Đạo đức kinh doanh theo Phật giáo

02 Tháng Tư 201612:29(Xem: 4781)

ĐẠO ĐỨC KINH DOANH THEO PHẬT GIÁO
HT. Thích Trí Quảng

 

thichtriquang_1Kinh doanh là một trong những nghề được nhiều người cho rằng dễ làm giàu. Kinh doanh đã có từ ngàn xưa với hình thức trao đổi vật dụng. Khi xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng càng nhiều thì hình thức buôn bán càng đa dạng và mở rộng ra nhiều quốc gia.

Như mọi người đều biết kinh doanh là nghề đối đầu với nhiều thách thức lớn, nhất là khi tình trạng kinh tế toàn cầu bị suy thoái, đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản. Có không ít doanh nghiệp chỉ nghĩ đến cách thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt, từ đó doanh nhân đã đánh mất đạo đức, đánh mất lương tâm nghề nghiệp. Thí dụ sản xuất hàng hóa kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia, các hóa chất độc hại gây bệnh ung thư trong các loại thực phẩm… Điều này đã khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an và cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến người kinh doanh chân chính.

Chúng tôi xin nêu ra một số ý Phật dạy về việc kinh doanh để người Phật tử biết làm việc lương thiện, giảm bớt tội lỗi, sai lầm do lòng tham không đáy gây ra, để thể hiện việc kinh doanh có đạo đức, kinh doanh theo tinh thần chánh nghiệp.

Làm kinh doanh, ai cũng muốn có nhiều lợi nhuận; nhưng ham hố và dùng mọi mánh khóe để gạt người, để thu gom thật nhiều lợi nhuận, bất chấp những tổn hại gây ra cho người khác, đó chính là lòng tham không đáy. Tuy nhiên, người kinh doanh có đạo đức thì họ thu lợi nhuận một cách chính đáng, tức chất lượng sản phẩm mà họ làm ra có giá trị tương xứng với số tiền mà người tiêu dùng phải trả, chứ không phải là lợi nhuận bỏ túi phát xuất từ lòng  gian tham, bán những món hàng kém chất lượng với giá cắt cổ.

Ngoài ra, Đức Phật thường dạy chúng ta nên có lối sống “Thiểu dục tri túc”, ít muốn biết đủ. Nghĩa là bỏ bớt lòng tham, từ bỏ ham muốn không cần thiết. Có người hiểu lầm rằng thiểu dục tri túc sẽ ngăn cản sự phát triển của con người, của xã hội nói chung và không thích hợp với người kinh doanh nói riêng.

Nếu hiểu thiểu dục tri túc là an phận, không cầu tiến, không cần làm nhiều, không cần có tài sản thặng dư, thì đó không phải là yếu nghĩa mà Đức Phật muốn dạy chúng ta. Đức Phật không dạy chúng ta sống tiêu cực và Ngài luôn hướng dẫn mọi người thăng hoa tinh thần, thăng hoa đời sống hạnh phúc.

Đức Phật dạy cách sống “biết đủ”, nghĩa là Ngài khuyên chúng ta một khi đã cố gắng tối đa trong công việc của mình thì nên bằng lòng với kết quả đạt được. Đừng muốn vượt hơn khả năng mình, rồi phải buồn khổ, thất vọng, hay ganh tức, đố kỵ, hãm hại người để tiến thân, chiếm lợi cho mình.

Sống thiểu dục tri túc, tinh thần chúng ta được thảnh thơi, an vui, sáng mắt, sáng lòng, dễ thấy được sự thật của cuộc sống. Nếu có đủ tài năng thì nỗ lực phát triển tri thức càng cao càng tốt, nếu có khả năng kinh doanh thì mạnh dạn làm giàu chính đáng, nếu có tâm giúp người thì dang tay nâng đỡ người kém may mắn. Phật pháp bất ly thế gian giác là vậy. Cho nên, Đức Phật không hề dạy những điều tiêu cực trong cuộc sống thường nhật của con người và Ngài cũng không bao giờ ngăn cản sự tiến bộ của con người. 

Với giáo pháp lợi lạc cho con người như vậy, đạo Phật đã tồn tại và phát triển qua suốt hơn 25 thế kỷ và càng ngày lời dạy của Đức Phật càng tỏa sáng, chỉ lối đưa đường cho con người sống hạnh phúc, phát triển và hòa bình. Đó là câu trả lời xác thực và có giá trị nhất cho sự nhận thức sai lầm nói trên.

Kinh doanh là đề tài mà Đức Phật đã chỉ dạy hàng cư sĩ Phật tử. Có năm loại hình kinh doanh mà Đức Phật khuyên người cư sĩ không được buôn bán và cũng không nên khuyến khích người khác làm, dù lợi nhuận thu được rất cao.

Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có năm nghề buôn bán mà người cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm?

- Không buôn bán vũ khí.

- Không buôn bán người.

- Không buôn bán các chất gây say.

- Không buôn bán thịt.

- Không buôn bán thuốc độc.

Khi kinh doanh, thu được lợi nhuận, Phật cũng dạy chúng ta phải biết sử dụng lợi nhuận có ý nghĩa, bằng cách chia lợi nhuận làm ba phần:

Phần thứ nhất nhập vào vốn cũ.

Phần thứ hai để chi tiêu cho nhu cầu gia đình.

Phần thứ ba dùng làm việc công ích xã hội gồm những việc từ thiện, hay cúng dường Tam bảo, phát triển đạo pháp. Việc này làm lợi ích cho nhiều người và tạo ra phước báo làm hành trang cho cuộc sống giàu có, bền vững trong một đời cho đến nhiều đời.

Đức Phật không đả phá các hình thức kinh doanh và Ngài cũng không ngăn cản sự phát triển của xã hội. Thật vậy, Phật dạy chúng ta phải có đạo đức và trí tuệ chỉ đạo việc kinh doanh để gặt hái được cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình được bền vững dài lâu.

Tóm lại, cùng với sự suy thoái kinh tế, đạo đức xã hội cũng đã xuống dốc thê thảm. Vì thế, hơn bao giờ hết, lời dạy của Đức Phật gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, khiến cho mọi người sáng suốt, biết vun bồi đạo đức và sống theo lời Phật dạy, để kiếm tiền  hợp pháp và tiêu tiền hợp lý. Sống đúng pháp Phật dạy, chắc chắn chúng ta được hạnh phúc, an lành, làm cho cuộc sống có ý nghĩa và góp phần ổn định xã hội.

HT.Thích Trí Quảng

(Nguyệt san Giác Ngộ)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 4973)
23 Tháng Giêng 2015(Xem: 9241)
Một vị lãnh đạo một tôn giáo lớn, tuy thờ Trời nhưng lại sợ con người, đã không dám tiếp một vị lãnh đạo tôn giáo khác trong một dịp viếng thăm Âu Châu gần đây, mặc dù một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng khác từ một nước rất xa xôi tận phía nam Phi Châu đã trực tiếp can thiệp và trách cứ về hành động đáng tiếc này.
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 6629)
Người lãnh đạo phải là gương mẫu; mà điều đòi hỏi cao nhất là đức. Đức mới là cái gốc; tất nhiên phải kèm theo cái tài phụ cho cái đức ấy. Theo Sớ giải kinh Pháp Cú (Dhammapadatthakathà), ngài Buddhaghosa ghi nhận rằng Đức Phật có lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhân đạo. Đức Thế Tôn chỉ ra rằng cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công.
05 Tháng Chín 2014(Xem: 6092)
Bài viết này không đi vào tìm hiểu về cuộc chiến này mà chỉ phác thảo một vài điểm có liên quan đến Phật giáo ở trong cuộc chiến; nói cụ thể hơn là giới Phật giáo đã có những hành động gì khi đứng ở mỗi bên của cuộc chiến để thực hiện điều được gọi là “hộ quốc” của mình.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 10403)
Trong một cuộc đối đầu, ta không nhất thiết cứ réo tên đối phương mà nguyền rủa trù ếm hay chỉ biết bắn phá, dội bom trực tiếp lên họ. Làm vậy tốn kém, om sòm và bạo lực quá, mà kết quả thì như ai cũng thấy là sẽ rất ngắn hạn. Bởi một lẽ là chiếm thành thường dễ hơn giữ thành và cái gật đầu bên ngoài không quan trọng bằng sự đồng tình bên trong.
26 Tháng Bảy 2014(Xem: 11152)
Giới luật Phật giáo cấm người xuất gia không được giữ bất cứ một thứ gì gọi là của riêng. Thế nhưng đối với người thế tục thì giới luật không cấm đoán họ làm giàu, nếu làm giàu bằng những phương tiện sinh sống đúng tức chánh mạng trong Bát chánh đạo. Giáo pháp nhà Phật cũng luôn nhắc nhở: “Phải biết sử dụng tài sản và giúp đỡ người khác”.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 11001)
Người giàu có được coi là có đầy đủ hay dư thừa tài sản. Có nhiều loại tài sản như tiền bạc, hay kiến thức hoặc thông tin kinh tế, tâm linh. Tuy nhiên bài viết này chỉ đặt trọng tâm vào quan điểm của Phật giáo đối với của cải vật chất và kinh tế.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 9636)
Mùa an cư năm thứ bốn mươi lăm, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm tịnh xá, gồm khá đông chư vị đại trưởng lão và chúng tỳ-khưu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, đức Phật và một số ít vị tỳ-khưu lại ghé vườn xoài của thần y Jīvaka hoặc lên đỉnh núi Linh Thứu (Gijjhakūṭa), tại đây ngài thường ở lại lâu hơn.
12 Tháng Bảy 2014(Xem: 9504)
Bốn nhiếp pháp là bốn cách đối xử với người khác để làm lợi lạc cho người và cho mình trong sự tiến bộ phát triển chung về vật chất lẫn tinh thần. Bốn nhiếp pháp có trong kinh điển hệ Pali Nam tông và hệ Sanskrit Bắc tông. Ở Bắc tông được nhấn mạnh hơn bởi vì đây là sự thực hành hòa nhập và lợi lạc cho xã hội, đưa xã hội tiến bộ, của người thực hành đạo Bồ-tát.