Tựa

08 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 11746)

Đỗ Đình Đồng Góp Nhặt
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung

TỰA

 

Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa kỳ.

Trong khi dạo, thấy hoa lá cây cỏ cát đá núi sông biển cả hư không đất liền người vật... đều để mắt ngắm nhìn. Có lúc ngắm lâu, có khi đến mười, hai mươi, ba mươi năm...một hạt cát, một lá cây, một cọng cỏ, một giọt sương, một phiến đá..., có lúc chỉ thoáng nhìn giây lát. Nhưng dù ngắm lâu hay chỉ thoáng nhìn, tất cả lưu ảnh đều rơi vào cái túi vô hình không đáy của người góp nhặt. Một khi đã vào túi không đáy rồi, mỗi mỗi đều rơi chỗ ấy, không rơi chỗ khác; và tất cả đèu là chân thật bất hư. Cứ như thế đã mấy chục năm qua. Gần đây, bỗng nhiên hứng khởi, liền dùng mắt lửa tròng vàng của Tôn Hành Giả làm cho người vật trong túi kia hiện ra chốc lát để người cùng sở thích liếc mắt xem qua, tùy duyên lựa ngắm. Sau khi ngắm qua, ảnh có lưu lại hay không là tùy người ngắm.

Nếu có người hỏi:

- Người vật hoa lá trong các vườn ấy là giống hay là khác? Mỗi vườn có đặc điểm gì?

 Xin đáp rằng:

- Giống thì chẳng giống, khác cûng chẳng khác. Trái chín ở vườn Tàu, cây phát triển ở vườn Nhật, hạt nảy mầm ở vườn Mỹ. Vườn Tàu và vườn Việt là vườn thiên đàng, có Tam Tạng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng...sinh hoạt. Vườn Nhật là vườn địa đàng, có thêm ông A-đam, bà E-và, con rắn và quả táo...hành tác. Vườn Mỹ lại có thêm máy điện tử cạnh tranh.

- Tôi nghe nói có các Thiền sư làm chủ vườn. Họ đâu cả rồi?

- Tịch cả rồi!

- Sao lại tịch hết? Tịch hồi nào ?

- Khi anh bắt đầu hỏi, họ liền tịch.

- ? ? ? !

- Đừng lo. Khi nào hoa vườn nhà anh tự nở, tất cả sẽ sống lại.

Lại hỏi: 

-Hình ảnh từ trong túi không đáy của anh do mắt lửa tròng vàng hiện ra có thật không?

-Ảnh chỉ giống hình, chẳng phải vật thật. Mỗi ảnh chỉ cho thấy một khía cạnh, chẳng phải toàn thể, chẳng phải vật thật. Muốn được vật thật, hãy trở lại vườn nhà mình, nhìn vào trong, không để gián đọan, đến kỳ hoa vườn nhà mình sẽ tự nở ra, liền là hoa thật, chẳng có chi khác với hoa xưa trong các vườn kia.

- Anh nói nhìn vào trong là nhìn như thế nào?

- Hãy nhìn như người đàn bà trong câu chuyện sau đây:

 Một hôm, một nguời đàn bà, tên gì không ai biết, đến nghe Bạch Ẩn thuyết pháp. Trong bài pháp, có đoạn sư nói, “Tịnh tâm Tịnh độ, Phật ở nơi mình: một khi Phật hiện, mọi vật trên thế gian liền chiếu hào quang. Nếu ai muốn thấy được như thế, hãy quay vào tâm mình, nhất tâm tìm kiếm.”

 “Vì là Tịnh tâm Tịnh độ, làm sao Tịnh độ được trang nghiêm? Vì là Phật ở nơi mình, Phật có tuớng tốt gì?”

Nghe vậy, người đàn bà suy nghĩ, “Cái đó có khó gì lắm đâu.” Trở về nhà, bà nhìn vào đó ngày đêm, mang nó trong lòng, dù thức hay ngủ. Rồi một hôm, trong lúc đang rửa nồi, bỗng nhiên bà thông suốt.

Ném cái nồi sang một bên, đến gặp Bạch Ẩn, bà nói: “Tôi đã qua đến ông Phật trong chính thân tôi đây. Mọi vật đều chiếu sáng. Kỳ diệu quá! Thật là kỳ diệu!” Bà sung sướng nhảy múa vì vui.

Bạch Ẩn nói, “Đó là bà nói, còn cái hầm chứa phân thì thế nào?”

Bà liền bước lên tát Bạch Ẩn một cái, nói, “Cái lão này chưa thông rồi.”

Bạch Ẩn cười rống lên. 

(Dạo Bước Vườn Thiền, trg. 25)

Rồi nếu có ai hỏi:

- Thế nào là Thiền?

Xin đáp rằng:

- Đi đường thấy đèn đỏ, chớ vượt qua.

- Cái đó ai chẳng biết.

- Biết mà vẫn phạm.

Xin thêm một lời. Đa số các câu chuyện trong túi không đáy vốn không có tên, nhưng khi quí vị đọc liền thấy mỗi mỗi đều có tên, ấy là do người góp nhặt thêm vào cho tiện gọi. Thường là lấy từ trong câu chuyện ra. Các tài liệu dùng lấy ảnh, phần lớn bằng tiếng Anh, phần nhỏ là tiếng Việt, chút ít là chữ Hán. Cuối mỗi chuyện có ghi xuất xứ, và cuối sách có thư mục.

Sách này phát xuất từ Sa Thạch Tập (Shaseki-shu) của Thiền sư Vô Trụ (Muju), người Nhật sống vào thế kỷ mười ba. Vào năm 1971, người góp nhặt đã dịch sách này lần đầu tiên, lấy tên là Góp Nhặt Cát Đá, do nhà Lá Bối ấn hành tại Sài Gòn. Rồi từ khi nhiều đồng bào rời quê hương đi khắp ta bà thế giới, đến đâu có điều kiện, họ liền cho in lại để đọc. Nay trước khi làm ấn bản điện tử (e-book), thấy có đôi chỗ sai, liền dịch lại toàn bộ, sửa chỗ sai, bỏ cũ một phần, thêm mới bội phần. Tinh thần vẫn vậy nhưng nội dung thay đổi nhiều, nên không tiện giữ tên của Thiền sư Vô Trụ nữa và tên sách cũng thay đổi, mong độc giả lượng thứ và vui lòng chỉ cho những chỗ sai lạc để có thể sửa lại khi có dịp. Xin đa tạ.

Frederick, 20 Tháng 03 Năm 1999

Đỗ Đình Đồng


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2016(Xem: 7034)
Nếu bạn hỏi tôi giải thích cái mà bạn gọi là đốn ngộ (satori-événement) và bảo tôi lý giải giữa hằng giác (satori-état) và đốn ngộ, tôi sẽ nói rằng: “Mỗi người chúng ta, không có trường hợp ngoại lệ - mọi chúng sanh và ngay cả mọi loài hữu tình – đều ở trong hằng giác.
11 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6782)
Thiền là gì? Để trả lời câu hỏi này, ngôn từ không phải bao giờ cũng cần thiết hay hoàn toàn thích đáng. Người ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách giơ ngón tay lên hay đập nắm tay xuống bàn hay chỉ bằng cách cứ im lặng. Đây là những câu đáp không lời cho câu hỏi “Thiền là gì?”, đây là biểu lộ chân thực của những gì trú ẩn sâu kín vượt ngoài ngôn từ và sự phân tích có tính cách lý trí.
29 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5872)
Trong thế giới vật lý, ngọc quý là vật do thiên nhiên tạo hóa, hiếm có, và vì thế có giá trị ở mặt đồng tiền, thẩm mỹ và quý hiếm. Song, những việc thuộc thế giới vật lý dù có giá trị đến đâu cũng có giới hạng của chúng ở trong vòng tương đối.
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7460)
Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết hay một quan niệm thuộc về tri thức. Thiền cũng không phải là nền triết học với những hệ thống luận lý mang tính chủ quan của vỏ não; cũng không phải là ngành khoa học với những cơ cấu lập trình và máy móc phức tạp.
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7989)
Đại sư Lục tổ Huệ Năng là một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sử tích của ngài mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyển kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, nhưng những mẫu truyện huyền hoặc về cuμc đời ngài thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.
08 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6823)
Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản. Hara ở ven Vịnh, nhìn ra Thái Bình Dương, gần núi Phú Sĩ.
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7337)
Phải chăng trường đời là nơi tranh danh đoạt lợi, hay chính là do mầm tham ái ở tại lòng mình mới là động cơ sinh ra mọi sự? Chính cái tình thức của ta bị chia chẻ manh mún bởi sự lộng hành vô độ của dục ái, đã đẩy đưa ta lang thang từ vạn kiếp luân hồi với bao khổ lụy bi ai.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 10001)
Khi tập ngồi thiền, ban đầu cần phải sổ tức (đếm hơi thở). Thời gian sau thuần thục rồi đến tùy tức, sau đó tri vọng, biết là chơn tâm… Cá nhân quý thầy kinh nghiệm, sổ tức là một pháp quán căn bản rất cần thiết cho một người bắt đầu tập ngồi thiền.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 10095)
Lối vào đạo thì nhiều, nhưng đường vào thiền thì không cửa, miễn sao nhận ra và sống về tự tánh vốn tự sáng tịnh nơi chính mình thì khế hợp thiền. Bởi nhắm thẳng tự tánh mà không câu nệ kẹt trên phương tiện, nên thiền tuy có phương pháp mà không thành phương một phương pháp cố định.