Nguyễn Hữu Đức
Hôm qua tôi tình cờ đọc được bài viết trên diễn đàn BBC, những điều được đọc được thấy mà đau đớn lòng.
Bài báo viết người Việt bây giờ mê tín quá, mỗi khi hay tin ở chỗ này chỗ kia có đống mối, cái cây, hòn đá, con rắn… có hình này hình nọ là họ đua nhau đến thắp hương khấn vái kêu xin. Điều đó phản ánh người Việt đang nhận thức lệch lạc trong việc thờ cúng, thiếu một chỗ dựa tâm linh lành mạnh.
Ngày rằm, mùng 1, các đền chùa ở Hà Nội đông nghịt người đến lễ bái cầu xin, ngày đầu năm các ngôi chùa Bái Đính- chùa Hương- Yên Tử- đền Trần- đền bà Chúa Kho có hàng triệu người đến lễ, họ dâng lên nào lợn quay, gà luộc, xôi oản, thậm chí cả bia rượu. Hương khói mịt mù, vàng mã chất đầy, người ta chen nhau khấn vái xin đủ điều từ thăng quan tiến chức, nhà cao cửa rộng, tiền tài danh vọng đến buôn may bán đắt.
Thử hỏi trong hàng triệu người đi lễ đó có bao nhiêu người đã quy y tam bảo, bao nhiêu người hiểu đức Phật là ai, hiểu đạo Phật là gì ? bao nhiêu người đã thuộc được một câu kinh nhà Phật, hằng ngày đã tâm niệm những điều răn của Phật.
Rất tiếc có rất đông những người đi chùa với cái tâm mê tín và lòng tham không đáy của mình như thế vô tình họ đã đời hóa và tục hóa đức Phật và đạo Phật. Họ coi đức Phật như một ông thần có đầy đủ quyền năng ban phúc giáng họa, “muốn phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Họ nghĩ đời sao thì Phật thánh cũng vậy cho nên phải sắm mâm cao cỗ đầy để hối lộ theo kiểu tốt lễ dễ kêu. Ai mà không biết khấn biết kêu thì thuê một ông bà thầy nào đó khấn thật hay thật thương để các ngày dễ động lòng trắc ẩn mà ban cho. Họ biến Phật thánh thành một ông quan tham và ưa xu nịnh. Sự thật đau lòng này vì đâu nên nỗi: tại người dân hay tại giáo hội mà cụ thể là Ban Hoằng Pháp và quý thầy trụ trì. Theo cá nhân tôi thì tại cả 2.
1.Tại người dân:
Chừng nào mục đích chính của người đi lễ chùa chỉ đến van vái cầu xin cho thỏa cái lòng tham của họ thì tình trạng này còn tiếp diễn hết năm này sang năm khác và không những thế hệ họ mà còn truyền sang thế hệ con cháu họ. Người đi chùa chỉ đề cầu xin thì họ chẳng quan tâm đến tìm hiểu giáo lý nhà Phật làm gì, chỉ cốt khấn cho hay sắm lễ thật to thật nhiều để Phật thánh thương tình mà ban cho và coi rằng như thế là mình đã thành tâm rồi thì cầu gì được nấy.
Đi chùa như thế dù có đi 5 năm 10 năm hay lâu hơn thế nữa cũng chẳng thể hiểu đạo và lợi ích chẳng được là bao mà phiễn não thì còn đầy. Đi chùa như thế cái tôi, cái tham cái sân cái si chẳng thể bào mòn, lòng từ bi yêu thương không tăng trưởng mà lòng ích kỷ bản ngã vẫn cao dày.
Chừng nào người đi chùa với tâm đến chùa để hướng thiện, học Phật hướng Phật và tìm lại sự thanh tịnh trong tâm mình thì cảnh trên mới hết, chừng nào người đi chùa hiểu rằng đạo Phật không phải mê tin mà là chánh tín, lời Phật dậy là chân lý chắc thật và có tính ứng dụng rất cao, khi đã ứng dụng rồi thì kết quả và có thể kiếm chứng ngay trong đời như câu nói: ai ăn người ấy no ai tu người ấy đắc.
Chừng nào người đi chùa không chỉ biết có cầu xin mà còn biết phát nguyện, thay vì xin Phật ban cho con cái này, cái kia thì từ nay con xin vâng lời Phật dạy làm điều lành, tránh làm điều ác để có lợi lạc cho bản thân và cho cả số đông, chừng nào người đi chùa hiểu được rằng đạo Phật không phải cầu xin mà được, mà tất cả là do nhân quả nghiệp báo của đời này đời trước mà có.
Gieo nhân nào thì được quả nấy. Ví như một người muốn được người khác yêu mến thì mình yêu mến và biết giúp đỡ chia sẻ những người xung quanh sẽ được mọi người yêu mến mà chẳng cần phải xin ai. Một đứa học sinh muốn học giỏi thì phải chăm chỉ học bài, chăm chú nghe giảng thì chắc chắn lực học sẽ tốt mà không cần phải xin Phật và hay xin điểm thầy cô.
Người quy y Tam Bảo và đi lễ chùa thôi là chưa đủ, mà phải biết học hỏi giáo lý nhà Phật. "Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh", mình xưng là con Phật mà không học Phật thì sao gọi là Phật tử cho đành. Đức Phật dạy: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Cho nên nếu chưa hiểu giáo lý thì chúng ta có thể mua băng đĩa các thầy giảng về nghe, mua những cuốn sách như: Phật học phổ thông, bước đầu học Phật về đọc cho hiểu đúng như lời Phật dạy để từ đó hành trì ứng dụng vào đời sống để có lợi lạc. Đi chùa như thế mới đúng, mới là Phật tử chân chính, nếu không chúng ta chỉ có giả Phật tử mà thôi.
2.Tại Giáo hội và Thầy trụ trì:
Phật giáo là tôn giáo truyền thống có lịch sử 2000 năm hình thành và phát triển ở Việt Nam mà để đến bây giờ vẫn còn nhiều những phật tử đi chùa như thế sao cho đành ?
Phần đông người dân Việt Nam vẫn còn yêu mến đạo Phật, cảm tình với đạo Phật và kính ngưỡng đức Phật. Bằng chứng là ngày rằm, mùng 1, ngày đầu năm rất đông người dân đến lễ chùa. Điều đó chứng tỏ họ ít nhiều có niềm tin với Đạo và tôn kinh Đức Phật. Tiếc là Phật giáo chúng ta chưa biết dẫn dắt cho họ vào Đạo, thuyết giảng giáo lý cho họ hiểu đạo, họ đi chùa rồi về vẫn trống không, mê tín vẫn hoàn mê tín đó là một sự lãng phí phật tử rất lớn, nói theo dân dã là: cá vào ao ta nhưng ta không giữ để rồi có ngày nó xổng sang ao khác.
Việt Nam là một xã hội đa tôn giáo, chừng nào Giáo hội chúng ta nhận thức được có sự cạnh tranh giữa các tôn giáo lúc đó chúng ta mới chú trọng đến công tác Hoằng Pháp và tránh cải đạo Phật tử. Cần lắm Ban Hoằng Pháp xây dựng mỗi một Quận- Huyện- Thị có một lớp Phật học phổ thông giảng giáo lý cơ bản cho Phật tử tại địa phương mình vào các ngày cuối tuần để Phật tử có thể tham gia khóa học và cho con em mình đến học hỏi giáo lý nhà Phật.
Hiện tại ở chùa Giác Ngộ- Tp Hồ Chí Minh - Nơi TT. Thích Nhật Từ trụ trì đã từ tổ chức rất tốt các buổi thuyết giảng đều đặn vào các ngày cuối tuần là một mô hình cần được nhân rộng. Nhiều người muốn tìm hiểu giáo lý nhà Phật mà không biết bắt đầu từ đâu, trăm kinh vạn quyển biết đọc quyển nào và kiến thức của mình thì mới sơ cơ làm sao hiểu được. Cần lắm Ban Hoằng Pháp TW sớm xây dựng được cẩm nang Phật học hoặc giáo trình phật học căn bản làm tài liệu giảng dạy thống nhất bắt buộc trong cả nước để cho các phật tử học, giống như sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1-2 vậy.
Hiện nay, chúng ta trùng tu xây nhiều chùa to, Phật lớn. Nhưng hạng mục quan trọng nhất là giảng đường thì lại thiếu. Ngày rằm mùng 1 các chùa, các thầy trụ trì vẫn tổ chức khóa lễ nhưng có mấy khi quý thầy nhà chùa giảng giải cho Phật tử lời kinh ý Phật để Phật tử hiểu, có mấy khi giảng giải cho Phật tử đi chùa thế nào cho đúng cho có lợi ích? giảng giải cho Phật tử thế nào là thiện là ác, thế nào là chính là tà, thế nào là mê là giác?
Nếu thầy trụ trì không có kỹ năng giảng thì cũng ko mời giảng sư về giảng, như thế thử hỏi Phật tử bao giờ mới hiểu được đạo. Một khi chúng ta không chú trọng đến công tác hoằng pháp thì lẽ tất yếu chúng ta sẽ có thế hệ các Phật tử không hiểu đạo.
Các chùa ở Miền Bắc hàng tháng nên dành một ngày tuần lược bớt nghi lễ đọc tụng mà có thể mở đĩa giảng pháp để cho toàn thể đạo tràng cùng nghe. Người đi lễ chùa thay vì nhận được lộc của nhà chùa là một phẩm oản, gói bánh, gọi kẹo thì nhận được một đĩa giảng pháp hoặc một quyến sách "Cẩm nang Phật học" để phật tử về nghe đọc cho hiểu đạo. Cho người khác bát cơm không bằng cho người ta cái cần câu cơm. Cho lộc không bằng cho họ Pháp và con đường tìm về nẻo giác.
Chúng ta luôn tự hào giáo lý nhà Phật là khoa học, là cao siêu vi diệu, là chân lý chắc thật không thể nghĩ bàn. Nhưng chúng ta cứ cất giữ trong bốn bức tường chùa, trong bảo tàng Phật giáo mà không mang ra giao giảng cho người dân hiểu và làm theo thì cao siêu vi diệu phỏng có ích gì?. Chúng ta cuối mỗi buổi lễ nguyện hồi hướng công đức này cho tất cả chúng sinh đều trọn thành Phật đạo, chúng ta chỉ có nguyện mà không có hành, không có gieo duyên dẫn dắt cho họ vào đạo, hiểu đạo và hành theo lời Phật dạy thì biết đến đời nào kiếp nào chúng sinh mới trọn thành Phật đạo được đây?
Hiện nay Phật Giáo chúng ta vẫn còn quan niệm độ người có duyên, ai cần đến đạo thì đến chùa hoặc tự tìm hiểu, như vậy là thụ động trong việc thu hút Phật tử, thụ động trong việc gieo duyên dẫn dắt người dân đến với đạo. Quý thầy là người nắm giữ giáo lý và có trách nhiệm thay Phật để hoằng truyền Phật pháp, người dân là những mảnh đất mầu mỡ để quý thầy gieo trồng chính pháp. Chừng nào quý thầy coi mình như là nhà sản xuất, người dân là người tiêu dùng sản phẩm có như thế thì mới tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm cách quảng bá và khuyến khích người dân yêu mến và tin dùng sản phẩm của mình. Đạo Phật cũng như thế thì mới có chiến lược phát triển được. Ngày xưa đức Phật khuyên mỗi đệ tử của mình đi mỗi người một hướng để hoằng hóa chúng sinh, vua A DỤC cử các cao tăng đến các nước để truyền bá chính pháp có như thế đạo Phật mới được mở mang. Đó mãi là bài học lịch sử của Phật giáo còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Nguyễn Hữu Đức
(Phật Tử Việt Nam)