Lịch Sử Của Bản Dịch Này

18 Tháng Mười 201000:00(Xem: 15837)

Lịch Sử Của Bản Dịch Này 

Người dân Tây Tạng đã giữ gìn nguyên vẹn tất cả mọi khiá cạnh của Phật Giáo Ấn Độ từ thế kỷ thứ tám tới thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên, đây không chỉ là sự bảo tồn các kho tàng linh hiển một cách khô cứng. Phật Giáo là mối quan tâm chính yếu của những tâm thức siêu việt nhất của Tây Tạng trong nhiều thế kỷ, sản sinh một nền văn học phi thường có tính chất triết học, thi ca, kinh viện, tạo bao nguồn cảm hứng, cũng như đã sản sinh ra một di sản kiến trúc đặc biệt, mỹ thuật và tráng lệ. Nhưng hơn tất cả, người Tây Tạng đã vận dụng giáo lý Đạo Phật cho mục đích chân thực, như một khí cụ để chuyển hoá tâm thức con người, và hàng ngàn hành giả, trong số đó có những vị thầy danh tiếng, cùng với những hành giả du già vô danh, đều đã thành tựu mục đích cuối cùng của họ [nghiã là đạt được giải thoát]. 

Ta có thể cho rằng những gì vinh quang vĩ đại nhất của Tây Tạng đã thuộc về quá khứ xa xăm, và những thế kỷ sau này là biểu hiện của một thời kỳ suy tàn. Nhưng hoàn toàn không phải là như thế. Trên thực tế, mỗi một thế kỷ (kể cả thế kỷ hiện tại) và mỗi một thế hệ đã góp phần đào tạo những bậc hành giả tâm linh phi thường. Ví dụ như thế kỷ mười chín đã đem đến một hình thức hồi sinh đặc biệt. Patrul Rinpoche là một thành viên trong phong trào rimé hay bất-bộ-phái (non¬sectarian), được Ngài Jamyang Khyentse Wangpo, Jamgon Kongtrul và những vị khác đồng khởi xướng, nỗ lực phá vỡ những chướng ngại được dựng lên giữa những trường phái Phật Giáo bằng cách nghiên cứu và giảng dạy tất cả những trường phái này một cách bình đẳng không phân biệt. Tinh thần này vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay, điển hình là Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Ngài Dilgo Khyentse quá cố, là bậc Hoá Thân của Ngài Jamyang Khyentse Wangpo. 

Giống như Patrul Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche xuất thân từ miền đông Tây Tạng. Ngài trải qua hai mươi năm của đời mình trong thiền thất, thường là trong những điều kiện tột cùng giản dị. Ngài đã học tập với vô số những vị Đạo Sư, thậm chí khi còn trẻ Ngài đã gặp cả một vài vị trong số những đệ tử của chính Patrul Rinpoche. Ngài đã phải đương đầu với sự hủy diệt tàn bạo ở Tây Tạng trong thập niên năm mươi và sáu mươi của thế kỷ hai mươi này bằng cách làm việc cật lực không mệt mỏi để truy tìm, giữ gìn và in lại những văn bản bị thất lạc, thiết lập những cộng đồng tu viện lưu vong, và trên hết là giảng dạy và tạo nguồn cảm hứng cho những thế hệ mới. Ngài coi Patrul Rinpoche như tấm gương toàn bích của một hành giả Đại Viên Mãn (Dzogchen), và đã khuyến khích, trợ giúp cho các dịch giả của cuốn sách này, là tác phẩm mà Ngài coi là người dẫn đường tuyệt hảo cho các đệ tử đang bước đi trên con đường Phật Đạo. 

Bản dịch của chúng tôi xuất phát trực tiếp từ bên trong truyền thống này. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì bản dịch này có một dòng truyền thừa riêng. Dudjom Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kangyur Rinpoche, Nyoshul Rinpoche, và những vị lạt ma khác đã giảng dạy cho chúng tôi toàn bộ văn bản này qua hình thức khẩu truyền – và trong suốt quá trình dịch thuật, đã ban cho chúng tôi những chỉ dạy về những điểm khó hiểu trong quyển sách. Đây là những bậc trì giữ đã chứng ngộ Giáo Pháp của Patrul Rinpoche. 

Mặc dù việc trung thành với những từ ngữ chính xác của nguyên tác đáng được hưởng một sự kính trọng nào đó trong các hệ thống giảng dạy của Tây Tạng, nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng những bản dịch như thế thường làm cho các ý niệm hoàn toàn sáng sủa và hợp lý trong tiếng Tây Tạng dường như trở nên tối tăm và thậm chí kỳ quái một cách không cần thiết trong Anh ngữ. Đặc biệt là đối với quyển sách này, một phương pháp chuyển dịch như thế không bao giờ có thể làm sống dậy văn phong địa phương và tánh hài hước sống động phi thường của nguyên tác. Vì thế mặc dù chúng tôi cố gắng nhất quán những thuật ngữ trong bản dịch, nhưng chúng tôi đã nhắm tới việc phản ảnh lại không chỉ từ ngữ, mà còn phản ảnh cả không khí và văn phong (của nguyên tác) bằng cách diễn dịch mọi ý niệm bằng một thứ Anh ngữ tự nhiên, càng gần ngôn ngữ Tây Tạng càng tốt nhưng không phải trả cái giá là đánh mất đi sự trong sáng và trôi chảy của toàn thể bản dịch. 

Những giải thích ngắn gọn mà chúng tôi cảm thấy có thể mang lại lợi ích cho nhiều độc giả sẽ xuất hiện như các chú thích ở cuối trang (footnotes). Cũng có một số lớn chú thích ở cuối sách (endnotes) nhưng không nhất thiết là tất cả những chú thích này đều được hầu hết độc giả quan tâm đến. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy cần phải có bởi vì những chú thích này (endnotes) chứa đựng những bình giảng rất tuyệt vời từ những ghi chép của các vị đệ tử của Patrul Rinpoche, cùng với những diễn giảng về các điểm khó hiểu hơn đã được Dilgo Khyentse Rinpoche và những vị Thầy khác ban cho. Những chú thích này sẽ giúp độc giả tránh được một vài ngộ nhận thông thường về những quan điểm của Phật Giáo; và đối với các Phật tử hành giả trước đây đã có một ít hiểu biết về những quan điểm này thì những lời bình giảng này sẽ đem lại một kích thước khai phá phi thường cho quyển sách. 


Patrul Rinpoche (1808 – 1887) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9234)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 18166)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12157)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15593)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.