Phật Giáo Và Hòa Bình Thế Giới

29 Tháng Ba 201300:00(Xem: 15976)

PHẬT GIÁO VÀ HÒA BÌNH THẾ GIỚI
Thích Giác Toàn

worldpeaceTừ khi có loài người trên trái đất này thì tranh chấp, giận dữ, thù hằn, đố kỵ, cãi cọ… đã xuất hiện; và vì thế, loài người luôn luôn phải sống bất an. Cũng kể từ đó, chưa có giây phút nào trên thế giới không có chiến tranh.

Trong thế kỷ trước, loài người đã kinh hoàng chứng kiến hai trận chiến tranh thế giới lớn nhất: Thế chiến I (1914-1919) và Thế chiến II (1939-1945). Ngoài ra, những xung đột giữa các bộ tộc, các quốc gia, các dân tộc, tín đồ các tôn giáo… vẫn xảy ra hàng ngày suốt cả trăm ngàn năm qua. Loài người vẫn truy tìm các giải pháp hòa bình qua thương lượng, kêu gọi, hô hào, hiệp ước, đình chiến… Các nhà tôn giáo, tư tưởng, đạo đức, chính trị… vẫn ráo riết hoạt động để mưu cầu hòa bình. Thế nhưng, bạo lực, kỳ thị, bất an, chiến tranh vẫn xảy ra hàng ngày. Việc truy tìm hòa bình vẫn chưa có hiệu quả. Như vậy, đâu là ý nghĩa của hòa bình? Đâu là nguyên nhân của chiến tranh, hận thù, bất an…? Có thể khẳng định rằng giáo lý nhà Phật hoàn toàn trả lời được các câu hỏi đó và có thể được thực hiện để mưu cầu hòa bình, an ổn cho từng cá nhân, từng cộng đồng, và toàn thể nhân loại.

Hòa bình, tiếng Anh là Peace, tiếng Pháp là Paix, có gốc là Pax từ tiếng Latin hay Hy Lạp. Ý nghĩa chung là một trạng thái tĩnh lặng, an toàn, không bị áp lực, bất an trong ý nghĩ, hài hòa trong các liên hệ cá nhân; một hiệp ước, một giai đoạn có sự đồng ý giữa các chính phủ; một hiệp ước thỏa thuận chấm dứt sự đối kháng giữa những người đang chiến tranh hay đang có thái độ thù nghịch; một yêu cầu yên tĩnh, sự chào đón hân hoan (Từ điển Webster). Ý nghĩa nổi bật nhất của hòa bình ở đây là sự tĩnh lặng, yên ổn.

Theo từ điển Wikipedia thì hòa bình là trạng thái hài hòa, được định tính bởi sự vắng mặt những tranh chấp, thù nghịch. Hòa bình cũng hàm ý sự hiện hữu của những quan hệ lành mạnh hoặc được chữa cho lành mạnh giữa liên hệ cá nhân và liên hệ quốc tế; sự thịnh vượng về phúc lợi xã hội hay kinh tế, sự xây dựng công bằng, công chính; tình trạng chính trị vận hành phục vụ những lợi ích thực sự của mọi quan hệ quốc tế. Gọi là thời bình không chỉ là không có tranh chấp hay chiến tranh mà còn là sự bao dung trong các quan hệ quốc tế để thực hiện hòa bình thực sự.

Wikipedia còn bảo rằng, Hòa bình, theo tiếng La-Hy là Pax, còn có nghĩa là không có sự hỗn độn về dân sự, và từ Peace của tiếng Anh dùng để dịch từ Shalom của tiếng Hebrew, liên hệ với từ Salaam của Ả-rập có rất nhiều nghĩa: an toàn, an ninh, hạnh phúc, thịnh vượng, vận may, tình huynh đệ, và là một lối sống bất bạo động diễn tả mối quan hệ giữa những người có sự tôn trọng, công chính, và thiện chí.

Từ hòa bình là do người Nhật dịch từ người phương Tây vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Từ điển Hán trước đó không có dùng từ này. Từ điển Từ Hải có ghi Hòa là Thuận; không cương, không nhu là Hòa. Hòa là Bình, ngang bằng, phẳng, bình đẳng. Hòa là trộn lẫn nhau, âm thanh, thơ kệ tương ứng gọi là Hòa (còn đọc là Họa). Bình là bằng phẳng, là trị an, là hòa hảo, ngang bằng nhau.

Các hội nghị, hội thảo quốc tế về Hòa bình được tổ chức khá nhiều, thường là để tạm thời ngưng chiến tranh, ngăn chặn xung đột. Thế nhưng ý nghĩa về hòa bình, nguyên nhân sự phá vỡ hòa bình chưa được phân tích sâu sắc. Thiếu sót này được bổ sung, được giải quyết qua giáo lý của Đức Phật và qua sự thực hành, áp dụng giáo lý ấy và Phật giáo được gọi là Phật giáo ứng dụng.

Cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu đã rất đúng khi phát biểu: “Chúng ta theo những nguyên tắc mà Đức Phật đã nêu. Cuối cùng chúng ta sẽ đạt được hòa bình, an tịnh cho thế giới”.

Hãy tìm hiểu những nguyên tắc ấy. Đấy là những nguyên tắc, những phẩm chất, những nội dung của cái tâm con người. Tìm hiểu tâm, tu sửa tâm, chứng ngộ tâm chính là nội dung chủ yếu của Phật pháp; cho nên Phật học còn được gọi là Tâm học. Kinh Luận Phật giáo là một kho tàng trí tuệ về việc phân tích tâm, nhận biết tâm, tu tập tâm, và chứng ngộ tâm.

Hòa bình thường được hiểu là trạng thái bình an của thế giới bên ngoài. Phật giáo quan niệm hòa bình là sự cảm thọ, cảm thọ bởi cái tâm. Do đó, hòa bình chủ yếu là hòa bình trong cái tâm mỗi con người. Giáo lý Hoa Nghiêm cho ta thấy “nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết”, từ đó, ta hiểu thế giới là tâm, tâm là thế giới. Muốn xây dựng hòa bình thế giới, hãy xây dựng cái tâm hòa bình của mỗi người.

Giáo lý về hòa bình có thể được trình bày qua Tứ vô lượng tâm. Một cách khái quát, bốn tâm vô lượng là tâm tỏa cùng khắp, là chỗ trú của bậc Thánh (Tứ phạm trú). Đó là Từ, Bi, Hỷ, và Xả. Từ là vui khi thấy người khác được vui, nỗ lực làm cho người khác được vui. Bi là buồn khổ khi thấy người khác buồn khổ, nỗ lực làm cho người khác khỏi buồn khổ. Hỷ là vui mừng khi nghĩ biết rằng vô lượng chúng sanh được an vui, không còn khổ não. Xả là xả bỏ, không chấp trước ta, người; xem tất cả đều bình đẳng: Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Rahula, do sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc về sân tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Rahula, do sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng hỷ. Này Rahula, do sự tu tập về lòng hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng xả. Này Rahula, do sự tu tập về lòng xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. (Kinh Chánh Niệm, Trung bộ kinh).

Phát xuất từ cái tâm được phát triển, được tu tập, đã trở nên rộng lớn, triển khai đến khắp nơi, phổ biến, vô ngại, mọi người đều có thể đạt đến cái tâm đại từ bi thương tưởng đến hết thảy chúng sanh, tinh ròng, chân thật như tình mẹ đối với đứa con độc nhất, không dấu vết hận thù: Như một người mẹ suốt đời chăm sóc đứa con, đứa con độc nhất. Đối với mọi chúng sanh cũng thế, tâm mình phải quảng đại, lòng từ bi với toàn cõi thế gian quảng đại khởi lên từ tâm mình bên trên, bên dưới và xuyên suốt không ngăn ngại, không vì thù hận và ác tâm. (Kinh Từ bi)

Hòa bình là hòa hợp, an bình, an tịnh. Tâm an thì thế giới an. Như mặt nước tĩnh lặng, không dậy sóng, tâm an bình thì không có nóng giận, chân thật, nhu hòa. Đức Phật dạy:

Chớ nói lời ác độc

Nói ác, bị nói lại.

Khổ thay lời phẫn nộ

Đao trượng phải chạm người. (Pháp Cú 133) và

Chớ để lòng phẫn nộ nhiếp phục, chi phối ông; Chớ để lòng sân hận đối trị với sân hận. (Tương ưng I, 305)

Sự phẫn nộ, lời nói ác độc đưa đến hận thù, bạo động, gây hại người và khiến người hại mình. Nguồn gốc của chiến tranh là tham, sân, si. Loại trừ tam độc này bằng vô tham, vô sân, vô si, tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý, tức là tạo hòa bình, ngăn chiến tranh:

Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện, lấy thí thắng xan tham, lấy chơn thắng hư ngụy. (Pháp Cú 223)

Đấy là giải pháp kiến tạo hòa bình bao dung nhất, hiền thiện nhất, hữu hiệu nhất, như là một định luật muôn đời:

Hận thù diệt hận thù, đời này không có được. Không hận diệt hận thù là định luật ngàn thu. (Pháp Cú 195)

Như đã nói, phẫn nộ đưa đến hận thù, bạo hành, chiến tranh. Bạo hành, chiến tranh đưa đến chết chóc, sát sanh. Sát sanh là giới cấm thứ nhất của người con Phật và lẽ ra phải là giới cấm của tất cả mọi người. Ai cũng sợ bị hại, bị giết, từ đó suy ra không nên hại ai, giết ai:

Mọi người sợ hình phạt, mọi người sợ tử vong, lấy mình làm ví dụ. Không giết, không bảo giết. (Pháp Cú 129)

Sát sanh là nghiệp nặng nhất, tạo nhân duyên, tạo quả báo xấu nhất, đó là luật nhân quả, không thể nào tránh được:

Này các Tỳ-kheo, nếu sát sinh được thực hiện, được luyện tập, được làm cho sung mãn thì sẽ đưa đến địa ngục, sẽ đưa đến bàng sinh, sẽ đưa đến cõi ngạ quỷ (Tăng chi III, A.230).

Này gia chủ, sát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi, hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi, hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ ưu khổ (Tăng chi III, B176).

Chúng sanh cầu an lạc

Ai dùng trượng hại người

Tìm an lạc cho mình

Đời sau không được lạc. (Pháp Cú 131)

Rõ ràng là, không sát sanh là tạo an lạc cho chúng sanh, nhất là tạo an lạc cho chính mình.

Này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh. Này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, đem sự không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem sự không hận thù cho vô lượng chúng sinh. Sau khi cho vô lượng chúng sinh sự không sợ hãi, sự không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng sự không sợ hãi, không hận thù, không hại (Tăng chi III, A.229).

Qua một số trích dẫn trên, ta thấy bốn tâm vô lượng của Phật giáo đã bao trùm ý nghĩa kiến tạo hòa bình, trước hết là từ nội tâm của mỗi người. Sự kiến tạo hòa bình như thế mang các yếu tố: vô ngã, duyên sinh, từ bi, diệt trừ thù hận, bất hại, bất bạo động, nhu hòa, không tranh đua thắng bại…

Thế giới vẫn mãi khổ đau vì chiến tranh bạo lực… Nguyên nhân của chiến tranh chính là tam độc tham, sân, si. Vì tham mà có tranh giành; vì sân mà có oán hận, vì si mà làm ác, nghĩ ác, không nghĩ đến hậu quả tai hại… Chúng ta có thể đề nghị một số hoạt động dựa theo giáo lý Phật giáo để duy trì hòa bình trên thế giới:

1. Truyền bá tư tưởng Phật học: về vô thường, vô ngã, từ bi, trí tuệ (qua các trường học, các buổi thuyết pháp, hội nghị, hội thảo quốc tế…).

2. Thực hiện bố thí, san lấp khoảng cách giàu nghèo, sự khác biệt về màu da, tôn giáo… (các hoạt động từ thiện cấp hội đoàn địa phương, cấp quốc gia, cấp quốc tế…). Đây là áp dụng giáo lý bất nhị, bình đẳng trong tinh thần lục hòa, tứ nhiếp.

3. Phát triển mạnh các phong trào chống chiến tranh, chống kỳ thị, bảo vệ môi trường, xây dựng hòa bình.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế bảo vệ hòa bình. Các nhân vật Phật giáo tích cực tham gia các phong trào vì hòa bình, an ninh cho toàn thế giới; thậm chí tham gia chính quyền để chuyên hoạt động vì mục đích hòa bình.

5. Ủng hộ, tham gia các công trình biểu tượng hòa bình; ví dụ giải Nobel về Hòa bình, chuông Hòa bình của Nhật Bản tại New York, vườn Hòa bình Thế giới ở Bắc Dakota, giải Hòa bình Gandhi…

Phật giáo là tôn giáo hiền thiện. Chưa bao giờ Phật giáo bị lợi dụng danh nghĩa trong các cuộc chiến tranh xâm lược, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo. Đạo Phật sẵn sàng dung nạp các ý nghĩa hiền thiện của các tín ngưỡng, tôn giáo, triết học không phải Phật giáo (thí dụ: nhiều chùa chấp nhận thờ Khổng Tử, Tề thiên Đại thánh, Quan Công; không cấm đoán tín đồ lập gia đình với những người không phải Phật giáo…).

Thiết tưởng, giáo lý Phật giáo một khi được áp dụng sẽ củng cố, xây dựng một nền Hòa bình Thế giới lâu dài, mang lại hạnh phúc, an ổn cho loài người.

Thích Giác Toàn
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo)

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Giêng 2015(Xem: 10174)
06 Tháng Giêng 2015(Xem: 5991)
Một vị Hòa thượng đã nói đùa: “Chùa thờ linh lúc nào cũng đông đúc Phật tử đến sinh hoạt, việc điều hành chùa tuy bận rộn nhưng dễ dàng vì có phương tiện cúng dường của Phật tử. Trái lại, những ngôi chùa chỉ đào tạo Tăng Ni có trình độ giáo lý cao như cử nhân, tiến sĩ thì phần lớn không có chúng, không có Phật tử”, và vị này đã kết luận: “tiến linh có phần ‘hơn’ tiến sĩ!!!”.
16 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 19408)
Con người Tây phương khám phá ra rằng cách đặt vấn đề của đạo Phật đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Tây phương đang chối từ Thượng Đế thì đạo Phật giải thích không có Thượng Đế. Tây phương phải nhờ Darwin để cắt nghĩa rằng vũ trụ không phải do một Đấng nào sáng tạo ra cả trong bảy ngày thì đạo Phật đã nói cách đây hơn 2500 năm rằng thời gian là vô thủy vô chung, vũ trụ là vô cùng vô tận. Tây phương ngay ngáy lo sợ về ngày phán xét cuối cùng của Thượng Đế thì Phật giáo nói: không có ai phán xét ta cả, chỉ có con người phán xét con người thôi.
19 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5285)
Vị trí địa lí và các sinh hoạt văn hóa kinh tế giữa Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) đã để lại nhiều dấu ấn trong ngôn ngữ theo dòng thời gian, nhất là khi Phật giáo (PG) du nhập vào Đông Nam Á và TQ. Phần này chú trọng vào các cách đọc (âm Hán Việt) của chữ 梵 phạn hay phạm trong các tài liệu cổ TQ và các dữ kiện tương ứng trong tiếng Việt.
19 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6065)
Tôi không có ý định nói tiếp ý của câu ca dao thứ hai “ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” vì mình chưa đủ trải nghiệm và hiểu biết để đoan chắc rằng “lắm kẻ” đó có “giòn” hơn hay không “giòn” hơn ta. Tôi chỉ xin nói về một vài trải nghiệm nho nhỏ khi “ra đường” để có dịp nhìn lại mình khi “ở nhà” với những mối quan hệ “mẹ con” thân thuộc.
03 Tháng Mười Một 2014(Xem: 4684)
Nghệ thuật Phạm-bối của Phật giáo ra đời trong không gian kỳ ảo của nhiều cung bậc âm thanh, từ các thể tán ca, ngâm vịnh của những tôn giáo mang ảnh hưởng Vệ-đà. Mặc dù Đức Phật đã mở một lối đi riêng mang tính tiên phong về phương diện tư tưởng nói chung và lãnh vực nghệ thuật nói riêng; tuy vậy, vẫn có những giao thoa nhất định trong hành hoạt đời thường, vì cùng sinh hoạt và tồn tại trong một không gian văn hóa.
29 Tháng Mười 2014(Xem: 5372)
Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, đạo Phật truyền vào Việt Nam vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, cho đến Khương Tăng Hội là vị tăng sĩ có sử tích đầu tiên trong lịch sử (sanh khoảng năm 190 - mất năm 280 sau tây lịch) và để lại nhiều tài liệu viết dịch;[1]từ ấy đến nay đã gần hai ngàn năm.
14 Tháng Mười 2014(Xem: 5791)
Hằng năm, sau ba tháng an cư, nhập hạ trước, từ ngày 16/6 đến 16/9, suốt một tháng, tức là từ ngày 16/9 đến ngày 16/10 ÂL. trùng với ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ, chư tăng được phép thọ nhận y Kaṭhina do thí chủ cúng dường. Truyền thống này có sự tích và nhân duyên từ thời đức Phật:
27 Tháng Chín 2014(Xem: 7156)
Như thường lệ, đúng vào ngày Chủ nhật hàng tuần, chư tôn đức Phật giáo Nam Tông tỉnh Thừa Thiên Huế đều có pháp khất thực trên những con đường êm ả của xứ Huế thơ mộng. Những bước chân nhẹ nhàng, thong thả với chánh niệm, pháp khất thực đã thể hiện nét đẹp văn hóa của Phật giáo xứ Huế và dần trở thành thân thuộc với người dân.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 10606)
Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả.