Trong sách Dân quyền sơ bộ (Bước đầu dân quyền), ông Tôn Trung Sơn định nghĩa về hội nghị như sau: “Nói chung, khi nghiên cứu sự lý rồi theo đó mà giải quyết, tự một mình mình thì gọi là độc tư, hai người với nhau thì gọi là đối thoại, ba người trở lên tuân theo những nguyên tắc nhất định, thì gọi đó là hội nghị”. Nói một cách đơn giản, hội nghị chính là việc hội họp từ ba người trở lên, tuân theo một số quy tắc, cùng nghiên cứu sự lý, khai thông, làm cầu nối hữu hiệu, đạt được thỏa thuận, giải quyết vấn đề, dựa vào việc thu thập nhiều ý kiến hữu ích, nhờ đó phát huy được trí tuệ và sức mạnh của tập thể.
Phương thức hội nghị chú trọng đến trật tự, chương trình và các quy định. Từ rất sớm, vào thời đại của Đức Phật, phương thức này đã được thực hiện. Căn cứ ghi chép trong kinh Trung A-hàm, Đức Phật nêu ra một trong những điều kiện làm giàu mạnh, an vui cho một quốc gia chính là “thường ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc chính sự”, đủ thấy Đức Phật coi trọng hội nghị. Chẳng những thế, Đức Phật còn chế định trình tự và các quy định cho Tăng đoàn. Hội nghị Tăng-già có thể nói chính là ông tổ của hội nghị dân chủ ngày nay, hình thức của nó có thể lược chia làm bốn loại sau:
Thứ nhất, bố-tát: Tăng đoàn mỗi nửa tháng một lần đều cử hành lễ bố-tát, thỉnh một vị Tỳ-kheo thuộc rõ giới pháp đến tại trú xứ để thuyết giới; hễ đã thuộc Tăng chúng cùng cư trú trong một khu vực nhất định thì đều có nghĩa vụ tham gia hội nghị bố-tát. Nếu do bệnh hoặc có những lý do quan trọng khác không thể dự họp hội nghị, một Tỳ-kheo nhất định phải xin phép vắng mặt đúng pháp trước khi cuộc bố-tát xảy ra, đồng thời nhờ Tỳ-kheo ở chung trình bày sự việc trước đại chúng giúp, mọi nghị quyết tăng sự được thông qua trong đại hội bố-tát, người vắng mặt phải tán đồng vô điều kiện. Trong mỗi nửa tháng, nếu có Tỳ-kheo nào vi phạm giới luật, sau khi Tỳ-kheo ấy đã tự nêu rõ lỗi của mình và sám hối trước mặt đại chúng thì Tăng đoàn không được tiếp tục dị nghị bàn tán chuyện thị phi của đương sự.
Thứ hai, yết-ma: Phương pháp hội nghị mà Tăng đoàn sử dụng để giải quyết các việc của Tăng cũng như các việc thọ giới, thuyết giới, sám hối, kết giới. Có ba loại yết- ma: Đơn bạch yết-ma, Bạch nhị yết-ma, và Bạch tứ yết- ma. [Đơn bạch yết-ma để giải quyết những vấn đề đơn giản, chỉ cần một lần nêu vấn đề để Tăng chúng cùng biết là đủ. Bạch nhị yết-ma để giải quyết những vấn đề quan trọng, gồm một lần nêu vấn đề và một lần hỏi lại để Tăng chúng biểu quyết. Bạch tứ yết ma để giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, gồm một lần nêu vấn đề và ba lần biểu quyết]. Yết-ma của Tăng đoàn giống như phương pháp tam độc(1) trong hội nghị hiện đại, phát huy tinh thần dân chủ cao độ, lấy ý kiến đại chúng và sức mạnh giải quyết thỏa đáng các việc trong Tăng đoàn, thành tựu đời sống lục hòa kính.
Thứ ba, diệt tránh: Nhằm giải quyết các sự kiện tranh luận giữa Tăng chúng trong phạm vi giới luật, Đức Phật chế định bảy pháp diệt tránh, nghĩa là bảy phương pháp dập tắt mọi tranh chấp trong tập thể. Bảy phương pháp này gồm có: Hiện tiền tỳ-ni, Ức niệm tỳ-ni, Bất si tỳ-ni, Tự ngôn tỳ-ni, Đa nhân mích tội tỳ- ni, Tội xứ sở tỳ-ni, Như thảo phú địa tỳ-ni. Bảy phương pháp này lấy nguyên tắc công bằng và ôn hòa để xử lý các sự tranh chấp lớn nhỏ, không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn quan tâm tới cả tình, lý, và pháp, khiến Tăng đoàn đạt được thanh tịnh hòa lạc.
Thứ tư, thuyết pháp: Sau khi Đức Phật thành đạo, trú tại thế gian thuyết pháp 45 năm, từ những ghi chép trong kinh điển Phật giáo có thể biết, sự truyền bá của Phật giáo vô cùng coi trọng nhận thức tập thể. Ví dụ, dười thời Đức Phật thuyết pháp, có lúc Ngài dùng phương thức hỏi lại các vị đệ tử để giúp thính chúng hiểu chỗ quan trọng; có lúc thông qua căn cơ đối tượng để chất vấn, tùy theo trường hợp để làm sáng tỏ những điều còn nghi ngờ… Vì vậy, hội trường thuyết pháp của Phật giáo y hệt hội thảo học thuật, thông qua phương thức vấn đáp qua lại, tăng trưởng trí tuệ; trong hội nghị ấy Đức Phật chính là người chủ trì khéo nắm bắt bầu không khí hội trường và căn cơ tâm niệm của các thành viên trong hội nghị.
Ngoài ra, bản thân kinh Phật chính là biên bản hội nghị vô cùng hoàn chỉnh, thường phân làm “Tự phần” (phần tựa), “Chánh tông phần” (phần Chánh tông), “Lưu thông phần” (phần Lưu thông). Phần tựa lại có “lục thành tựu”(2), so với kết cấu biên bản hội nghị hiện đại tuy có khác nhau nhưng lại cùng một ý nghĩa.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, Tăng đoàn tuân theo phương pháp hội nghị mà Đức Phật đã chế định, đồng thời phối hợp nhu cầu diễn tiến của thời đại, dần dần phát triển ra nhiều loại hội nghị khác nhau. Không chỉ triệu tập nội trong Tăng đoàn hội nghị, đạt tới nhận thức chung, mà còn mở rộng tổ chức hội nghị giữa Tăng và tục, tứ chúng đệ tử đều được tham dự. Sau đây lược nêu bốn loại:
Thứ nhất, kết tập: Sau khi Đức Phật nhập diệt, các vị đệ tử Phật muốn làm cho Chánh pháp trường tồn, lần lượt tổ chức hội nghị kết tập kinh điển qua bốn lần, thông qua sự xét duyệt của đại chúng, kinh điển Phật giáo mới có thể hoàn chỉnh, lại có hậu thế lưu truyền một cách có hệ thống. Có thể thấy rằng, dù cho Đức Phật không còn trụ ở thế gian này nữa, hội nghị của Phật giáo vẫn được tiếp tục tiến hành, áp dụng các nguyên tắc quyết nghị đại chúng.
Thứ hai, truyền giới: Ý nói nghi thức truyền giới pháp cho hàng Tăng Ni xuất gia hoặc cư sĩ tại gia. Theo trình tự thọ giới là giảng giới, diễn lễ, thỉnh giới, sám ma, chánh thọ… Lúc chánh thọ, Hòa thượng yết-ma giảng giải ý nghĩa thọ trì giới pháp, và thực hiện ba lần yết- ma, lần lượt hỏi: “Tận hình thọ năng trì phủ?” (trong cuộc đời còn lại của con, có thể gìn giữ được không?), người thọ giới đáp “y giáo phụng hành”, bắt đầu thệ ước thọ giới. Từ đây đủ thấy quá trình truyền giới rất nghiêm cẩn thận trọng, cũng như thái độ cẩn thận của Phật giáo đối với các nghị quyết trọng đại.
Thứ ba, biện kinh: Kể từ lúc đạo Phật còn ở Ấn Độ đã thấy tín đồ Phật giáo thường xuyên lấy hình thức hội nghị biện luận để nêu ra các luận đề, tiếp nhận chất vấn, phản bác…, nhờ đó tăng thêm sự nhận biết chính xác và năng lực tư duy. Qua hình thức này, các tín đồ Phật giáo có cơ hội cùng nhau trau dồi, bàn bạc nghiên cứu, tìm tòi học hỏi cái hay, sửa chữa khuyết điểm của mình, truy cầu chân lý, đúng như người ta thường nói “chân lý càng biện luận càng rõ ràng”.
Thứ tư, dịch kinh: Phật giáo từ Ấn Độ truyền rộng ra đến các nước khác trên thế giới, chủ yếu dựa vào việc lưu thông phiên dịch kinh điển. Sự nghiệp phiên dịch Trung Quốc cổ đại, phần lớn do triều đình hộ trì, xây dựng viện dịch kinh, và đồng thời thiết lập các chức vụ khác nhau. Căn cứ Phật tổ thống kỷ, quyển 43 ghi chép, trong dịch trường (nơi phiên dịch kinh điển) có chín chức vụ được thiết lập như dịch chủ, chứng văn, thư tự phạn học tăng, bút thọ, chuyết văn, nhuận văn, chứng nghĩa, tham dịch, và san định. Thông thường, trong quá trình phiên dịch, sẽ gặp một vài vấn đề, như cắt bỏ hoặc bổ sung văn pháp khác nhau, những lời lặp lại, những lời dùng để chú thích, những lời thêm vào cho rõ nghĩa, đều cần phải thảo luận với những người trong hội dịch thuật, sau khi đạt được nhận thức chung, mới có thể tiến hành công việc phiên dịch. Tổ chức hội nghị phiên dịch, phát huy đầy đủ tối đa tinh thần sáng tác tập thể và các chức năng Phật giáo.
Theo diễn tiến trào lưu thời đại, mọi việc trong xã hội ngày nay, đều được coi trọng công khai, công chính, và công bằng. Kế thừa ý tưởng tôn trọng ý dân của Đức Phật, Phật giáo phối hợp nhu cầu thời đại, tiến hành tổ chức các hình thức hội nghị hiện đại, hoặc tập hợp nhân sĩ giáo giới cùng nhau nghiên cứu thảo luận giáo nghĩa Phật giáo hoặc phương châm hoằng bá giáo pháp. Sau này, Phật giáo vẫn cần thông qua việc tổ chức các hội nghị, đồng thời không phân chủng tộc, vùng miền, tông phái, mọi người dựa vào sự tôn trọng bao dung, hoan hỷ dung hòa, để các đại biểu đến từ các khu vực quốc gia trên toàn cầu, có thể cùng nhau trao đổi, nghiên cứu, xây dựng nhận thức chung. Nếu mọi người đều có tâm thái bao dung rộng lượng, bình đẳng, dựa vào trình tự nghị sự, trao đổi cởi mở, thảo luận rộng rãi, nhiều vấn đề hóc búa, nan giải ắt có thể giải quyết một cách vẹn toàn, tăng thêm sự an lạc hòa bình cho toàn thế giới. •
Nguồn: Phật giáo và thế tục, in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Đại sư Tinh Vân, NXB. Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, trang 38 -42
Chú thích:
Là ba trình tự phải trải qua trong nghị án xem xét và lập pháp nghị viện quốc gia Tây phương. Nó có nguồn gốc từ nước Anh: three readings. Sau này nhiều quốc gia mô phỏng hình thức này. Tam độc, là âm Hán Việt, nghĩa là ba lần đọc. Đọc lần thứ nhất thường chỉ tuyên đọc đầu đề và nội dung chính của bản nghị án, và sau đó tiến hành đăng ký nghị án, giao nộp cho ban liên quan thẩm tra; đọc lần thứ hai thì đọc toàn văn của bản nghị án, và nói rõ kết quả thẩm tra của ban liên quan, tiến hành đại hội tranh luận, nói rõ từng điều được xem xét đồng thời nêu ra ý kiến chỉnh sửa; đọc lần thứ ba trên nguyên tắc chỉ tiến hành sửa đổi lời văn, và chính thức tiến hành biểu quyết.
Chỉ thời thuyết pháp của Phật đà cần có đủ sáu điều kiện mới được thành tựu, gồm: Như vầy (Tín thành tựu), tôi nghe (văn thành tựu), nhất thời (thời thành tựu), Phật (chủ thành tựu), tại một nơi nào đó (xứ thành tựu), và tập hợp đủ thành phần (chúng thành tựu).
Một vị lãnh đạo một tôn giáo lớn, tuy thờ Trời nhưng lại sợ con người, đã không dám tiếp một vị lãnh đạo tôn giáo khác trong một dịp viếng thăm Âu Châu gần đây, mặc dù một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng khác từ một nước rất xa xôi tận phía nam Phi Châu đã trực tiếp can thiệp và trách cứ về hành động đáng tiếc này.
Người lãnh đạo phải là gương mẫu; mà điều đòi hỏi cao nhất là đức. Đức mới là cái gốc; tất nhiên phải kèm theo cái tài phụ cho cái đức ấy. Theo Sớ giải kinh Pháp Cú (Dhammapadatthakathà), ngài Buddhaghosa ghi nhận rằng Đức Phật có lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhân đạo. Đức Thế Tôn chỉ ra rằng cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công.
Bài viết này không đi vào tìm hiểu về cuộc chiến này mà chỉ phác thảo một vài điểm có liên quan đến Phật giáo ở trong cuộc chiến; nói cụ thể hơn là giới Phật giáo đã có những hành động gì khi đứng ở mỗi bên của cuộc chiến để thực hiện điều được gọi là “hộ quốc” của mình.
Trong một cuộc đối đầu, ta không nhất thiết cứ réo tên đối phương mà nguyền rủa trù ếm hay chỉ biết bắn phá, dội bom trực tiếp lên họ. Làm vậy tốn kém, om sòm và bạo lực quá, mà kết quả thì như ai cũng thấy là sẽ rất ngắn hạn. Bởi một lẽ là chiếm thành thường dễ hơn giữ thành và cái gật đầu bên ngoài không quan trọng bằng sự đồng tình bên trong.
Giới luật Phật giáo cấm người xuất gia không được giữ bất cứ một thứ gì gọi là của riêng. Thế nhưng đối với người thế tục thì giới luật không cấm đoán họ làm giàu, nếu làm giàu bằng những phương tiện sinh sống đúng tức chánh mạng trong Bát chánh đạo. Giáo pháp nhà Phật cũng luôn nhắc nhở: “Phải biết sử dụng tài sản và giúp đỡ người khác”.
Người giàu có được coi là có đầy đủ hay dư thừa tài sản. Có nhiều loại tài sản như tiền bạc, hay kiến thức hoặc thông tin kinh tế, tâm linh. Tuy nhiên bài viết này chỉ đặt trọng tâm vào quan điểm của Phật giáo đối với của cải vật chất và kinh tế.
Mùa an cư năm thứ bốn mươi lăm, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm tịnh xá, gồm khá đông chư vị đại trưởng lão và chúng tỳ-khưu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, đức Phật và một số ít vị tỳ-khưu lại ghé vườn xoài của thần y Jīvaka hoặc lên đỉnh núi Linh Thứu (Gijjhakūṭa), tại đây ngài thường ở lại lâu hơn.
Bốn nhiếp pháp là bốn cách đối xử với người khác để làm lợi lạc cho người và cho mình trong sự tiến bộ phát triển chung về vật chất lẫn tinh thần. Bốn nhiếp pháp có trong kinh điển hệ Pali Nam tông và hệ Sanskrit Bắc tông. Ở Bắc tông được nhấn mạnh hơn bởi vì đây là sự thực hành hòa nhập và lợi lạc cho xã hội, đưa xã hội tiến bộ, của người thực hành đạo Bồ-tát.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.