Đóa Hoa Mùa Hạ

24 Tháng Mười 201819:11(Xem: 6899)

ĐÓA HOA MÙA HẠ
Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

 

duc phatPhật tử đến chùa hoặc tại tư gia thường hay cũng dường nhang đèn, bông hoa đến bàn thờ Phật như là một cách tôn kính và tưởng nhớ đến ân đức Tam bảo. Hương hoa, nhang đèn là vật không thể thiếu trong việc cúng dường các chùa. Các Phật tử thường cúng dường hoa tươinhang đèn nơi bàn thờ Phật, cội Bồ-đề… Việc nhang đèn cháy hết và những bông hoa héo tàn qua thời gian nhằm nhắc nhở tất cả chúng ta rằng cuộc sống này chỉ là phù du thoáng qua, rằng tất cả mọi thứ đều mục rữa, và cuối cùng sẽ biến hoại, cuộc sống vốn dĩ vô thường.

Pūjemi buddha kusumenanena
Puññena me tena ca hotu mokkha
Puppha milāyāti yathā ida me
Kāyo tathā yāti vināsabhāva.
Pūjemi dhamma kusumenanena
Puññena me tena ca hotu mokkha
Puppha milāyāti yathā ida me
Kāyo tathā yāti vināsabhāva.
Pūjemi sagha kusumenanena
Puññena me tena ca hotu mokkha
Puppha milāyāti yathā ida me
Kāyo tathā yāti vināsabhāva.

Dâng hoa cúng dường Phật
Bậc thương xót muôn loài
Dâng hoa cúng dường Pháp
Đạo nhiệm mầu cứu khổ
Dâng hoa cúng dường Tăng
Ruộng phước không gì bằng
Hoa tươi đẹp sẽ tàn
Thân giả hợp sẽ tan
Nguyện tu mau chứng đạt
Quả chân thường giải thoát.[1]

Chúng ta dâng hoa cúng dường đến đức Phật để tưởng nhớ đến ân đức của Ngài. Vì lòng từ thương xót chúng sanh đang đau khổ trong ba cõi bốn loài, Ngài từ bỏ thế gian, ra đi tầm đạo giải thoát, để đến lúc giác ngộ rồi thì Ngài lại đi khắp nẻo đường xứ Trung Ấn để tế độ chúng sanh hữu duyên. Thế Tôn là người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.[2] Cho nên, dâng hoa cúng đến đức Phật là tưởng nhớ đến ân đức của Ngài là như vậy.

Dâng hoa cúng dường đến Pháp bảo, là những lời dạy của Thế Tôn được cô đọng lại trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sinh và được gìn giữ trong Tam tạng kinh điển. Sau khi Thế Tôn viên tịch Níp-bàn, không phải là chúng ta không còn Đạo sư hướng dẫn, chính những gì Thế Tôn đã giảng dạy sẽ trở thành Đạo sư cho các hàng đệ tử noi theo tu học.

Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ngươi.[3]

Chúng ta dâng hoa cúng dường đến Pháp bảo, nghĩa là tưởng nhớ đến ân đức của Giáo pháp, vì những lời dạy của Thế Tôn chính là những phương lương diệu dược có công năng tiêu diệt các chứng bệnh phiền não của chúng sanh, những ai thực hành theo Pháp bảo sẽ đc mọi sự an lành, tiến hóa trong đời này và đời sau. Vì lẽ đó, Pháp bảo là nơi đáng cho chúng ta lễ báicúng dường hương hoa.

Dâng hoa cúng dường Tăng chúng, là những môn sinh đệ tử của đức Phật, các ngài đã đắc quả Thánh hoặc còn phàm, là mô phạm của quần sanh, là vô thượng phước điền của chư thiênnhân loại. Chư Thánh hiền Tăng là những vị Thánh đệ tử đã đắc đạo quả giải thoát, gồm Dự lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán; còn các vị phàm Tăng là những vị đang nỗ lực thực hành và đi trên con đường để tiến tới đạo quả giải thoát trong ngày vị lai. Những vị ấy ngày đêm tu học, thực hành và đem rao giảng Giáo pháp của đức Thế Tôn, vừa là việc tu học cho bản thân mà cũng là thực hành hạnh nguyện của vị sứ giả Như Lai, đem Giáo pháp thuyết giảng cho những người có tâm cầu học đạo giải thoát. Vì thế, các ngài cũng xứng đáng được cúng dường và tưởng nhớ.

Chúng ta cúng dương hương hoa đến Tam bảo, tác ý lựa những cành hoa đẹp, chưng hoa cho đẹp để tôn kính lên Tam bảo với tất cả lòng thành kính và tưởng nhớ ân đức Tam bảo. Cành hoa đó dù có đẹp thế nào, mắc bao nhiêu, giá trị ra sao thì chỉ vài ngày thôi nó cũng sẽ úa tàn, héo sầu. Cũng vậy đó, thân người sanh ra trên thế gian này, dù được sanh ra trong nhà cao cửa rộng, ăn uống sang giàu, cả một cuộc đời để rồi cũng phải già, bệnh và chết. Đó chính là quy luật của thế gian, không ai tránh khỏi được. Chính bậc Đại Sa-môn đã thuyết như vậy.

Ye dhammā hetuppabhavā; ye sa hetutathāgato.
Tesañca yo nirodho ca; eva vadī mahāsamano.

Pháp sanh lên do nhân, Như Lai giảng nhân ấy,
Nhân diệt thời Pháp diệt, đại Sa-môn nói vậy.[4]

Vạn vật đều vô thường, không gì là trường cửu“điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt”.[5] Cuộc sống của chúng ta trong vòng luân hồi không giống như một vườn hoa tươi đẹp đủ màu sắc và tràn đầy hương hoa, mà giống như một khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn. Trên bước đường viễn du từ vô lượng kiếp, chúng ta vẫn đang lặn hụp trong những kiếp sống triền miên mà không tìm được đường thoát. Hạnh phúc mà phần đông chúng ta mong tìm chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng vừa khi đạt đến điều mong mỏi ta lại ước mơ điều khác và cứ như thế không ngừng. Chúng ta không bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn vì không bao giờ biết là đủ. Lẽ dĩ nhiên, một ước vọng không được toại nguyện làm cho ta đau khổ. Nhưng dầu có được toại nguyện đi nữa, ta lại lo âu, bận tâm suy nghĩ để gìn giữ, sợ nó mất đi. Trong cảnh cơ hàn, ta ước mong được sang trọng giàu có, rồi khi được giàu sang ta lại lo sợ phải nghèo đói cơ cực. Nhưng trong cuộc sống vô thường tạm bợ này có thú vui nào tồn tại mãi mãi, có hạnh phúc nào trường tồn. Đóa hoa nở tốt tươi buổi sáng để rồi úa tàn về chiều, mọi cuộc sum hợp vui vầy đều phải chấm dứt trong phân tán chia lìa, vừa lúc sanh ra đời đã phải mang theo mầm mống chết. Trong thế gian mộng ảo, tạm bợ, vô thường, ngã chấp và đầy tham vọng này chúng ta không thể tìm được hạnh phúc thật sự, trường tồn vĩnh cửu.

Tất cả mọi sự vật được cấu thành đều phải hư hoại và diệt vong. Lẽ dĩ nhiên, thể xác của chúng ta, do nhiều thành phần lớn nhỏ cấu hợp, ắt phải bị hoại diệt. Vì thế, cúng dường hoa thơm cũng đừng dính mắc đến sắc và hương của hoa, hãy lấy đặc tính sớm nở tối tàn của hoa để khéo tác ýtu tập. Bởi vì cứ mãi bám chấp vào những thứ không có thật, chúng sanh cứ mãi đau và khổ mãi không thôi. Cho nên hãy nỗ lực tu tập và “nguyện tu mau chứng ngộ quả chân thường giải thoát”.

Dẫu biết có thân đây là khổ, tuy nhiên, cũng chính do thân này, người trí sẽ biết tận dụng để tạo thêm nhiều thiện pháptu tập, còn kẻ ngu thì mãi chạy theo dòng đời, mà bản chất của nó vốn dĩ là vô thường, đi đến hủy diệt (Upaniyyati loko addhuvo), vô hộ, vô chủ (Atāo loko anabhissaro), vô s hu, ra đi cn phi t b tất cả (Assako loko, sabba pahāya gamanīya), và thiếu thn, khao khát, nô l cho tham ái (Ūno loko atitto tahādāso).[6] Ví như một người thợ làm tràng hoa thiện nghệ, sau khi góp các thứ hoa được dồn thành đống lớn, rồi từ đó lấy ra kết làm nhiều tràng hoa kiểu mẫu khác nhau thì cũng nhờ thân sanh tử này mà chúng ta làm thêm nhiều việc phước.

Yathāpi puppharāsimhā, kayirā mālāgue bahū;
Eva jātena maccena, kattabba kusala bahu.

Như từ một đống hoa, Nhiều tràng hoa được kết.
Cũng vậy, thân sanh tử, Làm được nhiều thiện sự.[7]

Trong bài kệ, đức Phật dùng tiếng đống hoa (puppharāsī) cho ta thấy là rất nhiều hoa, chất cả đống, quả nhiên nếu ít hoa thì thợ làm tràng hoa thiện nghệ không kết thành nhiều tràng hoa được. Còn người không thiện nghệ, dầu cho có nhiều hoa hay ít hoa cũng chẳng làm được chi cả, cho nên cần phải có nhiều hoa và người thợ lành nghề mới có thể làm nhiều tràng hoa được. Cũng như thế, một người có ít đức tin mà lại ít của cải thì không thể làm phước được. Người có đức tin dồi dào mà ít của cải cũng khó làm phước. Chỉ có người có đức tin nhiều, của cải dồi dào thì người ấy mới có thể tạo được nhiều phước lành. Do đó, hãy tận dụng thân ngũ uẩn này, tận dụng tài sản này, và cơ hội đang có để vun trồng thêm nhiều phước báu, thiện hạnh cho chính bản thân mình, đó là hành trang do chính chúng ta tạo ra để mang theo trong vòng sanh tử luân hồi cho đến ngày giải thoát.

Lại nữa, trong các loài hương hoa, có rất nhiều loại hương, nhưng những hương hoa ấy chỉ có thể bay thuận theo chiều gió chứ không thể bay ngược chiều gió được. Tuy nhiên, có duy nhất một loại hương thơm có thể bay xuôi, bay ngược và cả lên không trung thiên giới nữa, đó chính là hương thơm đức hạnh của vị trì giới (sīlagandho). Chính Tôn giả Ānanda đã từng có câu hỏi về các loài hương hoa như vậy.

Một buổi chiều nọ, trong khi đang ngồi tư duy quán tưởng, Tôn giả Ānanda chợt nghĩ: Thế Tôn có nói đến ba loại hương rất ưu việt là hương từ rễ cây (mūlagandho), hương từ lõi cây (sāragandho) và hương từ hoa (pupphagandho). Cả ba thứ hương đều bay theo chiều gió. Không biết có thứ hương nào có thể bay ngược gió, hoặc vừa bay thuận vừa bay nghịch gió? Tôn giả không muốn một mình moi óc tìm hiểu, nên đến hỏi Thế Tôn, và sau đó Ngài được trả lời:

– Này Ānanda, ở đây nơi thôn quê hay thành thị nào có một nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, là người có Giới đức là người có thiện pháp. Tâm đã dứt bỏ sự bỏn xẻn, sự nhiễm ô. Tuy còn tại gia mà có tâm dứt bỏ, xả thí, thỏa thích trong sự bố thí không nhơ bợn, biết thông cảm đến người xin, hoan hỷ chia xớt vật thí đến tất cả mọi người. Thì từ nơi thôn quê hay thành thị đó, cho đến các phương hướng, chư Sa-môn và Bà-la-môn hằng ca tụng rằng: “Nơi chốn thôn quê hoặc thành thị đó, có nữ nhân ấy, có nam nhân ấy là người quy y Phật… hoan hỷ chia sớt vật thí đến tất cả mọi người”. Này Ānanda, đó là giống hương mà hương của nó bay xuôi chiều gió, bay xuôi lẫn ngược chiều gió vậy.

Sau đó, Thế Tôn liền thuyết bài kệ:

Na pupphagandho paivātameti, Na candana tagaramallikā vā;
Satañca gandho paivātameti, Sabbā disā sappuriso pavāyati.

Hương các loài hoa thơm, Không ngược bay chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh, Ngược gió khắp tung bay.
Chỉ có bậc chân nhân, Tỏa khắp mọi phương trời.

Candana tagara vāpi, uppala atha vassikī;
Etesa gandhajātāna, sīlagandho anuttaro.

 Hoa chiên-đàn, già-la, Hoa sen, hoa vũ quý,
Giữa những hương hoa ấy, Giới hươngvô thượng.[8]

Hoặc là câu chuyện về sự kiện Tôn giả Mahākassapa sau khi xuất khỏi thiền diệt đã được Thiên chủ Sakka xuống đặt bát cúng dường là tấm gương giới hạnh của vị Trưởng lão khả kính. Một hôm, Tôn giả Mahākassapa xuất định sau bảy ngày nhập diệt thọ tưởng định, đi ra ngoài với ý định khất thực tuần tự nhà này qua nhà khác trong thành Rājagaha. Lúc đó, năm trăm thiên nữ gót son, ái hậu của Thiên chủ Sakka vừa thức dậy và chuẩn bị năm trăm phần cúng dường hết cả cho Tôn giả. Phẩm vật trên tay, họ chặn Tôn giả Mahākassapa giữa đường và xin:

– Thưa Tôn giả, xin ngài thọ lãnh vắt cơm nầy rồi hãy đi, xin Ngài tế đệ chúng con.

– Các cô hãy tránh đường cho ta đi độ những người khốn khó.

– Thưa Tôn giả, xin Ngài đừng xua đuổi chúng con, xin Ngài từ bi tế độ chúng con.

Nhưng Tôn giả biết họ nên vẫn từ chối, và khi thấy họ không chịu đi mà còn muốn tiếp tục cầu xin nữa, ngài bảo:

– Các ngươi không biết chỗ của mình. Hãy đi đi!

Rồi ngài búng tay vào họ.

Nghe Tôn giả búng tay, các thiên nữ mất bình tĩnh không dám ở lại, phải bay về cõi trời. Họ kể lại tự sự cho Thiên chủ Sakka nghe. Thiên chủ hỏi:

– Các ngươi đi trong hình dạng ra sao?

– Dạ, như thế này, các ngươi làm sao cúng dường vị Trưởng lão được!

Chính Thiên chủ Sakka cũng muốn cúng dường Tôn giả Mahākassapa. Ông biến thành một người thợ dệt già lụm khụm, răng long, tóc bạc, lưng còng, thân thể tiều tụy. Ông biến thiên hậu Sujātā thành một bà già. Rồi ông dùng thần lực tạo một ngõ hẻm thợ dệt, và ngồi quay sợi. Lúc ấy, Tôn giả Mahākassapa đang đi vào thành, vẫn tâm niệm dành phước cho người nghèo. Thấy con hẻm ở ngoại thành, ngài nhìn quanh rồi chú ý đến hai ông bà già. Sakka đang kéo chỉ và Sujātā quấn chỉ vào thoi. Tôn giả nghĩ rằng già cả lụm cụm thế đó mà phải làm việc tay chân thì chắc không ai trong thành này nghèo hơn họ, chỉ cần một vá cơm sớt cho ngài là ngài có thể tế độ cho họ có phước. Do đó Tôn giả tiến đến. Thấy bóng Tôn giả, Thiên chủ Sakka dặn Thiên hậu Sujātā làm như không trông thấy, cứ ngồi đó im lặng, rồi sẽ nói gạt để cúng dường ông. Tôn giả Mahākassapa dừng trước cửa nhà, họ giả vờ không thấy, cứ tiếp tục làm việc. Một lát, Sakka bỗng ngẩng lên bảo vợ:

– Trước cửa nhà mình in như có vị Đại đức đứng, bà coi có phải vậy chăng?

– Thôi, ông hãy ra xem đi ông à!

Thiên chủ Sakka ra khỏi nhà, gieo năm vóc xuống đảnh lễ Tôn giả Mahākassapa, hai tay gác lên đầu gối nói rằng:

– Chà khổ dữ a! Không mấy thưở mà vị Trưởng lão Mahākassapa của ta quang lâm đến tệ xá, bà ở trong nhà có món chi chút đỉnh không hả?

Nàng Sujātā làm ra vẻ lẩm cẩm, chậm chạp trả lời rằng:

– À, à. Vâng, cũng có đấy, ông à!

Thiên chủ Sakka đỡ lấy bát của Trưởng lão thưa:

– Bạch Tôn giả, xin đừng để ý đến thức ăn ngon hay dở, mà cho chúng con được ân phước.

Tôn giả đưa bát thầm nghĩ, dù họ cho ta một cọng rau hay một nắm cám vụn, ta vẫn nhận và tế độ họ. Thiên chủ Sakka vào nhà sớt cơm đầy bát và mang ra đặt vào tay ngài. Lập tức, phần cúng dường đó, được gia đủ loại nước sốt và cà-ri, tỏa mùi thơm ngát cả kinh thành Rājagaha. Tôn giả thắc mắc sao trông ông lão này yếu đuối thiếu thốnthức ăn lại dồi dào như của Thiên chủ Sakka. Khi quán xét biết rõ là Thiên chủ Sakka, vị Trưởng lão trách rằng:

– Ông đã làm một việc sai lầm nghiêm trọng khi cướp đoạt của người nghèo cơ hội tạo công đức. Vì bố thí cho ta hôm nay, bất cứ người nghèo nào cũng sẽ được địa vị tổng tư lệnh hay chưởng khố.

– Bạch Tôn giả, có người nào nghèo hơn con chăng?

– Sao ông lại nghèo, khi đang hưởng phú quí trên cung trời?

– Bạch Tôn giả, lý do như sau. Trước khi Phật xuất hiệnthế gian con đã tạo nhiều công đức. Khi đức Phật xuất hiệnthế gian, có ba vị trời cùng đẳng cấp với con, vì tạo nhiều công đức nên được nhiều oai lực hơn con. Khi có mặt con đó, ba vị cần mở hội vui chơi là họ cứ đem các tỳ nữ xuống đường, còn con thì phải quay gót vào nhà. Oai lực của họ sáng mạnh hơn con. Vậy, bạch Tôn giả, ai nghèo hơn con?

– Nếu đúng như thế thì từ đây đừng đánh lừa ta để cúng dường nữa.

– Con có được công đức hay không nếu lừa dối để cúng dường?

– Có, đạo hữu ạ.

– Nếu đúng thế, bạch Tôn giả, con có bổn phận phải tạo nhiều công đức.

Nói xong Đế Thích chào Trưởng lão, đi nhiễu quanh Trưởng lão rồi họ bay lên không, nói lên câu kệ: “Ôi cúng dường, cúng dường Ba-la-mật, đã khéo dâng ngài Mahākassapa được rồi!”

Với thiên nhãn thanh tịnh siêu vượt loài người, Thế Tôn nghe Thiên chủ Sakka trong khi bay trên không, đã ba lần ngâm câu kệ trên, khi ấy, Thế Tôn liền nói bài kệ này:

Piṇḍapātikassa bhikkhuno, Attabharassa anaññaposino
Devā pihayanti tādino, Upasantassa sadā satīmatoti.

Tỳ-khưu nguyện giữ hạnh trì bình,
Xin chẳng nuôi ai, đủ miệng mình,
Người vậy chư thiên hằng cảm mến,
Tâm thường thanh thản, trí viên minh.

Nói kệ xong, Thế Tôn dạy:

– Các Tỳ-khưu, Thiên chủ Sakka qua hương đức hạnh đã đến với con ta để cúng dường.

Và Ngài nói bài kệ:

Appamatto aya gandho, yāya tagaracandanī;
Yo ca sīlavata gandho, vāti devesu uttamo.

Ít giá trị hương này, Hương già-la, chiên-đàn,
Chỉ hương người đức hạnh, Tối thượng tỏa thiên giới.[9]

Hương đức hạnh của các vị giới đức cao quý khiến cho cả thiên giới phải nghiêng mình kính nể thì nói chi là nhân loại chúng ta. Các ngài an trú trong giới hạnh, tu đi đôi với hành nên càng được kính nể. Hãy học những hạnh lành của các ngài để noi theo mà tu tập. Tu phải hành, cũng giống như nói là phải làm, chứ nói mà không làm thì lời nói vô dụng, không đem đến kết quả hay lợi ích chi cả, ví như hoa có sắc nhưng chẳng có hương thơm vậy.

Yathāpi rucira puppha, vaṇṇavanta agandhaka;
Eva subhāsitā vācā,


__________________________

[1] Kinh Tụng Pāḷi-Việt (Huyền Không Sơn Thượng).

[2] Trung bộ kinh, Tiểu kinh ví dụ dấu chân voi.

[3] Trường bộ kinh, kinh Đại bát Níp-bàn.

[4] Tạng luật, Đại phẩm, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ tư.

[5] Tạng luật, Đại phẩm, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ nhì.

[6] Trung bộ kinh, kinh Raṭṭhapāla.

[7] Kinh Pháp cú, kệ số 53.

[8] Kinh Pháp cú, kệ số 54-55.

[9] Kinh Pháp cú, kệ số 56.

[10] Kinh Pháp cú, kệ số 51-52.

[11] Milinda Vấn Đạo, Các câu hỏi giảng về các ví dụ, phẩm Biển cả, Câu hỏi về tính chất của cây sen.
https://spunno.wordpress.com/2018/05/14/doa-hoa-mua-ha/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3797)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4780)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6792)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5912)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6193)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5368)
23 Tháng Tám 2018(Xem: 4736)