Liệu con người có từ bỏ được "thịt" trong các bữa ăn?

28 Tháng Mười Một 201509:37(Xem: 6974)

LIỆU CON NGƯỜI CÓ TỪ BỎ ĐƯỢC "THỊT"
TRONG CÁC BỮA ĂN?
Minh Anh (RFI)


thit bo
Ảnh minh họa.Getty Images/BSIP

Ngày 26/10/2015, Trung tâm nghiên cứu vè ung thư (CIRC), một cơ quan của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS), công bố trên tạp chí  y khoa The Lancet Oncology « tiêu thụ thịt đỏ ‘rất có thể’ gây ung thư cho con người ». Thông báo đưa ra đã gây những phản ứng trái chiều nhau trên thế giới, nhất là tại những quốc gia sản xuất và tiêu thụ các loại thịt. Brazil hay Uruguay quan ngại cho ngành nuôi và chế biến thịt. Trung Quốc cho rằng « dùng thịt không bị ung thư ». Nhưng đối với các chuyên gia Việt Nam, lối sống không lành mạnh, cách ăn uống và chế biến thực phẩm không an toàn là những nguyên nhân chính gây ra các chứng bệnh ung thư và nhiều bệnh tật khác.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ung thư CIRC, có trụ sở tại Lyon, miền trung nước Pháp, tuyên bố thẳng thắn : « Tiêu thụ các loại thịt lợn ướp là gây ung thư và tiêu thụ các loại thịt khác (trừ thịt gia cầm) rất có thể bị ung thư ». 

Để có thể đi đến kết luận trên, CIRC đã huy động đến 22 chuyên gia y tế tại 10 quốc gia, xem lại gần 800 nghiên cứu được thực hiện trên thế giới về mối liên hệ có thể giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và phát chứng bệnh ung thư. Từ những nghiên cứu này, các nhà khoa học đã có thể rút ra kết luận là tiêu thụ các loại thịt đã qua chế biến như các loại thịt ướp, thịt xông khói, sấy khô hay thịt đỏ có liên can đến việc phát bệnh ung thư đại tràng. Và trong một chừng mực nào đó, các chứng ung thư tuyến tụy hay như tuyến tiền liệt. Mối liên hệ với ung thư bao tử cũng được quan sát, nhưng các chuyên gia của CIRC đánh giá các dữ liệu thu thập được là « chưa thuyết thục ».

Nhưng bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhìn nhận là « vẫn chưa hiểu được làm thế nào thịt đỏ và thịt chế biến gia tăng nguy cơ mắc chứng ung thư ». Tuy nhiên, nhiều giả định nghi ngờ vai trò của chất sắt có trong máu của thịt đỏ, cũng như là chất nitrat và nitrit được sử dụng trong quá trình chế biến thịt ướp.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh báo về việc tiêu thụ thịt có hại cho sức khỏe. Những năm gần đây có rất nhiều nhóm nghiên cứu đã gióng lên hồi chuông báo động về những rủi ro tiêu thụ thịt nhiều có liên quan đến chứng ung thư đại tràng. Vào năm 2012, tại Pháp, 42000 người đã được phát hiện mắc bệnh ung thư đại tràng, chứng ung thư phổ biến thứ ba sau ung thư phổi và ung thư vú.

Chuyên gia Trung Quốc : « Ăn thịt không bị ung thư » và phớt lờ vấn đề an toàn thực phẩm

Nhưng việc Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo trên có một tầm mức quan trọng đặc biệt. Nếu như hồi chuông báo động trên củng cố hơn nữa những người chủ trương ăn chay, từ bỏ chế độ ăn thịt vì cho rằng có hại cho sức khỏe. Từ vụ « bò điên » cho đến cơn dịch sốt lở mồm long móng, đến cả vụ gian lận thịt ngựa, có thể nói những người theo trường phái ăn chay không thiếu một lập luận nào để chống lại tiêu thụ thịt, nhất là đối với các nhà bảo vệ môi trường. Những người này ủng hộ việc từ bỏ hoàn toàn các loại thịt trong các bữa ăn.

Tuy nhiên, lời cảnh báo trên cũng gặp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều ngành công nghiệp chế biến thịt, tại Hoa Kỳ, Brazil, Úc, những quốc gia sản xuất và xuất khẩu thịt lớn nhất thế giới do bởi đôi khi đó là những lãnh vực chủ chốt của nền kinh tế đất nước, theo như nhận định của cô Florencia Valdes, ký giả của ban tiếng Tây Ban Nha, đài RFI :

« Cảnh báo của OMS đã gây xôn xao tại Châu Mỹ Latinh. Đây là khu vực rất chuộng các loại sản phẩm từ thịt bò và thịt heo ướp. Nhưng trong vụ việc này có hai quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng đó là Uruguay và Achentina. Không những thịt là một phần văn hóa ẩm thực mà còn là một lãnh vực nông nghiệp cơ bản cho nền kinh tế đất nước. Một vài con số để dễ hiểu: Achentina có đến 52 triệu gia súc, trong một đất nước chỉ 41 triệu dân. Trong khi đó Pháp chỉ có 19,3 triệu gia súc theo như số liệu của năm 2010. Về phần Uruguay, đất nước chỉ có 3,2 con bò/ đầu người, cao hơn gấp hai lần so với Achentina ».

Tại Đức, xứ sở của ngành chế biến thịt ướp, Bộ trưởng Thực phẩm đã bảo vệ đến cùng truyền thống ẩm thực địa phương : « Không việc gì phải sợ dùng một miếng xúc xích nướng ». Tương tự, đồng nhiệm Áo, xem báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới là « lời đùa cợt ». Một quan điểm cũng được các chuyên gia Trung Quốc đồng chia sẻ cho rằng những đánh giá trên chỉ liên quan đến các nước Phương Tây. Thịt đỏ không gây ung thư và người Trung Quốc vẫn tiếp tục ăn thịt như truyền thống. Phóng viên Shen ziyi, ban tiếng Hoa đài RFI cho biết :

« Người Trung Quốc cũng ăn rất nhiều thịt. Theo số liệu thống kê chính thức đưa ra, thì mỗi người dân tiêu thụ 60 kg thịt các loại/ năm. Có thịt để ăn được xem như là biểu tượng của sự giàu có, may mắn đối với người dân Trung Quốc từ lâu nay rồi. Nhất là thời gian gần đây Trung Quốc ngày càng tự cho là một quốc gia giàu có. Nhà thơ Đỗ Phủ, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Trung Quốc đã từng viết rằng: "Kẻ giàu chết trên đống thịt thối, còn người nghèo thì chết vì lạnh và đói bên vệ đường"

Báo chí Trung Quốc không nói gì nhiều về cảnh báo này. Điều đáng chú ý là phản ứng của giới chuyên gia Trung Quốc. Họ chỉ trích mạnh mẽ cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới là không đúng và không nghiêm túc. Bởi vì các chuyên gia tham gia vào nghiên cứu đã không có cùng một kết luận.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng bất kể đó là thịt đỏ hay đã qua chế biến, đều không gây ung thư. Điều thú vị đáng chú ý là các chuyên gia Trung Quốc đều tỏ ra rất cẩn trọng né tránh nhắc đến vấn đề đáng báo động đó là an toàn thực phẩm trong ngành công nghiệpthịt nuôi dùng trong chế biến. Đây mới là nguồn cội của nhiều căn bệnh nguy hiểm tại Trung Quốc.

Liên quan đến lời cảnh báo "thịt đỏ rất có thể gây ung thư", các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc này chỉ liên quan đến người phương Tây, bởi vì Trung Quốc không có cùng tiêu chuẩn. Do đó, chúng ta có thể nói là bất chấp các vấn đề an toàn thực phẩm, người dân Trung Quốc vẫn thích ăn thịt ».

Câu hỏi đặt ra : Liệu thật sự thịt đỏ có gây ung thư như khẳng định của Tổ chức Y tế Thế giới ? Bác sĩ Đặng Ngọc Ánh, thuộc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo, tại Sài Gòn, trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ đài RFI qua điện thoại có cho rằng thịt đỏ chưa hẳn là tác nhân chính gây bệnh, mà còn phải xem cách chế biến, nhất là các loại chất hóa học dùng để bảo quản các thực phẩm đóng hộp. Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh, nhậu nhẹt bê tha mỗi ngày cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và nhiều chứng bệnh khác như tim mạch và tiểu đường.
Minh Anh (RFI)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6204)
16 Tháng Mười Một 2016(Xem: 5786)
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 6221)
Trong khi mọi người cố gắng chấp nhận các sự kiện bi thảm đã xảy ra, thí dụ như vụ tấn công mới đây ở thành phố Nice, nước Pháp, vào buổi tối thứ Năm (ngày 14/7/2016), nhiều người đã đi tìm sự đoàn kết, và sự sẻ-chia niềm thông-cảm trên các phương tiện truyền-thông xã hội.
24 Tháng Sáu 2016(Xem: 5744)
Thông thường, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một người giàu có thường là người hạnh phúc, hay ít ra, họ dễ có cuộc sống hạnh phúc hơn người khác. Vì tin như thế, trong cuộc sống, chúng ta lao vào làm giàu và làm giàu không mệt mỏi để thực hiện khát vọng hạnh phúc của mình. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy rằng, sự thật không hẳn như vậy.
28 Tháng Năm 2016(Xem: 6039)
Một huynh đệ của tôi đã giảng dạy thiền tại một trai giam có hệ thống an ninh bậc nhất gần thành phố Perth trong khoảng thời gian vài tuần. Một nhóm tù nhân đã đến làm quen và rất kính trọng thầy. Cuối mỗi buổi giảng, họ thường hỏi thầy ấy về những sinh hoạt hằng ngày trong một tu viện Phật giáo.
20 Tháng Năm 2016(Xem: 7331)
Có lẽ sự ra đi của một đứa trẻ là sự nghiệt ngã nhất của cái chết mà khó ai có thể chấp nhận nó. Tôi đã dự và làm chủ lễ trong nhiều đám tang của các bé trai, bé gái vẫn còn chưa được nếm trải cuộc đời. Trách nhiệm của tôi là hướng dẫn các bậc cha mẹ cũng như những người trong gia đình đang đau buồn cùng cực và quẫn trí, để vượt qua nỗi đau của mặc cảm tội lỗi và nỗi ám ảnh về câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”
27 Tháng Tư 2016(Xem: 5280)
Phật giáo cần nói gì về những giấc mộng? Giống như một nền văn hóa khác, trong giới tín đồ Phật giáo cũng có những người tự xưng là giỏi về chuyện giải thích giấc mộng. Hạng người đó đã làm lạc lối những kẻ cả tin bằng cách khai thác sự thiếu hiểu biết của họ vốn cho rằng mỗi giấc mộng đều có một ý nghĩa tâm linh hay tiên tri.