Sống an vui

28 Tháng Tám 201403:56(Xem: 9526)
SỐNG AN VUI
Nguyễn Thế Đăng


blankỞ đời ai mà chẳng muốn sống an vui. Và đạo Phật là nghệ thuật để sống an vui. Dĩ nhiên, an vui có nhiều cấp độ, từ bậc thấp, bậc trung đến bậc cao. An vui cao tột là an vui không còn bị những hoàn cảnh làm cho giảm sút, hư hoại.

Đời sống an vui đó đặt nền trên những nguyên lý đã được đạo Phật khám phá, đã trải nghiệm suốt 2.600 năm nay. Người nào biết sử dụng, ứng dụng những nguyên lý ấy vào cuộc sống của mình thì được an vui hạnh phúc. Và tùy theo mức độ sử dụng, ứng dụng nhiều hay ít, tinh tế hay thô sơ mà con người có mức độ an vui nhiều hay ít, tinh tế hay thô sơ.

1. Xây dựng cuộc đời mình trên định luật nhân quả

Chúng ta thấy, từ lúc sinh ra, con người đã không bình đẳng về thân thể, trí óc, gia đình, hoàn cảnh xã hội… Ngay cả anh em cùng một cha mẹ, hoàn cảnh sống như nhau, cuộc đời họ cũng khác biệt nhau rất nhiều, từ khuynh hướng đến khả năng, may mắn, thọ yểu… Đó là do sự khác biệt của rất nhiều nhân đã tạo ở những kiếp trước.

Nếu không dựa vào định luật nhân quả nghiệp báo thì với tất cả mọi khoa học của con người đều không thể giải thích một cách hợp lý tại sao có sự bất bình đẳng ngay từ khi mới sanh ra như vậy.

- Nếu cho là có một Thượng đế sinh ra con người, thì Thượng đế ấy không công bằng khi sinh ra người này nhiều thuận lợi hơn người kia.

- Nếu cho là mọi sự đều ngẫu nhiên, thì cõi người phải hỗn loạn. Khi không có một trật tự nào từ một định luật chung nào thì mọi sự đều có thể làm. Sự tự do căn cứ trên ngẫu nhiên là một lối sống hư vô chủ nghĩa.

Như thế, phải có định luật nhân quả mới có thể thiết lập được thế giới con người. Sống theo định luật nhân quả, không gây nhân xấu, không làm những việc xấu là đã thấy bớt lo sợ, thế là đã có phần nào không sợ hãi (vô bố úy), như vậy là hạnh phúc rồi.

Định luật nhân quả cho phép con người tự do: tự do xây dựng đời mình, gây nhân tốt thì có quả tốt, gây nhân xấu thì có quả xấu. Chẳng có cái gì hay người nào khác có thể ngăn cản tiến trình nhân quả ấy được. Con người chỉ có thể sửa đối hệ thống nhân quả của mình trên chính định luật nhân quả chứ không thể ‘ăn gian’ nó được.

Mọi phẩm tính của con người có được, từ sự gieo hạt, nuôi trồng, chăm bón, đều đặt trên định luật nhân quả. Tôi tôn trọng định luật nhân quả nghĩa là tôi tự trọng, tôi tự biết thương mình, tôi không tự phá hoại làm hư hỏng đời mình. Trái lại, tôi xem cuộc đời tôi là một cơ hội độc nhất (vì dù có kiếp sau đi nữa, nó cũng không lặp lại hoàn cảnh bây giờ) để tôi chọn lựa nhân quả, tôi chọn lựa cuộc đời tôi. Tôi tự do, nghĩa là tôi không trách cứ, đổ lỗi cho ai cả (trách cứ người nào hay hoàn cảnh nào chỉ là một cách lệ thuộc người đó hay hoàn cảnh đó). Tôi bình đẳng, vì bất cứ ai cũng phải bình đẳng với tôi trong định luật nhân quả. Tôi hạnh phúc vì không gì có thể đụng chạm đến việc gieo nhân tốt của tôi, nghĩa là không gì phá hoại được việc tự xây dựng hạnh phúc của tôi. Tôi không đố kỵ với người hạnh phúc hơn tôi, tôi biết đó là do nhân trước kia của họ; nếu muốn hạnh phúc như họ thì tôi cứ tạo nhân hạnh phúc nhiều hơn. Tôi khoan dung vì tôi biết những lỗi lầm, những thất bại, những khổ sở của người khác sở dĩ có trong hiện tại chỉ vì họ đã không biết và không sống theo định luật nhân quả.

Mỗi ngày là cơ hội để gieo trồng và thọ hưởng hạnh phúc cho chính ta và người khác. Tôi không lo sợ mà thanh thản lạc quan. Tôi không phải giấu diếm điều gì, vì chẳng có ai có thể giấu mình trước sự vận hành của nhân quả.

Ngay cả cái đúng, cái sai của cuộc đời đều do nhân quả mà suy xét, thiết định. Đúng là lợi, là tốt. Sai là hại, là xấu. Nhận thức luận (đúng, sai) là một với đạo đức học (tốt, xấu) và là một với kinh tế học (lợi, hại). Nói rộng ra, tất cả mọi ngành học thuật để tạo ra thế giới văn minh của con người đều liên thông nhau nhờ định luật nhân quả.

Không thể hiểu biết hết và nói hết về định luật nhân quả. Mỗi người chúng ta phải nghe, tư duy, thực hành nhân quả để hiểu biết và xây dựng cuộc đời chúng ta để được hạnh phúc như ý muốn.

Khi hiểu rõ định luật nhân quả vận hành như thế nào, chúng ta cũng biết cách thoát khỏi sự vận hành của nhân quả. Đó là tự do của giải thoát và giác ngộ.

2. Sống trong một hạnh phúc mở rộng

Nhân quả không chỉ để phòng thủ cho cuộc đời cá nhân, tránh cái sai cái xấu, làm cái đúng cái tốt. Ý thức về nhân quả còn phải được mở rộng ra đến xã hội. Gây nhân tốt quả tốt cho người khác, cho xã hội được gọi là gây tạo phước đức.

Cuộc đời chúng ta càng có nhiều điều tốt lành thì chúng ta càng có nhiều hạnh phúc. Điều tốt lành có được nhiều hơn khi chúng ta mở rộng điều tốt lành cho những người khác. Làm từ thiện, giúp đỡ người khác, tạo tượng những bậc giác ngộ để nâng cao tâm hồn người ta, rải tâm từ bi ra chung quanh… cho đến xử án cho đúng pháp luật, mua bán với giá cả hợp lý, bớt nói dối, không say sưa… Mọi hành động đúng và tốt đẹp làm cho người khác đều được gọi là phước đức.

Xã hội là môi trường và cơ hội để chúng ta có thể mở rộng phước đức, nghĩa là mở rộng hạnh phúc của mình. Nếu làm cho một người vui thì chúng ta có một hạnh phúc, làm cho nhiều người vui thì chúng ta có nhiều hạnh phúc. Cho đến ngày nào, làm cho tất cả mọi người an vui thì chúng ta có tất cả hạnh phúc.

Điều lành hay phước đức cũng không thể nói hết vì nó nằm trong mọi hành động cử chỉ của con người. Chỉ biết rằng mỗi ngày mỗi tạo điều lành, mỗi tạo phước đức thì đó là một ngày hạnh phúc. Điều lành ấy, phước đức ấy càng sâu càng rộng thì hạnh phúc càng sâu càng rộng. Cho đến lúc cả thế giới này đều biến thành hạnh phúc thì còn có sự an vui nào hơn?

3. Tìm đến và sống trong cội nguồn hạnh phúc của đời sống

Bình thường, chúng ta chỉ sống ở mặt bên ngoài cạn cợt của đời sống, chúng ta chỉ tiếp xúc với đời sống bằng giác quan và một phần ý thức. Không thể sống sâu rộng hơn nên chúng ta mau chán và không thỏa mãn.

Người ta có thể đi đến tận bản chất hay cội nguồn của đời sống, nghĩa là bản chất của thế giới, của người khác và của chính chúng ta. Cái cội nguồn hay bản chất của mọi hiện hữu được kinh điển gọi là “thật tướng của tất cả các pháp”. Đạo Phật là những con đường, những pháp môn, giúp cho mỗi người tìm đến và kinh nghiệm cái bản chất thật sự của mọi hiện hữu, do đó chúng ta có thể hưởng thụ được những mặt rộng và những chiều sâu vô cùng của đời sống, của hiện hữu.

Chúng ta hay dùng từ “bản tâm”, tức là cái tâm căn bản, cội nguồn nguyên thủy. Nói cách khác, đó là cái cội nguồn của tâm thức hiện giờ đang hoạt động của chúng ta. Không biết cội nguồn của tâm, chúng ta không biết mình là cái gì, sống làm sao cho trọn vẹn, chết về đâu, và cuộc sống chúng ta cứ trôi dạt theo mọi hoàn cảnh bên ngoài. Đó là sự khổ đau căn bản.

Bản chất của mọi hiện hữu, gồm cả tâm thức chúng ta, theo Kinh Đại Bát Niết Bàn, được gọi là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nói theo ngôn ngữ đời thường, đó là hạnh phúc tối hậu, hạnh phúc không tùy thuộc nhân duyên. Điều quan trọng nhất của đời người là Phật tánh thường, lạc, ngã, tịnh ấy luôn luôn hiện hữu nơi chúng ta, dù chúng ta có biết hay không: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.

Cuộc sống là để tiến hóa, để tự hoàn thiện. Tiến hóa đến cái hạnh phúc tối hậu ấy, tự hoàn thiện để trở thành hạnh phúc tối hậu ấy. Đây là mục đích của cuộc đời, vì có loài nào lại không đi tìm hạnh phúc, một hạnh phúc sâu và rộng không cùng?

Dĩ nhiên, khó có thể đạt đến hạnh phúc cao tột, tối hậu ấy trong chỉ vài năm hay thậm chí chỉ một đời. Dù rằng trong thực tế và nếu cố gắng, ai ai trong chúng ta cũng có thể mỗi ngày mỗi đi đến gần hơn, nhận diện rõ ràng hơn cái gì là khuôn mặt thật xưa nay của mình. Mỗi ngày chúng ta đều có thể thấm nhuần thêm một ít cái vị cam lồ của sự sống bất tử ấy.

Mỗi ngày là một cơ hội, một hoàn cảnh để chúng ta nối kết với cái cội nguồn, cái nền tảng của mọi hoàn cảnh sinh hoạt ấy. Mỗi ngày chúng ta đều có thể nối kết với hạnh phúc tối hậu, vốn ở sẵn trong đáy sâu của thân tâm mình. Đó là chúng ta biết sống với hạnh phúc đích thực. Cuộc sống để thực hiện mục tiêu đích thực ấy là một cuộc đời hạnh phúc, vì con đường của nó, nói theo kinh điển, là “tốt đẹp ở lúc bắt đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, và tốt đẹp ở lúc cuối cùng”.

Ba điều ở trên là ba cột trụ cho một cuộc đời an vui. Sống theo định luật nhân quả là một lối sống đúng, chánh, và cuộc sống chánh đúng đem lại hạnh phúc. Cuộc sống đó cần được mở rộng ra đến người khác và thế giới, do đó, hạnh phúc sẽ được rộng lớn hơn. Cuối cùng, cuộc sống ấy cần dựa trên sự thâm nhập thực tại, cũng là hạnh phúc tối hậu, để hạnh phúc càng được sâu xa và bao la hơn.

Ba điều ấy bổ túc lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, nâng cấp lẫn nhau, đem lại cho cuộc sống chất vị thật sự của đời sống là hạnh phúc. Không có nhân quả, cuộc sống sẽ gập ghềnh, bị nhận lãnh thay vì được nhận lãnh. Không có phước đức, làm lợi lạc cho người khác, tâm sẽ không mở rộng tỏa khắp, và hạnh phúc bị giới hạn trong một cá nhân nhỏ hẹp. Quan trọng nhất là cái thứ ba, không hiểu và sống được bản chất của đời sống, thì cuộc sống chỉ toàn là khó khăn, trở ngại, đối nghịch, phân mảnh, chia biệt.

Khi đạt đến bản chất tối hậu của đời sống là hạnh phúc, cả hai cái trên, nhân quả và lợi người, đều được nâng lên thành hạnh phúc tối hậu. Nhân quả là hạnh phúc vì nhân quả là sự biểu lộ của bản chất tối hậu. Vũ trụ là sự biểu lộ của nhân quả, do đó, vũ trụ là niềm vui. Lợi người không còn là bổn phận, sự hy sinh khó nhọc, mà lợi người là hạnh phúc vì nó biểu lộ hoạt động hạnh phúc của tự thân hạnh phúc. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Mười 2015(Xem: 4426)
Nghề trồng cây ăn quả đã là một nghề có từ rất lâu. Nhiều người đã giàu lên từ nghề này, như vùng trồng phật thủ uy tín ở Đắc Sở, Hoài Đức
28 Tháng Chín 2015(Xem: 5229)
Không có quy luật nào trong Phật giáo buộc con người phải kết hôn, hoặc là ở độc thân hoặc là sống một đời sống hoàn toàn trinh bạch. Giới luật cũng không đặt ra cho người Phật tử buộc họ phải sinh con cái hoặc là điều chỉnh số lượng con cái mà họ phải sinh. Đạo Phật cho phép mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền tự do quyết định cho chính bản thân mình về tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 10497)
Đức Phật luôn hiện hữu quanh ta, theo từng bước ta đi, từ hòn sỏi ven đường đến cành cây, chiếc lá, đâu đâu ta cũng có thế thấy Phật. Phật Giáo Giữa Đời Thường ghi lại trải nghiệm mỗi ngày.
17 Tháng Chín 2015(Xem: 4857)
Câu chuyện tôi yêu thích viết về người mẹ, lấy ra từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel của tác giả Toni Morrison, Đôi Mắt Mầu Xanh Thẳm Như Bầu Trời (The Bluest Eye).
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 6212)
Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ...
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 9041)
Khi được khen ai cũng vui tươi, Khi bị chê ai cũng buồn chán, Người khôn vượt khỏi khen chê, Thân tâm an ổn, vui tươi làm lành.
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 7435)
“Bát phong trong nhà Phật” nghĩa là Tám ngọn gió đời, là Tám pháp thế gian, là thước đo người tu hành chân chính. Tám gió này hay làm con người vọng động, điên đảo mà sinh ra vui vẻ, hạnh phúc hoặc phiền muộn, khổ đau.
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 7558)
Có một Phật tử nhân ngày đầu năm đến Thiền Viện thăm Thiền sư và sau đó yêu cầu Thiền sư chúc phúc. Thiền sư liền chúc như sau: “Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết, và chít chết.” Vị Phật tử nghe xong quá kinh hoàng, hoảng sợ nói: “Kính bạch thầy, hôm nay là ngày đầu năm sao thầy chúc con toàn sự chết chóc, thật là xui xẻo và bất hạnh cho gia đình chúng con.
25 Tháng Bảy 2015(Xem: 4759)
Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết: “Bạn tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thiết thân của bạn. Nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn.”
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 12843)
Tôi được mời thuyết giảng về “Bảy bí quyết sống hạnh phúc”, nhưng thật khó để hạn chế các bí quyết xuống chỉ còn có bảy! Thật ra có nhiều bí quyết hơn thế, nên tôi hy vọng rằng khi bạn sống với chánh niệm, trí tuệ và lòng từ bi, bạn sẽ trở nên ý thức về các bí quyết khác nữa.