Mẹ Ôi! Chữ Bè Lau, Tâm Chèo Cỏ!

03 Tháng Tám 201403:21(Xem: 8843)

blank

MẸ ÔI!
CHỮ BÈ LAU, TÂM CHÈO CỎ!
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

blank1- Hỡi ôi!
Khi biết chút ít về đạo hiếu
Thì mẹ đã trăng tà khuất núi
Ngọn lửa nhớ thương âm ỉ tháng năm dài
Một trăm bài thơ về mẹ
Chỉ là mấy giọt sương phơi
Không thấm ướt cây cỏ cõi lòng con hoang mạc!
Ôi! Đảnh lễ bụi đất nghìn trùng
Ôi! Đảnh lễ Tu Di sơn nghĩa ân cao chót vót
Ngôn và lời: Đốm mộng vẽ không hoa!
Tạc tượng làm sao giữa cõi ta-bà
Chân dung mẹ
Vẫn muôn đời
Trăng sao nước mây chập chùng khái niệm
Mẹ của tôi
Mẹ của quê hương
Là lục bát ca dao
Là cò vạc chuôm ao
Là lặn lội đồng sâu ruộng cạn
Là cõng gạo chợ chiều
Là gánh nắng đội mưa
Là áo vá bạc màu
Là nước mặn đồng chua
Là lụm cụm nương vườn
Là tảo tần bèo rau heo cám
Mẹ chắt từng giọt máu trắng
Để nuôi đàn con khôn lớn
Bàn tay khô gầy khéo léo vại môn dưa
Biến hoá bữa ăn cà muối mắm kho
Sắn độn cơm
Cơm độn khoai
Nhường nhịn cho cháu con ăn từng bữa
Vất vả lo toan chưa một lần than thở
Chưa một lần ngưng sức chèo bơi
Đứa này vừa sang sông
Đứa khác lại vào đời
Rồi mải miết chúng công danh sự nghiệp
Rồi mải miết chúng với vợ con
Với bầy đoàn thê thiếp
Mẹ rất xa tóc trắng bạc mù sương
Đường về quê trăm nỗi ngại ngùng
Mẹ vẫn là chiếc bóng đơn côi
Đêm đêm cầu kinh niệm Phật
Đêm đêm tay lần tràng hạt
Vẫn lủi thủi nhang khói từ đường
Vẫn liêu xiêu góc bếp đụn rơm
Tròng mắt cay cay
Tuổi nặng lưng còng
Vẫn bươn chải kiếm từng xu từng cắc
Để giúp đỡ cho cháu con khó khăn chật vật
Để tự nuôi sống mình
Lại còn mâm quả bát hương
Lại còn kỵ giỗ tổ tiên, lễ, tiết lân phường
Tang, tế, quan, hôn
Vắt kiệt sinh lực mẹ
Để gìn giữ gia phong, nền nếp!

2- Mẹ ôi!
Than ôi!
Mẹ giờ đã về đâu, đi đâu
Con mù loà, tối tăm chẳng biết
Nhưng hương mẫu từ vẫn phảng phất
Vẫn thơm ngát suốt đời con
Nuốt miếng béo bùi nghe đắng tựa bồ hòn
Nằm chăn ấm, nệm êm
Lại đau xót nhớ hoài manh chiếu rách
Nhớ căn bếp gió lùa
Mẹ đi vô đi ra, rét run cầm cập
Áo lá tơi dày không đủ sưởi tiết đông
Tháng chạp, giêng hai cắm cúi ruộng đồng
Lúc gieo mạ, lúc còng lưng cấy lúa
Chân dẫm bùn phèn
Căm căm tiết thời băng giá
Hạt ngọc ăn, nghe mặn máu mẹ ở bên trong
Thời bom đạn, tản cư
Mẹ chỉ ôm theo quyển kinh, quả chuông
Bỏ lại hết bạc tiền, tư trang, tài sản
Mẹ nói, đấy là vật ngoại thân, sớm còn, tối mất
Chịu khổ cực, siêng năng là còn tạo ra chúng được
“Nhưng mang theo kinh, chuông
Là để nhớ Phật mà về!”
Ôi! Lời dạy của mẹ tôi
Bên tai nghe như kim chích buốt tê
Văng vẳng mãi lúc nào đường tu thối thất
Đời sa-môn đi trên lưỡi dao mài ngọt
Bất hiếu, vô nghì là địa ngục đồng sôi
Phải sống cho tốt hơn
Để cho mẹ mỉm cười
Để cho mẹ yên tâm
Con vẫn là đứa con chưa đến nổi nào hư đốn!

3- Ôi!
Mẹ ôi!
Kính lạy mẹ!
Mẹ của tôi, mẹ của ai
Vẫn thương con giống nhau
Vì được rứt ra từ núm ruôt
Vẫn chín tháng mười ngày
Thống khổ cưu mang
Gìn giữ từng bước đi
Nóng, lạnh kiêng khem
Vì sự sống li ti của con vô cùng nhạy cảm
Ôi! Hỡi ôi!
Chín chữ cù lao (1),
Đạo lý Đông phương thăm thẳm
Mang vác suốt đời, không trả được thâm ân
Mẹ là dòng sông xanh
Và suối ngọt tự nguồn tâm
Là cánh cửa then hờ, chưa bao giờ khoá chốt
Là ngọn gió mát thung sâu trong lành diệu vợi
Là hồ ao, lau lách cỏ dại quê nhà
Sen súng tự nhiên hương
Mẹ đứng trên đồi cao
Nhìn ngắm cháu con lưu lạc trăm đường
Ngọn lửa ấm đêm đông
Bập bùng trái tim của mẹ
Con như khách phong trần
Một lần nghiệp duyên ghé lại
Để mẹ vất vả suốt đời
Trăm tuổi lại ra đi
Cú rúc canh thâu, rừng vắng nói gì
Giun dế đêm đêm, suối khe thầm thỉ
Giữa hư không
Tiếng chim lạc đàn mang mang thi tứ
Dội vào lòng con, vô lượng nghĩa Vu Lan
Chữ chữ thắp lên, bất lực hàng hàng
Kính lạy mẹ muôn trùng
Bối diệp, trang tâm thay tiếng nói
Ai đó là con, phải biết phút giờ yêu quý
Bên lòng còn đỏ thắm đoá hồng tươi
Bên mẹ, hiện tại ở đây, là giây khắc tuyệt vời
Là vĩnh cửu, là thiên thu, không bao giờ trở lại!
Ngưỡng mong thế gian
Giáo pháp nhiệm mầu
Hiếu ân còn mãi
Là vẻ đẹp ngàn đời, xưa cũng như nay
Khắc giữa hư vô cho nhân thế biết hay
Làm mảnh gương soi đi về
Khi vẫn còn tới lui sinh tử
Bài thơ hôm nay chỉ là bè lau, chèo cỏ
Vẫn muốn cùng người chống đẩy sang sông!
Vẫn muốn cùng người đạo hiếu đền xong!
Lúc nào chúng ta cùng đáo ngạn!

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Ghi chú:
(1) 1. Sinh (mang nặng đẻ đau) 2. Cúc (đỡ nâng, chăm sóc) 3. Dục (ân cần dạy dỗ) 4. Phủ (trìu mến, vuốt ve 5. Súc (Căng bầu con bú) 6. Trưởng (Nuôi con khôn lớn) 7. Cố (Yêu quý trông nom) 8. Phục (uốn nắn, nuông chiều) 9. Phúc (bảo vệ, chở che).


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5884)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5845)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6856)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6511)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5509)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4555)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10110)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.