Con đường tôi đi

29 Tháng Tư 201617:24(Xem: 6164)

CON ĐƯỜNG TÔI ĐI
Bình Anson

 

Đây là một bài viết ngắn, tóm tắt quan điểm và nhận định của riêng tôi về những vấn đề thường thấy đem ra thảo luận trên các diễn đàn Phật giáo. Viết ra để chia sẻ và cũng là một dịp tốt để cô đọng lại những gì mình đã tìm tòi, suy tư, trải nghiệm trong thời gian qua. Hoàn toàn không có ý chê bai, phê bình người khác, mà cũng không có ý bênh vực, biện minh cho con đường của mình.

A. ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ VÀ CÁC VỊ PHẬT, BỒ-TÁT KHÁC


Sau nhiều năm đọc và tìm hiểu kinh sách và tài liệu Phật giáo, xin trình bày tóm tắt quan điểm riêng của cá nhân tôi như sau:

1) Tôi tin rằng trên trái đất nầy – từ khi được thành lập theo kiến thức địa chất và hệ thống vũ trụ, và từ khi loài người được hình thành theo kiến thức sinh vật học, dựa theo quy trình tiến hóa văn minh và lịch sử của loài người, chỉ có một vị Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma Sambuddho) duy nhất, đó là Ngài Cồ-đàm Thích-ca Mâu-ni (Gotama Sakya Muni). Ngài khai mở Đạo Phật, Tăng đoàn và cộng đồng đệ tử cư sĩ, được ghi lại trong các nguồn kinh điển Pali, Hán tạng, Tây Tạng (và một số bài kinh rời rạc, dạng Sanskrit) của nhiều truyền thống khác nhau tại nhiều nơi thuộc châu Á.

2) Kinh điển – của nhiều nguồn, nhiều truyền thống khác nhau – cũng có đề cập đến các vị Phật và Bồ-tát khác, nhưng cho đến nay, theo sự hiểu biết của riêng tôi, tôi vẫn chưa tin (xin nhấn mạnh chữ “chưa” ở đây) đó là những nhân vật lịch sử, hiện hữu thật sự trên trái đất nầy.

3) Tôi kính trọng tất cả mọi tông phái và truyền thống Phật giáo còn hiện diện ngày hôm nay, và tôi trân quý tất cả các kinh sách Phật giáo lưu lại từ nhiều nguồn gốc khác nhau, như là một di sản lịch sử chung cho nhân loại. Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi, những gì ghi lại về lời giảng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đại đa số được lưu trong hệ Nikaya Pali và hệ A-hàm Hán tạng, là quan trọng, cần thiết, và đầy đủ để chúng ta tìm hiểu và thực chứng, đem lại an vui ngay trong đời nầy và đời sau; và tối hậu, khi phước duyên tròn đủ, đưa đến giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Bình Anson, 29-09-2013


* * *

B. VÀI NHẬN ĐỊNH CỦA TÔI TRONG TRUYỀN THỐNG THERAVADA


Tôi đến với truyền thống Theravada vào năm 1979 (xem: http://budsas.blogspot.com.au/2014/07/toi-tro-thanh-nguoi-tu-hoc-theo-ao-phat.html ). Từ đó đến nay, tôi vẫn tiếp tục tu học trong truyền thống này. Sau đây là vài nhận định riêng của cá nhân tôi. Thật ra, những nhận định này không có gì đặc biệt, vì một số người khác cũng có những nhận định tương tự. Tôi chỉ là một phàm nhân vẫn còn đang mò mẫm tu tập, còn nhiều vô minh và phiền não, cho nên, các nhận định nầy sẽ còn được chỉnh sửa theo thời gian. Mọi thứ trên đời nầy chỉ là tương đối.

1) Trong số các hệ thống kinh điển Phật giáo còn lưu truyền đến ngày hôm nay, hệ thống kinh điển Pali tương đối gần với thời kỳ nguyên thủy nhất, tương đối nhất quán, tương đối đầy đủ những lời dạy của Đức Phật, tương đối đầy đủ chi tiết hướng dẫn cụ thể cho mọi tầng lớp trong xã hội, để chúng ta y cứ vào đó mà tu tập. Xin ghi nhận là tôi dùng chữ “tương đối” ở đây. Ngoài ra, nếu muốn, có thể đọc thêm tạng A-hàm, trong kho tàng Hán tạng, để so sánh bổ sung.

Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu và học tập bốn bộ chính của Kinh tạng Nikaya (Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ) và các tập chính của Tiểu bộ (Tiểu tụng, Pháp cú, Kinh tập, Phật tự thuyết, Phật thuyết như vậy). Còn các loại kinh văn khác chỉ là phụ thuộc, đọc tùy duyên, lúc nhàn rỗi.

2) Đức Phật không nói tiếng Pali. Pali không phải là tiếng nói (spoken language, ngôn ngữ) mà là một văn ngữ (textual language) dùng để ghi chép kinh điển. Pali là một dạng chuẩn hóa tổng hợp nhiều phương ngữ vùng Bắc Ấn để truyền khẩu trì tụng và ghi chép. Cho nên, Pali có thể có nhiều điểm tương đồng với loại ngôn ngữ mà Đức Phật và chư Tăng sử dụng trong vùng đó. Cũng có thể trong 45 năm hoằng pháp dọc theo vùng trung lưu sông Hằng, Đức Phật dùng nhiều phương ngữ (dialects) khác nhau để giáo hóa mọi tầng lớp dân chúng trong các quốc độ thời đó.

3) Tam tạng Pali (Pāli Tipiaka), như chúng ta biết ngày nay, không phải được đúc kết và thành hình trong cùng một lần kết tập kinh điển. Trong quá trình khoảng 500 năm, sau khi Đức Phật nhập diệt cho đến khi được viết xuống lá buông tại Sri Lanka vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, nguồn kinh điển này được biên tập, chỉnh sửa và bổ sung nhiều lần. Khi đọc kinh, cần phải cân nhắc, đối chiếu so sánh với các bài kinh khác, phải sàng lọc các đoạn trùng lặp do văn phong khẩu truyền, phải tìm hiểu thành phần đối tượng và bối cảnh văn hóa xã hội tại địa phương và thời điểm lúc Đức Phật giảng bài kinh đó.

4) Pháp hành Tứ Niệm Xứ không phải là con đường duy nhất. Bát chi Thánh đạo (Bát chánh đạo, Thánh đạo Tám ngành) mới là con đường “duy nhất” của chư Phật ba đời, đưa đến giác ngộ giải thoát. “Tứ niệm xứ” là dịch từ “cattāro satipaṭṭhānā”, được nhiều người biết qua bài kinh Satipaṭṭhānā Sutta (bài kinh số 10, Trung bộ), thường được hiểu là “bốn nền tảng của niệm” (sati-paṭṭhānā), nhưng cũng có thể hiểu là “bốn cách thiết lập niệm” (sati-upaṭṭhānā). Trong bài kinh Satipaṭṭhānā Sutta, chữ “ekāyana-maggo” thường được dịch là “con đường duy nhất, độc nhất” (the only way/path), nhưng có lẽ nên dịch là “con đường trực tiếp, con đường thẳng tiến (the direct path). 

Thực hành tứ niệm xứ có liên quan đến phát triển Chánh Niệm, một trong tám chi phần của Bát chi Thánh đạo. Chánh Niệm và Chánh Định (liên quan đến việc đem tâm vào trạng thái thiền-na – jhāna) phải được phát triển đồng đều và bổ sung cho nhau. Do đó, thiền An Chỉ (samatha bhāvanā) có vai trò quan trọng không kém gì thiền Minh Quán (vipassanā bhāvanā). Ngoài ra, sáu chi phần còn lại của Bát chi Thánh đạo cũng cần phải hiểu rõ và áp dụng tu tập.

5) A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi diệu pháp, Thắng pháp, Vô tỷ pháp) không phải là Phật ngôn. Đây là tập hợp những tư tưởng phát triển trong thời kỳ phân chia các bộ phái của Phật giáo Sơ kỳ (Early Buddhism). Mỗi bộ phái có thể có tạng A-tỳ-đàm riêng, phân tích chi tiết tỉ mỉ các hiện tượng tâm vật lý theo quan kiến bộ phái, mà trước đó, chỉ đề cập tổng quát trong Kinh tạng. Ngày nay chỉ còn có tạng A-tỳ-đàm Pali là tương đối trọn vẹn và thuần nhất, phản ánh quan điểm của một bộ phái truyền vào Sri Lanka. Ngoài ra còn có tạng A-tỳ-đàm của Hữu bộ, nguyên bản Sanskrit đã thất lạc, chỉ còn bản dịch tiếng Hán.

Khi đọc các sách giáo khoa về A-tỳ-đàm, cần phải tìm hiểu và phân biệt những gì ghi trong Chánh tạng (tạng A-tỳ-đàm) và những gì được các luận sư khai triển thêm về sau nầy trong các bộ Chú giải, Phụ Chú giải và Luận giải.

6) Vai trò của Chú giải và Phụ chú giải là để giúp hiểu rõ thêm ý nghĩa của Tam Tạng. Các luận thư nầy được soạn ra trong khoảng từ 500 năm đến 1.500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, và một phần nào đó, phản ánh hoàn cảnh và tư duy của các vị luận sư trong thời ấy. Các câu chuyện, duyên sự, về Đức Phật và các vị đệ tử là những sưu tập qua nhiều thế kỷ sau khi Ngài nhập diệt, và có thể đã qua nhiều sự biên tập, sửa đổi, bổ sung. Cần phải biết lọc lựa, cân nhắc khi dùng các luận thư nầy.

7) Tăng Bảo trong ý nghĩa "Quy y Tam Bảo" – ba nơi nương tựa tối thượng, Phật-Pháp-Tăng – là cộng đồng chư Thánh tăng, không bao gồm phàm tăng. Tôi kính trọng và tri ân các vị phàm tăng – nam và nữ tu sĩ Phật giáo. Tôi luôn luôn tìm đến các vị ấy để học hỏi, tu tập; và tôi hết lòng cúng dường, hỗ trợ các vị tăng ni trong khả năng hạn hẹp của mình. Tôi hoàn toàn không có ý hạ thấp giá trị của các vị phàm tăng ấy.

Tuy nhiên, trong ý nghĩa của kinh điển nguyên thủy, không phải trong các diễn giải suy luận sau nầy, quy y Tăng Bảo(Sagha saraa gacchāmi) là quy y vào cộng đồng các vị đã nhập dòng Thánh giải thoát, "bốn đôi tám vị (cattāri purisayugāi atthapurisapuggalā)" – nghĩa là các vị đã đắc đạo quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, và A-la-hán [1].

8) Đức Phật không ngăn cấm người cư sĩ tìm hiểu giới luật tu sĩ. Quan niệm ngăn cấm cư sĩ tìm hiểu giới luật tu sĩ có lẽ bắt nguồn từ những bài giảng luận của các vị tăng sĩ Trung Quốc. Đọc tạng Luật giúp chúng ta hiểu biết về nguyên nhân, bối cảnh và duyên sự Đức Phật chế ra các giới luật cho hàng tu sĩ, và nhất là giúp chúng ta có thêm hiểu biết về lịch sử thành lập và sinh hoạt của Tăng đoàn, và về sự liên hệ giữa tứ chúng (tu sĩ nam và nữ, cư sĩ nam và nữ) trong thời Đức Phật còn tại thế. 

9) Tái lập dòng Tỳ-khưu-ni trong truyền thống Theravada là khả thi, và cần phải thực hiện. Đã có nhiều thảo luận nghiêm túc về vấn đề này. Quan trọng nhất là các bài tham luận, phân tích dựa theo kinh điển và lịch sử Phật giáo, của quý ngài Bhikkhu Bodhi và Bhikkhu Analayo – tôi có lưu tại trang web BudddhaSasana ( http://budsas.net ). Tuy nhiên, trên thực tế – tùy theo các điều kiện chính trị, văn hóa, truyền thống xã hội – mỗi cộng đồng Phật giáo, mỗi quốc độ Phật giáo có những quyết định riêng về việc có thể tái lập dòng Tỳ-khưu-ni hay không. Tôi tôn trọng các quyết định đó, và tôi hoàn toàn không có ý kiến hay bình luận. Nhưng tôi tin rằng dần dần, theo thời gian, sẽ có những thay đổi. 

Riêng tại nước Úc, nơi tôi sinh sống trong gần 40 năm qua, tôi ủng hộ việc thành lập dòng Tỳ-khưu-ni Theravada trong xứ sở nầy. Tại đây, giai đoạn tìm hiểu, thăm dò, thảo luận, và thành lập đã hoàn tất; và bây giờ chuyển sang giai đoạn củng cố và phát triển.

10) Quả vị Thánh đầu tiên, quả Dự lưu (Sotāpanna, Tu-đà-hoàn), mở rộng cho tất cả mọi người trong hàng tứ chúng – tu sĩ lẫn cư sĩ, nam và nữ, già và trẻ. Người cư sĩ tại gia, có gia đình, làm việc và tham gia mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội, vẫn có thể nhập dòng thánh giải thoát và đắc quả vị Dự lưu – nếu tinh tấn tu tập, lòng tin Tam Bảo vững chắc, sống đạo đức, và với phước duyên tròn đủ. Đối với tôi, đó là mục tiêu thực tế mà tất cả chúng ta nên hướng đến.

Bình Anson, 24-01-2015
(updated 31-01-2016)

 

* * *


Ghi chú:

[1] Gần đây tôi nhận nhiều phản hồi về vấn đề này. Xin xem thêm giải thích tại: "Ý nghĩa TĂNG BẢO trong quy y Tam Bảo".

 

Ý nghĩa TĂNG BẢO trong quy y Tam Bảo


Khi tôi viết bài “Con đường tôi đi”, tôi nhận được nhiều phản hồi về nhận định của tôi về Tăng Bảo. Theo tôi, Tăng Bảo trong ý nghĩa “quy y Tăng bảo” (Sangham saranam gaccami) là để chỉ cộng đồng các Thánh tăng, không bao gồm phàm tăng.

Thật ra, nhận định nầy không có gì mới lạ, vì đây cũng là nhận định của một số các vị cao tăng khác. Xin đơn cử ba thí dụ:

1) Nyanatiloka Maha Thera (1952), “Buddhist Dictionary”:

... Sagha (lit.: 'congregation' or 'assembly'), is the name for the Community of Buddhist monks. As the third of the Three Gems or Jewels (ti-ratana, q.v.) and the Three Refuges (ti-saraṇa, q.v.), i.e. Buddha, Dhamma and Saṅgha, it applies to the ariya-sagha, the community of the saints, i.e. the 4 Noble Ones (ariya-puggala, q.v.), the Stream-winner, etc.

2) Bhikkhu Bodhi (1994), “Going for Refuge, Taking the Precepts”:

... For these reasons the institutional Sangha is extremely vital to the perpetuation of the Buddha's teaching. However, the order of monks is not itself the Sangha which takes the position of the third refuge. The Sangha which serves as refuge is not an institutional body but an unchartered spiritual community comprising all those who have achieved penetration of the innermost meaning of the Buddha's teaching. The Sangha-refuge is the ariyan Sangha, the noble community, made up exclusively of ariyans, person of superior spiritual stature. Its membership is not bound together by formal ecclesiastical ties but by the invisible bond of a common inward realization. The one requirement for admission is the attainment of this realization, which in itself is sufficient to grant entrance.

3) Nyanaponika Maha Thera (2006), “The Threefold Refuge”:

..."I go for refuge to the Sangha." The Sangha is (here) the community of (holy) monks which is united by the communion of right view and virtue (di.t.thi-siila sanghaatena sa.mhato' ti sangho).

That is to say: the Sangha (meant in the formula of refuge) is the group of the eight noble beings (ariya-puggala: those in possession of 1) the path of stream-entry, 2) the fruition thereof, etc.).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4629)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 5569)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 7567)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6671)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 7117)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 7656)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 6063)