LỜI MỞ ĐẦU

15 Tháng Chín 202222:58(Xem: 505)

THIỀN TRONG NGHỆ THUẬT BẮN CUNG

Dịch giả: Thích Viên Lý

                        

LỜI MỞ ĐẦU

 

 

        Khi luyện tập nghệ thuật bắn cung, chúng ta nên chú ý một đặc điểm rất quan trọng: Sự tập luyện bắn cung không phải nhắm vào những mục tiêu thực dụng, cũng không thuần túy nhằm hưởng thụ mỹ học, mà nhằm rèn luyện tâm thức để, qua đó, người học có thể thâm nhập vào thực tướng của các pháp, của mọi hiện tượng. Điều này không phải chỉ ở Nhật Bổn mà hầu hết các nước Viễn Đông khác cũng như thế. Vả lại, không riêng gì môn bắn cung, việc luyện tập bất nghệ thuật nào cũng đều như thế cả. Vì vậy, người học bắn cung không phải chỉ muốn bắn trúng mục tiêu; người học kiếm khi vung gươm báu chẳng phải chỉ để mong thắng địch thủ; người ca vũ khi múa vũ khúc yểu điệu cũng không phải chỉ để biểu hiện những động tác nhịp nhàng của thân thể. Trước hết, tâm thức và tiềm thức cần hòa điệu lẫn nhau.

        Khi bạn thực tâm mong muốn trở thành bậc thầy của một nghệ thuật nào đó, nếu chỉ dựa vào kiến thức kỹ thuật thì chưa đủ. Bạn cần phải siêu việt lên trên kỹ thuật để biến nghệ thuật thành một “nghệ thuật vô nghệ thuật”.

        Trong nghệ thuật bắn cung, người bắn và mục tiêu không còn là hai chủ thể đối nghịch nhau mà là một thực thể. Cung thủ không còn cảm giác là người đứng trước bia kéo cung đợi buông tên để bắn trúng mục tiêu. Loại trạng thái vô thức này chỉ có khi chính cung thủ triệt để không còn tự ngã, và trở thành đồng nhất với tuyệt kỹ của họ, tuy rằng trong tuyệt kỹ này có điều gì đó rất khác thường mà không phải người học cách bắn cung có thể đạt được trong tiến trình luyện tập.

        Điều khiến cho Thiền khác biệt đậm với những giáo huấn về tôn giáo, triết học hoặc thần bí là: Tuy Thiền không bao giờ tách rời đời sống hằng ngày của chúng ta, và tuy rằng nó rất thực dụng và cụ thể, nhưng, Thiền có điều gì đó khiến nó cách biệt với khung cảnh ô trược và quay cuồng của thế gian.

        Tại đây chúng ta gặp sự liên quan giữa Thiền và xạ nghệ cùng các nghệ thuật khác như kiếm thuật, nghệ thuật cắm hoa, trà đạo, ca vũ, và mỹ thuật...

        Thiền Sư Mã Tổ (viên tịch vào năm 788 Tây lịch) nói rằng “Thiền là cái tâm hằng ngày,” và “cái tâm hằng ngày” này chẳng khác gì “mệt thì ngủ, đói thì ăn.” Một khi chúng ta vọng tưởng, trầm tư hay quan niệm hóa thì vô thức nguyên thủy liền xa lìa, và ý niệm đột nhiên sinh ra. Lúc ấy chúng ta không còn ăn khi ăn... không còn ngủ khi ngủ. Tên đã lìa cung nhưng không bay thẳng vào mục tiêu; tấm bia cũng không còn đứng tại chỗ cũ. Sự tính toán trở thành lầm lạc. Thuật bắn cung đi trật đường. Cái tâm rối loạn của xạ thủ tác hại chính mình trong mọi chiều hướng và mọi hành vi.

        Con người là động vật có tư tưởng, nhưng chúng ta thực hiện những thành tựu vĩ đại trong khi không một tính toán và không suy nghĩ. Cái tâm “giống như trẻ con” (“nhi tâm”) này phải trải qua nhiều năm huấn luyện thuật “quên bản ngã” mới có thê khôi phục. Khi đạt tới trình độ này, con người “nghĩ mà không nghĩ”. Hắn suy nghĩ giống như những trận mưa rào từ không trung rơi xuống; hắn suy nghĩ giống như những đợt sống uốn lượn trên mặt đại dương, như muôn sao soi sáng bầu trời đêm tối, như là xanh đang trổ ra trong gió heo may mùa Xuân. Chính người đó là hạt mưa, là đại dương, là muôn sao, là lá xanh tràn trề nhựa sống.

        Khi một người đạt tới trình độ phát huy tâm linh này, người đó trở thành một “nghệ sĩ Thiền” của cuộc đời. Người đó không cần phải tớí vải bố, cọ, và sơn màu, như họa sĩ; hắn không cần tới cung, tên và tấm bia, như cung thủ; vì hắn đã có sẵn tứ chi, thân mình, đầu, và các bộ phận của thân thể. Đời sống Thiền của người đó hiện thị qua những “công cụ” không thể thiếu này. Tay nhân là bút vẽ, cả vũ trụ là vải bố. Trên khung vải vẽ, họa gia này vẽ ra cuộc đời của mình kéo dài 70, 80, có khi tới 90 năm của hắn. Bức họa này gọi là “lịch sử."

        Pháp Diễn Thiền Sư của Ngũ Tổ Sơn (viên tịch năm 1140 Tây lịch) nói rằng: “Có người nào có thể biến không gian thành giấy, nước đại dương thành mực, Núi Sumeru thành bút, để viết năm chữ ‘Tổ Sư Tây Lai Ý’ 1. Đối với con người như thế, tôi xin trải tọa cụ 2 của tôi để cung kính bái phục.”

        Có lẽ có người muốn hỏi: “Những lời kỳ quặc này mang ý nghĩa gì? Tại sao những người có thể làm như thế lại đáng để chúng ta tôn kính?” Thiền sư có lẽ sẽ trả lời thế này: “Ta đói thì ăn, mỏi mệt thì ngủ.” Nếu vị đó chú trọng về thiên nhiên, có lẽ ông sẽ nói: “Trời hôm qua tạnh, hôm nay mưa.” Nhưng đối với độc giả, họ sẽ hỏi: “Cung thủ ở đâu?” Câu hỏi này vẫn chưa được giải đáp.

        Tiên Sinh Herrigel là một triết gia Đức đến Nhật để dạy tại các đại học và đã nhân cơ hội này học nghệ thuật bắn cung để mong từ đó nhận thức được Thiền. Trong quyển sách nhỏ tinh vi này, ông tường thuật rõ ràng về kinh nghiệm bản thân. Qua sự diễn đạt của ông, độc giả Tây phương sẽ tìm thấy một phương thức quen thuộc hơn để tìm hiểu về cái kinh nghiệm khác thường và khó đạt tới của người Đông phương.
 


              Ipswich, Massachusetts, Tháng Năm, 1953
                                  Daisetz. T. Suzuki

 

 

1 Năm chữ Hoa ngữ này dịch theo nghĩa đen có nghĩa là “động lực khiến vị tổ thứ nhất đến từ phương tây,”  thường được dùng làm chủ đề vấn đáp của Thiền môn.  Nó cũng giống như câu hỏi rằng cái gì là bản thể sâu xa nhất của Thiền.  Khi hiểu được điều đó, Thiền là chính cái thân thể này.

2 Là tấm đệm tròn (đan bằng cỏ lát hay bằng sợi thảo mộc khác), một trong những vật phẩm mang theo tùy thân, trải trên đất dùng khi lạy Phật hoặc lạy thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Năm 202122:37(Xem: 3712)
24 Tháng Ba 202020:57(Xem: 2994)
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA HT THÍCH VIÊN LÝ
15 Tháng Ba 202023:50(Xem: 5223)
Tác giả là một thiền sư trẻ tuổi mà tôi được vui sướng quen biết từ cả chục năm qua. Tất cả thiền sư đều là thi sĩ và tất cả thi sĩ không hẳn là thiền sư. Thiền sư Viên Lý là một nhà thơ trọn vẹn, và mỗi một nhà thơ trọn vẹn chỉ cần làm vài chục bài thơ thực trọn vẹn. Chỉ thế thôi, cũng quá đủ để cho ngôn ngữ Việt Nam vẫn là ngôn ngữ Việt Nam trọn vẹn.