Trời cao biển rộng

28 Tháng Bảy 201409:27(Xem: 8180)
tuyentapvulan-02TRỜI CAO BIỂN RỘNG
Vĩnh Hảo

blankKhông đo không lường được tình thương, người ta thường lấy vẻ bao la của trời biển để tạm so sánh. Nhưng kỳ thực, trời và biển có những giới hạn, biên tế. Trời, vẫn chỉ là một vòm không gian hữu hạn trong tầm mắt con người; biển, là bốn đại dương trên mặt địa cầu; không thể nói là vô biên, vô lượng.

Tình thương của cha mẹ dành cho con cái, thì khác: không giới hạn.

Tình thương vô hạn chỉ khi nào nó được biểu lộ một cách không điều kiện, không phân biệt và so sánh đối tượng (hư hay nên; xấu hay đẹp; cãi lời hay vâng lời), và quan trọng nhất: không đòi hỏi sự đền đáp.

Người Á-đông có vẻ xem thường nền văn hóa thực dụng của tây phương, nhất là trong tương quan tình cảm và ứng xử giữa cha mẹ và con cái; cho rằng con người ở đó không biết, không sống với chữ Hiếu—đạo lý lâu đời của truyền thống đông phương; và vì không có Hiếu đạo, gia đình và xã hội trở nên bất toàn, rối loạn. Quan niệm này đúng trong nhiều trường hợp, nhất là đối với những người con: không nhắc nhở, không gợi ý, thì đứa con có thể không nhớ và không cảm thấy mình có bổn phận phải làm điều gì đó để gọi là đền đáp công ơn sinh dưỡng rất to lớn của cha mẹ.

Cha mẹ và con cái ở xã hội tây phương, do nếp suy nghĩ truyền thống và cũng do vì phúc lợi và an sinh xã hội được cung cấp đầy đủ bởi guồng máy chính phủ, thường không có ý niệm hay nhu cầu về sự đền đáp khi cha mẹ về già. Những đứa con tây phương được sinh dưỡng tự nhiên trong gia đình, ăn học, lập thân, rồi trở thành những bậc cha mẹ nuôi dạy con cái thế hệ kế tiếp, mà không hề bận tâm, lo nghĩ việc báo đền ân đức cha mẹ. Điều mà con cái tây phương dành cho cha mẹ là lòng thương kính, biết ơn, chứ không có bổn phận hay trách nhiệm “nuôi” lại cha mẹ lúc tuổi già. Cha mẹ tây phương không vì con cái không chăm nom mình mà gán tội bất hiếu, bất nghĩa; bởi vì họ vốn không đòi hỏi sự báo đáp nào ngay từ lúc ban đầu mới sinh con, nuôi con. (Từ điểm này, có thể đặt dấu hỏi là cha mẹ tây phương có “thực dụng” không, hay ngược lại!)

Trong khi đó, cha mẹ và con cái ở xã hội đông phương, sống với đạo Hiếu cao đẹp lâu đời, luôn được nhắc nhở về sự đền ơn, ngay từ lúc con cái còn ấu thơ. Còn nhỏ chưa biết sinh kế thì phải ngoan ngoãn, biết nghe lời, chăm học, học giỏi (làm ngược lại thì đều là bất hiếu); trưởng thành thì phải biết sinh nhai để tự lo bản thân, lập gia đình, có con nối dõi, và “nuôi” lại cha mẹ lúc tuổi già không người chăm sóc (không làm được điều sau cùng này thì bất hiếu; hoặc có làm mà kể lể quá thì cũng bất hiếu, cho nên mới có câu than oán trong tục ngữ: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày”). Nói chung, con cái đông phương được giáo dục phải nói, nghĩ và làm gì để đền đáp công ơn cha mẹ, nên việc tri ân báo hiếu là điều tự nhiên.

Từ sự khác biệt trên, có thể nói là đông hay tây phương đều có nét đẹp cần áp dụng cũng như điểm không hay cần thay đổi. Có thể đề nghị một hình ảnh lý tưởng như vầy chăng: làm con, nên sống như người con phương đông; làm cha mẹ, nên sống như cha mẹ phương tây.

Yêu thương, tận tụy nuôi dưỡng con cái mà không đặt điều kiện hay đòi hỏi bất kỳ sự báo đáp nào, thì tình thương của cha mẹ, trời biển cũng không sánh bằng.

Tình thương vô hạn ấy tất nhiên sẽ được cảm nhận từng ngày bởi con cái từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành, để rồi với niềm thương kính tự nhiên và chân thành, con cái tự biết cần làm gì để bày tỏ sự nhớ ơn và lòng thương của mình đối với cha mẹ; không cần phải kêu gọi, nhắc nhở, trách móc hoặc gán những tội danh nào đó cho con.

Làm con, không phải tất cả đều sẽ làm cha mẹ khi trưởng thành; nhưng tất cả bậc cha mẹ đều đã là những người con. Hãy nhìn những gì đang làm cho con cái ngày nay mà tưởng nhớ những gì cha mẹ đã làm cho mình trong quá khứ; tự hỏi mình đã làm gì trong vai trò đứa con đối với cha mẹ, đừng đặt vấn đề con cái sẽ làm gì cho mình ở tương lai. Có điều kiện, không điều kiện, vô hạn hay hữu hạn, đều bắt đầu từ vị trí làm cha mẹ. Đừng đặt tình thương bao la của mình dành cho con vào bất cứ cái khuôn nào, dù là cái khuôn được cho là truyền thống cao đẹp; bởi vì có khuôn khổ là có điều kiện; có điều kiện thì không còn vô hạn, vô biên.

Người con Phật dấn thân vào đời có một câu nằm lòng: “Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là việc làm có mưu tính.” Bậc cha mẹ cần hành xử như thế đối với con cái. Cũng có thể nói ngược lại rằng, người con Phật khi cứu giúp chúng sanh, nên học tinh thần ấy từ nơi lòng thương không điều kiện của cha mẹ dành cho con cái. Không điều kiện là bước khởi đầu cho hành trình làm cha mẹ, cũng là bước khởi đầu của bồ-đề tâm, của bồ-tát hạnh.

Và hạnh phúc thay cho những người con khi gần gũi cha mẹ, như được tắm gội trong đại dương yêu thương bất tuyệt; và khi xa, nhớ về cha mẹ như bầu trời êm ả, che chở và bảo bọc lấy mình giữa cuộc đời đầy bất trắc, gian nan.

Trời cao, biển rộng, không đủ lớn để hình dung hay so sánh tình thương cha mẹ; bởi vì không phải lúc nào, ở đâu, cũng có thể nhìn thấy trời, biển. Nhưng cha mẹ thì luôn luôn, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, cũng ngự trị trong lòng con.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6457)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6427)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 7371)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 7052)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 6055)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5195)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10874)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.