Mẹ...

31 Tháng Bảy 201403:28(Xem: 8779)

blank
Mẹ …

Tỳ kheo Thích Nguyên Các

blankTrời Sài Gòn u ám. Mưa chợt đến chợt đi, không hề báo trước. Dưới cơn mưa do ảnh hưởng của cơn bão ngoài biển Đông, dòng người hối hả. Bên lề đường, thằng bé bước những bước cô đơn, mặc cho mưa tạt gió lùa, dẫu thân gầy nhỏ bé!

Chúng tôi kéo nó vào núp mưa dưới mái hiên một ngôi nhà. Nó nhướng mắt ngỡ ngàng trước hành động của người xa lạ; ẩn trong cái nhìn ấy là chuỗi những thắc mắc. Tôi liền hỏi: sao con không tránh mưa? Ướt hết rồi nè!

Thằng bé vẫn đứng im, chỉ tỏ ra ngạc nhiên hơn.

Chợt giật mình trước hành động và câu hỏi của mình! Nhìn thằng bé, nước da đen cháy nắng, áo quần mặc chẳng vừa thân, nét già dặn trên khuôn mặt trẻ thơ. Qua vài câu hỏi, chúng tôi được biết, nó, một đứa trẻ “bụi đời” đúng nghĩa. Không mái ấm để trở về, chẳng người thân thích mà dựa dẫm. Nhưng điều làm chúng tôi canh cánh trong lòng, đó là khi hỏi: “Thế mẹ con đâu?”. Câu này, chúng tôi đôi lần vô tình buộc miệng hỏi vài em, trong những lớp học tình thương, nơi nuôi trẻ cơ nhỡ, mà chúng tôi từng đến thăm. Những câu trả lời của các em trước đây là: “Mất rồi”, “Nghe bà bảo, bỏ đi đâu không biết”, hoặc “Không biết”. Còn thằng bé này, ngập ngừng giây lát và nói “Mẹ là gì?”. Chúng tôi như hóa đá.

Mẹ là gì?

Hình ảnh người mẹ cao cả trong ca dao, những mỹ từ trong lời hát, bao ẩn dụ ví von về mẹ trong các áng văn thơ mà chúng tôi đã từng đọc, đều trở lên vô nghĩa trước thằng bé.

Nó đâu được may mắn nằm trong vòng tay mẹ, nghe những lời ru ngọt ngào để đi vào giấc mơ hồng, mà có được hình ảnh mẹ vỗ về giấc ngủ trong ký ức:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

Năm canh chầy thức đủ năm canh! (Ca dao)

Dẫu nó cũng được sanh ra đời bởi một người phụ nữ nào đó, nhưng sống, tồn tại với đời, là nhờ sự thi ân bảo bọc của người xa lạ, nên nó nào có diễm phúc được nâng niu che chở, để mà tận hưởng tình Mẹ trên đời:

Nuôi con chẳng quản chi thân,

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,

Nuôi con buôn tảo bán tần,

Chỉ mong con lớn nên thân với đời. (Ca dao)

Là mẹ:

Dẫu cho thân xác héo mòn,

Miễn sao con được đủ đầy ấm no. (Ca dao)

Nói rằng Mẹ là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì càng cao sang quá rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, như ca từ trong ca khúc bất hủ Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, lấy ý từ đoản văn cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Hay:

Mẹ là giòng suối dịu hiền

Mẹ là bài hát thần tiên

Là bóng mát trên cao

Là mắt sáng trăng sao

Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…

Liệu thằng bé có thể hiểu không?

Trong tâm hồn trẻ thơ sớm vương bụi trần của nó, tình mẹ tựa hồ như chưa bao giờ hiện diện. Có ai vì nó mà “dưới mái nhà tranh may áo để dành, xuân qua thu lại đổi thay ấm lòng”. Hay, “vai gầy nặng gánh hàng rong, sanh nhai gian khổ đôi dòng lệ rơi”, để mà được từ góc độ người con cảm nhận:

Mẹ là nguồn suối dịu hiền,

Là người duy nhất trong đời của con. (Ca dao)

Bao lời hay ý đẹp, nếu đem ra giải thích có thể đều trở nên thô thiển. Vậy phải đáp lời thằng bé thế nào đây? Trong khoảng khắc trầm lặng, tôi buông lời vô thức, “Mẹ là người sanh chúng ta ra”. Mặt thằng bé liền giãn ra, trông có nét vui vui, và tự nhiên hơn. Chúng tôi đang thắc mắc, suy đoán thái độ của nó trước câu trả lời “chẳng ra gì” của mình. Nó liền nói, “Vậy là con cũng có mẹ?”. Chúng tôi như hóa đá lần hai. Không ngờ thằng bé lại hồn nhiên đến lạ.

Nó đã nghe người đời nói nhiều về trẻ mồi côi, những đứa lang thang cơ nhỡ như nó, không ít lần bị chửi rủa bởi sự vô tâm của đồng loại. Thế nên, có đôi lần nó cùng vài đứa nữa cũng ra công tìm hiểu, chúng nó sao lại không có mẹ có cha. Và mẹ, cha là gì? Nhưng rồi chẳng ai có thể trả lời cho chúng. Còn chúng có cách gì để làm rõ những khúc mắc trong tâm hồn, khi chúng chỉ là những đứa trẻ không biết “mình từ đâu ra”(lời thằng bé). Nên khi nghe chúng tôi nói “Mẹ là người sanh chúng ta ra”, thì nó thấy vui. Vui vì nó cũng có mẹ - người đã sanh ra nó trên đời. Dù rằng trong ký ức sâu thẳm của tâm hồn, không hề tồn tại cái gọi là hình ảnh người mẹ. Nhưng với thằng bé, nó được sanh ra đời bởi một người mẹ nào đó đã là đủ…

Mưa đã tan.

Thằng bé lại bước đi, những bước đi vô định, vô định như cuộc đời, như tương lai của nó vậy!

Nhìn dáng thằng bé bước đi mà lòng đau xót. Đau vì nghĩ đến lối sống của lớp thanh niên ngày nay, không chín chắn trong quan hệ nam nữ, để rồi “giải quyết” những mầm sống một cách dã man. Xót cho những đứa trẻ vừa ra đời đã bị chính cha mẹ đẻ ra chúng bỏ rơi.

Những ai diễm phúc có được bầu trời thương yêu dịu ngọt, đang đắm mình bơi lội trong đó; sung sướng mà không hay, hãy tỉnh thức đi khi chưa muộn. Đừng mải mê với hoa thơm cỏ lạ của lạc thú trên đường đời, mà quên đi những ân tình thâm trầm và cao cả, đang hiện hữu quanh mình. Để ngày mai, mẹ mất, chúng ta sẽ không hối hận, đau lòng.

Đáng tiếc. Rất nhiều người chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ.

Vĩnh Nghiêm, mùa Vu Lan 2013.

(Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5884)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5845)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6856)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6511)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5509)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4555)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10110)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.