Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (17)

03 Tháng Mười 201509:51(Xem: 7737)

blank

    

34- Ngày thứ 34 đến ngày thứ 45

(Từ ngày 20/7 đến ngày 01/8 do chư tăng có việc quan trọng phải đi Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Nội – lúc 2,3 ngày lúc 4,5 ngày nên chương trình bị gián đoạn. Mỗi buổi tối vẫn có hành thiền nhưng không có pháp thoại)

46- Ngày thứ 46 (Bài thứ 17)

- Tối ngày 02/8 ÂL

minh-duc-trieu-tam-anh-5Chúng ta bị gián đoạn trong một thời gian dài. Nghĩ cũng lạ! Pháp quả thật là thường xẩy ra “bất như ý”. Khi chúng ta “lập trình” cái gì theo “tư ý” thì pháp nó xen vào nó phá. Tư ý là ý kiến riêng tư, chủ quan, phù hợp với tình cảm và nhận thức của mình. Và đấy là có sự hiện diện của bản ngã, nói đúng hơn là do bản ngã điều động. Đây là bài học thứ nhất để giác ngộ: Cái gì muốn làm theo ý mình, theo bản ngã thì “bất như ý, bất toại nguyện” sẽ phát sanh, dù là thiện pháp.

(Bài viết lại)

Sống ở đời, ai cũng muốn theo ý mình, cái gì hợp với sở thích của mình, mình mới ưa. Chúng ta thích ăn ngon, không thích ăn dở. Chúng ta muốn cái tốt, không muốn cái xấu. Ví dụ vậy. Ngon nhưng mà ngon theo kiểu của mình chứ không phải ngon theo kiểu của người khác, dở cũng vậy. Tốt là tốt theo quan điểm của mình và xấu cũng vậy. Nói rộng chút nữa là “tám ngọn gió đời” như đã nói hôm trước: Chỉ thích được lợi, không thích mất lợi; chỉ thích được danh thơm, nhưng tiếng xấu thì không chịu nổi; chỉ thích được tán dương, khen ngợi, nhưng khi bị chỉ trích, chê bai thì ỉu xìu mặt ra; chỉ muốn hạnh phúc và không chịu đựng được đau khổ. Và khái quát toàn bộ thế gian: Chỉ muốn thăng không muốn trầm, muốn tụ không muốn tan, muốn thành không muốn hoại, muốn hợp không muốn ly...

Thực tại là lưỡng nguyên, cuộc đời luôn có hai mặt. Dĩ nhiên ai cũng thích mặt tốt không thích mặt xấu. Khi lựa chọn cũng vậy, chúng ta làm điều lành tốt thì quả báu sẽ hạnh phúc, an vui. Điều ấy là dĩ nhiên. Tuy nhiên khi bàn về giác ngộ thì ta phải giác ngộ cả hai mặt. Phải giác ngộ cả hai mặt mới nói đến giải thoát; nếu không, dù ta làm việc lành tốt cao thượng thế nào, phước báu sang cả thế nào thì đau khổ vẫn còn nguyên đấy!

Chuyện dễ hiểu thôi!

- Có người làm ăn thuận lợi, hanh thông, thành đạt, ông ta thoả nguyện, sung sướng, hạnh phúc. Nhưng đùng một cái, công việc làm ăn không còn thuận lợi nữa, bị cản trở, chướng ngại và coi chừng vỡ nợ tới nơi. Thế là ông ta đau khổ, than trời, trách đất.

Đây là trường hợp quen được lợi, quen hanh thông, quen thành đạt... nhưng chưa học được mặt kia: Mất lợi, bế tắc, thất bại.

- Gia đình người kia đang đầm ấm, an vui; tuy nhiên sau cuộc cãi vã giữa chồng và vợ; sau đó là ly dị; gia đình lìa tan, con cái bơ vơ... và rồi ai cũng đau khổ, thống khổ cả.

Đây là trường hợp quen an vui, sum họp... mà chưa học được mặt trái lại: Không còn an vui, ly tan, chia lìa...

- Người kia thông minh tài trí, làm việc gì cũng thành công, mọi người thường tán thán, khen ngợi, và luôn được mọi người tán thán, ca ngợi. Hôm kia, có người lại chỉ trích, chê bai! Chắc chắn lỗ tai của ông ta quen với những lời khen tặng, bây giờ bị chê bai chắc anh ta sẽ nổi cáu, nổi khùng, đau khổ.

Đây là trường hợp chưa học bài bị chỉ trích, chê bai.

Khái quát như vậy, để biết rằng, chúng ta phải học cả mặt xấu, giác ngộ cả mặt xấu, giải thoát, rỗng rang cả mặt xấu khi ấy mới nói đến chuyện giải thoát đau khổ được. Có thể có 3 trường hợp:

- Tu tập định giác chi - để tự tại, vô ngại trước những thăng trầm, được mất, khen chê của cuộc đời.

- Có thể tu tập tâm nhẫn, tâm xả hay tâm từ. Trường hợp đức Phật là nhẫn nại: “ Như thớt voi giữa trận tiền. Giữa bao hòn đạn, lằn tên sá gì. Như Lai chịu đựng ác tri. Nhẫn nại ác giới, mê si lòng người”.

- Tu tập tuệ minh sát, lắng nghe như thực cả tham sân, cả không tham, không sân, cả thiện, cả ác... để thấy bản chất của chúng là vô thường, vô ngã.

Đến đây thầy chợt nhớ đến mấy câu chuyện:

hoa thuong ho nhan1- Chuyện ngài Hộ Nhẫn, tăng trưởng giáo hội PGNT Việt Nam. Ngài đang đi trì bình khất thực thì bị chiếc xe Honda của chàng thanh niên tông, ngài té xuống mặt đường, đầu bị va đập trúng sọ não. Máu chảy lênh láng. Tuy nhiên, ngài đã nói nhanh với chàng thanh niên: “Đi đi con! Con đi đi! Không có chi mô!” Ý của ngài là muốn chàng thanh niên tránh đi, kẻo chư tăng và Phật tử sẽ đến “hỏi tội”. Chuyện sau đó, ngài nằm nghiêng theo thế đức Phật Niết-bàn, mỉm cười rồi ra đi một cách nhẹ nhàng, thư thái.

Trường hợp của ngài có thể có tuệ minh sát, lắng nghe cơn đau. Sau đó, khởi tâm từ đến chàng thanh niên, không một hạt bụi đau khổ, bất bình len được vào tâm ngài.

Trước đó nữa, ngài đang trì bình thì bị chiếc xe xích lô tông rồi té ngửa giữa mặt đường. Ngài cũng đủ tỉnh trí vài ba giây, bảo ông xích lô đi đi, sau đó bất tỉnh. Ngài tỉnh lại trong bệnh viện, một số bác sĩ đang săn sóc ngài. Đầu bị quấn băng và họ đang chuẩn bị tiêm thuốc, nhưng ngài ngồi dậy, mỉm cười lấy bát và ôm bát lên chùa. Các bác sĩ can ngăn, nói áp huyết của ngài đang tụt xuống 7, nguy hiểm lắm, nhưng ngài nói: “Không can chi mô, tôi đi bộ lên chùa được”. Thế là ngài đi, không ai cản nổi. Sáng hôm sau lại thấy ngài trì nình khất thực bình thường trên các ngã đường!

hoa thuong ho tong2- Chuyện ngài Hộ Tông, Tăng thống giáo hội Tăng-già NTVN.

Cuối năm 1939 ông Giảng (tên ngài thuở ngài còn là cư sĩ) do đau nặng phải vào nằm bệnh viện trung ương ở Phnôm-Pênh để cho bác sĩ khám xét toàn bộ cơ thể. Cô Diệu (con gái của ngài) nuôi bệnh, thường hay lo lắng hỏi han, ba đau ở chỗ nào, đau ở chỗ nào...

Ông Giảng mỉm cười:

- Thú vị lắm con ạ!

Cô Diệu “xì” một tiếng:

- Đau mà ba bảo là thú vị!

- Chớ sao! Ông nheo nheo mắt. Mỗi lần trái tim nó giật, nó thốn thốn, nó nhức nhức... ba nhìn nó rồi ba bảo với nó: À, này ông bạn! Ông bạn làm cái gì mà thốn thốn, nhức nhức hoài dzậy? Thôi, ở đó chút rồi ra ngoài kia mà chơi, tui không mời ngồi, đón tiếp trà nước đâu nghen!

Cô Diệu chợt reo lên:

- Hay! Và rồi thế là cái thốn, cái nhức ấy nó đi chỗ khác chơi hả ba?

- Ban đầu thì nó cứng đầu, cứ muốn ở lì mãi đó; sau, ba phải nói kiểu khác. Ba nói: Thôi, thế này nhé! Đau nhức gì đó là việc của ông bạn, còn tôi, tôi còn có việc của tôi! Việc của tôi là đọc kinh sách, hành thiền - xin đừng làm rộn nhau nghen!

Cô Diệu cười:

- Con biết! Con biết ba hành minh sát tuệ mà ba nói nhẹ nhàng, têu tếu rất vui!

- Con khá lắm! Ông Giảng bèn khen - Người có thường trực tuệ quán, họ còn giỏi hơn ba ở chỗ, “họ có thể tách rời cái đau nhức ra ngoài như không liên hệ gì với họ hết”. Ba đang tập như vậy đó con!

Cô Diệu mở tròn mắt:

- Cái đau nhức ấy không liên hệ?

- Phải! Không liên hệ gì hết! Ông Giảng gật đầu - Cảm thọ ấy là vô thường, vô ngã; tự chúng là vô thường, vô ngã chớ có “cái ta, cái tôi” nào ở đấy đâu con!

- Dzậy con hiểu rồi!

- Nếu “hiểu” thì chưa tới!

- Dzậy thì sao mới “tới” hả ba?

- Phải “thấy” mới tới! Cái thấy của tuệ giác mới ngon lành! Hãy chiêm nghiệm như dzậy!

Hai cha con thật là tâm đầu ý hợp, họ nói chuyện với nhau rất vui, chẳng thấy đau yếu, bệnh tật gì cả.

Chính bác sĩ và y tá lui tới, vào ra, họ vô cùng ngạc nhiên vì thấy sắc mặt bệnh nhân của mình khi nào cũng trầm tĩnh, thư thái, không đọc kinh sách, viết cái gì đó thì hành thiền. Một không khí mát mẻ, bình yên như phủ trùm cả không gian.

Ông thân và bạn bè lui tới thăm viếng cũng đều cảm nhận tương tợ. Một vài người nói nhỏ với nhau, nếu không đắc quả thánh thì A-cha Giảng cũng thọ hưởng sự an lạc của định thiền thâm sâu mới được như vậy.

Để kết luận, thầy muốn nói rằng, chỉ có tuệ minh sát, thấy rõ như thực tánh của tâm và pháp, chúng vốn vô thường vô ngã mới chấm dứt trọn vẹn tham sân phiền não và khổ đau. 

MỤC LỤC


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười 2015(Xem: 8131)
Có người hỏi thầy về “sắc và không” trong câu thơ: “Cuộc đời sắc sắc không không. Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau!” rồi tiếp rằng, sắc và không ấy có phải là “sắc, không” trong Bát-nhã tâm kinh chăng?
07 Tháng Mười 2015(Xem: 8489)
Vì công việc cấp tập xây dựng chùa, các sư, chúng điệu quá vất vả nên thay vì hai hay ba pháp thoại, tập thiền, bây giờ chúng ta chỉ còn một. Vậy mỗi người hãy cố gắng lắng nghe, đôi khi là tinh yếu giáo pháp, đôi khi là những trạng thái phát sanh liên hệ lúc tập thiền để sự tu tập của mọi người có kết quả tốt hơn.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 12438)
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong lời dạy của Ngài Thiền sư Ajahn Chah chính là nhấn mạnh đến vai trò Tăng đoàn, giới luật người xuất gia, và vận dụng đó như một phương tiện trong thực tập giáo pháp.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 4378)
Hãy nghe ĐỨC PHẬT định nghĩa về thiền : « Ở đây nầy các Tỳ Kheo, vị tỳ kheo đi đến khu rừng dưới một gốc cây hay đi đến chỗ nhà trống và ngồi kiết già lưng thẳng, vị tỳ kheo an trú trong nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm và quán Thân trên thân, quán Thọ trên các cảm thọ, quán Tâm trên tâm, quán Pháp trên pháp » t
05 Tháng Mười 2015(Xem: 8820)
Người học Phật chơn chánh không nên đi vào các thuật luyện Yoga, nó chỉ là phương pháp luyện thân thôi, thân càng tinh luyện thì càng tăng trưởng dục vọng, chẳng hay ho gì! Mở luân xa cũng vậy, đều là của ngoại đạo.Thuật Kundalini cũng thế, là bí thuật cổ xưa của Bà-la-môn giáo, rất nguy hiểm, là của tà giáo đó!
03 Tháng Mười 2015(Xem: 8175)
Giác ngộ có nghĩa là thấy rõ ràng, sáng suốt, không còn mê si, ngu ngốc để làm chuyện điên đảo, sai lầm nữa; cũng có nghĩa là không còn để cho vô minh chi phối nữa. Giác ngộ ấy đi liền với giải thoát nên nói giác ngộ, giải thoát. Giải thoát là giải thoát tham sân si, phiền não ngay tại đây và bây giờ.
02 Tháng Mười 2015(Xem: 9065)
Dưới đây là một bài giảng ngắn của nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu (1940- ), tu tập theo truyền thống "Tu Trong Rừng" của Phật giáo Theravada, về việc chữa trị bệnh tật trong tâm thần cũng như trên thân xác nhờ vào phép thiền định về hơi thở. Tuy là một bài giảng ngắn, thế nhưng việc mô tả phép thiền định này thật hết sức chi tiết và rõ ràng mà mọi người đều có thể mang ra để luyện tập. Độc giả có thể tìm đọc bản gốc tiếng Anh của bài này trên mạng của nhà sư Thanissaro:
01 Tháng Mười 2015(Xem: 6191)
Như Phật đã nói trong các kinh, ‘Chánh niệm’ là phương pháp quan trọng nhất trong sự tu tập theo đạo Phật để đi tới giải thoát. Việc tu tập chánh niệm về đối tượng thuộc bốn nhóm (nền tảng) đối tượng được coi là con đường trực chỉ để đi đạt đến sự giác ngộ.
27 Tháng Chín 2015(Xem: 10511)
Trước tiên con xin cảm ơn những chỉ dạy của Thầy. Con đến với thiền thật vô tình, sau khi tập được vài hôm thì cơ thể con phát sinh việc kỳ lạ là nếu không ngồi thiền thì người cứ ngây ngây bắt buộc con phải ngồi thì sẽ mất hiện tượng trên, từ đó đến nay con đã ngồi thiền được 3 năm chủ yếu chỉ là quán niệm hơi thở,