tương tự như thế, cuộc cúng dường vận động của Mục Kiền Liên để xin năng lực lành của chư tăng gíúp cứu Mẹ đang bị hành hạ ở địa ngục A Tỳ là một việc làm đầy hiếu hạnh , đáng nêu gương báo hiếu muôn đời.

Tuy nhiên, riêng thầy Thích Thông Lạc thì đã phản bác và suy diễn sự tích báo hiếu Mục Kiền Liên như là một trò “hối lộ” phi đạo đức vì phải nương nhờ tha lực của chư tăng trong mùa An cư kiết Hạ. Đồng thời, thầy nêu lên lý tưởng người tu sĩ đạo Phật muốn báo hiếu cha mẹ thì phải tu hành chân chánh cho đến khi làm chủ được luân hồi sinh tử; nghĩa là phải chuyên tu hành cho đến chỗ đắc đạo mới gọi là báo hiếu cho cha mẹ.

Đạo Phật không đặt tiêu chí đúng/sai thông qua những lý luận giả định và những hình tướng mang bản chất giả tướng phàm phu trong nội hàm tục đế. Đức Mục Kiền Liên hội thỉnh năng lực chư tăng để cứu mẹ hay thầy Thích Thông Lạc chuyên tu đắc đạo để báo hiếu cha mẹ thảy đều là phương tiện. Tùy theo căn cơ và nghiệp lực của từng chủ thể và đối thể để chọn phương tiện thích hợp mà kết chiếc bè qua sông. Tới được bờ mới là cứu cánh. Bị tha hóa trong phương tiện của tri thức thường nghiệm là biểu hiện của vô minh. Quay lưng với phương tiện môn, khư khư ôm cứng cách làm và cách biết của riêng mình để phỉ báng những phương tiện khác mình là ngu là dốt – thì vô hình chung, tự lời phỉ báng – đã xa rời hệ thống giá trị luân lý và đạo đức đậm tính từ bi, hỷ xã của con đường giải thoát.

3. Luật nhân quả

Nhân quả là một quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội; không phải là một sản phẩm của giáo lý nhà Phật. Nguyên lý nhân quả là điều kiện tiên khởi và tất yếu để vạn vật sinh ra và phát triển như âm với dương, sáng với tối, nóng với lạnh. Nó hiện hữu, chi phối và vận hành thiên nhiên mới tạo được thế giới vật lý qua hình tượng “Big Bang”. Nhân quả là nguyên lý thường hằng từ khi chưa có bóng dáng của con người và mọi sinh thể trên trái đất. Nhưng khi đến với Phật giáo, luật Nhân Quả không còn là một lý thuyết khách quan, lạnh lùng và máy móc. Khái niệm nhân quả trong đạo Phật là một nguyên lý ứng dụng đầy sinh động của dòng sống hiện tiền. Lý nhân quả của nhà Phật là một tiến trình tương tác kỳ vỹ của NHÂN-DUYÊN-NGHIỆP-QUẢ. Nếu cứ theo lý nhân quả máy móc thường nghiệm thì thái tử Tất Đạt Đa xuất phát từ cái “nhân” con vua thì sẽ đạt tới cái “quả” làm vua. Nhưng vị thái tử nầy đã huân tập THIỆN NGHIỆP của bao nhiêu tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp tu hành. Đồng thời, Ngài có được THUẬN DUYÊN sinh ra trong triều đại thanh bình của minh quân mà cũng là từ phụ Tịnh Phạn. Nghiệp lành và duyên thuận đã chuyển hóa một vị vua tương lai thành đức Phật Thích Ca.

Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) là suối nguồn phát khởi dòng chảy luận lý học Phật giáo. Nó không nương tựa vào một sức mạnh thần quyền hay thế quyền nào cả mà trực tiếp đi vào sự đau khổ trầm thống của con người và mọi sinh thể. Từ đó, phân định rạch ròi đâu là nhân, đâu là quả theo cả hai chiều: Lưu chuyển và hoàn diệt. Nhân quả lưu chuyển giữa đời thường: Tập là Nhân; Khổ là Quả. Nhân quả hoàn diệt siêu trần thế: Đạo là Nhân; Diệt là Quả. Giữa cuộc đời thường, một sự thật hiển nhiên mà ai cũng từng nếm trải là cảm thọ khổ đau qua từng chớp mắt của thời gian. Khổ đau vì vô minh, khổ đau vì tập khí, khổ đau vì bị dập vùi bởi lơi ra khỏi dòng trung đạo. Và bản chất của Khổ là do sự dính mắc và tác động qua lại của những mắc xích sinh khởi mà đức Phật chỉ rõ trong Tập Đế xoay vòng qua Thập Nhị Nhân Duyên.

Nhân quả trong đạo Phật là một vòng tròn sinh diệt mà nhân là tâm điểm và quả là vòng tròn. Không có tâm điểm sẽ không có vòng tròn và không có vòng tròn thì tâm điểm không có lý do tồn tại, nên trong nhân đã có quả và trong quả đã có nhân. Từ một tâm điểm nhân phát khởi nhưng vòng tròn sinh hóa vẽ ra lớn hay nhỏ, đầy đặn hay méo mó là do sức mạnh và điều kiện hay nghiệp lực và hợp duyên tác động. Nhân quả đồng thời. Khi bà Thanh Đề làm bánh nhân thịt chó để thết đã chư tăng là đã có sẵn mầm ác đọa địa ngục. Và khi Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ là đã có sẵn mầm thiện hảo của hiếu nghĩa ở trong.

Luật nhân quả mà Thầy Thông Lạc nhắc đi nhắc lại thường xuyên trong 10 tập Đường Về Xứ Phật là một nguyên lý lạnh lùng và khô héo thuần lý tính và máy móc. Hễ đánh là động; hễ hô là ứng. Thực tế không đơn giản và kết cấu sơ sài như thế. Vì vậy, điều Thầy dạy… phải “sống theo luật nhân quả” đã trở thành một hình thức ngôn ngữ sơ cơ và khả hữu như “nắm lá trong lòng bàn tay”của chúng sinh mà đức Phật từng dùng làm biểu tượng để khai thị cho những tầm nhìn giới hạn trước vô cùng. Định kiến và chấp trước là nguyên nhân sự vắng bóng một hướng nhìn thông thoáng và một tinh thần xả ly của lý Phật Đà trên đường về xứ Phật.

Tự lực hay tha lực?

Khổng Tử nói trong sách Luận Ngữ rằng: “Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” (Người quân tử hòa mà không đồng; kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa). Cả hai thái độ quân tử vả tiểu nhân trong Khổng giáo đều không thể ứng dụng trong Phật giáo vì đạo Phật quán chiếu tất cả chúng sinh cùng một thể. Hòa hay không hòa; đồng hay bất đồng chỉ là biểu hiện tạm thời theo giả tướng thường nghiệm. Khi đã gặp nhau trên “đường về xứ Phật” thì thị phi, bỉ thử chẳng còn.

Trong vô lượng pháp môn tu, sự phát triển của giáo lý Đại Thừa là một bước lớn theo chân đức Phật. Sau ngày đắc đạo, đức Phật cũng đã chọn lựa con đường hóa độ quần sinh. Trong suốt 49 năm hóa đạo, Ngài đã giúp cây đuốc diệu kỳ để kẻ học theo Ngài tự thắp lên mà đi tìm cầu giác ngộ. Phật giáo Việt Nam, sau thời Lý Trần với Thiền tông cực thịnh, đã tiến dần tới khuynh hướng “Thiền Tịnh song tu” (Tiểu Thừa Thiền tông và Đại Thừa Tịnh độ tông khế hợp song hành trên đường tu chứng). Có thể nói đấy là con đường Trung Đạo thích hợp nhất đối với tinh thần văn hóa nông nghiệp và văn minh làng xã đậm bản chất Việt Nam. Phương tiện tùy nghi cũng như thuốc hay đúng bệnh. Đối tượng nào thì có phương tiện nấy. Kinh Di Đà, Pháp Hoa... giúp vẽ ra một thế giới diệu kỳ xứng hợp với khát vọng của giới bình dân thì Duy Thức, Bát Nhã thì lại đáp ứng được nhu cầu tri kiến của tầng lớp “thượng căn, thượng trí”.

 Thầy Thông Lạc viết:

“Vu Lan Bồn kinh, phẩm Phổ Môn trong bộ Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Di Đà kinh, Bát Dương kinh, Thủ Lăng Nghiêm kinh, Duy Ma Cật kinh v.v… Đó là những loại kinh sách phi đạo đức, phi chân thật, phi Phật pháp, nó không triển khai tri kiến giải thoát và tri kiến đạo đức nhân quả, nó khiến cho trí tuệ con người u mê, vô minh, đen tối, liệt tuệ thường sống với sự hiểu biết mơ hồ, trừu tượng, mê tín của thế giới siêu hình tưởng tượng, nó dạy người làm những việc thiếu đạo đức và thiếu chân thật, thường cúng tế, cầu cạnh, van xin, gia hộ, hộ trì v.v…

Theo đạo lý nhân quả, ai làm ác thì phải chịu nhận lấy quả khổ, không ai cứu khổ cho kẻ khác làm ác được, chỉ có các nhà thuộc kinh sách phát triển mới có một đức Bồ Tát Quán Thế Âm dám làm điều phi đạo đức này…”

Có chăng một hình thức “tự lực” hay “tha lực” tồn tại độc lập để người tu hành có quyền lựa chọn dễ dãi và cụ thể như đi xe lửa hay đáp tàu bay để về “ga” giác ngộ?

 Trên thực tế cũng như trong điều kiện lý tưởng nhất cũng không bao giờ có sự tác động của tự lực hay tha lực độc lập tuyệt đối và tách rời nhau cả mà tạo ra được một động lực hay một sự chuyển đổi nào của tâm thức cũng như của hoàn cảnh cả. Muốn tu – bất cứ tu theo môn phái nào – thì cũng phải dùng sự mong cầu của chính mình (tự lực), nương vào lời dạy của Phật (tha lực) để tịnh tâm quán chiếu (tự lực) trong khi vẫn còn nương vào phương tiện vật chất cúng dường của đàn na tín thí mới sống được mà tu (tha lực)… Ngay cả khi cầu nguyện một mình trong vắng lặng chẳng hạn thì cũng phải có sự kết hợp đồng bộ giữa tự lực và tha lực. Ví như khi đem ý muốn mong cầu cùa mình (tự lực) nói lên với đức Quán Thế Âm hay với chư Phật, chư Bồ tát (tha lực) thì rõ ràng là một sự kết hợp tạo thành sự ứng dụng của lời cầu nguyện (phương tiện) nhằm hướng đến một mục đích (cứu cánh). Và cứ thế, tự lực và tha lực tương tác không rời nhau, hợp duyên thành phương tiện thiện xảo mới mong đến được cứu cánh (thành Phật, thành bồ tát, thanh văn, duyên giác; chứng ngộ hay giải thoát…). Ngay cả những thiền sư hốt nhiên đại ngộ thì vẫn là một ánh chớp hay sự vỡ bùng tại đỉnh điểm sau cùng của một quá trình tu hành đầy thanh tịnh và tinh tấn với sự trì kéo của tự lực dũng mãnh kiên cố và tha lực có khi là thuận duyên, khi chướng duyên tác động dưới vô vàn hình tướng.

Đức Phật từ khi xuất gia đến khi thành đạo cũng đã trải qua bao nhiêu khoảnh khắc và chặng đường mà Ngài phải thường xuyên đối diện với tự lực của chính mình và tha lực của hoàn cảnh. Sau khi thành Phật, Ngài vẫn không quên quay về hóa độ cho những đối tượng đã “trợ lực” cho Ngài. Kể cả con ngựa Kiền Trắc và Xa Nặc đã đưa Ngài qua sông A Nô Ma, năm anh em Kiều Trần Như đã gặp gỡ trên đường tìm đạo, nàng Ma Ha Bà Xa Bà Đề đã dâng bát sữa giúp Ngài lai tỉnh sau cơn khổ hạnh kéo dài... Bởi vậy, e rằng, một thái độ khăng khăng độc tôn “tự lực” trên đường tu học thật khó tránh khỏi biên kiến của cực đoan và vọng động.

Có thể nói rằng, tự lực và tha lực đều là hai cây kiếm báu nội phò ngoại bật, giúp phát quang mở đường cho công hạnh tu trì, chặt đứt vô minh. Nhưng bảo kiếm ấy sẽ không hơn gì cây dao cùn của người hàng thịt nếu kiếm báu vào tay người ngã mạn, động tâm và chấp thủ.

Việc cầu nguyện và thờ phụng trong tôn giáo xưa nay là một phương tiện tinh thần. Đấy là một khuynh hướng tâm linh mà người thực hành có toàn quyền lựa chọn: Linh tại ngã, bất linh tại ngã. Người xưa thường nói: “Âm dương đồng nhất lý”. Lý ở đây là lý bình đẳng giữa nhân và quả, cầu và ứng, tâm và linh. Giới chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực tự nhiên và xã hội thường rất dè dặt và cẩn trọng khi đề cập đến những sinh hoạt mang tính chất tâm linh rất tế nhị nầy. Mọi thái độ khoác tay phê phán chủ quan và bài bác tiêu cực đều chỉ đưa đến phản tác dụng.

 Trong hội nghị chuyên đề về Đức Tin Tôn Giáo và Khoa Học, hội Tâm Lý Ứng Dụng Quốc Tế (IAAP = International Association of Applied Psychology) họp tại đại học LPU ở Olympia, WA, Mỹ vào tháng 3 năm 2012, đã đặt ra vấn đề là: “Sự cầu nguyện trong các tôn giáo là một hình thức mê tín dị đoan hay có căn cứ trên nguyên lý khoa học và năng lượng có thật”. Qua các bài thuyết trình của các nhà khoa học và tâm lý học thời danh, vấn đề trung tâm được thảo luận là:

- Có sự hiện hữu của năng lượng, sóng và tần số điện từ ẩn tàng dưới nhiều dạng thức chằng chịt khắp các thiên hà vũ trụ. Những dụng cụ khoa học truy tầm của trái đất đã ghi nhận tính tràn đầy và năng động của những suối nguồn năng lượng đó. Ngay ở địa cầu cũng tràn ngập các dòng năng lượng tự nhiên và nhân tạo. Tất cả đều có sự giao thoa vô hình vô tướng nhưng cực kỳ linh động và mạnh mẽ. Biểu hiện gần gũi và cụ thể nhất mà con người có thể tiếp cận được là qua các phương tiện truyền thông và vi tính. Chỉ cần nhích đúng tần số, mở đúng mã số là tức khắc con người được nối kết với nhau từ hai đầu trái đất. Có lẽ tần số và mã số của người Phật tử là Tâm.

 Hơn mười năm trước, tôi có viết sự cảm nhận nầy qua bài báo Sóng Tín Tâm (Waves of Faith). Bài đăng trên tạp chí American Social Work Association (số 219, IV; 1995). Sau đó, tôi trích đoạn đang vào truyện dài Tu Bụi [3]:

Có một sức mạnh vô hình của trời đất, vũ trụ. Ta có thể gọi đó là “Năng Lực Vũ Trụ” hay gọi gì tùy thích. Năng lực đó ẩn chứa trong Suối Nguồn Vũ Trụ. Con người sinh ra là đã có khuynh hướng nối kết với Suối Nguồn Vũ Trụ đó rồi. Cầu nguyện là gởi năng lực nhỏ bé và yếu ớt của cá nhân mình vào năng lực suối nguồn vũ trụ to lớn vô biên đó. Khi nguy biến, dốc tâm nguyện cầu là mở rộng cửa để lấy lại năng lực đó. Sự thành tâm cầu nguyện cũng ví như hình thức “giải mã” để năng lực vũ trụ bắt gặp cửa ngõ của cá nhân mà hút vào và biến tướng dưới vô số hình thức. Quán Thế Âm là Nghe Tiếng Trần Gian. Đó là trạm chuyển tiếp năng lực vũ trụ vào nhu cầu của hoàn cảnh con người trần gian một cách kịp thời và chính xác nhất. Đức Quán Thế Âm là một vị đại Bồ Tát, nhưng đồng thời cũng là một Năng Lực Siêu Nhiên Tuyệt Đối nên không bao giờ suy suyển, vắng mặt hay thiếu hụt bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu có nhu cầu trong vũ trụ, càn khôn nầy. Có thể cùng lúc biến thành vô số nhân vật khác nhau tùy theo nhu cầu của hoàn cảnh: Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm. Đạo Chúa có đức Mẹ. Dân gian Việt Nam có ông Trời, ông Bụt và mọi dân tộc, mọi tôn giáo xưa nay và bất cứ nơi đâu, đều có một đấng cứu khổ tương tự như ngài Quán Thế Âm. Người tiến hóa có một hình ảnh thánh linh để cầu. Người cổ sơ cầu đá, cầu cây, cầu mưa, cầu gió… đều là một hình thức giống nhau để tiếp cận với năng lực thường hằng trong Suối Nguồn Vũ Trụ đó.

Tôn giáo là một hệ thống lý thuyết chuyên sâu về tinh thần được người ta tin theo, tôn thờ và thực hành vào đời sống. Đó là một con đường tâm linh nên gọi là Đạo. Nhà tu là người sống Đạo và tín đồ là người theo Đạo. Sinh hoạt tôn giáo thường xuất hiện dưới ba hình thức: Tin theo, tôn thờ và sống với. Trong đó, tin theo là điều kiện đầu tiên để trở thành người có tôn giáo. Bảy tỷ người trên thế giới hiện nay có 59% nhận mình là có theo tôn giáo (religious), 23% không theo tôn giáo nào cả (non-religious) và 13% là vô thần (atheist). Trung bình tám trên mười người theo tôn giáo xác nhận là họ cầu nguyện hàng ngày, hướng về một hay những đấng thần linh nào đó của tôn giáo mà họ tin theo (PEW. Religion/Stat/2011).

Cuộc tranh luận giữa tôn giáo và khoa học đã kéo dài trên mấy nghìn năm vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Tuy nhiên, Phật tử không ai “u mê và bị lừa dối” để đọc kinh A Di Đà, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn và cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát một cách mù quáng như thầy Thông Lạc suy diễn cả. Cái “ý thức cầu nguyện” từ thời cổ sơ phát xuất từ đức tin bằng cảm nhận và trực giác rằng, con người và trời đất có sự tương tác vô hình. Thần linh là một dạng linh hồn ở bên ngoài thể xác. Con người và thần thánh có khả năng tiếp cận nhau ở một cấp độ cao hơn thân xác vật lý. Và khả năng cống hiến để tạo “duyên” tiếp cận với thần thành là thông qua cầu nguyện và lễ nghi chiêm bái. Ngành vật lý hiện đại gọi tên những sức mạnh vô hình vô ảnh nhưng có thể tiếp cận nhau giữa các đối thể tự nhiên và sinh thể ấy là những dạng năng lượng, là tần số, là sóng… Bản chất của tôn giáo là tâm linh. Tôn giáo không có cầu nguyện thì chỉ còn là một hệ thống triết lý hay lý thuyết trong tư duy hay sách vở mà thôi.

Một số các nhà Phật học cận đại thì lại có khuynh hướng lý giải sự cầu nguyện theo hướng “tâm lý ứng dụng” rằng: Cầu nguyện Phật, Bồ tát là đem tâm thành để khơi dậy tự tánh Phật và Bồ tát của chính mình. Khi đảnh lễ cầu nguyện là tâm mở ra để quay về tự tánh như “tự tánh Quán Thế Âm, tự tánh Di Đà...” để tìm cứu khổ và vãng sanh ngay trong trái tim và tri thức của chính mình.

Nếu thư giãn một chút – chớ vội biến phàm qua thánh – thì có lẽ nên thành thật nói với nhau rằng: Khi cúi đầu đảnh lễ trước Phật đài hay dốc tâm cầu nguyện trong cơn nguy biến, mấy ai trong chúng ta có được “thượng căn, thượng trí” để tìm cầu Phật hay Bồ tát ngay trong bản tâm sâu thẳm của mình. Khi thành tâm cầu nguyện, hầu hết ai cũng muốn tìm đến một đối tượng thiêng liêng, một năng lực siêu phàm ghi nhận và tiếp độ cho lời cầu khấn của mình. Vậy nên, tôn giáo là tôn giáo, khoa học là khoa học, triết lý là triết lý; chớ nên nhập nhằng và vất vả đi tìm một sự “hội tụ” khiên cưỡng không cùng mẫu số mà làm gì.

Nếu tu hành mà không gieo duyên, giải nghiệp được và kiếp sống đời nầy chỉ có thọ nghiệp “tự động và vô điều kiện” theo cái lý nhân quả máy móc như “khẩu súng bóp cò là nổ” thì đạo Phật chẳng có lý do xuất hiện giữa chốn Ta Bà nầy. Nếu nhân nào quả nấy không có đường hóa giải thì làm sao một bạo chúa của nửa đời trước như A Dục Vương lại trở thành Hộ Pháp Đại Vương trong nửa đời sau và bao nhiêu nhân vật lịch sử cải tà quy chánh “đồ tể buông dao thành Phật” trong lịch sử hóa độ chúng sinh của đạo Phật.

 Đường về xứ Phật là tâm đạo

Theo viện thống kê hàng đầu của Mỹ, PEW 2012, thì toàn thế giới có 4200 tôn giáo. Trong đó chỉ có 2 tôn giáo, Phật giáo và Lão giáo (Taoism), được xem là “tôn giáo ngoài quy ước” (irreligious) vì không tin có một đấng Sáng Thế Uyên Nguyên, Thượng Đế hay Ông Trời. Thú vị hơn nữa là đạo Phật đang được (hay bị) xem là (1) “hội tụ” với khoa học hiện đại, (2) là một hệ thống triết lý vô thần, (3) là một hệ thống tôn giáo đa thần với hằng hà sa số chư Phật và Bồ Tát, (4) là một cổ xe con tự lực tự độ, (5) là một cỗ xe nhớn nương vào tha lực độ tha, (6) là một siêu tôn giáo khi tách bến phàm trần nhập vào thể tánh… và ui chao, nhiều nhiều không kể xiết!

Vì Phật giáo phong phú và đa dạng đến như thế, nên dẫu ồn ào hay thầm lặng, nhưng lúc nào cũng có hiện tượng bồ tát Thường Bất Khinh và bồ tát Nghịch Hạnh xuất hiện dưới muôn hình muôn vẻ giữa cuộc đời thường. Đó là những bóng mây bay thoáng qua trên đường về xứ Phật.

Từ ngàn xưa, hiểu rõ thực trạng nầy nên đức Phật đã dạy “Tự mình thắp đuốc” để thấy rõ được mình trong mối tương quan đồng hành trên đường đạo.

Tiếng nói rổn rãng bên ngoài không quan trọng bằng tiếng nói lao xao bên trong.

Chớ để cho tiếng nói nào to hơn pháp âm rỗng lặng. Trên đường về xứ Phật, nếu chưa thấy rõ nhau thì ráng nhìn rõ nhau hơn qua chân dung đức Phật vẫn lặng lẽ trầm tư trong cơn đại định suốt mấy nghìn năm.

Sacramento, tiết vào Thu 2012

Trần Kiêm Đoàn



[1] http://yume.vn/binhan26901/article/duong-ve-xu-phat-tron-bo-10-tap.35D12B0C.html

[2] http://metintrongphatgiao.blogspot.com/2010/10/muc-lien-thanh-e.html

[3] http://www.trankiemdoan.net/van/truyendai/truyendai.html

 

Xem thêm bài liên quan: (bài mới)
NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG 8
ĐIỆU SỐNG GIỮA ĐƯỜNG
Trần Kiêm Đoàn





Ý kiến bạn đọc
07 Tháng Sáu 201913:32
Khách
Thưa chú.
Cháu chỉ mới đọc bài viết trên thới hết phần đạo đức ( tức phần 1). Cháu thấy thế này, mong chứ vật quý đạo hữu cùng xem xét.
Thứ nhất là HT Thông Lạc không hề tự theo thiền tông.
Thứ hai, đức mục kiền Liên tại sao lại chỉ cứu mỗi người mẹ đó, còn các mẹ trong tiền kiếp thì thế nào.! Đồng thời, HT Thông Lạc phản bác thế giới siêu hình, cho nên không hề có chuyện đoạ địa ngục trong lý luận của HT. Vì vậy, mệnh đề phán bác của chú về lý luận thẳng thắng kia của chú phá sản một cách đau đớn.
Tự xem vạn vật sinh sôi, vạn pháp vô thường, sinh từ tự nhiên, mất đi từ đó.
Từ đầu quay về đó, vậy mà đâu ra mấy ông thật phương chư phật không ở niết bàn, lại chạy ra ngự trị thập phương phân định mà nhận quà lễ rồi cứu người.
Thật chán cho thói đời.
Kính mong quý đạo hữu thử xét trên quần điểm khoa học hoặc triết học.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6814)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.