Quán Niệm Và Quán Tưởng

17 Tháng Bảy 201410:02(Xem: 4778)
THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông

5
Quán niệm và Quán tưởng

Quán Niệm Và Quán Tưởng

Trong khi học về thầy Tăng Hội, ta thấy rằng nội dung thực tập mà thầy Tăng Hội dạy là phép an ban thủ ý, là quán niệm hơi thở. Cố nhiên khi đi theo phép quán niệm hơi thở thì chúng ta cũng học quán niệm thân trong thân, thọ trong thọ, tâm hành trong tâm hành và pháp trong pháp.

An ban thủ ý là phép quán niệm hơi thở, và hơi thở được thực tập chung với bốn lĩnh vực quán niệm là tứ niệm xứ. Chúng ta biết rằng vào đầu thế kỷ thứ ba thầy Tăng Hội đã dạy thực tập thiền theo phương pháp an ban thủ ý và tứ niệm xứ.

Thầy còn dạy chúng ta thực tập về bát niệm, tức là tám đối tượng quán niệm. Niệm tức là anussati (Phạn: anusmrti). Đó là niệm Bụt, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên, niệm an ban và cuối cùng là niệm tử. Tám đề tài quán niệm ấy được gọi là bát niệm. Và thầy đã nói về tám đề tài ấy trong bài mà chúng ta đang học, tức là bài Phương Pháp Đạt Thiền, trích trong Lục Độ Tập Kinh.

Và như vậy chúng ta biết rằng vào đầu thế kỷ thứ III, tại Việt Nam chúng ta đã thực tập thiền theo bát niệm. Thầy cũng đã dạy về thập tưởng. Tưởng tức là samjna (Pali : sanna). Chúng ta thường dùng danh từ quán tưởng. Niệm thì ta dùng danh từ quán niệm. Vô thường tưởng, khổ tưởng, vô ngã tưởng, yếm ly thực tưởng và nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng. Yếm ly thực tưởng là quán tưởng về thức ăn. Chúng ta nhớ rằng thức ăn để trên dĩa tuy thấy ngon lành hấp dẫn nhưng khi đã được bỏ vào miệng rồi, trộn với nước bọt, nhai nhỏ, rơi vào bao tử lẫn với các chất chua thì không còn hấp dẫn nữa. Cái đó gọi là yếm ly thực tưởng. Trong năm lời quán nguyện của chúng ta trước bữa ăn có một điều nói về tâm niệm tham ăn: "Xin nguyện ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật ăn uống không chừng mực !" Nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng. Những cái mà ngoài đời cho là đối tượng của hạnh phúc, xét cho kỹ, ta thấy chúng không thực sự là hạnh phúc. Ví dụ ngồi dán hai mắt vào máy vô tuyến truyền hình mỗi ngày bốn giờ đồng hồ không thực sự là hạnh phúc. La cà trong những quán rượu, hay thức suốt đêm để nhảy nhót, những cái đó người đời cho là lạc thú và hạnh phúc, nhưng quán niệm cho kỹ, ta sẽ thấy những cái đó có thể tàn phá sức khỏe, tàn phá tâm thức, tàn phá cuộc đời của mình. Người giác ngộ thấy rằng những cái mà thế gian cho là hạnh phúc thực sự là những cái tạo ra khổ đau, tạo ra bệnh hoạn và chán nản. Và phép quán tưởng này là nhìn vào bản chất và nội dung của những cái mà người ta gọi là hạnh phúc để thấy được cái chân tướng của nó, thấy được cái sự thật không hạnh phúc của chúng. Khi đã thấy được sự thật về chúng rồi thì ta không còn bị những cái đó hấp dẫn nữa.

Phương pháp quán niệm đó gọi là nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng. Nhất thiết là tất cả. Thế gian là những cái ở trong cuộc đời. Bất khả lạc là không thực sự là hạnh phúc. Ta hãy trở về với ví dụ đã đưa ra về vụ xem truyền hình.

Ba năm về trước có một em bé tới Làng Mai. Ba má nghĩ là Làng Mai hay lắm, đem con tới Làng thì dù con hư mấy cũng trở thành giỏi. Khi mới tới, chú bé chán vô cùng. Nhìn thấy chương trình sinh hoạt hằng ngày, chú nói: "Nó giống như cái nhà tù. Mấy giờ thì làm cái gì, mấy giờ thì làm cái gì, mấy giờ thì làm cái gì... Tại sao ba má lại bắt con đem bỏ vô chỗ này, nó giống như trong một cái trại lính?" Và chú bé hỏi: "Ở đây có ti vi không?" Các sư chú trả lời: "Không có." "Ở đây đâu có đáng sống." Chú bé thật sự nghĩ rằng nếu không có ti vi thì nó sẽ chết. Thấy thất bại trước mắt, bà mẹ mới cầu cứu với một sư cô. Sư cô bày ra phương tiện, nói rằng: "Bác thuyết phục nó ở lại hai mươi bốn giờ đồng hồ thôi. Sau đó nếu nó không thích thì cho nó đi biển." Và trong hai mươi bốn giờ đồng hồ ấy các thiếu nhi đã thực tập nhiều năm ở Làng đã tới chơi với chú bé mới. Những thiếu nhi mà ta quen gọi là thiếu nhi hạt giống. Chú bé cũng gắng chìu má ở lại đây hai mươi bốn giờ đồng hồ. Trong khi chơi với thiếu nhi hạt giống, chú bé lây cái niềm vui lành mạnh của những thiếu nhi ở Làng. Và một cách âm thầm nó đã khám phá ra rằng: Thì ra không có ti vi mà mình vẫn sống sót được. Qua cái thời hạn hai mươi bốn giờ đồng hồ, má chú bé hỏi: "Có đi biển không ?" Thì nó nói: "Thôi, khỏi đi biển. Con ở lại đây." Trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ, nhờ tăng thân thiếu nhi mà chú bé khám phá ra được cái mà trước đây nó chưa hề khám phá: người ta có thể sống được, dù là không có ti vi. Tại sao ? Tại có rất nhiều niềm vui khác lành mạnh có khả năng nuôi dưỡng mình mà mình chưa tiếp xúc được.

Phép quán tưởng này là quán tưởng về bản chất của những cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc: dục lạc. Khi đã thấy được hạnh phúc chân thật rồi, ta có khả năng buông bỏ những cái bóng dáng giả dối ấy của hạnh phúc. Ở đây đôi khi chúng ta gọi chúng là những con châu chấu bằng nhựa dùng để câu cá. Con cá tưởng đó là món ăn ngon, đớp vào, bị lưỡi câu móc vào miệng và cuối cùng bị kéo lên. Tử tưởng, contemplation on death, cũng trùng với bát niệm.

Thầy Tăng Hội nói về cái chết, thân thể lạnh đi từ từ, sự sống rời bỏ. Và sau khi chết thì thân thể khô lại, hoặc phình lên. Rồi từ thân thể nứt rạn chảy ra những thứ nước rất là ghê gớm. Pháp tu này gọi là cửu tưởng quán, tức là quán niệm về chín giai đoạn biến hoại của một thây chết. Đa quá tội tưởng. Quá là những lầm lỗi. Tội là những cái hành động xấu. Đa quá tội là rất nhiều lỗi lầm và vụng về mà ta đã gây ra trong đời sống hàng ngày. Có khi ta không muốn làm những lỗi lầm đó, làm những việc dữ đó, nhưng vì sống trong những hoàn cảnh xấu, vì tập khí mạnh, ta đã làm những điều ta không muốn làm, phạm vào những tội mà thật sự ta không muốn phạm. Hoàn cảnh và tập khí là dòng nước cuốn ta theo. Lúc ban đầu ta cũng có ý thức sáng tỏ rằng mình không muốn làm những điều đó. Mình không muốn ăn cái đó. Mình không muốn uống cái đó. Mình không muốn nhìn cái đó. Mình không muốn nói cái đó. Mình không muốn làm cái đó. Tại vì mình biết rằng ăn cái đó, uống cái đó, nhìn cái đó, nói cái đó và làm cái đó sẽ gây ra vướng mắc, hư hại, tội lỗi, nhưng dòng thác kia đã mạnh hơn, đã kéo ta theo và rốt cuộc ta đã phải ăn, phải uống, phải nhìn, phải nói hoặc phải làm cái đó. Vì vậy cho nên người xuất gia là người biết rõ được tính cách đa quá tội của hoàn cảnh và tập khí mà cương quyết vượt thoát cái dòng thác lũ đó để đi vào một cái môi trường sinh hoạt khác, trong đó mình có thể làm chủ được mình. Mình không còn bị kéo theo cái dòng thác lũ đó nữa. Môi trường này và hoàn cảnh này giúp cho mình sống theo được cái lương tri của mình, cái ánh sáng của chánh niệm mình. Tại vì trong môi trường ấy mình được bảo vệ bởi tăng thân, giới luật và chánh niệm.

Người xuất gia phải là người nhận thức được quá trình và hoàn cảnh trong đó người ta làm và nói những điều mà chính người ta không muốn làm, không muốn nói và không muốn nghĩ. Và nếu ta có thể sống chánh niệm, có thể bồi đắp cho tâm bồ đề, cho đạo chí của ta thì sau này ta sẽ có khả năng đi vào trở lại trong cuộc đời để chuyển hóa và cứu độ, để tạo ra những điều kiện cho những người khác cũng có thể làm được như ta. Một người sắp chết đuối sau khi đã được lên bờ, có thể đóng một chiếc thuyền để đi ra cứu vớt những người đang sắp chết đuối. Thời gian ở tu viện là thời gian đóng thuyền. Đóng thuyền cho bản thân mình cũng như đóng thuyền cho những người khác. Xuất ly tưởng. Xuất ly là xa lìa và ra khỏi. Xa lìa cái hoàn cảnh hệ lụy, xa lìa những cám dỗ, xa lìa những độc tố làm hư hại thân và tâm. Có thể một mình ta, ta không đủ sức để xa lìa nhưng mà với tăng thân, với hoàn cảnh thuận tiện, với sự thực tập hằng ngày, ta sẽ có thể đạt tới sự xa lìa đó.

Chúng ta biết rằng trong kinh An Ban Thủ Ý, Bụt có dạy những hơi thở giúp ta thực tập xa lìa. Đoạn tưởng. Đoạn tức là cắt đứt, không còn dây dưa nữa. Mình đã biết rõ chân tướng của nó rồi. Mình biết nó là oan gia của mình rồi. Mình biết nó là nguyên do của sự tàn diệt thân và tâm, và mình cương quyết cắt đứt. Tận tưởng. Tận tức là sự chấm dứt. Sự chấm dứt của tất cả những vọng tưởng, tất cả những tri giác sai lầm và tất cả những đam mê được nẩy sinh trên các tri giác sai lầm ấy, tất cả những thù hận và giận dỗi đã được phát sinh trên các tri giác sai lầm ấy. Đây cũng là một đối tượng quán niệm của An Ban Thủ Ý. Những ý niệm như có sinh, có diệt, có có, có không, có một, có nhiều, có đi, có tới. Tất cả mọi ý niệm, trong đó có ý niệm về niết bàn, luân hồi, hạnh phúc, kể luôn cả những ý niệm về vô thường, vô ngã, khổ, không, v.v... đều được vượt thắng hết, đều được chấm dứt hết.

Nói tóm lại tất cả các tưởng đều phải được chấm dứt. Đây là thực chất của niết bàn, vượt thoát ngôn ngữ, vượt thoát tri giác. Tận ở đây chấm dứt tất cả các vọng tưởng. Tại vì vọng tưởng là nền tảng của tham đắm, của đam mê, của hận thù, của ganh tỵ, của sợ hãi. Chấm dứt được những vọng tưởng đó rồi thì ta chấm dứt luôn được những khổ đau và phiền não đã do vọng tưởng phát sinh và ta có hạnh phúc thật sự.

Ngoài ra, thầy Tăng Hội còn dạy chúng ta quán chiếu về những hoàn cảnh nghèo đói, chiến tranh và thịnh suy. Thầy dạy chúng ta quán chiếu về bất tịnh và dạy chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi, đó cũng là những đối tượng của thiền tập trong đầu thế kỷ thứ IIỊ Chúng ta biết hồi đó toàn bộ kinh Hoa Nghiêm chưa được thành hình. Hồi đó chỉ mới được tượng hình mấy phẩm đầu của kinh Hoa Nghiêm thôi, trong đó có phẩm Thập Địa và phẩm Nhập Pháp Giới. Chúng ta biết chắc rằng thầy Tăng Hội đã được đọc kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Phạn. Hồi đó chưa có bản dịch. Thầy Tăng Hội cũng đã được đọc kinh Pháp Hoa. Những điều này được phản chiếu trong những văn kiện mà chúng ta đang học về thầy. Và như ta đã thấy, thầy Tăng Hội có một nền tảng tâm học rất vững chãi.


Phiền Não Là Bồ Đề: Năm Phép Quán Chiếu Về Sự Biến Đổi

Trong giáo lý của thầy Tăng Hội, ta tìm thấy tư tưởng tâm tính bản tịnh, the nature of the mind is originally pure. Bản tính của tâm vốn là thanh tịnh. Vì những ô nhiễm của phiền não che lấp thành ra tâm ấy không chiếu sáng được. Vì vậy cho nên tu tập là lau chùi phiền não. Sau này thầy Thần Tú lúc trình kệ kiến giải: "Tâm như minh kính đài" cũng chỉ nói như vậy thôi. Tâm như minh kính đài có nghĩa là tâm mình như là một đài gương sáng, và mỗi ngày cần phải lau bụi. Chúng ta biết rằng tư tưởng này làm nền tảng cho các tư tưởng Pháp thân và Phật tánh.

Trong giáo lý của thầy Tăng Hội có tư tưởng một là tất cả, tất cả là một. Đó là giáo lý tương nhập, tương tức. 'Một là tất cả' là tư tưởng Hoa Nghiêm. Trong giáo lý của thầy Tăng Hội có tư tưởng đại viên cảnh trí. Tâm của mình như một tấm gương sáng, lớn và tròn. Cố nhiên trong giáo lý của thầy có tư tưởng của A lại gia thức nhưng lúc đó chưa gọi là A lại gia thức. Và cũng có tư tưởng tàng và chủng tử. Những tư tưởng này rất rõ ràng trong các văn kiện mà chúng ta đang học. Hai hình ảnh mà thầy dùng là hai hình ảnh rất đặc thù. Thứ nhất là hình ảnh của biển cả. Nước muôn sông đổ về biển cả. Biển cả tức là tàng thức và nước mưa từ các sông chảy vào là những ấn tượng đi vào trong tâm thức bằng đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh người gieo mạ, người gieo hạt trong lúc chạng vạng. Thầy đã dạy chúng ta rằng bồ đề tâm hoặc đạo chí là nguồn năng lượng rất quan trọng đưa đến sự thành đạt sự tu học. Chúng ta phải sống đời sống hằng ngày như thế nào để cho đạo chí ấy mỗi ngày được vun trồng. Bồ đề tâm ấy có khi gọi là sơ tâm, mỗi ngày một vững chãi hơn. Sống làm sao để mỗi ngày cái đạo chí, cái sơ tâm đó cứ mòn mỏi bớt đi một chút thì hỏng hết, lỗ vốn hết, lỗ vốn cho thầy Tăng Hội, lỗ vốn cho các Tổ. Thầy Tăng Hội cũng có dạy về năm phép quán chiếu. Năm phép này chắc là của thầy làm ra.

Thứ nhất là quán chiếu về sự biến đổi của nét mặt. Thầy dạy ta phải quán chiếu về nét mặt của người khác và nếu có một tấm kính ở trong phòng khách, thì mình cũng nên quán chiếu về nét mặt của chính mình. Nét mặt là một tiếng chuông chánh niệm. Kinh cứ hay nói tới hình ảnh một người vừa tắm gội sạch sẽ, mặc áo đẹp, nhìn vào trong một tấm gương hay là trong một bát nước. Thấy mặt mình sạch sẽ, không có một vết nhơ nào người ấy lấy làm hân hoan và nói: "Cái mặt của mình khá sạch." Người có tật xấu và nội kết thì biết rằng mặt mình không được sạch lắm, nó có vết nhơ. Biết rằng có vết nhơ như vậy thì phải làm thế nào để lau cho sạch. Cái đó gọi là soi gương. Còn người nào thấy khuôn mặt mình sạch sẽ không có vết nhơ thì người đó sẽ lấy làm hân hoan, như là trong kinh Tỳ Kheo Thỉnh. Ở đây thầy Tăng Hội nói rằng mình nên thường xuyên quán chiếu nét mặt, nét mặt của người kia và nét mặt của mình. Biết rằng nét mặt đó không phải là cứ như vậy hoài, nó có thể thay đổi. Nếu nét mặt của người sư chị mình không được tươi thì mình nhớ và biết rằng không phải nét mặt đó sẽ buồn như vậy hoài. Chính sư chị hoặc chính mình có thể làm cho nét mặt đó thay đổi bằng nụ cười, bằng ánh mắt, bằng hành động. Nét mặt của mình cũng vậy. Nhìn vào gương, thấy nét mặt mình không được tươi lắm, mình nên nói rằng nét mặt mình tuy không tươi, nhưng không hẳn là nó sẽ phải như vậy hoài. Nếu mình biết thở, biết đi thiền hành, biết tự nuôi dưỡng mình bằng những niềm vui thì nét mặt mình sẽ thay đổi.

Thứ hai là quán chiếu về sự biến đổi của khổ vui. Bây giờ thì là khổ nhưng có thể lát nữa sẽ có vui. Thành ra ta đừng có nghĩ rằng người đó khổ một hôm thì hôm sau nhất định là sẽ khổ tiếp. Không có thể có sự thay đổi. Ngày hôm nay mình cảm thấy khổ đau nhưng đừng nghĩ rằng tất cả cuộc đời của mình sẽ khổ dài dài như vậy. Người kia cũng vậy. Mình thấy người ấy như chỉ biết khổ chứ không biết vui. Mình đừng nói rằng cái khổ đó sẽ trường tồn. Nếu biết tu học, nếu có tăng thân, có sự giúp đỡ của mình thì người ấy có thể chuyển khổ thành vui. Sống không chánh niệm, không công phu, không thực tập thì cái vui ngày hôm nay dù có ngày mai cũng sẽ mất. Vì vậy cho nên nhìn vào sự biến dị của khổ và vui để biết và để thực tập.

Thứ ba là quán chiếu về sự biến đổi của ý muốn (intention). Hôm nay ta muốn cái này nhưng ngày mai ta lại muốn cái khác. Hôm nay ta nghĩ rằng cái kia là điều kiện tất yếu của hạnh phúc. Vì nghĩ như vậy cho nên ta đi về hướng kia. Vì đi về hướng kia cho nên thế nào ta cũng vấp ngã. Nhưng ta có thể thay đổi hoặc giúp người kia thay đổi. Nếu liên hệ giữa ta với người ấy tốt đẹp thì ta có thể ảnh hưởng tới người ấy và ta thay đổi được ý muốn của người ấy.

Thứ tư là quán chiếu về sự biến đổi của hình thể. Một người gầy ốm có thể trở thành bớt gầy ốm. Một người mạnh khỏe có thể trở thành đau yếu. Một người trẻ có thể trở thành già. Đó là quán chiếu về hình thể của người kia hoặc của chính mình. Thường thường trong đời sống hằng ngày ta hay nghĩ người kia mãi mãi sẽ là người kia, nhưng sự thật thì người kia thay đổi mỗi ngày, trong tâm ý cũng như ngoài hình thể. Nhờ sự thay đổi đó cho nên ta và người kia mới có cơ hội chuyển hóa. Đứng về phương diện vô thường mà xét thì tuy hôm nay mình còn có tuổi trẻ nhưng ngày mai tuổi trẻ đó sẽ không còn. Hôm nay chân mình đang mạnh, mình có thể chạy được, nhưng ngày mai mình có thể đi rất chậm và phải chống gậy. Vì vậy cho nên quán chiếu về sự thay đổi của hình thể giúp cho ta thấy được sâu sắc hơn về bản chất của sự sống. Và sau chót là quán chiếu về sự biến đổi của thiện ác. Cái thiện có thể chuyển thành cái ác. Cái ác có thể chuyển thành cái thiện. Cái đẹp có thể chuyển thành cái xấu. Cái xấu có thể chuyển thành cái đẹp. Thiện ác cũng vô thường. Vì vậy cho nên khi thấy cái thiện ở trong lòng mình hay cái thiện ở trong lòng người kia, mình biết rằng nếu không nuôi dưỡng cái thiện đó thì sau này nó cũng có thể trở thành ác. Quán chiếu để thấy được những phiền não ở trong lòng: đó là những cái ác. Nếu ta biết cách quán chiếu và chuyển hóa thì những phiền não kia có thể trở thành an lạc và hạnh phúc. Chúng ta có tư tưởng phiền não tức bồ đề, tức là hoa có thể được vun bón bằng rác. Nếu không có rác thì không có hoa. Trong bài Phương Pháp Đạt Thiền, thầy Tăng Hội có đặt câu hỏi là thực tập bốn thiền có đủ để đắc quả A La Hán hay không. Câu trả lời là có thể được mà cũng có thể không. Nếu nội dung của tứ thiền mà không giàu có thì tứ thiền chỉ nặng về phương diện hình thức và kết quả của sự thực tập tứ thiền có thể là rất khiêm nhượng. Nghĩa là những người tu về tứ thiền chỉ có thể sau này được sinh lại trên những cõi trời thôi, chứ không đạt được quả vị giải thoát A La Hán. Thầy viết rằng nếu tâm ý ta vẫn còn là tâm ý của nhất thiền thì ta chưa đắc được quả vị A La Hán và khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ bảy, sống được một kiếp ở trên cõi trời đó mà thôi. Nếu tâm ý vẫn còn là tâm ý của nhị thiền thì khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ mười một, thọ được hai kiếp. Nếu tâm ý chỉ là tâm ý của tam thiền thì khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ mười lăm, thọ được tám kiếp. Nếu tâm ý chỉ là tâm ý của tứ thiền thì khi lâm chung ta sẽ sinh lên cõi trời thứ mười chín, thọ được mười sáu kiếp. Đó không phải là giải thoát. Sanh lên cõi trời không phải là mục đích của sự tu học. Bụt thực tập không phải là để sinh lên cõi trời. Bụt thực tập là để giải thoát. Cho nên những dòng này của thầy Tăng Hội chứng tỏ rằng tứ thiền không phải là cái gì tuyệt đối cần thiết trong sự thực tập đạo Bụt. Tứ thiền chỉ là khung cảnh của sự thực tập thôi. Bản chất của sự thực tập là An Ban Thủ Ý, là Niệm Xứ, là Bát Định, là Thập Tưởng.
Tăng Hội Là Sơ Tổ Thiền Tông
Tổ Tăng Hội không phải chỉ là thiền tổ tại Việt Nam tại vì ngài đã qua Trung Quốc để dạy thiền vào giữa thế kỷ thứ III và vì vậy ngài cũng là thiền tổ Trung Hoa. Lâu nay trong học giới ít ai nói nhiều về thầy Tăng Hội và nếu có thì cũng không nói về tư tưởng thiền và sự thực tập thiền của thầy. Cho nên quý vị có thể viết những bài ngắn, một trang, hai trang, năm trang, mười trang hay hai mươi trang về giáo lý và thiền tập của thầy Tăng Hội để đăng trong những tờ báo Phật giáo ở Âu Châu hay là ở Mỹ Châu. Các vị nào có tài hội họa hay điêu khắc thì xin nghĩ đến chuyện tạc tượng thiền sư Tăng Hội. Chúng ta chỉ mới có một tượng Tăng Hội của họa sĩ Hiếu Đệ vẽ thôi. Tượng đó cũng chưa được toàn hảo. Chúng ta có thể vẽ thêm hàng chục bức khác hoặc hàng trăm bức khác và có thể tạc thêm nhiều tượng để cho quần chúng Phật tử chọn lựa. Hy vọng sau này chúng ta có một tượng Tăng Hội rất hào hùng để thờ trong các thiền viện. Thầy Tăng Hội lớn hơn thầy Bồ Đề Đạt Ma đến mấy trăm tuổi. Thầy Bồ Đề Đạt Ma không để lại giáo lý trên những văn bản. Giáo lý của thầy Bồ Đề Đạt Ma chỉ được kể lại vắn tắt bởi một số các đệ tử. Còn thầy Tăng Hội đã để lại giáo lý của thầy trên giấy trắng mực đen. Nếu quý vị muốn nghiên cứu về thiền Việt Nam thì phải đọc cho được tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh. Uyển tức là khu vườn. Anh tức là những tinh hoa. Tập là sự gom góp lại. Nghĩa là gom góp lại những bông hoa đẹp nhất trong vườn thiền. The most beautiful flowers in the garden of Dhyana in Vietnam. Trong cuốn này các tác giả có ghi chép lại tên, sự nghiệp và tư tưởng của các thiền sư Việt Nam thuộc về ba tông phái thiền: phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), phái Vô Ngôn Thông và phái Thảo Đường. Theo sách này, tại Việt Nam đã có một thiền phái do thiền sư Tăng Hội thành lập. Thiền phái này được truyền thừa mãi tới đời Trần mới bắt đầu hòa nhập với các thiền phái khác để thành thiền phái Trúc Lâm. Người đại diện cho thiền phái Tăng Hội ở đời Lý là thiền sư Lôi Hà Trạch. Năm 1090, có một vị hoàng thái hậu đời Lý tên là Phù Cảm Linh Nhân đã mời các thầy ở thủ đô vào trong cung vua để cúng dường. Sau khi các thầy đã thọ trai, hoàng hậu đứng lên và tham vấn: "Bạch các thầy, trong số các vị cao đức ở đây có ai biết rõ về nguồn gốc của đạo Bụt Việt Nam hay không ?" Giáo điển, sách vở nói về đạo Bụt ở Ấn Độ và ở Trung Quốc thì rất nhiều nhưng những tài liệu về khởi nguyên đạo Bụt Việt Nam thì ít, do đó hoàng thái hậu mới hỏi như thế. Trong số các vị thượng tọa có mặt buổi ấy, có một thầy là thiền sư Trí Không. Thầy Trí Không đã lên tiếng nói về nguồn gốc của Phật giáo Việt Nam. Thầy có nói tới Mâu Bác của thế kỷ thứ II và Khương Tăng Hội của thế kỷ thứ IIỊ Thầy cũng nói tới thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi và thầy Pháp Hiền. Thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một thầy người Ấn Độ, đã từng đi ngang qua Trung Quốc và đã từng gặp được tổ thứ ba của thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán. Thầy Tăng Xán nói: "Ở đây không yên ổn, thầy nên về Giao Châu mà ở." Giao Châu hồi đó có an ninh hơn. Thầy Trí Không nói rằng Mâu Bác và Khương Tăng Hội thuộc về Giáo Tông, còn Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền thì thuộc về Thiền Tông. Nên nhớ rằng câu chuyện tham vấn này đã xảy ra vào đầu thế kỷ thứ XỊ Tại Việt Nam lúc bấy giờ ta đã chịu ảnh hưởng về ý niệm nguồn gốc thiền học của Trung Hoa rồi. Vì vậy thầy Trí Không không thấy thầy Tăng Hội là một vị thiền tổ mà chỉ xem thầy là một vị giáo tổ. Thiền tông bên Trung Quốc nhấn mạnh tới nguyên tắc bất lập văn tự, nghĩa là không căn cứ trên văn chương chữ nghĩa. Họ bắt đầu coi những lời chỉ dẫn của chư tổ đôi khi còn quan trọng hơn lời dạy của Bụt nữa. Đó là những hạt giống sau này đưa tới tư tưởng thiền tổ sư. Trong suốt lịch sử của thiền học, người ta có khuynh hướng xem thiền khác với giáo. Giáo tức là có học hỏi kinh điển đàng hoàng. Còn thiền thì không cần học hỏi kinh điển. Thầy mình bảo mình ngồi thì mình ngồi, bảo mình thở thì mình thở, chớ không cần học hỏi kinh điển, kể cả kinh An Ban Thủ Ý. Tuy người ta nói vậy, nhưng người ta cũng nói rằng thầy Bồ Đề Đạt Ma đã trao lại cho tổ Huệ Khả một cuốn kinh. Đó là kinh Lăng Già, trong đó có tư tưởng Như Lai Tạng. Thành ra nói rằng thiền hoàn toàn bất lập văn tự là không đúng. Và nói rằng giáo tông chỉ học tập kinh điển mà không thực tập thiền cũng không đúng. Trong lịch sử thiền có những vị thiền sư chủ trương thiền giáo nhất trí, tức là thiền và giáo là một. Chúng ta thấy thiền của tổ Tăng Hội đi theo con đường đó. Thực tập thiền nhưng vẫn sử dụng giáo lý và kinh điển. Có nhiều người đi quá đà, nói rằng không cần học gì hết, không cần xem kinh gì hết, chỉ cần ngồi thiền thôi là được. Thầy Trí Không đã liệt Mâu Bác vào Giáo tông và liệt thầy Tỳ Ni Đa Lưu Chi và thầy Pháp Hiền vào Thiền tông. Do đó chúng ta thấy rằng thầy Trí Không đã bị ảnh hưởng suy tư của Trung Quốc. Trong khi trình bày với hoàng thái hậu, thầy Trí Không còn nói: "Có một hôm vua Tùy Văn Đế ở bên Tàu - vua là một người rất sùng thượng đạo Bụt, đã yểm trợ cho sự thành lập nhiều ngôi chùa ở tại Trung Hoa và yểm trợ cho các tăng đoàn hành đạo - nói với một vị pháp sư tên là Đàm Thiên là vua muốn gởi một phái đoàn đem đạo Bụt về Giao Châu để hoằng dương chánh pháp tại vùng đất xa xôi đó." Câu chuyện Đàm Thiên và vua Tùy Văn Đế xảy ra vào thế kỷ thứ VỊ Thầy Đàm Thiên nói: "Tâu Bệ Hạ, hồi mà nước ta chưa có Phật giáo gì hết, thì bên Giao Châu Phật giáo đã thành hình rồi. Hồi mà ta chưa có tăng sĩ thì bên đó đã có tăng sĩ rồi. Hồi mà ta chưa có kinh điển thì bên đó đã có kinh điển rồi. Hồi ấy, tại Giao Châu đã có khoảng năm trăm vị xuất gia và có khoảng mười lăm cuốn kinh đã được phiên dịch ra từ tiếng Phạn." Đó là câu chuyện mà thầy Trí Không đã trích dẫn và báo cáo lên hoàng thái hậu Nguyên Thánh. Thầy Trí Không là một sử gia. Thầy đọc sách rất nhiều. Trong số các thầy được mời vào cung, thầy là người ứng đối lưu loát nhất cho nên hoàng thái hậu mới tâu vua để ban cho thầy đạo hiệu Thông Biện Quốc Sư, một vị đại đức có biện tài thông suốt. Thầy Thông Biện có ghi chép lại một số dữ kiện về lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Những tài liệu đó đã được truyền xuống cho những thiền sư khác là Thường Chiếu, Thần Nghi và Ẩn Không. Tất cả những tài liệu này chúng ta thấy trong tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh. Sách Thiền Uyển Tập Anh có thể bắt đầu do thầy Trí Không biên tập, rồi truyền xuống cho thầy Thường Chiếu, thầy Thường Chiếu thêm thắt vào cho đầy đủ. Thầy Thường Chiếu truyền cho thầy Thần Nghi. Thầy Thần Nghi truyền cho thầy Ẩn Không. Rốt cuộc thì chúng ta có sách Thiền Uyển Tập Anh. Sách hoàn thành vào cuối đời Lý.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn