Mẹ

19 Tháng Tám 201509:01(Xem: 8256)

blankMẸ
Thiên Hạnh

 

Me-oiTa còn một dòng sông_ dòng sông xưa uốn khúc những nỗi niềm cay cực với bóng mẹ lênh đênh tất tả chuyến đò đời.

Ta còn một bầu trời_ bầu trời cao vời thăm thẳm ngút trùng khơi để ngày thơ mẹ nâng ta lên những tầm cao cuộc sống, khi ngày tháng truân chuyên cam chịu mẹ vẫn mỉm cười vì tất cả cho con.

Ta còn một  cánh đồng_ cánh đồng Việt nam óng ả mượt mà sóng lúa nhấp nhô, đâu đó vọng tiếng sáo diều như lời quê tự sự và thấp thoáng hình bóng cánh cò lặn lội, mẹ chính là cánh cò xưa bất hủ tìm kiếm mãi nguồn sống tinh hoa trong rơm rạ cuộc đời để cho con và vì con.

Ta còn đó bờ tre thân thương hiền hòa khi gió về ríu rít trời quê_ những thân tre già vững chãi mà dẻo dai đương đầu với gió bão ngàn trùng không suy suyển. Mẹ chính là bóng tre diệu huyền đủ lực bình sinh và tháng năm trải nghiệm, che cho con, những búp măng non chưa tự thân trụ vững dưới nắng lửa mưa dầu và cuồng phong thịnh nộ.

Ta còn đó mặt đất_ là mảnh sân con trước nhà một xưa nào đón những bước chân chập chững đầu đời, lần đầu tiên rời khỏi bàn tay mẹ, ta đâu hay giây phút ấy người hạnh phúc tột đỉnh khi lần đầu thấy bước con đi. Để từ đó bước chân con hướng ra cuộc sống và ngày càng xa dần vòng tay của mẹ để tiếp nối và tiếp nối những hoàng hôn bóng mẹ tựa cửa ngóng trông.

Ta còn những giờ phút quẩn quanh tổ ấm gia đình, ngày thơ bé vào ra ngóng đợi mẹ trở về sau buổi chợ, để có những niềm vui thơ dại khi đón nhận những gói quà, củ khoai luộc, bắp ngô nếp thơm mùi dân dã hay gói xôi, miếng bánh tráng rắt mè,.. từ đôi quang gánh mẹ trao.

Ta còn những đêm thâu_ những đêm thâu mẹ ngồi may những đường chỉ nhỏ, cần mẫn chi li để sớm ngày mai con tung tăng cùng bạn bè đến lớp xúng xính trong chiếc áo mới, sản phẩm của đêm dài vắng lạnh mẹ thức trắng chăm lo.

Ta còn những lời ru xưa_ những lời ru êm như lụa nhiễu, ấm như hơi thở mẹ hiền phả vào tâm con những ý tưởng nhân sinh đầu đời về nề thương nếp ở, những lời ru đưa con êm êm vào giấc điệp, nhưng cũng là hành trang vào đời ý nhị đến hôm nay.

Ta còn một bàn tay_ bàn tay xưa mẹ nắm tay con tất tả đến trường cho kịp giờ nhập học một sáng mùa Thu, bàn tay ấm nóng gởi vào con bao kỳ vọng một mai khôn lớn bên thầy bạn với phấn trắng bảng đen dưới thênh thang một vòm trời tri thức.

Ta còn mùi dầu khuynh diệp và bát cháo, những viên thuốc đắng từ tay mẹ khi trái gió trở trời. Bên giường con với những cơn đau vầng trán nóng hâm hấp, có lẽ mẹ đã đau hơn con bội phần, bởi một điều đơn giản: mẹ là mẹ của con, không ai và không thể có người nào thay thế được.

Ta còn những ngày lên ba tập nói, bập bẹ những thanh âm đầu đời, dẫu chưa tròn vành rõ chữ nhưng âm tiết sơ khởi nhất là , mẹ,…và chính mẹ đã dạy từng tiếng, chỉ từng câu, mẹ dạy con cảm ơn xin lỗi, mẹ hướng con thưa gởi dạ vâng, mẹ là bậc thầy đầu tiên và cũng là bậc thầy vĩ đại nhất đời con, để từ đó con biết nói tiếng nói quê hương, tiếng nói của mẹ hiền.

Ta còn và còn thật nhiều , còn vô vàn những gì mà mẹ đã mang đến cho ta, cho cuộc đời ta. Qúa khứ trôi dần xa theo nhịp đếm của tháng năm, nhưng sừng sững cao vời như bất diệt là tượng đài kỳ vĩ của lòng mẹ bao la. Và rồi bao mùa hiếu hạnh qua đi với ngực áo thắm một đóa hồng để cuối cùng rồi ai cũng phải đối diện: đóa hồng trắng tinh khôi!

Người xưa đã khuất, hoài niệm mênh mang, cái hụt hẫng khiến lòng ai chới với, khi hiền mẫu ra đi mới thấy mình tệ bạc, cảm nỗi xót xa chữ hiếu chưa tròn, phải chi…ước gì còn mẹ bên con…

Thôi thì

Đôi mắt này mẹ đã cho ta, xin nguyện nhìn đời bằng sự tinh anh thấy rõ chân ngụy chánh tà, xin dùng để chiêm ngưỡng tôn nhan đức Từ Phụ, để đọc hiểu Pháp Bảo Kinh văn, để nhìn nỗi đau tha nhân mà thông cảm, nhìn hạnh phúc người đời để tùy hỷ xẻ chia.

Bàn tay này mẹ đã cho ta, xin nguyện dùng vào việc lợi mình lợi người, tự tha lưỡng lợi, vun bồi cuộc sống theo nghĩa đại đồng cộng trụ.

Đôi môi này cũng từ mẹ cho ta, xin nguyện cất lên lời từ ái bao dung, đem lời an ủi những ai đang trong cảnh khổ đau, cùng tán dương người lành bạn tốt, làm duyên cộng hưởng để cuộc sống thêm chan hòa trong ý Đạo.

Cả thể chất này, lục căn huyết quản, nhựa sống châu thân là những gì mẹ gởi lại cho đời, xin nguyện sống như một phần hữu ích giữa trần thế, để chính ta_ món quà mẹ gởi lại cuộc đời_ trở nên ý nghĩa, đó chính là cách đền đáp thâm ân mẫu từ trong muôn một.

Mong thay!

(Mùa hiếu hạnh Ấ t Mùi_ Pl 2559_ Thiên Hạnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5891)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5855)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6864)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6520)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5527)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4567)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10121)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.