ĐÔI ĐIỀU VỀ LỄ HỘI Ở CHÙA
Trương Hoàng Minh
Mỗi năm đến hẹn lại lên, sau tết Nguyên đán là vào mùa lễ hội từ Bắc vô Nam kéo dài đến hết mùa Xuân: Tháng giêng ăn tết ở nhà, Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè.
Năm nay, theo phản ánh của giới truyền thông báo chí thì tình trạng chen lấn, tranh giành, cướp giật những cái gọi là “phúc lộc” ở các lễ hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Ở một số chùa cũng có rất đông người chen nhau cầu xin chư Phật và Bồ tát ban phước lành bằng nhiều hành động sặc mùi mê tín. Rất nhiều người đứng ngồi hàng hàng lớp lớp từ trong chánh điện đến ngoài sân chùa và tràn ra cả đường phố để chờ nhà chùa phát lộc, cúng sao giải hạn! Nhìn những hình ảnh ấy thật buồn! Dục vọng, tham ái của con người tập nhiễm lâu ngày trở thành thói quen, thành định kiến trong đời sống tâm linh được thể hiện lộ liễu, trâng tráo nhất vào dịp nầy!.
Theo lịch sử thì đạo Phật có nhiều ngày lễ nhưng chủ yếu là ba ngày lễ chính: Phật Thích Ca đản sinh (15.4 âl), Thành đạo (8.12 âl) và Nhập niết bàn (15.2 âl). Hàng năm, vào các ngày ấy, các chùa đều làm lễ kỷ niệm cho Phật tử và tín đồ đến dâng hương, dâng hoa lễ Phật, niệm Phật, nghe kinh.
Lễ Phật là ngưỡng mộ, tôn kính đức độ, noi theo gương sáng của Ngài. Niệm Phật để nhớ công ơn của Ngài đã chỉ đường cho chúng sinh thoát khổ. Nghe kinh để hiểu nghĩa lý và biết phương pháp của Ngài chỉ ra mà theo đó hành trì, tu tập. Phần hội của các ngày lễ đó thông thường là tăng ni thuyết pháp, biểu diễn văn nghệ của Gia đình Phật tử hoặc chiếu phim Phật giáo giúp vui.
Ngày đầu xuân không phải ngày lễ của Phật giáo nhưng đến chùa lễ Phật vào ngày này là một nét đẹp của Phật tử, tín đồ và cùng một mục đích như vào những ngày lễ kỷ niệm nhưng không có hội.
Tại sao ở một số chùa người ta lại bày ra chuyện cúng sao giải hạn và “phát lộc” trong những ngày đầu xuân? Tại sao Phật tử, tín đồ lại tranh giành cướp giật những vật vô tri giác do người phàm mắt thịt tạo ra rồi bảo là “lộc” là ‘phúc” linh thiêng và ban phát cho người khác? Tại sao Phật tử, tín đồ lại tự hạ thấp mình cầu khẩn van xin phước đức như những người ăn mày cầu khẩn van xin vài đồng bạc lẻ?
Nếu cầu được ước có thì Phật Thích Ca đã không đưa “cầu bất đắc” vào tám cái khổ của thế gian? (sinh-lão-bệnh-tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh). Tại sao Phật tử, tín đồ không tin vào lời dạy của đức Phật Thích Ca, không tin vào chính mình mà đặt hết niềm tin vào các thực thể tâm linh hay còn gọi là thực thể siêu nhiên?
Thực thể tâm linh là gì? Thực thể tâm linh là sản phẩm của các tôn giáo hữu thần, tín ngưỡng dân gian, thần thoại và thần luận. Người ta cho rằng con người có một cách duy nhất giao tiếp và tác động đến các thực thể tâm linh bằng cúng tế, dâng lễ vật, cầu khẩn, đọc tụng kinh…Họ tin tưởng làm như vậy sẽ thuyết phục được chúng, làm cho chúng cảm động rồi ban phước cho họ, đồng thời che chở, bảo vệ và giải trừ tai họa khi nó đến với họ!
Những khái niệm đó hoàn toàn nằm ngoài thực chất của Phật giáo. Mặc dù được khai sinh tại một đất nước do đạo Bà la môn, một đạo đa thần, thống trị nhưng đạo Phật hoàn toàn đối lập với Bà la môn. Căn cứ vào các giáo lý ban đầu của đức Thích Ca chúng ta thấy không có bất cứ hình bóng thực thể tâm linh nào, còn Thượng đế hay Ngọc hoàng tương đương với Nghiệp trong đạo Phật. Chính nó định mạng mình, ban phước giáng họa cho mình chứ không có thế lực siêu nhiên nào định đoạt, ban giáng cả, chứng tỏ đạo Phật vô thần, không tạo niềm tin vào thực thể tâm linh.
Vậy thì người ta tin tưởng vào thực thể tâm linh bắt nguồn từ đâu?
Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, đạo Phật chia thành hai nhánh Nam, Bắc tông khi truyền bá ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Nhánh Bắc tông lại chia thành nhiều tông phái, mỗi tông phái đều có hệ thống giáo lý, hệ thống nghi lễ, hệ thống biểu tượng, phương pháp hành trì riêng nhưng vẫn theo tông chỉ ban đầu của Phật Thích Ca.
Các bộ kinh Đại thừa cũng xuất hiện cùng thời điểm ấy, tuy có kế thừa giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca nhưng lại thêm thắt nhiều vị Phật và Bồ tát mang tính tôn giáo và thần thánh hóa các vị đó như những đấng “cứu rỗi” của các tôn giáo hữu thần.
Phật giáo nước ta lại theo Bắc tông hàng ngàn năm nay nên có một số tông phái Đại thừa hoạt động và phát triển rất mạnh, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Kinh điển Đại thừa được truyền bá rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, được nhiều Tăng ni, học giả viết sách luận giải, phổ biến, thuyết giảng thường xuyên.
Phật giáo Trung Quốc cùng các tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang, Dịch lý và tín ngưỡng dân gian cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần, tâm linh quần chúng. Phần lớn Phật tử, tín đồ thuộc bậc thấp, trình độ nhận thức hạn chế nên dễ dàng đến với các thực thể tâm linh hoặc cầu cứu các vị Phật, Bồ tát tôn giáo khi họ đối diện với khó khăn, trở ngại, thử thách trong cuộc sống mà chính họ và cả thiết chế chính trị đều bất lực, không giải quyết được…
Không chỉ ở các thời trước, ngay thời hiện đại mà người ta còn tin tưởng thái quá vào các loại thần luận, thần thoại rồi đâm ra mê tín, đua nhau tôn thờ, sùng bái quyền năng siêu việt của thực thể tâm linh rồi bỏ quên những lời dạy thiết thực của đức Thích Ca, quên cả chính mình! Theo các vị cao tăng và các nhà bác học có uy tín nhất thì việc tin tưởng đó đã làm cho đạo Phật ngày càng xa rời cái nền tảng ban đầu, lệch hướng, thậm chí biến tướng trầm trọng như hiện nay.
Trong khi đó, những giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca lưu truyền chủ yếu ở nhánh Nam tông với số tu sĩ và tín đồ khiêm tốn. Phật giáo Nam tông không thần thánh hóa đức Thích Ca, không cho Ngài là vị thần linh mà là con người từ bi trí tuệ bậc nhất, là vị Phật lịch sử duy nhất trên thế gian nầy, tính con người của Ngài không thể bác bỏ được.
Sự nghiệp của Ngài là chỉ dạy chúng sinh giải thoát khổ não, sinh tử luân hồi và sự nghiệp đó thành toàn khi Ngài nhập diệt..Tuy nhiên, Phật giáo Nam tông không vì sự nghiệp vĩ đại, công lao to lớn của Ngài mà gán cho Ngài những quyền năng siêu việt như các vị Phật tôn giáo trong kinh Đại thừa.
Còn các vị Bồ tát? Đây là danh hiệu cao quí của những bậc chân tu đạo cao đức trọng, siêng năng học tập, tinh tấn tu hành và mức độ giác ngộ của họ cao hơn người thường, chứ không phải họ có phép mầu, thần thông quảng đại mới có danh hiệu Bồ tát.
Phật Thích Ca có câu nói nổi tiếng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là đáng tôn quí. Nhiều người cho đây là thái độ tự cao tự đại. Không phải thế, nếu tự cao tự đại Ngài đã không tuyên bố “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Một tinh thần bình đẳng trên cả tuyệt vời, thử hỏi có vị giáo chủ tôn giáo nào dám đặt mình ngang hàng với tín đồ như Ngài? Thực ra, đây là sự từ chối thẳng thừng, phủ nhận dứt khoát của Ngài đối với tha nhân và các thực thể tâm linh.
Trước khi đạo Phật ra đời, đất nước Ấn Độ đã có đạo Bà la môn. Đây là tôn giáo đa thần. Trên hết là đấng Brahman thống trị muôn loài. Kế đến là Atman làm chủ thân người. Tiếp theo là các thần Shiva, Vishnu, Shakti cùng hàng ngàn vị nữa phụ trách các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.
Đạo Bà la môn còn chia xã hội Ấn Độ thành bốn giai cấp, trong đó giai cấp Tăng lữ đứng đầu, chịu trách nhiệm chăm lo đời sống tinh thần, tâm linh của dân chúng. Kế đến là giai cấp Quí tộc gồm vua chúa, quan lại các cấp, chịu trách nhiệm chăm lo cuộc sống vật chất… Thế mà xã hội vẫn đầy dẫy áp bức bất công, nghèo khó, khổ đau bất hạnh nhưng không có một vị thần linh, một chức sắc tôn giáo, một ông vua, một ông quan hay bất cứ người nào khác đứng ra giải quyết được.
Thái tử Tất Đạt Đa bèn tự nguyện làm việc đó. Trải qua một thời gian dài dấn thân tìm tòi, học hỏi đầy gian nan nguy hiểm và suýt mất mạng, cuối cùng Ngài cũng tìm ra được chân lý sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định quán chiếu.
Chân lý đó là, chỉ có chính mình mới giải thoát khổ não cho mình chứ không ai giải thoát cho mình được. Ví như mình đói khát thì chính mình ăn uống mới hết đói khát chứ không ai làm cho mình hết đói khát. Về phương diện tu hành cũng vậy, tự mình giác ngộ chứ không ai đem giác ngộ đến cho mình, cho nên Ngài mới nói lên câu nói trên và ai làm được như Ngài đều có thể nói được.
Sau khi phát hiện ra chân lý đó, Ngài nói pháp “Tứ Diệu Đế” cùng 37 pháp trợ đạo, “Thập Nhị Nhân Duyên”…Đây là những nền tảng cốt lõi ban đầu của hệ thống giáo lý đồ sộ của Ngài. Qua đó chúng ta có thể vì chúng sinh là người bệnh còn Ngài là vị lương y, chẩn bệnh cho bệnh nhân, biết anh ấy bệnh gì, biết nguyên nhân gây ra bệnh, biết bệnh có thể chữa khỏi, ra toa cho anh ấy mua thuốc uống và khuyên anh ấy siêng năng chữa trị bệnh sẽ khỏi. Uống thuốc hay không là quyền của anh ấy chứ Ngài và bất cứ ai cũng không thể can thiệp được.
Đã là chân lý thì tại sao chúng ta không chịu làm theo? Tại sao chúng ta không chịu trở về với giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca? Không chịu quay lại nhìn vào chính mình như Ngài đã làm, đã dạy? Để thực hiện những điều trên, tôi mạn phép đề nghị Giáo hội PGVN phát động phong trào trở về với giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca trên cả nước.
Nghiêm cấm các chùa tổ chức phát lộc, cúng sao giải hạn và những hủ tục khác vào dịp tết Nguyên đán và các ngày lễ vía, rằm ngươn. In ấn, phát hành rộng rãi những bộ kinh trên cho mọi người theo đó tu tập, hành trì. Đề nghị Tăng ni và các học giả viết sách luận giải và thuyết giảng nhiều hơn về lãnh vực này, đồng thời giảm bớt thuyết giảng kinh điển Đại thừa.
Bởi vì như tôi đã thấy, phần lớn Phật tử, tín đồ thuộc loại trung bình thấp, trình độ nhận thức hạn chế nên rất khó lĩnh hội những giáo lý cao siêu, uyên áo. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều người không biết thế nào là vô ngã, sắc không, tâm vương tâm sở…Do không hiểu hoặc còn mơ hồ thì làm sao thực hành được? Sau cùng, tôi đề nghị Phật tử và Tín đồ tích cực hưởng ứng phong trào, không tham gia và tẩy chay những buổi lễ mang màu dị đoan mê tín.
Mặc dù niềm tin vào các thực thể tâm linh và các vị Phật, Bồ tát tôn giáo đã thấm vào máu nhiều người nhưng không có việc gì không thể, miễn chúng ta quyết tâm và không ngại khó, chán nản. Hãy tự tin vào chính mình và hãy bắt đầu ngay bây giờ, nếu chậm trễ hoặc không làm thì tình trạng chệch hướng, suy đồi, biến tướng ngày càng trầm trọng hơn.
(Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay )
Người gửi bài: Kim Trần
- Từ khóa :
- Đôi điều về lễ hội ở chùa