TÌM CẦU THƯỢNG SƯ CHÂN CHÍNH
Nếu như không biết mục đích, cách thức của việc tìm cầu Thượng sư giác ngộ, cũng như làm thế nào để trở thành một đệ tử chân chính, tôi cho rằng: hành giả sẽ hầu như không thể tu tập Kim Cương Thừa. Bởi vậy, trước hết chúng ta cần phải hiểu biết về phẩm hạnh và ý nghĩa của Thượng sư. Đây là điểm khởi đầu quan trọng nhất.
‘Thượng sư’ có thể được biểu đạt theo nhiều cách phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của chúng ta. Từ cách nhìn của thế giới tương đối, bậc Thầy đơn giản là người hướng đạo, dẫn dắt cho bạn phải tu tập như thế nào, cũng như làm sao để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là ý niệm và sự hiểu biết tối thiểu mỗi người cần có trước khi bắt đầu. Nhờ sự hiểu biết này, chúng ta có thể phát triển được niềm tri ân đối với Thượng sư, điều này thực sự giúp mỗi người chuyển hóa được chính mình. Để có được những phẩm hạnh như Thượng sư và chứng ngộ được những phẩm hạnh của Thượng sư trong chính mình đòi hỏi phải có thời gian, đôi khi là một khoảng thời gian rất lâu, có khi phải trải qua rất nhiều kiếp vị lai, nhưng điều đó không hề gì bởi đây là mục đích chúng ta cần tu tập.
Nếu không có sự trợ duyên của Thượng sư trong hình tướng loài người, sẽ không có cách nào đạt được mức độ hiểu biết mà bạn có thể chứng ngộ được phẩm hạnh Thượng sư trong chính mình. Bởi vậy, ở mức độ hiểu biết, điều quan trọng là phải tìm được một Thượng sư đã thành tựu thực chứng viên mãn[1] trong hình tướng loài người. Rất nhiều người đã hỏi tôi: “Bằng cách nào con có thể tìm cầu được Thượng sư giác ngộ? Thượng sư tìm đến con hay con phải tìm cầu Thượng sư? Khi nào con nên tìm cầu Thượng sư? Ai là Thượng sư của con?” Dường như họ vô cùng băn khoăn. Tôi có thể hiểu được điều này bởi vì nếu tiếp cận theo cách thông thường thì đó là một vấn đề gây khó hiểu.
Tuy nhiên, mặt khác những điều này lại vô cùng rõ ràng bởi vì hầu hết những phẩm hạnh của Thượng sư đều rất dễ nhận biết. Bạn sẽ có thể nhận biết những phẩm hạnh này thông qua việc dành đôi chút thời gian lắng nghe những giáo pháp và khai thị[2] mà các Thượng sư ban, hoặc thông qua những công hạnh mà Thượng sư đã thị hiện với lòng đại từ đại bi. Bạn sẽ có thể kiến lập được mối liên hệ với Thượng sư thông qua việc tìm đọc, hoặc trực tiếp đón nhận và thực hành những giáo pháp chân chính của Thượng sư. Theo cách đó, bạn có thể nhận thức được đôi điều về tâm chí thành và sự hiểu biết.
Bản thân mỗi người phải bỏ ra nhiều nỗ lực thực hành để tìm cầu Thượng sư
Trên thực tế, Thượng sư cũng tìm học trò và đệ tử. Một Thượng sư chân chính phải tìm đệ tử học trò, bởi vì mục đích Ngài thị hiện trên thế gian là để giúp đỡ, hướng đạo cho chúng sinh. Nếu Ngài không tìm được những đệ tử - những học trò chân chính - thì Ngài đã không hoàn thành tâm nguyện của mình và đã lãng phí rất nhiều thời gian. Khi đó Ngài sẽ chọn cách tốt nhất là nên rời bỏ thế gian này và đến những cõi khác, nơi những chúng sinh đang cần Ngài trợ giúp.
Một Thượng sư chân chính phải luôn mong muốn tìm được những đệ tử và những người học trò chân chính. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, những Thượng sư chân chính không phải tìm chúng ta mà bản thân chúng ta phải nỗ lực để tìm cầu Thượng sư. Điều này cũng giống như một chú ong đang tìm nơi xây tổ. Chú ong phải tìm kiếm tổ chứ chiếc tổ không thể đi tìm chú ong. Tương tự như vậy, Thượng sư không thể tìm chúng ta bởi vì bản thân chúng ta phải tích lũy công đức và sự tịnh hóa thông qua việc trải qua đôi chút khó khăn trong khi tìm cầu. Không chỉ có vậy, nếu chính bản thân chúng ta tìm cầu Thượng sư, chúng ta sẽ tri ân tới các Ngài nhiều hơn. Điều này cũng giống như một ai đó tới, gõ cửa nhà bạn và nói: “Xin chào, tôi tới đây để trợ giúp cho bạn.” Chắc chắn chúng ta không coi trọng đánh giá cao việc làm này nhiều. Bởi vậy, trong hầu hết những trường hợp, Thượng sư không tìm cầu chúng ta mà chúng ta phải mất đôi chút nỗ lực tìm cầu các Ngài.
Như tôi đã nhắc ở phần trên có rất nhiều cách để nhận biết một Thượng sư. Tôi vừa đàm luận về phương thức tương đối để nhận biết một bậc Thượng sư “tương đối”, bậc giác ngộ hiện thân trong hình tướng tương đối. Tuy nhiên, việc thụ nhận sự hướng đạo khai thị từ các Ngài là điểm khởi đầu vô cùng quan trọng. Sự hướng đạo của các Ngài giúp chúng ta chứng ngộ tự tính bản tâm, đó chính là Thượng sư “tuyệt đối” thường trụ bên trong mỗi chúng ta. Khi Thượng sư “tuyệt đối” hiển lộ, sẽ không cần sự trợ giúp từ bất kỳ ai nữa, từ bậc Thượng sư bên ngoài hay từ những pháp tương đối, như đón nhận giáo pháp của bậc Thầy bên ngoài. Thượng sư “tuyệt đối” đơn giản là Thượng sư tự giác ngộ bên trong mỗi người.
Thượng sư có thể ban gia trì hay trí tuệ thông qua nhiều phương diện khác nhau
Có ba cấp độ Thượng sư: Thượng sư ‘bên ngoài’, Thượng sư ‘bên trong’ và Thượng sư ‘bí mật’ hay Thượng sư ‘ẩn tàng’. Dưới đây, chúng ta tìm hiểu từng phương diện một.
Đầu tiên, Thượng sư bên ngoài trong hình tướng loài người ban cho bạn sự gia trì và những giáo pháp giác ngộ. Trong Phật giáo Kim Cương Thừa, gia trì có nghĩa là trí tuệ, gia trì không có nghĩa gì khác ngoài trí tuệ. Thượng sư có thể ban gia trì trí tuệ thông qua nhiều phương diện khác nhau, trong đó sự khai thị khẩu truyền chân chính là vĩ đại nhất, trọng yếu nhất.
Khi bàn về gia trì có ba phương diện: gia trì ‘bên ngoài’, gia trì ‘bên trong’ và gia trì ‘tối thượng’. Gia trì bên ngoài tới thông qua hình thức những lời khai thị chân chính, qua đó bạn đạt trí tuệ nội chứng. Thông qua ân phúc gia trì này bạn sẽ đạt được trí tuệ hiểu biết dù đó có thể là tri thức hiểu biết hay tri thức kinh nghiệm. Với việc bạn thấu hiểu được những khai thị từ Thượng sư, bạn thụ nhận được sự gia trì bên trong.
Sau đó, dưới sự trợ giúp của những khai thị từ Thượng sư, trí tuệ hiểu biết sẽ được phát triển trưởng dưỡng trong chính bạn, bạn sẽ đạt được chân lý cứu kính, chân lý đã tồn tại trong mỗi chúng ta từ vô thủy cho đến tận ngày nay. Nó thường trụ một cách thường hằng bất biến trong chúng ta cả ngày lẫn đêm nhưng chúng ta đã không thể chứng ngộ được chân lý này. Nói cách khác, chúng ta đã không thể chứng đạt được bất kỳ sự gia trì nào do sự che chướng của vô minh, si ám trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nếu biết tiếp cận Thượng sư bên ngoài, Thượng sư bên trong một cách đúng đắn, chúng ta sẽ đón nhận được trí tuệ. Thông qua đó chúng ta hiểu biết thấu đáo sự vật hiện tượng nội tại, và nhờ điều này biết được thực tướng chân lý cứu kính. Đây là sự gia trì tối thượng và là chân lý cứu kính!
Sự gia trì chân chính mà chúng ta đang đàm luận cũng giống như một thân cây, một cây cũng có thể có nhiều cành, lá, hoa, nhưng điều quan trọng là phải chăm sóc tốt thân và rễ của cây. Nếu như bạn chăm sóc tốt được thân cây bằng việc tưới nước và giữ cho nó ở một nhiệt độ thích hợp thì toàn bộ thân cây sẽ phát triển, cành, lá, hoa, trái… cũng sẽ được chăm sóc một cách tự nhiên. Tương tự như vậy, sự gia trì mà chúng ta đang bàn chắc chắn sẽ trưởng dưỡng một cách đầy đủ tất cả những nhu cầu của chúng ta. Tôi xin lấy một ví dụ nữa về vấn đề này. Để sinh con, chúng ta cần cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần có đủ tiền để mua sắm thức ăn và những điều kiện thiết yếu. Tất cả những thứ này giúp chăm sóc tốt thai nhi. Tương tự như vậy, chúng ta phải biết những phương thức đứng đắn để chăm sóc những điều thiết yếu giúp chúng ta thụ nhận sự gia trì.
Hầu hết chúng ta phải đối mặt với khó khăn, chướng ngại bởi chúng ta chưa thực sự có tâm chí thành và niềm tin
Hầu hết chúng ta phải đối mặt với khó khăn, chướng ngại bởi chúng ta chưa thực sự có tâm chí thành. Tương tự như vậy chúng ta chưa thực sự hiểu biết phương thức đúng đắn để tiếp cận với sự gia trì chân chính, Thượng sư và chân lý cứu kính. Nói cách khác, chúng ta đã bỏ lỡ mất tầm quan trọng của việc chăm sóc thân cây mà thay vào đó chúng ta chỉ luôn chăm sóc cho hoa trái. Bởi vậy, rễ và thân cây đã bị thối rữa, hoa không thể nở và trái không thể chín. Chúng ta không thể có được trái cây và chúng ta chẳng có được thành quả gì cả.
Khi tha thiết thỉnh cầu và tìm kiếm sự gia trì từ bậc Thượng sư hay Bản tôn, đôi khi chúng ta được thỏa nguyện vì các Ngài có thể từ bi viên mãn mong muốn của chúng ta trong một số trường hợp nhất định. Nhưng bạn cần biết là chỉ những người có sự chứng ngộ sâu sắc mới chắc chắn thụ nhận sự gia trì chân chính hay gặt hái thành quả từ tâm chí thành chân chính và tiếp đến họ có thể chia sẻ những thành quả tốt đẹp tới chúng ta nhờ vào tâm Đại trí Đại bi. Họ có thể hóa hiện là những Thượng sư, Bản tôn, chư Thiên hay chư Hộ pháp. Họ có mặt nơi đây để trợ giúp cho bạn một cách tạm thời, bởi vì họ có thể chia sẻ một vài thứ mà họ đã đạt được. Đây là điều xảy ra với hầu hết chúng ta, những người đã thụ nhận được một chút gia trì ở nơi này hay nơi khác, nhiều thứ đã trợ giúp chúng ta vượt qua được một vài những khó khăn chướng ngại.
Tuy nhiên, đáng buồn là nhiều người trong số chúng ta không thể thụ nhận một cách trực tiếp sự gia trì chân chính. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải dựa vào ai đó, một thứ gì đó bên ngoài. Chúng ta luôn phải dành thời gian cầu nguyện, tìm cầu sự gia trì và sự trợ giúp từ người khác. Điều này có thể cũng đầy ý vị nhưng cũng có thể gây phiền nhiễu, bởi vì đã phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác 24 giờ một ngày. Bởi vậy, là những hành giả Kim Cương Thừa chân chính, chúng ta phải hiểu biết được tầm quan trọng của việc thụ nhận sự gia trì. Đó là giáo pháp chân chính và sự khai thị từ Thượng sư chân chính. Nhờ đó chúng ta sẽ đạt giác ngộ và đây cũng chính là cách tiếp nhận chân thực đúng đắn giúp chúng ta thụ nhận sự gia trì chân chính.
Đức Phật thuyết giảng cho đệ tử để phát triển sự hiểu biết về chân lý cứu kính
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc sáng lập Phật Pháp đã không khuyến khích chúng ta cầu nguyện Ngài để giải tỏa tất cả mọi vấn đề trong đời sống của chúng ta. Thay vào đó, Ngài khuyến khích chỉ dạy chúng ta phải có trí tuệ hiểu biết về chính cuộc đời của chúng ta, phải có được sự khai thị sâu sắc hơn về đời sống của mình, của người khác và những đời sống kế tiếp. Nói cách khác Ngài thuyết giảng cho đệ tử để phát triển sự hiểu biết về chân lý cứu kính. Đây là điều Ngài đã cổ vũ khích lệ, chúng ta không được tới và thỉnh cầu Ngài ban gia trì chỉ để giải quyết tất cả những rắc rối cho mình. Hơn thế nữa, Ngài đã khai thị một cách rõ ràng rằng, Ngài thị hiện trên cõi Sa bà không với mục đích gì khác ngoài việc khai thị hướng đạo cho chúng ta; đây là điều đã được nhắc tới rõ ràng trong kinh điển.
Vì thế, là Phật tử, đặc biệt là hành giả Kim Cương Thừa, chúng ta không nên thậm chí phụ thuộc, dựa dẫm vào ai khác như Thượng sư hay Đức Phật chỉ để thụ nhận sự gia trì hay để giải quyết những vấn đề trong đời sống thế tục. Đây là một hành động của con trẻ theo cách nhìn nhận của đạo Phật, bởi vì Đức Phật chưa từng thuyết giảng hay khuyến khích điều này. Như tôi đã nhắc tới lúc trước, với việc thấu hiểu sự khai thị hướng đạo của Đức Phật, Ngài đã khuyến khích chúng ta cải thiện phương thức sống của mình và qua đó có thể tiến dần hơn đến chân lý cứu kính - chân lý thường trụ ngay trong đời sống thế gian này. Thực sự thì Đức Phật đã khai thị thuyết giảng giáo Pháp cả thế gian và xuất thế gian, những giáo pháp giúp chúng ta tiến dần hơn đến chân lý.
Chúng ta không nên tìm cầu sự gia trì nào khác ngoài giáo pháp của Thượng sư
Trong Phật giáo Kim Cương Thừa, tầm quan trọng của việc nương tựa vào Thượng sư đôi khi được chú trọng rất nhiều vì trên bước đường thực hành, hành giả thực sự rất cần sự gia trì của Thượng sư. Điều này đúng với những hành giả nhập môn, những người chưa có bất kỳ phương thức nào khác để trước hết có thể tiếp cận được với sự gia trì. Những hành giả thuộc đối tượng này đang thực sự cần thụ nhận sự khai thị từ Thượng sư. Đó là lý do tại sao sự gia trì của Thượng sư lại được nhấn mạnh chú trọng đến như vậy.
Từ quan điểm của giáo pháp Kim Cương Thừa chân chính, sự gia trì vĩ đại nhất mà chúng ta có thể có được là Đại trí tuệ về giáo pháp và những khai thị của Thượng sư. Thật đáng tiếc nếu như vì vài lý do nào đó như rào cản ngôn ngữ mà chúng ta không thể thấu hiểu hay không thụ nhận giáo pháp và sự khai thị từ Thượng sư. Đây là thời điểm khi bạn có thể thực sự nói: “Tôi đã không thụ nhận bất kỳ sự gia trì nào.” Dù cho bạn có gọi đó là sự “gia trì” hay không thì cũng không có bất kỳ sự gia trì nào chúng ta nên tìm cầu ngoài giáo pháp của Thượng sư.
Là Phật tử, chúng ta không tin vào sự ngẫu nhiên hay vận may
Là Phật tử, chúng ta không tin vào sự ngẫu nhiên hay vận may. Bởi vậy, chúng ta không nên nói rằng mình là người “may mắn” hay “bất hạnh” và chúng ta không nên nguyện cầu cho sự may mắn của mình ngày một tăng trưởng hay lo lắng rằng vận may của chúng ta sẽ dần ít đi. Thực sự thì chẳng có bất kỳ thứ gì là “may mắn” trong chân lý cứu kính. Tất cả mọi thứ đều được tạo ra bởi một thứ khác và tất cả mọi điều được quyết định bởi những hành động xuất phát từ Thân – Khẩu – Ý của chính chúng ta, bao gồm tất cả những hành động từ những kiếp trước, những căn nguyên từ vô thủy tới tận ngày nay.
Sự gia trì có thể được thụ nhận từ một bậc Thầy đã chứng đạt Giác ngộ bản tâm của mình. Với tâm đại từ đại bi, Ngài có thể ban gia trì có giới hạn, sự gia trì mà khi chúng ta thụ nhận được giúp chúng ta thấy được mình là có vận may.
Nhưng nói đúng ra chẳng có gì gọi là may mắn cả. Chúng ta nên hiểu rằng: chúng ta đã thụ nhận được sự gia trì chính là nhờ vào sự tự tin của chính chúng ta, nó được trợ giúp bởi một bậc Thầy thành tựu, chứng ngộ được bản tâm của mình. Bởi vậy, nếu bạn có thể thụ nhận được giáo pháp chân chính từ Thượng sư chân chính thì đây chính là phương thức vĩ đại nhất, trọng yếu nhất của việc thụ nhận ân phước gia trì.
Thông qua phương thức gia trì trong hình thức giáo pháp và thông qua những hiểu biết về những khai thị giải thoát về cách thức để trưởng dưỡng cuộc đời, phương thức sống của bạn sẽ được thay đổi chuyển hóa. Điều này có nghĩa nghiệp bất thiện tiêu cực của bạn sẽ được chuyển hóa. Mặc dù nghiệp của bạn có thể rất xấu nhưng nó có thể được thay đổi chuyển hóa. Nó có thể thay đổi nhờ sự chuyển hóa trí tuệ mà bạn đã được ban bởi một Thượng sư chân chính. Tuy nhiên, trí tuệ sự hiểu biết căn bản chân thực phải được phát triển, trưởng dưỡng trong mỗi chúng ta, Thượng sư thật sự không mang lại cho chúng ta điều này, chẳng có ai có thể mang lại cho chúng ta điều này cả. Chúng ta phải thụ nhận giáo pháp thông qua sự hiểu biết của chính mình và với trí tuệ đã chứng đạt được, chúng ta có thể đạt giác ngộ cho chính mình.
Là Phật tử, chúng ta phải tin sâu vào Nghiệp
Bởi vậy là Phật tử chúng ta phải tin sâu vào Nghiệp - Luật nhân quả. “Nhân” là những điều chúng ta làm hay những điều chúng ta đã làm có thể trong đời này hay trong những đời quá khứ. Có thể thậm chí hàng vạn đời trong quá khứ chúng ta đã tạo ra đó chính là Nhân. Quả có thể chín muồi trong đời này và có thể là trong những đời vị lai. Mặc dù vậy, Quả hoàn toàn phụ thuộc vào Nhân do chính chúng ta đã tạo. Mặt khác, nghiệp cũng có thể thay đổi chuyển hóa thông qua sự gia trì của Thượng sư, có nghĩa là thông qua sự hiểu biết những khai thị chân chính, những giáo pháp chỉ dạy bằng cách nào để có thể sống một cách tỉnh giác trong đời sống thường nhật. Tất cả những khai thị này đã được chỉ dạy bởi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nếu chúng ta thực hành theo những khai thị của Thượng sư, của Đức Phật, nghiệp của chúng ta sẽ được chuyển hóa một cách tốt đẹp hơn. Nghiệp không phải là một thứ gì đó không thể thay đổi, nó có thể được thay đổi chuyển hóa rất nhanh nếu chúng ta có đủ phúc duyên thụ nhận những khai thị chân chính. Nếu bạn đã giác ngộ chân lý cứu kính thì việc phải mất nhiều hay ít thời gian để chuyển hóa nghiệp phụ thuộc vào những phẩm hạnh của bạn và những điều kiện ngoại cảnh bên ngoài. Tất cả những phương tiện để loại bỏ nghiệp xấu tích lũy nghiệp tốt, trưởng dưỡng những điều kiện bên ngoài, phát triển sự hiểu biết về phương thức sống và thụ nhận những khai thị bằng cách nào để cải thiện trưởng dưỡng đời sống thường nhật hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiển diện của Thượng sư bên ngoài, bậc thầy mang lại cho bạn những khai thị chân chính.
Trí tuệ toàn năng và tâm từ bi vô điều kiện hướng tới hết thảy chúng sinh là hai phẩm hạnh quan trọng nhất của một Thượng sư chân chính
Bởi vậy, điều trọng yếu là chúng ta phải tìm cầu một Thượng sư chân chính, người có thể mang lại cho chúng ta những khai thị chân chính một cách vô điều kiện thông qua tâm đại từ đại bi vô điều kiện và chân giác ngộ của Ngài. Điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải thấu hiểu những phẩm hạnh giác ngộ của Thượng sư. Như tôi đã nhắc tới lúc trước, những dấu hiệu của một Thượng sư chân chính cũng có thể được nhận biết thông qua những công hạnh và những hành động của các Ngài. Hầu hết những dấu hiệu này có thể được nhận biết từ bên ngoài, nhưng một số lại tiềm ẩn bên trong nên bạn không thể thấy được. Hầu hết những dấu hiệu bên ngoài mà bạn có thể nhận biết sẽ giúp bạn thấu hiểu được những phẩm hạnh của Thượng sư. Bạn có thể nhận biết những hành động bên ngoài của Thượng sư như cách các Ngài cư xử với mọi người, cách các Ngài truyền giảng, cách sống của các Ngài và cách các Ngài quan tâm tới người khác.
Bởi vậy, khi tiếp cận với bậc Thầy chúng ta phải rất tinh tế và cũng phải phát triển về mặt tâm linh để nhận biết những phẩm hạnh của các Ngài một cách kín đáo chân thật. Phẩm hạnh quan trọng nhất của một Thượng sư là tâm đại từ bi vô điều kiện. Tuy nhiên, lòng từ bi vô điều kiện chỉ có thể được trưởng dưỡng thông qua sự hiểu biết toàn hảo về chân lý cứu kính. Bởi vậy, Thượng sư chân chính không thể phát triển tâm đại từ bi vô điều kiện trừ khi các Ngài đã hoàn toàn thấu đạt chân lý cứu kính.
Trí tuệ Bát Nhã và tâm từ bi vô điều kiện hướng tới hết thảy chúng sinh là hai phẩm hạnh quan trọng nhất của một Thượng sư chân chính. Hai phẩm hạnh này phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Một Thượng sư chân chính phải là người toàn vẹn, hoàn thiện viên mãn đại trí, đại bi. Nếu một Thượng sư toàn vẹn hai phẩm hạnh này thì không nhất thiết phải lo lắng về các phẩm hạnh khác. Những phẩm hạnh khác như tướng Oai, Định, Tuệ của Thượng sư có thể làm cho chúng ta rất khó khăn lân mẫn trực tiếp với Ngài. Nhưng đó chẳng phải là vấn đề gì đáng kể cả. Vấn đề lớn nhất là hai phẩm hạnh đại trí và đại bi.
Sau khi đã tìm cầu Thượng sư bên ngoài, bạn phải nhất tâm tinh tiến theo những khai thị của các Ngài
Sau khi đã tìm cầu Thượng sư bên ngoài, bạn phải nhất tâm tinh tiến theo những khai thị của các Ngài chứ không được theo nhục thân hay vẻ bề ngoài của các Ngài. Bạn không được có những hoài nghi về việc thực hành hay việc tuân theo lời giáo huấn của các Ngài, nếu bạn khởi những nghi ngờ thì đó sẽ là một chướng ngại to lớn trên con đường tu tập. Sự tu tập sẽ không bao giờ có thể thành tựu nếu chúng ta nghi ngờ. Bởi vậy, sau khi tìm cầu được Thượng sư bên ngoài chúng ta phải nhất tâm chí thành kiên cố hướng về giáo pháp và Thượng sư.
Để có thể tuân theo những giáo huấn của Thượng sư chứ không phải nhục thân của các Ngài, chúng ta phải chí thành tập trung vào tinh hoa, tính chân chính, vào vẻ đẹp của giáo pháp. Điều này là bởi vì giáo pháp chính là thứ sẽ nâng đỡ trợ giúp cho chúng ta. Bởi vậy, bạn phải tri ân giáo pháp của Thượng sư với sự nhất tâm chí thành. Tất nhiên, sự tri ân cũng phải hướng đến nhục thân của các Ngài, bởi vì nếu không nhờ nhục thân này thì giáo pháp khẩu truyền và những khai thị, giáo huấn không thể được trao truyền. Mặc dù vậy, sự tri ân và tâm chí thành vẫn phải chủ yếu hướng tới những giáo pháp và những khai thị mà Thượng sư truyền thụ. Bởi vậy, tuân theo giáo pháp của các Ngài sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn, hơn là từ nhục thân của Ngài.
Thân, Khẩu, Ý của Thượng sư có thể được kiến giải là Thượng sư “bên ngoài”, Thượng sư “bên trong” và Thượng sư “ẩn tàng.” Thượng sư bên trong là trí tuệ hiểu biết của chúng ta. Nói chung đó chính là sự hiểu biết của chúng ta về những khai thị giáo huấn của Thượng sư, thông qua đó chúng ta dần thấu hiểu được đời sống của mình; về đời sống chân thật mà chúng ta đang trải nghiệm hàng ngày bao gồm tất cả những việc như đi lại, chuyện trò, làm việc, ăn uống…. Chúng ta đang trải nghiệm những điều này trong cuộc sống của mình nhưng hiện thời chúng ta chưa thực sự biết đời sống là gì, chúng ta còn rất vô minh.
Tuy nhiên, Thượng sư bên trong sẽ có thể giúp chúng ta có được trí tuệ hiểu biết đầy đủ về đời sống. Nói cách khác, Thượng sư bên trong thực ra là một hình thức của trí tuệ hiểu biết về đời sống. Sự hiểu biết đó được kết nối trực tiếp với Khẩu giác ngộ của Thượng sư, ví dụ như giáo pháp của Ngài. Mặc dù, Thân của Thượng sư hiển diện ở đó nhưng chính Khẩu giác ngộ của Thượng sư mới kết nối một cách sâu sắc với trí tuệ hiểu biết này. Bởi vậy, Khẩu của Thượng sư ít hay nhiều chính là Thượng sư bên trong, hay đó chính là phẩm hạnh kết nối với trí tuệ sâu sắc trong mỗi chúng ta. Thông qua sự hiểu biết này, trí tuệ chân chính sẽ được phát triển, trí tuệ chân chính cũng chính là sự chứng ngộ của Thượng sư, đó cũng chính là phẩm hạnh dần được thấu hiểu và chứng ngộ trong chính chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ thấu đạt Thượng sư trong chính mình, đây là Thượng sư chân chính - Thượng sư ẩn tàng.
Tiếp cận tâm của Thượng sư quan trọng hơn nhiều nhục thân của Ngài
Sự phát triển và phẩm hạnh của tâm khiến một người trở thành một bậc Thầy chứ không phải hình tướng bên ngoài của Ngài, bởi thân bên ngoài chỉ giống như một tòa nhà hay một cấu trúc không có sự sống. Thượng sư chân chính là tâm giác ngộ và các phẩm hạnh giác ngộ, đó là sự sống chân thực. Vì sự chứng ngộ là một phẩm hạnh ẩn tàng nên nó không dễ có thể nhận biết được, đó là lý do tại sao sự chứng ngộ được coi là Thượng sư “ẩn tàng.” Và vì phẩm hạnh này ẩn tàng nên đôi khi chúng ta gọi là Thượng sư “Bí mật.”
Đôi khi chúng ta không nên quá bận tâm tới nhục thân của Thượng sư. Tiếp cận tâm của Thượng sư quan trọng hơn nhiều so với nhục thân của Ngài. Hình dáng bên ngoài của Thượng sư cũng rất quan trọng chủ yếu để thụ nhận giáo pháp và chúng ta cần những giáo pháp của Thượng sư, khi chúng ta thật sự khao khát mong cầu có được sự chứng ngộ như các Ngài. Tuy nhiên, sự chứng ngộ của Thượng sư không thể được truyền trao tới bạn giống như đưa một quả táo. Chân lý cứu kính phải được chứng ngộ trong chính bạn. Đây chính là cách thức mà bạn phải có để có cái nhìn đúng đắn về Thượng sư. Bởi vậy, trí tuệ của Thượng sư là phẩm hạnh mà chúng ta thực sự phải tri ân một cách sâu sắc tuyệt đối.
Thật đáng buồn ngày nay nhiều Phật tử mới bước vào đạo Phật thường đàm luận về dáng vẻ bề ngoài của Thượng sư. Thượng sư cao bao nhiêu, Thượng sư già hay trẻ, hình dáng Thượng sư có đẹp đẽ hay không, Ngài được giáo dục như thế nào… Với nhiều người thì họ lại rất coi trọng những vấn đề này nhưng nó thật sự chẳng có ý nghĩa gì cả. Thái độ này là một trở ngại vô cùng to lớn trong sự tu tập của chúng ta và đó không đáng là vấn đề để chúng ta bận tâm.
Nếu chúng ta muốn đàm luận về Thượng sư, chúng ta nên đàm luận về các Ngài từ bi như thế nào, các Ngài đã chứng ngộ ra sao, một Thượng sư có bao nhiêu người thầy của mình, Thượng sư đã nhập thất trong bao năm, Thượng sư đã nâng đỡ trợ giúp cho bao nhiêu người, Thượng sư đã tái sinh trong bao nhiêu đời. Đây là những vấn đề chúng ta nên đàm luận hơn là chỉ nói về việc Thượng sư cao như thế nào, Ngài có đẹp hay không, Ngài già hay trẻ, Ngài có bao nhiêu đệ tử, bao nhiêu trung tâm, tự viện của Ngài có lớn hay không, các Ngài có bao nhiêu ô tô, bao nhiêu thị giả, mức độ tôn kính của mọi người tới Thượng sư là bao nhiêu… Tất cả những điều này là hoàn toàn vô nghĩa và không được coi là phẩm hạnh và tiêu chuẩn của một Thượng sư chân chính.
Nếu không biết phương cách đúng đắn để tìm cầu Thượng sư, chắc chắn chúng ta sẽ bị xem là một người đệ tử không đủ phẩm hạnh chân chính
Từ góc độ của Kim Cương Thừa, nếu không biết phương cách đúng đắn để tìm cầu Thượng sư, chắc chắn chúng ta sẽ bị xem là một người đệ tử không đủ phẩm hạnh chân chính. Chúng ta đừng phải bối rối băn khoăn gì cả, chúng ta chỉ cần kiểm tra, suy xét chính bản thân mình về phương cách chúng ta tìm cầu Thượng sư. Nếu chúng ta biết bằng cách nào để có được sự nhìn nhận đúng đắn thì có nghĩa là chúng ta đã đủ phẩm hạnh. Bởi vậy, nếu muốn là một đệ tử chân chính của Kim Cương Thừa, bạn phải biết nhìn vào tâm và vào sự chứng ngộ của Thượng sư chứ không thể vào thân thể và lời thuyết Pháp của Ngài.
Chúng ta phải rất nghiêm cẩn và rất tinh xảo suy xét tường tận về tâm và sự chứng ngộ của Thượng sư
Hầu hết mọi người thường có xu hướng đàm luận về thân thể vật lý của Thượng sư đặc biệt là cách thức Ngài thuyết giảng. Nếu Thượng sư thuyết một bài pháp hay thì Ngài được coi là bậc “Thượng sư phi thường.” Tuy nhiên, đây không phải là cách đúng đắn để khẳng định Thượng sư có phải là chân chính hay không, bởi vì ai cũng có thể là một người thuyết giảng tốt. Họ có thể thuyết giảng hay nhưng lại rất tồi về nội tâm. Bởi vậy, chúng ta phải rất nghiêm cẩn và rất tinh xảo suy xét tường tận về tâm và sự chứng ngộ Thượng sư.
Bây giờ chúng ta sẽ bàn luận về “Căn bản Thượng sư.” Nhiều người thường hỏi tôi: “Căn bản Thượng sư” là gì? Xin Ngài có thể là Căn bản Thượng sư của con được không? Con có thể là đệ tử căn bản của Ngài được không?” Những điều này thật khôi hài nhưng mặc dù vậy cũng là những câu hỏi rất thú vị. Một Căn bản Thượng sư sẽ tự nhiên trở thành “căn bản” ngay khi bạn tiến tới mức độ chứng ngộ. Bất kỳ ai khai thị cho bạn chứng ngộ bản tâm thì đó là Căn bản Thượng sư, nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự tinh tiến, mức độ của tâm chí thành và khả năng thiền định của bạn.
Tới khi đó, tôi cho rằng chúng ta sẽ không cần thiết phải vội vã biết ai là Căn bản Thượng sư, ai không phải là Căn bản Thượng sư. Sẽ chẳng có nhiều để bàn về Căn bản Thượng sư khi các bạn mới chỉ ở cấp độ ban đầu khi còn quá sớm để đàm luận vấn đề đó. Dẫu sao đi nữa, tôi chưa từng nghe một điều gì tương tự như khái niệm căn bản đệ tử, bởi vậy tôi không thể chia sẻ với các bạn do không biết chút gì về vấn đề này.
(Nguồn: “The Prayer Which Calls The Lama From Afar”, Nhà Xuất bản Quốc tế Drukpa)
[1] Viên mãn : Trọn vẹn, đầy đủ
[2] Khai thị: sự hướng đạo, chỉ dẫn